NỬA THẾ KỶ CÙNG ANH ĐẶNG TIẾN
*
Anh Đặng Tiến vừa qua đời ngày 17-4-2023
lúc 8 giờ sáng tại Orléans thọ 83 tuổi. Sinh ngày 30-3-1940 tại An
Trạch, Điện Bàn, nay là Hòa Vang Đà Nẵng. Học Lycée Blaise Pascal Đà
Nẵng, anh Tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Năm 1966 anh được một
chức vụ Tùy Viên Văn Hoá tại Sứ Quán Việt Nam Cộng Hòa tại Freiboug
tại Thụy Sĩ, nơi đây anh gặp gỡ chị Minh Nguyệt con vị Đại Sứ tại
Thụy Sĩ. Năm 1968 anh từ nhiệm đến Orléans Pháp dạy Văn Chương Pháp
tại một trường Trung Học. Năm 1969 anh cùng các anh Nguyễn Phú Phong,
Phạm Đán Bình, Tạ Trọng Hiệp sáng lập ra Ban Việt Học tại Viện Đại
Học Paris VII, anh phụ trách Giảng Viên về Văn Chương Việt Nam, cho đến
ngày nghỉ hưu năm 2005. Anh viết hàng trăm bài viết về Nguyễn Du, Bà
Huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mạc Tử, Đinh Hùng, Xuân Diệu, Huy Cận,
Nguyễn Đình Thi, Phạm Công Thiện, Nguyễn Bắc Sơn cho đến những nhà thơ
trẻ thi ca hiện đại, anh còn viết
các tiểu luận về các thi pháp Romaine Jakobson (1896-1902). Claude
Levis-Strauss (1908-2009). Các bài viết anh được tập họp thành sácg Vũ
Trụ Thơ. Giao Điểm Sài Gòn 1972. Vũ Thụ Thơ Vũ Trụ Thơ II. Thư Ấn Quán
Hoa Kỳ 2008. Thi pháp và Chân dung. Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà Nội 2009.
Tôi biết anh từ những ngày còn là học sinh
Trung Học đăng thơ trên các tạp chí, các báo Văn, Tân Văn, Thời Nay.. tại Sài Gòn. Anh
hơn tôi 11 tuổi. Tôi mến anh từ bài thơ anh viết cho chị Minh Nguyệt,
tôi cho là bài thơ hay nhất của thế kỷ viết cho người yêu. Tôi thường
đùa với anh : « Trước mắt có tình không tả được, Vì thơ
Đặng Tiến ở trong đầu. » Bài thơ anh tôi còn giữ qua bao năm
tháng.
VỀ MỘT ÁNH TRĂNG
Trời xanh ngát lời chim khuyên
mới chớm
Lời bao la lìa ý vụt bay cao
Lả cánh mộng hồn đêm lìa xác
bướm
Về quỳ bên Em, dâng một cánh hoa
đào.
Tình gửi chân mây. Em còn nhớ
kiếp nào,
Hanh nắng trong lòng hay trăng xế
chiêm bao ?
Ngày em đến hoa quên mà lá nhớ
Anh đợi em đây. Em đừng bỡ ngỡ
Sông ngàn xưa là tâm sự nước
nghìn sau.
Tóc từng sợi lạc dòng từ
nguyên thủy
Trôi bơ vơ phế tích một thiên
đường
Như chiếc lá lay bay về cội ý
Là lòng Anh xin cưới một quê
hương.
Anh không viết lời thề lên lá
đỏ -
Màu sắc nào không ngờ vực thời
gian ?
Đá quên thề nên ngoại tình với
gió
Đêm hôm rồi nở một đóa phong
lan…
Hạt cát nào ngậm lâu đài trong
ký ức.
Hạt sương nào nuôi biển lớn
cuối tương lại
Dẫn lối Em về, muôn tế bào
cháy rức
Lửa hành tinh lạc dấu đã đầu
thai.
Giông tố cũ đã san bằng quá
khứ,
Chút hoang liêu gìn lại gửi mai
sau
Em đã hái từng trái sầu đỏ úa
Trên cành khô ươm lại đóa hoa
đầu.
Có bao giờ ai biết tiếng thương
đau
Của loài chim ngậm hờn trong cổ
họng
Mà vẫn bao dung triền miên như
bọt sóng
Về gục bên Em, dâng một đóa hoa
đào.
ĐẶNG TIẾN
(Freibourg, Xuân Canh
Tuất 1970)
Bài thơ tuyệt vời, mối lần tôi nhắc, chị
Minh Nguyệt còn long lanh cảm động và chị đã sinh cho anh ba con :
Nhất Lập, Lãm Thúy và Đặng Tam.
Tôi đi du học tại Louvain và sau đó qua Paris
từ năm 1973 từ đó tôi thường gặp anh luôn, anh đến nhà tôi khi lên Paris
dạy học, tôi đến nhà anh bên bờ sông Loiret ngoại ô Orléans, tôi thường
gặp anh trong các buổi nói chuyện tại Đại Học Paris VII, Hội Khoa Học
Xã Hội Việt Nam tại Pháp, gia đình anh và gia đình tôi thân thiết,
cùng đi nghỉ hè tại Dã thự Cam Tuyền của GS Hoàng Xuân Hãn bên bờ
biển Normandie. Tôi và anh như Lệnh Hồ Xung nhân vật Tiếu Ngạo Giang Hồ
của Kim Dung. Ai cũng là bạn thân không phân biệt lập trường chính
trị, tả hữu đang xâu xé nhau. Tôi và anh phiêu lưu qua những phong trào
chính trị tại Paris. Trước năm 1975,
tôi cùng anh tham gia Thành phần thứ ba tại Paris, được định nghĩa là
những người không thuộc Việt Nam Cộng Hòa cũng
không thuộc Chính phủ cách Mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam trong bản ký tên
có nhiều hội đoàn tổ chức được đăng trên báo Le Monde có hai nhân sĩ
nhà văn Đặng Tiến và tôi, nhà thơ Nhất Uyên. Rồi tôi và anh cùng tham
gia Hội Người Việt Nam tại Pháp, cùng trong Ban Biên Tập tạp chí Khoa
Học Xã Hội. Tôi và anh chẳng bao giờ nói chuyện chính trị mà chỉ
nói chuyện văn hoá văn chương. Chính trị làm mọi người xa nhau, nhưng
văn chương làm mọi người gắn bó cùng nhau.
Những năm 1980 nhà thơ Huy Cận, Bộ Trưởng
Bộ Văn Hóa thường sang Paris mỗi năm ông sang 3, 4 lần, ông là thành
viên trong Hội Đồng UNESCO Liên Hiệp Quốc, và Hội Đồng Pháp Ngữ, tại
Pháp ông cho rằng : ông có hai người bạn tâm giao là anh Đặng Tiến
và tôi. Anh Đặng Tiến nối kết để Huy Cận nói chuyện cùng nhạc sĩ
Phạm Duy và tôi nối kết để anh nói chuyện với anh Nguyễn Tường Việt
con trưởng nhà văn Nhất Linh. Anh Đặng Tiến đề xướng cùng tôi ra việc
mời Xuân Diệu sang chơi Paris và dự định sẽ mời nhiều nhà văn nhà thơ
khác. Thuở ấy trong nước còn nghèo khó, không có ngân sách để cho
các nhà văn nhà thơ ngao du ra các nước tư bản. Tôi đảm nhận phần lớn
việc ấy vì lúc đó, tôi vừa xong luận án Tiến sĩ, công việc làm đại
diện thương mại thời sinh viên lại dẫn tôi vào công việc thành lập
công ty cung cấp nữ trang đá quý cho thị trường Paris và tôi trở thành
«nhà thơ tư bản». Ông Huy Cận giao nhà thơ Xuân Diệu cho tôi và anh Đặng
Tiến tổ chức đưa ông đi chơi thăm các lâu đài vùng sông Loire và vùng
Paris. Tôi lái xe đưa ông Xuân Diệu cùng gia đình anh Đặng Tiến đi thăm
các nơi, ông Huy Cận bận công việc không thể đi cùng. Và thật cảm
động những ngày cuối ông Xuân Diệu trao tôi tất cả bản thảo thơ ông
để in bản sao và nhờ tôi công việc soạn tự Điển Tình Yêu Bằng Thơ Tình
Xuân Diệu. Tôi đã bỏ ba năm để sắp xếp thơ Xuân Diệu thành Tự Điển,
in tại Paris và việc in trong nước vẫn chưa có điều kiện.
Suốt hơn nửa thế kỷ, tôi và anh Đặng Tiến
thường điện thoại cho nhau Anh viết gì mới anh thường gửi cho tôi. Tôi
viết quyển Hồ Xuân Hương nàng là ai? anh Đặng Tiến đặt các câu hỏi
để làm bài tựa dẫn nhập.. Tôi dịch Odyssée, Iliade của Thi hào
Homère ra thơ lục bát, anh trích dẫn giới thiệu trong một bài viết
của anh. Tôi dịch thơ Đường Luật các nhà thơ chữ Hán Việt Nam như Tinh
Sà Kỷ Hành, của Phan Huy Ích, Cúc Thu Bách Vịnh 100 bài thơ đối
thoại giữa Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm, Bắc Hành Tạp Lục của
Nguyễn Du, thơ Nguyễn Hành, Nguyễn Nể, Hồ Sĩ Đống.. Bản dịch ra thơ lục bát Thần Khúc của
Dante, Tiểu Thuyết Hoa Hồng của Guillame de Loris và Jean de Meun, Les
Lusiades của Luis de Camões. Anh Đặng Tiến rất thành thật, anh nói anh
chuyên môn về Văn chương Việt Nam hiện đại, văn học Việt Nam cổ điển
bằng chữ Hán và các tác phẩm cổ điển nhân loại anh không biết
nhiều.
Ngày sinh cháu thứ nhì Giáng Tiên, anh viết
tặng tôi bài thơ:
Mừng ông, ông sướng như tiên,
Muốn tiên thượng giới gửi liền
hai cô.
Muốn thơ vần chất ba bồ,
Muốn tiền vàng ngọc ra vô rần
rần.
Mừng ông tôi lại tủi thân,
Muốn thơ hí hoáy gọt vần chẳng
xong
Tuổi cao công nợ chất chồng,
Phù danh như ngọn cỏ bồng gầy
hao
Bạn bè năm tháng tiêu hao,
Ôm đàn con dại cùng chờ tuổi
sương.
Thương nhau lỡ lối lạc đường,
Nhớ nhau chia khúc đoạn trường
chờ nhau.
*.
ĐẶNG TIẾN 1982.
Năm 2011 tôi và anh Đặng Tiến cùng vào bệnh
viện giải phẩu thay tỉnh mạch tim, tôi và anh cùng qua khỏi, để còn
nói chuyện cùng nhau, trao đổi nhau những điều tri kỷ tri âm thêm 12
năm.
Và hôm nay năm 2023 anh lại vào bệnh viện
giải phẩu dạ tràng, không thành công và anh đã ra đi.
Nhớ anh hơn nửa thế kỷ cùng anh chia sẽ
những buồn vui văn chương. Nhớ anh «Nhớ nhau chia khúc đoạn trường
chờ nhau»
Mời nhấp chuột đọc thêm:
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ
QUÊ NGHÈO, thơ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
Paris, ngày 18 tháng 4-2023
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục
Địa chỉ: Viện Đại
Học Paris Sorbonne.
Email: phamtrongchanh@free.fr
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 18.04.2023.
- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn:
internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét