MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Đọc tập tản văn: 'BAY TRÊN MÁI NHÀ THÀNH PHỐ' CỦA PHONG ĐIỆP - Tác giả: Nguyễn Khắc Kình (Hà Tây)

(Nhà văn Phong Điệp ; Nguồn ảnh: internet)
Đọc tập tản văn: 
BAY TRÊN MÁI NHÀ THÀNH PHỐ
CỦA PHONG ĐIỆP
*
(Tác giả Nguyễn Khắc Kình)
Đô thị ngày càng mở rộng theo xu thế “đô thị hóa” ngày một nhanh, đồng nghĩa với sự gia tăng cư dân sinh sống. Đời sống đô thị, trong quá trình phát triển đã đặt ra bao điều khiến ta phải ngẫm ngợi, trăn trở. Đời sống ấy hiện hữu đêm ngày với sự náo nhiệt, xô bồ của môi trường sống cùng với những con người đang cùng nhau làm lụng mưu sinh đã được nhà văn Phong điệp mô tả một cách trung thực qua tập tản văn “Bay trên mái nhà thành phố (Nhà xuất bản văn học, năm 2012)
Phong Điệp là một nữ nhà văn trẻ đã có nhiều tác phẩm viết về đời sống đô thị. Trước đó, chị đã có tập truyện ngắn “Người bên kia đường (năm 2000), “Phòng trọ (năm 2001), truyện dài “Lạc chốn thị thành (năm 2005), tiểu thuyết “Blogger (năm 2009) viết về đô thị. Lần này, tập tản văn “Bay trên mái nhà thành phố của Phong Điệp lại đưa đến cho người đọc những bức tranh sống động, những sự tình, thân phận ám ảnh, tinh tế về đời sống đô thị hôm nay.
Đó là: Ban mai bước ra đường”, giờ đây “không còn là không gian trong vắt tiếng chim, những con đường hiền hòa người xe qua lại, ríu rít chuyện trò... trong trí nhớ tuổi thơ”, mà là: “...Con phố từ nhà đến trường mới sáu rưỡi sáng đã tắc ứ. Xe máy trườn qua đầu mũi ô tô, phi lên vỉa hè. Xe bên này lấn sang lối bên kia... Con phải lo nhìn trước nhìn sau, tìm khe hẹp trên con đường ngồn ngộn người xe mà chen mà lấn. Có nhà hàng bánh cuốn chả nóng cứ nhè tinh mơ mờ sáng mang thịt mang than ra quạt.Thôi thì mù mịt khói, nồng nàn mùi tỏi ướp....”.Tiếp đến là: “Hết đoạn tắc đường thì gặp ngã tư. Đèn đỏ bật mà xe cứ lao như bất biết có ai khác ở bên đèn xanh cũng cần phải đi nữa”? (Ban mai bước ra đường). Lại nữa: “Đường mới mở. Những tường gạch dỡ bỏ dở dang, còn nguyên vôi vữa lả tả. Cánh quảng cáo khoan cắt bê tông, thu dọn phế liệu còn chưa kịp “đổ bộ”vào địa bàn béo bở (Nếp phố). Việc quản lý xây dựng,tu sửa nhà cửa ở đây chưa được thực hiện nghiêm chỉnh theo luật pháp nên còn nhiều nhà dân cơi nới tùy tiện, lấn chiếm hè đường, thậm chí lấn cả chùa chiền, di tích lịch sử, văn hóa... “Chỉ cần qua bàn tay phù phép của những người chuyên thiết kế nội thất và văn phòng cho thuê, chúng- những ngôi nhà rệu rã- lập tức trở nên hào nhoáng, bóng bẩy. và cũng vì mục đích kinh doanh đạt hiệu quả, những bức ngang nhà bị đập bỏ để mở thêm không gian...Ngôi nhà đã yếu ớt càng trở nên yếu ớt hơn (Câu chuyện của một ngôi nhà). Vì vậy, người hàng phố nơm nớp lo nhà sập, lo cháy nổ khi nhà ở giáp vách với cửa hàng sang chiết ga tư nhân?...
Không nói rõ địa danh đô thị trong tản văn nhưng qua cái cảnh tắc đường thường nhật, khi mưa bão thì đường phố biến thành dòng sông,nhà nứt, sập do nâng thêm tầng vô tội vạ, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, cửa nhà luôn phải đóng kín suốt ngày vì sợ trộm cắp tấn công, sợ nhân viên khuyến mại các kiểu xông vào quấy nhiễu...thì ta tự hiểu đó là phố xá ở Hà Nội? Tình cảnh ấy đã được báo chí nói đến nhiều lần? Còn với những tản văn ngắn gọn, sắc sảo, Phong Điệp đã cùng người đọc khám phá cái thế giới bên trong của đời sống đô thị ấy với những tình cảnh, những số phận con người đang ngày đêm neo bám để mưu sinh! Trong từng tản văn, Phong Điệp đã nhìn hiện thực đời sống ngổn ngang, xô bồ, éo le, thương tâm, với nhãn quan của một nhà báo, ý thức của một nhà văn và thấp thoáng xúc cảm của một nhà thơ! Thông qua những trang viết, nhà văn cũng đã gửi vào đó đôi điều luận bàn thẳng thắn, gửi vào đôi điều nhắn nhủ với cộng đồng trước hiện thực đời sống đô thị đang đặt ra... Ấy là, “những người hàng xóm ở cùng tầng trong chung cư” chỉ là: “hai phút đứng chung trong thang máy...tình cờ được gặp nhau, chào nhau và... chỉ thế thôi.”, những người hàng xóm cùng dãy phố trong đô thị mới thì “lúc nào cũng kín cổng cao tường. Chứ chả lẽ lại mở toang cửa mời trộm cắp, chích hút lẫn nhân viên khuyễn mại ra vào cả ngày? Mà có đóng cửa cũng đã yên đâu. Chủ nhật ở nhà, cứ mười lăm hai mươi phút, cái chuông cửa lại reo lên eo éo, khi thì “bán tăm từ thiện”,.. khuyến mãi dầu gội đầu,.. khi thì cánh bếp ga, cánh đồng nát... Chị giúp việc trong nhà cấm tuyệt đối mở cửa ra ngoài  buôn chuyện với hàng xóm. Lệnh thế thì khác nào thiết quân luật (Những người lạ...gặp hàng ngày).
Ở đường phố thì ngoài chuyện bụi bậm, hè bị lấn chiếm, hố ga mất nắp, cống rãnh hôi hám ứ đọng, tắc đường, va chạm vì phóng nhanh vượt ẩu.. còn gặp bao chuyện xao lòng khác...? Thật là cảm động khi ở ngã tư đường kia có một người phụ nữ hàng ngày tranh thủ sau giờ chăm nom con ốm nằm điều trị ở bệnh viện, lại ra ngã tư gần đó bày bán những cái mặt nạ bằng giấy bồi mang từ quê lên để lấy tiền trả viện phí? Phơi mặt giữa nắng nôi, bụi bậm ở ngã tư kia để mời chào người mua đã đành, nhưng có một chi tiết ám ảnh nhất, chua xót nhất là khi mưa bão ập xuống, giữa ngã tư ấy, “những cái mặt nạ giấy bồi cũng nháo nhác trong mưa. Mồm miệng méo nhệch nhạc cười. Rồi những vệt phẩm màu xanh đỏ trên những khuôn mặt cười xệch xạc đó sẽ tan rữa ra trong trận mưa phũ phàng...”. Tác giả đã so sánh giá của “quả bóng xanh đỏ hình thú” là vài chục ngàn đồng, “con gấu nhồi bông” cũng hàng trăm ngàn đồng... vậy mà “cái mặt nạ giấy bồi chỉ có giá vài ba ngàn đồng cũng không mấy ai mua?” Để rồi khi trời mưa xập xuống làm nó nhão ra thành một mớ nhẽo nhèo khổ sở? (Người phụ nữ nơi ngã tư đường)
Những người dân nghèo đô thị được nhà văn đưa vào làm nhân vật trong các tản văn như: Bà cụ có ba đứa con nghiện ngập, cuộc sống cả nhà phải dựa vào nồi cháo bán hàng đêm ở góc phố,bà cụ ở quê lên phố làm ôsin mong dành dụm đồng tiền để mua “quà cưới” cho con, cô gái bán hoa quả tình cờ gặp và lấy anh chàng tàn tật trông nom “chợ tạm”, ông già mù thổi sáo bên chân cột điện, cô gái quá lứa, vô nghề nghiệp ở xóm thuyền ngoài bãi sông... mỗi người một cảnh sống, một tâm trạng khác nhau nhưng họ đều có chung cái sự nghèo khó, cái “đức” an phận lăn lộn kiếm miếng cơm, manh áo hàng ngày nơi thị thành đông đúc, ồn ã...?
Cũng từ đám dân đô thị ấy, tác giả đã phát hiện ra trong đó còn có những người tốt bụng, nhân từ. Đó là ông thầy thuốc Đông y ở phố nọ, là bà lão tận tụy chỉ dẫn đường cho người lạ trong đêm khuya, là anh chàng tàn tật trông nom “ chợ tạm”, xa hơn, là tấm gương người lái tàu hỏa Trương Xuân Thức đã dũng cảm xả thân cứu cả đoàn tàu, là Anh Nguyễn Quang Đại, người nông dân đã không sợ hiểm nguy lao vào khoang lái tàu cứu mạng anh Thức - người vừa cách đó chỉ mươi lăm phút chính anh đã cứu mạng 300 hành khách trên tàu... Trong đêm đô thị vẫn lóe sáng ngọn lửa của những tấm lòng nhân hậu và họ từng biết đến một lẽ đời là mỗi người hãy cùng sống gắn bó, chia sẻ với mọi người!..
 Nhà văn Phong Điệp đã dành nhiều trang cho các tản văn: “Mùi phố”, Những buổi chiều thành phố”, “Bông hoa nào cho cuộc đời ta”, “Thủ tục để làm người thành phố”,  “Thư gửi những nhà từ thiện”,  “Gửi những người không còn niềm tin”...để mô tả thực trạng môi trường sống ở đô thị và để giãi bày tâm sự, gửi gắm tình yêu của mình với những người dân đang lam lũ kiếm sống và sau nữa là đôi lời cảnh báo về lối sống thị thành với giới trẻ hôm nay!
Trong tản văn “Thư gửi những nhà từ thiện”, tác giả đã nói không cần đắn đo về câu chuyện các nhà từ thiện từ thành phố đã mang về “biếu, tặng” người nghèo khó ở những miền quê, nào là “nước mắm quá hạn, sữa quá hạn, thuốc chữa bệnh quá hạn”, nào là: “những chiếc quần cắt ngang cắt dọc quanh ống”, “những cái váy đăng ten mỏng tang”... để đến nỗi một ông bố nọ khi nhìn thấy các món quà từ thiện đã phải “gầm lên, ôm tất cả đống quần áo ném vào chuồng lợn”! Thật mỉa mai và chua xót quá cho những món quà từ “lòng từ thiện” của người thành phố, khi được tác giả mô tả rằng: “những người thành phố không đến luôn chỗ dân làng đang đợi. Họ gọi đại diện ủy ban xã trao đổi gì đó. Tay chỉ chỗ nọ chỗ kia. Mãi lúc sau thì thì ai nấy đều hiểu rằng, những người thành phố muốn sắp xếp đội hình, đội ngũ để quay phim”, họ dặn dò từng người dân “phải nói thế này, cảm ơn thế nọ để họ ghi âm! Ai đó nói không được đã bị họ nổi cáu.” Họ bảo “nói có thế mà cũng không nên hồn”, bị mắng mỏ, xúc phạm, có người dân quê bật khóc! (Thư gửi những nhà từ thiện). Trong tập tản văn, có lẽ đây là “chân dung” duy nhất của người thành phố thuộc diện  giàu có? Họ có thể là những doanh nhân may mắn, tài ba, cũng có thể họ chỉ là những người “gặp nước cờ bất động sản” mà giàu nhanh như diều gặp gió, nhưng tấm lòng của họ thì đâu nào giống nhau?.. Với tản văn: “Thủ tục để làm người...thành phố”, “Cháo đêm”, “Buồn ở phố”, “Gửi người không còn niềm tin”... tác giả cũng đã hơn một lần đánh động đến sự sa sút về đạo đức xã hội, cách đối nhân xử thế và canh cánh những nỗi niềm trước sự vô cảm của không ít người trước nỗi đau đồng loại!
Trong tản văn “Bông hoa nào cho cuộc đời ta”, tác giả kể một câu chuyện, rằng đứa con lên bốn tuổi nhờ mẹ vẽ cho một bông hoa, do “mải ngồi lướt web, say sưa với những tin thời sự giật gân, tôi đã vẽ rất nhanh những đường tròn bện vào nhau để thành một bông hoa năm cánh vô hồn vô nghĩa. Vẽ để cho xong. Đúng nghĩa là như thế.”. “Vậy mà thật bất ngờ, khi đứa trẻ bốn tuổi nhìn thấy bông hoa năm cánh tôi vẽ cho nó, nó đã nhìn tôi với ánh mắt lạ lẫm chưa từng có. Đôi mắt trong veo của nó chứa những câu hỏi đầy nghi hoặc, đầy thất vọng: đây mà là hoa ư? Thế nó là hoa gì? Đôi mắt của đứa trẻ khiến tôi bàng hoàng và xấu hổ khôn xiết. Tôi nhìn bông hoa mình vừa vẽ, lòng tái tê...” .
Lâu nay ta thường vin vào cái gọi là “thời kỳ quá độ” để biện bạch cho sự yếu kém của việc quản lý xã hội ở nơi đô thị! Sự sai phạm nào cũng có thể đổ tại “khách quan”! Vậy xin hỏi: Sự bất nhã, thậm chí vô lương tâm của một vài “nhà từ thiện” đã xẩy ra ở đâu đó khi “tặng quà” cho người nghèo bằng những thứ bỏ đi?, những vụ sập nhà do cơi nới bừa bãi, những vụ cháy nổ do sang chiết ga tùy tiện, những ngôi nhà siêu méo, siêu mỏng phơi ra giữa phố, những quán ăn, nơi trông giữ xe lấn hết vỉa hè, tệ nạn trộm cướp, nghiện hút, mại dâm nảy sinh ở khắp hang cùng ngõ cụt, những vụ cháy chung cư, cháy nhà kho kia có phải là do “quá độ”?..
Tập tản văn Bay trên mái nhà thành phố”giàu tính nhân văn, dễ đọc và chính nó đã đặt ra được những câu hỏi đáng cho ta phải suy ngẫm bằng những trang viết ngắn gọn và chân thực! Đạt được điều đó, phải chăng là nhờ ở cái nhìn tinh tế, sắc sảo của một nhà văn lại vừa là một nhà báo - Phong Điệp! Trong hai mươi chín tạp văn của tập thì có chừng 5 đến 7 bài có “dung lượng” và “hình hài” của một truyện ngắn? Chỉ “nhích” thêm một chút nữa về nội tâm  nhân vật thì nó sẽ là một truyện ngắn thực sự, một truyện ngắn ấn tượng?..
Cái nút chính của “Bay trên mái nhà thành phố” đã được cởi ra, rằng: đời sống đô thị bây giờ đây đang có rất nhiều điều bất cập, nhiều trăn trở... và như muốn tạo ra sự  hài hòa, nhẹ nhõm một chút trong tâm trạng người đọc, tác giả đã dành một số trang cho sự “hồi tưởng” từ chính bản thân mình về miền quê yêu dấu, máu thịt của tuổi thơ. Nhưng tất cả, trước sau cũng chỉ là “hồi tưởng” một thời “vang bóng” mà thôi! Có nhà thơ đã viết về làng quê thời “đô thị hóa”: Làng tôi nay gọi Phố Làng/ Nhà tầng, quán xá thay hàng tre xanh.../... Gặp em gái tựa gốc cây/Áo phông , quần lửng, mặt đầy phấn son...” (Lý Nguyên Liên). Bây giờ ở quê đã vắng bóng những hàng tre xanh, những ao bèo tím, những mảnh vườn ríu rít tiếng chim và khắp nơi là nhà cao tầng, cổng sắt, đường bê tông, quán Karaoke xập xình ngày đêm, chẳng khác đô thị là mấy?...
Có một nhà báo sau khi đọc tập tản văn “Bay trên mái nhà thành phố” đã hỏi tác giả: “Sống và làm việc tại Hà Nội gần hai mươi năm, chị đã thấy mình là người của mảnh đất này?”. Phong Điệp đã trả lời: “Chưa. Tôi vẫn nơm nớp tâm thế của kẻ ở trọ, ra đường gặp người đi tạt qua đầu xe, khiến mình ngã chỏng chơ rồi họ còn mắng mình như hát hay mà thẫn thờ cả ngày. Tôi hình như không hợp với đô thị!” Nhưng trong thực tế đời người: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn (Chế Lan Viên) có phải không Phong Điệp? Tôi tin rằng: Cuộc sống nơi đô thị sẽ ngày một tốt đẹp, dễ chịu hơn với mọi tầng lớp cư dân, mà trên thực tế nó cũng đang có bao nhiêu cái đáng yêu, đáng  quý đấy chứ?, ấy là những vườn hoa tươi xanh, những con đường hai chiều thênh thang, những nhà hàng, siêu thị sầm uất, những căn hộ tiện nghi, những cây cầu vững chãi, rồi hồ Tây mờ sương, hồ Hoàn Kiếm lung linh, thiêng liêng, bờ bãi sông Hồng lộng gió v.v.. Và, đáng trân trọng, tin yêu hơn cả là những con người, hoặc là người “Hà Nội gốc” hay là “dân nhập cư” đang cùng nhau đêm ngày lao động, sáng tạo, cùng nhau chia sẻ bao nỗi niềm để  gắng gỏi vượt qua những thiếu thốn, khó khăn nảy sinh từ đời sống đô thị, để rồi mọi cư dân đang “bay trên những mái nhà” nơi ấy sẽ cùng “hạ cánh” và gắn bó máu thịt với những “mái nhà thành phố”, ngôi nhà của chính mình!


                 
Mời thư giãn với nhạc phẩm HÀ NỘI VÀ TÔI
của Lê Minh, qua tiếng hát Ngọc Tân:
             
*
NGUYỄN KHẮC KÌNH
Địa chỉ: Số 17/4, phố Ao Sen, phường Mộ Lao,
quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Email: Lynguyenlien1946@yahoo.com
Điện thoại: 0904 32 36 33
.
                                            .
.



…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com gửi ngày 21.09.2015.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét