MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

ỨNG DỤNG NGŨ HÀNH VÀO LUẬN GIẢI TỬ VI - Tác giả: Đỗ Việt Phương (Hải Phòng)

(Nguồn ảnh: internet)
ỨNG DỤNG NGŨ HÀNH
VÀO LUẬN GIẢI TỬ VI
*
Thời gian qua, tôi nhận được nhiều thư của bạn đọc hỏi về việc vận dụng Âm Dương Ngũ Hành thế nào trong Tử Vi. Vấn đề này tưởng đơn giản nhưng lại khá phức tạp vì sách viết về Âm Dương Ngũ Hành tuy nhiều nhưng những sách tôi đã đọc thì các tác giả thường viết không kỹ, không sâu nên việc tiếp cận với Âm Dương Ngũ Hành ứng dụng vào Tử Vi trở nên trừu tượng.
Trong số các tác giả viết về ứng dụng Âm Dương Ngũ Hành vào Tử Vi thì bài: TÌM HIỂU VỀ NGUYÊN LÝ NGŨ HÀNH của tác giả Đặng Xuân Xuyến, trong cuốn TỬ VI KIẾN GIẢI, do Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành lần thứ nhất năm 2009 là viết khá kỹ, sâu - rộng và dễ hiểu, dễ vận dụng.
Theo quan điểm của tác giả Đặng Xuân Xuyến thì:
Khi coi lá số, người luận giải bao giờ cũng ngó qua mối tương quan giữa hành của bản Mệnh với hành của Cục, sao và cung an Mệnh theo quy luật sinh khắc của Ngũ hành để tìm nhanh nét phác thảo chính của cuộc đời đưong số. Càng hội tụ nhiều sự sinh nhập cho bản Mệnh thì lá số đó càng đẹp, đương số càng chiếm được nhiều lợi điểm về sự may mắn, lộc tài... Ngược lại, hành bản Mệnh càng chịu nhiều sự khắc nhập từ Cục, sao và cung an Mệnh thì lá số đó càng xấu, càng kém may mắn và bất hạnh.
Khi xét về tương quan giữa hành của bản Mệnh với hành của Cục, sao và cung an Mệnh, người coi số thường chỉ chú trọng tới Cục, sao và cung an Mệnh xem sinh - khắc thế nào với hành của bản Mệnh, nhưng có người cẩn thận hơn còn xét cả mối tương quan giữa sao và cung an Mệnh cũng trong mối tương quan ngũ hành để chi tiết hơn hiệu lực của các tinh đẩu ảnh hưởng tới đương số như thế nào.
Việc xét tương quan Ngũ hành của bản Mệnh với Cục, sao và cung an Mệnh được tuân thủ theo 5 nguyên tắc sau:

A. NGUYÊN TẮC THỨ NHẤT: 
Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, xét về tương quan giữa hành khí của sao và hành bản Mệnh.
Hành sao sinh hành Mệnh: Trường hợp này hành sao bị hao tổn, bị chiết giảm mà ảnh hưởng xấu tốt của sao bị yếu đi nên Mệnh được hưng vượng lên, nghiã là sao làm lợi cho Mệnh cho dù đó là cát tinh hay hung tinh. Nếu là cát tinh sáng sủa thì đưa đến lợi ích trọn vẹn cho Mệnh nhưng nếu cát tinh lạc hãm thì Mệnh tuy cũng hưởng lợi nhưng không được toàn vẹn vì sao bị hãm địa. Nếu là hung tinh sáng sủa thì các tính chất tốt xấu của nó cũng khiến bản Mệnh hưng thịnh lên và nếu hung tinh lạc hãm thì cũng ít bị nguy hại hơn vì hành sao bị hao tổn nên ảnh hưởng xấu của nó không thể tác họa mạnh tới Mệnh, trong khi bản Mệnh lại được hưng thịnh vì đã được sao phù sinh.
Hành sao đồng hành cùng hành Mệnh: Trường hợp này cả hai đều được hưng vượng lên. Mọi ảnh hưởng tốt hay xấu của sao dù là cát tinh hay hung tinh lên Mệnh vẫn phát huy mạnh mẽ ảnh hưởng của chúng, tuy nhiên bản Mệnh mang những đặc tính của sao nên sao đó thuộc về mình, mình hoàn toàn chỉ huy được sao một cách trọn vẹn vì thế hành khí của bản Mệnh được hưng thịnh lên, do đó hành sao đồng hành với bản Mệnh thì tốt nhất.
Hành Mệnh sinh hành sao: Trường hợp này hành khí của sao được hưng thịnh lên, trong khi bản Mệnh bị hao tổn. Vì hành khí của sao hưng thịnh lên nên cho dù cát tinh có sáng sủa cũng không đem lại lợi ích cho Mệnh mà còn làm cho Mệnh bị hao tổn khi sao phát huy tính chất của nó. Tệ hại nhất là khi hung tinh lạc hãm sẽ gây bất lợi cho Mệnh nhiều hơn do các tính chất xấu của nó phát huy ảnh hưởng.
Hành sao khắc hành Mệnh: Trường hợp này hành khí của sao vẫn giữ nguyên, nhưng bị giam cầm bó tay không hoạt động được còn bản Mệnh bị hao tổn, thiệt hại rất nhiều, có nghiã là sao hoàn toàn chủ động gây nhiều điều bất lợi cho bản Mệnh. Cho dù cát tinh miếu vượng thì mọi tính chất tốt đẹp của sao cũng không đem lại điều gì tốt lành cho bản Mệnh thậm chí còn làm cho Mệnh bị mệt mỏi, tuy nhiên vì là cát tinh nên cũng đỡ lo ngại. Còn nếu là hung tinh thì thật là bất lợi cho Mệnh, nhất là khi hung tinh hãm địa thì tính chất xấu của nó càng làm cho bản Mệnh thêm bất lợi, nguy hại.
Hành Mệnh khắc hành sao: Trường hợp này hành sao bị tổn hại, suy yếu nên cường độ ảnh hưỡng xấu tốt của sao bị giảm rất nhiều trong khi Bản Mệnh bị giam cầm bó tay không hoạt động được, nghiã là sao đó không thuộc về mình và bản Mệnh không chỉ huy được sao. Dù là cát tinh sáng sủa hay lạc hãm thì Mệnh cũng chịu ảnh hưởng không nhiều tính chất tốt (nếu sáng sủa) hay xấu (nếu lạc hãm) của sao. Hung tinh đắc địa hay hãm địa cũng vậy, do hành Mệnh khắc hành sao làm cho hành khí của sao bị suy yếu đi nhiều nên ảnh hưởng tính chất xấu tốt của sao lên Mệnh không còn là bao trong khi hành Mệnh bị giam cầm không hoạt động được nên trường hợp này cũng không tốt cho bản Mệnh.

B. NGUYÊN TẮC THỨ HAI: 
Xét tương quan giữa hành Mệnh và hành cung để xét đoán Mệnh thịnh hay suy
Hành cung sinh hành Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh nhờ được hành cung sinh xuất nên bản Mệnh thêm vững chắc, hưng thịnh. Đây là trường hợp tốt nhất khi xét mối tương quan giữa hành Mệnh và hành cung.
Hành cung đồng hành cùng hành Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh bình hòa với hành cung nên cả 2 đều hưng thịnh nên không xấu. Vì không có sự sinh - khắc giữa hành bản Mệnh và hành cung nên mối tương quan này không thật tốt, cũng không thật xấu mà chỉ ở mức bình thường. Tuy nhiên, sự bình hòa về hành cũng thêm một lợi điểm cho lá số nếu so với 3 trường hợp dưới đây.
Hành cung khắc hành Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh bị hành cung khống chế, làm suy tổn sinh khí nên xấu nhất. Trong trường hợp này, bản Mệnh luôn bị mỏi mệt, nguy hại và bất lợi nên rất cần có sự phù trợ của các sao để quân bình sự bất lợi cho lá số.
Hành Mệnh khắc hành cung: Trường hợp này hành bản Mệnh tuy khắc xuất hành cung nhưng bản Mệnh cũng không được lợi ích gì, vì để làm suy yếu hành cung thì hành bản Mệnh phải tổn hao nguyên khí nên bản Mệnh bị giam cầm, bó tay không hoạt động được. Trường hợp này tuy không phải xấu nhất nhưng cũng là điểm bất lợi cho lá số khi xét về tương quan giữa hành bản Mệnh với hành cung.
Hành Mệnh sinh hành cung: Trường hợp này hành bản Mệnh sinh xuất cho hành cung nên hành khí của cung được hưng vượng lên, tốt thêm lên nhưng bản Mệnh lại bị tiết khí, hao tán vì thế nên xấu. Đây cũng là điểm bất lợi cho lá số, rất cần có sự phù trợ của các sao để quân bình lại sự bất lợi cho lá số.

C. NGUYÊN TẮC THỨ BA: 
Xét tương quan giữa hành của tam hợp cục của cung an Mệnh với hành bản Mệnh.
Tam hợp cung Mệnh sinh hành Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh được hưng thịnh nên tốt nhất.
Tam hợp cung Mệnh hòa hành Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh  và hành của Tam hợp cung Mệnh bình hoà, cả 2 đều được hưng thịnh lên, không có sinh - khắc nên tốt. Tuy nhiên vì bình hòa nên mức độ tốt thua kém trường hợp Tam hợp cung Mệnh sinh hành bản Mệnh.
Tam hợp cung Mệnh khác hành Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh bị suy tổn nhiều, bị chết nên xấu nhất.
Mệnh khắc hành Tam hợp cung Mệnh: Hành bản Mệnh tuy khắc thắng (khắc xuất) nhưng cũng chẳng được lợi ích gì vì bản Mệnh bị bó tay, không hoạt động được nên xấu.
Mệnh sinh hành Tam hợp cung Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh bị tiết khí hao tán, suy kiệt nên xấu nhì.

D. NGUYÊN TẮC THỨ TƯ: 
Xét tương quan giữa hành cung với hành sao. Nguyên tắc này tương đối không quan trọng, chỉ mạng ý nghiã gia giảm chút ít.
Hành cung sinh hành sao: Trường hợp này đẹp nhất vì sao được cung phù trợ, nuôi dưỡng, bồi đắp nên hành khí của sao được hưng thịnh.
Hành cung đồng hành với hành sao: Trường hợp này bình thường, không xấu, không tốt vì hành của cung bình hòa với hành của sao nên hành khí của sao không thay đổi.
Hành sao sinh hành cung: Trường hợp này xấu vì hành sao sinh xuất cho hành cung nên bị hao tổn, tiết khí mà yếu đi.
Hành sao khắc hành cung: Trường hợp này cũng xấu bởi hành sao tuy khắc thắng hành cung nhưng không có lợi gì vì bị giam cầm không hoạt động được.
Hành cung khắc hành sao: Trường hợp này xấu nhất vì hành sao bị khắc nhập nên thiệt hại nhiều nhất, những ý nghĩa tốt đẹp của sao đã bị khắc chế mà kém đi về hiệu lực.

E. NGUYÊN TẮC THỨ NĂM: 
Xét tương quan giữa hành của bản Mệnh với hành của Cục.
Hành Cục tương đồng với hành bản Mệnh: Trường hợp này cả hai hành không có sự sinh - khắc nên cả 2 đều được hưng vượng lên nên tốt.
Hành Cục sinh hành bản Mệnh: Trường hợp này hành bản Mệnh được hành Cục phù trợ, bồi đắp, nuôi duỡng vì thế mà được hưng thịnh nên tốt. Đây là trường hợp tốt nhất khi xét về tương quan liên hệ giữa hành bản Mệnh với hành Cục.
Hành bản Mệnh sinh hành Cục: Trường hợp này xấu vì hành Mệnh bị suy yếu do sinh xuất cho hành Cục, trong khi hành Cục được hưng thịnh (nhờ được hưởng sinh nhập) nên không tốt cho bản Mệnh.
Hành bản Mệnh khắc hành Cục: Trường hợp này cũng không đẹp vì hành của bản Mệnh tuy khắc xuất hành Cục nên cũng bị hao tổn hành khí vì thế mà bản Mệnh bị giam cầm, bó tay không hoạt động được. Dẫu vậy, trường hợp này cũng không có hại, mà chỉ ở mức trung bình.
Hành Cục khắc hành bản Mệnh: Trường hợp này xấu nhất trong mối quan hệ giữa hành Cục và hành Mệnh. Ở đây, hành khí của bản Mệnh bị suy thoái do chịu sự khắc nhập từ hành Cục.
Quý vị có thể tham khảo toàn bộ bài viết trên theo đường link sau:
Đây là bài viết hữu ích với những ai muốn tìm hiểu kỹ và sâu, rộng về ứng dụng Âm Dương Ngũ Hành vào cuộc sống. Tuy vậy, theo quan điểm cá nhân tôi, quý vị bạn đọc cũng nên tham khảo thêm quan điểm của tác giả Lê Thực, khi bàn về việc so sánh Ngũ Hành trong Tử Vi.
Xin trích quan điểm của tác giả Lê Thực để quý bạn đọc tham khảo:
Không nên dùng nhiều so sánh Ngũ Hành trong Tử Vi
Những người mới học tử vi thường có những so sánh về ngũ hành. Đơn giản vì nó dễ áp dụng, dễ dùng, có thể so 1 phát ra luôn. Ví dụ:
- So sánh ngũ hành mệnh và cục (ghi sẵn trên thiên bàn).
- So sánh ngũ hành chính tinh và ngũ hành mệnh.
- So sánh ngũ hành chính tinh và ngũ hành cục.
- So sánh ngũ hành chính tinh và ngũ hành cung (Tý là thuỷ, Ngọ là hoả, Thân là kim v.v…)
- So sánh ngũ hành chính tinh và phụ tinh.
Và nhiều kiểu so sánh tự nghĩ, tự suy, tự luận ra khác nữa.
Thực ra, so sánh cũng được, nhưng các quy luật nhiều khi lại không đơn giản nhẹ nhàng.
- Ngũ hành có sinh và khắc. Nhưng ngoài sinh và khắc, còn có phản sinh, phản khắc, tương thừa, tương vũ. Cũng là các quan hệ của ngũ hành.
Ngũ hành lại còn phân âm dương. Dương khắc dương hay âm khắc âm mới thực là khắc. Dương khắc âm hay âm khắc dương nhiều khi lại có ý nghĩa tốt chứ không hẳn là xấu.
- Ngũ hành mệnh và cục đều là ngũ hành nạp âm. So sánh với nhau còn hợp lý. Các ngũ hành khác không phải là ngũ hành nạp âm. Do đó đem so sánh với ngũ hành mệnh, cục hơi khiên cưỡng.
- Ngũ hành nạp âm lại có các giai đoạn sinh, thành, vượng, yếu khác nhau. Nếu chỉ đơn giản so sánh ngũ hành vs ngũ hành, mà không để ý đến mạnh hay yếu, cũng là thiếu sót.
- Từ ngũ hành cục, chúng ta an ra đường vòng trường sinh. Cũng từ cục, kết hợp với ngày sinh, chúng ta an ra chính tinh với thế đứng 14 sao. Như vậy, chính tinh với thế đứng của nó, kết hợp với vòng trường sinh, đã chỉ ra độ vượng suy nhất định. Kết hợp thêm so sánh ngũ hành nữa, sẽ gây rối loạn.
- Như ý trên, thế đứng chính tinh kết hợp vòng trường sinh đã chỉ ra độ vượng suy, có nhận định khá tốt rồi. Nếu kết hợp so sánh với ngũ hành cung (Tý là thuỷ, Ngọ là hoả, Thân là kim v.v…) vừa rối loạn, vừa sinh ra những câu hỏi không đáng có. Ví như tại sao Thất Sát hành Kim, mà lại miếu ở Dần và Ngọ. Đồng thời miếu ở Thân và Tý. Trong khi tại Dậu không miếu địa.
Vậy ngũ hành của sao trong tử vi, thực chất là gì.
Thực chất là các tính chất, ý nghĩa của sao, quy về 5 nhóm.
Ngũ hành trong tử vi là ngũ hành thiên vị, không phải ngũ hành công bằng.
- Hành THỔ được chọn làm chuẩn mực của cái tốt, của quý nhân, có quyền năng cứu giải đặt lên các hành khác.
Tử Vi Thiên Phủ Lộc Tồn, và những sao này không bao giờ hãm địa.
Cát tinh thường thuộc Thổ.
Sao hành thổ khi xấu là sự u mê, tối tăm. Như sao Thai.
- Hành HỎA là hành đại diện cho sát tinh, tàn phá, khắc nghiệt, giết chóc.
Các hung sát tinh hạng nặng phần nhiều là hành hoả.
Sao hành hoả khi tốt là sáng lập, dẫn đầu, mạnh mẽ, quyết liệt, tính năng động. Sao hành hoả khi tốt chủ lễ nghĩa.
- Hành MỘC được chọn cho nhân từ cứu giải.
Thiên Lương được chọn cho hành mộc với ý nghĩa thầy thuốc nhà giáo nhân hậu cứu khổ cứu nạn.
Sao hành Mộc khi xấu, thể hiện hao bại tinh, tuy nhiên không quá mạnh, ý nghĩa không rõ ràng. Thường sao hao bại tinh không đủ mạnh xếp vào hành khác thì xếp vào hành Mộc.
- Hành THỦY được chọn cho suy bại bệnh tật hao mòn hoang hủy.
Các sao thuộc thủy đều ám tàng bệnh tật và sự phá hoại kiểu rút ruột ăn chơi dâm dật, bệnh tật ăn dần ăn mòn cơ thể.
Tham Lang được TTL chủ động lựa chọn hành thủy với ý nghĩa ăn chơi sa đọa.
Sao hành Thuỷ khi tốt thì cũng mang ý nghĩa tu hành, phiêu đãng, hoặc sinh lực bất tận.
- Hành KIM được chọn cho khó khăn vất vả kinh tài buôn bán.
Sao hành Kim thể hiện các tai hoạ thực tế, sự vất vả. Nhưng cũng thể hiện tiền tài. Đều là những thứ thực tế, chân thực, gắn liền với cuộc sống hằng ngày, rõ ràng, dễ thấy.
Vì thế. Ngũ hành của sao trong tử vi, không nên đem so sánh với ngũ hành mệnh. Vì bất cứ tuổi nào, cũng có người cẩn trọng (Thổ), ăn chơi sa đoạ (thuỷ), buôn bán giỏi (kim), nóng nảy khắc nghiệt (hoả) v.v….
Bất cứ ngũ hành mệnh nào, cũng có thể ăn trọn được tính chất của các chính tinh, chứ không phải chỉ người mệnh Thổ mới ăn được Tử Phủ, người mệnh Hoả mới ăn được Thái Dương.
Vì ngũ hành sao là thể hiện tính chất. Khi soi xét tính chất, cục nhựa được mài thành dao cũng có hành kim, mà cục đá (thổ) được mài thành dao, cũng có hành kim. Người mệnh Kim thì chúng ta nên so sánh với cái nào đây, so với tính chất (dao nhọn, cắt, đâm), hay so với vật liệu (nhựa, đá) để biết ăn được hay không được.
Thế nên khi đã mông lung khó định và thiếu cơ sở vững chắc, tốt nhất đừng dùng.
Người mới học tử vi, không nên dùng quá nhiều ngũ hành. Bởi hơn 100 thần sát với ý nghĩa khác nhau, cộng thêm chính tinh, tuần triệt, đã thể hiện quá nhiều sự tương tác giữa can vs can, can vs chi, hay tương tác giữa các yếu tố năm, tháng, ngày, giờ rồi.”
Thưa quý bạn đọc!
Sau khi đọc xong đoạn trích dẫn quan điểm của tác giả Lê Thực về việc so sánh Ngũ Hành trong Tử Vi, chắc quý vị sẽ thắc mắc: Vậy thì rốt cục là theo quan điểm của tác giả Đặng Xuân Xuyến hay quan điểm của tác giả Lê Thực? Xin thưa cùng quý vị! Những kiến giải của tác giả Đặng Xuân Xuyến là những kiến thức cơ bản, là nền móng cần thiết cho bất kỳ ai khi luận giải lá số, còn quan điểm của tác giả Lê Thực là những gợi ý nên biết để quý vị linh hoạt khi vận dụng Ngũ Hành vào Tử Vi.
*.
ĐỖ VIỆT PHƯƠNG (tổng hợp)
Địa chỉ: Khu tập thể đóng tàu Bạch Đằng
Ngã tư An Dương, Lê Chân, Hải Phòng.
Email: dovietphuong118@yahoo.com.vn
.
..





.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 23.07.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét