MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN VÀ DÒNG NHẠC PHẢN CHIẾN Ở VIỆT NAM CỘNG HÒA GIAI ĐOẠN 1954 -1975 - Tác giả: Lê Thiên Minh Khoa (Vũng Tàu)

(Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ; Nguồn ảnh: internet)
NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN VÀ DÒNG NHẠC
PHẢN CHIẾN Ở VIỆT NAM CỘNG HÒA
GIAI ĐOẠN 1954 -1975
*
(Tác giả Lê Thiên Minh Khoa)
Khi cuộc chiến tranh Việt Nam ngày càng lan rộng, ở miền Nam, không chỉ có các nhạc sĩ sáng tác các bài hát ca ngợi người lính Việt Nam Cộng hòa mà còn xuất hiện nhiều ca khúc phản chiến. Người tiêu biểu nhất cho phong trào nhạc phản chiến này là Trịnh Công Sơn. Bắt đầu từ năm 1966, nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly đã chinh phục nhiều giới, đánh trúng tâm lý chán ghét chiến tranh, mong muốn hòa bình của công chúng... Với bốn tập ca khúc: Ca khúc da vàng 1, Ca khúc da vàng 2, Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời (Nhân Bản xuất bản 1967, 1969, 1972) gồm 46 ca khúc phản chiến, hầu hết được thanh niên đường thời đều thuộc như: Huế Sài Gòn Hà Nội,  Nối vòng tay lớn, Bài ca dành cho những xác người, Gia tài của mẹ, Đồng dao hòa bình… Nhạc phản chiến của anh bắt nguồn từ tình yêu thương, là những bài tự tình dân tộc, nói về thân phận khổ ải của con người trong chiến tranh, nêu lên một hình ảnh Việt Nam đau thương vì cuộc chiến, chống bạo lực và chiến tranh, kêu gọi sự đoàn kết và xóa bỏ lòng hận thù.
Đây là dòng nhạc với nhiều ca khúc được phổ biến sâu rộng trong giới thanh niên, bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cấm đoán và trong số đó có những bài bị cấm đoán bởi cả hai phía chính quyền. Đích thân Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu ký Lệnh cấm mang số 33 ngày 8.2.1969 cấm phổ biến nhạc Trịnh Công Sơn, chủ yếu trên các đài phát thanh, truyền hình. Nhưng nhạc của anh vẫn được công chúng say mê và được viết ở giữa đô thị và được phát hành công khai bởi nhà xuất bản Nhân Bản, chứ không phải “trốn vào rừng sâu để viết”  và  in “lậu” như gần đây một nhà nghiên cứu âm nhạc  đã viết. Ký giả Jean- Claude Pomonti trên tờ Le Monde  (No. 7570, 17.5. 1969)  cho biết Đài Phát thanh Hà Nội  lúc đó đã chọn lọc phổ biến một số ca khúc của Trịnh Công Sơn.     
(Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly)
Xin dừng lại hơi  lâu ở Trịnh Công Sơn. Vì trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, hiếm có nhạc sĩ nào có thể tạo cho mình, cho thế hệ mình những cơn lốc nghệ thuật làm lay động đến chiều sâu tâm thức con người ở trong và ngoài kích thước quốc gia như Trịnh  Công Sơn. Anh không những được người dân miền Nam thưở ấy mến mộ mà còn được  người nước ngoài biết đến qua nhạc phẩm và báo chí quốc tế viết về anh.
Tờ New York Times đăng tải một bài viết của thông tín viên Bernard Weinraub tại Sài Gòn được rút tít: “Một người Việt Nam trẻ đã hát về nỗi buồn của chiến tranh”.  Tờ  Peace News số ngày 8.11.1968 viết về anh với nhan đề “Bob Dylan của Việt Nam” (The Bob Dylan of Vietnam-  Bob Dylan: nhạc sĩ  phản chiến và tranh đấu cho dân quyền ở Mỹ). Còn nhà báo Jean- Claude Pomonti trong bài viết về anh trên phụ trang báo Le Monde đã có cái tựa rất “chân phương”: “Trịnh Công Sơn, ca nhân phản chiến tại miền Nam Việt Nam” (“Trịnh Công Sơn, chantre de l’antiguerre au Viêtnam du Sud”).       
(Nhạc sỹ: Trịnh Công Sơn và Nguyễn Trọng Tạo)
Năm 1970, bài trả lời phỏng vấn thông tín viên Crystal Erhart về chiến tranh của  của anh đăng trên New York Times Dispatch. Trước đó, năm 1968, nhà báo nầy đã có bài viết  dài về anh “Huế hôm nay” đăng trên News Service International Inc. Bài viết nầy được đánh giá “là có cái nhìn khách quan khi nói về đời sống và nhạc Trịnh Công Sơn”, làm cho người nước ngoài hiểu hơn về anh và về chiến tranh Việt Nam. Bởi vậy, việc cấm nhạc Trịnh Công Sơn của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không chỉ khiến cho dư luận công chúng và báo chí Nam Việt Nam phản đối mà còn gây nên phản ứng của giới báo chí  ngoại quốc qua những bản tin đánh đi đã bênh vực Trịnh Công Sơn, nhất là đối với dư luận nước Mỹ, vì nhạc của Sơn đã lôi kéo sự chú ý của dân chúng Hoa Kỳ trước đó. Được ký giả J. C. Pomonti hỏi về vấn đề này, Trịnh Công Sơn đã thẳng thắn trả lời: “Trong chế độ dân chủ, tôi có quyền viết, và cấm là quyền của chính phủ” (En démocratie j’ai le droit d’écrire et le gouvernement celui d’interdire). Với báo Le Monde, anh tuyên bố: “Je ne veux pas faire de différence entre les guerres justes et les autres” ("Tôi không muốn phân biệt giữa chỉ chiến tranh và những người khác”). Còn trả lời thông tín viên The New York Times (số ra ngày 10.6.1970), anh nói: “Tôi là một nghệ sĩ thuần tuý. Tôi chỉ diễn tả những điều gì tôi mơ ước, nhưng tôi không biết làm cách nào để hoàn thành những mơ ước của tôi!…”
(Nhạc sỹ: Trịnh Công Sơn và Văn Cao) 
Còn ở trong nước, ngoài những tờ công báo và vài tờ thân chính quyền, báo chí Sài Gòn đều phản ứng mạnh mẽ trước vụ việc  chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cấm nhạc Trịnh Công Sơn. Báo Chính Luận số ra ngày 13-2-1969 cũng bày tỏ ý kiến: “Nếu về phương diện chính trị có thể bị coi là đã “không phân biệt bạn, thù” thì về phương diện triết lý của sự sống đã nói lên được phần nào thân phận bi đát của miền Nam bị kẹp giữa các thế lực quốc tế và để sống còn, vì không có đủ sức lực “trực tiếp trả miếng” nên đã phải tiến, lui, tránh né, để gián tiếp phản công mà tự vệ. Nhạc Trịnh Công Sơn nên được hiểu theo tinh thần phản chiến đó”. Và đặt câu hỏi: “Chính trị của Việt Nam Cộng hoà, nghĩa là của chính trị của một chế độ dân chủ đã làm trọn nhiệm vụ có nó hay chưa?”
Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn đi dần vào nỗi đau của con người trong cuộc chiến hiện hữu  với những đắm đuối đến tận cùng của đam mê, hoà trộn cùng niềm đau thương rã cánh của một tâm hồn ngu ngơ, nhìn cuộc đời với lo sợ và chán chường. Chính vì những mâu thuẫn nội tâm phát triển một cách quá mạnh mẽ trong mỗi suy nghĩ, nên tiếng nhạc của anh lúc nào cũng choáng váng, ngây ngất trong từng vũng âm thanh run rẩy, nghẹn ngào…  Nó làm cho tâm tư bị vò xé bởi niềm đau không thành tiếng. Nó ray rứt, đứt nuối trong mỗi ưu tư về thân phận vật vã trước định mệnh…
(Nhạc sỹ: Trịnh Công Sơn và Phạm Duy)
Từ cuối thập niên 60, ca khúc Trịnh Công Sơn có sự “chuyển mình” trong nét nhạc cũng như ca từ. Anh như cố gắng viết đơn giản từ lời ca đến câu nhạc. Các giai điệu (mélodie) đã bớt dần tính cách mô tả để nghiêng dần về nhạc kể (récilatif) hơn. Ở thể nhạc kể, nét nhạc cô đọng, hàm chứa trong nó hiệu năng truyền cảm không bị gò bó bởi phách, do đó, ý thức nghệ thuật cao và giản dị hơn. Tính chất mới trong nhạc Trịnh Công Sơn lúc nầy, ở một vài ca khúc có các đoạn ngắn, một, hai phách (mesure) và âm tiết (accent) nghiêng về biểu hiện, để diễn đạt một vài nội dung của lời ca. Trịnh Công Sơn muốn tránh bớt cái tính chất gọi  là “hát hò” quanh một nội dung buồn bã.                                          
Trên thế giới, nhiều nhạc sĩ đã thành công với những ca khúc phản chiến và nhiều ca khúc thuộc chủ đề này đã trở nên nổi tiếng như "Blowin' in the Wind" của Bob Dylanđược xem là thánh ca của phong trào tranh đấu cho dân quyền, Give Peace a Chance của John Lennon trở thành giai điệu chính của phong trào phản chiến tại Mỹ những năm 70. Tại Việt Nam, ngoài Trịnh Công Sơn, cuộc chiến tranh Việt Nam là đề tài bức xúc cho ca khúc những nhạc sĩ khác như  Phạm Duy trong các tập nhạc Tâm ca, Tâm phẫn ca  hay Miên Đức Thắng với tập nhạc Từ đồng hoang ...        
Sau đó, phong trào sáng tác ca khúc phản đối chiến tranh ở Miền Nam  được nhân rộng với nhiều nhạc sĩ  tài danh như Phạm Thế Mỹ, Lê Hựu Hà, Nguyễn Phú Ỵên, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Xuân Tấn, Nguyễn Tuấn Kiệt, Trương Quốc Khánh...
Các nhạc sĩ và ca khúc phản chiến gắn liền với phong trào  đấu  tranh xuống đường và được  ngân vang trong các chương  trình “Hát cho đồng bào tôi nghe” thưở ấy và còn ngân vang sau nầy mãi trong lòng nhiều thế hệ Việt Nam như: “Tự Nguyện”, "Sức Mạnh Nhân Dân” (Trương Quốc Khánh), "Tình Nghĩa Bắc Nam", "Ðường Ta Đi Niềm Tin Lớn Mạnh" (Nguyễn Văn Sanh), "Phương Ðông Ðã Dậy Nắng hồng" (Nguyễn La Nghi), “Qui Nhơn Ngời Ngời Biển Lửa" (Ðoàn Ðình Quang - thơ Trần Nhật Nam), "Hát Trên Ðường Tranh Ðấu" (Ðoàn Công Nhân), "Người Cha Bến Tàu" (Trần Long Ẩn- ý thơ Võ Thiệu Quang), "Không Ai Ngăn Nỗi Lời Ca" (La Hữu Vang), "Dậy Mà Ði” (Nguyễn Xuân Tấn- thơ Tố Hữu), “Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa”, “Sài Gòn Ơi, Vùng Lên” (Nguyễn Phú Yên), "Những Người Không Chết” (Phạm Thế Mỹ) và Tôn Thất Lập với nhiều ca khúc như "Lúa Reo Trên Khắp  Ðồng Bằng", "Từ Sông Hương đến Sông Hát", "Chúng Ta Ðã Ðứng Dậy...
Thực ra, dòng nhạc có vẻ như tự phát theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa nầy chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe  do Đảng Cộng sản Việt Nam lảnh đạo, thông qua bốn cán bộ cốt cán “nằm vùng” của mình là các nhạc sĩ: Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh tổ chức, điều hành. Họ hoạt động trong phong trào nhạc phản chiến dưới phương thức công khai và bán công khai  trong phương châm của nhóm cốt cán nầy: “Lấy bí mật làm gốc, tận dụng khả năng công khai và bán công khai”. Để tận dụng hai khả năng nầy, họ họ hòa nhập vào dòng nhạc phản chiến với nhiều ca khúc được hát công khai với nhiều bút hiệu khác. Tôn Thất Lập có các bút danh: Nguyễn Dân, Trần Nhật Nam, Lê Nguyên; Nguyễn Văn Sanh có: Nguyễn La Nghi, Đoàn Định Giang; Trần Long Ẩn có: Đoàn Công Nhân, Nguyễn Phiêu; Trương Quốc Khánh có Trương Quân Vũ. Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe  được sinh viên, học sinh ở Sài Gòn, Huế rồi toàn Miền Nam ủng hộ  tạo thành một sức mạnh phản kháng tổng hợp làm chính quyền Việt Nam Cộng hòa thật sự hoang mang. 
Các nhạc sĩ được xếp chung vào dòng nhạc phản chiến có phần giao chung  là chống chiến tranh, mong muốn hòa bình cho dân tộc, nhưng xét cho cùng có một sự phân cực giữa các nhạc sĩ dòng nhạc nầy, nhất là nội dung và quan niệm về chiến tranh và mục đích  chống chiến tranh không phải giống nhau. Các nhạc sĩ là các chiến sĩ cách mạng “nằm vùng” như Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh… là chống chiến tranh xâm lược, đấu tranh cho hòa bình thống nhất Tổ quốc. Các nhạc sĩ theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy (yêu nước không đảng phái chính trị) như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Phú Yên, Vũ Đức Sao Biển, Lê Hựu Hà… là chống chiến tranh gây tang tóc cho quê hương, đau khổ cho đồng bào. Còn một số nhạc sĩ có quan điểm chính trị phức tạp như Phạm Duy thì đối cực rõ ràng với hai nhóm nhạc sĩ trên: vừa viết ca khúc phản chiến nhưng lại vừa viết những bài hát ca ngợi chế độ, ca ngợi hình ảnh và chiến công của người lính cộng hòa. Phạm Thế  Mỹ, nhạc sĩ được hâm mộ trong dòng nhạc vàng lại viết cả nhạc phản chiến lẫn nhạc ca ngợi hình ảnh oai hùng, phong sương cùa anh  lính chiến.
Còn phần giao giữa  nhạc phản chiến và nhạc du ca cũng rất lớn, có khi gần như chồng khít lên nhau, trùng nhau, bởi dù đứng ở góc độ khác nhau nhưng  đều muốn “dùng tiếng hát chung của cộng đồng để xây đắp một quê hương hòa bình, tươi sáng". Phong trào phản chiến của sinh viên, học sinh thường hát những ca khúc du ca, trong khi các đoàn du ca lại có những bài ca sinh hoạt là nhạc phản chiến. Hai dòng nhạc nầy, nhất là nhạc phản chiến vào cuối giai đoạn, đã hòa nhập với dòng nhạc giải phóng, cách mạng góp phần động viên, cổ vũ quần chúng tham gia vào công cuộc thống nhất đất nước. Nhiều nhạc sĩ tiêu biểu như Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập… lại thành công ở cả 4 dòng nhạc tình ca, du ca, cách mạng và phản chiến. Trịnh Công Sơn viết rất nhiều thể loại: nhạc du ca, tình khúc và phản chiến… Riêng Phạm Duy lại thành công trong hầu hết các dòng nhạc, các thể tài âm nhạc Việt Nam hiện đại: nhạc tiền chiến, nhạc đỏ, nhạc trẻ, nhạc lính, du ca, tình ca, bình ca, tâm ca, nữ ca, nhi đồng ca… và nhạc phản chiến.
Các danh ca hát nhạc phản chiến là: Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly...


-----------
(Trích trong “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC  VIỆT NAM” - nghiên cứu, phê bình - Lê Thiên Minh Khoa, xuất bản, 2018). 

*Mời thư giãn với nhạc phẩm GIA TÀI CỦA MẸ
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:
            
*.
LÊ THIÊN MINH KHOA
Địa chỉ: 117, Cách Mạng Tháng 8, phường Long Hương,
thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu.
Email: lethienminhkhoabr@gmail.com
Điện thoại: 0908.274.494




…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 17.07.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét