MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

THỜI TRỤY LẠC - Tác giả: Nguyễn Hồng Lam ; Tạ Hồng Trường giới thiệu

 

THỜI TRỤY LẠC

*

Tôi không phải là một Tăng sinh hay Phật tử, lẽ ra tôi sẽ không muốn đề cập chuyện này. Nhưng, suốt tháng Vu Lan vừa qua, canh cánh trong óc tôi vẫn cứ là hoài nghi: liệu những việc sặc mùi trục lợi mà công dân Vũ Minh Hiếu, tức Đại Đức Thích Trúc Thái Minh đã chủ trương, tổ chức và trình diễn vừa qua có thể đáng và bị xử lý, phải nhận chế tài luật pháp được không? Tôi cho rằng, câu trả lời là một chữ: được!

Theo quy định, phải từ bậc Thượng Tọa trở lên (cao hơn nữa là Hòa Thượng), mới được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xếp vào hàng Giáo phẩm. Từ bậc Đại Đức trở xuống chỉ là Tăng (đại) chúng. Nói như thế để hiểu rằng, trong chốn Phật môn, Đại Đức Thích Trúc Thái Minh chưa thuộc hàng có đai đẳng, phẩm trật gì cả, đồng nghĩa cả quá trình tu lẫn tập, cả trình độ Phật học lẫn phẩm hạnh Phật giáo, vị đại chúng tăng này đều chỉ ở mức trung bình.

Nếu xuất gia từ nhỏ, các Sadi ít nhất phải đủ 20 tuổi mới được thầy bổn sư (phía Bắc gọi là thầy nghiệp sư) xét thấy đầy đủ đạo đức, tư cách cho thọ tỳ kheo, chính thức trở thành người tu hành Phật giáo. Từ khi thọ đại giới tỳ kheo thì vị ấy phải tu tập đủ 25 hạ lạp, kèm theo những chứng nhận trình độ Phật học đầy đủ mới đủ điều kiện tấn phong Thượng Toạ.

Thọ Sadi với Hòa thượng Thích Thanh Từ, phái Trúc Lâm Yên Tử từ năm 1994 nhưng Thích Trúc Thái Minh vẫn chưa qua đào tạo - thọ giáo bài bản về Phật học. Tuổi hạ lạp còn rất thấp - mới 6 năm. Còn lâu Thích Trúc Thái Minh mới được đứng vào hàng cao tăng Phật môn, được công nhận thuộc hàng Giáo phẩm.

Nói còn lâu là nói chắc, bởi cả pháp tu lẫn pháp hoằng dương của vị này cũng rất lơ mơ, chắp vá, nhiều khi là mạo danh, vô pháp. Là đệ tử phái Trúc Lâm, nghiêng về Thiền, ông tự đề ra pháp tu Hạnh đầu đà - thiên về khổ hạnh, cùng đệ tử ra ngồi gốc cây ngoài rừng cả đêm, ngủ trên đất, ăn một bữa, vốn không phải là pháp tu bản môn. Cũng chẳng sao, vì người tu hành có quyền lựa chọn, sáng tạo tu thức. Chối Phật và vô Phật là ở chỗ, ngồi kiết già dưới gốc Bồ Đề, một tay sư Thái Minh cầm tràng hạt, tay kia lại cầm điện thoại Vertu đắt tiền (nhiêu người nói trị giá 80.000 USD). Cả trong quán niệm lẫn trong hành trì thực tế, tôi chịu, chẳng thấy chút màu sắc khổ hạnh nào trong kiểu tu ấy cả. Tạm gọi đó là trình diễn. Cả việc xây dựng chùa hoành tráng, lộng lẫy, tổ chức những buổi thuyết giảng, lễ hội hàng ngàn, hàng vạn người tham gia, cờ phướn hoa đăng rợp trời cũng chỉ là trình diễn, không ăn nhập gì với Hạnh đầu đà mà ông ta tuyên bố. Hơn thế nữa, chùa hoành tráng, lễ đông đúc, nhưng đến nay, Ba Vàng vẫn không biết do ai quản lý, chẳng nằm trong Giáo hội Phật giáo. Vậy bảo Thích Trúc Thái Minh có công với Phật giáo thì xin hỏi, nhưng "công đức" ấy hồi hướng về đâu, nếu không chỉ là cho chính bản thân, sặc mùi vị lợi?

Tu theo phái Thiền Trúc Lâm, song Thích Trúc Thái Minh và các đệ tử Ba Vàng lại đắp y màu vàng sậm, đôi khi để hở vai, gần giống với y phục của phái Nam Tông ở phương Nam. Cả miền Bắc, mỗi chùa Ba Vàng, vốn thuộc Phật Giáo Bắc Tông - Đại Thừa mặc không giống ai, lai y phục Nam Tông (có cải biên một chút), thường phổ biến ở khu vực đông đồng bào Khmer ở miền Nam - Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng Thích Trúc Thái Minh chưa hề tuyên bố đổi dòng tu, cũng như phía Nam Tông chưa bao giờ coi ông ta là đệ tử. Đó là sự mạo danh. Kể cả khi người trong tôn giáo, cố tình đắp y phục của môn phái khác, hành lễ của môn phái khác, đó vẫn cứ là mạo danh tôn giáo. Mạo danh để làm gì, nếu không phải là dấu hiệu lừa đảo? Đáng tiếc, chưa từng nghe Giáo hội Phật Giáo Việt Nam nhắc nhở lấy một lần về chuyện này.

Cúng vong, giải vong vốn là một nghi thức Đạo giáo, vào Việt Nam đồng nguyên với Phật Giáo, có tồn tại trong Phật Giáo Đại thừa. Chùa Ba Vàng thực hành nghi thức này có thể là không sai. Tuy nhiên, cái sai là chia ca, áp giá cho mỗi ca thỉnh vong, mà toàn giá cắt cổ lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Để có thể ra giá và thu trọn tiền muôn bạc vạn, Thích Trúc Thái Minh đã tùy tiện đưa cả nữ nhân, bà Phạm Thị Yến về chùa Ba Vàng thuyết giảng, giải thích nhăng cuội về vong này, lỗi kia, kiếp này, kiếp khác để hù dọa Phật tử, ép họ và mặc cả. Đó là gieo rắc nỗi sợ hãi. Trong việc này, Thích Trúc Thái Minh, Phạm Thị Yến đã vi phạm luật pháp ở hàng loạt tội: tuyên truyền mê tín dị đoan; lừa đảo; lợi dụng chức vụ quyền hạn (trong tôn giáo, tín ngưỡng) để chiếm đoạt tài sản; hoặc lợi dụng tín nhiệm để trục lợi...

Có thể luật pháp, vì lý do gì đó, tôi không biết, đã bỏ lọt, không xử lý rốt ráo công dân Vũ Minh Hiếu trong vụ này (2019), nhưng đừng ai nói là Thích Trúc Thái Minh không hề sai phạm. Phật giáo Việt Nam vốn lỏng lẻo, nương tay trong kỷ luật, nhưng ngay sau đó cũng đã cách toàn bộ chức vụ của Thích Trúc Thái Minh trong Giáo hội, đồng thời buộc ông ta phải thực hành "sám hối đại tăng" - hình thức kỷ luật cao nhất đối với một tăng chúng.

Tuy nhiên, loài báo không bao giờ thay đổi được đốm vằn trên lưng nó. Mùa Vu Lan vừa qua, Thích Trúc Thái Minh lại tiếp tục có hành vi tổ chức hoạt động vụ lợi rầm rộ hơn, với lễ sớt bát trong khuôn viên chùa Ba Vàng. Đáng nói là, trong lễ có cả nghi thức trì bình khất thực, vốn là nghi thức chỉ của riêng Phật giáo Nam Tông, tu Tiểu thừa. Theo luật tạng, khi trở thành 1 vị tỷ khưu (tỳ kheo), việc tu hành có ba ý nghĩa. Một là biến mình thành khất sĩ, hai là bố ma và ba là phá ác, nhằm hoàn thiện bản thân và giúp đời. Khất sĩ là hình thức xin ăn để diệt trừ ngã mạn, người tu hành cúi mình khiêm cung nhận thức ăn của sự cúng dường (nói rõ là sự bố thí). Và chỉ thế thôi. Họ chỉ nhận thức ăn, không nhận tiền, hoa. Cách đi đứng, giờ giấc, cách thức nhận, chối từ... đều phải tuân thủ, gồm 26 điều khoản. Khi bình bát đã đầy, người đi khất thực sẽ đậy nắp bình, thu bình vào áo, không nhận nữa, trở về chùa theo đúng con đường đã đi qua bằng những bước chân khoan thai, từ tốn. Họ bước đi trong chánh niệm.

Nhưng, "khất thực" tại chùa Ba Vàng không phải chỉ mưu cầu đủ một bữa ăn. Nó đích thực là một buổi thu hụi chết không cấp biên lai, một buổi thu tô niềm tin. Chùa Ba Vàng không nhận thức ăn và tại đó cũng không ai cúng thức ăn, chỉ nhận tiền! Phẩm vật cúng dường (tiền) không do Phật tử bỏ vào bình bát hay hòm công đức mà sư tăng điềm nhiên vặt, hái, giật trên tay thí chủ. Đi theo Thích Trúc Thái Minh là hàng chục "tình nguyện viên", mỗi người mang trên tay một xâu giỏ xách may sẵn. Tiền từ bình bát của "sư thầy" được trút vào giỏ của đệ tử đi theo. Giỏ đầy thì chuyền ra cho đệ tử khác cất, thay giỏ mới. Đội quân thu tô lăng xăng, nườm nượp.

Không nghi ngờ gì nữa, đây không phải là nghi lễ tôn giáo, mà là một cơ hội kinh doanh đức tin. Thí chủ dù tự nguyện, cũng là nạn nhân, đang dùng tiền để mua về một sự lừa bịp. Nó không phù hơp với nghi thức cúng dường, cũng chẳng liên quan gì đến ý nghĩa khổ hạnh, diệt ngã mạn của nghi thức khất thực. Mang theo niềm tin chân thiện, cả vạn thí chủ đang bị lừa đảo, bị biến thành khổ chủ - nạn nhân. Và chính nó đã gây ra "đại khẩu chiến Phật môn" giữa hai nhân vật của Giáo hội Phật Giáo hai miền Nam Bắc, gây chia rẽ đường tu, chia rẽ Phật Giáo. Vì sao phải cãi nhau, không nói ra nhưng ai cũng biết!

Lời dạy của Đức Thế Tôn, đồng thời cũng là là 6 phép xử thế, 6 yêu cầu - cảnh giới mà chư tăng Phật Giáo phải đạt được trên đường tu để đạt đến Giác Ngộ, được gọi là "Lục Hòa", gồm: Thân hòa đồng trú; Khẩu hòa vô tránh; Ý hòa đồng duyệt; Giới hòa đồng tu; Kiến hòa đồng giải; Lợi hòa đồng quân. Cuộc tranh cãi ngay trong nội bộ Phật Giáo, khởi đầu từ việc Thích Trúc Thái Minh tổ chức biến nghi thức khất thực của hệ phái khác thành buổi "thu hụi" cho bản thân và chùa Ba Vàng đã phá nát những gì đẹp đẽ trong giới hạnh Lục Hòa. Một người tu hành bậc thấp, phẩm hạnh kém cỏi như thế, lấy tư cách gì mà xoa đầu, ban phước cho chúng sinh như một Vua Phật, một lãnh tụ tinh thần? Nhận ân phước bá vơ như thế, không gọi là u mê, lầm lạc, tôi biết gọi bằng gì?

Quần chúng u mê còn có thể hiểu. Nhưng cả luật pháp cũng không lên tiếng, cả Giáo hội Phật giáo vẫn điềm nhiên để cho vị trụ trì Ba Vàng được bổ nhiệm Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Bình ngay giữa ta bà thị phi chưa dứt thì thật không hiểu nổi. Mà tại sao tu tập, gây tai tiếng ở Quảng Ninh, cách đây chưa lâu đã bị mất hết chức vụ trong Giáo hội Phật giáo ở Lai Châu, Quảng Ninh, giờ lại thành "chức sắc" trong giáo hội Quảng Bình? Tại sao ông Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình lại đứng ra xác nhận "quy trình bổ nhiệm này là đúng quy định của pháp luật"? Tại sao thẩm quyền bổ nhiệm một chức sắc tôn giáo lại "do Sở Nội vụ và Ủy ban tỉnh quyết định và đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt"? Phật giáo Quảng Bình cần gì, chờ đợi điều gì từ một vị sư thân danh vẫn lùng nhùng trong thị phị bỡn cợt sặc mùi trục lợi? Đường tu dễ dãi và rẻ rúng vậy hay sao?

Mặc dù, như đã nói từ đầu, chức vụ gì thì Thích Trúc Thái Minh vẫn chưa hề thuộc hàng giáo phẩm, chưa hề là bậc chân tu phẩm hạnh được coi là đức cao vọng trọng, song việc "luân chuyển" của Thích Trúc Thái Minh vẫn là điều không thể chấp nhận, sau hàng loạt tai tiếng đã gây ra mà chưa bị xử lý. Nó chẳng có ý nghĩa gì, ngoài phản ánh thực trạng một thời mạt pháp, xúc phạm chân tu, làm bại hoại Phật giáo.

Để điều đó công nhiên diễn ra, phải chăng cả Pháp luật Nhà nước lẫn Giới luật Phật giáo đều chưa thoát khỏi tình trạng u mê? Lạy Đức Thế Tôn, vậy thì chúng sinh ở xứ này còn trụy lạc trong bể khổ đến bao giờ?

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

Tạ Hồng Trường giới thiệu

Tác giả: Nguyễn Hồng Lam - facebook: Nguyễn Hồng Lam

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét