MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

DÃ TÂM CỦA CỘNG SẢN TRUNG QUỐC TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT Ở VIỆT NAM - Tác giả: Nguyễn Văn Quang ; Bùi Mạnh Hiệp giới thiệu

 

DÃ TÂM CỦA CỘNG SẢN TRUNG QUỐC

TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT Ở VIỆT NAM

*

Tên bài: MẤY BÀI HỌC RÚT RA TỪ CHUYỆN ÔNG BỘ TRƯỞNG ĐẶNG VĂN HƯỚNG VÀ BÀ DOANH NHÂN NGUYỄN THỊ NĂM BỊ ĐẤU TỐ ĐẾN CHẾT TRONG CUỘC CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT NĂM 1953 và 1954


Tác giả: Đại tá, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Quang,

Bùi Mạnh Hiệp giới thiệu - nguồn: facebook Quang NV

(Cập nhật từ email: buimanhhiep1582@gmail.com

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả)

 

(Tác giả Nguyễn Văn Quang)
Trong các cuộc cách mạng Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc Việt Nam (lần thứ nhất, từ giữa năm 1953 đến đầu năm 1954; lần thứ 2: kéo dài từ tháng 5/1955 đến đầu năm 1956), có nhiều chuyện thuộc hàng “thâm cung bí sử”, không thể nói hết trong một bài viết ngắn trên Facebook được! Chỉ biết rằng, theo lời ông Hoàng Tùng, một cán bộ cách mạng lão thành, từng nhiều năm được làm việc gần gũi bên cạnh Cụ Hồ ở chiến khu Việt Bắc cho biết, ông Cụ rất không muốn tiến hành các cuộc Cải Cách Ruộng Đất trong khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang vào hồi cuối rất cam go, quyết liệt! Ông Cụ muốn dồn sức cho kháng chiến mau đi đến thắng lợi đã, mọi việc sẽ tính sau? Nhưng các cố vấn Trung Quốc tại Chiến khu Việt Bắc, (do ông La Quý Ba đứng đầu) thì lại không muốn như vậy, mà họ ra sức hối thúc Trung ương Đảng phải làm, họ coi đó như là một điều kiện tiên quyết để Trung Quốc tiếp tục tăng cường giúp đỡ và viện trợ cho Việt Nam kháng chiến hay không! Nếu đúng vậy thì quả là Việt Nam rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”?! Không làm cũng không xong!

Trong đợt Cải Cách Ruộng Đất lần thứ 1, nhiều người yêu nước và có công với cách mạng đã bị đấu tố cho đến chết, bị giam cầm hoặc bị xử bắn oan! Tiêu biểu như trường hợp của cụ Quốc vụ khanh Đặng Văn Hướng ở Nghệ An và bà doanh nhân giàu có Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên! Cả hai người này đều bị đội cải cách (đội Cải Cách) đưa ra đấu tố - một người thì chết thảm khốc trong nhà giam, một người thì bị đem ra xử bắn!

Cụ Đặng Văn Hướng, một quan đại thần trong Triều Nguyễn. Sau cách mạng tháng 8/1945, ông đã tình nguyện đi theo Việt Minh, được Cụ Hồ tin tưởng mời ra giúp nước, giữ chức Quốc vụ khanh (Bộ trưởng) trong Chính phủ cách mạng lâm thời, đặc trách 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh. Khi đi theo Việt Minh, ông Hướng đã nhiều lần hiến vàng bạc, tài sản có giá trị cho Cách mạng. Đồng thời ông động viên nhiều con cháu trong gia đình lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Trong mấy người con đi theo kháng chiến của ông, nổi tiếng nhất là ông Đặng Văn Việt- một nhà chỉ huy quân sự lừng danh, một Trung đoàn trưởng đầu tiên của Quân đôi Nhân dân Việt Nam. Ông Việt đã lập nhiều chiến công vang dội trên chiến trường Đông Bắc (từ năm 1947- 1950), được chỉ huy quân đội Pháp nể sợ và gọi ông là “Hùm xám đường số 4”. Những trận đánh do ông chỉ huy trên đường số 4 đã làm cho quân Pháp kinh hồn bạt vía! Ông Đặng Văn Việt thuộc vào hàng nhà chỉ huy quân sự tài năng xuất chúng, là một trong những người anh hùng có công khai quốc!

Vậy mà khi cuộc Cải Cách Ruộng Đất nổ ra đầu năm 1954 ở vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, ông Hướng (đang là bộ trưởng trong Chính phủ cách mạng) đã bị đội Cải Cách bắt giam, rồi dùng nhục hình bắt ông phải tự nhận là địa chủ quan lại “có nợ máu với bần cố nông”, rồi ép ông tự thú nhận đã xúi dục Vĩnh Thuỵ (Cựu hoàng Bảo Đại) nên sớm rời bỏ Việt Minh để sang Pháp lập chính phủ bù nhìn chống lại cách mạng? Khi ép được ông kí vào những lời khai nói trên thì họ đã bỏ mặc ông chết đói trong trại tạm giam của đội Cải Cách. Sau khi ông Hướng chết, họ đưa xác về cho gia đình và yêu cầu gia đình phải nói là ông về nhà rồi mới chết do bị ốm (?). Bà vợ ông sợ quá đã uống thuốc độc tự vẫn theo chồng! Con cháu và người thân trong gia đình khiếp đảm, không ai dám hé răng kêu một lời!

Chưa dừng lại ở đó, đội Cải Cách còn gửi công văn ra Chiến khu Việt Bắc yêu cầu Chính phủ và quân đội phải cách hết mọi chức vụ của các người con của ông Hướng đang tham gia kháng chiến, di lí về Nghệ An đế họ trừng trị (! ?). Trong đó có Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt đang chiến đấu ở chiến trường, đã bị giáng chức và cho đi “học tập bần cố nông”, sau đó cho sang Trung Quốc “tập huấn”, thực chất là loại ông khỏi vị trí chỉ huy quân đội! Vậy là cả nhà ông Hướng bị tan nát, con cái thất sủng, chia lìa chỉ bởi những chuyện oan sai trên trời rơi xuống!

Sau những sai lầm nặng nề trong Cải Cách Ruộng Đất, từ tháng 2/1956 đến hết năm, Đảng phải tiến hành “sửa sai” (?). Một số trường hợp bị xử lí oan sai trong các đợt Cải Cách Ruộng Đất (các năm 1953, 1954 & 1955) đã được minh oan, hoặc hạ thành phần, từ “địa chủ có nợ máu” xuống thành phần “địa chủ kháng chiến” hay “trung nông lớp trên”, được trả lại một phần tài sản, ruộng đất bị đội Cải Cách tuyên tịch thu.. Tuy nhiên, riêng trường hợp ông Hướng, sau “Sửa sai” họ vẫn giữ nguyên thành phần là “quan lại -địa chủ có nợ máu với nông dân”(?)! Và cho đến nay, sau nhiều lần đòi hỏi của gia đình và các cơ quan có trách nhiệm, không hiểu sao mọi việc vẫn rơi vào im lặng đáng sợ? Ông Đặng Văn Hướng vẫn không được trên minh oan là vô tội, qua đó trả lại danh dự cho gia đình và con cháu, trả lại sự trong sạch cho ông, khẳng định ông là một “nhân sỹ yêu nước, người có công với cách mạng”! Như thế thì mới công bằng và bù đắp lại được một phần nào tổn thương và mất mát cho ông và gia đình đã chịu đựng trong suốt hơn 65 năm qua! (*)

Việc cả nhà ông Hướng bị kết án oan sai trong Cải Cách Ruộng Đất là do sai lầm, nóng vội của tổ chức đảng ở địa phương, mà trực tiếp là của đội Cải Cách, hay còn do sự chỉ đạo của “ai đó” trên Trung ương, thậm chí có người nói đấy là sự “chỉ điểm đích danh” của các cố vấn Trung Quốc? Thực hư của câu chuyện này ra sao, cho đến nay vẫn chưa có đủ tư liệu để khẳng định hoặc làm sáng tỏ?

Song, trong trường hợp oan sai tiêu biểu thứ 2 là nhà tư sản dân tộc yêu nước - bà Nguyễn Thị Năm, thì có bàn tay “vấy máu” của cố vấn Trung Quốc nhúng vào lại rất rõ !

Bà Năm sinh năm 1906, quê ở Hải Phòng, sau về kinh doanh ở Hà Nội, một nhà tư sản dân tộc yêu nước giàu có nhất nhì thời bấy giờ! Ngay trong thời kì tiền khởi nghĩa, bà được nhà cách mạng Nguyễn Đình Thi (sau này là một nhà văn nổi tiếng) giác ngộ đi theo Việt Minh. Tháng 6/ 1945, Bà đã hiến cho Việt Minh 20.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương 1000 lượng vàng vào thời giá lúc đó). Tiếp đó trong “Tuần lễ Vàng” (9/1945 do Chính phủ cách mạng kêu gọi) bà đã hiến tiếp 100 cây vàng cùng nhiều tài sản có giá trị khác!(*). Tất cả số tài sản này đều có giấy biên nhận đầy đủ của ông Nguyễn Lương Bằng, trưởng ban tài chính của TW đảng lúc bấy giờ. Bà Năm sau đó đã tình nguyện đưa cả gia đình đi theo cách mạng, lên chiến khu Việt Bắc. Tại đây bà đã được Cụ Hồ giao trọng trách làm công tác quân lương nuôi bộ đội trong các chiến dịch lớn. Tại Căn cứ địa Việt Bắc, bà còn được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam liên tỉnh Bắc - Thái.

Khi lên Thái Nguyên, bà Năm đã tự bỏ tiền túi ra mua rất nhiều đồn điền, trang trại của các quan chức địa phương hoặc cúa các nhà doanh nhân người Pháp chạy về xuôi, để tổ chức sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Đồng thời bà còn cho xây dựng nhiều doanh trại, xây hầm trú ẩn bí mật tại các đồn điền của bà để đón các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Việt Minh và bộ đội về ở hội họp và dưỡng quân. Tại đây các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và quân đội như các ông Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Lê Thanh Nghị, Lê Đức Thọ, Trần Huy Liệu, Hoàng Thế Thiện, Hoàng Hữu Nhân.. đã nhiều lần đến hội họp hay nghỉ dưỡng .

Bà Năm sinh được 4 người con. Hai người con trai lớn của bà là Nguyễn Hanh và Nguyễn Cát đều tham gia quân đội. Riêng ông Nguyễn Cát (khi đi hoạt động lấy bí danh là Nguyễn Thông) cũng là một trung đoàn trưởng thuộc Đại đoàn 308. Tuy trung đoàn trưởng Nguyễn Cát không nổi tiếng như trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt, song theo ông Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 thời đó, đã đánh giá ông Cát “là một vị chỉ huy kiên quyết, dũng cảm đã lãnh đạo trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ khó khăn trên giao”!

Do bà Năm có 2 con trai đầu tên là Hanh và Cát, nên khi mới thành lập công ty kinh doanh ở Hải Phòng và Hà Nội, bà đã đặt tên Công ty của mình là CÁT HANH LONG (Rồng Lành hanh thông) - một tập đoàn kinh doanh đa năng về vận tải, địa ốc và xây dựng, cạnh tranh ngang ngửa với các tập đoàn tư bản nước ngoài ở Việt Nam mà người Pháp có lúc phải nể sợ bà! Khi đi theo cách mạng lên chiến khu Việt Bắc, bà đã cho đóng cửa hầu hết các công ty ở Hà Thành, một số bất động sản khác thì bà đã bán đấu giá để lấy tiền quyên góp cho cách mạng!

Vậy mà trong đợt Cải Cách Ruộng Đất tháng 6/1953, được coi là “phát súng lệnh mở đầu cho cuộc đại cách mạng” ngay trên căn cứ địa Việt Bắc, theo ý kiến “tư vấn” của các cố vấn Trung Quốc, thì bà doanh nhân Nguyễn Thị Năm bỗng nhiên.. trở thành “đối tượng nguy hiểm số 1 của cách mạng” mà đội Cải Cách cần phải tập trung đấu tố, đánh đổ và xử làm gương?! Lúc đầu, khi các cố vấn Trung Quốc đưa ra ý kiến phải cho bắt ngay bà Năm thì nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Trung ương đã phản đối, cho rằng đã có một sự “nhầm lẫn” nào đó. Theo lời kể của ông Hoàng Tùng, lúc này là Chánh Văn phòng Tổng bí thư (Trường Chinh), thì ngay cả Ông Cụ (Hồ Chí Minh) cũng không nhất trí! Theo ông Hoàng Tùng viết trong hồi kí “Những kỉ niệm về Bác Hồ” thì “ông Cụ đã kiên quyết bác bỏ ý kiến của trưởng đoàn cố vấn La Quý Ba! Ông Cụ còn khẳng định, bà Năm là một doanh nhân yêu nước, từng giúp đỡ rất to lớn cho cách mạng, không thể làm bừa! Hơn nữa, phát pháo lệnh mở đầu cho một cuộc đại cách mạng trên mảnh đất “thủ đô kháng chiến” thì không thể đánh vào một người phụ nữ được? Đánh đổ địa chủ là cấp bách, là rất cần thiết, nhưng cũng phải làm rất nhân văn? Các đồng chí nên chọn lại mục tiêu khác đi! Những kẻ cầu vinh theo giặc bán nước không thiếu, nếu cần tôi sẽ chỉ giúp cho các đồng chí thấy”.

Thế nhưng mọi việc đã bị đảo lộn 180 độ, khi các cố vấn Trung Quốc nói rằng, bà Nguyễn Thị Năm là người của Phòng Nhì Pháp (mật thám Pháp) cài vào nội bộ Việt Minh để “chui sâu leo cao” trong hàng ngũ Trung ương Đảng, nhằm “phá từ trong ra”(?). Mọi việc bà Năm uý lạo ủng hộ Việt Minh chỉ là giả dối, là chỉ để che mắt khỏi bị nghi ngờ mà thôi? Hơn nữa số tiền mà bà ta đem ra ủng hộ Việt Minh, là do chính quan thầy Pháp cung cấp? Để chứng minh cho việc này, các cố vấn Trung Quốc đã trưng ra nhiều bằng chứng là những tấm ảnh chụp bà Năm đã “bí mật” nhiều lần từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội gặp các quan chức người Pháp để cung cấp thông tin của Việt Minh mà bà nắm được, đồng thời trao đổi bàn bạc cách tiếp tục giữ “vỏ bọc” và nhận các chỉ thị mới của quan thầy Pháp! Họ nói, đây là những tấm hình mới chụp, do tình báo Hoa Nam của Trung Quốc mua lại được từ các quan thầy Pháp (?!). Trước những “bằng chứng” rõ như ban ngày đó, thì lúc này không ai có thể bảo vệ cho bà Năm được nữa!?

Trước khi cho bắt bà Năm, các cố vấn Trung Quốc khuyên ta nên cho hai con trai của bà đi công tác học tập “đột xuất” dài ngày ở thành phố Nam Ninh, Trung Quốc “để đề phòng bất trắc” (?). Họ cho biết, đã điện về nước, phía Trung Quốc đã sẵn sàng tiếp nhận hai con trai của bà!

Cuối tháng 5/1953, bà Năm đã bị bắt giam, sau đó cho bần cố nông tiến hành đấu tố tra hỏi bà hết sức khốc liệt! Đội Cải Cách tuyên bố bà là tư sản địa chủ từng bóc lột, đánh đập ức hiếp dã man nhiều bần cố nông, rồi kết tội bà là làm Việt gian tay sai của Pháp “chui sâu leo cao” vào hàng ngũ của cách mạng để phá hoại kháng chiến! Tuy bị đấu tố và tra tấn dã man, nhưng bà Năm kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc của đội Cải Cách, nhất là cáo buộc làm tay sai cho Pháp!

Khi mới bị bắt, bà Năm có đưa ra giấy biên nhận đã hiến 100 cây vàng (1946) và 20.000 đồng bạc Đông Dương (6/1945) cho cách mạng, có chữ kí của ông Nguyễn Lương Bằng xác nhận và đóng dấu đỏ của Văn phòng Trung Ương Đảng! Vậy mà đội Cải Cách Ruộng Đất vẫn nói “10 ông Bằng cũng không bằng quyền của ông đội Cải Cách (?)”! Sau 2 tuần đấu tố, tra khảo mà bà Năm vẫn không chịu nhận mọi cáo buộc, ngày 9/7/1953, bà Năm bị đội Cải Cách tuyên án tử hình và du kích đã thi hành bản án ngay tại “Thủ đô kháng chiến” - huyện Đồng Bẩm, Thái Nguyên!

Khi 2 người con của bà Năm chỉ biết tin mẹ bị “mất đột ngột” thì xin về nước để chịu tang mẹ! Nhưng vừa về đến Cao Bằng, họ đã bị bắt ngay, sau đó giao cho du kích giam giữ, tra khảo? Đến đợt đấu tố tháng 6/1955, cả hai bị đưa về Thái Nguyên, giao cho đội Cải Cách để nông dân đấu tố và bắt nhận là con cái của “tư sản đại địa chủ có nợ máu” với nông dân?! (**).

Sự việc Trung ương Đảng đồng ý cho bắt bà Năm, sau này nhiều vị lãnh đạo cao cấp của đảng đều cho rằng đây là một sai lầm khủng khiếp! Sau ngày giải phóng miền Bắc, khi bộ đội về tiếp quản thủ đô Hà Nội (10/10/1954), ta đã thu được trong kho lưu trữ của Pháp rất nhiều bức ảnh chụp bà Năm gặp gỡ, thương thảo với doanh nhân và người đại diện của chính quyền Pháp để thảo luận và kí kết các hợp đồng làm ăn với người Pháp! Các bức ảnh này trùng khớp với các bức ảnh do cố vấn Trung Quốc cung cấp, cùng các hợp đồng thương thảo? Chỉ có điều, các tấm hình này đều ghi rất rõ ngày tháng, địa điểm chụp và kí kết. Thì ra, hầu hết các bức ảnh đều được chụp trong giai đoạn từ năm 1935- 1940, nghĩa là trước khi cách mạng thành công!

Cũng như nhiều nhà tư sản dân tộc Việt Nam khác thời bấy giờ, muốn kinh doanh, tồn tại và phát triển trong chế độ của người Pháp thì đương nhiên bà Năm phải tìm cách gặp gỡ, “lo lót” với chính quyền Pháp & quan chức sở tại thì mới có được các dự án cho mình, đồng thời trong quá trình kinh doanh cũng đỡ bị nhà chức trách tìm cách hạch sách, chèn ép! Thế mà các cố vấn Trung Quốc lại cố tình “dựng đứng” lên rằng, đây là những bức hình (do tình báo Hoa nam Trung Quốc thu được?) chụp sau năm 1947, trong những lần bà Năm ở chiến khu “bí mật” về Hà thành để nhận lệnh của các quan thầy Pháp! Thật là một sự vu khống quá trắng trợn của những kẻ “ngậm máu phun người”! Và cũng thật quá oan khiên và đau xót cho Bà, đau thương cho cả cách mạng đã giết oan một nhà doanh nhân yêu nước có công lao với dân, với nước!

Tuy nhiên, cũng như trường hợp của ông Đặng Văn Hướng, sự vụ đội Cải Cách tiến hành đấu tố và bắn oan bà Nguyễn Thị Năm, cho đến nay đã hơn 6 thập niên, bà vẫn chưa được nhà nước ta minh oan! Mặc dù khi về cuối đời, nhiều lần các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Tùng.. đã có thư và giấy xác nhận gửi Bộ Chính trị, xác nhận đã từng ở nhiều ngày, nhiều lần trong nhà bà Năm, được bà Năm che chở và nuôi dưỡng, chu cấp tiền bạc.. Đặc biệt, mấy năm gần đây có một số Đại biểu Quốc Hội đã nhiều lần lên tiếng, đưa vấn đề bà Năm ra Quốc Hội và yêu cầu Nhà nước ta phải sớm minh oan, trả lại danh dự cho bà Năm?! Đáng tiếc là, cũng như trường hợp ông Đặng Văn Hướng ở Nghệ An, tất cả đều rơi vào im lặng? Dường như bây giờ không ai dám đứng ra để cải chính một việc làm sai lầm cúa các bậc tiền nhân cả?

Nhìn lại rất nhiều vụ nhân sĩ yêu nước đi theo Cách Mạng, địa chủ kháng chiến, cán bộ, đảng viên cốt cán bị đội Cải Cách đưa ra đấu tố và kết án oan sai nặng nề, (tiêu biểu như vụ ông Hướng ở Nghệ An, bà Năm ở Thái Nguyên nêu ở trên), có thể rút ra một số vấn đề sau đây:

Một là, về nguyên nhân tại sao Đảng vấp phải nhiều sai lầm nghiêm trọng trong Cải Cách Ruộng Đất? Bên cạnh nguyên nhân do Đảng ta chủ quan nóng vội, giải quyết vụ việc mang tính duy ý chí, thì còn có một nguyên nhân khác hết sức lớn, đó là ta đã rập khuôn một cách rất “máy móc”, bê nguyên xi cách làm của Trung Quốc trong các cuộc Cải Cách Ruộng Đất của họ trước đây vào thực tiễn của Việt Nam! Trước khi tiến hành cải cách, theo lời khuyên của cố vấn, ta đã cử rất nhiều cán bộ quân đội và công an sang “tập huấn” ngắn hạn ở Trung Quốc, tìm hiểu và học tập cách làm của họ! Thế rồi Trung Quốc đã đưa ra một “mục tiêu” là Cải Cách Ruộng Đất có thắng lợi hay không, bên cạnh việc thu lại ruộng đất cho nông dân, thì phải tìm cho ra 5% địa chủ “có nợ máu” với nông dân để bắt chúng phải đền tội ác với nông dân (?) Có như thế thì nông dân mới hả hê, phần khởi, qua đó càng ghi ơn sâu nặng với Đảng, càng nâng cao hơn khí thế cách mạng!

Chúng ta đều biết, với hoàn cảnh cụ thể của Trung Quốc đất rất rộng, người rất đông (lúc họ làm Cải Cách Ruộng Đất, Trung Quốc có khoảng 700 triệu dân, trong đó có khoảng 650 triệu nông dân, thì việc họ tìm ra nhiều địa chủ (5%) là điều có thể xảy ra? Còn với miền Bắc Việt Nam (giai đoạn 1954-1956), dân số và diện tích chỉ bằng hoặc lớn hơn 1 huyện của Trung Quốc mà thôi! Cụ thể, miền Bắc lúc này chỉ có khoảng gần 20 triệu dân, (chưa kể khoảng 1 triệu nông dân đã di cư vào Nam sau năm 1954), trong đó có trên 80% là nông dân, còn lại là các giai tầng xã hội khác! Như vậy, miền Bắc lúc này, tính sơ bộ vào khoảng 16-17 triệu là nông dân. Nếu căn cứ vào mục tiêu phải tìm cho ra 5% địa chủ có nợ máu, thì miền Bắc lúc này trong Cải Cách Ruộng Đất phải có trên 80.000 (8 vạn) địa chủ, cường hào ác bá! Thật là một con số vô cùng kinh hãi và thậm vô lí! Thế mà người ta vẫn phải tìm cho đủ con số đó! Nơi nào không tìm đủ “5% địa chủ cường hào ác bá”thì họ cho bắt tất cả cán bộ, đảng viên, người buôn bán nhỏ - những người vốn có thái độ chống đối lại đội Cải Cách - và đều bị quy chụp vào phần tử phản động, cường hào ác bá! Rồi họ phát động bần cố nông tố cáo, “phát hiện” địa chủ có áp bức bóc lột bần cố nông! Và theo “chỉ điểm” và tố cáo của bần cố nông, những cán bộ nào trung kiên, thẳng thắn, trong quá trình làm việc nhỡ có sơ suất, đụng chạm đến quyền lợi riêng của người dân thì họ đều bị những kẻ ích kỉ, vô học, mù chữ.. tố là đàn áp bần cố nông! Và lập tức họ bị đội Cải Cách bắt giam ngay, mà không cần phải xem xét có nhiều ruộng hay ít ruộng, không cần có bằng chứng bóc lột, đàn áp nông dân hay không?!

Hai là: trong quá trình tiến hành Cải Cách Ruộng Đất, Đảng đã trao cho các đội Cải Cách quá nhiều quyền hành to lớn, đứng trên cả chính quyền, trên cả quân đội và công an, trên cả pháp luật và toà án, trên cả mọi tổ chức đoàn thể! Đội Cải Cách có quyền ra lệnh khám nhà, bắt giam và tra tấn bất cứ ai, có quyền lập toà án đặc biệt, có quyền xét xử và tuyên án theo ý chủ quan của họ mà không cần đến pháp luật (luật tố tụng hình sự). Họ có quyền tuyên án tử hình không cần chứng cứ và cho thi hành ngay bản án mà không cần đợi lệnh phê chuẩn của Chủ tịch nước! Việc làm này thật là quá nguy hiểm và để lại nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng, không thể sửa chữa được!

Chính vì Đảng đã trao cho các đội Cải Cách những quyền hành vô biên như vậy nên họ đã tỏ ra lộng hành, lộng quyền! Rất nhiều nơi, chỉ trong một đêm đội Cải Cách “bí mật” đột nhập về các thôn, xã, thị trấn, huyện, thị xã.. thì ngay ngày hôm sau, họ tuyên bố “giải tán” tất cả hệ thống chính quyền, các tổ chức đảng, các tổ chức đoàn thể, xã hội.. từ cấp thôn, xã cho đến huyện, tỉnh và tương đương! Lúc này trên là trời, dưới là đội Cải Cách! Họ tự phong cho mình là chủ tịch Ủy Ban Hành Chính xã, huyện.. thay chính quyền đương nhiệm (do dân bầu lên trước đây) để toàn quyền điều hành mọi hoạt động của xã hội! Họ cho tịch thu ngay con dấu của xã, huyện, chiếm tất cả công sở, nhà làm việc của tổ chức đảng, chính quyền, đuổi khỏi công sở hoặc cho giam giữ ngay các quan chức từ cấp thôn, xã, đến cấp huyện, thành phố, thị xã (bí thư, chủ tịch..); đồng thời họ có quyền nắm lấy công an, dân quân, du kích, tự vệ.. ở các thôn, xã, phường, các huyện thị.. Đội Cải Cách có quyền chỉ huy, ra mệnh lệnh cho các lực lượng công an, quân đội, du kích, tự vệ sẵn sàng thực thi vô điều kiện mọi nhiệm vụ theo lệnh của đội Cải Cách! Rồi họ nắm lấy những người từng đi làm thuê, cuốc mướn, ở đợ, các phần tử bất lương, lười biếng lao động, hoặc những người từng làm các việc hèn kém cho nhà giàu, địa chủ.. Chỉ sau 1 đêm, đội Cải Cách tuyên bố đưa họ lên nắm quyền hành, ngồi vào các hội đồng đấu tố, hội đồng toà án xét xử! Từ những kẻ “tứ cố vô thân”, phần lớn đều vô học, bỗng chốc miệng họ thét ra lửa, trong khi bản thân họ hoàn toàn mù chữ, không có lấy một chút kiến thức sơ đẳng nào về luật pháp, về tổ chức quản lí, điều hành xã hội!

Vì Trung ương Đảng trao cho các đội Cải Cách quá nhiều quyền hành, nên trên thực tế, các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền, đoàn thể ở các địa phương đã bị vô hiệu hoá và bị tê liệt hoàn toàn! Bởi thế mà cả xã hội rơi vào tình trạng rối loạn, mất kiểm soát, các vụ việc bắt người, đánh đập, đấu tố vô cớ, oan sai ngất trời nhưng người dân không biết kêu ai? Cán bộ chỉ huy, lãnh đạo chủ chốt các cấp thôn, xã, huyện.. thì bị đội Cải Cách giam lỏng, hoặc vu khống cho là phần tử phản động và bắt giam luôn, rồi đưa ra cho bần cố nông đấu tố và bắt phải nhận tội! Vì toàn bộ xã hội bị đảo lộn, bị hỗn loạn.. nên mới xảy ra tình trạng con đấu tố cha mẹ; vợ đấu tố chồng; cháu chắt đấu tố ông bà; anh em đấu tố lẫn nhau; cha con, vợ chồng, ông bà cháu chắt, anh em láng giềng từng tối lửa tắt đèn có nhau.. nay bỗng chốc trở thành kẻ thù không đội trời chung với nhau!

Vì quyền hạn vô song, nên ngoài việc bắt người, đấu tố, xét xử & tuyên án vô tội vạ, các đội Cải Cách còn ra lệnh đập phá rất nhiều chùa chiền, đền thờ, miếu mạo, lăng tẩm, mồ mà, các di tích lịch sử văn hoá có tuổi đời hàng trăm năm; ra lệnh đốt mọi loại sách vở bị coi là phản động, mọi sắc phong, tượng phật, văn tự, gia phả.. tại các chùa, đền miếu mạo của làng, xã cũng như tại các ban thờ gia đình.. Tất cả các di sản văn hoá này đều bị đội Cải Cách coi là tàn tích của xã hội phong kiến thối nát, phản động cần phải loại bỏ tận gốc! Đúng là đội Cải Cách đã làm những chuyện “long trời lở đất”, trời không dung, đất không tha, chưa từng có trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước rất oanh liệt và hào hùng của cha ông ta!

Ba là: ngoài các yếu tố chủ quan mang tính “ta tự chặt vào chân tay của ta” nêu trên, còn có những yếu tố ngoại lai (nước ngoài) luôn câu thúc, dồn nén và chi phối gần như bất khả kháng! Trước và trong suốt quá trình tiến hành Cải Cách Ruộng Đất, chúng ta luôn chịu một sức ép rất lớn từ phía Trung Quốc, những người mang danh cộng sản, mồm luôn nói là anh em đồng chí, “môi hở răng lạnh” với Việt Nam! Nhưng trên thực tế, Trung Quốc luôn làm những điều ngược lại. Đó thực sự là một áp lực, một sự hối thúc rất “khó đỡ” từ phía Trung Quốc! Họ nói rằng, Việt Nam muốn nhận được vũ khí, lương thực, tiền của viện trợ của Trung Quốc thì phải tiến hành Cải Cách Ruộng Đất! Họ nói thẳng không cần úp mở rằng, đó là ý chí của Mao Chủ tịch! Mao nói, đại ý rằng: “Trung Quốc không thể giúp đỡ mãi Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ, mà các đồng chí phải tiến hành đánh đổ giai cấp địa chủ, tư sản bóc lột, đánh đổ tầng lớp trí thức phản động; phải lấy ruộng đất, của cải, tiền bạc của bọn địa chủ, của bọn tư sản mại bản, bọn nhà buôn giàu có để đánh giặc và xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội! Trung Quốc đã làm như vậy và đã giành được nhiều thắng lợi rất to lớn, cách mạng Trung Quốc nhờ đó đã lớn mạnh lên rất nhiều lần. Trung Quốc đã dám làm và làm “thành công rất rực rỡ” thì không có lí gì các đồng chí Việt Nam lại không làm? Nếu các đồng chí cứ chần chừ thì Trung Quốc không thể giúp các đồng chí mãi được”! (Dẫn theo bài nói chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh chủ tịch Mao Trạch Đông - bài nói bản lưu tại Kho lưu trữ Trung ương).

Trong đợt Cải Cách Ruộng Đất lần thứ 2 (cuối năm 1954, đầu năm 1955), khi miền Bắc vừa mới hoà bình, đang tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh, thì Trung Quốc ép Việt Nam phải tiến hành Cải Cách Ruộng Đất lần 2 một cách kiên quyết và triệt để! Họ nói miền Bắc muốn xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội và giải phóng miền Nam thì phải tiến hành ngay cuộc Cải Cách Ruộng Đất một cách toàn diện, triệt để, phải quét sạch bọn địa chủ, cường hào ác bá có nợ máu với bần cố nông, phải đánh sập toàn bộ bọn “tư sản dân tộc chó chết, bọn nhà buôn hút máu người, bọn trí thức rởm chuyên ăn hại, nói láo” (?)! Trong cuộc cách mạng Cải Cách Ruộng Đất “long trời lở đất” lần này đã có hàng chục ngàn người của cái gọi là “địa chủ cường hào ác bá”, trí thức, văn nghệ sĩ có “tư tưởng phản động, chống đối” bị kết án oan sai, bị bắn bỏ, bị tịch thu toàn bộ tài sản! Trong số đó có hàng vạn cán bộ đảng viên cốt cán, hàng nghìn nhân sỹ, trí thức tây học có tinh thần yêu nước, hàng trăm nhà tư sản dân tộc có lòng ái quốc.. bị đấu tố, giam cầm, đày đoạ, bị tước hết tài sản và quyền được sống. Gia đình, con cái của họ bị tan nát, li tán, bị phân biệt đối xử, đưa đi lao động khổ sai, bị cấm không được tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, bị cấm vào các trường đại học, cao đẳng- kể cả thi đỗ thủ khoa!

Thế đấy, câu chuyện của Cải Cách Ruộng Đất vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi không thể giải thích hay trả lời được!

Bốn là, nhìn lại việc Trung Quốc đã ra sức hối thúc, gây áp lực với ta, rồi đưa ra các “mục tiêu” cho Việt Nam cần “giải quyết” trong các đợt Cải Cách Ruộng Đất, phải chăng đây cũng chính là âm mưu thâm độc của Trung Quốc nhằm làm suy yếu Việt Nam để họ toan tính những việc có lợi cho Trung Quốc?. Cứ bình tĩnh thử ngẫm mà xem: Họ muốn Việt Nam làm Cải Cách Ruộng Đất, dưới danh nghĩa là đem lại ruộng đất cho nông dân? Nhưng có cần phải làm một cách quá tàn khốc với chính nông dân, phải bắt bớ, đấu tố, giam cầm hàng vạn người nông dân vô tội, bắn bỏ, truy bức hàng ngàn nhân sĩ, trí thức yêu nước, địa chủ kháng chiến.. thì chính phủ mới lấy được ruộng đất, tài sản của địa chủ đem về chia cho nông dân? Nhất là trong đợt Cải Cách Ruộng Đất lấn 2 (năm 1955), khi mà miền Bắc đã hoàn toàn được giải phóng, chính quyền vô sản đã được thiết lập trên toàn miền Bắc, có quân đội và công an hùng mạnh và rất trung thành trong tay, thì chỉ cần một sắc lệnh của Chủ tịch nước tuyên bố nhà nước ra lệnh tịch thu toàn bộ ruộng đất của địa chủ bóc lột đem chia cho nông dân là xong! Ai chống lại sắc lệnh của Nhà nước và Chính phủ thì đã có công an, quân đội vào cuộc hỗ trợ, căn cứ vào hiến pháp và pháp luật của nhà nước để nghiêm trị! Thử hỏi, có địa chủ hay cường hào ác bá nào có thể dám chống đối hay trái lệnh?

Thay cho việc ra một sắc lệnh như nói ở trên thì ta lại nhất nhất làm theo cách “tư vấn” của Trung Quốc, đã tiến hành một cuộc đại cách mạng “long trời lở đất” hoàn toàn không cần thiết! Rõ ràng đây là một “phương pháp cách mạng” cực kì sai lầm và tàn khốc, nó đã đánh thẳng vào người nông dân yêu nước hiền lành, đánh thẳng vào nội bộ lãnh đạo của ta, qua đó loại bỏ, tiêu diệt và hãm hại nhiều cán bộ kiên trung cốt cán, diệt nhiều người tài giỏi, đồng thời không cho con em của địa chủ, tư sản, doanh nhân yêu nước, của nhiều trí thức tài giỏi có cơ hội được vào trường đại học, có cơ hội cống hiến cho đất nước, có cơ hội làm giàu. Cùng với đó, cuộc “nội chiến ruộng đất” đã đưa đến sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ lãnh đạo, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính quyền các cấp, gây thù chuốc oán trong nhân dân, gây mất niềm tin giữa nhân dân với Đảng, với chế độ!

Năm là, những việc Trung Quốc muốn Việt Nam làm trong Cải Cách Ruộng Đất rốt cuộc là nhằm mục đích gì? Chắc chắn phải có một mục đích nào đó! Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc vừa ra sức ve vãn, lại vừa làm ra vẻ rất chân thành hữu hảo muốn thật lòng giúp đỡ Việt Nam? Một khi cảm thấy không xong thì họ xoay sang hối thúc, “áp đặt”, ra điều kiện cho Việt Nam phải làm như thế này, thế kia, nếu không thì họ sẽ thôi ủng hộ và cắt mọi viện trợ!?

Có thể thấy, thông qua cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc Việt Nam, tất cả những gì mà Trung Quốc muốn Việt Nam thực hiện đều nhằm một mục đích rất rõ ràng, đó là phải làm suy yếu bằng được mọi mặt đối với miền Bắc, qua đó làm cho miền Bắc không thể trở thành “hậu phương lớn và vững chắc của cách mạng miền Nam” (như Nghị quyết của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra trong tháng 6/1955). Và như vậy, miền Bắc sẽ không thể đủ sức làm hậu thuẫn cho cả nước để đánh Mỹ và thắng Mỹ, không thể giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, mà phải chịu cảnh chia cắt lâu dài. Và như vậy, miền Bắc mãi mãi sẽ trở thành 1 “vùng đệm”, một lá chắn có lợi lâu dài cho Trung Quốc (như họ đã làm với Bắc Triều Tiên). Đồng thời chính quyền Bắc Việt Nam sẽ ngày càng chịu lệ thuộc sâu nặng vào Bắc Kinh, chịu mọi điều khiển và sai bảo của quan thầy Trung Quốc! Đây mới chính là thực chất sâu xa của cuộc Cải Cách Ruộng Đất mà Bắc Kinh đã ra sức hối thúc và “đạo diễn” cho Việt Nam phải làm bằng mọi giá !

Đã hơn 65 năm trôi qua, nhưng những bài học lịch sử đắt giá trong Cải Cách Ruộng Đất của Việt Nam với sự “đạo diễn” và “giúp đỡ” của người đồng chí thân thiết “môi hở răng lạnh” chưa bao giờ là cũ cả!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

Về bà Nguyễn Thị Năml

——————

Chú thích thêm:

(*) Về trường hợp oan sai của ông Đặng Văn Hướng, ngày 3/1/2012, Bộ Nội vụ có Công văn số 01/BNV/CCVC về việc “Xác nhận vấn đề chính trị đối với cụ Đặng Văn Hướng” gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An, huyện ủy, UBND huyện Diễn Châu do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn (ký thay bộ trưởng). Nội dung công văn như sau: “Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng (tại văn bản số 1597.CV/VPTW ngày 21-9-2011 của Văn phòng Trung ương), trên cơ sở báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tại văn bản 645-CV/TU, ngày 14-11-2011 về việc xác nhận vấn đề chính trị đối với cụ Đặng Văn Hướng, Bộ Nội vụ xác nhận: Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ mời một số trí thức, nhân sĩ ra giữ trọng trách một số bộ trong Chính phủ, trong đó có cụ Đặng Văn Hướng giữ chức bộ trưởng không bộ (nội dung như đã thể hiện trong Lịch sử của Chính phủ Việt Nam (1945-1954), trang 164, tập 1, NXB Chính Trị Quốc Gia - năm 2006). Xin thông báo để quý cơ quan được biết”. Trích từ báo Tuổi Trẻ tp HCM.

https://tuoitre.vn/nguoi-anh-hung-khong-duoc-phong-tang...

Theo ý kiến của tôi ( TG), thực chất CV này chỉ là thông báo lại một sự thật hiển nhiên đã được ghi vào trong cuốn “Lịch sử Chính phủ VN” (đã dẫn ở trên). Điều mà Tỉnh uỷ cũng như các cấp chính quyền của tỉnh Nghệ An, cũng như của dư luận và gia đình ông Hướng đòi hỏi là Nhà nước ta (Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng CP) cần ký Quyết định xoá bỏ hoàn toàn phán quyết trước đây của Đội CC trong đợt CCRĐ 2/1954 đối với ông Hướng, đồng thời kết luận ông Đặng Văn Hướng là một nhân sĩ yêu nước, có công lao với cách mạng trong thời kì ông giữ chức Bộ trưởng trong chính phủ VNDCCH! Như thế mới thật sự là minh oan và trả lại sự trong sạch và công bằng cho ông ĐVH và gia đình !

Còn như CV nói trên của Bộ NV thì có cũng như không, không có giá trị pháp lí để các cơ quan của tỉnh đứng ra minh oan cũng như giải quyết chính sách cho gia đình !

(**) Về trường hợp 2 người con của bà Năm là Nguyễn Cát và Nguyễn Hanh, sau nhiều lần đòi hỏi, cuối cùng ông Cát & ông Hanh đã được Nhà nước công nhận là cán bộ tham gia tiền khởi nghĩa, được trả lại một số chế độ (chúng tôi chưa tìm được số CV công nhận là cán bộ có công trước và trong thời kì kháng chiến). Tuy nhiên, 2 người con thì được nhà nước công nhận là có công với CM, nhưng với người mẹ -tức bà Năm, cho đến nay vẫn chưa được Nhà nước minh oan là vô tội ??! Vậy có vô lí không!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

———————————-

1. Đoàn Duy Thành, “Làm người là khó”, hồi ký, không xuất bản, lưu hành trên mạng.

2. Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên. “Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Thái Nguyên, (1930-2000), Thái Nguyên, 2002.

3. Dương Trung Quốc: “Viết nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ”. Báo Lao động. Số ra ngày 22/7/2012

4. Quốc Sỹ Doãn. “Ba sinh hương lửa”. Nhà xuất bản Văn Hóa. H. 2010

5. Triển lãm Cải cách ruộng đất: “Cần sòng phẳng với lịch sử”. Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 9 /9/2012.

6. Xuân Ba (8/ 3 /2014). “Chuyện về người phụ nữ từng bị xử lý oan: Tìm mộ bà Cát Hanh Long”. Báo Công an Nhân dân Điện tử.

7. Hoàng Tùng : “Những kỉ niệm về Bác Hồ và Thủ đô kháng chiến Việt Bắc”, Hồi kí , không xuất bản, lưu hành trên mạng.

8. Xuân Ba (7 /4 /2014). “Chuyện về người phụ nữ từng bị xử lý oan”. Báo Công an nhân dân điện tử.

9. “Cuộc cải cách ruộng đất 50 năm trước đây tại miền Bắc VN (bài 4)”. Radio Free Asia.

10. Trần Huy Liệu: “Cõi đời của Trần Chiến”, Nhà xuất bản Kim Đồng, H. 2009.

11. Võ Nguyên Giáp: “ Tổng tập Hồi kí”, Nxb QĐND, H, 2006.

12. Hoàng Văn Hoan, "Giọt nước trong biển cả", Bắc Kinh, 1986.

13. C.B. “Địa chủ ác ghê". Báo Nhân dân, số ra ngày 21 / 7 / 1953. Sau này được đăng lại trong tuyển tập "Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất", báo Nhân dân xuất bản năm 1955

14. “Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh 11/1953”. Saturday, ngày 13 /9 /2014. [”http://www.baotanghochiminh.vn/.../PreTabId/503/Default.aspx Bản gốc]

15. “Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh 7/1953”. Saturday, ngày 13 / 9 /2014. Bản gốc lưu trữ ngày 2 /5 / 2019.

16. “Thực hiện cải cách ruộng đất" - báo cáo 1953 của Trường Chinh. Từ điển bách khoa Việt Nam. Nxb Từ điển Bách khoa, H, 2006

17. “Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam”. Từ điển bách khoa Việt Nam, Tập 1, Nxb Từ điển Bách khoa, H 2006;

18. Lê Phú Khải, “Lời ai điếu”, Hồi kí, NXB Người Việt, Hoa Kỳ, 2016,

19. Phạm Khắc Hoè, “Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc”. Hồi kí, Nxb Thuận Hoá, 1985.

20. Đặng Văn Việt: “Con đường 4- Con đường lửa”, Hồi ký, Nxb Cao Bằng và Tạp chí LSQS / Viện Lịch sử QS VN - BQP, 1987.

21. Vũ Thư Hiên, “Đêm giữa ban ngày”, Hồi ký, NXB Tiếng Quê Hương, Virginia, Hoa Kỳ. 1997.

 

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ, của Đặng Xuân Xuyến:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét