ĐỌC HỒI KÝ CỦA
CON TRAI MỘT CỐ THỊ TRƯỞNG
*
Bùi Mạnh Hiệp giới thiệu
Tác giả: Ngô Quốc Phương - Nguồn: hanoingaythangcu
Ảnh minh họa: Bác sỹ Trần Duy Hưng, Thị
trưởng Hà Nội
tại lễ khai trương đường phố mang tên Điện
Biên Phủ ở Hà Nội.
Bài viết là quan điểm riêng của các tác
giả.
Tôi hân hạnh được tác giả hồi ký, ông Trần
Tiến Đức, con trai cố Thị trưởng Hà Nội thời kỳ đầu của chính quyền Hồ Chí Minh
- ông Trần Duy Hưng, chia sẻ tham khảo bản thảo hồi ký của ông mới hoàn tất,
với tựa đề 'Đời Là Một Cuộc Rong Chơi' vào tháng Tám năm 2021, đúng vào
tháng mà Việt Nam chuẩn bị đánh dấu 76 năm cuộc Cách mạng của những người Cộng
sản và cuộc cướp Chính quyền của họ ở Việt Nam, từ đó lập nên nhà nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện
nay.
Do thời gian hạn chế, cũng như nhiều hạn
chế khác về mặt chuyên môn, năng lực và tư liệu so sánh, tham khảo, tôi chỉ xin
biên vài dòng dưới đây, đề cập một góc, một khía cạnh, từ cảm quan của mình, mà
chắc chắn có thể còn phiến diện, chưa đầy đủ, chưa sâu, cũng như có thể chủ
quan... nhất là trong tình huống cảm nhận dựa trên một bản thảo chưa phải là
cuối cùng.
CHÂN DUNG QUAN CHỨC MỘT CHẾ ĐỘ... QUA MỘT
HỒI KÝ
Trong cuốn hồi ký của Trần Tiến Đức, mặc dù
có thể tác giả không gọi như vậy mà có thể lựa chọn cách đặt vấn đề khác, qua
cuốn phim của cuộc đời tác giả được chiếu lại với đạo diễn, kịch bản và thuyết
minh của chính tác giả, có thể có thêm một bổ sung chân dung cho một chế độ và
các quan chức của nó tại một xứ sở qua chừng 2/3 thế kỷ.
Qua các chặng đời của mình, từ bé dại, cho
tới thiếu niên, đi học, học ở nước ngoài (Trung Quốc, Nga), cho đến khi (bị
đưa) về nước sớm hơn dự định để đi làm, chuyển hết cơ quan, môi trường này đến
môi trường khác, kể cả trong, ngoài, trước, trong và sau chặng đường dài làm
công chức, quan chức nhà nước từ các lĩnh vực thông tin khoa học, công nghệ,
thông tin tham vấn chính sách khoa học, công nghệ, báo chí (phát thanh, truyền
hình...), phim ảnh (tài liệu khoa học, lịch sử...), truyền thông, tới các lĩnh
vực chính sách, chiến lược (tư vấn chiến lược cấp cao, hoạch định, triển khai
chính sách, chiến lược trong một số ngành mới, quan trọng như dân số và phát
triển, y tế phòng chống đại dịch thời đại (HIV/AIDS), hỗ trợ phát triển, đào
tạo về hoạch định, vận động, tham vấn, thực hiện chính sách, chiến lược, liên
quan cả vận động chính sách trong các địa hạt xã hội dân sự, thúc đẩy quyền con
người v.v..., tác giả Trần Tiến Đức đã cung cấp những tư liệu trực tiếp mà ông,
qua đó thể hiện như chứng nhân, người có thẩm quyền với tư liệu, thông tin, có
được sống động về các cơ quan, tổ chức, nhân vật, góp phần cho thấy (thêm) diện
mạo, chân dung một chế độ. Xin điểm qua một vài nhân vật, điểm xuyết (không đầy
đủ) theo sợi chỉ sự kiện cuộc đời được nhìn lại qua hồi ký của tác giả:
Hồ Chí Minh:
Một con người giản dị, hiểu biết, có văn
hóa, yêu trẻ em, am hiểu Đông - Tây, rất tâm lý trong ứng xử, đối đãi trong
ngoài, trong đó có các cán bộ mà ông sử dụng (như Trần Duy Hưng, bố đẻ của tác
giả hồi ký), có vẻ cố lãnh tụ cách mạng này của Việt Nam, như tác giả nói có
gia đình riêng/hay con cái (không chính thức), ít nhất có hai chi tiết được nêu
ở hai nơi trong hồi ký. Phỏng đoán: nếu xuất bản chính thức tại Việt Nam, có
thể sẽ không được đưa vào (?)...
Trường Chinh:
Hoạt động khôn ngoan, biết nhớ ơn (một)
người từng giúp đỡ mình thoát hiểm, tuy chính tác giả không dám chắc là ông có
luôn như vậy với các 'ân nhân' khác hay không, nhân vật không được nhắc đến
nhiều.
Phạm Văn Đồng:
Bình dị, gần gũi (ít ra là với tác giả), cũng
được nhắc đến không nhiều.
Hoàng Văn Hoan:
Cựu Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại
Trung Quốc khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Lao động Việt Nam sau này. Có
nguyên tắc, khi nhắc nhở các học sinh, học viên du học về học hành, sinh hoạt,
được nhắc thoáng qua.
Võ Nguyên Giáp:
Sẵn sàng hợp tác, khi phải thực hiện lại
một cuộc phỏng vấn ghi hình tới hai lần, ở hai địa điểm khác nhau, vào thời
điểm mà tên tuổi của ông bị 'ỉm đi', 'che mờ', và có chủ trương cho về vườn.
Trần Duy Hưng:
Cựu Thị trưởng Hà Nội, dưới chính quyền mới
của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cha đẻ của tác giả, một nhân sỹ, trí thức tây
học, có chuyên môn, đạo đức, nhân từ, gần dân, thương dân, không luồn cúi, từng
được trọng dụng, nhưng rồi lại bị phân biệt đối xử ngay trong đảng, tuy được
nhiều người quý mến, kính trọng, cuối đời bị đảng và chính quyền, một số lãnh
đạo cầm quyền giai đoạn sau từ chối không cho ra nước ngoài điều trị, dưỡng
bệnh (không cho đi Pháp), mất tại bệnh viện (Hữu Nghị Việt - Xô), khi mất không
trăn trối gì, lễ tang ở một địa điểm của ngành Công đoàn tại Hà Nội...
Tạ Quang Bửu:
Lãnh đạo giỏi chuyên môn, biết nhìn ra
người tài, trọng dụng tác giả, dám giao công việc khó, quan trọng cho người
ngoài đảng, thời kỳ tác giả mới về Việt Nam, làm việc tại Ủy ban Khoa học Nhà
nước.
Trần Lâm:
Lãnh đạo ngành phát thanh, truyền hình biết
tin tưởng, giao phó cho người có chuyên môn, tâm huyết, năng lực (là tác giả)
trong các công việc có tính đột phá về nội dung, công nghệ, kỹ thuật, thể hiện
có khả năng trọng dụng và sử dụng nhân tài (ít ra là qua trường hợp tác giả và
các đồng nghiệp), dám giao phó để nhân tài phát huy (hợp tác truyền hình quốc
tế Việt - Xô, làm các cầu truyền hình đầu tiên, khai phá, có tính cột mốc,
trong đó có các sự kiện du hành gia Phạm Tuân được đưa lên vũ trụ, Olympics
1980 tại Moscow/Maskva, các sự kiện chính trị khác...)
Phạm Khắc Lãm:
Lãnh đạo truyền hình, tạo điều kiện làm
việc cho nhân tài, phải chia sẻ cán bộ có năng lực cho cơ quan khác cho nhiệm
vụ chiến lược quan trọng khác, nhưng vẫn cố giữ (một cách tích cực, vì quý
trọng) cán bộ để phục vụ cho cơ quan của mình tới khi buộc phải 'nhường', do
chính Thủ tướng nhắn là 'trong chuyện này, anh Lãm đừng đùa với tôi!'.
Võ Văn Kiệt:
Một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, có năng lực,
cấp tiến, bén nhạy với những vấn đề mới, đầu óc lãnh đạo chiến lược, có tầm
nhìn, có bản lĩnh, quyết tâm, dám đi những bước đi và ra những quyết định có
tầm vóc lâu dài, chiến lược, biết tin tưởng cán bộ, trọng dụng nhân tài, sống
có tâm, hiểu biết, hòa nhã. Tác giả đã được ông Kiệt trọng dụng và hết sức tin
cậy, ủng hộ trong nhiều công việc quan trọng, hỏi ý kiến, giao việc quan yếu,
chiến lược (làm chiến lược, chính sách, kế hoạch dài hạn về các lĩnh vực liên
quan Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, Dân số & Phát triển...), hỏi ý kiến (để
thăm dò) khi dự định làm tuyến đường tải điện chiến lược nối kết Bắc - Nam...
Gần gũi, chân tình, chia sẻ: chơi tennis cùng, uống rượu cùng, người thân (con
gái) của cán bộ mất (do gặp nạn), đến tận nhà để thắp hương, chia sẻ... (Cũng
như trường hợp Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt là nhân vật được nhắc đến khá nhiều).
Mai Kỷ:
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Dân
số, Kế hoạch hóa Gia đình, trước đó làm các trách vụ khác, một người cao niên,
không có sức khỏe đủ để dự sự kiện quốc tế quan trọng, nhưng được nhắc tới vừa
phải, không có nhiều dấu ấn (ít nhất là tại hồi ký).
Trần Thị Trung Chiến:
Cựu Bộ trưởng Y tế, cựu Bộ trưởng Chủ nhiệm
Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, người được tác giả nhắc đến nhiều trong
giai đoạn sau khi ông chuyển từ phát thanh, truyền hình trung ương, hãng phim
nghe nhìn... sang hẳn Ủy ban nhà nước, trực thuộc Chính phủ, sau khi ông Mai Kỷ
nghỉ..., cho một chân dung của nữ chính khách của chế độ được quy hoạch từ địa
phương lên cơ quan trung ương. Nhiều chi tiết cho thấy biết hoặc buộc phải sử
dụng cán bộ có năng lực (ít nhất, tại đây là trường hợp Vụ trưởng, chuyên viên,
chuyên gia cấp cao - Trần Tiến Đức, tác giả hồi ký). Các chi tiết được kể ghép
lại cho thấy (phần nào) đây là một nhân vật có tính cách, cũng nhạy bén trong
lĩnh vực mới (từ bác sỹ y khoa, sang lĩnh vực quản lý nhà nước về dân số và
phát triển...) mà thời đó Việt Nam đang bước đầu hòa nhập quốc tế, khu vực, còn
nhiều chập chững, rất cần quốc tế và các chuyên gia (trong nước - không quá
nhiều) trợ giúp, tư vấn, tham mưu... Những chi tiết bà bực bội vì cán bộ thu
xếp các chuyến đi công tác nước ngoài không vừa ý, có thể coi là những chi tiết
rất người (bay lệch sân bay tại Mỹ, phải thuê xe đi 200 km để tới nơi cần đến,
lỡ hẹn với đối tác nước ngoài ra đón), hay không thoải mái khi tới Mỹ phải xếp
hàng cả tiếng (như hành khách khác) khi nhập cảnh Mỹ (do không phải là khách
mời do chính phủ Mỹ mời chính thức, trực tiếp)..., cũng rất thẳng thắn: sẵn
sàng yêu cầu đổi phiên dịch, dù là ở cấp vụ, khi thấy không đạt yêu cầu...
Đào Duy Quát:
Lãnh đạo đảng ở cương vị cao tại Ban Tuyên
giáo Trung ương, đã đề nghị cùng một đoàn đa thành viên ra nước ngoài (tới Úc)
trong một chuyến đi mà (tác giả hay những người có chuyên môn, hợp tác liên
quan) có thể cho là không cần thiết, đi xong khi về, tại Hội thảo liên quan dự
án... lại tỏ ra nóng nảy, mất bình tĩnh trước quan khách quốc tế, do không vừa
ý (có thể có các nguyên nhân nào đó từ cương vị đại diện cho đảng Cộng sản cầm
quyền) mà tỏ thái độ và viện cớ bận công việc, bỏ ngang hội nghị/hội thảo quan
trong ra về. Vài chi tiết điểm xuyết cho thấy, đây là nhân vật quan chức có
tính cách, phong cách và tư duy ra sao...
Và hàng chục nhân vật khác nữa trong các tổ
chức, cơ quan khác nhau mà tác giả có dịp làm việc, hợp tác, cộng tác, quen
biết, sinh hoạt, nhiều người trong đó là các bạn học, 'chiến hữu' từ thời niên
thiếu ở Hướng đạo, rồi An toàn khu (ATK), thiếu sinh quân (đi học tại Trung
Quốc), rồi du học sinh, sinh viên đi học tại Liên Xô, các đồng nghiệp tại các
cơ quan trong ngoài nhà nước, chính phủ mà tác giả có dịp gặp gỡ, làm việc trực
hay gián tiếp...
Trần Tiến Đức:
Bản thân tác giả, một người đa tài, đa
năng, làm việc trong rất nhiều lĩnh vực quan trọng, mà như tác giả kể, ở lĩnh
vực nào cũng như hay gần như là người đi đầu, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám
chịu trách nhiệm, có năng lực, hiếu học, làm được nhiều việc, con người đàng
hoàng, bản lĩnh, không luồn cúi (như tác giả nói là giống cha đẻ của mình),
không xin xỏ, không muốn ai làm ơn cho mình, thấu hiểu đạo lý và thực hành có
nguyên tắc trong suốt cuộc đời: trọng nghĩa, khinh tài, khinh quyền lực, không
màng cả những huân chương, huy chương (Tôi không có nhu cầu đeo huân chương -
như viết trong phần gần cuối bản thảo hồi ký). Một người cực kỳ nhạy bén với
cái mới, có ý thức học hỏi, làm việc chuyên nghiệp, cực kỳ quảng giao, được bạn
bè, thầy cô giáo, đồng nghiệp, đối tác... trong, ngoài nước mến quý, mến trọng,
được lãnh đạo (dù thích hay không) nể và tín nhiệm giao cho các công việc khó
khăn, ít người làm được, vào đảng và 'ra đảng' nhẹ nhàng, vào vì lý do thủ tục
công việc, và ra (như ứng xử với huân chương, thành tích) chỉ đơn giản là cất
hồ sơ đảng vào ngăn kéo riêng tại nhà mà không sinh hoạt từ sau khi thôi làm
cho nhà nước...
Một quan chức mà thực ra là một chuyên gia
cấp cao hoạch định chính sách, chiến lược rất năng động, cởi mở, nhạy bén, như
những gì tác giả chia sẻ; Một người có hiểu biết, văn hóa, một nghệ sỹ từ tâm
hồn, đến tính cách, một người chồng, người cha, người ông, người con chuẩn mực,
thông hiểu đạo lý, trên dưới, trước sau...
VÀI DÒNG VIẾT THÊM:
Qua cuộc đời trên 80 năm trải qua tới nay
của tác giả, có thể thấy ông đã có rất nhiều dịp quý và hiếm để sống và làm
việc trong chế độ, nơi mà tại đó ông làm việc hết mình, xông xáo, lăn xả trong
suốt cuộc đời, như tác giả tự kể.
Chân dung chế độ từ góc nhìn Trần Tiến Đức
qua những nhân vật, sự kiện mà ông tiếp xúc và kể lại, hiện lên sinh động, gần
gũi, khá rõ ràng, từ những người Cộng sản, những lãnh đạo cao cấp, trung cao và
xử thế của họ: khi cần thì sử dụng, khi không cần thì có thể đối xử khác đi
(như với cha tác giả), sử dụng nhưng kiềm chế, có vạch lằn ranh, không cho phát
triển thêm (như với tác giả, được sử dụng làm chuyên viên, phiên dịch, tư vấn,
tham mưu... nhưng không cho đi học chính quy, trường lớp nữa, làm cho bị... lỡ
thời, mặc dù các trường viện, giáo sư nước ngoài, quốc tế rất mong nhận đào tạo
với học vị Phó Tiến sỹ/Tiến sỹ...); cho tới những con người, những cán bộ trong
nhiều ngành, nhiều giới ba miền với đủ những tính cách, phong cách rất đời
thường con người, chẳng phải thánh nhân, thần thánh gì... mà qua đó có thể thấy
một chế độ hiện lên sinh động, có những 'khuôn mặt người', 'hơi thở người', với
đủ 'hỷ, nộ, ái, ố', những ưu và cả khuyết tật... đằng sau những quyết định,
luật lệ, những chuyển động của cỗ máy quyền lực, ứng phó trong ngoài, đối nội,
đối ngoại qua suốt những chặng đường, giai đoạn mà tác giả là một chứng nhân.
Tóm lại, sau một số hồi ký, sách vở, trong
đó có thể đơn cử như Đêm Giữa Ban Ngày (Vũ Thư Hiên), Người
Bị Rút Phép Thông Công (Nguyễn Mạnh Tường), Hồi Ký Trần Văn Trà - Đời
Chiến Sỹ, Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội (Nguyễn Văn Trấn), Hồi Ký Đoàn Duy Thành
(Làm Người Là Khó), Hồi ký Trần Quang Cơ, Hồi Ký Của Một Thằng Hèn (Tô Hải)
v.v... và đặc biệt gần đây sau các cuốn Bên Thắng Cuộc (Huy Đức) và Đèn
Cù (Trần Đĩnh), Hồi ký 'Đời Là Một Cuộc Rong Chơi' của Trần
Tiến Đức có thể được coi là một tư liệu quý, có thể được viết ra như bởi một
chứng nhân đại diện cho những con người, bạn bè, đồng nghiệp, thân quyến trong
giai đoạn, thế hệ của ông, cung cấp thêm và bổ sung quan trọng cho thấy thêm về
Việt Nam trong giai đoạn từ 1945, qua 1954, qua 1975, cho tới gần đây.
Là một độc giả của bản thảo cuốn Hồi ký
này, tôi biết ơn tác giả Trần Tiến Đức đã cho tôi cơ hội này và mong ước cuốn sách
được kể ra từ cuộc đời của ông, như một cam kết ngầm 'đã kể thì kể sự thật',
tuy đâu đó có thể hiểu 'không thể nói hết, kể hết' vì có thể có nhiều lý do,
hoàn cảnh nào đó, sẽ mau sớm được in ấn, xuất bản và tới tay bạn đọc gần xa.
*
Kent, Anh quốc, ngày 15/8/2021
NGÔ QUỐC PHƯƠNG
(Nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên giảng viên/nghiên cứu viên khách mời, thỉnh giảng (Maitre de Conférence Invité, Đại học CNAM Paris, Pháp)
Mời nghe Trương
Ngọc Tuân đọc truyện ngắn
CHÀNG LÙN NỂ VỢ của
Đặng Xuân Xuyến:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét