MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

VỀ ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI VĂN ĐĂK LĂK: TÔI THẤY BUỒN CƯỜI - Tác giả: Chu Mộng Long (Bình Định)

 

VỀ ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI VĂN ĐĂK LĂK:

TÔI THẤY BUỒN CƯỜI

*

(Tác giả Chu Mộng Long)

Thấy các nhà văn, nhà giáo, cả những nhà phê bình văn chương khen lấy khen để đề thi học sinh giỏi văn tinh Đăk Lăk, tôi cũng thả tim cho có phong trào. Nhưng bình tâm đọc lại, tôi thấy buồn cười hơn là thấy... hay.

Tôi yêu văn chương, nhưng tôi chưa bao giờ xem văn chương là cứu cánh cho người bệnh, người nghèo, người cùng khổ. Đề nghị luận văn học cắt xén phát biểu của Giáo sư Huỳnh Như Phương với những câu hỏi như thể chính người bệnh, người nghèo, người cùng khổ "cần" văn chương để thoát bệnh, thoát nghèo, thoát khổ vậy. Rõ ràng Giáo sư Huỳnh Như Phương không chắc điều đó nên mới đặt câu hỏi mà không khẳng định: "Trong hoàn cảnh khắc nghiệt vừa qua, không tránh khỏi có lúc chúng ta tự hỏi, văn học để làm gì, văn học cần cho ai? Văn học có cần cho người bệnh đang giành lấy từng hơi thở tàn trong bệnh viện dã chiến? Văn học có cần cho người mẹ già đẩy chiếc xe với chút tài sản bé mọn trên đường về miền Tây? Văn học có cần cho đôi vợ chồng trẻ chở con dưới mưa gió trên đỉnh đèo Hải Vân theo đoàn người trốn dịch...".

Đoạn sau của bài báo, Giáo sư Huỳnh Như Phương viết: “Nhưng bình tâm nghĩ lại, bao lâu cuộc đời còn những số phận khổ đau, bất hạnh, bao lâu Tổ quốc còn lên tiếng kêu gọi giữ gìn bờ cõi Tổ tiên để lại, thì bấy lâu văn học còn có mặt để an ủi, nâng đỡ và xây dựng con người”. Điều đó có nghĩa là, dẫu nhà văn có viết hàng trăm trang sách, lấy bao nhiêu nước mắt người đọc thì cũng không cứu nổi những số phận khổ đau, bất hạnh, kể cả số phận của đất nước, dân tộc. Sứ mệnh giải phóng con người, đất nước không thuộc nhà văn mà thuộc kẻ... to hơn nhà văn - chính quyền. Không có chuyện người sắp chết cần văn chương như cần điếu văn để siêu thoát, người mắc bệnh cần văn chương để hết bệnh, người nghèo cần văn chương để thoát nghèo, người cùng khổ cần văn chương để thoát khổ, người đau đẻ cần văn chương để dễ đẻ...

Không khéo đọc đề văn này, bọn học trò thơ dại, dù là học sinh giỏi văn lại nghĩ sai vấn đề. Rằng, những người bệnh trong bệnh viện dã chiến trước hơi thở tàn, nếu có được văn chương viết về họ để mà đọc ngay trên giường bệnh, họ sẽ khoẻ lại hoặc... nhanh siêu thoát. Rằng, người mẹ già đẩy chiếc xe với chút tài sản bé mọn trên đường về miền Tây, nếu có văn chương viết về họ mà đọc ngay trên đường đi sẽ vơi bớt mệt nhọc. Rằng, đôi vợ chồng trẻ chở con dưới mưa gió trên đỉnh đèo Hải Vân theo đoàn người trốn dịch, nếu có được văn chương viết về họ để vừa nhấn ga vừa đọc thì sẽ tăng tốc vượt đèo, vượt mưa gió nhanh hơn. Và rằng, người mẹ đẻ con trên đường, nếu lúc vượt cạn có được văn chương viết về mình để đọc sẽ bớt đau và đẻ dễ hơn...

Đề thi rất dễ bị hiểu như vậy. Học sinh sẽ tán vai trò, chức năng của văn học như một thứ liệu pháp tinh thần cao hơn mọi công việc thiết thực của bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, nhà từ thiện, thậm chí chính phủ. Giỏi văn như vậy thì thuộc bệnh hoang tưởng!

Nhà văn vốn bệnh hoang tưởng, cho nên khen đề hay và cho điểm 10 là phải. Không chừng nhà văn nào đang có tác phẩm viết về dịch tưởng thật sẽ phát hành đến tận giường bệnh cho bệnh nhân đọc ngay trong hơi thở tàn, đón đường người chạy dịch phát hành luôn trên đường họ đang chạy để cổ vũ và... làm chúa cứu thế?

Thú thật, một đời học và nghiên cứu văn chương, tôi chỉ tin, như Nam Cao đã tin: "Nghệ thuật vừa đau đớn vừa phát khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái và sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn". Văn Nam Cao không cần cho lão Hạc đọc trước khi ăn bã chó, không cần cho Chí Phèo đọc trước khi chửi hay đâm Bá Kiến. Những trang văn của Nam Cao hay của bất cứ nhà văn chân chính nào không phải cần cho những thân phận bất hạnh mà cần cho những người không bất hạnh. Để làm gì? Để những người không bất hạnh có được trái tim đồng cảm, chia sẻ với những người bất hạnh.

Hội Nhà văn cũng chớ dại mà phát động phong trào sáng tác về dịch rồi phát hành đến bệnh viện dã chiến hay đón đường người chạy dịch nhé!

Biết là tổn thương các nhà văn, nhà giáo, nhà phê bình văn chương, nhưng cần phải viết ra sự thật để chống bệnh hoang tưởng.

*.

CHU MỘNG LONG (tên thật Châu Minh Hùng)

Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy Nhơn

170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,

thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Điện thoại: 0982.03.61.75

..

.

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Đoàn Chính Vương ngày 02.12.2011.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét