MỜI ĐỌC:

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2019

BÀI THƠ THIẾU NỮ CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN VÀ NHỮNG CẢM NHẬN - Nhiều Tác Giả


BÀI THƠ “THIẾU NỮ” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
VÀ NHỮNG CẢM NHẬN
*
THIẾU NỮ

Ô kìa người ngọc giữa sớm mai
Áo xiêm trễ nải chả chịu cài
Ngực nõn phập phồng ru hồn gió
Bổng đảo in hồng trong mắt ai.
*.
Hà Nội, ngày 05/02/2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


(Nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm)
ĐẾN VỚI “THIẾU NỮ”, MỘT BÀI THƠ HAY CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Trong không khí mùa xuân Đinh Dậu (2017), mọi người của thế kỷ 21 này đón xuân, đón tết cổ truyền không còn thèm khát ở sự ăn mà ở sự chơi, hưởng thú vui tinh thần, không màng đến “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”. Nhưng tìm thú vui tinh thần đâu phải dễ dàng, bởi xã hội tình người vô cảm, âu lo và bất an nhiễm vào hồn người như một căn bệnh - căn bệnh của loài người.
May mắn thay tôi đọc được bài thơ “Thiếu nữ” của Đặng Xuân Xuyến. Bài thơ cho tâm hồn thư giãn, quên hết những bất trắc âu lo trong cõi tục trần, bài thơ như bức tranh không phải để ngắm bằng mắt mà ngắm bằng hồn. Ru hồn trong từng câu chữ và từng câu chữ hiện lên bóng hình của người đẹp - người ngọc. Ôi đã là đàn ông không biết thưởng thức vẻ đẹp của “Thiếu nữ” chẳng đáng buồn sao!
Đầu đề bài thơ là “Thiếu nữ” nghĩa là tuổi còn tơ non như hoa đương nụ, như trăng mới nhú, gái ở tuổi dậy thì. Tàng ẩn những điều kỳ diệu cho hồn tha hồ tưởng tượng, sự tưởng tượng đến bến bờ yêu say đắm và dịu ngọt trong hồn không thể cưỡng được. Đến nỗi nhà thơ phải thốt lên: “Ô kìa” - “Ô kìa người ngọc giữa sớm mai. Chữ “Ô kìa” như sự thảng thốt bất ngờ ngoài ý tưởng. Có gì khác thường, khác với thông lệ, khác với nếp nghĩ của nhà thơ. Chắc nhà thơ nghĩ rằng người đẹp sẽ phải đoan trang e lệ, “Dín gió e sương”, nhất là giữa sớm mai càng phải kín đáo hơn. Chữ sớm mai biểu thị thời gian tươi mới nõn nà của thiếu nữ. Thế mà thiếu nữ ấy: “Áo xiêm trễ nải chả chịu cài”. Một bức tranh nude cho người xem tưởng đến trường phái hội họa thời phục hưng rất gợi cảm và gợi dục. Xưa ở Việt Nam nữ sỹ Xuân Hương đã vẽ bức tranh thiếu nữ ngủ ngày rất phồn thực: “Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng/… Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông/ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở ở không xong”.
Bức tranh thơ của Đặng Xuân Xuyến chỉ là bức tranh phồn thực mờ, đòi hỏi sức tưởng tượng, nude nhưng mờ ảo. “Chả chịu cài” có nghĩa là có phần kín có phần hở và phải có phẩn hở phần kín mới nên thơ. Gợi giác quan cảm xúc. Chất thi sỹ cũng là ở đây, nếu hở quá lộ quá sẽ không còn thơ nữa, chính vì vậy: “Ngực nõn phập phồng ru hồn gió”. Gió bị ru hồn hay thi nhân bị thôi miên, thiếu chữ “ru hồn gió” sẽ mất thiêng, gió còn bị ru hồn thì người còn bị ru hồn hơn. Nếu nói ngôn ngữ của tuổi trẻ thì còn bị “Phê” hơn.
Nếu đổi lại câu thơ “Phập phồng ngực nõn” thì sẽ bị giảm cái hay cái thực của chủ thể “Ngực nõn”. Chẳng khác gì nói: “Hồng thắm làn môi” mà phải nói “làn môi hồng thắm” mới chính xác. Thế mới biết làm thơ như đánh cờ, như sự sắp đặt cuộc đời vậy. Đánh cờ quân nào đi trước, đứng trước, quân nào đi sau, ván cờ tình yêu - cuộc sống cũng vậy, cũng phải có luật chơi và phải hiểu luật mới chơi được. Chữ “Ru hồn gió” tạo chất say của câu thơ, tài của nhà thơ là biết điều khiển câu chữ cho hợp với đạo thơ. “Bồng đảo in hồng trong mắt ai” hay ở chữ “in hồng”. Trong mắt như có lửa - lửa của đắm say, nhưng chỉ hồng thôi mà không chói, sự đam mê vừa tới, vừa đủ. Chói quá - nhìn kỹ quá sợ làm đau bồng đảo. Cách thưởng thức vẻ đẹp bằng sức cảm của tâm hồn không trần tục thì mới là thơ.
Trong mắt ai” nhà thơ nhìn thấy mà lại “trong mắt ai”. Lòng thi sỹ cảm giác vẻ đẹp ấy là của trời, không phải của mình, có chút gì đấy như sự “ghen”, ghen với đời, bâng quơ ghen với ai, sự ghen đáng yêu của tuổi 50 tự biết mình, tiếc cho mình!
Ôi. Trong mùa xuân khao khát niềm vui tinh thần hơn vật chất này, được thưởng một bài thơ “Thiếu nữ” - Nude như xem bức tranh bằng hồn thật đáng quý biết bao!
*
NGUYỄN THANH LÂM
Địa chỉ: Số 4/179 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Email: thanhlam.tho@gmail.com


BỨC TRANH "THIẾU NỮ" ĐẶC SẮC CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Nếu mấy năm trước, được nhiều cô gái khác yêu thương nhưng chàng trai ấy đã không dám hôn nhân lần nữa vì cảm thấy mình đã chớm già, sợ cưới nhau rồi trước là pháo hoa sau cũng ra tăm tối như cuộc hôn nhân đầu đã đổ vỡ, sợ đến nỗi có lúc đã cảm thấy chán cái vị yêu đương mới:
Ta bỗng chán vị yêu nhạt thếch
Xộc xệch tình
Lếch thếch tiếng yêu.
Thì năm nay, cái sự chán vị yêu nhạt thếch ấy dường như đã tan biến khiến trái tim chàng đã biết say mê rung động trước một vẻ đẹp thiếu nữ:
Ô kìa người ngọc giữa sớm mai
Áo xiêm trễ nải chả chịu cài
Ngực nõn phập phồng ru hồn gió
Bồng đảo in hồng trong mắt ai.
             (Thiếu nữ)
Bài thơ tứ tuyệt với bức tranh một thiếu nữ đẹp giữa cảnh sớm mai của mùa Xuân đã khiến nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm phải tốn công gõ phím với cả ngàn chữ bình luận rất xác đáng: “Bài thơ cho tâm hồn thư giãn, quên hết những bất trắc âu lo trong cõi tục trần, bài thơ như bức tranh không phải để ngắm bằng mắt mà ngắm bằng hồn. Ru hồn trong từng câu chữ và từng câu chữ hiện lên bóng hình của người đẹp - người ngọc”. 
Người ngọc - Thiếu nữ đã là nguồn cảm hứng bất tận muôn đời của các thi sĩ văn nhân, vì vậy thơ Đông thơ Tây đã có cả ngàn bài tuyệt tác ca ngợi vẻ xinh đẹp của thiếu nữ. Nhưng ở Á Đông, do những hủ tục bất nhân, những tập quán ti tiện, xem thường vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũ, thơ ca có phần dè dặt khi tôn vinh vẻ đẹp đó. Ba nhà thơ Đường trứ danh của Trung Quốc như Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Xương Linh, trước vẻ đẹp của các cô gái hái sen đã không ai bảo ai mà cùng phóng bút viết nên mấy khúc ca diễm tình cùng chung một tên là Thái liên khúc (Khúc hát hái sen).
Đây là cô gái trong Khúc hát hái sen của Bạch cư Dị: Một thiếu nữ xinh tươi duyên dáng chèo chiếc thuyền nhỏ giữa một đầm sen để hái hoa và vô tình thấy chàng trai đang đắm đuối nhìn mình, người thiếu nữ thẹn thùng, muốn nói chẳng nên lời, để đến nỗi đánh rơi chiếc trâm cài đầu xuống đáy ao lúc nào chẳng hay:
Sóng đưa lá, gió rung hoa 
Đầm sen thuyền nhỏ lướt qua thấy chàng 
Cúi đầu thẹn, chẳng nói năng 
Ao sâu rơi xuống chiếc trâm cài đầu 
       Thái Liên Khúc (Bạch Cư Dị-Hải Đà dịch)
Đây là cô gái trong Khúc hát hái sen của Lý Bạch: Một khuôn mặt đẹp như hoa, hồn nhiên, nhí nhảnh, ngây thơ bên ngòi Nhược Da, dưới bầu trời cao rộng, trời xanh nước biếc, nắng hồng, hoa trắng giao hòa tạo ra một vẻ đẹp thanh tao huyền ảo:
Có cô con gái nhà ai, 
Hái sen, chơi ở bên ngòi Nhược Da. 
Mặt hoa cười cách đoá hoa, 
Cùng ai nói nói mặn mà thêm xinh. 
Áo quần mặc mới sáng tinh, 
Nắng soi đáy nước rung rinh bóng lồng. 
Thơm thơ vạt áo gió tung, 
Bay lên phấp phới trong không ngạt ngào.
        Thái liên khúc (Lý Bạch-Tản Đà dịch)
Và đây là cô gái trong Khúc hát hái sen của Vương Xương Linh: Màu quần lụa của cô gái lẫn một màu giữa rừng lá sen xanh thắm chập chùng, mặt nàng tươi như hoa thắm khó mà thấy, bỗng đâu một tiếng hát khe khẽ ngân vang mới biết có bóng người:
Lá sen quần lụa một màu, 
Mặt tươi hoa thắm như nhau mặn nồng. 
Dưới ao trà trộn khôn trông, 
Nghe ca mới biết là trong có người.
         Thái liên khúc (Trần Trọng Kim dịch)
Ba bức tranh thiếu nữ hái sen với những nét vẽ khác nhau đều tuyệt đẹp. Nhưng vẻ đẹp thiếu nữ đó chỉ thuần khiết là một vẻ đẹp thanh xuân trong trắng tựa hoa sen.
Ở ta, mới cách nay vài chục năm, người đọc cũng chỉ thấy trong thơ hình ảnh những thiếu nữ đẹp ngây thơ trong sáng như người thiếu nữ bên hồ Xuân trong thơ mới của Thế Lữ: Trên vừng trán ngây thơ, trong sáng/ Vẩn vơ qua một áng hương buồn/ Giây lâu cô vẫn như còn/ Lâng lâng trông gửi tâm hồn lên cao.
Mà không thể thấy được một bức tranh thiếu nữ nào với vẻ đẹp phồn thực của những áo xiêm trễ nải, ngực nõn, bồng đảo đầy quyến rũ như thiếu nữ trong bài thơ của Đặng Xuân Xuyến.
Một bài thơ Đường được coi là sexy nhất trong lịch sử văn học Trung Hoa là bài “Thanh Bình điệu” do Đường Minh Hoàng đã lệnh cho Lý Bạch làm để ca ngợi Dương quý phi. Dương qúy phi vốn là một dâm phụ, từng là vợ con trai Đường Minh Hoàng, bị vua cha cướp lấy. Dương Qúy Phi với sắc đẹp dục tính đã khiến con nuôi Đường Minh Hoàng là An Lộc Sơn muốn cướp người đàn bà dục tình này nên đã làm loạn, gây chết một phần ba dân số Trung Hoa thời đó. Nhưng dưới ngọn bút tài hoa của Lý Bạch, vẻ đẹp viên mãn và gợi dục của Dương Quý Phi sau một đêm làm tình với nhà vua cũng chỉ như một đóa nhánh hồng tươi ướt đẫm sương:
Một nhánh hồng tươi, móc đọng sương,
Mây mưa Vu giúp uổng sầu thương
Và hình ảnh sexy của Dương quý phi cũng chỉ được diễn tả trong hai câu thơ trác tuyệt này: 
Mặt tưởng là hoa, áo ngỡ mây,
Hiên sương phơ phất gió xuân bay
Không phải là vẻ đẹp kiêu sa ngồn ngộn của xác thịt như bộ ngực hay đôi vú mà chỉ là một vẻ đẹp mờ ảo như mây như sương như gió.
Vậy mà, câu “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” được xếp vào hàng câu thơ gợi dục nhất của cả ngàn năm nay. Câu thơ này, mới hơn một năm trước đây đã khiến một vị anh hùng lao động của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bị ném đá tơi bời khi người anh hùng đã trăm tuổi này, Giáo sư Vũ Khiêu lấy nguyên vẹn câu thơ tả dâm phụ đó làm câu đối: "Trí như bạch tuyết tâm như ngọc - Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” để tặng cho hoa hậu Kỳ Duyên, một cô gái chưa chồng chỉ nhỉnh hơn chắt nội gái của cụ Quốc sư có vài tuổi. 
Giờ đem đặt câu thơ Mặt tưởng là hoa, áo ngỡ mây được coi là câu thơ sexy hết mực ấy bên cạnh những câu tả vẻ đẹp phồn thực của thiếu nữ trong thơ Đặng Xuân Xuyến ta thấy vẻ đẹp kiêu sa của Dương Quý Phi chỉ là một vẻ đẹp của một người mây mờ áo còn vẻ đẹp của thiếu nữ lại là một vẻ đẹp rất phồn thực và rất cụ thể với áo xiêm trễ nải, bộ ngực nõn và đôi gò bồng đảo in hồng vào mắt người chiêm ngưỡng.
Tôi đồ rằng khi chụp bức tranh thiếu nữ này Đặng Xuân Xuyến đã không quên nghĩ đến bức tranh thiếu nữ trong thơ của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương:
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông
Rõ ràng, thiếu nữ trong thơ Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã sexy hơn, gợi dục hơn thiếu nữ trong thơ Đặng Xuân Xuyến ở câu: “Một lạch đào nguyên suối chửa thông”. Nhưng thiếu nữ của Bà chúa là thiếu nữ ngủ ngày và bị chụp bởi đôi mắt đầy dục vọng của “Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt” còn thiếu nữ của Đặng Xuân Xuyến là thiếu nữ đứng trong gió xuân giữa sớm mai được chiêm ngưỡng bằng cái “Ru hồn gió” vì say mê của tác giả. Nhà thơ hiện đại học tập và kế thừa nhà thơ lớn của dân tộc như vậy là vừa đủ và thật đáng khích lệ.
- Trích từ bài viết CHÀNG TRAI ẤY BÂY GIỜ RA SAO -
*
DƯƠNG NINH NINH
Email: duongninhsg@gmail.com


                       
Mời thư giãn với nhạc phẩm CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM
của Hoài An, qua tiếng hát Như Quỳnh:
             
.

1 nhận xét:

  1. Chưa biết "thân thế" tác giả Dương Ninh Ninh nhưng đọc trích đoạn bình về bài thơ Thiếu nữ thì thật đáng nể phục!

    Trả lờiXóa