MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

CẢM NHẬN VỀ THÁI QUỐC MƯU – CON NGƯỜI VÀ TÁC PHẨM - Tác giả: Lê Nguyễn (Hoa Kỳ)

 

(Văn sĩ Thái Quốc Mưu, thứ 4, từ trái sang phải)

CẢM NHẬN VỀ THÁI QUỐC MƯU

CON NGƯỜI VÀ TÁC PHẨM

*

Tại xứ sở Gone With The Wind, tôi có nhiều anh chị em, bạn viết khá tên tuổi và bạn lính, bạn tù Hà Trung Yên, Thái Quốc Mưu, Nguyễn Kỳ Thành,... Có người nổi tiếng trước 1975, có kẻ thành danh sau khi ra hải ngoại.

Nguyễn Kỳ Thành, nhiều năm qua là chủ nhiệm tờ Tự Do của Hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị, Georgia, yêu văn chương nhưng ít viết; Ông là chủ tịch Hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị nhiều nhiệm kỳ, trụ cột của hội, liên hội này hàng chục năm, mang nhiệt tâm xây dựng, phát triển hội nghiêm minh, trong sạch, chăm lo hết mình hướng về thương phế binh, cô nhi quả phụ, tử sĩ ở quê nhà.

Qua thời gian ngăn cách và vì đời sống... tới nay, còn lại Thái Quốc Mưu, Nguyễn Kỳ Thành cùng tôi còn nối dài được thâm tình, gần gũi, tương đối đều đặn.

(Tác giả Lê Nguyễn)

Bài viết sau đây, tôi dành viết về người bạn văn, thơ, báo chí tên Thái Quốc Mưu với các bút danh Bằng Giang, Liêu Tần Tử, Liêu Tiên Sinh và tên thật.

Tôi định cư tại Alabama rồi Florida không xa Georgia mấy, tôi vẫn ghé thăm, tâm sự với hai anh Nguyễn Kỳ Thành, Thái Quốc Mưu nhiều lần. Thái Quốc Mưu cũng mấy bận lái xe đến Florida và ghé thăm tôi. Ngoài ra, chúng tôi còn gặp nhau ở nhiều thành phố ở các tiểu bang khác trong các kỳ sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật, Đại Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Đại Hội Thi Ca Quốc Tế.

Ngoài kỳ đến dự Thế Vận Hội Atlanta 1996. Lần đầu tôi đến Atlanta để ra mắt thi tập thứ hai Mưa Qua Miền Ký Ức, một trong 3 tác phẩm tôi đã xuất bản. là các tập: Quốc Mưu, Nguyễn Kỳ Thành cùng tôi còn nối dài được thâm tình, gần gũi, tương đối đều đặn.

Bài viết sau đây, tôi dành viết về người bạn văn, thơ, báo chí tên Thái Quốc Mưu với các bút danh Bằng Giang, Liêu Tần Tử, Liêu Tiên Sinh và tên thật.

Tôi định cư tại Alabama rồi Florida không xa Georgia mấy, tôi vẫn ghé thăm, tâm sự với hai anh Nguyễn Kỳ Thành, Thái Quốc Mưu nhiều lần. Thái Quốc Mưu cũng mấy bận lái xe đến Florida và ghé thăm tôi. Ngoài ra, chúng tôi còn gặp nhau ở nhiều thành phố, tiểu bang khác trong các kỳ sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật, Đại Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Đại Hội Thi Ca Quốc Tế.

Ngoài kỳ đến dự Thế Vận Hội Atlanta 1996. Lần đầu tôi đến Atlanta để ra mắt thi tập thứ hai Mưa Qua Miền Ký Ức, một trong 3 tác phẩm tôi đã xuất bản.

Thái Quốc Mưu cùng Nhà văn Lê Nhật Thăng ra đón tôi và qua lần đầu gặp gỡ chúng tôi đã trao nhau nhiều thiện cảm. Từ đó chúng tôi thân nhau!

Qua tâm sự, được biết từ năm 1962, Thái Quốc Mưu là Biên Tập Viên Địa Phương và viết cho 2 Nguyệt san Nông Thôn Vùng Dậy, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn và Nông Thôn Mới của Bộ Phát Triển Nông Thôn (bút danh Bằng Giang, Liêu Tần Tử). Cả hai Nguyệt San đều phát hành mỗi số 100 ngàn ấn bản, phổ biến ở Nông Thôn từ Bến Hải đến Cà Mau, nên tên tuổi Thái Quốc Mưu chưa nổi danh trong làng văn học Đô Thị. Ông thực sự nổi tiếng vượt cả lằn ranh quốc gia, sau khi ra hải ngoại.

Thái Quốc Mưu đã có khoảng 8 tác phẩm thơ văn được ấn hành, một số ra mắt bán rất chạy. Thành công và nổi bật nhất có: Tập Văn, Thơ Gió Quyện Hương Đồng, truyện vừa Phía Sau Cuộc Đời, thơ Đường Luật Thái Quốc Mưu, thơ Tứ Tuyệt Thái Quốc Mưu.

Thái Quốc Mưu sáng lập Tạp chí Kiến Thức Phổ Thông Dân Việt, từ tháng 12/1995, sau gần 3 năm đến định cư ở Mỹ (22-2-92).

Khi đến Mỹ Thái Quốc Mưu đã ngoài 52 tuổi, ông phải vừa mày mò computer, vừa học lóm, học qua hướng dẫn của các em sinh viên... Nhờ kiến thức nhạy bén, lòng nhiệt tâm, giàu nghị lực... hầu thích hợp với cách in ấn hiện đại. Chỉ sau chừng hai năm tờ Kiến Thức Phổ Thông Dân Việt đã theo kịp và dần vượt mặt những tờ báo khác về nội dung, số lượng phát hành.

Không lâu sau, ông phát hành mỗi tháng 2 số, đưa tờ Dân Việt lên Bán Nguyệt San, với 304 trang trên mỗi số, trở thành tờ báo lớn nhất ở Georgia và vùng Đông Nam Hoa Kỳ.

Ở bước đầu, theo ông không dễ dàng suôn sẻ gì. Thay vì chỉ bảo, hướng dẫn, giúp nhau, một số chủ báo khác họ quyết tâm triệt hạ anh - trong đó có hai chủ báo, Lê Ngọc Diệp (Rạng Đông) và Mạc Thúy Hồng (Hải Nổ - Lạc Việt) cấu kết đánh phá ông bằng nhiều thủ đoạn, kể cả hành vi đê tiện nhất: Vu Khống! Chụp Mũ! Vì, họ biết khả năng sáng tác của ông. Họ triệt Thái Quốc Mưu để giành quảng cáo!

Do phụ trách nhiều vai trò, layout, design, nhận quảng cáo,... Thái Quốc Mưu tâm sự, mỗi ngày anh làm việc 15, 16 tiếng.

Sau mấy mươi năm, tờ tạp chí Kiến Thức Phổ Thông Dân Việt vẫn tồn tại đến nay (2014). Năm 2015, để an dưỡng tuổi già. Thái Quốc Mưu Bán tờ Dân Việt cho người khác,

Nhiều tuyển tập thơ văn hải ngoại ở Pháp, Úc, Canada và cả trong nước mời Thái Quốc Mưu tham gia cộng tác. Rất nhiều nhà văn, học giả. dịch giả, nhiều cây bút bình luận, biên khảo văn học trong, ngoài nước viết về văn, thơ Thái Quốc Mưu.

Cuốn Lưu Dân Thi Thoại do Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn ở California chủ biên, một cuốn sách có nhiều giá trị văn học, cũng viết về ông. Nhà văn, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang ở Sàigòn, dành nhiều thời gian đọc, sưu tầm đã biên soạn, viết: “Tiểu Luận Phê Bình Văn Học - Viết Về Nhà Văn Thái Quốc Mưu”, sách dày gần 400 trang, và giao cho công ty Amazon ở Hoa Kỳ ấn loát và phát hành toàn cầu. Đủ để minh chứng phần nào sự nghiệp văn, thơ Thái Quốc Mưu.

Tác giả lớp đàn anh, đồng lứa tôi đã viết khá nhiều, khá kỹ về Thái Quốc Mưu, nên khi viết về anh, tôi vừa thuận lợi vừa trở ngại, vì sợ dẫm lối mòn. Tôi phải cố lách để không trùng với những điều người đi trước đã viết qua! Tôi phải sưu tập những gì mà các nhà phê bình trước chưa nói.

Tôi chú trọng nhiều vào nét đặc thù về nhân cách, tình cảm, lối sống trong đời thường, trong sáng tác và tình cảm của Thái Quốc Mưu đối với bè bạn cùng người nghèo khó! Tuy nhiên, ông vẫn không tránh khỏi những điều khuất tất từ bằng hữu.

Thái Quốc Mưu hơn tôi một tuổi, nhưng lịch lãm, hoạt bát, hay đùa, phục sức chuẩn mực, vóc dáng đĩnh đạc, bản chất nhân hậu, người giàu tâm hồn. Đặc biệt, trong tứ đổ tường, trà không, rượu chẳng, bài chừa... anh chỉ thích... phụ nữ đẹp.

Trong đàm đạo, Thái Quốc Mưu hay tếu, kể cả tiếu lâm. Qua ngòi bút, với những kẻ nịnh hót, điếu đóm, phô diễn, hám danh, gian dối,... thơ văn Thái Quốc Mưu “bất nương tình”. Ông viết nói xa, nói gần, nói toạc... để vạch mặt, chỉ tên. Cho nên, Thái Quốc Mưu không phải là kẻ ai cũng “Dzô” được. Cá nhân tôi rất quý những người bạn có tâm tính, lối sống, cách ứng xử thích hợp từng đối tượng như ông.

Qua nhiều lần giao tiếp, tôi đã trải qua phong cách, bản chất con người và tâm hồn chân thật của Thái Quốc Mưu. Tôi rất quý mộ ông.

Sau đây, tôi xin đi vào thơ, văn Thái Quốc Mưu với đôi nét chấm phá đặc thù thôi. Vì các nhà bình luận, nhà văn, học giả khác đã viết nhiều về anh rồi.

Hầu hết các Nhà học giả, bình khảo, dư luận độc giả đều ca ngợi các tập Gió Quyện Hương Đồng, Phía Sau Cuộc Đời, Thơ Đường Luật Thái Quốc Mưu. Còn mảng Thơ Tứ Tuyệt Thái Quốc Mưu họ chỉ phơn phớt qua!

Tôi cố tránh và chỉ khai thác những dữ kiện mà người sính văn thơ chưa viết trọn, thiếu sót về thi nghiệp Thái Quốc Mưu.

Viết, đọc hơn năm mươi năm, dù tri kiến giới hạn, tôi nghĩ không chỉ riêng tôi. Ai đọc Tứ Tuyệt Thái Quốc Mưu, dù chỉ đọc qua vài bài, cũng khó thể không bị cuốn hút và tỏ bày thiện cảm.

Hiếm khi bắt gặp thơ Tự Do ở Thái Quốc Mưu, vì như cố thi sĩ Đinh Hùng phát biểu: “Trên nền trời thi ca, mỗi người thơ là một hành tinh phát tiết ra hào quang, ánh sáng…. Mà muốn được tồn tại bền lâu, tự mình phải chọn lấy hướng đi gập ghềnh con đường thơ trước mắt” Thái Quốc Mưu đã chọn được đường thơ.

Văn, Thi sĩ Hà Trung Yên nhận định: “Thơ Thái Quốc Mưu có phong cách, hướng đi riêng, không dẫm vào lối mòn của các nhà thơ khác!” Để rồi ông khẳng định: “Nếu ai đem vài chục bài thơ Thái Quốc Mưu trộn lẫn trăm bài thơ của người khác, khi đọc, tôi có thể nhận ra bài nào là thơ Thái Quốc Mưu với xác suất 99%.”

Lục Bát, theo tôi, dễ vô cùng - Dễ hơn cả Tự Do nhiều. Những ai mon men tìm đến thơ đều kinh qua Lục Bát. Thế mà, Lục Bát cũng khó vô cùng, nó là cửa tử của người làm thơ!

Lệch tay, lơi bút kéo lê ra chỉ hai, ba trang giấy là nhiều! Đừng nói tới 3.254 câu như Kiều của Nguyễn Du - sẽ... hóa “vè” ngay! Chơi Sáu, Tám là cầm chắc trong tay con dao hai lưỡi. Lục Bát đến và ngoảnh mặt quay đi là chuyện bình thường!

Trong số anh em, bạn viết đồng triều, tôi thấy Trần Vấn Lệ hiếm khi phổ biến thơ Lục Bát. Trần Hoài Thư, ngoài sở trường là Văn, sau này cũng in tới sáu, bảy thi tập. Tìm đỏ mắt mấy ai gặp được năm, bảy bài Lục Bát? Họ đã chọn đúng đường thơ!

Lục Bát nên dành cho Nguyễn Du tiên sinh, vừa triết lý vừa sâu sắc; Nguyễn Bính, vừa mộc mạc vừa dung dị. Ai đọc cũng ái mộ, gần gũi. Hoàng Trúc Ly như men rượu nồng nhẹ chua, pha chút hoang tưởng đáng yêu, khiến người đọc như bị cuốn xoáy, phải suy nghĩ, gặm nhấm mới hiểu và hình dung ra được ý thi nhân muốn thầm thì, bày tỏ.

Còn Phạm Thiên Thư, Anh Hoa, Hoa Văn, Viên Linh mỗi hành trình Sáu, Tám mang một dáng vẻ. Tự Do là thánh địa của Thanh Tâm Tuyền. Có “phần khó hiểu” đã được Nguyên Sa khai phá êm ái, dịu dàng. Nhất Tuấn dễ thương, dễ gần gũi; một thời của những kẻ vào yêu nũng nịu, nhõng nhẽo, hờn mát; Trẫm & Ái Khanh Đường thi trang trọng chuẩn chỉnh, và khi đọc thơ Đường của thi nhân họ Vũ hay Quách Tấn... ta như thấy thiếu mất một bát trầm hương phải được đốt lên giữa khuya đêm tĩnh lặng.

Còn Tứ Tuyệt, khá nhiều tác giả viết thành công. Nó (tứ tuyệt) cần gãy gọn, súc tích ý. Tôi yêu Vương Đức Lệ và nay ghi thêm Thái Quốc Mưu vào lòng. Tôi coi Thơ Đường, Tứ Tuyệt là “ngón độ” của ông. Bởi, qua thơ bốn câu rất ngắn, Thái Quốc Mưu đã vẽ ra được chân dung cuộc đời, hỷ, nộ, ái, ố, bi, lạc, dục. Đọc và hiểu, không phải lắt léo, quanh co, hay làm ra dáng vẻ...

Tứ Tuyệt Thái Quốc Mưu đưa lên được, dám nói tới, cái mặt sau sần sùi của tấm huy chương có tiền diện óng ánh mà người đời ưa phô diễn ra. Đọc mỗi bài thơ chỉ mỗi bốn câu của Liêu Tần Tử tiên sinh, tôi thường phải đọc ba, bốn, năm lần. Không phải để moi óc mới hiểu, mà để thầm cười, gậm nhấm, nhíu mắt, cau mày... mới đã!

Qua đây, tôi xin trích dẫn để chúng ta cùng thưởng thức - để khích lệ tác giả nên khai thác mảng thơ nầy - mà không nhận định, luận bàn. Vì Tứ Tuyệt không khác mấy thơ Haiku Nhật Bản, tự nó đã mang, đã gói trọn ý nghĩa, đôi khi nhốt trọn cả trời nhân sinh vũ trụ, nghĩa đời trong đó. Có khi, chỉ ba, bốn câu mà phải nặn óc, moi tim viết, sửa cả tháng trời, chớ không phải dễ.

Người viết Tứ Tuyệt luôn cô đọng tinh túy chữ nghĩa, ngoài phần kiến thức ra cần có đủ tuổi đời lăn lộn trải sống, sâu đậm nội tâm, khổ ải, nhục vinh! Ta hãy cùng nhau thưởng ngoạn mảnh vườn nhỏ đầy hương sắc trong khu vườn lớn ươm hoa thơ, hoa văn của Thái Quốc Mưu:

BÀ MẸ GIÀ

 

Mẹ già tóc trắng như bông

Mắt mờ, tai lãng, lưng còng tháng, năm

Vai mềm gánh nặng chồng, con

Về già cam phận gối mòn, chân run!

*.

Thái Quốc Mưu

Hay:

LÒNG MẸ NGHÈO

 

Đi xúc mớ cá rồng rồng

Đem về kho tộ tiêu nồng, hành thơm

Lặng nhìn đàn trẻ ngon cơm

Mẹ nhường - Rau đắng rau sam ấm lòng!

*.

Thái Quốc Mưu

Hai chữ “Xúc” và “Mớ” nó gợi hình làm sao!

Rõ ràng Thái Quốc Mưu viết về người Mẹ miền Nam. Mẹ Nam dẫu gì cũng sướng hơn người Mẹ Trung, Mẹ Bắc. Chỉ cần ra bờ ao, kinh rạch, ruộng đồng là có thể có miếng ăn cho con cái! Không phải bỏ vốn, nuôi trồng, thời tiết, khí hậu bốn mùa thuận lợi nhất nước! Ruộng lúa thẳng cánh có bay! Quê Bắc tiết đông, mạ non phải gieo trên nền gạch. Miền Trung đất cày lên sỏi đá, mưa lạnh cắt da, nắng lửa cháy người. Bà Mẹ nghèo phải mót nhặt từng hạt lúa vương vải về nấu nồi cháo loãng cho cả gia đình tạm lòng lưng lửng bụng với con cá cấn, cá mại tong teo! Còn ốc, rạm có đâu để mò, vớt?

Song, nhìn chung bà Hiền Mẫu ba miền quê hương như một. Đức hy sinh vô bờ, tính cam phận vì chồng con bất tận! Hình ảnh bà Mẹ với nhiều tên gọi, tùy vùng đất nước: Đẻ, Má, U, Mẹ, Bầm, Vú... qua thơ Thái Quốc Mưu không phải mang hình tượng dòng suối trong, ngọn gió mát, tấm chăn bông, sông dài biển rộng mà chỉ là những bóng hình cả cuộc đời cần cù, lam lũ, tận tụy, hy sinh, dung dị, trải lòng cam chịu với chồng con. Đúng là thơ Tứ Tuyệt!

Chỉ bốn câu gói trọn một bài, có khả năng dàn ra cả mẫu chuyện viết thành truyện ngắn, truyện dài, cuốn sách. Hèn gì Mai Thảo, Thanh Nam cuối đời nhảy qua thơ, tôn vinh thơ! Cả Lê Tất Điều, Trần Hoài Thư xoay làm, in ấn nhiều tập. Và, thơ hay chẳng kém gì văn. Đôi khi còn hơn hẳn văn chỉ vì có vài chục chữ mà mô tả cả câu chuyện đủ để người đọc hình dung được, thấy được sự việc như bức tranh với hình ảnh rõ ràng.

LÁ QUỐC KỲ THÁN

 

Lộng gió tung bay ở giữa trời

Người người tôn kính, phụng thờ tôi

Nhưng khi mưa bão gào giông tố

Thì cũng như đời, rách tả tơi!

*.

Thái Quốc Mưu

Mấy ai trong chúng ta, những con người vốn yêu Tổ Quốc, Non Sông hình chữ “S”, vì vận nước đành lìa xa quê hương, khi nhẫm đọc bốn câu thơ trên mà chẳng chút chạnh lòng về cố quốc? Ngoài ra tác giả còn ẩn ý, dù con người có đạt được quyền uy, trên cùng danh vọng, dù giàu có, của cải nghiêng trời... đến khi mạt vận cũng gặp phải tang thương tơi tả.

Tôi tạm, chỉ tạm đồng ý với ông bạn thơ Luân Hoán: “Làm được nhiều thơ, dễ kiếm được số bài thơ hay!” Nhưng ông Châu bạn thơ, bạn lính của tôi ơi! Hãy đọc mấy dòng Tứ Tuyệt này:

Kim cổ thi nhân chật kín đời

Cạn dầu mới gặp dở, hay thôi!

Vinh danh đâu phải nghìn trang viết

Chỉ một câu thôi, cũng để đời!

Đúng! Một câu, chỉ một câu, mà suốt đời mày mò tìm kiếm muốn đỏ mắt, nào dễ có!

THỜI NAY

 

Em giàu nhờ bán xì-ke

Có tiền rủng rỉnh bạn bè tới lui

Đến Chùa Sư, Sãi reo vui

Viếng Chúa, Cha xứ hết lời bốc thơm!

*.

Thái Quốc Mưu

Đọc bài thơ trên của Thái Quốc Mưu, xin đừng vội lên án tác giả bêu dạng Cha, Thầy, mà đó là một thực tế cần nhìn như lời cảnh báo quý vị lãnh đạo tinh thần - Không chỉ ở thời nay, như cái tựa của bài thơ - mà trước, nay không ít Linh mục, Thượng Tọa vẫn yêu mến, kính ái... “thiếu kín đáo” các trung, đại gia, khiến con Chiên, Phật tử nghèo phải âm thầm mủi lòng, vẫn xảy ra! Theo ý Thái Quốc Mưu, dẫu các cơ sở tôn giáo cần tiền nhưng có cái người tu sĩ cần hơn đó là ĐẠO ĐỨC và LIÊM SỈ. Bốn chữ Đạo Đức, Liêm Sỉ Thái Quốc Mưu nói đây thời nào chúng ta cũng chỉ thấy ở những bậc chân tu.

Bây giờ, xin qua ngòi bút nhọn như kim con ong vò vẽ của Liêu Tiên Sinh, mời quý vị đọc hai bài Tứ Tuyệt vạch mặt những tên hề, với trò điếu đóm, giữa xã hội lẫn lộn vàng thau:

ĐÔI ĐŨA

 

Gắp đủ sơn hào khắp mọi nơi

Gắp đầy hải vị, gắp quên thôi!

Tiệc tùng to, nhỏ đều rôm rả,

Lắm kẻ hai tay đút miệng người!

*.

Thái Quốc Mưu

CÁI GHẾ

 

Danh mộc, xà cừ há phải chơi

Sơn son, đánh bóng dáng thêm ngời

Bốn chân đạp đất bừng uy thế

Nhưng lại đem thân... đội đít người!

*.

Thái Quốc Mưu

Hết “móc họng” lũ đội đạp, điếu đóm, nham nhở, tới Thái Quốc Mưu thay Liêu Tiên Sinh “bóp dế” bọn “dân nổ thành Tuy Hạ”, khi về thăm quê hương lếu láo, nổ, xạo:

VỀ NƯỚC... NỔ!

 

Tôi thằng nghèo nhất Hoa Kỳ

Chê Lexus, mua Mẹc-xơ-đì (Mercedes) chạy chơi

Mấy người kha khá hơn tôi

Chê xe chậm chạp, lái, ngồi trực thăng

*.

Thái Quốc Mưu

Đồng ý, trong thơ Thái Quốc Mưu có cường điệu. Nhưng thực tế, ở Mỹ, không thiếu những người, ngày đứng tám tiếng, đêm về mỏi rụng chân tay, đôi khi “vừa nhai vừa chạy kiếm Job!” Vậy mà, khi “áo gấm về làng” vẫn nổ. Nổ để dối mình, phỉnh người! Ra vẻ ở nước ngoài “Ta đây...!”

Ngoài chất thơ “vạch trần”, Thái Quốc Mưu còn khả năng trào lộng, tếu “độc” trong thi ca. Chúng ta thử xem:

ĐỒNG HỒ CỔ

 

Máy kim hoạt động đêm ngày

Dọc, ngang, lên, xuống chỉ hoài ngay ơ!

Của tôi, đồ cổ tảng lờ

Sớm hôm cứ chỉ... “sáu giờ ba mươi!”

*.

Thái Quốc Mưu

Và:

Súng người bắn nổ rầm rầm

Súng tôi gỉ sét để nằm trong kho

Tần ngần lau lại buồn xo

Thì ra cái bộ máy cò đã hư

*.

Thái Quốc Mưu

Đã thọc léc các lão ông, tất nhiên anh cũng không tha các lão bà:

BÀ LÃO YÊU ĐỜI

 

Bà già dấm dá, dấm da

Buồn tình dấm dứ, dấm dơ một mình

Neo thuyền bến vắng buồn tênh

Thèm cơn “sóng vỗ xuống, lên dập dềnh”

*.

Thái Quốc Mưu

Hoặc với:

TRỚ TRÊU

 

Bà già tóc đã pha bông

Lắm bạc, lấy chồng ở tuổi băm băm

Đêm về già, trẻ chung chăn

“Thằng nhỏ” hổng chịu băm băm bà già!

*.

Thái Quốc Mưu

Giờ đây chúng ta cùng đọc Tứ Tuyệt Thái Quốc Mưu ở nhiều phương diện khác.

Về con người, Thái Quốc Mưu quan niệm hãy sống sao cho xứng đáng con người, nghĩa là phải bao dung, vị tha, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ... nhau là tốt rồi, chớ đừng mơ tưởng viễn vông!

NIỀM MƠ ƯỚC VĨ ĐẠI CỦA TÔI

 

Mặc ai mơ nước Thiên Đàng

Mặc ai mơ cõi Niết Bàn... xa xôi

“Tôi sinh ra giữa Đất, Trời,

Chỉ mong làm được “CON NGƯỜI” - (Viết hoa!)

Chán ngấy trước cảnh dựng tượng tôn sùng cá nhân. Thái Quốc Mưu viết:

DỰNG BIA ĐỜI

 

Ta đi, bão quật đời tan tác

Chén rượu cay sè bật máu môi

Ta vắt máu tim làm bút mực

Đập tan bia đá, dựng bia đời

*.

Thái Quốc Mưu

Chẳng riêng gì Thái Quốc Mưu, ai cũng biết xưa nay những bia, tượng bằng đồng, gỗ, đá, xi-măng,... không thể tồn tại với thời gian. Điều quý nhất, hãy sống sao để hậu thế còn nhắc nhở đến tuổi tên của mình cách trân trọng. Không ngoài ý đó, Thái tiên sinh khẳng định:

TA VÀ PHẾ LIỆU

 

Xài đã rồi quăng, rồi lượm lại

Đời ta - phế liệu khác chi nào?

Phế liệu tái sinh - Ta chết? - “Mất!”

Không! Còn tên tuổi để ngàn sau!

*.

Thái Quốc Mưu

Viết, ấn hành trọn tập Tứ Tuyệt gần 300 trang với 204 bài. Mỗi bài chỉ bốn câu, 28 chữ. Dàn trải nội dung đa dạng, nhiều màu sắc: Cảnh báo, châm chích, chế nhạo, răn đời, trào lộng... Đủ các thể loại, các hạng người giữa trần đời ô trọc... như Thái Quốc Mưu, thật hiếm thấy!

Thơ Thái Quốc Mưu như dòng suối miệt mài chuyên chở, rỉ rả, róc rách, nhẫn nại vượt qua thác ghềnh, trong bốn mùa...

*.

LÊ NGUYỄN

Địa chỉ: Orlando, Florida, Hoa Kỳ.

 

 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật từ email: thaiquocmuu1@aol.com ngày 25.01.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..      

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét