MỜI ĐỌC:

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

GẶP THIỀU TRONG CUỘC GẶP GỠ ĐẦU XUÂN - Tác giả: Đông La (Hải Dương)

 

GẶP THIỀU TRONG

CUỘC GẶP GỠ ĐẦU XUÂN

*

(Tác giả Đông La)

Chủ nhật, 20-2-2022, Lê Thiếu Nhơn nhắn tin cho tôi: “Sáng mai thủ lĩnh Nguyễn Quang Thiều gặp nhà văn phía Nam, anh có dự không?” Tôi trả lời: “Chắc không”. Nhơn: “Phải chắc chứ, có thư mời tất cả hội viên mà”. Tôi: “Mình không muốn đi, không phải vì sợ nó mà vì chán quá không muốn gặp”. Nhơn: “Anh gây hấn với ông Thiều thì càng phải có mặt để chứng tỏ mình đúng chứ!” Tôi: “Để xem lại”.

Thấy bà xã trên lầu xuống, tôi bảo:

- Thằng Lê Thiếu Nhơn báo tin Thằng Thiều vào gặp gỡ đầu xuân Nhà văn ở thành phố Hồ Chí Minh, rủ tôi đi mà không muốn đi.

- Ông phê phán nó, giờ sợ phải gặp nó phải không?

Nghe bả nói vậy, tôi buồn cười. Nhớ lại cuộc đời tôi có hai lần đúng là sợ thật, vì phải vào chỗ đúng theo nghĩa đen: “Vào sinh ra tử”. Là người có ai không sợ chết, nhưng tôi vẫn đi vì phải thực hiện nhiệm vụ. Tôi kể cho bà xã nghe.

Cuối năm 1974, một đêm đơn vị tôi có nhiệm vụ vào Ấp La Ngà bên sông Đồng Nai, có nhiệm vụ dùng khoảng 600 kg bộc phá giật đổ cầu La Ngà. Khi bộc phá nổ, đánh thức bọn địch đã bắn như điên dại, chúng tôi vẫn an toàn rút về căn cứ. Nhưng rồi cầu chỉ nghiêng chứ không bị đổ. Chúng tôi được lệnh tối đến lại vào ấp, sẽ đào công sự, trụ lại. Chúng tôi đã bị lộ vẫn phải vào ấp, tức phải vào nơi đúng là “vào sinh ra tử”. Trận đó, đồng đội tôi có những người đúng là “vào sinh ra tử” thật khi mới 19 tuổi, còn tôi dường như được Trời, Phật che chở cho để hôm nay phải thực hiện sứ mệnh nhà văn của mình. Lần thứ hai, tôi ở trong nhóm được phân công đi lấy xác đồng đội ở nơi mà bọn địch đang giăng bẫy, đúng là cũng vào nơi “vào sinh ra tử”. Nhưng đến nơi thì bọn địch đã bỏ đi, xác người đồng đội đã được người dân chôn cất.

Kể xong, tôi nói với bà xã:

- Một người từng phải vào những nơi như vậy mà giờ tôi lại sợ gặp thằng Thiều sao? Giờ nếu có sợ thì chính là sợ mình viết sai sự thật, nhưng tôi và ông Trúc Phương nếu viết sai thì đã bị nó kiện rũ tù rồi! Tôi không muốn đi vì phải gặp mặt nó chán quá! Nhưng tôi phải đi thôi, vì Hội Nhà Văn của nước Việt Nam chứ có phải của thằng Thiều đâu, mà tôi cũng còn phải thực hiện sứ mệnh văn chương của mình nữa, Đời không trả công thì Trời sẽ trả! Tôi hứa với bà chuyện này, gặp nó nhất định tôi sẽ không bắt tay.

Chỉ vậy thôi mà cả đêm trằn trọc, khó ngủ. Sáng qua, tôi đến nơi hội họp sớm, vì hẹn Lê Thiếu Nhơn, ở 81, Trần Quốc Thảo, nơi có biết bao kỷ niệm với tôi khi trong khuôn viên còn cái quán khá rộng, chỉ mái tôn thôi, nhưng lại là nơi tụ hội tất cả văn nghệ sĩ của thành phố Hồ Chí Minh. Vào quán cà phê, được xây trong tổ hợp kiến trúc văn phòng hiện đại, tôi chọn cái ghế ngồi hướng ra phía cửa. Thú vị là người tôi thấy đầu tiên là Nguyễn Quang Thiều chứ không phải Lê Thiếu Nhơn. Thấy tôi, Thiều hơi ngạc nhiên nhưng tươi cười, hướng về phía tôi. Nhớ lời nói với bà xã, tôi sợ Thiều đến bắt tay rồi ngồi xuống luôn thì nguy, tôi giơ tay vừa như chào vừa như chặn lại. Thiều đi thẳng đến bàn có 2 ông nhà văn, cách tôi vài bàn. Một lát, Thiều nói “chõ” sang tôi:

- Con trai ông vẫn ở bên đó hở?

- Vẫn ở bên đó.

- Bà xã ông có khoẻ không? Bà ấy vẫn đi nhà thờ chứ?

- Vẫn đi nhà thờ.

Thiều đáng sợ vì bản lĩnh như vậy. Tôi đã viết liên tục, cả đơn từ, cả chửi mắng, vậy mà Thiều vẫn “không chấp”, vẫn quan tâm đến tôi có vẻ đầy tình nghĩa như vậy. Như trước kia thì tôi đã mủi lòng rồi, nhưng giờ thì không, bởi biết rất rõ Thiều đã tiến thân bằng cái cách ứng xử đó chứ không phải bằng tài đức. Thiều đã chịu đựng tất cả khi gặp gỡ và luồn lách trong đủ các mối quan hệ mà có lần chính Thiều đã nói với tôi lúc còn thân nhau: “Ông không hiểu nổi sự chịu đựng vĩ đại của tôi như thế nào đâu?”

Đến giờ, tôi cùng mọi người vào hội trường. Tôi lên phía trên, chọn hàng thứ 2 sau đại biểu, nếu có phát biểu thì sẽ tiện.

Sau chút thủ tục, Thiều từ hàng ghế đầu lên phát biểu. Mặt mũi, đầu tóc, râu ria um tùm, tăm tối, có vẻ phờ phạc; áo ngoài quần, lụng thụng, lưng hơi còng nên trông có dáng co ro như gà rù chứ không hiên ngang, đường bệ của một vị Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam. Nhưng rồi trước micro, khi cất tiếng nói, Thiều mới như hổ về rừng, như cá gặp nước, đã trổ tài dẫn dụ, mê hoặc mọi người như một giáo chủ giảng đạo cho con chiên.

Trước hết, Thiều thể hiện sự khiêm tốn để lấy lòng mọi người, tự nhận mình chỉ là đứa em nhỏ của những bậc đàn anh, đàn chị, dù đã 65 tuổi đời nhưng tuổi Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam chỉ mới có 1, nên có nhiều bỡ ngỡ, sai sót, đã nhận được thư góp ý rất nhiều, từ nhẹ nhàng đến nổi giận, đã lắng nghe trân trọng và trả lời hết, trừ những lời chửi bới.

Tôi thấy Thiều ví von tuổi sinh học với tuổi chức vụ là khập khễnh, là sai hoàn toàn. Bởi các chức vụ phải được lựa chọn cẩn thận từ những người đủ tiêu chuẩn, nói như Thiều, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng… ở nước ta, Tổng thống ở các nước khi mới nhậm chức sai phạm cũng cần được “thông cảm” sao? Những sai phạm của Thiều do tài đức và trình độ, do chủ ý làm chứ không phải do bỡ ngỡ. Thiều cũng lấp liếm chuyện có đơn tố cáo mình của Nhà Văn Trúc Phương và Đơn trình bầy của tôi gởi các cấp về quan điểm và việc làm sai trái của Thiều, chứ không phải chỉ có mấy trăm thư góp ý như Thiều nói.

Tiếp theo, Thiều toàn kể những việc làm tốt đẹp và con đường Thiều vạch ra để Văn chương Việt Nam đi đến tương lai rực rỡ, đến với thế giới, đến với giải Nobel. Thiều lại khoe bạn văn ở Mỹ và chuyện thư từ mới có từ Uỷ ban Giải Nobel Văn chương. Thiều cũng nói đến đổi mới trong đó có chuyện sẽ tổ chức thảo luận về sự hoà hợp dân tộc. Với những kẻ cơ hội, đón gió, trở cờ, phản bội thì đổi mới đồng nghĩa với sự lộn ngược các giá trị hoặc như Giáo sư Trần Thanh Đạm viết: “trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh”. Như lĩnh vực lịch sử, Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc… đã muốn ca ngợi Nguyễn Ánh như Nguyễn Huệ; Phan Thanh Giản, Petrus Ky như Phan Đình Phùng, Nguyễn Trung Trực… Với lĩnh vực văn chương thì còn tệ hơn, như bọn nhà văn phản động đã thể hiện thì Người được ca ngợi là Ngô Đình Diệm chứ không phải Hồ Chí Minh!

*            *

*

Tôi đã chuẩn bị sẵn suy nghĩ, nếu lên phát biểu, nhưng chương trình không có sự thảo luận, giao lưu cần thiết, trái lại lại có mục trình bầy xét giải thưởng dài lê thê mà lẽ ra đăng báo để đọc thì tốt hơn. Tôi đã định nói các kỳ hội họp nên bớt đàn đúm, nịnh bợ, vuốt ve, lấy lòng nhau. Ông Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều bớt hót véo von, hô khẩu hiệu, đừng nói ngược với thực tế của chính ông. Hội họp cần bàn để làm sao cả hội viên lẫn tổ chức hội thực hiện tốt sứ mệnh văn chương của một Hội thuộc một chế độ mà biết bao thế hệ cha, anh, và đến lượt chúng tôi đã phải đổ mồ hôi và máu mới giành lại được nền độc lập để thành lập nên nó. Mà muốn thực hiện tốt sứ mệnh văn chương thì cần phải xác định được các tiêu chí hay, dở; đúng, sai; tốt, xấu; phản biện hay phản bội? Thế nào là cũ, là mới, là đổi mới đích thực?

Một điều tưởng là tất nhiên nhưng từ năm 1979, khi Nguyên Ngọc là Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhà Văn Việt Nam phất cờ đổi mới văn chương thì qua các thời kỳ, Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn Việt Nam đều có sai lầm.

Nhà văn Vũ Tú Nam đứng đầu giai đoạn 1989 - 1994 đã sai lầm khi trao giải cho cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đến nỗi phải viết tự kiểm , đọc trước Đại hội.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đứng đầu giai đoạn 1994 - 2000 đã sai lầm khi trao giải cho cuốn phê bình và tiểu luận “Thơ phản thơ” của Trần Mạnh Hảo, người khoe “Bố tôi đã lấy ảnh Bác Hồ treo vào chỗ đít con trâu”, và với một dự thảo nghị quyết của Đảng, Trần Mạnh Hảo viết: “sai một cách vĩ đại”; “nền giáo dục của Đảng hiện nay là nền giáo dục “ngu dốt có định hướng”! Với Các Mác, một người mà đến nhiều người có tư tưởng đối lập với ông cũng phải vị nể, Trên nước Đức, quê hương ông, tên ông vẫn được vinh danh trên hàng chục đại lộ, nhưng Trần Mạnh Hảo đã liều lĩnh viết về Mác: “thậm ngu dốt tức cười, vớ vẩn”; “Marx mới dám nói liều lĩnh nhất trong những người nói liều lĩnh”; “chống lại nhân loại”; “phản động vô cùng tận”…

Nhà thơ Hữu Thỉnh đứng đầu giai đoạn dài 2000 - 2020 thì Hội Nhà Văn Việt Nam đa số có thái độ dĩ hòa vi quý, mười rằm cũng ừ, mười tư cũng gật, vô cảm, tránh né những hành động và thái độ sai trái. Có nhiều Hội viên Hội Nhà văn VN có thái độ và bài viết sai trái, có người đã bị bắt, nhưng hầu như trong Hội Nhà văn không ai lên tiếng phê phán, ngược lại, lại có nhiều người đồng tình với sự sai trái ấy. Hội Nhà Văn còn là mảnh đất gieo mầm và nuôi dưỡng sự phản loạn như Dương Thu Hương, Nguyên Ngọc, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Viết Đào, Nguyễn Quang Lập, Võ Thị Hảo, v.v… Trong đó, Nguyên Ngọc luôn là người đang trên tuyến đầu chống đối, còn kêu gọi thành lập “Văn đàn độc lập” để chống đối, chống phá. Vậy mà Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn Việt Nam thời Hữu Thỉnh còn đề nghị tặng Huân chương và Giải Hồ Chí Minh cho Nguyên Ngọc, nhưng đã bị ông ta phản đối!

Và những ngày hôm nay, mới nắm quyền được ít ngày, Nguyễn Quang Thiều đứng đầu Ban Lãnh đạo đã sai trái khi đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước cho Nguyễn Huy Thiệp, người từng phỉ nhổ vào cuộc chiến giải phóng dân tộc, đã cho Anh hùng dân tộc Quang Trung chỉ là giặc cỏ, Nguyễn Ánh mới là nòi vương giả, viết truyện cho việc nấu xác thai nhi cho chó, lợn ăn chẳng quan trọng gì, v.v…

Lãnh đạo mới Hội Nhà Văn Việt Nam là Nguyễn Quang Thiều cũng có những sai trái, mà tôi đã viết nhiều, có tính hệ thống, thể hiện trong sáng tác, phát biểu, và các nhận định về tác giả, tác phẩm văn chương. Nguyễn Quang Thiều cũng sai trái thể hiện trong việc thành lập tổ chức Hội Nhà Văn, khi chọn những người có tư tưởng và việc làm phản động như Inrasara, Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá, khi ủng hộ, nâng đỡ những tác giả viết những tác phẩm phản động như Phạm Lưu Vũ, Tạ Duy Anh, v.v…

Vậy mà hôm qua, khi phát biểu, Nguyễn Quang Thiều khoe đã gặp gỡ và được ủng hộ của các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Nên, v.v… những cán bộ đảng viên đang giữ những trọng trách tối cao thuộc một chế độ mà trong một bài thơ Thiều đã viết toàn là những người “giả trang trong chính khuôn mặt mình”; một chế độ đã và đang duy trì một chính sách đối với Trung Quốc mà Thiều làm thơ cho là “phản bội nhân dân”; một chế độ mà người dân chỉ mù mới không bị lạc đường; v.v…

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Đông La0

- Các bài viết của (về) tác giả Đỗ Hoàng0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Mạnh Hảo0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0

*.

Sài Gòn, 22-2-2022 (toàn số 2)

ĐÔNG LA (tên thật: Nguyễn Văn Hùng)

Địa chỉ: quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn

Email: donglasg@gmail.com

 

 


 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 28.02.2022.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét