CÁCH NHÌN SỰ
VẬT
CỦA NHÀ THƠ
TỐ HỮU
*
Tôi muốn nói tới cách nhìn của nhà thơ Tố Hữu (trong
tập Việt Bắc) đối với cuộc đời, đối sự thực.
Điểm
thứ nhất: thơ Tố Hữu không có cách nhìn mới nào rõ rệt.
Điểm
thứ nhất là cách nhìn của Tố Hữu không có gì là đặc sắc cả. Người ta hay nói
tới cá tính của một nhà thơ. Đó là một điều rất hệ trọng. Vì rằng cá tính của
nhà thơ rõ rệt hay mờ nhạt, đặc sắc hay tầm thường là nó chứng tỏ nhà thơ đó
sống và viết có ý thức sâu sắc hay nông cạn về vị trí của mình, của nghề nghiệp
mình trong mối liên quan chung xã hội.
Nói
cách khác, cá tính biểu hiện trình độ thức nhận của thi sĩ đối cuộc sống. Người
ta có thể nhận ra câu thơ này câu thơ khác là của Huy Cận, là giọng Hoàng Cầm
hoặc giọng Xuân Diệu … Vẫn biết rằng còn phải xem cá tính ấy thế nào, nhưng ít
nhất nhà thơ phải tới mức có cá tính. Đằng này, người ta khó có thể nhận ra câu
thơ nào gọi được là giọng Tố Hữu. Cá tính nhà thơ mờ nhạt quá. Tố Hữu có một số
câu người đọc nhớ, những câu thơ hay ấy có thể ký Nguyễn Du, Tản Đà hay một
loại ca dao nào đó. Đây không phải là chuyện “dựa vào vốn cổ” – mà là một lối
dưạ kém phát triển, chưa tới mức dựa mà thoát ly khỏi nó, sáng tạo thành một
cái mới hẳn hoi (như bài Voi ơi voi ơi thật là một kiểu bắt
chước nhạt nhẽo). Những câu hay nhất của Tố Hữu mang cái không khí thơ xa. Tố
Hữu nhìn cuộc sống mới, con mắt chưa xuyên qua được cái màng cổ cũ. Lê Đạt nhận
xét cô đúc rằng, Tố Hữu nói tới những chuyện mới mà không hiện tại, là như vậy.
Tôi đồng ý với Lê Đạt: Tố Hữu hay đẩy lùi hình ảnh mới vào quá khứ. “Trung
ương, chính phủ luận bàn việc công…”, cái khí phách hội họp cuả trung ương,
chính phủ không giống thế. Điều này làm ta suy nghĩ nhiều về phát triển vốn cũ.
Nếu không tả được đúng dân tộc ta hôm nay, - nó vừa rất mới lại vừa rất kế thừa
cái cũ, – thì không thể nói dân tộc tính được.
Còn
nói chung, thơ Tố Hữu rất nhiều cái lười biếng. Ý, lời tầm thường. Tầm thường
chứ không phải giản dị phong phú. Như là lời thì rất nhiều cái kiểu: “lòng
ta xao xuyến rung rinh”, “chúng bay chỉ một đường ra, một là tiêu diệt,
hai là tù binh”, hoặc “đời vẫn ca vang núi đèo”, hoặc“cụ Hồ sáng
soi”. Không phải là thiên lệch trích ra một số câu như vậy, hãy thử
đọc lại tập Việt Bắc, ta thấy nhan nhản những lối lười, nhạt, cả
lảm nhảm nữa. Cũng như lời, ý thơ Tố Hữu không đặc sắc. Tố Hữu nhìn vấn đề gì,
chỉ thấy những công thức bề mặt của vấn đề ấy. Phá đường: nhà neo
việc bận vẫn đi, - làm thì thi đua - thi đua kết quả thì mai địch chết. Ta
đi tới: đủ cả Bắc Nam, Việt, Miên, Lào, Itsala, Itsarắc … xem ra thì có vẻ
đúng chính trị. Nhưng xét sâu xem? Tinh thần phá đường nó yếu quá (mặc dầu giai
đoạn phòng ngự). Ta đi tới nó tản mát quá. Thơ Tố Hữu hay nói
dàn ra cho đủ vị. Người chính trị giỏi không phải là người chạy quanh cho đủ
mọi vấn đề, mà là người biết xoáy mạnh vào điểm chính để giải quyết. Thơ hiện
thực cũng đòi hỏi nhà thơ – như nhà chính trị - giải quyết cái chủ chốt của vấn
đề cho tâm hồn người đọc. Chứ không đòi hỏi làm như một anh cán bộ tuyên truyền
xoàng xĩnh, nói dàn mỏng vấn đề ra, la liệt đủ các mặt như bày hàng xén. Tố Hữu
chú trọng quá nhiều cho đúng cái chính trị bề mặt, cố nói cho đủ, mà thường
thường cái chính trị bề sâu không đúng: hơi thơ Tố Hữu yếu quá, khí thơ Tố Hữu
thiếu cái tấn công mạnh mẽ của nhà chính trị biết dồn tâm sức, dốc khả năng vào
điểm chính… Không phải như một số bạn bảo vì đây là loại “thơ trữ tình” nên nó
mềm, nó nhẹ như vậy. Không! Con người mới rất khỏe trong mọi vấn đề lớn, nhỏ,
chung, riêng. Cả trong những chuyện đời tư thầm kín, chuyện vui, chuyện buồn.
Cả khi “trữ tình”, con người mới vẫn có cái khí phách mạnh mẽ của nó (xem ca
dao hay Mai-a-kốp-ski tả ái tình chẳng hạn…). Điểm này làm ta suy nghĩ rất
nhiều về thế nào là đúng chính trị. Nếu khí phách thơ thiếu cái tấn công, cái
tích cực mãnh liệt thì không thể nói đúng cái chính trị được. Về điểm này, tôi
đồng ý với Hoàng Cầm: kiểu chính trị như của Tố Hữu không phải là chính trị
thực (Phải nắm cái tinh thần phê bình của Hoàng Cầm, không nên như bạn Đông
Hoài căn cứ vào cái chữ mà bẻ quẹo đi).
Tố
Hữu nhìn sự vật nó chính trị công thức quá, lười tìm tòi quá. Chỗ nào hay thì
lại là lắp lại Nguyễn Du, Tản Đà, ca dao… Tố Hữu chưa đem tới một cách nhìn mới
mẻ gì. Cách nhìn còn tầm thường. Đó là cái đau khổ của những người làm thơ: hát
lên bằng một giọng hát tầm thường.
Thơ
hiện thực đòi hỏi người thi sĩ phải khổ công nghiên cứu tìm tòi trong cuộc sống.
Gạt bỏ những công thức bề mặt, đi vào thực chất sự việc. Cũng như nhà chính
trị, nhà thơ của công nông phải theo dõi từng hơi thở, từng cái giở mình của
quần chúng, cuả thời đại, của dân tộc. Càng phải chú ý tới những cái đang sinh
thành, hôm nay là gió nhẹ, ngày mai là bão táp. Phải tìm ra được những quy luật
mới của khách quan. Không phải đòi hỏi thế là vì thích mới, ham chuộng lạ. Mà
chính là vì cuộc sống luôn luôn đổi mới. Người thi sĩ – cũng như người chính
trị – đứng dừng lại thỏa thuê với những cách nhìn đã tầm thường, đã công thức –
là người sẽ bị cuộc sống vượt qua đầu, vứt bỏ lại. Pê-tô-fi bảo “hãy im đi” –
và gọi tên là bọn “ca sĩ lạc hậu” những thi sĩ nào không đem tới một cách nhìn
mới, – nói đúng hơn, không khám phá được những cái mới sẵn có trong thực tế.
Phải
nói ngay rằng thơ ca quần chúng tuy nói chung còn lõm bõm bản năng tự nhiên,
nhưng có những viên ngọc thật sáng tạo. Sự làm việc sáng tạo của họ làm cho
cách nhìn và thơ ca của họ nhiều sáng tạo. Họ không biết lý luận hiện thực,
nhưng chính chủ nghĩa hiện thực ở quần chúng, cũng như xã hội tương lai. Đừng
nên lo là họ sẽ rụt rè không dám làm thơ nữa. Bão to cũng không thể làm đổ
trời, cuộc nghiên cứu này chỉ có khuyến khích chứ không ngăn nổi triệu triệu
người tiếp tục làm thơ đâu. Có thể chỉ một số nhỏ đã hay sắp vào chuyên môn có
thể rụt rè, sợ lý tưởng thơ cao quá. Tôi thường thấy con người ta kém cỏi, rụt
rè chính là vì lý tưởng nó thấp. Hay không có lý tưởng. Chứ không phải vì lý
tưởng nó cao. Thơ hiện thực là của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Nó
cao thực, người thi sĩ phải mất máu trên một vần thơ như một chiến sĩ mất máu
trên một lô-cốt địch. Nhưng nó cũng dễ thôi, quần chúng vẫn làm, đã đạt được
một số câu. Ai muốn dễ thì phải cố chịu khó làm như quần chúng: sống chết nhọc
nhằn, mồ hôi máu đỏ. Những vần thơ hay nhất mới nhất là những vần thơ lăn lộn
trong cái thực tế mưa bão ấy. Cá tính thơ Tố Hữu còn mờ. Sự thiếu sót thực tế
làm cho Tố Hữu chưa thoát khỏi cái nhìn tầm thường và ảnh hưởng thơ xưa.
Điểm
thứ hai là cách nhìn của Tố Hữu thật nhỏ bé quá.
Nhìn
vấn đề gì, vấn đề ấy thu hẹp lại. Yêu ai người ấy nhỏ đi.
Nhìn
chiến sĩ: nhìn vào bề sâu lớn lao khí phách của chiến sĩ thì ít. Mà lại nặng về
những tiếng kêu trừu tượng (Anh vệ quốc quân ơi, sao mà yêu anh thế?), những
hình dung từ dồn dập (người bạn đường anh dũng – anh chiến sĩ hiền lành)
– những cái nét hình thức (bóng anh nắng chiều, v. v…). Hình ảnh chiến
sĩ thu nhỏ lại.
Nhìn
Hà Nội: yếu đuối, đợi chờ.
Nhìn
bà mẹ bộ đội: thương xót, chán nản.
Nhìn
Việt Bắc: xa vắng, heo hút. Người ở lại, người về xuôi đều nhỏ lại trong một
khung cảnh hắt hiu.
Nhìn
Triều Tiên: yếu ớt, ỷ lại. Không phải cái chính là vì Tố Hữu dùng hình ảnh em
bé. Cái chính do cách nhìn em bé đó thế nào?
Nhìn
lãnh tụ: chỗ thì hình thức gượng gạo “chòm râu mát rượi hòa bình”. Chỗ
thì tả thành một đạo sĩ tầm thường nhàn tản “ung dung yên ngựa bên
đường suối reo” (có thể tả lãnh tụ đi chơi, nhưng phải tả khác …). Nói
chung thì “công thức cha già” nặng. Không thấy lãnh tụ vừa là cha, vừa là con
đẻ của quần chúng. Chỗ thì tả lãnh tụ mênh mông, – thi sĩ và quần chúng bé nhỏ
đi dưới cây chì đỏ của lãnh tụ. Lãnh tụ như núi, quần chúng li ti như kiến con.
Hình ảnh không cân xứng, – định làm to – vô tình hóa ra làm nhỏ bé lãnh tụ đi,
làm sai lệch sự liên quan giữa lãnh tụ và quần chúng. Không phải là phủ nhận
một vài nét khá sáng tạo của Tố Hữu, như tả lãnh tụ “trẻ mãi không già”,
nêu lên được nét Hồ chủ tịch là người thanh niên số một. Nhưng nói chung bản
chất người lãnh tụ kiểu mới: Vừa phi thường vừa tầm thường, – vừa độ lượng vừa
nguyên tắc, vừa hành động vừa trí tuệ, vừa giản dị vừa phong phú, vừa đạo đức
vừa không công thức gò bó, … – bản chất ấy bị thu nhỏ lại trong kính thơ Tố
Hữu. Chính vì lòng yêu lãnh tụ, gắn liền với lòng yêu giai cấp, yêu dân tộc
thúc giục ta nên mạnh dạn làm thơ về lãnh tụ, – nhưng không thể khuyến khích ta
thỏa thuê ở mức ấy.
Nói
thêm, Tố Hữu nhìn sự hy sinh của quần chúng thế nào? Như trong bài Phá
đường, cứ tạm cho chị nữ dân công đó rõ là một quần chúng tốt, Tố Hữu tả
chị ấy nhà neo, con bế con bồng, ngô sắn bề bộn. Vậy mà “em cũng theo chồng đi
phá đường quan”. Sự hy sinh như thế mà buông nhẹ tênh trong một câu thơ như
vậy!
Người
ta hay nói tới lòng yêu nước của thơ Tố Hữu. Người ta bảo đối với Tố Hữu, tổ
quốc cụ thể ra là những bà mẹ, những người chiến sĩ, những công việc kháng
chiến (phá đường, về Hà Nội, xa Việt Bắc, v.v…). Tôi cũng đồng ý vậy. Nhưng mà
đối với những điểm cụ thể ấy, con mắt Tố Hữu đã thu bé nó cả lại. Không phải là
đem cộng máy móc lại, nhưng vì những yếu tố tạo nên nó đã nhỏ yếu cả, hóa ra
tình yêu nước của nó cũng bé bỏng đi. Lê Đạt cũng đã nhận xét cái căm thù rất
yếu trong thơ Tố Hữu làm cho tình yêu nó mỏng mảnh. Yêu nước, căm thù, chúng ta
đều muốn những vần thơ không nên “tí ti yêu nước, tí ti căm thù”. Chúng ta muốn
như Mai-a-kốp-ski nói:
Đồ
sộ yêu thương
Đồ sộ căm thù …
Muốn
thế, vì đó là thực tế của dân ta, thời đại ta, thực tế cuộc chiến đấu võ trang
hôm qua và hòa bình hôm nay. Mỗi nhà thơ một cách nhìn, một cách nói khác nhau,
nhưng đều có cái căm thù, thương yêu đồ sộ ấy.
Có
người bảo không thể đòi hỏi trong một tập thơ nhỏ mà tả chiến sĩ, người mẹ, phá
đường, Việt Bắc, Hà Nội, v.v…đều là hay cả. Không, không! … Người thi sĩ có một
cách nhìn lớn thì không cần một tập thơ đâu. Mà bất cứ một bài, một câu, một ý,
nói cái gì cũng thành lớn, vạch một nét nào cũng là nét lớn cả. Chuyện lớn bé
không phải chuyện dài ngắn, – cũng không phải là chuyện đề tài. Mà là chuyện
cách nhìn, cỡ trình độ nhận thức sự vật.
Điểm
thứ ba là cách nhìn Tố Hữu hay bao phủ lên vấn đề một cái buồn yếu đuối.
Điểm
này Hoàng Yến, Hoàng Cầm và nhiều bạn đã phân tích nhiều. Những người bênh vực
thơ Việt Bắc nhất trước kia không nhận, bây giờ cũng đã nhận
rằng cái buồn trong thơ Tố Hữu là một sự thực khách quan, – không phải do bịa
đặt người phê bình. Mà đây không phải cái buồn xốc người ta lên hành động,
không phải cái buồn tới căm thù của những hy sinh mất mát, dổ vỡ trong chiến
tranh. Mà lại là một thứ buồn nó “ru”, yếu đuối và nhẹ. Điều đó bây giờ đã được
công nhận nhiều rồi. Cuộc nghiên cứu thơ Tố Hữu hôm nay đã tiến được một bước
ấy. Nhưng mà vấn đề căn bản vẫn chưa chuyển nhích: chất tiểu tư sản là chính
của thơ Việt Bắc hay chỉ là cái rơi rớt phụ?
Tôi
đồng ý với Hoàng Cầm, Lê Đạt và nhiều bạn khác rằng: căn bản thơ Tố Hữu là kiểu
thơ tiểu tư sản đi theo cách mạng. Cách nhìn tầm thường, nhỏ bé, buồn yếu đuối,
lại còn rơi rớt cách nhìn thơ xưa. Một cái kính thơ như vậy, thu hẹp cuộc sống
lại như một hòn non bộ xinh xắn, chưa phải là cái kính thơ vĩ đại của công
nông. Tôi nói tiểu tư sản cách mạng, tức là nói cái ưu cũng ở đấy, cái khuyết
cũng ở đấy. Tiểu tư sản rất nhiều, mỗi người còn ít nhiều chút tiểu tư sản, nên
thơ Tố Hữu cũng có thể ngâm ngợi được. Nó có ích trong phạm vi ấy. Nhưng nếu
nói nó đã là công nông, là dân tộc, là thời đại, là hiện thực thì quả là sai sự
thực. Dân ta, công nông ta, thời đại ta không phải là tầm thường nhỏ bé, yếu
đuối như thế. Nếu không nhận rõ điều đó, thì thật là tai hại cho tác giả, cho
quần chúng, cho thơ hiện thực.
Rất
rõ rệt là Tố Hữu có những thiện ý, có cố gắng. Cố phục vụ chính trị. Cố theo
sát đề tài trước mắt. Cố quần chúng. Cố dân tộc. Cố điêu luyện thơ nữa. Nhưng
chưa đủ mức thoát khỏi cách nhìn tầm thường, nhỏ bé, buồn, yếu ớt, – cho nên
cái đạt được của Tố Hữu đi vào đường thơ hiện thực mới chỉ là hình thức. Không
lấy làm lạ rằng thơ Tố Hữu có nhiều mâu thuẫn chưa thống nhất. Có vẻ chính trị
mà chỉ là chính trị công thức. Có vẻ dân tộc, quần chúng mà thực chưa phải. Có
vẻ phục vụ trước mắt mà thực là không hiện tại. Có vẻ điêu luyện thơ mà thực
còn rất nhiều cái dễ dàng, lười biếng.
Phê
bình thế có phải là do tính khe khắt không? Có phải vì vị trí của Tố Hữu, vì Tố
Hữu là một cây bút khá lâu năm nên ta cứ khắt khe không? – Một nghìn lần không
phải.
Người
ta hay nói tới quần chúng, thời đại. Tôi rất đồng ý quần chúng, thời đại là
người giám sát tối cao quyết định nghệ thuật. Thơ hiện thực là của quần chúng.
Chính cuộc nghiên cứu thơ này tức là thời đại đang xét thơ Việt Bắc, mới là một
lần đầu. Thời đại ta chưa có kết luận gì. Nhưng phải thấy rằng thời đại chúng
ta vô cùng vô tư, khách quan, trọng sự thực. Và cũng rất vô cùng nâng đỡ nghệ
sĩ. Không phải chỉ nâng đỡ ngòi bút mới – mà càng phải nâng đỡ ngòi bút cũ (tuy
nhiên cách nâng đỡ khác nhau, vì khó khăn, điều kiện hai đằng khác nhau). Chúng
ta nâng cao lá cờ thơ hiện thực, nên phải nhìn cho đúng thơ Tố Hữu đã cố gắng
đi được tới tới mức nào, – con đường tiếp tục còn gian nan gấp mấy? Vậy ra chưa
có thi sĩ nào hiện thực, chân chính của công nông ư? Tôi thấy quả như vậy.
Không có gì mà sốt ruột, chuyện nghệ thuật phải tính hàng chục, hàng trăm năm.
Chúng ta mới là lúc bình minh, ánh sáng còn non nhạt. Nhưng mà ta đã có hàng
vạn vạn câu thơ còn tản mát do bàn tay quần chúng tạo nên, rất xứng đáng gọi là
công nông. Chỉ có cái những người chuyên môn có chịu vất vả sống chết đấu tranh
như quần chúng không? Nếu như vậy, ta sẽ đẩy được mặt trời lên đỉnh sáng. Đối
với Tố Hữu cũng như mọi nhà thơ, chúng ta chân thành đề nghị: lăn xả vào thực
tế, mở rộng cách nhìn, sáng tác mạnh bạo tự do. Tổ quốc khó khăn hôm nay đang
gọi tên chúng ta với những vần thơ vất vả, tìm tòi, mới mẻ hơn.
--------------
Nguồn: Trần Dần ghi,
/Phạm Thị Hoài biên tập và hiệu đính/ Paris: td mémoire, 2001, tr. 141-148
*
Tháng
5-1955
TRẦN
DẦN
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_D%E1%BA%A7n
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger facebook Trần Hải Sơn ngày 24.11.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét