(Nguồn ảnh: internet) |
LẼ VÔ THƯỜNG TRONG THƠ
TRANG
TỬ, NGUYỄN BÍNH, XUÂN DIỆU…
*
Tình cờ lướt web, đọc
bài Đạo
Chích (chương 29, Trang Tử Nam Hoa Kinh), tôi cứ tủm tỉm cười. Trang Tử
khá “độc” khi đem “vạn thế sư biểu” Khổng Tử của Nho giáo ra đùa cợt. Hình ảnh
uy nghi, khẳng khái “uy vũ bất năng khuất”
đâu chẳng thấy mà chỉ còn là hình ảnh lão già tầm thường run như cầy sấy trước
hành động hung cuồng bạo ngược của Đạo Chích – kẻ bị cho là “đào tường khoét vách, lùa ngựa bò, bắt cóc
vợ và con gái người ta, tham lợi tới quên cả thân thích, không đoái hoài tới
cha mẹ anh em, không cúng giỗ tổ tiên”. Đạo Chích vừa mới cất vài lời
“cường ngôn” phản bác mà “Khổng Tử vái
hai vái rồi vội vàng chạy ra cửa, lên xe ba lần mới nắm được dây cương vì hoảng
hốt, mắt không thấy rõ, mặt tái như tro tàn, ngồi dựa vào cái đòn ở trước xe,
đầu cuối xuống, thở không ra hơi”. Trang Tử khéo giễu quá đi thôi! Đạo giáo
cùng Nho giáo Tàu cũng “chỏi” nhau ra trò đó chứ!
Nhắc đến Trang Tử, tôi
chợt nhớ hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương:
“Học làm Trang Tử thiêu
cơ nghiệp
Khúc Cổ bồn ca gõ hát
chơi”
Qua hai câu thơ ấy, hình
tượng Trang Tử có vẻ tiêu sái thoát tục, tôi tò mò tìm đọc nội dung khúc Cổ Bồn
Ca xem thế nào. Hoá ra Trang Tử thiêu cơ nghiệp và gõ bồn hát, cảm khái vì lẽ
vô thường “vợ mình thằng khác xài, con
mình thằng khác sai”... Sao bi hài thế nhỉ !
CỔ BỒN CA
Kham ta phù thế sự
Hữu như hoa khai tạ
Thê tử ngã tất mai
Ngã tử thê tất giá.
Ngã nhược tiên tử thời
Nhất trường đại tiếu
thoại
Điền bị tha nhân canh
Mã bị tha nhân khóa
Thê bị tha nhân luyến
Tử bị tha nhân mạ.
Dĩ tử đổng thường tình
Tương khan lệ bất hạ
Thế nhân tiếu ngã bất bi
thương
Ngã tiếu thế nhân không
đoạn trường
Thế sự nhược hoàn khốc
đắc chuyển
Ngã diệc thương sầu lệ
vạn hàng.
BÀI HÁT CỔ BỒN (Trang
Tử)
Ôi cuộc đời nổi trôi
Khác nào hoa nở, rụng
Vợ chết trước ta lo mai
táng
Ta chết vợ sang ngang.
Ví bằng ta chết trước
Thật một trường đại hài
hước
Ruộng ta người sẽ cày
Ngựa ta người sẽ cỡi
Vợ ta người sẽ thương
Con ta người mắng chửi.
Tình thế là như vậy
Nếu lệ ta chẳng rơi
Thế gian cười tớ vô tình
Tớ cười thiên hạ như
bình lệ chan
Khóc mà đổi được tuần
hoàn
Thì ta đã khóc muôn ngàn
năm nay.
VÕ TƯ NHƯỢNG dịch
Sự tích Trang Tử đốt nhà
và gõ bồn hát, như sau:
“Trang Tử đi chơi về, nằm lăn xuống phản kê giữa nhà, chân chữ ngũ,
chàng cười, cười như nắc nẻ, cười mãi. Vợ Trang Tử thấy lạ, lấy ghế ngồi bên
cạnh, hỏi chồng: “Mình có việc gì mà cười lắm thế?” Trang Tử ngồi nhỏm dậy,
nói: “Thế này nhé...” rồi lại cười. Khi ngớt cơn cười, Trang Tử mới kể:
Trang Tử đi qua một cánh
đồng chợt thấy một thiếu phụ xinh đẹp, đội khăn tang che mái tóc mượt mà, đang
cố sức quạt lấy quạt để; trước mặt nàng là một nấm mồ mới đắp, cỏ chưa mọc, đất
còn ẩm. Trang Tử lấy làm lạ; chàng dừng lại, chăm chú nhìn. Thiếu phụ xinh đẹp
quạt rất nhiệt tình, mỏi tay này đổi tay khác. “Hay là nàng thương người dưới
mồ nóng bức?”. Nghĩ vậy, chàng đánh liều hỏi: “Thưa quí nhân, nàng quạt mồ là
nghĩa làm sao?”. Người đẹp ngước đôi mắt đen long lanh, đáp: “Ðây là mồ chồng
thiếp. Trước khi chết, chồng thiếp trối trăn hai, ba lần: Phải đợi đất mồ chàng
khô rồi hãy lấy chồng. Thiếp thương chồng, không quên lời căn dặn cuối cùng của
chàng, nên thiếp quạt mồ chóng khô.” Trang Tử lại tỏ lòng thương xót người
thiếu phụ biết làm theo lời trăn trối của chồng.
Nghe câu chuyện, vợ Trang
Tử ngúng nguẩy đứng dậy, nhăn nhó: “Thế mà mình cười được. Ðàn bà đâu trơ trẽn
đến thế”. Trang Tử thở dài: “Chỉ mong khi tôi chết, mình quàn tôi một trăm ngày
rồi hãy chôn, sau đó hãy tái giá nhé!”. Vợ Trang Tử trách móc chồng vì đã nói
gỡ, nàng đoan chắc nếu Trang Tử có mệnh hệ nào, thì nàng nhất quyết cư tang,
suốt đời thủ tiết thờ chồng không tái giá. Không bao lâu, Trang Tử bỗng nhiên
đột tử. Thi hài Trang Tử liệm trong quan tài, quàn trong nhà. Ðược dăm hôm, một
chàng trai trẻ đẹp, hào hoa đến. Chàng thư sinh nhận mình là học trò thầy Trang
Tử, đến phúng viếng thầy. Chàng nói: “Nhà tôi ở mãi chân núi, xin cô cho ở lại
mấy hôm”. Vợ Trang Tử vừa thấy chàng, đã đem lòng vấn vương; nàng vội nhận lời.
Từ đêm ấy, hai bên quấn quít nhau, không rời nhau được. Bỗng một hôm, chàng ôm
bụng lăn lộn trên giường, mồ hôi nhễ nhại. Chàng trai kêu đau, rên la thảm
thiết. Chàng ú ớ nói chàng khó qua khỏi. Người thiếu phụ hoảng hốt. Chàng bảo
vốn chàng bị bệnh đau bụng kinh niên, chỉ một thứ thuốc duy nhất cứu được chàng:
lấy sọ người mới chết, mài ra, uống ngụm nước nóng, thế là khỏi. Vợ Trang Tử,
ngay đêm ấy, lấy cái vồ đập săng đựng xác chồng, định lấy cái sọ chồng chữa
bệnh cho người tình. “Thịch, thịch, thịch” vồ nện mấy nhát, nắp săng bật tung.
Trang Tử nhổm dậy hỏi “nàng làm gì vậy ?” Sau cơn hoảng sợ, vợ Trang Tử trấn
tĩnh lại, nàng đáp: “thiếp nghe trong quan tài có tiếng động, nên nghĩ rằng
chàng tỉnh lại nên cậy quan tài ra”.
Trang Tử bước ra khỏi
quan tài, cùng vợ trở về phòng. Vợ Trang Tử bước đi mà lòng lo lắng… Về đến
phòng, không thấy thư sinh đâu cả. Đang bần thần thì Trang Tử bảo: “Ta gọi
người tình của nàng đến nhé”. Ngọn đèn trong phòng chao chao và mờ dần, Trang
Tử đột nhiên biến mất và chàng thư sinh trẻ đẹp hiện ra…Vợ Trang Tử biết chồng
dùng phép thuật để thử lòng vợ. Nàng xấu hổ quá, nàng ốm, vài hôm sau nàng
chết. Nàng chết, Trang Tử nực cười cho đời người. Chàng lấy cái chậu, vừa gõ
vừa ca bài Cổ bồn, bài ca vừa như cười, cái cười hềnh hệch, vừa như khóc, cái
khóc xót xa cho thân phận con người: “Ôi thói đời! Nghĩ mà đau lòng...! Nhìn
nhau lệ chẳng rơi lã chã...! Ta cười cuộc đời lắm nỗi đau thương...”.
(Phỏng theo Kim cổ kỳ
quan của Ủng Bảo lão nhân)
Từ câu chuyện trên, dân
gian Việt Nam có câu:
Quạt mồ còn hơn bổ quan
tài.
Hay là:
Thương thay cho kẻ quạt
mồ
Ghét thay cho kẻ cầm vồ
bửa săng.
Thiên Chí Lạc, Nam Hoa
Kinh viết:
“Vợ Trang Tử mất, Huệ Thi đến điếu, thấy Trang Tử ngồi duỗi xoạc hai
chân vừa gõ bồn vừa ca. Huệ Tử hỏi:
- Cùng người ở tới già,
có con lớn mà người chết lại không khóc, cũng là đã quá lắm rồi ! Lại còn vỗ
bồn mà ca, không quá lắm sao?
Trang Tử đáp:
- Không ! Lúc nàng mới
chết, tôi sao chẳng động lòng, nhưng nghĩ lại, hồi trước nàng vốn không sinh,
chẳng những không sinh mà đó lại vốn không hình, chẳng những không hình mà đó
vốn là không khí. Đó chẳng qua là tạp chất trong hư không biến ra mà có khí,
khí biến ra mà có hình, hình biến ra mà có sinh, rồi lại biến ra nữa mà có tử.
Khí, hình, sinh, tử, có khác nào xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa vận hành. Vả lại,
người ta đã nghỉ yên nơi Cự thất (nhà Lớn), mà tôi còn cứ than khóc, chẳng là
tự tôi không thông Mệnh ư, nên tôi không khóc.”
Đọc sự tích “Trang
Tử gõ bồn ca”, lòng tôi bâng khuâng cảm khái lẽ vô thường của đời
người. Trang Tử là người đạt đạo mới có thái độ khác thường với nỗi bi thương
chính mình. Có đâu như nhà thơ Nguyễn Bính hễ tơ lòng chạm phím là ai oán ngân
nga. Khi người yêu “sang ngang”, nhà thơ Nguyễn Bính đã tỏ ra rất ngỡ ngàng:
Có người đêm ấy khoe
chồng mới:
“Em chửa yêu ai, mới có
mình”
Có người trong gió rét
chiều đông
Chăm chỉ đan cho trọn áo
chồng
Còn bảo: “Đường len đan
vụng quá!
Lần đầu đan áo kiểu đàn
ông”
Có lẽ khi đang ngây ngất
men nồng tình ái, người yêu Nguyễn Bính cũng thầm thỉ bên tai chàng “Em chửa yêu ai, mới có mình”. Nhà thơ
cay đắng thốt lên:
Vâng chính là cô chửa
yêu ai
Lần đầu đan áo kiểu con
trai
Tôi về thu lá ba đông
lại
Đốt hết cho cô khỏi thẹn
lời
Câu thơ “Tôi về thu lá ba đông lại” có dị bản là
“Tôi về thu cả ba đông lại”. Nhưng
theo như một số bạn thơ của Nguyễn Bính, “lá”
là từ ngữ dùng trong sáng tác ban đầu, nhà thơ Nguyễn Bính chỉnh sửa lại là “cả”
trong các lần tái bản sau. “Lá” trong
câu thơ trên là lá thư, phong thư. Nguyễn Bính đã nâng niu cất giữ những những
lá thư tình trong 3 năm liền, thế mà “người
ta” bỗng phút chốc thản nhiên coi như không. Hận tình đời đen bạc, nhà thơ
uất nghẹn muốn đem đốt hết cho người yêu cũ thanh thản bên chồng. Nhưng, “người ta” quên chứ Nguyễn Bính có quên
đâu. Nguyễn Bính chưa thấu lẽ vô thường trong tình ái nên vẫn u uất:
Tất cả mùa đông đan áo
len
Cho người cho tất cả
người quen
Còn tôi người lạ, tôi
người lạ,
Có cũng nên mà không
cũng nên.
(“Vâng” - Nguyễn Bính)
Là nhà thơ tiền chiến
đồng thời với Nguyễn Bính, nhưng Xuân Diệu tỏ ra khác hẳn và tỉnh táo hơn
nhiều, ông đã thẳng thắn viết:
Ai nói trước lòng anh
không phản trắc
Mà lòng em sao lại chắc
trơ trơ
(“Giục giã” - Xuân Diệu)
Nhà thơ Xuân Diệu với
những bài thơ tình lãng mạn được giới trẻ yêu thích một thời, có câu thơ mang
chút ít triết lý:
Trong gặp gỡ đã có mầm
ly biệt
(“Giục giã” - Xuân Diệu)
Mới đọc, ta thấy hơi khó
hiểu, nhưng đọc đoạn thơ sau thì nhà thơ đã trình bày rõ ràng:
Hoa nở để mà tàn;
Trăng tròn để mà
khuyết;
Bèo hợp để chia
tan;
Người gần để ly
biệt.
(“Hoa nở để mà tàn” -
Xuân Diệu)
Đúng thế “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”, chỉ vì
có họp mặt mới có chia tay, “mầm ly biệt”
đã nhú lên ngay từ khi mới quen nhau. Hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết đó
là lẽ vô thường nhưng cũng là quy luật của sự vật. Nhưng, dù là quy luật thì
khó có ai không bùi ngùi trong cảnh chia tay:
Hoa thu không nắng cũng
phai màu;
Trên mặt người kia in
nét đau.
(“Hoa nở để mà tàn” -
Xuân Diệu)
“Ôi cảnh biệt ly sao mà
buồn vậy”
(Quốc văn giáo khoa thư)
Gặp gỡ để rồi ngậm ngùi
ly biệt. Xa nhau lại hoài niệm, nhớ nhung, nuối tiếc những tháng ngày mặn nồng
dịu ấm hương tình:
Thôi hết rồi! Còn chi
nữa đâu em!
Thôi hết rồi, gió gác
với trăng thềm.
Với sương lá rụng trên
đầu gần gũi,
Thôi đã hết hờn ghen và
giận tủi.
(Được giận hờn nhau!
Sung sướng bao nhiêu!)
Anh một mình, nghe tất
cả buổi chiều
Vào chậm chậm ở trong
hồn hiu quạnh.
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ
hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm!
Em ơi!
Anh nhớ anh của ngày
tháng xa khơi,
Nhớ đôi môi đang cười ở
phương trời.
Nhớ đôi mắt đang nhìn
anh đăm đắm!
Gió bao lần từng trận
gió thương đi,
- Mà kỷ niệm, ôi, còn
gọi ta chi...
(“Tương tư chiều” - Xuân
Diệu)
Lẽ vô thường trong thơ
Trang Tử, Nguyễn Bính, Xuân Diệu gieo nỗi man mác bâng khuâng trong lòng tôi
mấy hôm nay. Sáng nay đi lễ, nghe bài giảng của cha xứ, trong đó có câu:
Vanitas vanitatum et
omnia vanitas
Hư không của sự hư không
- thế sự hư không!
(Truyền đạo 1:2-3)
Phù vân, quả là phù vân.
Tất cả chỉ là phù vân…
(Gv 1,2)
Mọi điều đó là sự hư
không theo luồng gió thổi…
(Truyền-đạo 2:1-26)
Sách Truyền
đạo của Solomon (Kinh Thánh, Cựu Ước) ghi: “Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không.
Các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời, thì được ích lợi chi?”
Thế sự phù vân và cái
việc “làm chi cho mệt một đời” mà
Kinh Thánh nêu ở trên có nét tương đồng với tư tưởng vô vi của Lão Trang trong
thơ của Lý Bạch và Đỗ Phủ, những đại thi hào thời Thịnh Đường:
Thế sự nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh
Ở đời như mộng lớn
Làm chi cho nhọc mình!
(“Xuân nhật tuý khởi
ngôn chí” – Lý Bạch)
Thiên thượng phù vân như
bạch y
Tu tư hốt biến vi thương
cẩu.
“Trên trời mây nổi như
áo trắng
Phút chốc biến thành chó
xanh”
(“Khả Thán” – Đỗ Phủ)
Thay đổi là nguyên lý
của Vạn vật và Vũ trụ. Vì thế cách đây trên 5000 năm Đức Phật cũng đã nói đến
Vô Thường.
Sự tương đồng giữa Kinh
Thánh Thiên Chúa giáo với tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Lão Trang thật thú vị!
Ô hay, tưởng rằng chỉ có Lão Trang mới nói đến phù vân, vô thường, vô vi trong
đời sống và nguồn khởi dẫn của Đạo. Phật giáo mới nói đến hư vô, sắc không; giờ
lại nghe Thiên Chúa giáo nhắc đến hư không, phù vân. Cuộc đời đúng là “bức tranh
vân cẩu”, quả vô thường thật!
.
Mời thư giãn với nhạc phẩm CÁT BỤI
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:
*.
Ngày 07.08.2019
LA THỤY
Tên thật: Đoàn Minh Phú
Địa chỉ: 79-1/8 Hoàng Hoa
Thám, Phước Hội,
thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận
Email: phudoan56@gmail.com
.
.
..............................................................................................................
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 08.08.2019.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét