MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

TRẦN QUANG QUÝ VÀ PHONG CÁCH THƠ HIỆN ĐẠI THUẦN VIỆT - Tác giả: Nguyễn Hưng Hải (Phú Thọ)

(Nhà thơ Trần Quang Quý ; Nguồn ảnh: internet)
TRẦN QUANG QUÝ VÀ PHONG CÁCH
THƠ HIỆN ĐẠI THUẦN VIỆT
*
(Tác giả Nguyễn Hưng Hải)
Nói đến phong cách thơ trước hết phải nói đến giọng điệu. Vì có một giọng điệu riêng nên trong thế hệ các nhà thơ trưởng thành sau năm 1975, Trần Quang Quý nổi lên như một gương mặt sáng giá của thi đàn Việt Nam. Dấn thân và trải nghiệm là đặc điểm bao trùm lên toàn bộ quá trình sáng tác của ông. Thơ ông gân guốc và gai góc nhưng là gai góc của hoa hồng. Ông đi tìm hồn chữ, chứ nhất quyết không siêu hình trong bóng chữ.
Là người cùng ở một vùng quê nghèo khó trên mảnh đất cội nguồn dân tộc, đất Tổ Hùng Vương nên tôi biết khá rõ về ông và thơ ông ngay từ khi mới xuất hiện. Từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước bạn đọc ở Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ, Vĩnh Phúc) đã biết đến ông, tìm đọc thơ ông, và nhớ đến ông như một hứa hẹn của tương lai văn học vùng đất Tổ. Ngày đó, tôi đang là sinh viên khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mỗi lần về Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh sau những cuộc “trà dư tửu hậu”, bao giờ cũng không quên nhắc tôi, nên đọc Trần Quang Quý. Ông bảo, đây sẽ là một cây bút sáng giá của thi đàn Việt Nam. Sau cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trần Quang Quý đạt giải Nhì với bài thơ “Nhạc ngựa Lào Cai”, tôi mới gặp ông lần đầu tại Hà Nội. Và trong hội thơ Thanh Xuân ngày đó, ngồi đâu tôi cũng nghe được những lời khen, ám ảnh từ câu thơ “Lào Cai không ngã ngựa một lần” của ông. Cùng hành trình với ông suốt mấy chục năm qua, tôi biết, từ trong sâu thẳm của những nỗi niềm, ông luôn giữ được cái nhìn trong trẻo và xuyên thấu, với con mắt của một đạo sỹ. Cũng như tôi, ông nhanh chóng hòa nhập với dòng chảy của thơ Việt cuối những năm gần như “bao cấp” cả về tư tưởng. Nhưng khác với nhiều cây bút cùng thời, ông không chịu làm “cái đuôi” của thơ chống Mỹ. Ông kết bạn với những Nguyễn Quang Thiều, Lương Ngọc, Trần Quang Đạo…Ông lặng lẽ như người nông dân cày cấy gieo gặt trên “thửa ruộng” của mình, trên cánh đồng của mình và ông đã có được những mùa bội thu trên-cánh-đồng-chữ nghĩa.
Đến với thơ bắt đầu từ năng khiếu, từ bản năng; sau những giải thưởng đầu đời ông đã nhanh chóng khẳng định mình trên thi đàn bằng những giải thưởng đầy uy tín của Hội Nhà văn. Từ bài thơ mới xuất hiện đến bài thơ mới nhất mà tôi đọc được, vẫn là một Trần Quang Quý riết dóng với đổi mới, can dự, vẫn nguyên một giọng điệu nhiều thổ ngữ, một phong cách thơ hiện đại thuần Việt. Xin bắt đầu từ “Viết tặng em trong ngôi nhà chật”, tập thơ đầu tay của ông. Tôi thích tập thơ này bởi những rung cảm còn rất run rẩy, cái nhìn còn rất trong trẻo và đằm thắm. Chưa có nhiều câu chữ cách tân, rích rắc trong cách viết, lối nghĩ nhưng “Viết tặng em trong ngôi nhà chật” lại mở ra thật nhiều biên độ. Trong không gian nhỏ bé, tưởng như ngột ngạt ấy lại mênh mông một cái nhìn, lại có cả bốn phương trời, còn thấm đẫm chất quê, hồn Việt. Ánh sáng trong thơ ông lúc ấy như được bùng lên từ ngọn nến ở Đền Hùng. Thấm đẫm văn hóa cội nguồn, lại được sinh ra từ một làng quê nghèo vùng hạ lưu sông Đà nên “chất quê” trong tập thơ này đã làm ngơ ngác không ít cây bút có tư duy theo kiểu “thị thành”. Không cao đạo, làm duyên, đi tìm cái ngoài mình mà đào sâu vào tâm thức, những rung động đầu đời đã cho Trần Quang Quý những câu thơ như khắc, như chạm vào lòng người. Trên cái nền của truyền thống “Viết tặng em trong ngôi nhà chật” thuần khiết một hồn Việt, đậm đặc hồn cốt xứ sở, đầy hoài niệm tiếc nuối và mặc cảm, vô thức nhưng lại đầy ý thức về sự cần phải bảo vệ văn hóa cội nguồn đang bị giải thiêng.
Với cách nói của người quê nên cách biểu đạt của Trần Quang Quý trong tập thơ này còn rất giản dị, lôi cuốn như cái cách kể chuyện của người làng cười Văn Lang. Sự thảng thốt từ bờ tre, mái rạ, từ con đò sang ngang qua khúc sông Đà… đã mang đến cho người đọc nhiều thi vị. Đó là cái đẹp của tình yêu thương quê hương xứ sở, nơi chôn rau cắt rốn. Như con đò qua lại trên khúc sông quê, Trần Quang Quý trong hai phái đi về luôn ánh lên lửa đèn, tiếng guốc… Từ “Viết tặng em trong ngôi nhà chật” đến “Mắt thẳm” ông có cả khoảng thời gian trên dưới 3 năm để lắng lọc và thanh lọc. Chọn lựa cho mình một hướng đi là khó nhất trong mỗi đời cầm bút. Nếu lạc hướng sẽ lạc đường. Rất may là “Mắt thẳm” đã không rơi vào bao hướng tìm tòi như lúc đó. Trái lại bằng vào tập thơ này, Trần Quang Quý đã xác lập được cho thơ ông một căn cước văn hóa cội nguồn, đầy nhân bản, day dứt và ám ảnh. Xa xót và đồng cảm với những thân phận chốn làng quê, ao tù nước đọng, ông đã cất lên được tiếng lòng của người quê, nói được cái cần nói của những vô danh, những cơ cực cay đắng. Ở tập thơ thư 2 này Trần Quang Quý đã rõ một phong cách, một giọng điệu. Dùng ngôn ngữ biểu tượng, sự thật trong thơ ông bớt đi vẻ trần trụi nhưng đa nghĩa hơn, sâu lắng hơn. Con cò, bờ tre, cái cuốc lúc này đã có linh hồn, thân phận với đầy đủ nỗi niềm tâm trạng. Nếu như “Viết tặng em trong ngôi nhà chật” còn mang nhiều dấu ấn thổ ngữ thì đến “Mắt thẳm” đã là một cuộc canh tân về nghệ thuật. Tư duy bằng biểu tượng là hướng tìm tòi mang dấu ấn thời đại của Trần Quang Qúy. Dấu ấn này ngày càng trở nên đậm đặc ở giai đoạn sau.
Ngỡ như ông sẽ mãi còn “thảng thốt” nhưng đến tập thơ thứ 3, tập “Giấc mơ hình chiếc thớt”, lại là một Trần Quang Quý khác. Trong giấc mơ chứa nhiều ám ảnh về thân phận bị dồn đuổi này, biểu tượng rõ nhất là con cá nằm trên thớt. “Gợi” nhưng dễ ám vào đời. Đã có lần tôi bảo với Trần Quang Quý như thế. Nhưng thơ là thơ. Trong cuộc dịch chuyển này, ông đã mượn đến giấc mơ để bày tỏ tâm trạng mình, tâm trạng thời cuộc. Ngôn ngữ thơ bỗng trở nên sắc lạnh, thi tứ và thi ảnh cũng khác trước. Biểu tượng của giấc mơ hình chiếc thớt khiến chúng ta càng day dứt hơn về sự yếm thế, về sự lạc đường, về những cái chết, những nỗi đời ô trọc và sự băng hoại của đạo đức lối sống. Ở một tầm cao mới của tư duy nghệ thuật, Trần Quang Quý đã làm mới lại ngôn ngữ với rất nhiều biến ảo và thủ pháp chồng mờ của điện ảnh. Ông như con cá đã ra giữa đại dương, muốn quay lại khúc sông quê, không phải là chuyện dễ. Hơn nữa, lại đã bị lưới bủa, nên “Giấc mơ hình chiếc thớt” là một ám ảnh. Có lẽ vì thế mà ông đã luôn đặt ra những giả tưởng, những tình huống để gửi gắm tâm trạng mình, tâm trạng của những thân phận liên tục bị vây bủa, liên tục phải chạy trốn trong hoảng loạn. Có gì đó hơi “rợn”. Bởi sự sắc lạnh của ngôn từ chăng? Hay sự thật của chợ đời là vậy. Thơ không làm nhiệm vụ giải thích. Cũng không phải là người thư ký sao y bản chính. Những gì chúng ta cảm nhận được ở tập thơ thứ 3, tập “Siêu thị mặt” vẫn như các tập thơ trước nhưng đã có thêm rất nhiều cái mới của phép ẩn dụ: “Tự tay mình từng đã vốc lên/ Một gương mặt từ trong chậu rửa”. Ý thức này càng rõ hơn khi Trần Quang Quý viết “Tất cả đã nhào tôi giữa dòng chảy tha nhân/ Tôi trồi lên hay chìm xuống mặt mình/ Tôi nhân nghĩa hay tôi hiểm ác/ Tôi đo bằng cách ném mặt mình vào siêu thị mặt / Hy vọng mỗi ngày giá nhân nghĩa nhích lên”.
Kiểu nói này cũng ít gặp ở những cây bút cùng thế hệ: “Tôi gọi mặt về sau những cuộc đi sông gió trăng đồng cỏ…/ Sau cả những lơ ngơ mặt khắc /Mặt ơi/ Mặt ơi/ Tiếng người chợt thức/ Biết mặt mình không mặt hình nhân”. Có thể cuộc đời nhiều va đập đã khiến Trần Quang Quý bản lĩnh hơn, quyết liệt hơn trong cả thơ và đường đời. Nhưng trên hết và xuyên suốt quá trình cầm bút vẫn là một Trần Quang Quý của những nỗi niềm tâm trạng nhiều trắc ẩn, đau buồn đến phẫn nộ. Chính vì thế mà ông luôn khát tình người, khát vẻ đẹp của nhân cách văn hóa. “Rỗng” và “Khát” trong phạm trù triết luận duy lý mật tập dày đặc trong thơ Trần Quang Quý. Ông thường hay dùng những câu thơ vắt dòng, dài ngắn khác nhau trong tường liên tưởng bắc cầu, trong câu này còn câu khác, cùng ý này còn ý kia...
Có người quả quyết rằng, Trần Quang Quý làm thơ đến “rỗng” đời. Hình như ông đã rút hết cả tâm lực và trí lực cho thơ. Suốt mấy chục năm nay vẫn một giọng đầm đìa hồn quê. Cái đói nghèo rỗng ruột làng quê cứ dày vò, ám ảnh, bám riết lấy ông. Càng xa quê ông càng dành tình cảm cho quê hương nhiều hơn, sâu nặng hơn. Những ngày bươn trải mưu sinh nơi phố phường, gặp gỡ bao mặt người sáng tối, thật có, giả có, cho ông thêm trải nghiệm, chiêm nghiệm về lẽ đời, tình đời. Và ông sợ những thói đời giả dối, những lừa bịp, những bon chen, những chụp giật. Kịp nhận ra và trấn tĩnh trở lại, ông đã “lột” từng cái mặt nạ, chỉ cho chúng ta biết: “Tôi gặp đó đây nhan nhản vô cảm/ Có khuôn mặt một đời biểu diễn/ Có khuôn mặt đau nỗi đau không mặt / Bóng thời gian làm xiếc phận người”.
Thủ pháp dùng ngôn ngữ biểu tượng này thật hữu ích trong việc chuyển tải thông điệp: “Mặt gánh cái tôi/ Mặt của những mặt người / Mặt hình chiếu lộ thiên bản ngã”. Mỗi ngày ra đường lạc cả vào một siêu thị mặt, tìm được lối ra, tìm được đường về đã là vạn phúc. Lắm cả tin nhiều ngờ vực nên ông luôn cảm giác: “Cuộc sống của tôi là sống giữa tầng tầng thế giới mặt / Cuộc bắn phá của mắt / Cuộc cứu vớt của nụ cười / Hay trò chơi giấu mặt…” Vì có cách nghĩ mới, cái nhìn mới, liên tục lật soi các giá trị, lại có giọng thơ hiện đại, liên kết với nhau bằng nhạc điệu, bằng trường liên tưởng nên thơ ông có nhiều sức gợi, nhiều linh cảm dự báo: “Sự tuyên ngôn vĩ đại nhất là im lặng… / …Những cái mặt đồng ca làm vỡ trận cờ”. Trong những tự sự dài hơi, đôi lúc bắt gặp một Trần Quang Quý rất nhiều cật vấn và u uẩn. Tận dụng trùng phức các ẩn dụ để soi chiếu là một thể nghiệm táo bạo của ông. Khi lập thuyết “Tôi không nói bằng cái lưỡi của người khác” là Trần Quang Quý đã tuyên ngôn, không chịu bó mình trong một khuôn phép nào hết. Ngay cả ở trong một bài thơ ông cũng liên tục chuyển đổi sắc độ và nhịp điệu. Ông thích làm một nhà thám hiểm hơn là một người lái đò: “Những gì mềm mại thôi nhường lưỡi / Cả nụ hôn răng cũng nhịn mình / Đến một ngày, những chiếc răng rủ nhau về cõi im / Lưỡi vẫn véo von trong vòm miệng / Nghe hẫng một nỗi buồn rỗng lợi/ Từ thẳm sâu, thảng thốt cổ nhân:/ Lưỡi còn vì lưỡi mềm / Răng rụng vì răng cứng”. Trong bờ khác của tư duy, ông đã cảnh báo cho cả thế hệ: “Trái tim đa mang những số phận ngoài mình / Những số phận quẫy đạp lổn nhổn hiện thực / Thương những cặp môi / Rã mép bên đường / Xác ngụy biện bạc mồ giấy trắng”.
Ông đứng ra bênh vực cho lẽ phải, cho cái đẹp còn bị hiểu sai, bị vùi dập. Trong “Màu tự do của đất", tập thơ mới nhất của ông, khát vọng tự do được đẩy lên thành cao trào. Cũng vẫn một lối ẩn dụ như các tập thơ trước nhưng ở tập thơ này bao nhiêu cái sự “rỗng”, bao nhiêu cái “khát” như được cô đặc lại, nghe thảm một nỗi buồn nhân thế. Bút pháp vẫn như xưa nhưng câu chữ dồn nén hơn, thâm trầm và sâu sắc hơn. Tôi như nghe được tất cả nỗi niềm từ tâm trạng: “Trung du / Thì đấy là xứ sở/ Tôi sinh ra bằng thịt da người/… Thì đấy là xứ sở/ Phiêu lãng chi lòng lại về nguồn”. Tỉnh thức này là cần thiết, bởi chỉ có trở về nơi nguồn cội, gốc gác mới có thể có thêm năng lượng để mà đi xa hơn, để tiếp tục cuộc hành trình hòa nhập vào dòng chảy của văn học thế giới. Có người bảo thơ Trần Quang Quý nghiêng mạnh về phía buồn đau nhưng tôi thì lại cho rằng, thơ ông là thơ của một con chim sơn ca bị nhốt trong lồng nhưng không mất giọng.
Cũng như nhiều tên tuổi khác cùng thế hệ, Trần Quang Quý đã xác lập được căn cước cho thơ mình, trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà văn trưởng thành sau năm 1975. Những đóng góp của ông đã đánh một dấu mốc quan trọng vào tiến trình đổi mới của thơ Việt với một phong cách độc đáo, hiện đại./.
*
Mời thưởng thức bài thơ GIẤC MƠ HÌNH CHIẾC THỚT của Trần Quang Quý
do nhà thơ Trần Quang Quý đọc tặng thi hữu ngày 15.10.2017:

*
Tiên Cát, Việt Trì ngày 10/03/2016
NGUYỄN HƯNG HẢI
Địa chỉ: Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ
Số nhà 176, Mai Sơn, Tiên Cát, Việt Trì.
Điện thoại: 0168 4949 459                                .








…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật t email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn gửi ngày 10.07.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét