MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

LỄ TẠ MỘ CUỐI NĂM - Tác giả: Trần Tiến (Hà Nội)


LỄ TẠ MỘ CUỐI NĂM
*

(Tác giả Trần Tiến)
Việc lễ tạ mộ phần vào dịp cuối năm là một nghi thức để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thảo, tri ân các bậc tiền nhân. Nhiều gia đình thường kết hợp lễ tại mộ cuối năm cùng lễ mời ông bà tổ tiên về ăn Tết, phù hộ độ trì cho con cháu một năm mới an lành, mạnh khỏe.
Thời gian tạ mộ thường là từ sau lễ Táo quân chầu Trời, kéo dài tới 30 tháng chạp âm lịch, để kết hợp mời ông bà về ăn Tết.
Công việc trong lễ tạ mộ là dọn dẹp cho phong quang, thoáng đáng mộ phần của người đã mất. Hoặc có thể đắp lại nấm cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại, cây hoang mọc trùm lên mộ, để giảm bớt rắn, chuột đào hang, làm tổ.
Theo sách Táng Kinh, khi tạ mộ cần quan sát phần mộ, nếu thấy có những điều sau thì cần cải tạo sớm. Tuy không có căn cứ khoa học nào chứng minh, nhưng việc làm này cũng có thể coi như sự củng cố niềm tin và thanh thản:
- Mộ phần ở nơi trũng, thấp mà vô cớ nứt nẻ, bát hương vỡ nứt.
- Trong nhà có nam/ nữ hay gây điều tiếng; nhà có con cái ngỗ nghịch, hay ăn phải đồ độc, mắc bệnh điên cuồng, kiếp hại, hình trường.
- Nhân khẩu bất an, sự nghiệp thất bại, gia sản hao hụt.
- Mộ táng tại bát diệu sát, thủy khẩu chảy từ hoàng tuyền thủy (đại ý là nước chảy vào phần mộ).
Sắm lễ tạ mộ
Phần sắm lễ tạ mộ tùy theo điều kiện, lòng thành của gia chủ. Song thường có những vật cúng cơ bản:

Những đồ chuẩn bị để ra cúng tại phần mộ:
- Hương thơm
- Hoa tươi (hoa hồng đỏ) 10 bông
- Trầu 3 lá, Cau 3 quả cành dài đẹp
- 1 đĩa trái cây
- 1 đĩa xôi trắng
- 1 con gà luộc nguyên con hoặc 1 chân giò lợn 
- 1 chai rượu trắng + Chén rượu 5 cái
- 5 lon bia + 1 bao thuốc lá + 1 gói chè
- 2 nến màu đỏ dùng để thắp khi làm lễ
Tùy theo vong linh là nam, phụ, lão, ấu, mà có áo quần tương ứng dâng tiến. Ngoài ra có tiền âm phủ các loại kèm theo, tiền xu, vàng lá….mỗi thứ ít nhiều.
Nếu phần mộ nhỏ thì phải thêm bàn bày lễ sao cho phù hợp.

Những đồ chuẩn bị để ra cúng tại nơi thờ Thần Linh:
Là trình bày ở nơi thờ Thần linh Thổ địa.
- 1 cây vàng hoa đỏ hoặc 1 cây đại thiếc
- 5 con ngựa 5 màu cùng 5 bộ mũ, áo, hia, và cờ lệnh, kiếm, roi.
- Mỗi ngựa trên lưng có 10 lễ vàng tiền (một lễ gồm có tiền xu, vàng lá, tiền âm phủ các loại..)
Có 4 đĩa để tiền vàng riêng như sau: 
- 1 đĩa để 3 đinh vàng lá, 1 đinh xu tiền
- 1 đĩa có 1 đinh vàng lá, 7 đinh xu tiền
- 1 đĩa có 9 đinh vàng lá, 1 đinh xu tiền
- 1 đĩa có 1 đinh xu tiền
Ngoài ra tùy theo phong tục tập quán ở mỗi nơi mà có sự gia giảm điều chỉnh thích ứng.
Bài văn khấn tạ mộ phần:
Nam Mô A Di Đà Phật
Con kính lạy: 
- Quan đương xứ thổ địa chính thần
- Thổ địa Ngũ phương Long mạch Tôn thần, 
- Tiền thần Chu Tước, Hậu thần Huyền Vũ, Tả thần Thanh Long, Hữu thần Bạch Hổ
- Liệt vị Tôn thần cai quản ở xứ này.
Con kính lạy vong linh ..........
Hôm nay là ngày…tháng…năm…, nhằm tiết ….. 
Chúng con là:...............
Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần về việc lễ tạ mộ phần. 
Nguyên có vong linh thân nhân của gia đình chúng con là:……….hiện phần mộ an táng ở nơi này. Đội ơn Chư vị Tôn thần che chở, ban ân, vong linh được yên ổn vui tươi nơi chín suối. Lại nhờ có duyên lành, gia đình chúng con được vong linh thường về ghé thăm, linh ứng giúp chỉ dẫn các công các việc được đầu xuôi đuôi lọt, nhờ thế toàn gia được an ninh khang thái, từng bước tiến bộ. 
Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mộ những mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức. 
Cúi mong vong linh chấp kỳ lễ bạc, lời kêu tiếng khấn, tờ đơn cánh sớ, tùy phương ứng biến, độ trì toàn gia, từ trẻ tới già, luôn được vui tươi, mạnh khỏe. 
Chúng con dâng biếu vong linh tài mã gồm : ….( đọc tên các đồ mã dâng cho vong) 
Âm dương cách trở, bát nước nén hương, giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Điều quan trọng trong việc tạ mộ là thể hiện lòng quý kính, tưởng nhớ người đã khuất, và nguyện làm những điều thiện lành, hồi hướng công đức cho người quá cố chứ không phải để cầu xin lộc tài cho người còn sống.
*
Mời thư giãn với nhạc phẩm TÂM SỰ NÀNG XUÂN
của Hoài Linh qua tiếng hát Như Quỳnh:
*.
TRẦN TIẾN
Địa chỉ: Nhà 6, ngách 20, ngõ 107, phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Email: trantienkv20@gmail.com
.

.





  ...................................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.01.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

2 nhận xét:

  1. Làng tôi có lệ tảo mộ vào ngày 20 tháng Chạp hàng năm.
    Sáng sớm ngày 20 tháng Chạp, toàn bộ đàn ông bất kể lớn bé già trẻ trong họ đều tụ tập tại nhà ông trưởng họ. Ông trưởng họ làm lễ tổ để cáo yết tổ tiên. Tất cả những gia đình nào trong năm qua sinh được con trai thì đều phải có lễ “vọng họ”, cáo yết với tổ tiên nhà thêm đinh thêm phúc. Ông trưởng họ thắp hương, rồi kính cẩn mở cuốn gia phả để giảng giải cho các thành viên trong họ biết về cội nguồn, ngành trên, ngành dưới, biết về công đức của các vị tổ tiên. Sau đó, ông trưởng họ ghi tên đứa bé vào gia phả. Cuốn gia phả của dòng họ chỉ mở duy nhất trong ngày này, trước sự chứng kiến của cả dòng họ.
    Sau vài tuần hương tất cả kéo nhau ra đồng, đến từng ngôi mộ của tổ tiên. Những người được đi chạp(tảo mộ) đều là đàn ông trong họ. Các bà, các chị không được phép đi chạp. Trai tráng thì đắp lại mộ cho thêm cao, lấp những hang chuột và dãy bỏ chút cỏ trên đỉnh ngôi mộ rồi lấy một ít đất mới đắp lên. Ông trưởng họ bắt đầu đặt cơi trầu lên ngôi mộ và thắp hương khấn vái cáo yết với tổ tiên. Đoạn, ông giảng giải về công đức của tổ tiên, về vị tổ nằm dưới mộ thuộc chi nào nhành nào sinh ra cụ nào… Con cháu trong họ lắng nghe và ghi nhớ.
    Hết ngôi mộ này thì đến ngôi mộ khác. Có những ngôi mộ bé xinh của những người chết trẻ, phải chôn vào góc bờ hoặc sát bờ ruộng cũng được cắm hương tưởng nhớ.
    Vào ngày này, khắp những quả đồi ở Đường Lâm đều đông nghịt người của các dòng họ. Thường con cháu đi làm ăn xa cũng đều gắng thu xếp về để tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên. Dòng họ nào đông đàn dài lũ, lại có nhiều người làm việc ở tỉnh về thì rất tự hào!
    Đi khắp lượt các ngôi mộ cũng là lúc trời đã trưa. Khi ấy các chú bé chân đã mỏi, bèn được bố hoặc chú, hoặc ông cõng trên lưng, nhong nhong như cưỡi ngựa. Trưa, các họ mới chia nhau về các ông trưởng chi để ăn chạp. Nhà nào được làm cỗ chạp cho chi nhành mình thì gọi là sửa chạp. Các bà các chị cứ nhất nhất theo lệnh các ông mà mua sắm làm cỗ, không dám kêu ca một nửa lời!
    Sau ngày chạp họ, sửa sang mồ mả cho ông bà tiên tổ, mọi nhà mới bắt đầu sắm sanh cho Tết lớn. “Sống về mồ mả chứ ai sống về cả bát cơm”. Ngày 20 tháng Chạp là ngày diễn ra nghi thức lớn nhất của các dòng họ ở đây, để tưởng nhớ tổ tiên, để kiếm điểm xem trong họ đã sinh được bao nhiêu bé trai nối dõi tông đường. Anh em họ mạc ăn với nhau bữa cơm nội tộc với tình máu mủ ruột già!
    Với người dân làng tôi, chỉ sau ngày Chạp họ mới bắt đầu những ngày sắm Tết, và chỉ có thể sắm Tết sau khi đã làm tròn bổn phận tưởng nhớ tổ tiên.

    Trả lờiXóa