MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

47 VẬT HOÁ SÁT, CHIÊU TÀI TRONG PHONG THỦY THƯỜNG GẶP - Tác giả: Đoàn Mạnh Thế (Hà Nội)

(Nguồn ảnh: internet)

47 VẬT HOÁ SÁT, CHIÊU TÀI
TRONG PHONG THỦY THƯỜNG GẶP
*
(Tác giả Đoàn Mạnh Thế)
Xin giới thiệu với bạn đọc trang Đặng Xuân Xuyến 47 vật hóa sát, chiêu tài trong phong thủy thường gặp:

1/ TIỀN ÁP TUẾ
(còn gọi là Tiền Thái tuế)
Đây là đồng tiền xưa bằng đồng, ngoài tròn tượng trưng cho trời, giửa có lỗ vuông nhỏ tượng trưng cho đất, một mặt có in hình Bát Quái, một mặt có in hình Thập Nhị Địa Chi.
Thường dùng để Hoá giải cho những ai có hướng nhà phạm Thái Thuế hay Tuế Phá, hoặc tuổi mình năm đó phạm Thái Tuế hay Tuế Phá.
Cách dùng: Lấy dây ruy băng đỏ hay chỉ đỏ cột và treo ở vị trí mình thường thấy, hoặc bỏ trong ví, treo trước cửa chính. Đừng ngại dây đỏ là Hoả khắc Kim, vì màu đỏ là tượng trưng cho năng lượng Dương mạnh nhất trong các màu, nên nó sẽ kích hoạt tính Dương cho Vật khí phong thủy rất hiệu nghiệm.

2/ KỲ LÂN
Thời xưa, Kỳ Lân được coi là một trong Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Nó tác dụng Chiêu Tài, Nạp Khí lẫn Hoá Sát, công dụng rất rộng.
Những trường hợp Hoá Sát thường dùng Kỳ Lân như: Thương Sát hơi lớn như đại lộ, Bạch Hổ Sát, Thiên Trảm Sát lớn như khe hở giửa 2 toà nhà cao tầng đối diện, Hoạch Hình Sát.
Còn 1 loại Kỳ Lân có phía trên lưng giở lên được, chuyên dùng bỏ trong két sắt để Thâu Hút Tài Lộc.

3/ NGỰA ĐỒNG
Tính chất của ngựa là bôn ba đây đó, chủ động. Vì vậy khi dùng để kích hoạt thì thích hợp với những người làm nghề đi đây đó nhiều (người tuổi Tý không nên dùng), hoặc chuyển đổi chỗ làm (trường hợp này thường dùng Phi Mã - Ngựa có 2 cánh 2 bên thân - hiệu lực sẽ nhanh hơn).
Ngoài ra, Ngựa còn được dùng trong phong thủy với tác dụng kích hoạt việc bán nhà nhanh.
Khi Hoá Sát thì Ngựa đồng thường dùng cho các trường hợp: Liêm Đao Sát, Thiên Trảm Sát.

4/ HỒ LÔ
Có 2 loại Hồ Lô là hồ lô gỗ và hồ lô đồng. Công dụng chính là hóa giải bệnh tật. Khi nhà có người bệnh lâu ngày, thì Hồ Lô gỗ có hiệu lực mạnh hơn Hồ Lô đồng, nhưng phải treo 3 cái.
Ngoài khả năng hóa giải tật bệnh ra, Hồ Lô còn thường được dùng để Hoá Sát:
- Hồ Lô gỗ: Độc Âm Sát, Cô Dương Sát.
- Hồ lô đồng: Cô Phong Sát, Xuyên Tâm Sát, Thanh Sát.
Ngoài ra, Hồ Lô đồng còn có 1 công dụng mà ít ai để ý đó là giúp tình cảm vợ chồng đằm thắm thêm.
Khi Hồ Lô đồng kết hợp với tiền đồng Chiêu Tài Tiến Bảo, gọi là Hồ Lô Vận Tài sẽ có công năng như 1 Hồ Lô thâu hút Tài Lộc.

5/ MINH CHÚ HỒ LÔ
Minh chú chính là Lục Tự Đại Minh Chú được khắc trên thân Hồ Lô hoặc khắc trên 1 miếng Mạn Đà La treo chung với Hồ Lô. Nó có nhiều chất liệu, nhưng loại tốt nhất chính là Lục Ngọc, kế đến là bằng Bạch Ngọc, rồi đến Thạch Anh. Do Hồ Lô lẫn Lục Ngọc đều có công năng trừ bách bệnh, nên tính năng đầu tiên của nó là dùng cho những trường hợp bệnh lâu năm không khỏi, nhất là có người già trong nhà thì treo nó trong phòng rất tốt cho sức khoẻ.
Minh Chú Hồ Lô có công năng Hoá Sát rất mạnh, nó thường được dùng trong các trường hợp: Phản Quang Sát, Cô Phong sát, Bạch Hổ Sát, Pháo Đài Sát, Khai Khẩu Sát, Cô Dương sát, Độc Âm Sát, Thích Diện Sát, Đỉnh Tâm Sát. Và thường những trường hợp các Hình Sát này mạnh mới cần sự hỗ trợ của Minh Chú Hồ Lô, bởi những Hình Sát mạnh thì vật chuyên Hoá sát nó cũng không đủ lực nếu chỉ đặt 1 mình. 

6/. NGŨ ĐẾ MINH CHÚ
Minh Chú cũng là Lục Tự Đại Minh Chú. Khi đi kèm chung với Tiền cổ Ngũ Đế thì công năng Hoá Sát của nó cũng rất hay. Thường thì Minh Chú trong trường hợp này được khắc trên Bạch Ngọc.
Những người làm nghề chính đáng mà gặp rắc rối với pháp luật mãi thì có thể treo nó ở cửa sau nhà, hoặc nơi làm việc có thể yên ngay.
Những nhà mà suy khí không tan dù đã tẩy uế trược nhiều lần, tác động phong thủy vẫn vậy thì có thể treo nó để hoá giải.
Ngoài ra, nó còn được dùng trong các trường hợp Hình Sát: Phản Quang Sát mạnh, Liêm Đao Sát, Bạch Hổ Sát nhẹ, Xuyên Tâm Sát, Cân Trời Xung Xạ Sát, Liêm Trinh Sát, Đỉnh Tâm Sát.

7/. LONG QUY
Đây là 1 loại Linh Thú ghép từ Long và Quy trong Tứ Linh, có hình dáng 1 con Rùa với đầu Rồng. Nó mang tính dũng mãnh của Rồng, và tính chịu đựng bền bĩ của Rùa, hơn nữa cả 2 loại Linh thú này đều hợp với Thuỷ, nên tính nó cũng hợp Thuỷ. Đây là Vật Hoá Sát chuyên trị...Đại Hung Tinh Tam Sát. Người xưa nói muốn nhanh phát phải đấu Tam Sát, ngoài việc dùng năm tháng ngày giờ đấu Tam Sát còn có ý nghĩa này, dùng vật trấn để xây dựng nơi phạm Tam Sát.
Còn 1 loại Long Quy nữa chuyên dùng để kích hoạt Tài Lộc đó là Long Quy với phần mu rùa bên trên giở ra được. Loại này chuyên dùng bỏ trong két sắt, tủ tiền để Thâu Hút Tài Lộc.

8/. CHUÔNG GIÓ KỲ LÂN
Là 1 loại chuông gió để bàn, tủ không phải loại chuông gió để treo. Nó có 1 chân đế tròn với những thanh đồng xuống, thanh đồng ở giữa để chạm vào phát ra tiếng leng keng có hình 1 con Kỳ Lân hay Tỳ Hưu ở giữa, nhưng thường thì người ta làm Kỳ Lân nên mới gọi là Chuông gió Kỳ Lân. Do có nhiều nơi có địa thế, hình thù đặc trưng không thể treo chuông gió người ta mới dùng loại này, ngoài những tính năng thông thường của Chuông gió ra, nó còn có Lực Hoá Sát khá mạnh và tác dụng Chiêu Tài.
Nếu là Thương Sát mà dùng Chuông gió Kỳ Lân thì nên đặt ở góc trái phía trên cửa; 2 cửa sổ đối diện nhau mà nhà kia đông người hơn, người ta cũng dùng nó để chận Tài Khí không trôi sang nhà kia.
Chuông gió Kỳ Lân hoá giải: Thương Sát, Pháo Đài Sát.

9/. TIỀN MAI HOA
Đây là đồng tiền có 5 cánh trồi ra ngoài giống hệt như 1 đoá hoa mai nở rộ. Công dụng: ngừa kẻ tiểu nhân và Thăng quan tiến chức.

10/. BÁT QUÁI ĐẠI VƯƠNG MINH CHÚ
Đây là sự tổng hợp của 2 loại Bát Quái và Đại Vương Minh Chú, công năng Hoá Sát của nó có thể nói là chuyên dùng cho những Hình Sát mạnh, khó trị. Bởi ngoài tính năng Bát Quái ra, nó còn được kết hợp thêm uy lực của Đại Vương Minh Chú của Phật Pháp.
Có 2 loại: Hậu Thiên và Tiên Thiên. Loại Hậu Thiên dùng cho nhà nào vừa có Hình Sát vừa muốn chuyển hướng. Loại Tiên Thiên chỉ chuyên dùng Hoá Sát.
Gần như những Hình Sát lớn, ngoài vật chuyên trị theo cách thông thường ra, nếu kết hợp với nó thì uy lực tăng lên không thể nghĩ bàn vậy.

11/. CHUÔNG LA BÀN BÁT QUÁI
Là loại chuông treo có in hình Bát Quái bên thân, không giống hình dạng như chuông gió ta thường thấy, mà có hình dạng y như các quả chuông của các nhà thờ với 1 hình khối trụ chụp xuống và 1 thanh giữa có gắn quả bi tròn, khi có gió lắc nó sẽ chạm vào bên trong thành chuông, làm phát tán năng lượng Bát Quái bên ngoài.
Công năng Hoá Sát của nó mạnh hơn bất kỳ con thú nào. Nhưng nếu là chuông nhỏ thì không đủ lực hoá giải Hình Sát lớn.
Thường thì đi kèm với Chuông La Bàn Bát Quái là bên thành chuông có khắc hình tượng Quán Thế Âm Bồ Tát hay là bài Đại Bi Chú. 

12/.TIỀN CỔ LỤC ĐẾ
Là loại tiền giả cổ ngoài tròn giửa có lỗ vuông, thuộc năm triểu đại thịnh vường của nhà Thanh: Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang.
Trong phong thủy, Tiền Lục Đế thường được dùng để Hóa Sát trong các trường hợp: Phản Quang Sát, Liêm Đao Sát, Bạch Hổ Sát, Thiên Trảm Sát, Xuyên Tâm Sát, Pháo Đài Sát, Khai Khẩu Sát, Cân Trời Xung Xạ Sát, Phản Cung Sát, Liêm Trinh Sát, Đỉnh Tâm Sát. Trong Phong Thủy Huyền Không thì Tiền Lục Đế thường dùng để Hóa Giải các sao Ngũ Hoàng, Nhị Hắc.

13/.MINH CHÚ QUAN ÂM
Lục Tự Đại Minh Chú của Đức Quán Thế Âm có thể hàng yêu phục ma, giải trừ xui rủi, giảm tai họa đến nhà, thúc đẩy tài vận và giữ bình an.
Công cụ này thường dùng cho người làm việc ở nơi vui nhộn, hay ở nơi công việc phức tạp, và thích hợp nhất với nữ giới. Do có hình tượng Quán Thế Âm nên thường mang tính giống vật trang sức đeo bên người, sẽ không có cảm giác đeo vật phong thủy 1 cách lộ liễu như các vật khác.

14/. KỲ HƯU
(còn gọi là Tỳ Hưu)
Có 2 loại: Kỳ Hưu thì có 1 sừng chuyên Chiêu Tài, Nạp Bảo. Còn Tịch Tà thì có 2 sừng chuyên Trấn Trạch. Hình dáng bên ngoài chúng thì giống nhau, duy chỉ khác con 1 sừng, con 2 sừng thôi.
Với Kỳ Hưu thì những ai có thu nhập xốc nổi, hay kiếm tiền bằng mẹo vặt thì rất thích hợp đặt nó.

15/. GƯƠNG BÁT QUÁI
Gương Bát Quái có rất nhiều loại: Gương Bát Quái phẳng, gương Bát Quái lồi, gương bát Quái lõm, những loại này thường bằng gỗ và kiếng. Gương Bát Quái Hổ phù, gương Bát Quái Trấn Trạch, gương Bát Quái Chuẩn Đề, gương Bát Quái Đại Đế, những loại này bằng đồng.
- Gương Bát Quái phẳng và lồi thường dùng để Hóa Giải các trường hợp Thương Sát, Hỏa Hình Sát, Đỉnh Tâm Sát, Tam Xoa Sát. Nhưng tùy trường hợp mà sử dụng loại nào (vì Hình Sát nhỏ không nên dùng gương Bát Quái lồi) và thêm những công cụ khác trên gương.
- Gương Bát Quái lõm thường dùng để Hóa Giải các trường hợp cầu thang đổ ra đường, nhà nhìn từ cửa trước thông thẳng ra cửa sau. Và gương Bát Quái lõm là loại có thể treo trong nhà.
- Gương Bát Quái Hổ phù thường dùng để Hóa Giải Ngũ Hoàng Sát, Tam Xoa Sát, Thương sát, Đỉnh Tâm Sát, Thích Diện Sát.
- Gương Bát Quái Trấn Trạch là loại gương Bát Quái đồng, 1 mặt có in hình Bát Quái, mặt kia là 1 Phù Trấn Trạch với 2 thanh thư hùng Thất Tinh Kiếm. Ngoài các công năng Hóa Giải như gương Bát Quái thường ra, nó thường dùng cho trường hợp nhà đối diện các nhà tang lễ, trại giam, bệnh viện, nghĩa trang...nói chung là những nơi có sự chết chóc.
- Gương Bát Quái Chuẩn Đề là loại gương Bát Quái đồng, 1 mặt in hình Phật Chuẩn Đề với 18 tay cầm 18 món Pháp khí, mặt kia là vòng tròn Bát Quái cộng với bài chú Chuẩn Đề. Đây đúng ra là Pháp Khí Hóa Giải của Phong Thủy Mật Tông Tây Tạng, công năng của nó rất mạnh. Ngoài những tính năng đặc biệt như gương Bát Quái Trấn Trạch ở trên, nó còn dùng cho trường hợp nhà ở mà trước đây chủ trước xài Lỗ Ban nuôi "binh", hoặc nhà có Âm binh khuấy phá. Đây là loại gương Bát Quái đồng có thể treo trong nhà.
- Gương Bát Quái Đại Đế là loại gương Bát Quái đồng, 1 mặt có in hình Vô Cực Đại Thiên Tôn (chính là Ngọc Hoàng Đại Đế) với Phù Trấn Trạch, mặt kia in hình Bát Quái. Gương này ngoài những công năng đặc biệt bên trên của các gương kia còn có sức Hóa Giải các hình tượng Thập Tự Giá khổng lồ đối diện nhà, các nhà đối diện treo gương có hình Tử Vi Đại Đế cưỡi trên Kỳ Lân cầm gương Bát Quái chiếu sang nhà mình.
Guơng Bát Quái thường có 2 loại Tiên Thiên và Hậu Thiên. Hóa Sát dùng Tiên Thiên, Xoay chuyển hướng dùng Hậu Thiên. 

16/.VẬN TÀI ĐỒNG TỬ
Vận Tài Đồng Tử chính là Thiện Tài Đồng Tử bên cạnh Quán Thế Âm Bồ Tát, chuyên biến hiện ra rất nhiều tiền bạc, của cải giúp đỡ cho người nghèo. Nên sau này người ta dùng hình tượng của Thiện Tài Đồng Tử như 1 vị Thần chuyên đem Tài Lộc đến, thành thử mới có tên Vận Tài là vậy.
Vận Tài Đồng Tử trong phong thủy có nhiều hình dạng khác nhau: tượng 1 đồng tử gánh 2 gánh vàng, tượng 2 đồng tử đang đẩy xe vàng(cái này có nơi còn gọi là Thôi Xa Tiến Bảo), tượng 2 đồng tử đang quay cối xay... tiền, tượng đồng tử đạp trên lưng con sư tử tay cầm Hốt Như Ý...v..v..rất nhiều. Nhưng tựu trung tất cả mục đích giống như nhau là Chiêu Tài Tiến Bảo.
Ngoài ra, Vận Tài Đồng Tử còn dùng trong 1 vài trường hợp Hóa Sát (thường đi kèm với thứ khác) như: Phản Cung Sát, Pháo Đài Sát.
Đặc biệt, Vận Tài Đồng Tử rất thích hợp với nhà toàn nam giới chưa kết hôn.

17/.MÃ THƯỢNG PHONG HẦU
Vật khí này có thể là 1 bức tranh, hoặc là miếng ngọc bội hay là tượng bằng đồng hình con khỉ cưỡi trên con ngựa. Với câu chữ hiểu theo nghĩa đen là "con khỉ cưỡi trên con ngựa", có nghĩa là “phong hầu lập tức”. Vật Khí này rất thích hợp cho người làm nhân viên nhà nước.

18/.THÁI SƠN THẠCH CẢM ĐƯƠNG
Theo truyền thuyết thì ngày xưa ở núi Thái có 1 vị đạo sĩ tên Thạch Cảm Đương, ông nhờ tài giỏi đã đánh đuổi được yêu quái chuyên quấy nhiễu các khuê nữ, nên người ta mới dùng tên ông khắc vào đá để trấn yêu, trừ tà.
Vật khí này thường có những dạng: 1 miếng đống khắc 5 chữ đó và thêm 1 đầu Hổ(thường thấy nhất là dạng trên gương Bát Quái đồng), 1 con Long Quy chở trên lưng tấm bia khắc 5 chữ này, 2 con Kỳ Lân ngồi trấn 2 bên bảo vệ 1 tấm bia khắc 5 chữ này( thường thấy nhất).
Ngoài việc trừ tà ma vào nhà khuấy phá, Vật Khí này còn được dùng để trấn Thương Sát lớn (giống như đồ vật chưng trên tủ hướng ra cửa, không phải treo Bát Quái, cho những ai ngại treo Bát Quái), Thiên Kiều Sát.

19/.CÓC 3 CHÂN VÀ LƯU HẢI TIÊN NHÂN
Theo truyền thuyết đây là 1 con yêu quái, được Tiên nhân Lưu Hải thâu dụng, và ông cũng được liệt vào trong 1 số các vị Tiên mang tài lộc đến cho dân gian. Thường thấy nhất là hình tượng cóc 3 chân dẫm lên trên các đồng tiền, cũng có loại cóc 3 chân ngồi trên 1 đế Bát Quái có tấm liễn Tài Nguyên Quảng Tấn phía trước, có loại bằng bột đá, có loại bằng đồng. Nhưng bằng đồng là hay nhất, vì khi đặt nó ở Tài Vị sẽ thích hơn.
Bởi trong trang thờ Thần Tài Thổ Địa thường phải đầy đủ Ngũ Hành, mà cóc 3 chân bằng đồng là mang hành Kim rồi.
Lưu Hải Tiên Nhân là vị tiên thu phục cóc 3 chân. Hình tượng của ông là 1 vị Tiên 1 tay cầm sợi dây trói con cóc 3 chân, mà dây này đầu kia là 1 xâu tiền. Còn 1 hình tượng khác của ông là cầm Pháp khí, dùng để trừ tà, nhưng sau lưng ông cũng có 1 xâu tiền hàm ý Chiêu Tài.
Cóc 3 chân và tượng Lưu Hải Tiên Nhân thường đặt ở phương Tài Vị trong nhà. Cóc 3 chân còn thường được đặt trong trang thờ Thần Tài Thổ Địa với mặt cóc quay vào. Ngoài ra, cóc 3 chân còn được đặt ở cá góc xó trong nhà, vì bản chất của cóc thích ở các góc là 1, ở các xó góc trong nhà (đầu quay vào) còn mang hàm ý cóc đem của cải vào giấu trong nhà mình là 2.

20/.THUYỀN CHỞ VÀNG
Là 1 chiếc thuyền buồm trên chất đầy thỏi vàng, để quay mũi tàu vào nhà, trên cánh buồm viết 4 chữ Nhất Phàm Phong Thuận (1 chiếc thuyền buồm thuận gió) hay 4 chữ Tiền Trình Dĩ Cẩm (tương lai đẹp như gấm). Có thể là loại thuyền buồm bằng gỗ, có thể là loại bằng đồng.
Vật này mang hàm ý như có 1 chiếc tàu chở đầy vàng chạy vào nhà, vào nơi làm ăn của mình, đem lại lợi lộc, của cải. 

21/. THỦY TINH CẦU
Thủy tinh cầu, còn gọi là Thạch Anh cầu, trước đây vốn dĩ là 1 loại chuyên dùng cho các vị tu theo phái Mật Tông Tây Tạng, dùng để trợ cho các vị ấy pháp tu viên mãn. Có hình dạng 1 quả cầu tròn, có thể làm bằng Pha Lê, có thể làm bằng Thạch Anh. Trong phong thủy, Thủy tinh cầu cầu dùng để tăng cường năng lượng. Cần tìm phương vị tốt thích hợp mà đặt Thủy tinh cầu, vì nếu đặt vào nơi xấu Thủy tinh cầu cũng sẽ thúc đẩy cái xấu luôn. Các quả Thủy tinh cầu năng lượng phát ra không bằng Thạch Anh cầu, và trong các loại thì Thạch Anh Tím phát ra năng lượng mạnh nhất.

22/. NIÊN NIÊN HỮU DƯ
Đây là bức tranh vẽ hình cá (thường là 8 con đỏ và 1 con đen) và hoa sen, trên viết 4 chữ Niên Niên Hữu Thực. Nhiều người giải thích cho rằng hoa sen (liên) hàm ý liên tục, cá là biểu tượng tài lộc trong phong thủy, và gán ghép thành ý "tài lộc liên tục".
Nhưng thực ra đây là câu thành ngữ xuất phát từ vùng núi Trung Quốc. Vốn dĩ ngày xưa vùng núi không gần sông biển, nên cá rất mắc, chỉ những nhà giàu có mới có tiền ăn. Cho nên người ta vẽ tranh cá và đề trên đó 4 chữ Niên Niên Hữu Thực (hàm ý "năm năm đều có cá mà ăn", ngụ ý ước mơ được giàu có) mà cầu mong được
Dư dả để có cá ăn quanh năm suốt tháng. Lâu dần trở thành biểu tượng phong thủy. Và hoa sen chính là cái vẽ thêm sau này, vì hoa sen có lá thuộc dạng hình phễu, là 1 loại hút sóng rất mạnh, thêm vào để Thu Hút sự mong cầu của mình đến nhanh. Ngoài ra, sen còn là biểu tượng của sự an lành.
Cho nên tranh Niên Niên Hữu Dư là biểu tượng để kích hoạt Tài Lộc trong phong thủy.

25/. TRÚC BÁO BÌNH AN
Bình trong Phong Thủy là biểu tượng của Bình An. Cho nên nếu các bạn xem phim Trung Quốc luôn thấy người ta chưng rất nhiều bình trong nhà là vậy.
Trúc vừa tượng trưng cho người quân tử, vừa là biểu tượng, Bình An, Thịnh Vượng. Nên ngày xưa người ta hay trồng trúc quanh nhà là thế, vừa lấy bóng mát, giữ đất, vừa mong cầu bình an, sung túc.
Trúc Báo Bình An chính là dùng 1 cái bình đẹp cắm biểu tượng cây trúc vào đó. Đây là biểu tượng của Bình An và Thịnh Vượng.

26/. LONG Mà
Đây cũng là 1 loại thú ghép giửa Long và Mã (rồng và ngựa). Long có tính biến hóa, uyển chuyển; Mã có tính dũng mãnh, khôn ngoan; nên Long Mã là sự kết hợp tuyệt vời. Nó thích hợp với những người làm cơ quan nhà nước, ở vai trò lãnh đạo. Trong Phong Thủy, Long Mã ngoài việc dùng tạo uy quyền cho lãnh đạo, còn chuyên hóa giải Tam Sát như Long Quy. Long Quy thì mang tính chịu đựng, còn Long Mã mang tính đấu tranh.

27/. HỒ LÔ BÁT TIÊN
Là hồ lô đồng có hình tượng Bát Tiên xung quanh thân hồ lô _mỗi vị cầm 1 món binh khí của mình.
Bát Tiên là 8 vị Tiên trong truyền thuyết Trung Quốc (Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa, Trương Quả Lão, Hớn Chung Ly, Lý Thiết Quài, Lã Đồng Tân, Tào Quốc Cữu, Hàn Tương Tử), tài phép vô song, chuyên Trảm yêu Trừ ma, tạo phúc bá tánh. Trong Phong Thủy, 8 vị Bát Tiên này tượng trưng cho sự trấn giữ 8 hướng, cho nên bày trí Bát Tiên trong nhà dù dưới hình thức nào (tranh, tượng, hồ lô Bát Tiên, dĩa Bát Tiên...) cũng mang lại sự tốt lành cả.
Hồ lô có tính Hút, nên việc dùng Hồ lô để Hóa Giải hay kích hoạt cũng dùng tính năng này.
Hồ lô Bát Tiên là loại Pháp Khí của Mật Tông Tây Tạng cũng lợi dụng tính năng hút này, nó có công dụng kích hoạt Vượng Khí rất tốt, và công năng trừ tà mạnh nhờ vào hình tượng Bát Tiên. Cho nên việc đặt Hồ lô Bát Tiên phải tìm vị trí Vượng Khí thích hợp để đặt nó, không thể đặt bừa được.

28/. KIM THIỀN-NGỌC THIỀN
Chữ Thiền này là chữ Thiền trong bộ Trùng của chữ Hán, có ý nghĩa là con ve. Vậy Kim Thiền là biểu tượng con ve bằng đồng, còn Ngọc Thiền là biểu tượng con ve bằng ngọc vậy.
Ve phát ra âm thanh rất lớn, và liên miên, nên ve cũng là biểu tượng của sự Miên Miên Bất Tận.
Công dụng của việc đặt Ve là giúp trẻ tiến bộ trong học tập, không ngừng phấn đấu, luôn giành vị trí cao trong trường lớp. Với các bé có thể tìm Ngọc Thiền cho các cháu đeo, có thể giúp các cháu trở nên siêng năng cần mẫn, và có chí hướng hơn.

29/. VOI ĐỒNG
Nói về Voi đồng mình đã từng nói trong phần Phong Thủy Học, nay xin nhắc lại trong Chuyên Mục này cho các bạn tiện việc theo dõi.
Voi rất giỏi hút nước, mà nước (Thủy) là tiền tài, nên công dụng đầu tiên của Voi chính là Hút tài lộc.
Voi cũng là con vật chuyên chở nặng, nên người ta lợi dụng tính năng này của Voi để chống đỡ các áp lực nặng trong Phong Thủy.
Ngoài ra Voi Đồng còn dùng để Hóa Giải các Hình Sát : Thiên Kiều Sát, Thích Diện Sát.
Voi Đồng có nhiều dạng : có khi chỉ là cặp voi bằng đồng bình thường, có khi Voi đồng chở trên lưng 1 chú Cóc 3 Chân, có khi Voi chở trên lưng là 1 cái đấu (giống cái đấu đựng cống phẩm ngày xưa), có khi Voi chở trên lưng là 1 cái Hốt Như Ý....vv... Nhưng tựu trung nếu kích hoạt Tài Lộc thì dạng nào cũng như nhau cả.

30/. HỐT NHƯ Ý
Cái này mình không biết diễn tả hình dáng ra sao, nhưng nếu các bạn để ý trong bộ tượng Tam Đa (Phúc Lộc Thọ), tượng Ông Phúc trên tay có cầm cái Hốt Như ý này. Ý nghĩa của nó thì như tên gọi, thỏa mãn ước nguyện và việc gì cũng như ý. Hốt Như Ý có thể làm bằng nhiều hình tượng khác nhau, nhưng nếu làm rời 1 mình nó thì thường làm bằng chất liệu ngọc, đá Thạch Anh
Khi đứng riêng 1 mình nó thì người ta có thể chưng riêng nó trên 1 cái giá đỡ để nằm ngang, hoặc bỏ nó vào trong cái bình thiệt đẹp, khi này nó sẽ là biểu tượng Bình An Như Ý.
Thường thấy nhất là biểu tượng Hốt Như Ý đi kèm với các con thú lành hay Linh Thú. Như Rồng cầm Hốt Như Ý, Long Quy chở Hốt Như ý, voi chở Hốt Như Ý. Khi đi kèm với Hốt Như Ý thì Lực Hóa Giải hay Chiêu Tài, kích Vượng của các Linh Thú cũng mạnh lên nhờ vào ý nghĩa của Hốt Như Ý.

31/. HOA MẪU ĐƠN
Hoa mẫu đơn được tôn vinh nhiều nhất trong thời nhà Đường, nhất là vào những năm của Vua Đường Minh Hoàng trị vì. Có 2 câu thơ của nhà thơ Lý Chánh thời ấy nói về hoa mẫu đơn như sau : 
Thiên hương tại nhiễm y
Quốc sắc triều cam rượu
(Hương trời nhuộm lên áo, quốc sắc như say rượu)
Cho nên hoa mẫu đơn còn được gọi là Quốc Sắc Thiên Hương chi hoa. Còn nhà thơ Âu Dương Tu thì ca ngợi hoa mẫu đơn là " Thiên hạ chân hoa độc mẫu đơn "(trong thế gian chân chính xứng mang tên hoa chỉ có mẫu đơn). Chính vì 2 nhà thơ lớn này ca ngợi mà Hoa Mẫu Đơn được xem như là biểu tượng của Phú Quý, sang cả. Khi chưng Hoa Mẫu Đơn trong Bình đẹp, là ta đã có 1 biểu tượng "Phú Quý Bình An" trong Phong Thủy vậy.
Mặt khác, vẻ đẹp đầy đặn của Dương Quý Phi (Dương Ngọc Hoàn, 1 trong Tứ Đại Mỹ Nhân của Trung Quốc) được Đường Minh Hoàng say đắm đến mất cà ngôi vua, nên Hoa Mẫu Đơn còn là biểu tượng của Đào Hoa, dùng để kích hoạt trong Tình Duyên. Nhưng khi 2 vợ chồng trẻ chưng trong phòng thì giúp tình cảm vợ chồng thêm nồng thắm, còn vợ chồng trung niên hay đứng tuổi mà chưng trong phòng ngủ sẽ khiến các ông dễ...lập thêm phòng nhì, hay có bồ nhí bên ngoài.

32/. BẢO GIẢI
Giải chính là con cua. Cua thường có tính đi ngang, cho nên công năng của nó đầu tiên phải nói đến là đánh bại những kẻ ngang ngược, kiếm chuyện vô cớ, hoành hành trong cơ quan, công sở.
Ngoài ra cua có cái khí thế hơi...bá đạo, nên nó cũng là 1 vật dùng để trị tà (mà là những nơi chuyên bị âm binh khuấy phá).
Cua thường được làm bằng đồng. Nhiều nơi người ta làm không chỉ dạng cua bình thường bằng đồng, mà còn làm thêm các thỏi vàng bên dưới, ngụ ý Bảo Giải Cát Tường (cua báu đem lại may mắn, tốt lành).

33/. LONG PHỤNG TRÌNH TƯỜNG
Long Phụng tức Rồng và chim Phượng Hoàng thì không cần nói ai cũng biết là 2 Linh Thú đứng đầu trong Tứ Linh rồi (đứng đầu không phài xếp theo thứ tự, vì cả 2 con đều bay lượn trên ngàn mây, mà con thú nào trên không là đứng đầu theo chiến thuật quân sự của Trung Quốc xưa_ cả ngày nay vẫn đúng_ nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng).
Thông thường người ta dùng Rồng để tượng trưng cho người nam, còn chim Phượng Hoàng tượng trưng cho người nữ, nên trong các đám cưới người ta dùng kèm biểu tượng Rồng Phượng là thế. Và người ta cũng chúc những câu tương tự vậy : Long Phụng hảo hợp, Long Phụng hòa duyên... Trong chế độ phong kiến xưa, chỉ có Vua và Hoàng Hậu mới được ví với Rồng và Phượng Hoàng, đủ thấy đây là 2 biểu tượng Linh Thú rất Cao Quý.
Khi đứng riêng 1 mình thì Long có tác dụng ngừa tiểu nhân, hóa giải sát khí; còn Phụng thì có tác dụng Chiêu Quý Nhân, kích hoạt sự nghiệp.
Khi Long Phụng đứng chung gọi là Long Phụng Trình Tường (Rồng Phượng bày điều lành) có tác dụng kích hoạt tình duyên, đem lại điều may mắn, Hóa Giải tất cả Sát Khí ở nơi đặt nó. Long Phụng Trình Tường có thể làm bằng Ngọc (dạng ngọc bội đeo), bằng gốm sứ cao cấp, bằng đồng.
Khi đứng riêng 1 mình, Long có thể làm bằng nhiều chất liệu, đá thường có, đá quý có, đồng có, vàng có,...vv... và cũng có nhiều kiểu dáng Kim Long Như ý, Song Long Hý Châu, Văn Xương Kim Long, Ngọa Long, Thụy Long...vv..
Khi đứng riêng 1 mình thì Phụng thường được dùng trong tranh vẽ nhiều hơn, và nổi tiếng nhất có lẽ là hình tượng Bách Điểu Triều Phụng (100 con chim về chầu chim Phượng Hoàng). Tranh này người ta thường dùng nhất trong Phong Thủy để giúp cho sự nghiệp mình ngày càng nổi tiếng.

34/. THẬP NHỊ HOA GIÁP :
Là biểu tượng của 12 con giáp. Có khi nó gồm đủ 12 con giáp, nhưng có 1 con lớn làm chủ đạo, các con kia xung quanh, khi đó sẽ là vật Áp Tuế, chuyên Hóa Giải cho những người bị hạn Thái Tuế, hay làm nhà mà phạm Hướng Thái Tuế.
Khi đứng riêng rời thì nó dùng để kích hoạt cho những trường hợp Tam Hạp : Ví như người tuổi Thân Tý Thìn thì chọn các con vật trong bộ ba Thân(khỉ)-Tý(chuột)-Thìn
(rồng) đặt ở các vị trí tương ứng.
Trong các trường hợp các Vật Khí này được làm kèm với các thỏi vàng, đồng tiền vàng thì chuyên để kích hoạt Tài Lộc cho các tuổi trong bộ Tam Hạp thôi, không kích hoạt chung nữa.
Riêng với trường hợp con giáp là Hổ, thì hình tượng Hổ trong Vật Khí luôn là biểu tượng của sức mạnh, Uy Quyền, nên nó là vật dùng thích hợp nhất với các người lãnh đạo, người làm sếp trong các cơ quan, công ty trong các tuổi Dần-Ngọ-Giáp-Tân (nhưng không là Giáp Thân).

35/. KỲ LÂN TỐNG TỬ :
Đây là do điển tích ngày xưa khi mẹ Khổng Tử trước khi mang thai Ngài, thì nằm mộng thấy 1 đứa bé cởi trên lưng con Kỳ Lân, sau đó thụ thai sinh ra Ngài, nên sau đó người ta xem như đây là biểu tượng tốt để báo hiệu có con, và dùng nó như 1 vật kích hoạt về đường Tử Tức. Thường là biểu tượng này bằng đồng, cũng có bằng tranh nhưng rất ít thấy.

36/. THÁP VĂN XƯƠNG:
Đây là hình tượng tháp 7 tầng hay 9 tầng tại Trung Quốc, Bình Sơn nguyên lãng, chuyên dùng để kích hoạt cho việc học vấn, tri thức. Tháp Văn Xương có nhiều chất liệu, có loại bằng đồng, có loại bằng Thạch Anh, có loại bằng Pha Lê. Đúng ra trong Phong Thủy, Tháp Văn Xương không quan trọng việc chọn số tầng, bởi Tháp Văn Xương bên Trung Quốc có nơi làm 7 tầng, có nơi làm 9 tầng. Nhưng có nhiều người_ nhất là mấy "ông...thần ve chai Trung Quốc"_ chế ra nam dùng 7 tầng, nữ dùng 9 tầng, cái đó không quan trọng, và cũng không đúng, xin các anh chị, các bạn đừng lầm mà lo ngại khi mình mua cho con cái rồi mà nó không đúng số tầng như những lời ngoa ngôn kia.

37/. PHÁP TRƯỢNG:
Đây là biểu tượng tối cao tượng trưng cho quyền lực trong Tôn Giáo. Nếu như các anh chị, các bạn có xem phim "Vua bò cạp" chắc sẽ thấy hình tượng của nó. Pháp trượng có thể làm bằng nhiều chất liệu khác nhau : đồng sáng, gỗ quý, ngọc quý. Nó thường dùng cho những người có chức sắc trong các cơ quan nhà nước, các vị lãnh đạo công ty tượng trưng cho Uy Quyền, ngăn ngừa tiểu nhân, đem lại Quyền Lực.

38/. TAM ĐA:
Cái này thì mình đã nói rất nhiều , và hầu như ai cũng biết Tam Đa chính là : Phúc Lộc Thọ. Bộ Tam Đa có thể bằng gốm sứ, bằng đồng, bằng đá quý, bằng hình tượng Phong Thủy Luân, bằng tranh Phúc Lộc Thọ toàn đồ. Biểu tượng Tam Đa tượng trưng cho 3 vị Thần đem lại may mắn, sức khỏe, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà nên thường người ta hay chưng, bày trong nhà.

39/. PHA LÊ:
Pha Lê có 2 loại : Thiên nhiên và nhân tạo, đương nhiên thì loại thiên nhiên tốt hơn loại nhân tạo rất nhiều, nhưng cũng đắt hơn rất nhiều. Pha Lê tuy trong tiếng Hoa gọi là "shui jing" - Thủy Tinh - nhưng nó thực ra lại mang Hành Thổ, vì bản chất Thủy Tinh vốn dĩ là loại đá ở dưới biển sâu hàng trăm ngàn năm.
Trong Phong Thủy, Pha Lê có công dụng giải trừ vận rủi, đem lại may mắn cho người dùng nó, nên Pha Lê trở thành vật trang sức được nhiều người ưa chuộng (phần vì nó rất đẹp, ra ánh nắng nó tỏa đủ 7 màu như 7 sắc cầu vồng vậy). Pha Lê ngoài việc làm đồ trang sức ra, nó còn được dùng làm Tháp Văn Xương, Kim Tự Tháp để kích hoạt, Hóa Giải trong Phong Thủy.

40/. TAM DƯƠNG KHAI THÁI
Đây là biểu tượng 3 con dê đứng chung với nhau, thường được làm bằng đồng. Đó là lấy ý nghĩa từ trong Kinh Dịch mà ra.
- Kinh Dịch nói về quẻ Thái : Thái, tiểu vãng, đại lai, cát hanh. Hàm ý quẻ Thái tượng kẻ tiểu nhân lánh xa, người quân tử đến gần, tượng thông thuận, hanh thông, cát tường
- Đại tượng truyện quẻ Địa Thiên Thái nói "Thiện Địa giao thái, hậu dĩ tài thành Thiên Địa chi đạo". Ta thấy tượng của quẻ là Càn 3 vạch dương liền dưới quẻ Khôn 3 hào Âm đứt đoạn, 2 quẻ trên dưới mâu thuẫn nhau, tượng khí trời thì giáng xuống, khí đất từ dưới xông lên, 2 khí giao nhau nhờ đó mà vũ trụ giao hòa, các vật, sự việc đối nghịch nhau trở thành vuông tròn, thành tựu.
Cho nên, quẻ Thái nói chung là biểu hiện điều tốt lành, cho nên mới có câu "hết cơn Bĩ cực tới hồi Thới lai" - Bĩ là quẻ Thiên Địa Bĩ, Thới tức là Thái của quẻ Địa Thiên Thái - để chỉ khi ta qua hết cơn khốn đốn đến vận hanh thông trở lại. Quẻ Thái tốt là nhờ sự nghịch đảo của quẻ Càn bên dưới, mà Càn có 3 hào Dương. Người ta lấy sự đồng âm trong Hán Ngữ mà chọn chữ Dương là dê, 3 hào Dương trở thành hình tượng 3 con dê là thế. Thay vì 3 hào Dương khai mở ra quẻ Thái lại trở thành 3 con dê đem lại quẻ Thái, đem lại sự thông thuận.
Tóm lại, người đang gặp vận rủi cần chuyển hóa thời vận thì nên đặt biểu tượng này, để cầu mong đem lại sự thông thuận như ý quẻ Thái. 

41/. CHIÊU TÀI KIM TIỀN:
Là các đồng tiền có khắc bốn chữ "Chiêu Tài Tiến Bảo" hoặc "Kim Ngọc Mãn Đường" xâu kết lại với nhau, chuyên dùng kích hoạt Tài Lộc. Có thể là 3 đồng tiền kết với nhau bằng dây ruy băng đỏ để treo trên tay nắm cửa hay bỏ trong bóp, hoặc dán trên bìa cuốn số ghi doanh thu để giúp tăng thu nhập. Có khi là xâu 8 đồng tượng trưng cho Bát Bạch Vượng khí của Vận 8 này, mà chữ Bát cũng đồng âm như chữ Phát trong tiếng Hoa. Có khi là một xâu gồm 10 đồng tiền, hàm ý Thập toàn Thập mỹ.

42/. BÌNH AN KIM TIỀN:
Là tiền đồng lớn có khắc bốn chữ "Xuất nhập bình an". Nó có công dụng hoá giải Khai Khẩu Sát, hoặc ngăn ngừa đàn bà trong nhà lắm lời. Mặt khác, nếu dùng 2 đồng tiền này dưới gối sẽ giúp cho mối quan hệ vợ chồng được tốt đẹp hơn.

43/. TIÊN NỮ HOA ĐÀO:
Thường gặp nhất là bằng tranh với hình vẽ Tiên nữ tay cầm cành hoa đào. Đôi khi hình tượng này cũng có trong các đĩa kiểu Trung Quốc, có giá để chưng. Đây là vật mang lại Tài lộc, Công danh và Hỷ tín cho người nữ, NHƯNG phải là người nữ chưa có chồng mới dùng được. Nam giới thì vô hiệu quả.

44/. PHONG CHÙY ĐIỂU:
Đây là vật khí hoá sát dùng hình tượng một loài thú thượng cổ, thân như mình chuột, có mỏ như mỏ chim, ức dưới có vảy như vảy rồng, có 2 sừng trên đầu. Mỏ nó ngậm một cái vòng tròn. Hai bên có 2 cái giá để thắp đèn cầy đỏ (PHẢI LÀ màu đỏ mới được), bên trong chỗ cắm đèn cầy đó có 2 mảnh kim loại đính bên trong có biểu tượng ngọn lửa.
Đây là vật Chuyên Trị sao Tam Bích Si Vưu tinh gây chuyện thị phi, tiểu nhân, quan phi cực kỳ hay và hiệu quả.

45/. THẬP BÁT CHIÊU TÀI:
Đây là một hình thái hơi lạ của Cóc ba chân (thiềm thừ). Thường được làm bằng chất liệu đồng, có hình dáng một con cóc ba chân miệng ngậm đồng tiền, NHƯNG phía thân sau của nó gác lên trên một nải chuối có 18 quả, có sợi xích vòng quanh một quả chuối dính vào trên đầu cóc ba chân và nối với một miếng ngọc bội, một sợi xích khác dính liền dưới ức cóc ba chân nối với đồng tiền trong miệng nó, và một miếng ngọc bội.
Cóc ba chân là biểu tượng Chiêu Tài, Chuối (ba tiêu) cũng là Chiêu Tài, số 18 khi phát âm lên theo tiếng Hoa đồng âm với hai chữ Thật Phát. Nên khi đi chung với nhau, chúng là một biểu tượng Chiêu Tài rất mạnh.
Vật khí này thích hợp nhất với sao Lục Bạch, đặc biệt khi Lục Bạch ở phương Bắc càng tuyệt vời.

46/. LĂNG GIÁC BẢO:
Thường được làm bằng chất liệu gốm sứ, với các hoa văn xung quanh. Nó có hình dạng như một cái thố có nắp chụp bên trên, có ba chân đế bên dưới, hai bên tay cầm thì lại nhọn, màu vàng kim, và có hình dáng như hai cái sừng gọi là Hoàng kim giác. Các hoa văn xung quanh có hình hoa Mẫu đơn gọi là Phú Quý hoa. Trên nắp có biểu tượng Tam Đa (quả thạch lựu tượng trưng cho Đa Tử, quả đào tiên tượng trưng cho Đa Thọ, quả Phật thủ tượng trưng cho Đa Phúc), Phúc Lộc Thọ.
Cho nên, vật khí này là vật Chiêu Tài Nạp Phúc rất hay, rất thích hợp với sao Nhất Bạch, đặc biệt khi Nhất Bạch tại Trung Cung.

47/. ĐẠI CHÚ TIỆP:
Có hình dáng là một bó những đoạn trúc ngắn. Vì chữ Chú và chữ Trúc đồng âm, bản thân cây trúc có rất nhiều Tiết (đốt, mắt), chữ Tiết lại đồng âm với chữ Tiệp, hàm ý thi cử đỗ đạt, công tác thành công. Xung quanh bó trúc, ở đoạn ống giửa hai đốt có ghi bốn chữ "Tiết tiết cao thăng" hàm ý chiêu Quý nhân đến. Cả bó trúc đó có rất nhiều đốt, gọi là "Đa tiết Văn Xương trúc". Trên bó trúc là những thỏi vàng xếp thành bệ. Trên bệ là một con Đại ngao Ngư với đầu giống đầu Rồng, với hàm ý "Độc chiếm ngao đầu"- chiếm đầu bảng.
Vật khí này còn có tên là "Đại Văn Xương", "Vạn ý tiết tiết cao thăng". Nó là vật kích hoạt cho sao Văn Xương Tứ Lục rất hay, nhất là khi sao Tứ Lục đóng tại Cấn phương.
*.
ĐOÀN MẠNH THẾ cẩn bút giới thiệu
Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ 133 phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
..



.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 01.07.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét