(Tác giả Mai Thanh Tân (bìa trái) cùng nhà thơ Nguyễn Khôi) |
TẢN
MẠN... NHÀ VĂN
*
Đêm
thức xem bóng đá, phút bù giờ làm mất hứng nên đành lảng sang chuyên đề khác có
dính tý văn chương dông dài cho đỡ chán.
Tôi
ít am hiểu về văn chương nhưng hình như cơ duyên lại có những dịp giao lưu thú
vị. Âu cũng là để bù đắp những thiếu thốn trong kiến thức văn học của mình.
Có
lần gặp cụ Nguyên Ngọc ở Hội An lúc cụ đang chuẩn bị cho bài diễn văn ở trường
Phan Chu Trinh, tôi cứ nghĩ cụ là cây đa cây đề lừng lững với những “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”… thì sao còn phải vất vả
với cái việc quản lý này, thế nhưng qua bài của cụ với lời kêu gọi “Các bạn trẻ hãy lên đường” thì tôi
nhận ra trí tuệ và bản lĩnh của một nhà văn. Có lần đến quán nhậu bên Gia Lâm,
khi diện kiến chủ quán Nguyễn Huy Thiệp, tôi bày tỏ thắc mắc cớ sao nổi tiếng
với “Tướng về hưu”, “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”…mà nhà văn này còn kiêm luôn việc chủ quán, rồi qua
câu chuyện phiếm về vòng danh và lợi trên đời đã làm tôi ngộ thêm một góc nhìn
về thế sự…
Hồi
tôi mới ra trường đi dạy học, có một sinh viên chỉ kém tôi 2 tuổi là Vũ Ngọc
Tiến. Sau một thời gian lăn lộn với nghề địa vật lý hắn quyết định rẽ ngang
sang nghề viết văn và đã có một loạt tác phẩm khá nổi tiếng như “Ba nhà cải cách”, “Sóng hận Sông Lô”, “Quỷ vương”, Hà Nội và tôi”... Có lần hắn còn lôi cả chuyện thời sinh viên
tôi đi kéo xe chở than để kiếm tiền và tán dóc vào truyện của hắn. Gặp nhau
thầy trò mái tóc đều bạc trắng như nhau nhưng cứ một thầy hai thầy như hồi còn
trẻ.
Lại
có một chuyện khác là trong một chuyến đi Châu Mộc dự lễ khởi công khu tưởng
niệm trung đoàn Tây Tiến cùng các cụ cựu chiến binh năm nào, tôi có dịp gặp nhà
phê bình Vũ Nho. Phải nói Vũ Nho có cách bình thơ rất thú vị, đã đọc “Tây Tiến” nhiều lần nhưng hôm ấy
nghe lời bình của Vũ Nho tôi vẫn thấy nhiều điều mới mẻ. Chỉ một chi tiết về “cái nhớ” trong “Tây Tiến” mà cũng đủ làm cho các cô giáo hôm ấy “chơi vơi” với Vũ Nho. Trong cuộc đời,
già trẻ giàu nghèo ai cũng từng trải qua nỗi nhớ, nhớ nhung, nhớ da diết, nhớ
cồn cào, nhớ kinh khủng… nhưng nhớ “chơi
vơi” thì hình như chỉ có Quang Dũng.
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.
Quê
tôi ở Nghi Xuân, nên rất thú vị khi được Vũ Nho tặng cuốn “Từ Kim Vân Kiều đến truyện Kiều”. Đã
có rất nhiều tác giả và tác phẩm phân tích Truyện
Kiều nhưng nhiều người yêu “Truyện
Kiều” vẫn có nỗi băn khoăn như tại sao từ một câu chuyện bình thường “Kim Vân Kiều truyện“ của Thanh Tâm
Tài Nhân ít người biết đến bên Tàu mà Nguyễn Du lại có thể chuyển thành kiệt
tác “Truyện Kiều” bất hủ, để rồi
trải qua mấy trăm năm mà Truyện Kiều
vẫn luôn ở đỉnh cao trong lĩnh vực thơ. Và Vũ Nho đã góp phần làm sáng tỏ hơn
điều này qua “Từ Kim Vân Kiều đến
Truyện Kiều”. Lại có một chi tiết nhỏ về chữ nghĩa, trong một lần đến
thăm bảo tàng Quang Trung ở Bình Định, ở đó có dòng tên hiệu Quang Trung
(光中).Tôi vẫn nghĩ Nguyễn Huệ lấy hiệu là Quang Trung vì Quang (光) là ánh sáng,
Trung (忠) là trung nghĩa nhưng tại sao ở đây trong chữ "Trung" không
có "Tâm"?. Và Vũ Nho đã giải thích cho tôi vì Nguyễn Huệ không cần trung
nghĩa với Thiên triều mà hiên ngang độc lập ở giữa trần gian nên chữ (中) là
đúng!
Có
câu chuyện vui về các nhà văn nghiệp dư. Trong một lần các cụ bạn “Đồ Nghệ” đến
nhà chơi, trong đó có cụ Phùng Hồ (Giáo sư, Tiến sĩ Vật lý) có bài văn tế giành
được giải nhì trong cuộc thi vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du.
Khi cụ Phùng đọc lại bài tế này mọi người nghe thật hoan hỷ và không khỏi nhớ
lại “Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc”
của cụ Nguyễn Đình Chiểu năm nào. Vừa nghe xong, cụ Giáo sư, Tiến sĩ Lương Phương
Hậu bất ngờ đưa ra một phát hiện độc đáo liên quan đến ngành công trình biển
của cụ đó là số câu trong Truyện Kiều đúng bằng số km bờ biển từ Bắc chí Nam,
rồi lại còn câu thứ 2020 trong Truyện Kiều lại vận vào thế sự đất nước: “Lênh đênh chi nữa vẫn còn lênh đênh”. Vợ
tôi tra cứu thì đúng thế thật.
Tôi
còn được quen biết nhà văn Nguyễn Khôi, cụ đã ngoại 80 mà trông cứ như thanh
niên, quê Bắc Ninh nhưng cụ gắn bó nhiều năm với Sơn La nên có nhiều tác phẩm
về văn hóa dân tộc. Tôi rất quý cụ vì sau Xuân Sách có lẽ chỉ có Nguyễn Khôi là
vẽ chân dung các văn nhân bằng…thơ. Một hôm cụ cùng cụ bà là Tiểu Hè quá bộ ghé
qua chơi, cụ tặng tôi cuốn “Chân dung
99 nhà văn Việt Nam đương đại”,
thú vị là trong đó có đủ các nhân vật lớn bé không từ một ai như Sóng Hồng, Lê
Đức Thọ, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh... và tôi giật mình khi chỉ mới đọc
bài đầu tiên về Tố Hữu mà trong đó có một dòng tôi cứ ngỡ cụ nhầm vì không thấy
viết hoa:
“Tự nhận mình là Lành
Mọi người thấy rất dữ
mác lê bọc bằng thơ
Đã đâm chỉ có tử”
Tôi
nhớ lại thời còn học đại học, không chừng bây giờ có sinh viên nào khi làm tốt
nghiệp đề tài thơ Tố Hữu lại phải trích cụ Nguyễn Khôi!
-------------
(*)
Mời nhấp chuột đọc:
http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2017/05/chan-dung-99-nha-van-viet-nam-uong-ai.html
*
MAI
THANH TÂN (Giáo sư, Tiến sĩ)
Địa chỉ: B-P9, tầng 8, Imperia Garden,
Số
145 phố Nguyễn Huy Tưởng,
quận
Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0915.027.045
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: khoidinhbang@gmail.com ngày
07.10.2021
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét