MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở - Truyện ký Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

 


NHỮNG CĂN NHÀ ĐỜI TÔI ĐÃ Ở

(Truyện ký của Nguyễn Bàng)

*

(Tác giả Nguyễn Bàng)

1.

Tôi hồi nhỏ không được thầy u làm giấy khai sinh và đặt tên chính thức cho mà chỉ gọi là thằng Cu con. Năm 12 tuổi sau mấy năm tản cư kháng chiến chống Pháp, về lại quê nhà, tôi mới được cậu tôi làm cho giấy khai sinh để xin đi học. Bấy giờ u tôi cũng chẳng còn nhớ tôi sinh tôi vào ngày nào tháng nào mà chỉ nhớ khi đó đang vụ gặt lúa  mùa. Về năm sinh thì u tôi nhớ tôi đồng niên với con nhà này nhà kia, cậu tôi căn cứ vào đấy bớt đi ba tuổi vì tôi đi học quá muộn. Còn tháng thì đang vụ gặt lúa mùa nên ghi là tháng Mười, ngày sinh thì lấy luôn ngày đi xin giấy khai sinh. Và thế là ngày tháng năm sinh trong giấy khai sinh của tôi là 7 tháng 10 năm 1940. Sau này mọi giấy tờ như chứng minh thư, hộ khẩu và lí lịch đi làm đều là ngày sinh tháng đẻ ấy!

Một cái ngày tháng năm sinh như thế thì thầy nào có thể lấy được số tử vi cho tôi. Nhưng nhìn lại cuộc đời mình, tôi tự nghĩ nếu có lá số đúng thì cung điền trạch của tôi chắc chắn là có nhiều sao hãm địa. Những căn nhà đời tôi đã ở sẽ chứng minh điều đó.  

Căn nhà đầu tiên tôi ở hiển nhiên là căn nhà từ bụng mẹ đi ra. Ấy là ngôi nhà của tổ phụ để lại cho thầy u tôi. Ngôi nhà dựng trên một thửa đất có khuôn viên 240m2 ngay cạnh điếm canh của thôn, lối ra vào rất thuận tiện. Nhà 3 mặt tường xây gạch, mái lợp lá gồi, ba gian hai chái theo kiểu tứ trụ giao nguyên, một thò hai thụt – tức là ngôi nhà ba gian có vì kèo hai lớp hàng ngang, giống như hai tầng cây xuyên được bố trí theo hàng ngang, có mặt tiền rất rộng, có nhiều cửa cùng hướng mặt tiền của căn nhà, cột và cửa nhà đều bằng gỗ. Căn phòng chính giữa được bố trí làm phòng khách và nhà thờ. Bàn thờ đặt ngay sát tường đối diện cửa lớn ra vào.Trước bàn thờ, nhà người ta thường đặt một bộ trường kỷ hoặc bàn ghế tiếp khách nhưng nhà của ông tôi chỉ kê một bộ phản ngựa 2 tấm, bình thường thì để trần đẻ lộ ra mầu gỗ nâu nhạt bóng nhẵn, khi có khách thì trải chiếu hoa lên, bộ trường kỷ cũ thì kê ở mé tường gần cửa ra vào gian chái bên trái. Hai bên cột nhà gian thờ treo một bức hoành phi và một đôi câu đối. Hai chái nhà thì một chái làm kho chủ yếu để những cái chum đựng thóc hoặc lúa giống cho mùa sau, chum nào cũng có nắp đậy kín để chuột không vào ăn hại và phá phách được. Chái kia làm buồng ngủ, cũng là nơi mắc các giây thừng để treo sống áo. Khu vực nhà ngang vừa là nơi bếp núc vừa là nơi để làm hàng xáo gồm cối xay thóc, cối giã gạo chỗ ngồi giần sàng được làm biệt lập ở mé bên trái, ngăn cách hẳn với nhà chính bởi một cái sân rộng lát gạch lá nem Bát Tràng. Bao bọc cơ ngơi là hai bức tường gạch xây ở hai mé sát với đường cái, một lối đi vào ngõ trong nhà họ Lê, một lối đi vào ngõ trong nhà ba họ khác: Nguyễn, Lê, Đặng. Hai bức tường sau nhà chính và nhà bếp cũng là tường ngăn với vườn hai nhà láng giềng: Nhà ông Chánh Khoát phía sau và nhà bà phó Đội bên trái.

Ở căn nhà này, tôi đã nhìn thấy cảnh bà nội Chi xay thóc, giần sàng gạo, u tôi và chị cả tôi giã gạo. Rồi cảnh u tôi gánh lúa từ ngoài đồng về đập lúa trên những chiếc cối đá sứt mẻ, phơi thóc trên sân gạch. Thằng cu con là tôi chỉ phải ngồi dưới mái hiên, khi thấy con gà nào đến gần chỗ phơi thóc thì vung cái roi đầu buộc túm mấy dây lá chuối khô, miệng xùy xùy đuỏi không cho chúng vào sấn ăn thóc.

Những năm tôi mới 5,6 tuổi, anh tôi theo cậu tôi lên Phúc Yên để đi học, mỗi khi bà nội Chi đi chợ mua bán thóc gạo, u và chị tôi ra đồng, tôi phải trông nhà một mình, sợ ma tôi không dám ở trong nhà mà phải ra tận hàng rào râm bụt ngăn sân nhà với lối đi trong xóm rồi chơi thơ thẩn một mình ở đấy chờ có ai về mới dám theo chân vào trong nhà.

Năm 1945 nạn đói khủng khiếp xảy ra khi tôi vừa lên tám. Một lần phải trông nhà một mình, tôi đang bẻ hoa râm bụt chơi thì thấy từ phía cổng bên phải sân xuất hiện một người đàn ông thân hình khô quắt, chỉ còn da bọc xương, quần áo rách bươm, đi đứng không vững, cặp mắt nhìn khắp mặt đất và đảo khắp chung quanh để cầu xin được miếng ăn. Thấy thế, tôi sợ quá vừa xua tay vừa kêu lên:

- Đi đi. Đi ra đi!

Nhưng người ấy cứ lê bước về phía nhà trên khiến tôi càng thêm sợ, vội chạy tới ông ta định bụng sẽ kéo tay ông ta dắt ra cổng. Nào ngờ tôi vừa đụng tay vào tay người đó thì người đó ngã lăn xuống đất. Không biết làm sao, tôi khóc òa lên gọi bà và u tôi về. Nhưng bà và u tôi ở xa đâu có nghe thấy. May sao, chốc sau, người đàn ông đó ngồi lên rồi loạng choạng đứng dậy và lết đôi chân ra khỏi cổng nhà tôi. 

Trong kháng chiến chống Pháp, 4 u con  tôi theo gia đình cậu tôi tản cư lên ấp Đại Bái của họ Đỗ nhà mợ tôi, chỉ bà nội Chi ở lại nhà. Bà bảo bà già rồi, mắt lại kèm nhèm, nếu trời bắt chết thì bà chết ở nhà, không chạy loạn đâu cả. Nhưng thật tội nghiệp bà khi phải nhìn thấy cảnh người ta dựa vào chính sách tiêu thổ  kháng chiến đốt ngôi nhà của mình, ngôi nhà đã được tôn tạo từ căn nhà cũ của tổ nghiệp bằng mồ hôi công sức của bà từ những đồng tiền  chắt chiu trong công việc làm hàng xáo. Mà ác nghiệt thay, kẻ chỉ huy đốt nhà bà lại là ông cháu trưởng họ gọi bà bằng thím trong khi toàn bộ cơ ngơi gồm ngôi nhà trên 5 gian mái ngói và dẫy nhà ngang tường gạch mai lá gồi của y thì vẫn nguyên vẹn. Đã thế y còn cho khuân về nhà y gần hết cối đá và chum vại của bà. Thân già một mình, bà phải sang xóm Hà ở với ông Nguyễn Xuân Thứ, con trai trưởng ông Nguyễn Văn Quyết em ruotj của bà đã quá cố.

Ấp Đại Bái, nơi tản cư có một ngôi nhà ngói ba gian dành cho cậu mợ tôi ở. Mấy u con tôi và những người khác sống trong những căn nhà tranh vách đất quanh ngôi nhà ngói đó. Ngôi nhà thứ hai đời tôi đã ở không có nhiều kỷ niệm lắm ngoài việc chăn trâu chăn vịt và được học bình dân học vụ nên biết đọc biết viết.

Về việc chăn trâu, cậu tôi tự cày hết ruộng cho mình và cho anh chị em theo cậu tản cư lên ấp nên trong nhà nuôi tới ba con trâu đăt tên theo thứ tự là Trâu Lớn, Trâu Nhỡ và Trâu Bé. Trâu lớn là con trâu to, thiến sót nên rất hung dữ, nhất là khi nó trông thấy trâu cái, bởi vậy cậu tôi phải giao cho anh Lê, cháu rể trong họ, một lực điền cai quản. Con trâu Nhỡ là con trâu cái đã có tuổi, rất hiền lành giao cho tôi chăn thả còn con trâu Bé đang tập cày thì giao cho anh tôi. Chăn trâu về mùa đông tuy rét nhưng lại sướng nhất vì thả trâu ăn cỏ trên những cánh đồng đã gặt không sợ chúng ăn lúa, lại có rạ khô để hun chuột vừa ấm vừa có chuột nướng lên ăn.

Tôi sợ nhất là phải chăn vịt sau vụ gặt lúa chiêm vì ruộng thì nhiều nước mà đỉa thì nhung nhúc, mỗi khi phải lội xuống ruộng lùa vịt, đỉa bơi theo chân để bám nên tôi phải bóc mỏng mo cau ra rồi buộc cột vào ống chân tránh đỉa cắn bám.

Việc học bình dân là do có một đơn vị bộ đội về ở nhờ trong ấp một thời gin khoảng 3 tháng. Chỉ huy đơn vị là anh Thắng, chỉ biết anh bảo tên anh Thắng còn họ là gì không ai hỏi và cũng không ai nghe nói.  Anh Thắng người Hà Nội, đang theo học dở dang trung học; hay hát và  hát cũng rất hay. Hai bài anh thường hát cho mọi người nghe, chẳng ai biết tên bài hát là gì của ai sáng tác mà chỉ nhớ câu mở đầu một bài là: “Mùa đông đã đến nơi rồi” và một bài là: “Ai về chợ huyên Thanh Vân/ Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa? ”. Anh Thắng ơi, hát bài “Mùa đông đã đến nơi rồi” cho chúng em nghe đi!; Anh Thắng ơi, dạy chúng em bài hát “Ai về chợ huyện Thanh Vân” (hoặc bài hỏi thăm cô Tú)  tối nay nhé!! Mọi người thường yêu cầu anh như thế. Anh Thắng không chỉ nhiệt tình hát cho mọi người nghe, dạy mọi người hát mà còn bày cả việc dạy chữ cho mọi người. Lớp học của anh mở ngay giữa sân nhà chính của cậu mợ tôi ở trong ấp. Trừ cậu mợ tôi, và một vài người đã biết chữ như bác Hanh, anh Hồng, hai chị em Vị, Nguyên con cậu Đài tôi đã mất được cậu Đổng với đạo nghĩa “sảy cha còn chú” nuôi dạy , không học anh Thắng còn lại những người không biết chữ ai nấy đều theo học, trong đó có u tôi, chị cả tôi và tất  nhiên là có tôi. Anh Thắng lấy nong nia làm bảng, vôi trắng khô làm phấn; chúng tôi lấy que tre làm bút, lấy mặt sân đất làm giấy vở. 

Dạo ấy để mọi người tích cực học bình dân học vụ, một phần vì các chợ có lệ, ai muốn được vào mua bán thì phải đọc được mấy chữ viết trên những cái nong nia hay trên những tấm ván treo chắn ngay lối ngoài cổng chợ. Vì thê, người lớn tuổi học anh Thắng để mong biết đọc, thoát cái cảnh phải trốn chui trốn lủi để lẻn vào trong chợ như kẻ cắp. Trẻ con thì học để không bị lêu lêu khi đứa này đố đứa kia viết hay đọc đúng từng chữ một trên nền đất và rồi mơ ước sẽ đọc được mấy cuốn truyện nôm khuyết danh như Trương Chi, Thạch Sanh, Hoàng Trừu ...trong cái kệ sách ở ngôi nhà lớn của cậu mợ tôicho người già nghe. Khi đơn vị của anh Thắng rời ấp thì hầu hết mọi người đều thoát nạn mù chữ. Bọn trẻ chúng tôi tự học thêm theo cách riêng của mỗi đứa. Tôi dược cậu tôi cho mấy mẩu bút chì cũ mà tôi coi như của quý hiếm rồi cậu tôi bày cho cách kiếm lá chuối khô vuốt cho phẳng phiu làm giáy mà tập viết.

 

2.

Năm 1949, sau 3 năm tản cư,  4 u con tôi hồi cư về quê trên cái nền nhà hoang tàn đổ nát. U tôi cũng tạm xin ở nhờ bên nhà ông Thứ cùng với bà nội Chi. Rồi hàng ngày, u và chị gái tôi vừa làm ruộng vừa tranh thủ dọn dẹp ngôi nhà đã bị đốt sạch và thuê người dựng lại một túp nhà nhỏ 3 gian, tường là những viên gạch cũ, hồ vữa bằng bùn ao, cột kèo bằng tre, mái lợp rạ. Sau đó 4 u con tôi và cả bà nội Chi về sống ở căn nhà đó. Bây giờ bà nội Chi không làm hàng xáo nữa, một phần vì bà đã già, mắt lại kém luôn luôn bị lông quặm gây đau nhức, một phần vì các đồ làm hàng xáo nhất là bộ chum bằng gốm đã bị mất hết chỉ còn đúng 1 cái để hứng nước mưa từ cây cau đổ xuống hoặc chứa nước gánh từ giếng làng về. Mọi kế sinh nhai đều trông vào việc làm ruộng của u và chị cả tôi cộng thêm chút vốn liếng buôn thóc bán gạo gần một đời của bà nội Chi vì vậy dựng được nhà mới nhưng đồ đạc trong nhà chẳng có gì ngoài cái phản gỗ cũ bà nội Chi xin lại ở nhà chánh Ngãi về. Tối tối hai anh em tôi ngủ trên cái phản đó, bà nội Chi ngủ ở gian chái bên trái, u và chị cả ngủ ở gian chái bên phải.

Năm 1950, cậu tôi đón hai ah em tôi ra Hà Nội để ăn học. Lúc mới tản cư về, gia đình cậu tôi cũng sống nhờ trong ngôi nhà của mẹ vợ cậu, bà Nguyễn Thị Tư ở phố Hàng Trống. Bây giờ ông cậu ruột của mợ tôi là ông Nguyễn Văn Năm phải xuống làm việc ở sở Đoan Hải Phòng, chỉ đem theo bà vợ và cậu con trai út còn nhỏ để lại ngôi nhà 2 tầng ở 19 Phù Đổng Thiên Vương cho bà Sáu em ruột ông trông nom cùng ba cô con gái lớn trong đó 2 cô đang đi học. Vì vậy ông Năm bảo cậu mợ tôi về ở cùng bà Sáu và ba cô con gái ông vừa rộng hơn trên Hàng Trống vừa tiện giúp bà Sáu cũng là dì của mợ tôi trông nom các con ông học tập.

Ngôi nhà 2 tầng của ông Năm to đẹp như một biệt thự phố có cổng sắt hoa văn rất trang nhã mở vào một lối đi như cái ngõ nhỏ dẫn thông đến mọi chỗ trong nhà.  Nền các phòng đều lát gạch hoa nhập từ Pháp sang trông rất đẹp. cầu thang gỗ bóng loáng từ tay vịn đến các bậc thang. Bà Sáu và 3 cô cháu ở tầng một, cậu mợ tôi và hai con gái còn nhỏ ở tầng hai. Tôi và anh tôi cũng ở tầng hai trong gian buồng nhỏ ngay đầu cầu thang lên. Đây là lần đầu tiên tôi được ở nhà tây và biết thế nào là nhà tây. Và cũng nhờ được ở căn nhà tây ngoài phố này, tôi đã tập đi xe đạp và biết đi xe đạp từ năm 1950.

Nhưng ở ngôi nhà 19 Phù Đổng Thiên Vương mới chừng mấy tháng thì ở dưới Hải Phòng, ông Năm cũng đã ổn định công việc và đã mua một căn nhà mới ở phố Tám Gian, có ý định đưa bà em không lấy chồng và ba cô con gái xuống Hải phòng nốt. Cũng thời điểm ấy, mợ tôi đòi lại được ngôi biệt thự 3 tầng ở 25 phố Phùng Khắc Khoan nên cậu mợ tôi cũng dọn về ngôi biệt thự của mình. Ngôi nhà của ông Năm cho gia đình một ông giáo dạy tiểu học tên là Đào Quốc Ân quê ở Bát tràng ở thuê. Sau năm tiếp quản Hà Nội, gia đình ông Năm di cư vào Sài gòn, ngôi nhà đó thuộc về nhà nước quản lý nhưng người ở vẫn là gia đình ông giáo Ân. Nghe nói khi ông giáo Ân chết thì các con ông đều trưởng thành và có gia đình riêng, họ chia nhau ở chung trong ngôi nhà đó.

Sau năm 1975, vào Sài Gòn tôi tìm thăm gia đình ông Năm thì được biết bà Năm vợ ông và cả bà Sáu em gái ông đều đã mất. Ba cô con gái  đã có gia đình riêng, tất cả đều khá giả, gia đình cô bé nhất đã di tản sang Mỹ. Ông Năm giờ ở với cậu con út trong một ngôi nhà cấp 4 nhưng khá rộng rãi ở ven một quận xa trung tâm Sài Gòn. Tôi hỏi ông còn nhớ ngôi nhà 19 Phù Đổng Thiên Vương Hà Nội không thì ông buồn rầu và thành thật nói:

- Làm sao mà quên được hả cậu? Nhớ và tiếc lắm. Cũng may trong thời gian 300 ngày ở Hải Phòng, tôi đã kịp bán được ngôi nhà ở phố Tám Gian, bán rẻ nhưng cũng được ít tiền mang xuống tàu vào Sài Gòn. Nhưng vật đổi sao dời, có nhớ tiếc cũng đành bất lực với thời thế thôi cậu ạ!.

Tôi kể vắn tắt cho ông nghe số phận của ngôi nhà 19 Phù Đổng Thiên Vương hiện giờ. Ông thở dài, nói:

- Sông kia rày đã nên đồng. Cậu đừng kể nữa kẻo tôi phát khóc lên mất. Mà ngôi nhà 19 Phù Đổng Thiên Vương của tôi sao bằng biệt thự 25 Phùng Khắc Khoan của cậu mợ cậu!

Về ngôi biệt thự ba tầng ở 25 Phùng khắc Khoan: Nguyên ông thân sinh của mợ tôi là ông Đỗ Đình Đạt, một đại điền chủ giàu có thuộc dòng họ Đỗ Đình, con của cụ Đỗ Đình Tiến (bị Việt Minh giết) và cháu nội của Đô thống Đỗ Đình Thuật. Ông Đỗ Đình Đạt là con thứ, chỉ ăn chơi hưởng thụ trong khi các anh em và cháu ông nhiều người tham gia hoạt động chính trị nổi tiếng như ông Đỗ Đình Đạo gia nhập Đại Việt Dân Chính Đảng do Nguyễn Tường Tam thành lập năm 1938, rồi gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Năm 1952, thủ tướng chính phủ Quốc Gia Việt Nam là Nguyễn Văn Tâm giao cho Đỗ Đình Đạo chỉ huy Đoàn Quân Thứ Lưu Động (Groupe Administratif Mobile en Opération viết tắt là GAMO) ở Bắc Việt…

Ông Đỗ Đình Đạt kết hôn cùng bà Nguyễn Thị Tư theo truyền thống môn đăng hộ đối. Hai ông bà sinh được hai người con: Người con gái đầu là Đỗ Thị Ý sau này là mợ tôi; người con trai thứ là ông Đỗ Đình Cận du học bên Pháp rồi sống ở bên đó. Khoảng những năm cuối thập kỷ 30 đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước, ông Đỗ Đình Đạt lên ở đồn điền trên Thái Nguyên, lấy thêm bà vợ hai nhưng không có cưới xin chính thức vì dòng họ ông là dòng đạo Thiên chúa gốc. Họ có với nhau 3 người con: Đỗ Đình Liên (1937), Đỗ Đình Uy (1939) và Đỗ Thị Lan (1941). Đầu cuộc kháng chiến chống Pháp thì ông đỗ Đình Đạt qua đời ở trên đồn điền đó.

Trước khi lên sống ở đồn điền trên Thái Nguyên, ông Đạt đã làm giấy cho bà Tư đứng tên ngôi nhà ở phố Hàng Trống và cho hai người con đứng tên hai căn biệt thự phố. Bà Đỗ Thị Ý, mợ tôi được căn biệt thự 25 Phùng Khắc Khoan, ông Đỗ Đình Cận được căn biệt thự ở phố Huyền Trân Công chúa. 

Khi kháng chiến bùng nổ, gia đình cậu mợ tôi tản cư, gia đình ông Cận vẫn ở lại Hà Nội. Căn biệt thự của mợ tôi nhờ ông Cận trông nom nhưng ông Cận cho bạn ở nhờ. Vì thế khi gia đình cậu mợ tôi hồi cư phải mất mấy tháng dòng mới lấy lại được.

Ngôi biệt thự 25 Phùng Khắc Khoan phải nói là to lớn và sang trọng. Mặt tiền rộng đến 10 mét. Cổng gỗ 2 cánh ra vào phía bên trái mặt tiền, ô tô qua lại dễ dàng đi thẳng vào nhà xe rộng lớn. Bên cạnh nhà  xe là một gian nhà kho đủ để ở cho một gia đình. Phía sau nhà xe và nhà kho là nhà bếp cũng rất rộng. Nền cả ba căn nhà đó đều lát gạch vuông màu đỏ. Qua nhà bếp tới một khu vườn rộng trong đó có khu nhà vệ sinh tự hoại có cái giật nước rửa xả mỗi khi vệ sinh xong. Cuối vườn xây một hầm trú ẩn mọi người quen gọi theo tiếng Pháp là tranchées  bằng bê tông để tránh bom đạn phòng khi có biến ngoài xã hội.

Sau này sống với cậu mợ tôi ở 25 Phùng Khắc Khoan không chỉ có chị em Vị Nguyên với tôi mà cậu mợ tôi còn cưu mang gia đình dì Ấn, em gái thứ tư của u tôi và cũng là chị gái cậu tôi, đưa cả nhà dì từ bên Gia Lâm về ở, rồi nhận 3 người con cùng cha khác mẹ với mợ tôi người ta đưa về từ trên Thái Nguyên do ông Đỗ Đình Đạt đã chết và nay mẹ của ba người em ấy cũng chết nốt chỉ còn trông cậy vào mợ tôi là con gái lớn của ông Đạt. Thế là tôi có thêm ba người bạn trai cùng trang lứa là Đào Quốc Giám con dì tôi và hai anh em Đỗ Kim Liên, Đỗ Uy Liêm, em cùng cha khác mẹ của mợ tôi.  Ngày nào mấy thằng con trai chúng tôi cũng chơi đá cầu hoặc đánh bi đánh đáo trong cái vườn ấy của ngôi biệt thự.

Biệt thự có ba tầng. Lối đi lên tầng hai là một cầu thang ngoài trời bắt đầu từ chân một cái vườn hoa hình vuông, bao xung quanh là gạch men đỏ cao hai tấc nằm bên phải cổng. Cầu thang này chiều rộng khoảng 2, 4 mét, toàn bộ các bậc thang đều lát gạch đỏ theo chiều dày của viên gạch nên nom rất chắc chắn. Bên trái cầu thang là tường nhà được xây bằng gạch vữa theo lối cách âm các phòng trong rạp hát. Bên phải cầu thang thay vì cho tay vịn là các bậc mặt đá để đặt các chậu hoa cây cảnh. Qua hết cầu thang ngoài trời sẽ tới một hành lang có cầu thang gỗ đẹp đi lên tầng ba và một cầu thang khác xây bằng xi măng đi xuống phòng bếp tầng một.

Ngôi biệt thự luôn được cậu mợ tôi cho người chăm sóc cẩn thận nên lúc nào cũng sạch đẹp từ sân vườn đến bên trong các phòng pốc. Cậu tôi là kỹ sư nông nghiệp nên khu vườn hoa và các chậu hoa lúc nào cây hoa cũng xanh tươi và thi nhau trổ hoa rất đẹp. Tôi thích nhất mấy chậu tường vi cậu tôi đặt trên các bệ đá lan can cầu thang gạch. Mỗi lần đứng trên cầu thang ngoài trời đó, được nghe bài hát Cô láng giềng vẳng ra từ chiếc radio Philips Hoà lan 7 đèn trong nhà, đến câu: đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi, tôi luôn tưởng ra cảnh đôi trai gái bên những bông hoa tường vi tươi đẹp và tiếc cho duyên phận lỡ làng của họ.

Trong các phòng, mọi thứ đều luôn ngăn nắp sạch sẽ. Cậu mợ tôi ở trọn tầng hai gồm hai phòng lớn, phòng trong dùng làm phòng ngủ, có giường sắt Hồng Kông của cậu mợ và giường gỗ cho các con, phòng ngoài dùng làm nơi làm việc của cậu tôi có bàn ghế, có tủ sách và một bàn chơi mạt chược. Thường chiều và tối thứ bẩy hàng tuần, bè bạn của cậu tôi hay tập trung ở căn phòng này khi chơi mạt chược khi đánh tổ tôm thâu đêm đến sáng hôm sau mới tan, nửa đêm họ thường ăn các thức quà nóng, khi bánh giò, khi xực tắc, khi bánh mì sữa...

Trên tầng ba có ba phòng, cậu tôi dành một phòng cho dì tôi và các cháu gái ngủ, một phòng cho bọn con trai chúng tôi còn một phòng nhỏ cho anh Lê Văn Doanh, gọi cậu tôi bằng chú họ do anh là con ông Cửu Căn anh em con cô con cậu với cậu tôi ở làng mượn để tiện việc học trường trung học ngoài Hà Nội.

Dưới tầng một, nơi nhà xe được dọn phong quang một góc kê cái sập gụ và cái tủ chè để ông ngoại tôi và bà vợ kế ở. Hai cụ tự nấu ăn riêng cho có việc để đỡ buồn chân buồn tay và tiện giờ giấc sinh hoạt của người già. Bếp nấu là một cái hoả lò nhỏ dùng than hoa đặt ngay trên sập, nôi nấu là nồi đồng điếu, gạo nấu là gạo tám xoan trắng dẻo và thơm phức. Thức ăn của hai cụ không nhiều thường là giò lụa hay thịt thăn rim khô vởi rau luộc hay rau nấu canh suông. Giò thịt hay rau thường do u già đi chợ mua về cho hai cụ.

Nơi nhà kho dành cho anh Lê, một người cháu rể trong họ của cậu tôi. Nhiệm vụ của anh là dắt xe đạp ra rồi mở cổng khi cậu tôi đi làm và dắt xe đạp vào, đóng cổng khi cậu tôi về, thấy xe bẩn thì lau cho sạch sẽ. Sau này cậu tôi đi chiếc xe máy Motobécane thì anh Lê có thêm việc rửa xe mỗi khi trời mưa cậu đi làm về. Ngoài mấy việc đó, anh Lê còn có nhiệm vụ trông nom người ra kẻ vào mỗi khi ngoài cổng có tiếng chuông gọi.

Gian nhà bếp dành cho hai u người làm. U già là người tuổi ngoài 50 chuyên việc đưa xách làn theo mợ tôi đi chợ rồi về cơm nước cho cả nhà. Cơm canh thì có hai chế độ, một mâm dành cho cậu mợ và dì Ấn, một mâm dành cho bọn trẻ con em chúng tôi và ncacs người làm. Ngoài ra u già còn phải giặt quần áo cho cậu mợ và các con, chiều tối thì thu cất và gấp lại đưa vào từng ngăn tủ. Bọn trẻ chúng tôi tự thay tự giặt và tự cất vào chỗ của mình. U em là người mới ngoài 40 chuyên bế ẵm em bé của cậu mợ tôi, cho em bé ăn, trông cho em ngủ và tắm rửa cho em.

Tôi ở căn biệt thự này từ cuối năm 1950 cho đến năm 1959. Đầu năm 1955, cậu tôi đưa vợ con cùng những người phải đi theo là chị em Vị Nguyên và các em cùng cha khác mẹ với mợ tôi xuống vùng 300 ngày Hải phòng rồi di cư vào Nam. Căn nhà giao cho dì tôi trông nom.

Ít ngày sau, ba người cán bộ nhà nước đến kiểm tra nhân khẩu ở căn nhà này. Họ bảo, nhà ở rộng quá trong khi nhiều cán bộ công nhân viên chức đang thiếu chỗ ở cần phải sắp xếp lại. Gia đình dì tôi chỉ được ở một căn phòng tùy chọn còn các phòng khác sẽ do họ phân cho các hộ mới. Dì tôi không biết nói sao, đành chọn căn phòng làm việc của cậu tôi đã ở tầng hai vì có thêm ban công rộng phía ngoài. Cứ thế, nay họ đưa một hộ, mai lại một hộ đến ở ngôi biệt thự đó. Như thế cũng chưa đủ, họ còn cho người phá hủy vườn hoa bên cổng rồi xây dựng nham nhở lên đó một căn nhà nhỏ. Khu vườn bên trong cũng được xây lên hai căn như thế. Và họ cười sung sướng vì đã có sáng kiến để có thêm ba căn nhà mới cho ba hộ ở vùng kháng chiến trở về Thủ đô.

Do số người ở tăng nhanh và quá đông mà cả khu biệt thự cũ chỉ có một nhà vệ sinh tự hoại nên giờ nẩy sinh ra nhiều khó khăn cười ra nước mắt về chuyện đi đại tiện. Nhiều nhà đã phải tự tạo ra chỗ đi tiểu ngay trong nhà có ống thoát dẫn xuống cống và khi bí quá họ cũng đành đi đại luôn ở đó. Nhà dì tôi và một nhà khác ở tầng ba nhờ có cái ban công nên đã biến nó thành cái nhà bếp và nhà vệ sinh luôn.

 

3.

Tháng tư năm 1959, tôi theo học lớp đào tạo cán bộ của trường nghiệp vụ ngân hàng trung ương đóng tại đình làng Cổ Mễ, huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh, được phân ở nhờ nhà một bà nông dân. Nhà ở dưới chân núi Châu Sơn, tường gạch, sân gạch và mái rạ, có bể xây chứa nước ăn uống. Học xong tôi bị điều lên ngân hàng Thuận Châu, thủ phủ khu Tự trị Thái Mèo, sống tập thể trong một cái lán rộng thênh thang toàn bộ làm bằng tre nứa với hai dãy giường cách nhau 2 mét cũng bằng tre nứa chạy dài suốt từ đầu lán đến cuối lán, mỗi người  được một ô mắc màn để ngủ. Những tưởng sẽ công tác ở miền núi lâu dài và vĩnh viễn chia tay ngôi biệt thự ba tầng của cậu mợ tôi ở Hà Nội. Ai hay, cuối năm 1959, tôi bỏ việc ở ngân hàng Thuận Châu quay về Hà Nội lại phải về sống với nó thêm ít tháng ngày nữa. Cho tới đầu tháng Ba năm 1960, khi xuống Hải Phòng nhận chân giáo viên dân lập cấp 2, tôi mới chia tay đứt với ngôi biệt thự đó.

Ở Hải Phòng, trong 6 tuần học sư phạm cấp tốc, tôi và 5 người bạn cùng lớp được sở Giáo dục bố trí cho ở nhờ một căn phòng khá rộng trong ngôi nhà của một bà giáo già tên là Thuận dạy tiểu học từ thời Pháp thuộc. Bà giáo Thuận không có con, chồng đã mất nên nhà chỉ có hai người là bà và cô cháu gái họ mới 14, 15 tuổi. Nhà có sân gạch rộng và đặc biệt có một bể ngầm rất to để chứa nước mưa vì thời đó nước máy chưa có nhiều đường ống vào các nhà, đa phần phải lấy nước ở vòi máy công cộng ngoài hè phố. Khi ấy sắp vào mùa mưa, bà giáo bảo chúng tôi thau rửa hộ cái bể ngầm đó. Cả 6 anh em đều cởi trần quần đùi chui xuống bể, nô rỡn té nước trêu nhau rồi mới kỳ cọ bể và múc nước đổ lên sân, lấy quần áo cũ của bà gió đưa cho lau sạch khô cái bể. Quả nhiên sau dó ít ngày, trận mưa rào đầu tiên như trút nước từ trời cao xuống tha hồ có nước mưa trong bể mà dùng.

Sau khóa học cấp tốc, tôi không bị phân ra ngoại thành mà được về trường phổ thông cấp hai dân lập Tiền Phong ở nội thành. Anh Vương Văn Bảo, một trong 6 người đã ở nhờ nhà bà giáo Thuận cũng được về trường phổ thông cấp hai Hoàng Văn Thụ ở cạnh trường Tiền Phong của tôi.

Hồi đang học cấp tốc, tôi và anh Bảo đã thân nhau nay lại về dạy ở hai trường sát nhau nên có chuyện gì cũng hỏi han bàn bạc với nhau. Việc đầu tiên chúng tôi bàn là tìm chỗ ở đâu bây giờ ngay ngày đầu dời khỏi nhà bà giáoThuận? Nhưng thật rất may cho chúng tôi, cả hai ông hiệu trưởng của hai trường khi biết chúng tôi chưa có chỗ ở đều bảo chúng tôi tạm ngủ ở nhà trường, tìm lớp học nào thoáng mát kê ghế học sinh ra làm giường rồi rải chiếu lên. Sáng hôm sau  kê ghế lại như cũ, chăn màn gói gọn gửi xuống văn phòng ông thư ký, thế là tạm ổn.

Nhưng thật may cho hai chúng tôi, chỉ sau gần một tháng lấy lớp học làm phòng ngủ, ông Bùi Mạnh Cát hiệu trưởng trường anh Bảo hẹn gặp hai chúng tôi và bảo:

- Tớ thấy hai cậu phải ngủ ở lớp học mà ngôi nhà vợ chồng tớ đang ở còn thừa một phòng. Nó là nhà của ông bố vợ tớ nên tớ đã gặp cụ nói hoàn cảnh của hai cậu và xin cụ cho hai cậu ở nhờ và cụ đã đồng ý. Vậy trưa nay hai cậu theo tớ về gặp cụ.

Cả hai chúng tôi đều rất vui mừng, cảm ơn ông Cát và ngay trưa hôm đó đạp xe theo về nơi ông ở.

Qua mấy lần trò chuyện với ông Cát, tôi và anh Bảo đều đã biết, ông là người Ninh bình, hoạt động Đoàn thanh niên cùng thời với ông Nguyễn Lam, đương kim bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên lao dộng Việt Nam. Vợ ông Cát là con gái đầu lòng của cụ giáo Nguyễn Đăng Khản. Cụ Khản xưa học sư phạm cùng với nhà văn Nguyễn Công Hoan. Theo ông Cát nói thì ngôi nhà của cụ là tiền công cụ kèm cặp cho hai cậu con Tây trong vòng hai năm nhưng được ông chủ ứng trước tiền để mua đất xây nhà ở đường Trại Cau. Cụ Khản sau lấy thêm bà vợ hai, mua nhà riêng cho bà này và sống cùng bà ta bên Hạ Lý. Căn nhà ở Trại Cau để cho bà vợ cả và các con ở.

Cụ khản đã hẹn trước với con rể nên tiếp hai chúng tôi rất thân tình. Cụ bảo:

- Nghe anh Cát nói hai cậu chưa có chỗ ở mà dãy nhà chỗ vợ chồng anh Cát ở hiện còn dư một phòng, vậy hai cậu dọn đến mà ở để vợ chồng anh Cát có hàng xóm cho thêm vui.

Cả hai chúng tôi đều lần lượt nói câu “ chúng cháu cảm ơn bác và gia đình ạ”. Vừa nghe xong thì cụ Khản nói luôn:

- Cảm ơn cái gì? Để tôi nói hết đã. Tôi thì không sao nhưng bà cả nhà tôi bà ấy khó tính lắm, anh Cát chắc chưa nói cho hai cậu biết. Vì thế, để bà ấy khỏi kêu ca phàn nàn, cứ bảo là tôi cho hai cậu thuê phòng và mỗi tháng các cậu gửi cho bà ấy 3 đồng cho nó yên mọi chuyện nhé!

Chúng tôi vâng và cảm ơn cụ giáo Khản  lần nữa.

Sau đó anh Cát đưa chúng tôi xuống nhà chào bà cả mẹ vợ anh ấy rồi dẫn chúng tôi dạo xem cả khu nhà.

Toàn bộ diện tích khu nhà của ông giáo Khản rộng chừng 400 mét vuông, mặt tiền ngay hè phố Trại Cau rộng hơn 10 mét. Qua cánh cổng sắt hai cánh khá to và chắc chắn, bên phải là một hàng cau già cao lớn, bên trái là một cái bể nước dài xây nổi, ở giữa là lối đi lát gạch vuông Bát tràng mầu nâu đỏ. Lối đi dẫn vào khu nhà ngoài gồm 3 phòng khá lớn, một phòng của riêng bà cả, một phòng dành cho vọ chồng anh con trai lớn là nguyễn Đăng Hồng, một phòng cho ba đứa em anh Hồng  đang học cấp hai. Mé trái 3 phòng đó là một cái hành lang rộng 2 mét dẫn vào một cái sân gạch vuông vắn ngăn cách khu  khu trong nền cao hơn khu ngoài nửa mét có 3 bậc len xuống. Khu nhà này có 3 phòng diện tích như nhau, mỗi phòng rộng 30  mét. Gia đình anh Cát ở 2 phòng đầu gồm 5 người gồm bà mẹ đẻ anh Cát, vợ chồng anh và hai cô con gái còn bé. Gian thứ ba cuối dãy chính là gian cụ giáo Khản cho tôi và anh Bảo đến ở. Sau ba gian nhà trong là một cái bếp, bệ bếp xây bằng gạch, phía dưới bệ là nơi chứa than củi rất tiện cho người đứng nấu nướng. Phía sau bếp là một khu vườn rộng nhưng chỉ có mấy cây ổi đã già chắc do chủ nhân chính là ông giáo Khản không thường xuyên ở khu nhà này mà bà vợ ông và các con cũng không ai quan tâm đến việc trồng trọt. Cuối vườn góc bên phải là dãy nhà vệ sinh.

Tôi nói với anh Bảo:

- Chỉ với số tiền ông chủ Tây ứng trước cho một ông giáo để kèm thêm cho hai đứa trẻ mà mua được cả khu đất rồi xây nên một cơ ngơi như thế này. Tôi và anh bây giờ lương tháng 37 đồng cộng 10% phụ cấp đắt đỏ thành 40 đồng 7 hào, ăn sáng thấp nhất là xôi gói lá bàng mỗi tháng 3 đồng, cơm hai bữa mậu dịch quốc doanh 6 hào, vị chi là 18 đồng một tháng, rồi còn tiền nọ tiền kia như xà phòng, cắt tóc, bút giấy mực soạn chấm bài..., thật tiết kiệm là thế nhưng gói gọn tất cả cũng tới 30 đồng. Còn lại dành dụm được 10 đồng 7 hào. Bao giờ thì hai ông giáo dân lập chúng ta mua được nhà ở nhỉ?

Ở nhà cụ giáo Khản được hai năm, cuối hè năm 1962, tôi phải điều chuyển về trường phổ thông cấp hai Đinh Tiên Hoàng mới thành lập ở trên khu phố Hồng Bàng nên phải chia tay với gian nhà ấy cùng anh Vương Văn Bảo. 

Ngôi trường mới của tôi mang tên trường phổ thông cấp hai Đinh Tiên Hoàng vốn có từ thời Pháp thuộc với tên là Collège Henri-Rivière nằm bề thế trên con đường lớn bậc nhất của thành phố Hải Phòng từ thời thuộc Pháp đến ngày hôm nay. Theo lịch sử đường phố Hải Phòng, phố có chiều dài 747m, vỉa hè rộng 5m nằm trong khu nhượng địa đầu tiên, là phố lớn của khu Trung ương thời Pháp thuộc, nay vẫn là một phố có tầm quan trọng trong giao thông và phát triển kinh tế - xã hội.

Lúc mới mở gọi là đại lộ Sơn Tây. Có người cho rằng phố này lấy tên một tỉnh thuộc Bắc Bộ, thực ra Sơn Tây là tên con tàu, cùng với tàu Lao Kay do tên lái buôn kiêm gián điệp Pháp Giăng Đuypy (Jean Dupuis) chỉ huy đã xâm nhập trái phép Cửa Cấm để ngược sông Hồng lên Lào Cai sang Vân Nam. Người Pháp đã dùng tên con tàu này để đặt cho tên phố để phô trương sức mạnh của họ. Sau đổi gọi là đại lộ Amiran đờ Bomong (Amiran de Beaumont) tức đại lộ đô đốc Bô Mông.

Sau cách mạng tháng Tám, đại lộ đô đốc Bô Mông đổi tên là phố Nguyễn Thị Minh Khai. Từ năm 1954 mang tên Đinh Tiên Hoàng. Vì vậy trường  Henri – Riviere nay mở lại đổi tên theo tên phố là Đinh Tiên Hoàng.

Trường Hăngri  Riveri thời Pháp thuộc dành cho con trai (nơi con gái học là ecole Henri Riviere ở phố Félix Faux, tên một chính khách Pháp đã giữ chức Tổng thống nước Cộng hòa Pháp từ năm 1895-1899. Trong nhiệm kỳ Tổng thống F.Fô đã thúc đẩy việc bình định Bắc Kỳ và ban hành nhiều chính sách tài chính để xúc tiến việc khai thác xứ Đông Dương thuộc địa một cách quy mô. Nay phố Félix Faux.đổi thành phố Nguyễn Tri Phương và ecole Henri Riviere đổi thành trường câps 1 Nguyễn Tri Phương. Trong thời kỳ tạm chiếm, con trai, con gái học chung ở cả hai trường. Ban đầu học ở nơi này là con em người Pháp, sau đó nhận thêm học sinh Việt Nam, con cái những nhà giàu sang.

Những năm cuối cuộc kháng chiến chông Pháp, binh lính Pháp ở vùng ven biển bị tử vong nhiều, nhà cầm quyền của Pháp đóng cửa trường học Hen ri Riviere chuyển cơ sở trường sang làm bệnh viện dã chiến đưa thương binh ở miền ven biển về đây chữa trị. Họ cũng biến bãi đất rộng lớn phía sau trường thành một nghĩa trang để chôn cất ngay lính và sĩ quan chết do không chữa trị được sang đấy cho tiện.

 

4.

Ngày đầu tiên tôi đến trình công lệnh cho ông hiệu trưởng Lê Văn Thế, ông hỏi tôi đã có chỗ ở chưa, tôi đáp chưa thì ông bảo:

- Đợi anh chị em về đông đủ thì nhà trường sẽ phân chỗ ở cho mọi người. Đồng chí là người về đầu tiên lên tầng hai khu B ở tạm trong phòng lớn đầu cầu thang ấy. Nghe nói phòng này xưa là nơi hiệu trưởng làm việc đấy.

Tối hôm đó, sau khi ăn cơm mậu dịch xong, tôi đi chơi loanh quanh phố xá một lúc thì về căn phòng đó để ngủ. Đó là một căn phòng rộng hơn 30m2, sàn gỗ, có lò sưởi kiểu ống khói thông lên trên trời, có cửa kính mở lối ra một hành lang nền lát gạch hoa nhìn xuống phố Nguyễn Tri Phương. Tôi trải chiếu xuống sàn gỗ, mắc màn rồi chui vào nằm nhưng lạ nhà lại một mình trong cả khu trường vắng lặng, tôi không sao chợp mắt được. Thấy thế, tôi chui ra khỏi màn, mở cửa kính đi ra hành lang mở cửa sổ nhìn xuống phố Nguyễn Tri Phương xem cảnh vật ra sao để chờ cơn buồn ngủ sẽ đến. Nhưng đường phố Nguyễn Tri Phương cũng vắng lặng không một bóng người qua lại Dạo đó dân sống trong nội thành Hải Phòng rất ít, chỉ mấy con phố người dân vừa ở vừa mở cửa hàng buôn bán mơi đông đúc như phố Cầu Đất, Phan Bội Châu…Khu trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng thuộc khu phố tây cũ hầu hết là cơ quan hành chính và công sở lớn với 2 trường học nên sau giờ làm việc rất ít người và xe cộ qua lại. Đôi lúc, một làn gió từ phía Cảng thổi vào làm mấy cái chụp bóng đèn quả lê khẽ chao đi chao lại và mấy lùm cây đang âm thầm trong ánh sáng điện vàng úa cũng run lên xào xạc. 

Buồn buồn, tôi nhìn xuống hai cánh cửa chớp gỗ và bỗng giật thót tim khi thấy một ngón tay khô quắt dắt trong khe chớp dưới cùng của một cánh cửa. Sau giây lát, tôi nhớ ra đây một thời là bệnh viện dã chiến nên có cái ngón tay khô quắt ấy cũng là điều có thể hiểu được. Tuy vậy trong lòng tôi cũng gợn lên một nỗi sợ viển vông với hình  hình ảnh ma quỷ đang lởn vởn quanh khu trường hoang vắng. Vừa hay lúc đó vẳng tiếng cú rúc đêm từ bên kia nghĩa địa vọng về.

Để xua di nỗi sợ mơ hồ đó, tôi cuốn màn chiếu lại, đi xuống cầu thang sang khu A là khu lớp học, tìm một phòng sát với khu nhà ở của một số cán bộ thành ủy trong đó có ông bí thư, rồi kê 4 cái ghế băng ra làm giường, mắc màn và đi ngủ giống như những ngày đầu về trường Tiền Phong hai năm trước.

Ngày hôm sau, khi xong buổi họp hội đồng đầu tiên, ban giám hiệu họp tiếp với các giáo viên chưa có chỗ ở. Số này cũng khá đông vì họ đều từ các trường học sinh miền Nam nay chuyển về Đông Triều cho xa thành phố để tránh gây rối bất ổn như một số trường trên Hà Đông đã xảy ra. Phần lớn họ cũng đều có gia đình và hầu hết là cả hai vợ chồng cùng là giáo viên. Tôi chưa vợ con nên được xếp ở chung với anh Thân Văn Tranh và anh Nguyễn Quang Đào trong căn phòng gác hai khu nhà B tối qua. Anh Thân Văn Tranh, thương binh cụt một chân trong chiến dịch Điện Biên Phủ nay được lắp chân giả do Cộng hoafdaan chủ Đức viện trợ. Anh Tranh người huyện Thanh Hà, Hải Dương, vợ và con gái nhỏ ở quê. Anh Nguyễn Quang Đào hơn tôi 3 tuổi, người Nghệ An cũng chưa lập gia đình.

Tôi kể cho hai anh nghe chuyện tôi nhìn thấy ngón tay người khô quắt tối hôm qua rồi chỉ cho hai anh thấy ngón tay đó. Anh Thân Văn Tranh bảo tôi, vậy thì cậu nhặt nó ra gói vào một tờ giấy đem sang bên ngĩa địa đào một cái lỗ nhỏ chôn nó xuống đấy để của ai thì vong linh người đó nhận lại. Tôi làm theo lời anh rồi về bảo cả hai anh Tranh và  Đào

- Hai anh ngủ trong phòng sàn gỗ để em ngủ ngoài hành lang vì em hay đọc sách khuya sợ làm ảnh hưởng đến hai anh.

Cả hai anh cùng nhất trí với tôi. Thế là tôi lau dọn sạch hành lang chọn đầu bên phải làm nơi ở mới. 

Sáng hôm sau, công đoàn trường thông báo, trường học sinh miền Nam số 19 Cầu Rào giải thể, có một số giường cũ của học sinh nay giao lại cho công đoàn sở bán phân phối cho giáo viên các trường, ai mua thì đăng ký, 8 đồng một cái, không phân biệt giáo ở trong trường hay có nhà ở ngoài phố. Tôi, anh Tranh và anh Đào đăng ký nộp tiền mua mỗi người 1 cái,  Ngay chiều hôm đó người của công đoàn trường cho xích lô chở giường về giao cho mọi người. Tôi đưa giường lên hành lang, lắp ghép rồi kê vào một góc. Đúng là giường một, không thể hai người nằm chung vì chiều dài giường có 1,8m, chiều rộng đúng 80 phân!

Năm sau phòng tôi ở có thêm hai giáo viên mới ra trường: anh Lê Minh Phượng người Hưng Yên dạy môn thể dục, anh Nguyễn Đình Quyết, quê Đồ Sơn cháu gọi ông đương kim giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng Hoàng Xạ bằng bác (mẹ anh Quyết là em gái ông Xạ). Căn phòng sàn gỗ giờ thêm hai giường, vậy là 4 góc 4 giường còn tôi vẫn ở ngoài hành lang. Không khí trong phòng giờ vui hẳn lên. Sáng dậy thể dục cả 5 anh em đều xuống sân trường tập. Tập xong, trừ anh Thân Văn Tranh đi một chân gỗ , 4 anh em lại vào tắm chung trong một phòng tập thể rộng có bể nước công cộng khá to. Trưa chiều thì, những ai  không phải dạy dạy tiết cuối lại cùng nhau ra ăn cơm ở Nhà ăn tập thể số 3 của thành phố ở cùng phố cách trường chỉ vài trăm mét. Tối đến thường 5 anh em ngồi quanh 4 cái giường chuyện trò với nhau đủ các đề tài trước khi đi ngủ.

Ba năm sau, 1965 tôi lấy vợ, một công nhân xưởng chế biến nhà máy cá hộp Hạ Long. Nhà trường bố trí cho tôi một căn phòng nhỏ rộng 8m2 ở bên khu A để hai vợ chòng được ở riêng cho tiện.   Căn phòng 8m2 nhỏ bé này nguyên là nơi đi tiểu hồi trường làm bệnh viện dã chiến, nay tu chỉnh lại và phân cho cô giáo Đào Phương Nga dạy Toán và sinh vật ở. Cô Phương Nga có một con gái mới Gần một tuổi, chồng cô đang du học ở Liên Xô. Cuối hè năm 1964, anh ấy về nước được công tác và phân nhà trên Hà Nội nên đã đón vợ con lên trên đó vì thế căn phòng này tạm bỏ không đã mấy tháng.

Căn phòng tuy chỉ có 8m2, dài 4m rộng 2m nhưng cũng được ngăn ra thành 2 ô nhỏ thông nhau ở giữa, mỗi ô rộng 4m2, có cửa gỗ mở lối đi xuống hành lang ngoài trời khá rộng chạy dài hết phía sau của trường coi như một con đường dẫn ra sân trường rồi từ sân trường ra cổng trường và ra hè phố. Vợ chồng tôi kê cái giường ba xà vào ngăn trong. Đó là cái giường được mua phân phối theo giấy đăng ký kết hôn mất 36 đồng 5 hào, dài 1,9m rộng 1,5 mét nên vừa gần kín hết cái ô 4m2.  Ô 4m2 bên ngoài, tôi kê cái giường một đem từ phòng ở tập thể khu B xuống. Hai giường cách nhau không đến 2m nên còn chỗ đặt một cái bàn nhỏ mượn nhà trường để làm việc.

Tháng năm 1965, tôi cùng anh Lê Minh Phượng và anh Nguyễn Đình Quyết phải nhập ngũ. Căn phòng nhỏ bé đó chỉ còn lại một mình vợ tôi đang mang thai đứa con đầu lòng. 

Chúng tôi được đưa lên Hải Dương, tập trung trong doanh trại của trường Quân chính quân khu Ba để huấn luyện tân binh.Tôi thực sự không hiểu sao khu đội lại gọi tôi  nhập ngũ vì khi đi khám sức khoẻ họ đã ghi tôi bị cận thị, phải đeo kính cận số 3,5 và tôi khai đã đeo từ năm 15 tuổi, bắt đầu học trung học. Vì vậy, khi một sĩ quan trung tá ở quân khu Ba về kiểm tra tân binh, thấy có một lính mới đeo kính đứng trong hàng ngũ, ông ta đã gọi tôi lên và nghiêm khắc hỏi:

- Ai cho phép đồng chí đeo kính trắng khi đứng trong hàng ngũ?

Tôi đáp vì tôi bị cận thị phải đeo kính từ hồi còn đi học nhưng ông ta không tin cho gọi viên chuẩn uý phụ trách huấn luyện lên hỏi. Anh này nói trong lý lịch sức khoẻ tân binh của tôi đã xác nhận đúng như thế chứ không phải tôi vô kỷ luật. Vì vậy, xong ba tháng huấn luyện tân binh, anh Phượng và anh Quyết cùng đồng đội tiếp tục lên Hoà Bình để đi B còn tôi thì được gọi lên ban chỉ huy đóng ở bến đò Hàn thuộc  xã An Châu, huyện Nam Sách bên kia sông Thái Bình. Vẫn viên trung tá về kiểm tra huấn luyện tân binh hôm nọ nói với tôi:

- Đơn vị mới của chúng ta đang chuẩn bị vào B chiến đấu nhưng xét thấy sức khoẻ của đồng chí phải đeo kính cận, không đảm bảo công việc ở chiến trường. Vì vậy lãnh đạo quyết định cho đồng chí thoái ngũ.

Tôi nói:

- Tôi đã nhập ngũ, đã là người lính rồi, không trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận được thì các đồng chí cho tôi làm việc gì trong quân đội tôi cũng chấp hành.

Viên trung tá nói:

- Giờ đang thời chiến, cần nhất người cầm súng ra trận thôi. Mà bên giáo dục cũng có công văn yêu cầu trả về một số giáo viên cho họ vì đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, các trường học chỉ sơ tán về nông thôn chứ không có đóng cửa. Đồng chí cứ chấp hành quyết định tôi vừa nói. Ngay sáng mai, khi tiễn đưa đơn vị chuyển lên Hoà Bình xong thì đồng chí sang đây lấy giấy tờ thoái ngũ.

Tối hôm đó tôi và một số anh em không phải chuyển quân cùng với anh chị nuôi thức suốt đêm kẹp thịt lợn rán vào bánh mì làm lương ăn cho anh em sáng hôm sau lên đường. Tôi gặp riêng anh Lê Minh Phượng và anh Nguyễn Đình Quyết cùng mấy anh em khác mới kết thân với nhau từ hôm nhập ngũ ở Hải Phòng, chuyện trò đôi lời và chúc họ lên đường bình an may mắn. Khi họ lên đường ra ga Hải Dương thì tôi sang bên kia sông lấy giấy tờ rồi chờ tối cũng ra ga đợi tàu về lại Hải Phòng.

Dạo ấy, miền Bắc đã vào thời chiến tranh phá hoại bởi Mỹ đã ném bom ở cửa sông Gianh, Vinh, Bến Thuỷ từ ngày 5/8/1964 rồi lại ném bom ở thị xã Đồng Hới, đảo Cồn Cỏ ngày 7/2/1965 nên xe lửa đi đêm rất chậm. Từ Hải Dương về Hải Phòng có hơn 40km mà mất tới 5 tiếng đồng hồ nên khoảng 1 giờ đêm tôi mới về đến trường cấp hai Đinh Tiên Hoàng. Tôi thấy phòng trực bên gốc cây sung già ở cổng trường đóng cửa tối om và không khói bên trong khu trường im ắng lạ thường nên đoán mọi người đang ngủ say. Không dám gọi ai, tôi đành phải trèo qua hàng rào sắt làm từ thời Pháp vào bên trong rồi đi qua sân trường vòng vào lối hành lang ngoài trời phía sau để về căn phòng 8m2 của mình. Trong phòng, vợ tôi cũng đã ngủ. Tôi khẽ gõ cửa và thấy cô ấy tỉnh giấc rồi cất giọng sợ hãi hỏi:

- Ai đấy?

- Anh đây! – Tôi khẽ đáp.

- Có thật không?

- Thật mà.

- Sao anh lại về giữa đêm hôm thế này?

- Anh được thoái ngũ về hẳn rồi.

- Em không tin, hay là anh trốn đơn vị?

- Thì em cứ bật đèn lên cho anh vào đã rồi nói chuyện sau.

Vợ tôi bật đèn mở cửa rồi chúng tôi ôm chặt lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Vậy là tôi đã trở về với người vợ yêu dấu và căn phòng nhỏ bé 8m2 của mình.

 

5.

Sáng hôm sau tôi mới biết, trường cấp hai Đinh Tiên Hoàng đã sơ tán về xã Đông Sơn huyện Thuỷ Nguyên theo cách bê nguyên tất cả học sinh và giáo viên trừ những ai có nguyện vọng xin chuyển trường cho phù hợp với hoàn cảnh riêng. Nhà trường bây giờ bị lấy làm kho cho cty lương thực cấp 1, nay họ chuyển các bao thóc gạo đến, mai lại chuyển đi chỉ còn lại những bao đựng trấu. Anh Quang bảo vệ chính của kho là người miền Nam tập kết nói với tôi rằng đó là kế nghi binh để bọn gián điệp không biết thực hư ra sao mà chỉ điểm cho máy bay Mỹ ném bom. Khắp sân trường rộng lớn, người ta đã cho đào và xây các hầm tránh bom đạn. Tùy theo địa thế, cái thì hình chư nhật, cái thì hình chư T, cái thì hình chữ L, cái nào cũng có 2 cửa có bậc lên xuống.

Các gia đình giáo viên ở trong trường cũng đã sơ tán hết ra ngoại thành nên bên cty lương thực bắt đầu cho một số cán bộ công nhân viên của họ đến ở các căn phòng của các gia đình giáo viên bỏ trống. Người cũ duy nhất còn ở lại trường là ông Hoàng Ngọc Khánh, chồng bà Tô Thị Oanh. Bà Oanh hồi kháng chiến 9 năm học ở khu Học xá Nam Ninh sau năm 1954 về Việt Nam là giáo viên dạy tiếng Trung giờ cũng sang Thủy Nguyên theo trường. Ông Khánh là cán bộ miền Nam tập kết làm trưởng phòng kế hoạch cty  vân tải đường sông, mà cty không có kế hoạch sơ tán. Phòng nhà vợ chồng ông Khánh bà Oanh rộng 20m2 vì nhà họ có hai vợ chồng và 2 con, Phòng này  vốn trướcđây cùng với phòng nhà tôi là một, dùng làm nơi tắm rửa và vệ sinh hồi trường làm bệnh viên nay 2 nhà chỉ ngăncách nhau bằng một cánh cửa gỗ.

Việc của tôi là lên trình báo giấy tờ cho phòng tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục. Họ nói, trường cũ đã sơ tán ổn định hết rồi nên bố trí tôi sang làm việc bên Ban tuyển sinh của thành phố rồi cấp giấy giới thiệu để tôi sang bên công an xin nhập lại hộ khẩu.

Vậy là sau gần 4 tháng, tôi lại về với căn phòng 8m2 nhưng nay nơi đất tôi sống không còn là của trường cấp hai Đinh Tiên Hoàng mà là kho lương thực thời đối phó với chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Ngày 5 tháng 10 năm 1965, vợ tôi hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Căn phòng nhỏ bé có thêm một nhân khẩu mới. Để giúp đỡ vợ chồng tôi chăm nuôi con nhỏ, bà Đàm Thị Đậu là bà nội của vợ tôi ở dưới phố Cầu Đất tối nào cũng lên ngủ cùng cháu gái để bế ẵm chăm nom giấc ngủ cho thằng bé chắt ngoại. Cái giường ba xà dành riêng cho cụ ngoại và hai mẹ con cháu. Tôi ngủ trên cái giường một.

Sang năm 1966, Mỹ bắt đầu mở rộng bắn phá trên miền BắcViệt Nam. Nhà máy cá hộp Hạ Long bắt đầu có kế hoạch sơ tán đại bộ phận sản xuất  lên vùng đồi núi Bắc Giang để chuyển đổi dần sang sản xuất đồ hộp rau quả. Vợ tôi có tên trong số công nhân viên phải lên Bắc Giang nhưng do con mới sinh còn quá nhỏ nên làm đơn xin nghỉ việc, được trợ cấp 3 tháng  lương. Tôi bàn với vợ làm hồ sơ xin đi học trung cấp chuyên nghiệp thì cô ấy nói:

- Ai người ta duyệt cho em đi học mà làm hồ sơ. Anh cũng đã biết năm 1963, sau khi tốt nghiệp cấp hai em cũng đã nộp đơn xin đi học trung cấp y nhưng không được xét duyệt vì lý lịch có ông bố làm cảnh binh thời thuộc Pháp, sau xin học y tá  sơ cấp cũng không được nên phải ra Cảng làm công nhân cân đóng các bao ngô rồi xin vào nhà máy cá hộp Hạ Long.

Tôi bảo:

- Em cứ làm rồi về khu phố cũ xin chứng nhận đưa anh đem nộp cho ban tuyển sinh thành phó. Giờ anh làm cán bộ của ban tuyển sinh mà.

Công việc của tôi ở ban tuyển sinh là đọc các hồ sơ xin học, ghi tóm tát lý lịch riêng ra một cuốn sổ bao gồm các mục thành phần gia đình, nghề nghiệp trước ngày Hải Phòng giải phóng và nghề nghiệp hiện tại của bố mẹ thí sinh, đặc biệt là lời nhận xét của chính quyền sở tại để khi họp xét duyệt thì dọc lên cho mọi người nghe và thống nhất cho thí sinh đó được đi học ngành nghề nào hoặc không xét duyêt cho đi học. 

Hôm đến tên thí sinh là vợ tôi, vừa nghe xong bản tóm tắt của chính tôi, một ông trong ban xét duyệt đã nói ngay:

- Thí sinh này không được vì có bố là ngụy quân ngụy quyền thời Pháp.

Tôi  cũng nói ngay:

- Hồ sơ này là của vợ tôi. Cô ấy đang làm công nhân nhà máy cá hộp Hạ Long nhưng nay phải chuyển lên Bắc Giang nên đã xin nghỉ việc vì mới sinh con. Đề nghị các đồng chí chiếu cố cho.

Nghe tôi nói thế, ông Trần Đình Tróc, trưởng ban đáp luôn:

- Nếu là vợ đồng chí trong ban ta, tôi thấy nên chiếu cố duyệt cho đi học.
Không ai có ý kiến gì, ông Tróc hỏi tôi:

- Vậy vợ đồng chí có nguyện vọng học ngành nào?

- Dạ, trung cấp sư phạm ạ, để tiện sau này cả hai vợ chồng sơ tán ở đâu thì xin cùng về ở đó.

- Nghe được đấy – ông Tróc cười rồi lấy biểu quyết và hồ sơ của vợ tôi được xét duyệt.

Trường Sư phạm trung cấp Hải Phòng từ năm học 1965 – 1966 đã sơ tán về xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo cách thành phố 50km. Vì vậy khi vợ tôi có giấy gọi nhập học năm 1966 mà đứa con đầu lòng chưa  đầy một tuổi khiến tôi phải xin thôi làm ở ban tuyển sinh và xin về dạy tại huyện Vĩnh Bảo để giúp đỡ vợ trong việc nuôi con. Người ta xếp cho tôi về trường cấp 2 của xã Tiền Phong cách xã Cộng Hiền theo đường bộ gần 2km nhưng di  tắt qua một cánh ruộng thì gần hơn cả cây số nên vợ tôi sang trường  sư phạm bên xã Cộng Hiền học từ sáng đến hết giờ học chiều thì lại về trường Tiền Phong với chồng con.

Ở trường cấp 2 Tiền Phong, ban giám hiệu không bố trí tôi dạy phổ thông mà làm giáo viên chuyên trách bổ túc văn hóa của xã, công việc chủ yếu là vận động bà con xã viên đi học, tổ chức các lớp học buổi tối và mời giáo viên phổ thông về dạy chủ yếu hai môn Văn, Toán. Tham gia các buổi họp văn hóa của ủy ban nhân dân xã cùng các cuộc họp tổ sản xuất, đoàn thanh niên và phụ nữ xa. Công việc này không giáo viên nào muốn làm vì nó không có thời khóa biểu cụ thể như dạy phổ thông hết tiết dạy là về nghỉ đã vậy các tối thứ hai thứ năm hàng tuần thì đến các lớp học xem học viên học hành ra sao mà các lớp học thì rải rác thôn này thôn kia, xóm này xóm khác, nhiều khi phải băng qua cả cánh đồng hay bãi hoang mới tới lớp của học viên học. Nhưng với tôi thì công việc này lại có mặt thuận lợi cho hoàn cảnh của gia đình mình vì con tôi còn phải bế ẵm, tối mẹ nó được về nhà trông nom nó cho tôi xuống các lớp bổ túc, ban ngày phải đi họp tôi mang con đi theo, đến chỗ họp không thiếu các bác các cô bế ẵm trông nom đỡ một tay. Giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá còn một việc nữa là một năm xuân thu nhị kỳ lo tổ chức liên hoan mở lớp và bế lớp cho các học viên cùng các quan khách: Đi xin phiếu mua thịt lợn của HTX mua bán hoặc lo tìm mua một con chó tơ béo ngon để làm cỗ.

Khu đất trường cấp 2 xã Tiền Phong khá rộng. Một dãy nhà một tầng tường gạch mái ngói là các lớp cho học sinh học nhìn xuống khu sân chơi rộng rãi nay để phòng tránh máy bay các hầm chữ A cốt tre phủ đất được dựng lên  trong san, bên cạnh các hầm là các bụi chuối xanh um tùm. Phía phải sân là dãy nhà giáo viên gồm ba phòng nền đất tường vách trát bằng bùn trộn rơm, mái lớp rạ. Phòng đầu phân cho anh Phạm Văn Xuyên người Thái Bình chưa vợ con, phòng giữa phân cho vợ chồng tôi, phòng cuối phân cho chị Vũ Thuần Anh dạy toán có 2 con gái nhỏ và chồng là anh Trần Mậu Thưởng, hiệu phó trường sư phạm trung cấp bên xã Cộng Hiền. Một dãy nhà nữa cho giáo viên ở cuối sân nhìn lên dãy lớp học gồm 4 phòng, từ ngoài vào trong là phòng ở của hiệu trưởng và 3 phòng cho 3 anh khác đã lập gia đình nhưng vợ con ở Thái Bình.

Tôi nhận phòng ở nhưng chưa có giường. May sao được ngay anh Vũ Thiết Kế, người bạn quen thân hồi học lớp chính trị ở xã Đại Thắng Tiên Lãng cho mượn một cái giường tre do chính bố anh tự tay đóng bằng tre của gia đình trồng quanh nhà. Anh kế dạy văn, người xã Tiền Phong nhưng không dạy trường xã nhà mà dạy trường Đồng Minh xã bên cạnh.

Năm học sau, tôi được điều sang trường xã Cộng Hiền nơi có trường sư phạm vợ tôi đang học năm thứ hai. Tôi không phải phụ trách phong trào bổ túc văn hóa xã nữa mà giảng dạy trên lớp. Trường cấp hai Cộng Hiền không có nhà cho giáo viên vì vậy tôi phải ở nhờ căn nhà ngang của chị Giới. Anh  Giới chồng chị đi bộ dội, nhà chỉ có chị và thằng cu Biên mới 4 tuổi. Hai mẹ con ở căn nhà trên ba gian nhường cho tôi căn nhà dưới chỉ có một gian cũng tường trình đất, mái lợp rạ. Căn nhà nhỏ nhưng cũng kê cái giừơng tre vẫn còn thừa một nửa không gian.  Bây giờ  anh Kế nói cho hẳn tôi cái giường tre chứ không phải là cho mượn nữa.

Ở nhờ nhà chị Giới chỉ khổ mỗi cái nước ăn uống và tắm giặt. Tất tật mọi nước dùng sinh hoạt đều lấy từ một cái ao nhỏ đào bên cái sân đất  trước căn nhà ba gian hai mẹ con chị Giới ở nên nước không sạch, đã thế nhà chị lại nuôi mấy con vịt, khi không ra đồng kiếm ăn chúng đều bơi lội mò lặn trong ao. Nhưng không còn cách nào dể có nước dùng, cũng đành nhắm mắt  tuân theo số phận là tắm giặt bằng  nước cái ao đó. Riêng nước ăn, tôi dùng lá mồng tơi để hút bẩn làm cho nước trong lên và bảo chị Giới làm theo.

Nghỉ hè năm đó, thấy trường cấp 1 Cộng Hiền có một gian nhà nhỏ tường đất mái rạ vốn làm nơi chứa trấu và than củi nay bỏ không, tôi xin dọn ra đó ở cho thoáng mát và tiện bề nước sinh hoạt vì phía sau căn nhà là một con mương lớn thuyền nỏ có thể đi được, tắm giặt và lấy nước lên để lắng trong ăn uống cũng sạch hơn nước ao nhà chị Giới.  Nhưng chưa hết hè thì gian nhà này đã phải hứng chịu một cơn bão lớn nhất vào đêm ngày 14/8/1968 và bị sập đổ, may là cả nhà tôi  không ai bị nạn

Nguyên do từ ngày 1/8 huyện tổ chức lớp học chính trị hè cho giáo viên cấp 2 ở xã Hòa Bình, cách xã Cộng Hiền hơn 10km vì vậy đa phần học xong, anh chị em đều ở lại đến chiều thứ 7 mới về. Tôi cũng thế. Thời gian này vợ tôi đã học xong năm thứ 2 sư phạm trung cấp, đã thi ra trường và đang chờ phân công. Cũng thời gian này vợ tôi đang mang thai đứa con thứ hai sắp đến ngày sinh. Vì vậy, bà nội của vợ tôi là cụ Đàm Thị Đậu đã phải từ Hải Phòng vào Cộng Hiền để giúp đỡ cháu gái. Tôi đi học chính trị nên chỉ có 3 ngưới là bà cụ, vợ tôi và thằng cu con gần ba tuổi ở nhà.

Vừa tối xuống thì trời trở bão. Khi bão bắt đầu mạnh lên thì nhà tôi đau đẻ, bà nội phải vào xóm gọi một cô giáo ra dìu nhà tôi sang trạm xá. Trong gian nhà chỉ cò cụ và thằng chắt ngoại.  Cụ cứ ôm cháu co ro trong gió lạnh của bão để thằng bé khỏi sợ. Đến gần nửa đêm, thấy gió mạnh gào rít lên khủng khiếp lại thêm mưa to như trời đổ nước xuống, mái rạ lợp căn nhà bắt đầu rung lên bần bật rồi bị gió cuốn đi một mảng khiến nước mưa đổ xuống nền nhà ướt sũng. Cụ sợ quá vội ôm cháu đội mưa chạy lên khu trường nhà ngói và chui vào một lớp học. Cửa lớp vừa đóng lại thì nghe tiếng gian nhà tường đất dưới sân trường đổ sập .

Sáng hôm sau, mới mờ đất nhưng thấy gió bão đã giảm nhiều tôi vội đạp xe về Cộng Hiền. Đường trong xã Hoà Bình còn đạp xe được nhưng lên đến đường huyện thì ngược gió lại thêm mưa vẫn còn lớn, phải gò lưng lội bộ đẩy xe tiến về phía trước. Mãi khi trời hửng mưa gió mới ngớt mới có thể lên xe đạp mà đi.

Về đến con đường đầu làng Cộng Hiền, mấy em học sinh đang đứng bên gốc cây đa xem cảnh bão tàn phá đêm qua. Trông thấy tôi, chúng nhanh nhảu chào. Một em gái lớn tuổi nhất đám nói:

- Cô nở em bé gái rồi thầy ạ. Chúng em vừa ra thăm cô ở trạm xá. Nhưng nhà thầy ở bị bão đánh đổ sập hết rồi.

Tôi cảm ơn các em rồi đạp luôn xe ra trạm xá. Hai cụ cháu thằng cu nhà tôi đã đang ở đó. Nhà tôi mừng mừng tủi tủi vừa cho con nhỏ bú vừa kể chuyện đã thoát một đêm kinh hoàng của trời đất ra sao rồi bảo tôi:

- Anh qua phòng trực cám ơn y sỹ Bang đi. Đêm qua, bác Bang trạm trưởng đã mất 4 cục pin to để thắp sáng thay đèn dầu cùng cô hộ lý đỡ đẻ cho em đấy! 

 

6.

Gần vào năm học 1968-1969, cả hai vợ chồng tôi nhận được quyết định về dạy tại trường cấp hai xã Nhân Hòa, cách huyện 4km. Thế là lại một lần dọn nhà. Tiếng là không có tài sản gì nhưng cũng có một cái giường tre anh Vũ thiết kế cho, mấy túi quần áo, hai cái hòm gỗ đựng gạo và bột mì cho chuột khỏi ăn phá, máy cái nồi soong, bát đũa và cả chỗ than mua phân phối chưa dùng hết. Ngần ấy thứ đâu dễ chuyển hết bằng xe đạp. Mà đường từ Cộng Hiền lên Nhân Hòa cũng cả chục cây số. Thấy thế, Nguyễn Văn Lạnh, một em học sinh lớp 5B tôi chủ nhiệm năm vừa rồi nhanh nhảu nói:

- Con mương phía sau trường cấp 1 này tên là mương Cống Đồng chảy qua một cánh đồng lên tận xã Nhân Hòa.  Em sẽ vào thôn mượn một cái thuyên rồi bảo thêm bạn Vĩnh chở hết một chuyến theo mương lên Nhân Hòa cho thầy cô.

- Được vậy thì tốt quá. Thầy sẽ chở thuyền cùng các em.

Hôm sau, tôi cùng Lạnh và Vĩnh xếp hết đồ đạc lên thuyền rồi ba thầy trò chở đi. Nhiều chỗ nước nông, cả ba thày trò phải xuống thuyền, tôi kéo mũi hai trò đẩy đuôi cho thuyền đi qua và rồi cũng tới được con mương chảy sau khu trường Nhân Hòa sơ tán.

Khu đất trường Nhân Hòa sơ tán nằm bên cạnh chùa thôn Mai Sơn. Nhà trường mượn gian ngoài của chùa ngăn làm hai lớp học và dựng thêm 3 phòng tường đát mái rạ bên ngoài một cánh ruộng cách chùa chừng gần hai  trăm mét rồi dựng hầm chữ A và trồng chuối xung quanh ngụy trang che lớp học.

Trên cánh ruộng sát ao chùa, nơi có con mương làng chảy qua, một dãy nhà 5 gian nhỏ cũng tường đất mái rạ được dựng lên làm nơi ở cho các giáo viên không phải người trong xã. Vợ chồng tôi được phân một gian, một gian cho 2 cô giáo trẻ cũng mới ra trường còn mấy gian kia dành cho mấy thầy giáo người Thái Bình. Vì là nhà cho giáo viên nên gian nào cũng có sẵn một chiếc giường đôi. Tôi kê thêm chiếc giường tre anh Vũ Thiết Kế cho vào nữa, thế là nhà có hai giường, hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ có chỗ nằm ngủ rộng rãi chán.

Vợ chông tôi và hai đứa con nhỏ sống trong gian nhà này tròn hai năm học: 1968-1969 và 1969-1970. Chúng tôi rất vui vì được học sinh và cha mẹ các em rất quý trọng. Thật cảm động khi Tết đến, vào ngày mồng hai mồng ba, các em học sinh cùng bố hoặc mẹ đến chúc tết thầy cô giáo. Bố hoặc mẹ đi trước, con theo sau, tay cầm một gói nhỏ thường là mấy quả cam hay buồng chuối của nhà trồng được biếu Tết thầy cô. Học sinh Nhân Hòa rất hiếu học mà cha mẹ các em cũng rất tích cực đóng góp công sức xây dựng nhà trường. Khi cần thiết họ đề nghị chủ nhiệm HTX cho nghỉ việc đồng áng để tập trung sửa sang hầm trú ẩn hay đem rạ mới ra trường lợp lại mái cho các lớp học.  Có những người đêm đi kéo vó được cá tôm ngon, sáng về sẻ ra một ít đem cho thầy cô. Gia đình nào cân lợn cho HTX mua bán, được phát tem phiếu mua thịt lợn cũng cho thầy cô một hai cân... Tôi chuyên dạy lớp 7cuối cấp để luyện thi tốt nghiệp cho các em đạt tỷ lệ cao nhất. Nhà tôi năm đầu dạy lớp Năm đầu cấp năm sau theo lên dạy lớp 6 cũng được các em học sinh rất quý trọng, đặc biệt là các em nữ sinh. Mỗi khi cô giáo phải đi họp xa hay đi học chuyên môn chính trị ở các trường xã khác, các em đều rủ nhau ra nhà cô trông nom bế ẵm em bé cho cô yên tâm công việc. Tối tối, luôn có cả chục em lớp của thày và lớp của cô đem đèn đến phòng học  gần nhà thày cô học bài, không hiểu gì lại xuống hỏi thày cô. Mấy em con trai lớp 7 còn không về nhà mà mắc màn ngủ ngay trên lớp học và bảo để đêm tối có việc gì xảy ra với thầy cô chúng em sẽ có mặt kịp thời.  

Đêm giao thừa năm Canh Tuất 1970, vợ tôi sinh đứa con thứ ba, con gái được đông đủ các bà các co bác trong xóm tới thăm và lại được các em học sinh nữ nhiệt tình giúp đỡ vì con gái thứ hai của cô giáo mới được 1 năm rưỡi tuổi.

Hai năm dạy ở Nhân Hòa là hai năm vui nhất trong 4 năm xa thành phố của vợ chồng tôi. Đến nỗi đã có lúc tôi bàn với vợ mua một căn nhà ở trong thôn Mai sơn để ở, sau này hết chiến tranh không về thành phố nữa. Nhưng đúng là ngày vui ngắn chẳng tày gang, sau khi Mỹ  tuyên bố chấm dứt ko điều kiện chiến tranh phá hoại lần một ngày 1/11/1968, hè năm 1970, các trường học trong nội thành bắt đầu được mở lại. Vợ chồng tôi được điều về thành phố.

Bây giờ các trường cấp hai không do sở giáo dục quản lý trực tiếp như trước mà giao về cho uỷ ban nhân dân khu phố, trực tiếp điều hành là phòng giáo dục. Vợ chồng tôi về khu phố Hồng Bàng dưới sự chỉ đạo của phòng giáo dục khu phố. Chúng tôi lại về căn nhà 8m2 cũ. Nhưng nay trường cũ không còn mang tên trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng mà là trường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng số 4 phố Đinh Tiên Hoàng.Trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng mới được thành lập tại trường Dân Chính ở phố Nguyễn Đức Cảnh bên bờ sông Lấp. Ông Đoàn Ngọc Lung hiệu trưởng cấp hai Đinh Tiên Hoàng trước đây ở lại huyện Thuỷ Nguyên làm trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng mới là bà Vũ Thị Kim Trâm, người miền Nam tập kết ra Bắc sau 1954.

Gia đình một số giáo viên đã sơ tán theo trường cấp hai Đinh Tiên Hoàng sang xã Đông Sơn huyện Thuỷ Nguyên trở lại thành phố, một số được phân nhà ở các khu tập thể mới như An Đà, Cầu Tre, một số hoặc thuê được nhà của nhà nước ở ngoài phố, số còn lại hầu hết về lại trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng mới thành lập và đều được xếp chỗ ở trong trường mới, những căn phòng nhỏ hoặc những khu nhà vệ sinh nay sửa sang lại.

Trong khu trường cấp 2 Đinh Tiên hoàng cũ nay là trường cấp 1 chỉ còn có gia đình ông bà Nguyễn Viết Tần – Nguyễn Thị Mùi, gia đình anh Lê Kỳ-Lê Kim Dung, gia đình bà Tô Thị Oanh-Hoàng Ngọc Khánh và gia đình tôi vì những năm sơ tán, ông Tần đi theo Sở, bà Mùi trước làm lao công của trường sang làm thủ quỹ cty nhà đất, bà Tô Thị Oanh theo trường sơ tán sang Thủy Nguyên nay điều về khu phố Ngô Quyền còn ông Khánh vẫn ở trong nội thành làm việc ở cty vận tải đường sông; vợ chồng anh Lê Kỳ chỉ có chị Dung về dạy trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng mới còn anh Lê Kỳ và hai vợ chồng tôi đều phải về trường cấp 2 Xi Măng dành cho con em các gia đình sống ở khu nhà máy xi măng bên kia cầu Thượng Lý nhưng bên đó chưa có trường nên UBND khu phố tạm lấy cơ sở cũ của trường dòng Saint Dominique trước cửa nhà thờ chính toà trên đường Hoàng Văn Thụ cho trường cấp 2 Xi Măng mượn. Sau học kỳ 1, vợ tôi điều về trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng còn tôi và anh Lê Kỳ thì hết năm học sang một trường mới mở là trường cấp 2 Nguyễn Trãi khi trường cấp 2 Xi măng về bên Thượng Lý trả lại cơ sở cho trường cấp 2 Nguyễn Trãi mới mở thêm này. Ngoài bốn gia đình trước là thành viên của trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng cũ, khu trường nay có thêm mấy người của cty lương thực như anh Lê Tử Kỳ, anh Trần Quang.

Hiệu trưởng trường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng tỏ ra rất khó chịu khi trong khu trường có một số gia đình ở. Họ làm công văn gửi lên ủy ban nhân dân khu phố Hồng Bàng đề nghị đưa chúng tôi ra bên ngoài. Ủy ban nhân dân giao cho phòng giáo dục giải quyết. Nhưng họ gặp sức cản của một số gia đình mà họ không thể tháo gỡ được. Trước hết là mấy người của cty lương thực như anh Kỳ anh Quang không thuộc quyền quản lý của bên giáo dục. Thứ hai là gia đình ông Tần bà Mùi, nguyên khi làm thủ quỹ cty nhà đất bà Mùi đã rất khôn ngoan xin được giấy của sở cho gia đình bà thuê căn phòng đang ở trong trường. Thứ ba là gia đình bà Oanh ông Khánh. Tuy bà Oanh đã điều về khu phố  Ngô Quyền không còn dạy ở khu phố Hồng Bàng nữa nhưng ông Khánh chồng bà Oanh là cán bộ miền Nam tập kết công tác ở cty vận tải đường sông cũng không thuộc diện bên giáo dục quản lý. Chỉ còn 2 gia đình là giáo viên thuộc quyền quản lý của phòng giáo dục Hồng Bàng là gia đình tôi và gia đình anh Lê Kỳ. Vì vậy hai gia đình chúng tôi đã mấy lần bị ông trưởng phòng giáo dục gọi lên yêu cầu dọn ra khỏi trường. Chúng tôi đều nói, đây là nhà do trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng cũ phân cho chúng tôi ở từ 1962 chứ không phải do chúng tôi chiếm dụng. Nếu muốn chúng tôi dọn đi xin cấp trên phân cho nhà khác chứ chúng tôi không biết dọn đi đâu cả. Lần cuối cùng, ông trưởng phòng đe doạ:

- Nếu các đồng chí không chịu tự tìm nhà dọn ra khỏi trường, chúng tôi sẽ đình chỉ công tác giảng dạy.

Tôi thẳng thắn nói:

- Cái đó thuộc quyền của đồng chí. Chỉ đề nghị phòng ra văn bản đình chỉ công tác và nêu rõ lý do cụ thể, có chữ ký và đóng dấu, chúng tôi sẽ thực hiện ngay. Còn việc nhà ở như chúng tôi đã nói, chúng tôi không chiếm dụng và cũng không có khả năng tự tìm chỗ ở mới.

Kết cục chẳng có văn bản nào dám đình chỉ công tác của tôi và anh Lê Kỳ và rồi cũng không thấy ai động thêm nữa. Chúng tôi vẫn ở lại nơi mình đã được trường cũ cấp mặc dù nay trường đó không còn nữa.

Nhưng thật lấy làm lạ, bà hiệu trưởng cùng ban giám hiệu trường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng đã ra công tìm cách đuổi những gia đình đã ở trong khu nhà trường vốn đã trở thành vấn đề lịch sử của trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng cũ thì ít lâu sau, chính họ lai cho anh Phạm Vĩnh Tuế cùng vợ là chị Trần Thị Kiên về ở trong trường. Họ cấp cho hai vợ chồng nhà này căn phòng nhỏ dưới chân cầu thang lên tầng 2 ở khu A. Căn phòng này năm 1962 trường cũ cấp cho vợ chồng ông Vũ Bá Ngạc, tổ trưởng tổ Khoa học xã hội khối chiều được ở.  Khi sơ tán năm 1965, ông Vũ Bá Ngạc được điều lên dạy trường cấp 3 Bổ túc văn hoá ở huyện Vĩnh Bảo, bên cty lương thực cấp 1 lấy phân cho một cô kế toán của cty. Nhưng ba năm sau, cô kế toán bị kỷ luật vì có chồng đi B mà ở nhà quan hệ với một anh cùng cty, có con với anh ấy. Kết cục, anh ấy cũng bị đẩy ra chiến trận nốt còn cô kế toán thì phải chuyển công tác. Sau khi sơ tán đợt 1 về, gia đình ông Ngạc được cấp căn hộ ở khu tập thể An Đà nên không về lại căn phòng đó nữa. TRường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng cấp căn phòng đó cho vợ chồng ông Tuế vì họ đều là giáo viên của trường và ông Tuế còn thêm chức là bí thư chi đoàn trường nữa!

Trở lại ngày đầu ở Nhân Hoà về thành phố, gia đình tôi đâu đã được vào ngay căn nhà cũ của mình mà phải gay gắt đòi ông Hoàng Ngọc Khánh trả lại nhà. Nguyên do, mấy năm vợ chồng tôi sơ tán, ông Khánh đã mở thông cánh cửa gỗ ngăn phòng nhà ông với phòng nhà tôi, lấy phòng nhà tôi làm bếp đun nên trong phòng bộn bề củi và các đồ dùng nhà bếp, các bức tường đều bị ám khói và bị bôi bẩn đầy dầu mỡ…Vậy mà ông Khánh cũng không chịu trả lại ngay khiến tôi phải trực tiếp nói chuyện với bà giáo Oanh, vợ ông ấy. Bà Oanh tỏ ra biết điều hơn ông chồng tập kết, bảo ông Khánh:

- Nhà của cô chú ấy thì phải trả cho cô chú ấy. Bây giờ cô chú ấy có 3 con nhỏ, không trả thì người ta biết sống ở đâu. Nhà mình chỉ có 2 con lại rộng gấp đôi nhà cô chú ấy, đun nấu thì chịu khó xuống khu bếp chung ở cuối trường cũng được.

Ông cán bộ tập kết phải nghe lời vợ, dọn hết củi và đồ dùng ra khỏi căn phòng của tôi rồi mặc hai vợ chồng tôi bò ra mà rửa ráy lau chùi từ tường xuống nền nhà. Thời ấy muốn quét vôi lại cũng không dễ mà xà phòng bánh Liên Xô bán phân phối từng nửa bánh một nhưng vợ chồng tôi cũng đành phải lôi xà phòng ra kỳ cọ cho sạch nhà sạch cửa rồi kê giường, trải chiếu.

Giờ đây căn phòng của gia đình tôi vẫn chỉ có 8m2 nhưng số người ban đầu chỉ có 2 vợ chồng nay đã thêm 3 đứa con thành 5 người. Nhưng đúng là ăn hết nhiều chứ ở hết mấy và khéo ăn thì no khéo co thì ấm. Vợ tôi và hai đứa con gái nhỏ, một lên hai, một mới sinh được hơn 6 tháng ngủ trên chiếc giường ba xà hồi chúng tôi cưới nhau. Tôi và thằng cu lớn 5 tuổi ngủ trên chiếc giường một.

 

7.

Sau học kỳ 1 năm học 1971-1972, vợ tôi phải đi học bồi dưỡng chuyên môn tại trường sư phạm trung cấp lúc này đã dời từ xã Cộng Hiền huyện Vĩnh Bảo sang xã Tiên Minh huyệnTiên Lãng. Ở nhà chỉ có 4 bố con tôi.

Trong hoàn cảnh ấy thì,  đêm 9 rạng ngày 10 tháng 4 năm 1972,  không lực Hoa Kỳ bắt đầu huy động máy bay B-52 ném bom khu vực Vinh - Bến Thủy. Mọi người bắt đầu bàn tán về chiến tranh khi không quân Mỹ bắt đầu đánh lấn ra ngoài vĩ tuyến 20. Thỉnh thoảng, đã nghe tiếng ỳ ầm từ mạn tỉnhThái Bình vọng về mà không biết đó là tiếng bom hay tiếng sấm đầu mùa nữa. Vì vậy, khi không có mặt ở nhà, tôi luôn dặn thằng cu lớn lúc này đã lên 7, cho hai em chơi ở ngoài sân trường gần các hầm trú ẩn để khi có báo động thì có thể nhẩy xuống được và dặn con phải bế em bé cẩn thận vì nước mưa đầu mùa chảy xuống hầm đã ngập trên mắt cá chân. Đồ đạc trong nhà cũng bắt đầu được gói ghém, cho gọn nhỏ lại...  

Đêm 14/04 , bốn bố con tôi đang ngủ thì còi báo động vang lên. Đèn điện các nơi vụt tắt hết. Tôi vội bế đứa con bé mới 2 tuổi và dắt hai anh chị nó chạy ra dẫy hầm tập thể xây gần nhà nhất. Vì không nghe thấy tiếng máy bay nên tôi không cho các con xuống hầm ngay mà ngồi trên bờ miệng hầm cùng mọi người cũng đang trực bên miệng các hầm khác trò chuyện. Được một lúc thì còi báo yên vang lên, đèn lại sáng và mọi người lại rục rịch về phòng ngủ. Một đêm trôi qua yên bình.  

Nhưng tầm 2 giờ sáng ngày 16 tháng 4, không lực Hoa Kỳ bất ngờ tổ chức một trận đánh quy mô vào Hải Phòng. 

4 bố con tôi đang ngủ thì còi báo động vang lên. Tôi vội gọi chúng dậy, tay phải bế đứa con nhỏ, tay trái dắt chị nó còn thằng anh lớn bám theo, men tường mấy lớp học chạy ra khu hầm trú ẩn ngoài sân trường.  

Vì trường ở trung tâm nên nhìn bao quát được gần cả thành phố. Lạ một cái là không ai biết sợ. Tất cả đã xuống hầm nhưng đều nhô đầu ra phía cửa hầm để xem bom đạn thế nào rồi lần lượt hét to lên bảo nhau: Nó đánh bến Bính rồi, nó đánh An Dương rồi...Tiếng bom dậy đất nhưng khu vực trung tâm vẫn chưa bị đụng tới. Chỉ đến khi lửa Sở dầu bên Quán Toan bắt đầu cháy rực một góc trời thì ai nấy cuống lên chui tụt hết vào trong hầm. Bỗng có tiếng ai đó vang lên, B52 nó thả bom đấy. Những căn hầm bắt đầu thấy rung lắc và nghe thấy tiếng bom rền rít trên bầu trời từ phía bên kia khu Thượng Lý. 

Rồi thì trời rạng sáng và còi báo yên cũng vang lên. Bọn tôi lên khỏi hầm, nhìn ra ngoài đường phố Đinh Tiên Hoàng thì thấy hàng đoàn người từ phía bến Bính, từ bên kia cầu Hạ Lý bắt đầu tản cư, đi bộ dọc theo phố về phía nhà hát Lớn để ra mấy thôn mạn Đằng lâm Đằng Hải ven đô trú tạm.

Tôi đưa ba đứa con vào nhà cho chúng ăn sáng rồi bảo chúng có buồn ngủ thì ngủ tiếp đi, nghe còi báo động thì dậy ngay theo bố ra hầm nhé.

Quả nhiên, tầm 8-9 giờ sáng thì còi báo động lại vang lên. Loa truyền thanh ngoài phố lại thông báo có máy bay địch. Tôi lại đưa các con ra hầm. Vừa chui xuống hầm thì nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rú vang trời hòa trong tiếng đạn cao xạ của ta nổ liên hồi. Bỗng nghe tiếng “ầm” rầm trời bên tai và thấy căn hầm như chao đảo cùng tiếng gió thổi ràn rạt trên các cành cây trên sân trường rồi có tiếng mảnh bom rơi loảng xoảng ở sân khu nhà B. Có tiếng ai đó ở hầm bên nói vọng lên, nó đánh vào Quân y viện rồi. Tôi sợ quá, ôm đứa con bé nhất vào lòng và kéo hai anh chị nó vào sát mình. Lát sau không nhe thấy tiếng máy bay và tiếng bom đạn nữa nhưng từ ngoài đường nghe vang lên  liên tiếp tiếng chạy rầm rập của hết đoàn người này đến đoàn người khác. Họ hét lên cho mọi người trong các khu nhà nghe thấy:

- Di tản đi thôi bà con ơi! Nhanh lên không nó quay lại đánh tiếp đấy.

- Bên Thương Lý nhiều người chết lắm!

Tôi nghĩ, khu trường này mấy năm trước đã dùng làm kho lương thực, tình hình này là cực kỳ nguy hiểm nên vội đưa các con lên khỏi hầm. Những người trong các hầm khác cũng đều lên hết, ai nấy nhìn mặt nhau vẫn còn thấy xanh xám cả. Mấy người lớn bàn nhau di tản đi đâu và rồi thống nhất chạy xuống phía dưới nhà hát Lớn thành phố để tránh xa khu bến Cảng.

Tôi, tay phải bế đứa con thứ ba mới hơn hai tuổi, tay trái dắt con chị nó chưa đầy 4 tuổi, thằng con đầu gần 7 tuổi bám sau bố và hai em. Để đi cho nhanh, tôi vứt bỏ đôi dép cao su ở nhà để đi chân đất. Không ngờ bấy giờ mùa hạ đã sang gần một tháng lại đang về trưa, những con đường nhựa ở các phố đều đã nóng rẫy khiến hai gan bàn chân tôi như bị bỏng. Qua nhà hát Lớn, xuống phố Cầu Đất, 4 bố con tôi rẽ vào phố Lê Chân tìm nhà bà ngoại các cháu. Bà ngoại thấy con rể và các cháu thì mừng quá bảo:

- Mẹ và các em cũng vừa chui từ tầng hầm của trường Minh Khai lên. Giờ mẹ đưa 4 bố con sang đó, chui xuống tìm chỗ ẩn sẵn phòng khi máy bay nó đến.

Trường cấp 1 Nguyễn Thị Minh Khai ở gần đền Nghè thờ nữ tướng Lê Chân là một ngôi trường lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Dãy nhà chính của trường đứng trên một tầng hầm để tránh ẩm ướt, bên dưới tầng hầm chia ra nhiều ô có thể chui xuống chui lên dễ dàng. Khi 4 bố con tôi chui xuống hầm vẫn còn một số người nằm ngồi trên những chiếc chiếu họ đem từ nhà xuống khi chạy tránh máy bay. Bà ngoại dẫn con cháu vào một góc trong đó có mấy dì của các con tôi đang ngồi trên một chiếc chiếu trò chuyện với nhau. Vì vợ tôi là con gái đầu lòng, dưới có tới 9 cô em gái nên có mấy dì còn rất nhỏ tuổi, dì út chỉ hơn con trai lớn của vợ chồng tôi có 2 tuổi. Vì vậy dì cháu họ gặp nhau vui quá nói chuyện oang oang cả hầm. 

Một vài người lớn ở phố Lê Chân sau ít giờ trở về nhà đã nghe được một số tin lan truyền từ người này sang người khác về vụ máy bay B52 của Mỹ vừa đánh bom sáng nay, giờ chui xuống hầm thao thao đua nhau kể lại. Qua đấy tôi được biết, B52 đã vạch những vệt chết chóc qua các khu tập thể Xi Măng, Cầu Quay, qua thôn Phúc Lộc của huyện Kiến Thụy... Nghĩa trang Thành phố đang cho đào hố chôn chung hàng trăm người, mà nhiều người chỉ còn một phần thân thể. Tất cả các khoa của bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp ngày đều phải biến thành khoa mổ, máu đọng lép nhép trên sân trước các phòng cấp cứu, 9 giờ sáng, máy bay Mỹ oanh tạc quanh khu bệnh viện, nhiều bom nổ ngay sát tường khoa Tai mũi họng, bom rơi quanh khu vực bệnh viện, tường đổ, cửa kính vỡ hàng loạt, nhưng các bàn mổ đặt ở tầng một của những ngôi nhà cao tầng bệnh viện chính như khoa Sản và khoa Mắt vẫn làm việc bình thường, vì không thể bỏ nạn nhân nặng, cũng không thể chuyển ngay bàn mổ và cấp cứu đi nơi khác… 

Bà ngoại các cháu bảo tôi cùng bà về nhà lo liệu cơm nước chung cho mọi dì cháu chúng nó. Suốt từ trưa đến chiều hôm đó, không thấy máy bay Mỹ vào bắn phá tiếp. Nhưng gần chiều tối bà ngoại bảo tôi:

- Mẹ sợ đêm nay nó sẽ đánh. Vì vậy cả nhà ta chạy ngay xuống làng Hạ Lũng ở nhờ nhà mẹ chồng dì Thủy cho được an toàn.

Dì Thủy là em gái thứ tư vợ tôi lấy chồng làng hoa Hạ Lũng thuộc xã Đằng Hải, cách phố Lê Chân khoảng 5km. Chúng tôi lếch thếch bầu đoàn đi bộ ngay xuống đó thì trời vừa tối. Chú Phúc chồng dì Thủy lái xe đường dài không ở nhà. Bà mẹ chồng và dì đón nhận chúng tôi chu đáo rồi bố trí chỗ ngủ cho chúng tôi. Đêm ấy cũng an lành chỉ đôi khi nghe tiếng máy bay ì ì từ ngoài biển xa vọng tới.

Sáng hôm sau, gần giữa trưa thì vợ tôi từ Tiên Lãng về thành phố, nghe tin cả nhà sơ tán xuống Lũng, vội đạp xe xuống ngay. Chúng tôi bàn nhau phải đưa các con đi Tiên Lãng nhanh để tránh bom đạn Mỹ đánh trở lại và đi Tiên Lãng thì vợ chồng con cái mới khỏi phải xa nhau trong lúc bom đạn ác liệt này. Thế là, hai vợ chồng tôi tất tưởi về ngay nhà lấy mấy gói đồ đã bọc sẵn đèo nhau trở lại Hạ Lũng rồi tha lôi ngay ba đứa con ra bến xe Niệm Nghĩa đi Tiên Lãng ngay chiều hôm đó.

Tối hôm đó, cả nhà tôi tới xã Tiên Minh nơi trường sư phạm trung cấp đóng. Vợ tôi từ ngày đi học bồi dưỡng đươc xếp chung cùng hai cô giáo nữa trọ tại nhà một bác nông dân mà họ quý mến và thân mật gọi là bà Bu. Nhưng giờ không thể đưa cả chồng và 3 đứa con vào ở nhờ bà Bu được nên chỉ xin cho 3 đứa trẻ ngủ cùng hai cô giáo bạn còn hai vợ chồng đem nhau ra ngủ nhờ ở nhà bếp của trường trên cái giường một bằng sắt kê gần lò than nên cả đêm rất nóng rất khó ngủ. 

Ít ngày sau, tôi về sở nhận công lệnh điều về trường cấp 2 xã Toàn Thắng, đối diện với xã Tiên Minh qua một con kênh rộng chạy từ đầu huyện xuống cuối huyện. Cuối hè, vợ tôi học xong cũng xin được điều về trường này. Cả nhà được phân một gian phòng tường đất mái rạ, cửa sổ và cửa ra vào bằng tre đan ở cuối dãy nhà dành cho giáo viên ở xa về trường Toàn Thắng dạy. Phòng đủ kê hai cái giường và một bàn làm việc. Hầm tránh bom đào ngay dưới gầm giường, có kẻng báo động thì chui tọt ngay xuống rất tiện.

Bà ngoại các cháu là nhân viên của hàng mậu dịch quốc doanh ăn uống ở thành phố nên không đi sơ tán được, đành chia con ra để gửi những người thân quyến. Vợ chồng tôi nhận ba dì vào trường cấp 2 Toàn Thắng, một dì học lớp 6, hai còn lại học lớp 3 và lớp 1. Cậu cu con lớn nhà tôi cũng học lớp 1. Nhà trường cũng tận tình giúp đỡ xếp cho ba dì em nhà tôi một căn phòng nhỏ trong khunhà ở phụ của giáo viên phía bên dưới khu nhà ở chính.

Trường Toàn Thắng có giếng nước rộng và trong sạch, có mương lớn chảy bên phải, mương nhỏ chảy trước mặt lại có chợ bên kia đường huyện nên sinh hoạt của bầu đoàn chúng tôi  được nhiều phần dễ chịu.  Anh hiệu trưởng người xã Chấn Hưng tận cuối huyện nên cũng ở trong trường. Mọi người đều tự nấu ăn, vài ba người chung một mâm, tất cả nấu chung một bếp, rơm rạ hay củi lửa do HTX nông nghiệp xã cho nên giờ nấu cơm, giờ ăn cơm lúc nào cũng đầy những tiếng chuyện trò cười đùa vui vẻ. 

Đặc biệt trạm y tế xã ở ngay bên kia mương đối diện với căn buồng tôi ở, khi nước mương cạn có thể lội bộ vài phút là sang tới nơi, còn không thì đi vòng lên đầu bờ mương rồi vòng xuống cũng không bao lâu. Nhờ vậy, cuối tháng 10 năm đó, vợ tôi sinh đứa con thứ tư vào nửa đêm về sáng đã được dìu ngay sang trạm xá và đã được mẹ tròn con vuông.

 

8.

Hết học kỳ 1 năm học 1972-1973 thì Hiệp định Paris về Việt Nam hoặc hiệp định Paris 1973 (ở miền Nam còn gọi là Hiệp định Ba Lê) là hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973. Các trường học ở nội thành mở cửa trở lại. Vợ chồng tôi lại trở về khu phố Hồng Bàng và vẫn ở căn phòng 8m2 cũ trong khu trường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng. Tôi vẫn dạy tại trường cấp 2 Nguyễn Trài còn vợ tôi dạy trường cấp 2 Hoàng văn Thụ.

Sang năm học 1974-1975, trên quyết định sát nhập trường cấp 1 và cấp 2 làm một gọi là trường cấp 1,2. Do đó, trường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng chuyển thành trường cấp 1,2 và đổi tên thành Hồng Bàng theo tên khu phố chứ không theo tên phố Đinh Tiên Hoàng như trước. Vì sự thay đổi này, không chỉ học sinh thay đổi mà đội ngũ lãnh đạo nhà trường và giáo viên cũng thay đổi. Ông Phạm Đức Nhạn từ cán bộ phòng giáo dục Hồng Bàng về làm hiệu trưởng trường cấp 1,2 Hồng Bàng.

Số gia đình còn ở trên đất trường Hồng Bàng hiện nay chỉ còn 6 gia đình là nhà tôi, nhà bà Oanh, nhà ông Tuế, nhà ông Tần, nhà ông Lê Kỳ và nhà ông Lê Tử Kỳ. Ông Tần nghỉ việc ở phòng phổ thông của Sở về dạy ở trương Hong Bàng 1 năm rồi về làm hiệu trưởng trường Việt Hoa, ông Lê Kỳ và vợ cũng như vợ chồng tôi không phải là giáo viên trường Hồng Bàng, ông Lê Tử Kỳ vốn từ cty lương thực cấp 1 sang từ hồi sơ tán 1965, tóm lại, trừ vợ chồng ông Tuế chồng là cán bộ phòng giáo dục, vợ là giáo viên trường cấp 1, 2 Hồng Bàng, còn  5 gia đình kia đều bị coi là người ngoài trường, vì vậy nhà trường luôn tìm mọi cách để đưa tất cả các hộ ra ngoài. Ông hiệu trưởng Phạm ĐứcNhạn luôn luôn báo cáo lên UBND khu phố thúc ép giúp nhà trường giải quyết điều đó nhưng khu phố biết tìm đâu ra nhà, không phải chỉ cho mấy nhà ở trong trường Hồng Bàng mà còn cả mấy chục gia đình ở trong các trường khác trên khu phố như trường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Du, Việt Hoa, Phan Bội Châu…Hiệu trưởng các trường này cũng cũng muốn làm như ông hiệu trưởng Hồng Bàng.   

Mấy năm sau, ông Lê kỳ nhờ có ông Trương Quang Được là học sinh cũ hồi ông dạy ở trường học sinh miền Nam số 19 Cầu Rào làm chủ tịch UBND thành phố cấp cho thầy giáo cũ gác hai một ngôi nhà 2 tầng ở phố Phạm Hồng Thái. Gia đình ông Kỳ dọn ra phố và trong khu trường Hồng Bàng chỉ còn bốn nhà.

Khi người Hoa bỏ Hải Phòng hoặc về nước hoặc di tản đi các nước khác, gia đình bà Oanh cũng được phân một căn hộ ở ngõ Tò Vò phố Phan Bội Châu. Bà Oanh cũng không muốn đi nhưng có tin đe dọa, không đi sẽ không bố trí công tác và hồ sơ thi đại học của con gái lớn nhà bà sẽ bị ảnh hưởng. Bà Oanh sợ đành phải dọn ra khỏi trường.

Riêng tôi, đúng như dân gian nói sống đâu quen đấy. Tôi sống đã sống trong khu nhà trường này đã 12 năm, 3 năm trong gian phòng tập thể ở khu B, 10 năm với gia đinh nhỏ của mình, từ lúc chỉ có 2 vợ chồng nay đã có thêm 4 đứa con trong căn phòng 8m2 này, dẫu có những năm sơ tán cách xa nó nhưng cảm thấy đã quen với mảnh đất này, đặc biệt căn phòng 8m2, ở đây tôi đã cưới vợ, sinh con đầu lòng với biết bao kỷ niệm nên những năm phải sơ tán ra ngoại thành, tôi vẫn luôn nhớ về nó và mong mỏi yên lành được về với nó.

Chính vì vậy, năm 1979, khi hàng loạt người Hoa ở Hải Phòng di tản về nước hay tìm đường đi sang các nước khác, một phụ huynh học sinh của vợ tôi là ông Mạc tổ trưởng dân phố Lý Thường kiệt cho con đến mời vợ chồng tôi đến nhà ông và bảo:

- Có một căn phòng 32m2 trên gác hai thuộc địa bàn dân cư tôi quản lý ở phố Lý Thường Kiệt của người Hoa đã di tản. Nếu thầy cô thích thì chuyển đến ngay đi.

Rồi ông dẫn vợ chồng tôi đi xem căn phòng đó. Đúng như lời ông nói, căn phòng vuông vức, có ban công nhìn xuống phố, nền lát gạch men trắng. Cửa ra vào bằng gỗ mở ra một khoảng sân nhỏ dẫn xuống khu nhà bếp chung cho ba nhà vì trên gác đó còn hai căn phòng nữa cũng giống căn mà vợ chồng tôi đang xem. Vào thời bấy giờ có một căn phòng ở như thế thật là lý tưởng. Nhưng khi xuống bếp, tôi thấy trước cửa bếp trong khoảng sân nhỏ chung cho ba phòng có 3 cái thùng phi đựng nước, cả ba đếu sơn màu xanh lá cây và đều có nắp đậy kín và được khóa rất cẩn thận. Trong bếp, cái bệ bép cũng chia làm 3 ngăn chứa mùn cưa và củi, ngăn nào cũng có khóa riêng. Ông Mạc bảo chúng tôi:

- Khu nhà ở chung chạ nên phải nhà nào nhà ấy đều phải khóa phi nước và thùng bếp để đề phòng mất mát, nhất là bọn trẻ con chúng hay táy máy lắm.

Tôi hỏi:

- Thế nước dùng lấy ở dâu?

Ông Mạc trả lời:

- Phải gánh hoặc xách từ máy nước công cộng ở đầu phố lên.

- Thế thì đông người lấy nước lắm ông nhỉ?

- Vâng. Mùa đông thì còn đỡ chứ mùa hè thì xếp hàng đợi được một thùng nước cũng cực lắm. Nhưng toàn dân thế thì mình cũng phải thế thôi.

Vợ tôi có vẻ thích căn phòng đó lắm, nó lớn gấp 4 lần căn buồng 8m2 chúng tôi đang ở cơ mà. Nhưng tôi nhìn cảnh chung chạ cầu thang, khu sân nhỏ và bếp nước thì trong lòng không mấy hồ hởi. Tuy thế để chiều lòng vợ và đáp lại thịnh tình của ông Mạc, tôi cũng nghe ông về kiếm một cái khóa đem đến khóa căn phòng ấy lại.

Về nhà, vợ tôi hỏi:

- Bao giờ thì mình dọn đến căn nhà đó?

- Không bao giờ - Tôi nói.

- Sao lại không bao giờ? Căn phòng rộng và đẹp thế cơ mà?

- Rộng và đẹp nhưng có nhiều điều bất tiện lắm. Anh nói để em biết: Có nhiều cái phải chung đụng lắm như cửa ra vào không chỉ chung với hai hộ trên gác mà còn chung với 3 hộ dưới nhà nữa rồi lối lên cầu thang cũng chung, khoảng sân chung, bếp núc chung, nhà vệ sinh chung. Sống chung đụng thế tránh  sao khỏi những bất tiện và sự dòm ngó thóc mách lẫn nhau.

Rồi tôi nói thêm cho vợ tôi hiểu:

- Cứ coi như chung đụng cũng được nhưng còn mấy thứ khác thì rất không được.Trước hết về điện, hiện nay ba quận nội thành Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền ban ngày đều bị cắt điện, tối thì thay phiên nhau một quận có điện, hai quận không. Trong khi đó nơi mình đang ở thuộc khu vực thành uỷ có điện ưu tiên 24/24. Về nước, nhà mình có vòi nước riêng lại đầu nguồn lúc nào nước cũng chảy mạnh trong khi căn nhà ở phố Lý Thường Kiệt chỉ có một máy nước công cộng ở đầu phố, phải xếp hàng chờ đợi rồi phải gánh hoặc xách nước lên gác đổ vào thùng phi. Mà như ông Mạc nói ấy, về mùa hè thì rất cơ cực. Mà chuyện lấy nước ở máy công cộng thì em cũng đã biết, tranh nhau từng cái nốt để xếp xô, thùng có khi đánh chửi nhau, mình là giáo viên liệu có dám to tiếng ở nơi công cộng không? Còn một việc nữa là các con mình đều còn nhỏ, sống ở môi trường phố xá chung chạ như thế dễ sinh bất hoà với trẻ con các nhà khác, có khi chúng đánh chửi nhau không tốt chút nào về việc hình thành nhân cách cho chúng.

Nét mặt vợ tôi có chút bần thần:

- Anh nói thế em thấy đều đúng cả nhưng vẫn có phần tiếc căn hộ đó.

Tôi nói đùa vợ:

- Vậy quyết định dọn đến đó nhé. Anh chỉ yêu cầu em một việc là em nhận công việc xách nước đủ dùng cho cả nhà, không bắt các con làm để chúng còn có thì giờ học tập?

- Anh thách vậy thì em chịu. – Vợ tôi vừa cười vừa lắc đầu.

Chiều hôm sau, con gái ông Mạc vẻ mặt hốt hoảng đến báo với thầy cô: 

- Thưa thầy cô, có một ông thương binh vừa đến phá khoá căn buồng của thầy cô và đang dọn đồ đạc vào.

Tôi bảo:

- Em cứ về đi, thầy sẽ đến xem sao.

Tôi đến và gặp một anh thương binh còn trẻ, nom chừng mới ngoài ba mươi. Chắc anh ta đã nghe biết tôi là giáo viên và cũng là người đã khoá căn phòng anh ta vừa dọn mấy thứ đồ đạc vào nên vẻ mặt có phần sượng sùng nhưng tỏ vẻ lễ độ nói:

- Em xin lỗi thầy, em biết cái phòng này người ta định dành cho thầy nhưng không thấy gia đình dọn đến mà vợ chồng em và hai đứa con thì đang phải ở nhờ nhà thằng bạn chật chội lắm. Chúng em đi đánh nhau ngoài chiến trường, may chỉ bị thương không chết nên được phục viên nhưng ở nhà quê khó sống quá nên phải ngoi ra thành phố tìm cách kiếm sống. Nhưng ở thành phố thì biết lấy đâu ra chỗ ăn ở. Nếu thầy đang có nhà ở rồi thì xin thầy thông cảm nhường cho em căn phòng này.

Dạo đó đang có phong trào thương binh bảo hộ lẫn nhau trong nhiều việc đặc biệt là việc đi chiếm nhà. Họ theo dõi các khu nhà tập thể do nhà nước đang xây, khi thấy căn bản đã xong chờ phân phối cho các đối tượng có giấy cấp nhà thì bảo nhau nhẩy dù vào chiếm một vài căn. Khi chính quyền đến giải quyết thì không biết họ bảo nhau bằng cách nào mà aò ào từ các nơi kéo tới cả trăm thương bệnh binh, kẻ cụt tay, người cụt chân, người chống nạng, người đi xe lăn…dàn thành một đám đông đối phó với chính quyền cho đến khi sự đã rồi thì những căn hộ đó thành nhà của đồng đội họ.

Tôi nói với anh thương binh nọ:

- Tôi thật lòng cũng chưa muốn ở căn phòng này. Nay anh đã phá khoá, dọn đồ vào thì anh cứ ở lại và nói với chính quyền sở tại sau. Trước hết anh nên gặp ông tổ trưởng dân phố để nói đầu đuôi mọi sự cho êm đẹp.

Anh ta mừng quá, nói:

- Em cám ơn thầy và xin lỗi thầy vì đã phá hỏng cái khoá của thầy. Xin thầy để em mua đền cái mới.

Tôi cười vui vẻ:

- Cái khoá có đáng là bao, khỏi phải mua đền gì cả.

Rồi tô gặp ông Mạc, nói để ông hiểu quan điểm của tôi về chỗ ở rồi cám ơn lòng tốt của ông muốn giúp vợ chồng tôi có một nhà mới rộng rãi và thanh thản ra về 

 

9.

Sang năm học 1978-1979, lại có chủ trương tách trường cấp 1, 2 trở lại như cũ. Trường cấp 1,2 Nguyễn Tri Phương chỉ còn học sinh cấp 1; trường cấp 1,2 Hồng Bàng chỉ còn học sinh cấp 2. Trong thời gian từ 1974 đến nay, tôi cũng không dạy yên tại một trường mà một đôi năm lại thuyên chuyển trường khác. Khi trường Nguyễn Trãi ở phố Hoàng Văn Thụ giải thể về bên Trại Chuối thì tôi bị điều sang trường câp 1, 2 Hạ Lý 2 năm rồi về trường cấp 1, 2 Việt Hoa 2 năm, sau đó về trường cấp 1,2 Nguyễn Tri Phương. Khi trường cấp 1,2 Nguyễn Tri Phương không còn cấp 1 thì tôi vẫn ở lại trường cấp 2 Nguyễn Tri Phương. Trường cấp 2 Nguyễn Tri Phương và trường cấp 2 Hồng Bàng, nơi tôi ở rất gần, chỉ đi một đoạn năm sáu chục mét rồi băng qua phố Nguyễn Tri Phương là đến nên rất thuận lợi cho tôi trong nhiều công việc.

Năm cậu con trai đầu lòng của tôi đã 14, 15 tuổi, học chuyên toán cấp 3 trên Đại học sư phạm Hà Nội, kỳ nghỉ hè về, hai bố con nhận thấy gian buồng ở của nhà mình quá chật chội, ba đứa em gái cũng đã lớn 11, 9 và 7 tuổi rồi. Mà trước cửa nhà là một dải hành lang chất đầy vôi thầu gạch vỡ cùng đất cát do nhiều năm khu trường xây tạo thêm đã đổ chất đống một vệt dài ra đó. Cuối dãy vôi thầu là một cái bể xi măng khá lớn, diện tích đến 6m2 nằm sát ngay hàng rào sắt bên vỉa hè, một thời mấy thầy dạy sinh vật trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng năm 1962, 1963 đã tổ chức cho học sinh đổ bùn đát vào bể để nuôi lươn  nhưng không thành công nên bỏ hoang. Nay phá cái bể đi và dọn sạch một khu vôi thầu sẽ được một diện tích khá rộng. Nghĩ thế, hai bố con quyết định xắn tay áo ra làm. Nhưng chuyển vôi thầu từ nhà qua sân trường rồi ra vỉa hè thì xa mà vô cùng bất tiện. Vì thế, bố đứng ngoài rào vỉa hè, con ở bên trong xúc đất vào chiếc chậu men hỏng rồi nâng lên cao qua đầu những cái cọc rào sắt nhọn cho bố đón lấy đổ đống bên gốc cây bàng trên vỉa hè.  Cũng may thời kỳ bao cấp, thấy gạch và đất đá vụn chất đống trên vỉa hè, công chính tưởng nhà trường dọn vệ sinh nên thấy đầy thì cho xe đến xúc dọn đi hết ngay. Kiến tha lâu cũng đầy tổ, dòng dã cả một kỳ nghỉ hè, hai bố con tôi đã tạo được một mặt bằng mong muốn với 20 mét vuông.

Nhưng thời ấy vật liệu để dựng lên một gian nhà đâu có dễ mua được. Hiếm từ cái đinh đến viên gạch, cân xi măng, khúc gỗ. Củi cũng phải mua bằng phiếu chất đốt. Để làm một mảng gác lửng trên căn phòng 8m2 cho cậu con trai có chỗ học và ngủ, tôi đã phải nhờ chồng một cô học sinh cũ làm cửa hàng trưởng của hàng chất đốt ở phố Đà Nẵng giúp bằng cách nhặt hộ các thanh gỗ đã thải ra làm củi rồi gọi tôi đem phiếu chất đốt đến mua những thanh gỗ đó về cưa ghép lại làm sàn gác lửng cho con. 

Giờ có mặt bẳng rồi, muốn dựng một gian nhà bán mái nhỏ để tận dụng hai bức tường đã có sẵ  trước là để làm bếp, sau là để ngủ tạm vào những đêm trời oi bức chỉ còn cách xuống tận Lán Bè mua mấy cây tre nhỏ và một ít nứa về làm cột, vì kèo và làm phên vách che chắn chỗ không có tường sẵn. 

Nhưng xong được cái khung  nhà thì lại không biết  lợp mái bằng cái gì. Thời ấy các nhà dân ở thành phố thường chỉ lợp mái bằng giấy dầu của Liên Xô. Nhưng giấy dầu phải mua phân phối qua bao cửa xin xét duyệt mới có phiếu mua 1, 2 cuộn. Khó khăn là thế nên hầu hết người ta mua để dùng dẫu có muốn mua lại giá cao cũng không mấy ai bán lại. Cái khó ló cái khôn, tôi nghĩ cách ra chợ Sắt mua những vỏ bao xi măng đã dùng đem về bóc ra từng tờ một rồi kiếm nhựa đường về đun lẫn với dầu hoả, dùng chổi quét lên giấy, xong một lớp thì rắc cát khô lên và quét thêm lớp thứ hai cho dày. Cậu con trai tôi đạp xe đến các cung đường thợ đang sửa chữa, xin hoặc bóc những cục nhựa người ta đổ đi ở một só gốc cây nhựa mang về. Rồi hai bố con hì hụi đun nấu, chế tác giấy lợp nhà. Xem vậy mà cái mái giấy ấy cũng bền phết.

Xong cái mái lại nghĩ đến cái nền. Xi măng hồi đó cũng không bán tự do. Người ta chỉ có thể mua từng cân lẻ ở bên chân cầu Hạ Lý. Ấy là xi măng của những người thợ làm trong nhà máy xi măng tìm cách giấu khéo léo trong quần áo hay trong những cặp lồng cơm đem đi làm hoặc thông đồng với bảo vệ cho mang ra khỏi cổng khi tan tầm. Giá những cân xi măng ấy rất đắt nên người ta chỉ dám mua một hai cân về dùng vào những việc không làm không được. Tôi chợt nhớ hồi sơ tán ở nông thôn, người nông dân đã làm sân phơi bằng trạt. Họ dùng tro bếp trộn với vôi tôi rải ra sân, cán phẳng rồi dùng vồ gỗ cầm tay đập đi đập lại cho mịn chắc. Làm như thế hai ba lớp rồi để nó tự khô dần là có cái nền sân trông vừa sạch sẽ vừa đẹp mắt, mưa không thấm ướt, đi lại dễ dàng, quét tước mau sạch và hữu dụng nhất là dùng để phơi thóc hay phơi thuốc lào khi vào vụ. Nghĩ thế, tôi đi xin xỉ than rồi về trộn với vôi tôi và bắt chước cách làm trạt kể trên  cũng được một cái nền nhà tươm tất.

Năm 1979, người Hoa ở Hải Phòng di tản về Trung Quốc hoặc sang các nước khác. Trước khi đi, họ bán tháo đủ các thứ kể cả nhà dựng bằng gỗ, tre, nứa, lá. Anh Nguyễn Kinh Doanh cán bộ phòng giáo dục có ngôi nhà trong ngõn ở phố Nguyễn Trãi cần sửa lại bèn rủ tôi đi xem ai bán nhà tháo dỡ thì mua chung và tìm được một cái ưng ý. Hai anh em mượn xe ba gác cùng nhau chia đôi mọi thứ kèo cột, tranh vách rồi người kéo người đẩy đem về. Có vật liệu mới, tôi phá căn nhà bằng cũ đi, dựng cột gỗ và tạo gian nhà mới. Giờ thì đã có người bán lại giấy dầu để kiếm lời nên tôi mua được một cuộn về lợp mái. Nhờ đó căn nhà trông sáng sủa hẳn lên.

Năm 1982, tôi có dạy một học sinh tên là Bùi Hải Nam con trai ông Bùi Trường Ninh, trung tá an ninh, trưởng phòng chất pháp sở Công an Hải Phòng. Ông Trường Ninh đã được đi tu nghiệp ở Liên Xô, có nhà riêng của tổ phụ để lại ở dưới miếu Hai Xã. Hàng ngày, ông  đạp xe lên sở hoặc đến nhà tù Trần Phú làm việc nên xin cho con lên học trên khu trung tâm thành phố cho tiện việc đưa đón.

Tôi chưa thấy một cán bộ nhà nước nào cần cù lao động và có ý thức tự lực như ông Trường Ninh. Để tu bổ lại cơ ngơi cũ của tổ phụ để lại, ông đã liên hệ với những người quen chở xà lan cát ven sông gần bến phà Bính đề nghị họ, mỗi khi đã chuyển giao cát xong cho ông xuống vét phần cát đọng ở đáy xà lan. Rồi ông mượn một cái xe ba gác, tan sở một mình kéo xe ra bến hì hụi vét cát đổ vào xe chở về nhà, đều đặn từ giờ tan sở cho đến tối, mỗi buổi được dăm ba chuyến. Kiến tha lâu cũng đầy tổ. Có cát rồi ông mua vôi sống về tôi rồi mua xỉ than về tự đóng gạch ba banh rồi cũng một mình trộn vữa và tự tay cầm bay xây tường bao rồi xây lại căn nhà chính cao ráo khang trang khiến ai nhìn thấy cũng phải thán phục..

Thấy chỗ tôi ở gần nhà xa ngõ. Chỉ cần phá một lỗ thủng xây trát lại rồi lắp một cánh cửa vào là một bước ra ngay hè phố không phải đi vòng mấy trăm mét qua hành lang sau trường rồi ra sân trường mới ra cổng rất phiền phức nhất là khi có học sinh tập hợp ở sân trường. Bao nhiêu năm ở trong trường tôi cũng đã thấm điều đó và đã từng bị gây khó dễ khi nhà trường nay thay khoá này mai thay khoá khác ở cổng trường. Mỗi lần họ thay khoá lại phải mượn bảo vệ cái chìa đi thuê làm chìa mới mất cả tiền đồng mà thời đó một xu cũng có giá. Ông Trường Ninh hỏi tôi:

- Sao anh không mở một lối ra ngay hè phố đi lại cho tiện?

Tôi trả lời:

- Người ta đang muốn đuổi tôi ra khỏi khu vực nhà trường, sao mà mở được. Mà ngay nhà dân ngoài phố, anh thấy đấy, ai đục phá tường mở cửa là có người báo lên phường ngay rồi công an cũng xuống ngay lập biên bản lôi thôi lắm. Nhà tôi ở trước cửa thành ủy, công an gác 24/24, tôi gan đâu mà dám đục tường mở cổng

- Anh sợ thế thôi chứ bất quá cũng phạt tý tiền là xong. Nếu anh sợ thì để tôi mở cho.

Rồi ông Trường Ninh hẹn ngày chủ nhật tới sẽ làm và bảo:

- Chủ nhật nhà trường nghỉ học không ảnh hưởng gì tới học sinh. Mà ban giám hiệu cũng không ai đến trường mà nhòm ngó. Thứ hai thì mọi việc đã xong, họ cũng chỉ báo cáo lên trên là cùng. Nhà anh sẵn có thừa một cánh cửa ra làm từ thời Tây, cũ nhưng tôi nom gỗ còn tốt lắm. Anh chuẩn bị cho tôi ít vôi cát và một hai cân xi măng là được.

Nói là làm. Sáng chủ nhật ấy, ông Trường Ninh đạp xe lên nhà tôi từ sớm mang theo đầy đủ búa, đục, bay, bàn xoa...

Thấy ông vẫn mặc bộ quần áo hàm trung tá, tôi hỏi:

- Sao anh không mặc quần áo ngắn cho mát và khỏi bẩn

Ông nói:

- Tôi mặc thế này để chú công an gác cổng bên thành ủy trông thấy khỏi sang hạnh họe hoặc báo cáo lên phường.

Rồi ông bắt tay vào công việc một cách rất thành thạo. Tôi chỉ là người phụ việc xúc dọn gạch vỡ, lấy vôi cát xi măng và nước.

Đến quá trưa thì xong việc. Một cánh công gỗ đã được lắp đặt mà theo ông Trường Ninh nói chỉ sáng mai  là có thể mở ra đóng vào được.

Quả nhiên sáng hôm sau, ngày thứ hai, ông hiệu trưởng trường cấp 2 Hồng Bàng nhìn thấy cảnh ấy. Nhưng ông ta không nói gì với tôi mà chỉ lẳng lặng vào văn phòng bảo văn thư thảo văn bản báo cáo và kiến nghị đưa ông ký đóng dấu rồi cấp tốc gửi lên Ủy ban nhân dân quận. 

Sáng thứ ba thì tôi nhận được giấy mời lên làm việc với ông trưởng phòng giáo dục.  Ông ta nói, Ủy ban Nhân dân quận nhận được đơn của trường cấp 2 Hồng Bàng tố cáo tôi mở cổng trái phép nay giao về phòng giáo dục điều tra và xử lý. Dạo ấy, phòng giáo dục cũng đang đóng trên đất thuộc khu trường Hồng Bàng nên ông trưởng phòng cũng đã xem qua chỗ tôi đục phá. Rồi ông hỏi tôi, ai cho phép đục tường làm cổng ra vào và nói nhà trường đề nghị đóng lại như cũ để phòng trộm cắp vào từ phía sau trường.

Tôi trình bày mọi sự bất tiện khi cả nhà tôi phải qua lại lối cổng trường rồi nói:

- Nếu có trộm cắp thì chúng sẽ vào nhà tôi trước tiên chứ sao vào ngay nhà trường được.

Ông trưởng phòng này nguyên là một giáo viên vào nghề dạy học cùng thời với tôi nhưng được đào tạo chính quy trong trường sư phạm, đã nhiều năm dạy ở ngoại thành nay được đề bạt lên trưởng phòng giáo dục quận xem ra có phần thông cảm với tôi. Ông nói:

- Ngày trước tôi dạy trường nào cũng đều ở trong trường ấy, khi thì một mình khi thì có cả vợ con nhà nên tôi  rất thông cảm với hoàn cảnh của đồng chí. Sự việc đã thế rồi, để tôi trao đổi lại với trường và báo cáo lên uỷ ban. Có điều đồng chí nên rút kinh nghiệm, lần sau làm việc gì mà dính dáng đến nhà ở trong trường nên hỏi  qua họ một câu.

Tôi cám ơn ông ra về. Từ đó nhà tôi có cổng ra phố và trở thành nhà mặt tiền rất tiện cho mọi việc sinh hoạt của gia đình và cho việc các phụ huynh học sinh của hai vợ chồng đến thăm thầy cô giáo để hỏi han về tình hình học tập và hạnh kiểm của con họ ở nhà trường.

Để tiện cho việc nhận các giấy tờ, thư tín và các giao dịch với mọi người, tôi tự tay sơn kẻ một tấm biển số nhà, căn cứ vào số 4 là địa chỉ  trường cấp 2 Hồng Bàng, tôi ghi số 4B là địa chỉ nơi gia đình tôi ở.

 

10.

Ít năm sau, vợ chồng tôi dạy con trai ông Toàn nhà ở phố Phạm Phú Thứ. Ông Toàn tên đầy đủ là Nguyễn Văn Toàn nhưng mọi người cứ gọi ông là Toàn Toét vì một thời mắt ông bị đau, hai mi mắt lúc nào cũng như viền vải đỏ. Năm ấy ông Toàn Toét đang nổi danh khắp thành phố với cái tên Vua sắt  vụn có rất nhiều kho bến bãi chứa sắt vụn để xuất khẩu. Nhà ông là cả một cơ ngơi rộng rãi và hoành tráng thời bấy giờ bên sông Hạ Lý. Một hôm ông Toàn đến thăm chúng tôi với danh nghĩa phụ huynh học sinh. Sau khi uống chén trà tôi mời, ông đưa mắt nhìn căn nhà tự tạo của tôi rồi lắc đầu nguậy nguậy nói:

- Không được! Cô chú ở thế này là không được. Nhà gì mà năm ba loại cột gỗ khác nhau, mái lợp giấy dầu. Anh sẽ cho mang sắt thép đẹp sang dựng cho cô chú ngôi nhà khác.

Tôi cảm ơn nhiệt tình của ông Toàn và lựa lời nói để từ chối sự giúp đỡ của ông thì ông nói:

- Cô chú sợ nhà trường à? Thế thì để anh nói với trên ủy ban quận một tiếng là xong. Toàn anh em ăn nhẵn mâm ở nhà anh, thân nhau cả mà.

Nhưng tôi đã kiên quyết từ chối ông.

Năm 1978, tôi chuyển dạy từ trường Nguyễn Tri Phương về trường Hồng Bàng, bây giờ người ta không gọi là trường cấp 2 mà đổi cách gọi là trường trung học cơ sở Hồng Bàng, dưới quyền ông hiệu trưởng Phạm Đức Nhạn. 

Mặc dù, tôi đã là giáo viên của trường Hồng Bàng và đã là quân của ông Phạm Đức Nhạn nhưng ông vẫn tìm cách đẩy các gia đình ra khỏi khu đất của nhà trường đặc biệt là với riêng gia đình tôi và luôn gây khó khăn trong sự đi lại và sinh hoạt vệ sinh, điện nước cho chúng tôi. Nhiều sự việc rất bất nhẫn nhưng ông Phạm Đức Nhạn đã thành người thiên cổ từ năm 2015 nên tôi không kể ra làm gì để linh hồn ông được mát mẻ nơi miền Miên Viễn. Và dù vậy, năm tháng trôi qua, rồi tôi cũng có điều kiện để xây lại căn nhà tuềnh toàng mái giấy dầu thành ngôi nhà cấp 4 có tường gạch, xà sắt, mái tôn và nền lát gạch men rồi lại xây được cái bếp riêng bên cạnh nhà. Gian nhà có cửa mở ra đường phố tạo điều kiện thuận lợi cho việc vợ chồng tôi kèm thêm cho con em các gia đình gửi để luyện thi vào lớp 8 đầu cấp 3 phổ thông. Tôi dạy Văn,vợ tôi dạy Toán. Thời ấy học hết lớp 7 phải thi vào lớp 8 mới được học tiếp cấp 3. Nội thành chỉ có mấy trường cấp 3 như Ngô Quyền, Thái Phiên, Lê Hồng Phong và Đoàn Kết. Số lượng học sinh lấy vào lớp 8 ở các trường rất hạn chế mà bấy giờ chưa có trường dân lập nên không thi được vào lớp 8 chỉ còn nước thôi học đi làm hay học nghề hoặc học bổ túc ban đêm mà người dân chua chát gọi là cấp 3 quần đùi hàm hai ý, một là trường cấp 3 không còn gì để lựa chọn ví như không có quần nào để mặc ngoài cái quần đùi, hai là học sinh cấp 3 bổ túc văn hoá có cả cán bộ công nhân viên và cả học sinh mới học xong cấp 2, tất cả học ban đêm, nên không mấy ai coi trọng sự ăn mặc, về mùa nóng bọn trẻ quần đùi đến lớp cũng được vào học.

Bây giờ nhìn cơ ngơi của tôi ai cũng thích: Nhà mặt tiền trên con phố lớn sạch đẹp nhất thành phố, xung quanh ngoài trường Hồng Bàng còn có các cơ quan đầu não của thành phố như Thành ủy, Trụ sở đảng bộ thành phố, ban Kinh tế thành ủy, Bảo tàng thành phố, sở Lao động thương binh và xã hội, sở Kế hoạch và đầu tư...nhiều người bảo đây là phố Đại Quan. 

Cũng bây giờ vợ chồng tôi đã có cháu ngoại, một cháu rồi hai cháu, ba cháu. Hàng ngày bố mẹ chúng đều gửi con lên ông bà ngoại nhờ trông nom chăm sóc để tiện việc đi làm. Có căn nhà khá tươm tất lại ở đường phố lớn sạch đẹp, các cháu luôn được ông bà khi bế ẵm lúc đẩy xe trẻ em dạo mát trên vỉa hè. Lúc chúng 4, 5 tuổi thì tự đạp xe vừa chơi vui vừa rèn luyện sức khỏe. Khi con trai tôi ở Sài Gòn lập gia đình, Tết nhất vợ chồng con cái về Hải Phòng thăm bố mẹ cũng có chỗ ăn chỗ ngủ, chỗ chơi cho trẻ con đàng hoàng.

Mấy ông xe ôm đầu phố thấy ông cháu tôi ở căn nhà đối diện với văn phòng thành ủy trong phố “Đại Quan” thì cứ  hỏi, chắc bác là cán bộ to bên ủy ban hoặc thành ủy nên mới có nhà ở đấy?. Tôi nói tôi chỉ là giáo viên cấp hai nhưng không ai tin tôi cả mà đều cho rằng ông già khiêm tốn nói thế thôi. Chỉ có mấy bà bán hàng quà cho học sinh thâm niên hàng chục năm trước cổng trường mới biết tôi là giáo viên trường Hồng Bàng. 

Khi xã hội bắt dầu có từ “chạy” trong mọi lĩnh vực như chạy chức chạy quyền chạy nhà đất...có mấy người đến nhà tôi nằn nì tôi bán nhà cho họ vì họ rất thích vị trí địa lý của mảnh đất tôi đang ở. Họ nói:

- Nhà của bác không có giấy tờ gì, tất nhiên không thể có giá như nhà có chủ quyền nhưng chúng cháu sẽ trả cho bác cái giá tốt nhất, hơn hẳn những nhà có chủ quyền ở các phố nhỏ. Chỉ cần bác cho cháu vài dòng chữ viết tay nhượng lại nhà còn sau đó ra sao chúng cháu tự lo liệu.

Nếu ham tiền chắc tôi đã bán rồi kiếm một miếng đất rộng rãi xây nhà mới to đẹp đàng hoàng hay mua một ngôi nhà có sổ đỏ ở nơi khác. Đó là một cách. Còn cách khác, nếu tôi ham tiền, tôi bán căn nhà 4B Đinh Tiên Hoàng, Hải Phòng đi rồi về quê nhà là làng Dịch Vọng ở Cầu Giấy Hà Nội, dựng một ngôi nhà trên một miếng đất của tổ phụ để lại. Là vì:

Năm 1997, anh trai tôi từ quê xuống chơi. Trong bữa cơm gia đình, ông anh tôi nói:

- Anh xuống để xin ý kiến chú. Giờ làng ta đã lên phường thành phường Dịch Vọng của quận Cầu Giấy. Vì thế dân tứ xứ tìm vào làng mua đất làm nhà do vậy giá đất mỗi ngày một cao. Chú định tính sao với khu đất của nhà nhà ta.
Tuy ông anh không nói đến từ chia đất nhưng tôi hiểu ý anh muốn giải quyết khu đất ấy như thế nào nên tôi đã thẳng thắn nói ngay:

- Em gần như cả đời không ở làng, lúc thì theo cậu Đổng ra Hà Nội học, lúc thì lên miền núi làm việc và rồi định chân ở Hải Phòng đã gần bốn chục năm nay. Anh chị và các cháu đã ở trên mảnh đất ấy nhiều năm cùng với mẹ, trông nom nuôi mẹ lúc về già. Vì vậy, đất ấy hoàn toàn thuộc về anh và định đoạt ra sao là quyền của anh.

Ông anh tôi bảo:

- Chú nói vậy nhứng còn thím và các cháu nữa nhất là thằng con trai chú đang ở Sài Gòn?

Tôi nói:

-  Không cần hỏi, anh cũng biết vợ con em luôn luôn nhất trí với ý em
 Như em đã nói. Riêng con trai em, nó ở Sài Gòn cũng đã mua được đất và đã có nhà riêng, nó không đòi hỏi gì đâu.

Thấy ông anh đã có phần yên tâm, tôi góp ý cho anh:

- Đất trên quê đang có giá, anh nên bán đi một ít lấy tiền xây nên một ngôi nhà mà ở cho khang trang. Số đất còn lại, khu vực Cầu Giấy rất nhiều trường đại học, nhu cầu thuê nhà trọ của sinh viên là rất lớn, anh  nên xây một số phòng cho thuê để có tiền sinh sống hàng tháng.

Rồi tôi chỉ xin anh một điều kiện:

- Bà cụ sinh ra anh em mình nay đã chín mươi tuổi rồi, cụ cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. Vì vậy, khi bán ít đất, anh nên đưa cụ một ít tiền nói là tiền bán đất của gia tiên cho cụ vui. Nhưng có lẽ tốt hơn là mua cho cụ một cái nhẫn hai chỉ vàng đeo vào tay cho cụ để hàng ngày cụ nhìn tháy nó mà vui trong lòng.

Hôm sau ông anh tôi ra về và ít lâu sau báo tin cho tôi đã bán 50 mét đất cho một người khách mua là một ong vụ phó vụ Đông Nam Á. Cả ông ta và anh tôi đều đang chuẩn bị xây nhà. 

Tận đáy lòng, tôi không muốn xa dời căn nhà đã là chốn dung thân cho gia đình tôi cả mấy chục năm trời với 8m vuông được phân từ khi vợ chồng tôi bắt đầu chung sống với nhau rồi mở mang thêm vài chục mét vuông nữa từ đống gạch đất bẩn thỉu lưu cữu từ bao nhiêu năm về trước. Có lúc tôi còn ao ước khi từ giã cõi đời, tôi sẽ được nhắm mắt xuôi tay ở trong ngôi nhà này.

Ngôi nhà này bây giờ  đã rộng rãi, thoáng đãng và đẹp hơn nhiều lần sau bao lần gia đình tôi bỏ công sức ra tôn tạo. Nhưng khi có chỗ ở tốt đẹp hơn xưa  thì 4 đứa con của vợ chồng tôi cũng đã khôn lớn, lần lượt có gia đình riêng, người ở Sài Gòn, người ở Hà Nội, người ở Hải Phòng nhưng tất cả đều  mua được nhà ở riêng . Nơi ở này chỉ còn lại hai vợ chồng già sớm khuya với những câu chuyện nho nhỏ đủ cho nhau nghe và chỉ  mong đến những ngày cuối tuần, ngày giỗ tết hay những ngày nghỉ lễ, con cháu về cho ngôi nhà rộn vang đầy những tiếng cười tiếng nói vui vẻ và đầm ấm.

 

11.

Năm 2000, tôi nghỉ hưu; năm sau vợ tôi cũng nghỉ hưu. Hai chúng tôi còn ở căn nhà 4B Đinh Tiên Hoàng 14 năm nữa. Không đến nỗi “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” mà cũng được cảnh “Một căn nhà mặt phố hai mái đầu bạc” có tủ thờ gia tiên trang trọng, có đủ các đồ dùng thiết yếu hiện đại như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính và đặc biệt có nhà vệ sinh tự hoại riêng thay vì đã mấy chục năm phải đi vệ sinh ở nhà vệ sinh chung trong khu nhà trường.

Đến giữa năm 2014, vợ chồng con trai tôi ở Sài Gòn đem hai đứa con sang Ca na đa theo diện di dân đầu tư để lại một ngôi nhà đợi khi sang nước người có quốc tịch mới về Việt Nam bán cộng thêm công ty làm ăn ở Việt Nam cũng còn chút việc. Vì vậy vợ chồng tôi phải vào Sài Gòn sống để trông ngôi nhà  ấy và đảm lãnh chút việc cty của các con. Căn nhà số 4B Đinh Tiên Hoàng phải tạm đóng cửa chờ ngày hai người chủ già sẽ ra trở lại.

Nhưng hai năm sau, 2016, Uỷ ban Nhân dânn quận Hồng Bàng có quyết định đưa toàn bộ các gia đình giáo viên còn ở trong các trường học ra ngoài để trả lại khuôn viên cho các trường. Họ mời các gia đình trong đó có gia đình tôi lên Uỷ ban nhân dân họp rồi họ cho người xuống đo đạc diện tích, kê biên các thứ các gia đình đã cơi nới tôn tạo và đưa ra số tiền không nói là đền bù mà là hỗ trợ di chuyển đi nơi khác. Gia đình tôi được nhận 500 triệu. Nhiều gia đình ở các trường khác đấu tranh không chuyển đi hoặc đòi hỗ trợ thêm. Riêng tôi đồng ý nhận ngay số tiền 500 triệu ấy.

Thấy thế nhiều người hỏi tôi không  tiếc căn nhà 4B Đinh Tiên Hoàng à? Tiếc chứ! Tiếc đến đau lòng là khác. Bởi lẽ, bất cứ cái gì mình tạo ra cũng có hồn vía của nó. Căn nhà ấy ban đầu chỉ có 8m2 là tôi được cấp để cho hai vợ chồng ở, sau này có thêm 4 đứa con, cả gia đình tôi dòng dã mấy chục năm trời không chỉ đã phải sống chui rúc khổ sở trong căn buồng ấy mà còn khổ tâm vì nay bị đe doạ đuổi đi, mai lại bị báo cáo lên cấp trên về chuyện này chuyện nọ. Rồi chúng tôi phải bỏ biết bao công sức, chi ra những đồng tiền chắt bóp dành dụm mới tạo dựng nên nó ngày nay. Tôi thích những thứ tôi tạo ra, ngắm nhìn nó với cảm xúc và sự trân trọng. Nay bắt buộc phải để nó tuột khỏi tay mình thì sao lại không buồn và tiếc. Lại thêm với vị trí của nó ở phố Đại Quan Đinh Tiên Hoàng, mỗi mét đất là cả trăm triệu bạc. Với 500 triệu hỗ trợ, đem đến những nơi mạt hạng nhất trong thành phố như mua nhsaf trong ngõ hẹp, mua đất ở các làng mới lên phường, nhiều lắm cũng chỉ được hơn 20 mét. Còn tiền xây nhà nữa mới có chỗ ở mới chứ?!

Nhưng tôi bằng lòng trao trả lại cho chính quyền vì mấy lẽ:

- Về tình cảm với nơi mình đã ở tới 54 năm quả thật là quá sâu nặng. Nếu được nhắm mắt xuôi tay ở đấy thì thật mãn nguyện. Nhưng thời thế đã thay đổi, “sông kia rày đã lên đồng”, gần trọn một đời người ở căn nhà ấy nghĩ cũng đã là đủ để trả nó sang nhiệm vụ mới cũng là được.

- Về pháp lý, xét theo luật nhà đất, 54 năm ở trên mảnh đất vốn được cấp cho lúc ban đầu, nhẽ ra phải được cấp giấy tờ đầy đủ nay lại bị bắt di dời, có thể kiện tụng. Nhưng từ xưa đã có câu: ““Vô phúc đáo tụng đình” mà thời nay cái mà chúng ta hay gọi là “tinh thần thượng tôn pháp luật” cũng còn rất mờ nhạt.

- Về tiền hỗ trợ, nếu kiên quyết đòi tăng thêm bằng cách không di dời thì chắc chắc cò kè bớt một thêm hai với chính quyền sẽ được thêm vài ba chục triệu nữa là cùng. Nhưng nước xa lửa gần, vợ chồng tôi ở Sài Gòn, không dễ gì nay uỷ ban gọi lên họp trao đổi lần 1, mai lần 2 rồi lần thứ n…mà mình có mặt được. Đường xa vạn dặm, tuổi đã cao lại thêm tốn kém tiền tàu xe, là những cản trở không nhỏ.

- Mặt khác, vị trí địa lý khu đất quanh căn nhà đó trong gần chục năm nay do biến đổi khí hậu, mỗi khi mưa to gặp triều cường là phố thành sông, nhà dưới thành ao. Mỗi khi nghe dự báo thời tiếtxấu, biết sẽ gặp mưa to gió lớn, phải vội vàng thu dọn hết đồ đạc đem lên căn buồng 8m2 cao hơn mặt đất nửa mét để cho an toàn. Rồi mỗi khi nước ngoài đường tràn vào đã rút hết, phải quét dọn lau chùi ngay rất cực nhọc vì toàn là nước mưa trộn nước cvoongs rãnh của thành phố rất bẩn. Những ngày chúng tôi chưa vào Sài Gòn, sau mỗi trận mưa lớn, 2 cô con gái ở dưới Ngõ Cấm và Khánh Hội đều phải lên dọn dẹp giúp bố mẹ. Nay, không ai ở căn nhà ấy, mỗi lần thấy mưa lớn cả hai chị em đều lo lắng và mưa xong cũng đều bảo nhau lên dọn hậu quả.

Phải chăng trời cũng không muốn để mình ở đấy nữa? Tôi nghĩ vậy và nén nỗi buồn vào lòng, chấp thuận chia tay căn nhà đó để cất nó vào nỗi buồn hoài vọng mà thôi.

Hôm về thu dọn, tất tật mọi thứ từ sách vở, quần áo, cái radio,cái tivi cũ rồi tủ giả bàn ghế, con dao, cái búa… tôi đều cho những người thân quen hết. Riêng cái mái tôn tôi gọi anh Bội bán sắt vụn, mà từ lâu tôi đã coi anh ta như con cháu trong nhà rất thân thiện, lên dỡ mà đem bán cùng với các ô bảo vệ cửa sổ hay cửa sắt cũ. Tôi chỉ lo mỗi việc đi cắt hợp đồng điện nước rồi ký nhận 500 triệu đem gửi ngân hàng để tay không trở vào Sài Gòn cho tiện lợi.

Ngôi nhà ở Sài Gòn của con trai tôi rất rộng và đẹp. Khuôn viên đất gần 300m2, có sân trước vườn sau. Nhà 3 tầng xây theo thiết kế của cty Nhà Vui theo kiểu nửa nhà nửa biệt thự phố, 4 mặt cửa sổ thoáng đãng. Các con tôi và một số bè bạn khuyên vợ chồng tôi nên ở đấy cho hết đời vì nhà sạch đẹp, mát mẻ mà khí hậu ở miền Nam lại tốt hơn khí hậu ngoài Bắc rất hợp với người già. Nhưng trong thâm tâm hai vợ chồng tôi vẫn muốn về Bắc sống. Về Bắc chứ không về quê mà về Hải Phòng!

Từ ngôi nhà đầu tiên là bụng mẹ, cho đến căn nhà 4B phố Đinh Tiên Hoàng, thành phố Hải Phòng rồi ngôi nhà của con ở Sài Gòn, nhẩm cộng lại tôi đã ở 20 căn nhà cả thảy:

Nhà của cha ông ở quê, Nhà tản cư trên ấp Đại Bái, nhà ông Thứ bên xóm Hà, nhà tổ phụ dựng lại sau tiêu thổ kháng chiến, Nhà 19 Phù Đổng Thiên Vương, Nhà 25 Phùng Khắc Khoan, Nhà ở xã Cổ Mễ, huyện Cẩm Giàng Bắc Ninh, Nhà ở ngân hàng Thuận Châu, Nhà bà giáo Thuận ở Hải Phòng, Nhà là lớp học trường cấp 2 Tiền Phong, nhà ông giáo Khản, nhà tập thể trường cấp 2 Đinh Tiên Hoàng, nhà 8m2, nhà ở trường xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, Nhà chị Giới xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, nhà ở trường cấp 1 xã Cộng Hiền, nhà ở trường cấp 2 xã Nhân Hòa, nhà 4B Đinh Tiên Hoàng, nhà ở Sài Gòn của con trai.

Chưa hết một đời người, tôi đã ở qua 3 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn, 1 tỉnh lỵ là Bắc Ninh và một khu miền núi: Khu tự trị Thái Mèo trong 20 căn nhà kể trên. Có căn nhà tôi sống với bà, thầy u và anh chị ở đó, có căn nhà tôi sống một mình, có căn nhà tôi sống với một anh bạn hay cả một tập thể đông người, có căn là nơi vợ chồng tôi đón những đứa con ra đời, có căn là nơi tôi khóc tiễn đưa u tôi lần cuối. Mỗi khi đến căn nhà này, dọn đi khỏi căn nhà khác làm sao quên được dấu tích thân yêu, những kỷ niệm vui buồn và tránh sao khỏi một chút ngậm ngùi khi chia tay, dẫu biết rằng “Nhất điền thiên vạn chủ.”

Chưa biết bao giờ tôi mới nhẹ gánh dời Sài Gòn ra lại Hải Phòng. Và căn nhà cuối đời vợ chồng tôi ở sẽ ra sao đây, nhà thuê, nhà mua hay nhà xây mới? Chưa thể hình dung thấy nhưng chắc chắn nếu trời cho còn sống, chúng tôi sẽ phải có một căn nhà nữa để ở. Đê rồi cuối cùng chúng tôi sẽ đến căn nhà cuối cùng của mỗi đời người. Thiên hạ bây giờ không thiếu những người đang xây những lăng tẩm không kém gì vua chúa thời xa xưa, để dọn bộ xương của mình vào. Nhưng lại có những người từ chối cả một nấm mồ. Họ muốn rắc tro than mình lên núi hay thả vào lòng biển. Họ chọn ngôi nhà cuối cùng không có mái, không có bốn vách tường, để linh hồn được tự do tan biến vào thiên nhiên. Khi nào nghe thấy tiếng gọi của Thiên Thu, chúng tôi cũng sẽ phải chọn một căn nhà hết một đời người cho mình.

Với tuổi ngoài tám mươi, khi nghĩ tới căn nhà thứ 20 chưa phải là căn nhà cuối cùng, bỗng nhớ lại lời cổ nhân: Đời người, mỗi người cần có một mái nhà của mình. Lời dạy thật chí lý nhưng khi hiểu ra thì đã muộn rồi. Và vì thấy đã muộn nên tôi viết lại những căn nhà đời tôi đã ở để, ít nhất thì cũng cho các con các cháu tôi, chúng biết đời tôi đã sống trong những căn nhà như thế nào, biết và sớm có hiểu biết hơn tôi về một ngôi nhà, một mái ấm gia đình. Không viết ra thì chắc gì sẽ có ngày tôi kể được cho các con các cháu tôi nghe?

Nhiều khi chiều xuống ở Sài Gòn, bỗng buồn buồn nhớ tới câu thơ Huy Cận:

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Lòng lại thấy buồn hơn vì cảnh tôi hiện giờ có nhà đâu mà để nhớ?

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Bàng0

- Các bài viết của (về) tác giả Dương Ninh Ninh0

- Các bài viết của (về) tác giả Tạ Duy Anh0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Bình Phương0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Hoàng Đức0

- Các bài viết của (về) tác giả Sương Nguyệt Minh0 

Mời nghe nhạc phẩm CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM

của Hoài An, qua tiếng hát Như Quỳnh:

           

*

NGUYỄN BÀNG

Địa chỉ: 79A ngõ 311 đường Đằng Hải,

Quận Hải An, thành phố Hải phòng.

Email: bnguyen37@gmail.com

.

 

 

 

.

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 18.04.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét