HỒI ỨC ĐI
CÙNG THÁNG NĂM
Trong
bài này tôi không viết về tên phố, tên đường, những phố nhỏ, ngõ nhỏ, bến tàu,
bến xe, biển xanh, đồi sim tím, mà tôi viết hồi ức về một người tôi hết lòng
yêu thương, kính trọng, ngưỡng mộ và cảm phục. Đó là ông nội tôi.
Ông tôi sinh
ra ở một làng quê Hà Nam, một vùng chiêm trũng, cuộc sống nghèo khó. Năm 1936
ông bỏ quê đưa vợ và ba con, bác tôi 15 tuổi, bố tôi 10 tuổi, cô út 2 tuổi ra
Hòn Gai làm phu mỏ. Thuê nhà ở trên Ba Đèo. Công việc cu li thật gian khổ,
nhưng do ông tôi là người cẩn thận, tính tình vui vẻ hay giúp đỡ mọi người nên
chủ Tây mến mộ chuyển ông sang gác kho chính. Kho chứa vật tư, thiết bị, máy
móc (kho chính trước giáp sân vận động). Trong một lần do bênh vực một người
cùng làm vì bị chủ đối xử bất công, ông bị cho thôi việc. Năm 1938 cuộc sống đã
khổ lại càng xiêu điêu. không thể ngồi yên ông mua lại chiếc xe bò, sáng kéo xe
vào cột 5 (bấy giờ đồi cột 5 rậm rạp như rừng). Ngày nào ông cũng lấy hai bó
củi to, nặng chuyển xuống xe ,kéo về bán buổi chiều, trang trải cuộc sống. Cứ
thế kéo dài hai năm, ông ki cóp tiền cho bố tôi đi học may. Năm ấy bố tôi 14
tuổi, học may tại nhà may của ông Cả Đường. Năm năm sau bố tôi thành nghề ra mở
hiệu riêng thì bà nội mất do bị cảm thương hàn thọ 46 tuổi. Cũng năm ấy bố tôi
cưới mẹ tôi (cưới chạy tang).
Vợ mất khi
ông 53 tuổi. Ông tôi đẹp, dáng cao, thẳng; nước da trắng pha sắc đỏ khỏe khoắn.
Vầng trán cao, mắt sáng, miệng cười rất tươi. Khuôn mặt hơi vuông, toát lên vẻ
cương nghị pha lẫn một chút ngang tàng. Mỗi khi ông cười, tiếng cười của ông có
sức lan tỏa, luôn khiến người khác cười theo. Thời gian đó cũng nhiều người
ngưỡng mộ ông tôi, trong đó có một người đàn bà còn trẻ đẹp (theo lời kể của mẹ
tôi) ngỏ ý gánh vác gia đình cùng ông. Nhưng vì thương con gái út mới 11 tuổi,
ông từ chối ở vậy nuôi con, và ông đã sống đơn chiếc suốt quãng đời còn lại.
Hòa bình lập
lại, đến năm 1957 ông tìm được việc gác chợ Hòn Gai. Chợ hồi đó ở sau cửa hàng
thực phẩm, xung quanh đóng cọc, chằng dây thép gai đơn sơ. Ông cùng ba người
nữa thay nhau ca đêm. Chủ yếu trông coi kho gạo trong chợ. Trong các cháu nội
ông hợp tôi nhất, bởi lẽ, tôi luôn có sự đồng cảm cùng ông. Tôi còn nhớ khoảng
6 đến 7 giờ ở chợ về, thỉnh thoảng ông cầm theo một đoạn tre khoảng 70 cm. Buộc
thanh ngang dài 25cm thành hình chữ thập trên đó là thân con chuột to được mổ
phanh nướng vàng ruộm. Ông bảo bọn chuột này làm tổ trong kho gạo phá phách
lắm, ông đã đặt bẫy để bắt chúng. Đến đây, xin hỏi mọi người đã ai ăn thịt
chuột nướng chưa? Chắc có người sẽ nói: “ghê quá”. Nhưng xin thưa tôi đã cùng
ông nội thưởng thức món thịt chuột nướng đó. Thịt mềm, ngọt, rất thơm. Các chị
gái tôi, bố mẹ tôi không ăn. Tôi và ông đánh chén ngon lành, mặc dù lúc đó tôi
mới 9 tuổi nhưng cũng xin ông tí rượu vào chiếc chén con nhâm nhi cùng ông. Ông
bảo tôi: “Mày nhẽ ra phải là cháu trai của ông mới đúng”. Sau này tôi còn được
chén món ốc sên (còn gọi là ốc ma - loài ốc ăn lá cây). Ông nói: “Người ta
không biết ăn, chứ ốc ấy biết làm thì ăn ngon lắm”. Rồi ông bảo tôi đi bắt ốc.
Mẹ tôi cằn nhằn rằng: "ông chỉ bày vẽ ăn những thứ linh tinh nghe đã
sợ". Tôi thì nhất trí luôn, gì chứ ốc sên ngày đó sẵn lắm. Người ta còn
diệt để nó khỏi phá hoại rau trồng. Chỉ sau 1 giờ tôi mang về một rổ. Ông làm
sạch sẽ chỉ lấy mỗi cái lưỡi, xào với tỏi, ớt, gừng ăn kèm lá chanh, rau thơm.
Ngon tuyệt trần, rất giòn, có vị thơm của tỏi, gừng, lá chanh, rau thơm, vị cay
xuýt xoa của ớt. Hai ông cháu nhấm nháp hết một đĩa lưỡi ốc sên. Cho đến bây
giờ được thưởng thức nhiều loại ốc: ốc đĩa, ốc hương, ốc nhảy,... Nhưng tôi
không thể nào quên hương vị món ốc sên ngày ấy.
Sau bốn năm
gác chợ. Năm 1961 tai ương đã giáng xuống ông tôi. Ông bị bệnh thiên đầu thống.
Đau nhức kinh khủng, ông đập đầu vào tường, rồi còn cầm chiếc búa nhỏ gõ vào
đầu để át đi cơn đau. Mọi người lo đến thắt ruột, còn tôi cứ giữ tay ông khóc
tràn. Bố mẹ tôi đưa ông đi viện chữa trị. Nhưng thời bao cấp nền y học quá thấp
kém, thiếu thốn đủ thứ từ trang thiết bị đến thuốc men. Không chữa được, mắt
ông vĩnh viễn bị mù. Hai tháng trời ông sống lặng lẽ trong đau đớn (viết đến
đây nước mắt tôi chảy dài không kìm được). Nhưng ý chí và nghị lực sống đã
chiến thắng. Ông ở nhà tham gia vào việc nhà, chăm nom, dạy dỗ các cháu (ba em
dưới tôi còn nhỏ). Bản tính vui vẻ, hài hước lại trở về trong ông.
Hồi đó mỗi
nhà có một loa truyền thanh có dây dẫn, hình hộp bằng cỡ quyển vở 20x30cm dày
khoảng 5cm. Mọi chủ trương, chính sách, văn hóa, văn nghệ đều qua chiếc loa ấy.
Khi nghe bài “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay” của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn
(không biết tôi có nhớ đúng tên nhạc sỹ không?). Lúc đó ông đang tắm với chiếc
dây thừng bện chặt để kỳ lưng. Ông vừa nghe vừa hát trại đi: “Chưa có bao giờ
đẹp như hôm nay, được ăn bo bo, mộc mạch, cơm viên bột mỳ” rồi ông cười lớn.
Năm 1965 sau
khi Mỹ ném bom Hòn Gai, nhà nhà đều sơ tán. Nhà tôi vào Núi xẻ. Cuộc sống càng
khó khăn hơn vì chiến tranh. Thực phẩm phải tự cung, tự cấp. Nhà tôi trồng rau
khoai và các loại rau khác. Nuôi 3 con ngan, 7 con gà và một chú chó giữ nhà.
Bọn chúng chỉ được ăn cám rau chạy qua một ít bột mỳ. Hai chị lớn của tôi,
người thì đi làm, người học nghề. Tôi và mấy đứa sau đi học. Vậy là ông dứt
khoát nhận việc băm rau, nấu cám. Chúng tôi sợ lắm không để ông làm. Nhưng khi
về đã thấy nồi cám rau trên bếp than xây bằng những viên gạch nung. Rồi có lần
ông băm phải tay chảy máu nhiều lắm. Bọn tôi lập tức giấu dao và thớt đi. Ông
không chịu, ông lại lần mò nấu cơm, luộc rau. Ông thử nước sôi bằng cách mở
vung nồi, rà sát bàn tay xuống thấy nóng rát vì hơi nước, là lúc cho rau, gạo
vào nồi. Vậy mà cơm ông nấu rất ngon. Ông tuyên bố dứt khoát: “Nếu không để cho
ông làm, ông chỉ có nước chết đi thôi”. Đành phải thỏa hiệp. Ngày ấy đúng là ăn
đói, mặc thiếu, bố mẹ tôi đông con, nấu nồi cơm lên phải định suất ăn cho mỗi
người. Vì ông là bậc cao niên trong nhà nên phần ông nhiều hơn. Nhưng chẳng bao
giờ ông nhận, ông lại nhường cháu.
Năm 1968 hết
chiến tranh bắn phá miền Bắc, nhà tôi quay trở lại căn nhà ở 36 phố Chợ Cũ.
Được ba năm, bố mẹ tôi bán nhà chuyển vào Phố Mới mua căn nhà 16A ngõ 20. Nhà
phân thành 2 cấp. Từ nhà trên để ở, xuống bếp, giếng nước, nhà tắm, nhà vệ
sinh, phải qua 5 bậc thang xây bằng gạch xỉ không có tay vịn. Ở bên phải là bếp
đến vườn trồng chuối. Giếng nước và nhà tắm ở bên trái. Tận cuối vườn là hố xí
2 ngăn. Tât cả đều xây bằng gạch xỉ. Vào nhà vệ sinh phải bước lên 2 bậc là 2
viên gạch xỉ. Đến người sáng mắt còn phải thận trọng nhất là những ngày mưa.
Nhưng với chiếc gậy là người dẫn đường ông chưa bao giờ ngã. Đặc biệt tính ông
cực kỳ sạch sẽ. Mỗi lần ra nhà vệ sinh khi thì tự mình múc nước, yếu ,ông nhờ
các cháu múc một chậu nước bê vào trong nhà tắm. Ông để sẵn chiếc bàn chải gỗ,
sợi bằng tre đã cùn, một chiếc ghế gỗ thấp. Khi đi xong ông dùng bàn chải cọ 2
mặt dưới và xung quanh đôi dép thật kỹ rồi mới lên nhà. Bố tôi làm nghề may.
Nhà có máy khâu, bọn tôi ai cũng sử dụng tốt. Vậy mà quần áo rách cần vá ông
chẳng chịu để con cháu làm hộ. Ông chỉ nhờ xỏ kim rồi tự vá lấy. Dù miếng vá bị
xiên, chéo, không thẳng nhưng ông thấy thoải mái, chẳng phiền tới ai, tự lo cho
mình.
Hồi ấy bố
tôi nhận gia công may túi cứu thương bằng vải bao bột. Những mảnh cắt còn thừa
ông kỳ công hàng tháng trời tự khâu, chắp các mảnh nhỏ lại thành miếng đệm lót
giường khi nằm đỡ đau lưng và đỡ lạnh khi đông tới. Ông khâu mũi trần thành
những đường ngang dọc rất chắc chắn. Thời gian này để có thêm thu nhập, mẹ tôi
mua bông ỏng về làm chổi bán giao cho người mua cất. Chị em tôi nhận khoán mỗi
người một công đoạn, ông tôi cũng tham gia. Ông quấn sợi giàng vào thân chổi,
rất khít, chắc và đẹp ai cũng phải trầm trồ.. Hai mắt không nhìn thấy gì nhưng
ông sắp xếp đồ dùng của ông cực kỳ khoa học, nhất là thuốc bệnh. Thuốc cảm ông
gói giấy đựng hình vuông; thuốc ho ông gói giấy đựng hình chữ nhật.Thuốc đi
ngoài gói giấy hình tam giác. Thật kinh ngạc,không bao giờ nhầm. Đúng là trời
còn thương. Ông luôn sống vì người khác. Cuộc sống kham khổ thiếu ăn, thiếu
mặc, mắt lòa nhưng chưa bao giờ ông than trời trách phận. Không đòi hỏi, không
nhận sự phục vụ mặc dù ông hoàn toàn có quyền đó.
Thời gian
trôi qua, chúng tôi đã trưởng thành. Người có gia đình, con cái, người đi làm
có thu nhập riêng, đến chơi thăm ông, biếu ông gói kẹo, gói bánh ông dành cất
đi, cho lại các cháu, chắt , mỗi khi đến chơi, bóp vai đấm lưng cho ông.
Ông nội tôi
là người như thế! Mù lòa nhưng không tàn phế. Một người chân chính, giàu nghị
lực, mạnh mẽ rất ý chí. Sống đúng với tâm thế quên mình vì người khác. Ông tôi
mất năm 97 tuổi. Tôi viết những dòng này là nén hương lòng thành kính thắp lên
để tưởng nhớ đến Ông. Đến tận bây giờ với tôi, ông là người đàn ông vĩ đại
nhất, tuyệt vời nhất!
Mời nghe nhạc phẩm KHÚC XUÂN của Võ Thiện Thanh
qua tiếng hát Thanh Thảo, Dương Triệu Vũ:
*.
TRỊNH
THỊ NHÂM
Địa chỉ: Tổ 9 khu 3, số 14/04 tòa A
chung
cư Trần Hưng Đạo Plaza
thành
phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Email: trinhnham52@gmail.com
.
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày
15.01.2022
- Ảnh dùng
minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích
đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét