MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2023

ÁN OAN CỦA TỬ TÙ NGUYỄN VĂN CHƯỞNG? - Nhiều Tác Giả

 


ÁN OAN CỦA TỬ TÙ

NGUYỄN VĂN CHƯỞNG?

*

Đặng Xuân Xuyến giới thiệu

 

TÓM TẮT VỤ ÁN NGUYỄN VĂN CHƯỞNG

- Tác giả: Lê Văn Hòa

(Nguồn: https://www.facebook.com/levanhoa256)

 

I. DIỄN BIẾN VỤ ÁN

Khoảng 21h ngày 14/7/2007: Trên đoạn đường vào nhà máy thép Đình Vũ (An Hải, Hải Phòng) xảy ra một vụ án mạng, nạn nhân là Thiếu tá CSHS Nguyễn Văn Sinh (công an phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng). Do vết thương quá nặng, ông Sinh đã chết vào 8h sáng 15/7/2007 tại bệnh viện.

Rạng sáng 3/8/2007: Cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hải Phòng bắt giữ Nguyễn Văn Chưởng (sinh 1983, quê: Thôn Trung Tuyến, Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương), là công nhân Công ty TNHH Đại Phát (Hải Phòng), đã có vợ, không tiền án, tiền sự (Chưởng còn là chủ quán Café Thiên Thần ở phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng). Bị bắt cùng ngày với Chưởng là Đỗ Văn Hoàng và Vũ Toàn Trung.

4/8/2007: Em trai Chưởng là Nguyễn Trọng Đoàn (sinh 1987), xin được giấy xác nhận của một số nhân chứng khẳng định họ đã gặp Chưởng trong buổi tối 14/7/2007 tại quê ở Hải Dương (tức là Chưởng không có mặt tại hiện trường vụ án ở Hải Phòng vào thời điểm xảy ra án mạng - 2 địa điểm cách xa nhau khoảng 40 km).

10/8/2007: Đoàn mang đơn khiếu nại của mẹ cùng giấy xác nhận của các nhân chứng nộp cho cơ quan cảnh sát điều tra - công an thành phố Hải Phòng thì liền bị bắt khẩn cấp về tội “Che giấu tội phạm”. Sau này, Cáo trạng cũng quy kết Đoàn đã hướng dẫn các nhân chứng “viết đơn, giấy xác nhận để khai báo gian dối và cung cấp tài liệu sai sự thật, che giấu hành vi phạm tội để cho Chưởng được ngoại phạm”.

3/11/2007: Báo Tiền Phong có bài “Vụ sát hại một Thiếu tá công an ở Hải Phòng: Những uẩn khúc cần làm rõ”, trong đó, tổ phóng viên điều tra phỏng vấn và trích dẫn đơn thư của một số nhân chứng khẳng định Chưởng có mặt ở quê Hải Dương vào buổi tối diễn ra vụ sát hại Thiếu tá Sinh. Nhân chứng Trần Quang Tuất cho biết: Trước đó, anh bị cơ quan điều tra dọa nên sợ hãi và viết lại lời khai là “không nhớ chính xác”.

27/01/2008: cơ quan cảnh sát điều tra ra kết luận điều tra, khẳng định Chưởng đã khai nhận cùng Trung và Hoàng chém chết Thiếu tá Sinh với mục đích cướp của để lấy tiền mua heroin.

12/6/2008: Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Chưởng, Hoàng, Trung và Đoàn. Chưởng, Hoàng, Trung bị kết tội “Giết người” (theo điểm e, g, khoản 1 Điều 93 Bộ Luật Hình Sự) và tội “Cướp tài sản” (theo khoản 1, Điều 133 Bộ Luật Hình Sự). Chưởng bị cáo buộc là chủ mưu, lĩnh án tử hình; Hoàng bị cáo buộc là kẻ thủ ác, lĩnh án chung thân; còn Trung 20 năm tù, do khai nhận hành vi phạm tội + với tình tiết bà nội của Trung được tặng thưởng Huy chương (áp dụng Điều 46 Bộ Luật Hình Sự). Đoàn bị kết án 2 năm tù về tội “Che giấu tội phạm” theo Điều 313 Bộ Luật Hình Sự. <Chưởng, Hoàng, Đoàn đã kháng cáo>.

21/11/2008: Tòa án Nhân dân Tối cao mở phiên tòa phúc thẩm (chủ tọa Nguyễn Văn Sơn) tuyên y án sơ thẩm.

* Chưởng tiếp tục kháng cáo kêu oan với lý do thời điểm xảy ra vụ án mạng Chưởng không có mặt ở Hải Phòng mà đang ở quê Hải Dương;

* Hoàng kháng cáo kêu oan với lý do không tham gia cùng Chưởng, Trung;

* Đoàn kháng cáo kêu oan với lý do việc xác nhận Chưởng có mặt ở quê là đúng sự thật.

7/4/2009: Từ trại giam, Chưởng gửi thư cho mẹ và gia đình, tường thuật lại toàn bộ vụ việc, khẳng định bị tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội:

“Họ đánh con tới tấp, con không nói được câu nào nữa, họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu? Và họ nói “Không làm gì thì tao mới đánh, chứ làm gì thì đã không bị đánh” và họ lại tiếp tục đánh con và dùng còng số 8 treo chỉ có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất… Khi ở trên trại Kế, Bắc Giang, con đã nghĩ là mình không thể sống được đến lúc ra trước tòa để nói lên toàn bộ sự thật nên con đã thêu lên tất cả quần áo chữ Chưởng VT tức “Chưởng vô tội”. Cả vỏ gối con cũng thêu nữa, còn áo phông trắng con thêu bài thơ kêu oan…”.

18/4/2011: Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra “Kháng nghị giám đốc thẩm số 09/KN-VKSTC-V3”, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm đối với Chưởng để xét xử phúc thẩm lại theo hướng giảm hình phạt cho Chưởng xuống tù chung thân.

7/12/2011: Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao gồm 11 thành viên do Chánh án Trương Hòa Bình làm chủ tọa, mở phiên tòa giám đốc thẩm, bác Kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

15/5/2012: 5 Văn phòng Luật sư biện hộ cho Chưởng cùng làm kiến nghị gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cho rằng kết án tử hình Chưởng là oan, sai, đồng kiến nghị Chủ tịch nước cho dừng việc thi hành án tử hình đối với Chưởng và giao cho cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xem xét trách nhiệm hình sự của những người tiến hành tố tụng.

18/4/2013: Nhân chứng Trần Quang Tuất (cùng quê với Chưởng, ở Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương) làm đơn xác nhận thời điểm xảy ra vụ án mạng, Chưởng có mặt ở quê Hải Dương. Trong đơn, anh Tuất phản ánh việc bị công an tra tấn, ép cung: “Tôi bị các anh công an dọa nạt, chửi bới, có lúc khóa tay vào ghế, đấm vào đầu, dọa bắt giam tôi… suốt cả ngày làm việc các anh công an luôn bắt ép tôi phải viết là: “Không nhớ rõ thời gian gặp Chưởng, và việc tôi làm giấy xác nhận để gửi cho cơ quan công an trước đây là do tôi nhớ nhầm. Do lo sợ bị bắt giam, nên tôi đã không còn cách nào khác là phải viết theo yêu cầu của công an …”.

10/9/2013: Nhân chứng Trịnh Xuân Trường (bạn của Chưởng) làm đơn gửi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, xác nhận Chưởng có mặt ở quê nhà Hải Dương vào tối 14/7/2007. Trong đơn, anh Trường cũng cho biết đã bị tra tấn, ép cung: “Chính công an tên Phong đã dùng thuốc lá đang hút châm bỏng hai bụng cánh tay tôi trước đó. Không chịu được đòn tra tấn quá dã man và do ít hiểu biết về pháp luật nên tôi phải viết theo hướng dẫn của công an”.

20/9/2014: Từ trại tạm giam Trần Phú (Hải Phòng), Chưởng tiếp tục làm đơn kêu oan.

12/12/2014: Hai Luật sư Phạm Hoàng Việt và Hoàng Văn Quánh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) bào chữa cho Nguyễn Trọng Đoàn và Nguyễn Văn Chưởng, làm đơn kiến nghị cho rằng việc tuyên án tử hình với Chưởng vì tội giết người là thiếu căn cứ, “có rất nhiều điểm còn chưa được cơ quan điều tra làm rõ, nhiều điểm mâu thuẫn và vi phạm tố tụng”.

13/3/2015: Trả lời chất vấn của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về vụ án Nguyễn Văn Chưởng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có kháng nghị nhưng Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao bác kháng nghị này. Qua phân tích, Tòa án Nhân dân Tối cao nhận định, Chưởng là người cầm đầu vụ giết người, cũng là 1 trong những người chém nạn nhân. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán là cao nhất, là sau cùng, Chánh án cũng không thể làm gì được. “Vậy giao Chánh án giải quyết lại thì tôi chịu thua, không có cách nào làm được… Tất nhiên, nếu có kiến nghị của Quốc hội thì chúng tôi sẽ xem xét thận trọng”.

 

II. VI PHẠM THỦ TỤC TỐ TỤNG NGHIÊM TRỌNG

1. Vi phạm nghiêm trọng trong bảo vệ, khám nghiệm hiện trường vụ án.

- Vụ giết người xảy ra hồi 21h30’ ngày 14/7/2007, nhưng đến 15h30’ ngày hôm sau mới tổ chức khám nghiệm hiện trường.

- Cơ quan điều tra không tổ chức bảo vệ giữ nguyên hiện trường vụ án; việc thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án rất tùy tiện: Cảnh sát Phạm Hồng Quang (chiến sỹ công an phường Đông Hải 2) đem áo mưa, áo cảnh sát, dép…của nạn nhân Sinh gửi ở phòng bảo vệ Công ty Neu Hope; còn điện thoại di động và khẩu súng K59 + 1 băng đạn còn 1 viên của nạn nhân Sinh thì anh Quang cầm và mang đi đâu không rõ, đến hơn 1h ngày 15/7/2007 mới được lập biên bản thu giữ và đến 17h cùng ngày mới làm thủ tục niêm phong (Bút lục: 517; 535).

- Việc nạn nhân Sinh đi dép hay đi giầy khi bị chém cũng chưa được làm rõ.

+ Nhân chứng Phạm Hồng Quang khai anh Sinh đi dép (Bút lục: 517);

+ Nhân chứng Nguyễn Văn Phước cũng khai anh Sinh đi dép (Bút lục: 535);

+ Nhân chứng Đặng Thái Sơn khai anh Sinh đi giầy đen có dây (khai 2 lần: Bút lục 523, 524).

 

III. ĐÁNH GIÁ CHỨNG CỨ CHƯA ĐẦY ĐỦ, THIẾU KHÁCH QUAN

1. Dấu vết để lại trên áo và thi thể nạn nhân khẳng định nạn nhân không chỉ bị tấn công, tác động tại hiện trường, mà có thể đã bị tấn công, tác động trước đó ở một địa điểm khác:

- Cơ quan điều tra chưa chứng minh được là nạn nhân Sinh đã ở đâu, làm gì, tiếp xúc với ai để tạo nên thương tích trên thân thể như Bản Giám định pháp y của Viện khoa học hình sự đã kết luận: “Các vết hằn xây xát da mềm đỏ nâu ở vùng lưng do vật cứng có cạnh dài tiếp xúc hẹp gây ra; ngoài ra còn có các tổn thương bầm tụ máu vùng thắt lưng hai bên do vật tày gây nên”, để làm căn cứ xác định nguyên nhân cái chết của nạn nhân.

- Các lời khai mâu thuẫn, hành vi, hung khí và dấu vết trên cơ thể nạn nhân không phù hợp cũng không được thực nghiệm điều tra làm rõ…

- Các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết luận hung khí của nhóm Chưởng là dao, kiếm chứ không có hung khí nào là vật tày (vậy có chăng, trước khi bị chém bằng dao, kiếm là vật sắc, nhọn ở cổng Nhà máy thép Đình Vũ thì Thiếu tá Sinh đã bị tác động, tấn công bằng vật tày ở địa điểm khác?).

2. Không làm rõ chiếc khẩu trang tại hiện trường vụ án là của ai.

Biên bản giao nhận vật chứng thu được tại hiện trường vụ án, ngoài xe máy, dao, kiếm… còn thống kê có 1 khẩu trang trắng kẻ xanh (BL:698), nhưng cơ quan điều tra không làm rõ chiếc khẩu trang đó là của ai và có liên quan đến vụ án hay không.

3. Biên bản giám định không kết luận vân tay ở cò khẩu súng K59 thu tại hiện trường là của ai.

- Vậy lấy cơ sở nào kết luận anh Sinh đã bắn?

- Cần phải làm rõ khẩu súng đó anh Sinh có được cấp phép sử dụng không? Đơn vị nào cấp? cấp từ khi nào?...

4. Thời gian sinh hoạt của nạn nhân Sinh trước khi bị chém không được làm rõ.

5. Người lạ bí ẩn không được làm rõ.

Tại bút lục 515, nhân chứng Phạm Hồng Quang (chiến sỹ công an phường Đông Hải 2) khai: Ngay sau khi nạn nhân Sinh bị bắn, anh Quang nhìn thấy có một người lạ đi cùng Đặng Thái Sơn (chiến sỹ công an phường Đông Hải 2) tới chỗ nạn nhân Sinh đang nằm hôn mê tại hiện trường / nhưng cơ quan điều tra không làm rõ người lạ đó là ai và đến với mục đích gì.

6. Việc quy kết Hoàng, Trung, Chưởng chém nạn nhân Sinh nhằm cướp tài sản là không thuyết phục.

Cả 2 cấp xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm) cũng như Giám đốc thẩm đều đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, suy đoán ép tội, quy kết Chưởng là chủ mưu và nhóm Chưởng chém anh Sinh vì mục đích cướp tài sản.

Căn cứ vào diễn biến vụ án do chính các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận, thì trong suốt quá trình chuẩn bị phạm tội cũng như quá trình phạm tội của nhóm Chưởng, Hoàng, Trung không có sự bàn bạc, phân công vai trò của từng người; không có sự phân công việc chuẩn bị hung khí; không có sự bàn bạc về cách thức sẽ đi cướp; đặc biệt không bàn đến việc sẽ giết người để cướp tài sản (như vậy, không loại trừ nguyên nhân Thiếu tá Sinh có thể bị chém vì ghen tuông tình ái hoặc mâu thuẫn xã hội...).

7. Việc quy kết Chưởng là chủ mưu và tham gia chém nạn nhân là áp đặt, không khách quan.

- Lời khai của các bị cáo và một số nhân chứng cho thấy có nhiều mâu thuẫn, không đủ cơ sở kết luận Chưởng là chủ mưu, nhưng không được làm rõ. Các cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu dựa vào lời khai còn nhiều mâu thuẫn của Trung và Phương (người yêu Trung) để buộc tội Chưởng.

- Kết luận điều tra, Quyết định truy tố và các bản án đều khẳng định: Khi phát hiện có người đi xe máy ngược chiều, Chưởng điều khiển xe máy quay lại và chỉ nói một câu “Đây rồi” chứ không có câu nào mang ý nghĩa chỉ huy hay ra lệnh cho cả bọn nhảy xuống chém nạn nhân.

- Khi Chưởng dừng xe chỉ có Hoàng và Trung nhảy xuống chém anh Sinh và một trong những nhát chém của Hoàng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân (Bản giám định pháp y số 33-374/2007 ngày 19-7-2007 của Tổ chức giám định pháp y Hải Phòng kết luận: “Nạn nhân bị một số vết thương tích trên cơ thể, trong đó có 1 vết thương sọ não hở vùng thái dương phải gây choáng chấn thương sọ não nặng không hồi phục quyết định sự chết của nạn nhân).

Khi anh Sinh nổ súng thì Trung và Hoàng chạy lại chỗ Chưởng vẫn đang ngồi đợi trên xe máy và được Chưởng lái xe bỏ chạy.

Các bản khai của nhân chứng Nguyễn Văn Phước (bảo vệ Công ty Hoàng Gia) chứng kiến quá trình anh Sinh bị chém đều khẳng định: Có 3 người đèo nhau trên một xe máy, khi gặp anh Sinh chỉ có 2 người ngồi sau nhảy xuống chém, khi anh Sinh nổ súng thì 2 người đó chạy lại chỗ người cầm lái vẫn đang nổ máy đứng đợi, sau đó cả 3 bỏ chạy/ lời khai của nhân chứng Phước phù hợp với lời khai của Chưởng và Trung là Chưởng chính là người điều khiển xe máy chở Hoàng và Trung (Bút lục: 110; 123; 243; 359…).

8. Có nhiều nhân chứng xác định thời điểm xảy ra vụ án, Chưởng có mặt ở quê Hải Dương nhưng không được điều tra, đối chất một cách khách quan.

Chưởng khai đã cung cấp bản kê các cuộc gọi đi, gọi đến điện thoại của Chưởng (0974.863.087) trong thời điểm xảy ra vụ án, nhưng không được xem xét.

9. Có dấu hiệu bức cung, nhục hình.

Tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, Chưởng và Hoàng đều phản cung, họ khai rằng việc họ nhận tội ở cơ quan điều tra là do bị ép cung, bị đánh đập (vậy phải chăng đó chính là nguyên nhân làm cho các lời khai của Hoàng, Chưởng, Trung có nhiều mâu thuẫn?), nhưng không được điều tra làm rõ.

 

 

XIN LỖI BÁC TRƯỜNG CHINH

- Tác giả: Nguyễn Hoàng Anh

(Nguồn: https://www.facebook.com/nguyen.h.anh.92560)

 

Còn nhớ khoảng năm 2011, sau khi Hồ Duy Hải được hoãn thi hành án, mạng xã hội nổi lên hình ảnh người bố bán nhà đi kêu oan cho con.

Báo chí, các luật sư, thậm chí đại biểu Quốc hội cũng đứng ra ủng hộ xét lại vụ án này. Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hải Phong nói:

“Qua xem xét hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người”.

Thế nhưng trước sức mạnh của cả hệ thống chính quyền, một gia đình đã tan nát vì tai bay vạ gió. Người bố trông rất sáng sủa, chính trực, đang là thầy lang phải bán nhà bán cửa đưa vợ lên Hà Nội sống đời vô gia cư để kêu oan cho con. Người em trai cũng không kết hôn, một lòng đi theo phục vụ bố mẹ, giành giật từng ngày sống cho anh mình. Không ngờ cái tên Trường Chinh của người cựu chiến binh này lại là để cho cuộc “trường chinh” cuối đời nhằm kêu oan cho con!

Lúc ấy nhóm mình đã gom được ít tiền, cử mình là người duy nhất ở Hà Nội lúc ấy tìm bác Chinh để đưa. Bác ấy đến mà rất lo lắng, chỉ sợ làm phiền chúng mình vì bác bảo “công an theo em suốt, ngủ gầm cầu cũng không yên”. Mình tin bác vì dù rơi vào cảnh khốn cùng nhưng bác rất cương nghị, chính trực, nói lời cám ơn rất đàng hoàng, không hề than nghèo kể khổ. Mình cũng tin người thanh niên “ở nhà chăm chỉ, thương bố mẹ, sống không điều tiếng” (lời bác Chinh), lại bỏ hàng tháng tỉ mẩn dùng tăm thêu lời kêu oan lên áo, tự chế hàng chục con giống để nhét thư kêu oan gửi ra ngoài, không thể là kẻ giết người máu lạnh. Sau đó thỉnh thoảng mình lại góp tiền cho quỹ trợ giúp gia đình tử tù, mong san sẻ chút hơi ấm cho những ông bố bà mẹ đau khổ.

Có điều theo ông Nguyễn Hải Phong thì:

“Nhưng theo thủ tục thì vụ Nguyễn Văn Chưởng đã qua xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm với cấp xét xử cao nhất là Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

"Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng” - ông Nguyễn Văn Hiện nói. (Trích báo Tuổi Trẻ)”

Chính vì sự vô tình, cứng nhắc trong thủ tục của hệ thống tòa án (mà ta đã có nhiều ví dụ về chất lượng xét xử) mà tòa Hải phòng vừa tuyên chuẩn bị thi hành án với Chưởng, còn tàn nhẫn cho gia đình 3 ngày để quyết định có nhận xác con không!

Thi hành án bây giờ chưa chắc đã là đau khổ với Nguyễn Văn Chưởng vì với người thanh niên ấy, cả đời mòn mỏi sau song sắt không có hy vọng được minh oan có khi còn tàn nhẫn hơn. Nhưng đó sẽ là án tử cho bố mẹ anh, những người đáng ra được nghỉ ngơi bên con cháu lại đã mất tất cả chỉ mong cứu được con. Giờ không còn con nữa thì họ sống thế nào!

Không biết vị Chánh án ký quyết định thi hành án này bố mẹ còn sống không? Ông/bà ta có con không? Ông/bà có dám nhìn vào mắt người bố đau khổ này không? Dù chỉ còn 1% nghi ngờ thì không ai được phép kết tội người khác, nhất là bằng hình phạt tước đi cuộc sống của họ vì nó trái Tự Nhiên và vì không thể vãn hồi lại.

Quy định là chết, chỉ có người là sống. Hệ thống luật pháp tử hình một con người chỉ vì thủ tục không thể làm khác không thể là “pháp luật do dân - vì dân” được.

NẾU ĐỂ MẶC NGUYỄN VĂN CHƯỞNG BỊ TỬ HÌNH, TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU PHẢI CÚI ĐẦU TRƯỚC NGƯỜI BỐ NÀY!

(Nguồn https://tuoitre.vn/vu-tu-tu-nguyen-van-chuong-da-het...)

 



 

NGUYỄN VĂN CHƯỞNG CÓ PHẢI CHỦ MƯU?

- Tác giả: Bùi Thanh Hiếu

Nguồn: https://www.facebook.com/hieugio1972

 

1. Nguyễn Văn Chưởng có phải chủ mưu cướp và tự tay chém người không?

Không! Tôi cam đoan chắc chắn rằng không. Đó là tôi căn cứ theo tường thuật của báo Công An.

Link bài.

https://cand.com.vn/.../Khoi-to-ba-ke-sat-hai-Thieu-ta.../

Trích đoạn.

''Ngày 14/7, là ngày thứ 2 cả bọn đói thuốc và không còn tiền. Ngay tại buổi chiều, Vũ Hoàng Trung rủ Đỗ Văn Hoàng mượn 1 chiếc xe máy wave alpha của người quen rồi đeo biển giả đến quán Thiên Thần bàn với Chưởng kế hoạch cướp.

Đúng 21h Trung mang theo người 1 đoản đao và Hoàng mang theo 1 dao phay đến đón Chưởng.

Chưởng cầm lái, Hoàng và Trung ngồi sau phóng thẳng xuống khu vực cảng nước sâu Đình Vũ và trời đột nhiên đổ mưa, nên cả đoạn đường từ quán Thiên Thần đến cảng Đình Vũ cả bọn không hề gặp ai, đành quay lại '

Nếu theo đúng những gì báo viết, thì Vũ Hoàng Trung là kẻ chủ mưu, vì từ chiều Trung đã đi mượn xe máy và thay biển giả, tiếp đến Trung mang theo đoản đao (thứ mà người bình thường không có) và Trung là người chủ động đến quán của Chưởng đặt vấn đề đi cướp.

Chưởng không ra tay, vì Chưởng là người cầm lái, còn Trung và Hoàng là người cầm dao ngồi sau.

Không phải chủ mưu, không trực tiếp ra tay. Thế nhưng Chưởng bị án tử, còn Trung là chủ mưu, là kẻ chuẩn bị phương tiện và vũ khí, chủ động khởi xướng vụ cướp lại chỉ lĩnh án 23 năm. Hoàng lĩnh án chung thân.

Chưởng không phải là chủ mưu và không ra tay là hoàn toàn chính xác theo như báo công an miêu tả, nó cũng phù hợp với tính chất của 3 người Chưởng, Trung, Hoàng. Bởi Chưởng là người ở nơi khác đến, làm công nhân. Hai người kia là thanh niên Hải Phòng. Khó có chuyện một thanh niên từ nơi khác đến chưa có tiền án, tiền sự lại làm đại ca chỉ đạo hai thanh niên giang hồ Hải Phòng.

Từ chứng cứ báo viết (đây là chứng cứ thật) và tâm lý tội phạm đặc trưng vùng miền, đặc điểm nhân thân (cái này là suy diễn) hoàn toàn phù hợp với việc Chưởng.

Trên đây là căn cứ theo báo công an, nơi đại diện cho cơ quan điều tra, kết tội Nguyễn Văn Chưởng.

Và theo như báo viết, dù chuyện Chưởng tham gia vụ án là có thật, Chưởng không thể bị kết án tử vì không phải là chủ mưu cũng như không trực tiếp ra tay, việc sát hại anh Sinh hoàn toàn không nằm trong đầu Chưởng.

Vậy tại sao Chưởng lại bị toà kết án tử?

Câu trả lời sẽ ở phần kết. Trước khi đi vào phần kết, còn nhiều điểm trong vụ án này rất uẩn khúc, cần lần lượt phải làm rõ.

2- Mâu thuẫn việc con dao tang vật vụ án.

Báo Công an Nhân dân bài viết ngày 5 tháng 8 năm 2007.

https://cand.com.vn/.../Khoi-to-ba-ke-sat-hai-Thieu-ta.../

- Đúng 21h Trung mang theo người 1 đoản đao và Hoàng mang theo 1 dao phay đến đón Chưởng.

Giữa đường (đến ngã 3 Phú Xá), Hoàng vứt con dao xuống khu vực đầm cá.

12 năm sau, ngày 12 tháng 6 năm 2019, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca kể với phóng viên báo Đời Sống Pháp Luật.

https://www.doisongphapluat.com/tuong-do-huu-ka-ke-chuyen...

''Ngay lập tức, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ka triệu tập các phòng liên quan lập chuyên án và giao cho Trưởng phòng Hình sự làm Trưởng ban chuyên án. ông kể: "Ban đầu, ban chuyên án rất bí, bởi tại hiện trường chỉ thu được duy nhất một mảnh giấy xi măng và nghi là vỏ bọc của một con dao dài do hung thủ dùng để chém Thiếu tá Sinh.

Từ giả thuyết này, tôi cho anh em kiếm một con dao dài tại chợ Sắt (tra vừa cái bao bằng giấy xi măng thu được tại hiện trường) và chọn một người có chiều cao trung bình, chém vào cây chuối trùm áo cảnh sát.Khi đang gấp rút điều tra, ban chuyên án được đồng chí Phạm Đình Hưng, Trưởng Công an huyện Kiến Thụy báo tin có hai đối tượng bán một con dao tại địa bàn với giá 200.000 đồng. Ngay lập tức, tướng Ka chỉ đạo thu con dao đó và bắt hai đối tượng. Ông kể: "Khi hai đối tượng được đưa về trụ sở, tôi sang ngay. Mở cửa bước vào tôi hỏi lớn: "Mày dùng cái gì chém?". Đối tượng khai: "Cháu dùng dao". Tôi hỏi tiếp: "Mày dùng bao gì bọc dao?". Trả lời: "Giấy xi măng". Lúc đó thì mọi lo lắng trong lòng đã được giải tỏa, đây chính là chìa khóa để "mở" vụ trọng án. Lời khai của đối tượng trùng khớp với tang vật thu được tại hiện trường".

Vụ án xảy ra đêm mưa, chỉ với một mảnh giấy xi măng mà tướng Ca đã xác định đó là thứ để bọc dao, rồi từ mảnh giấy lại thành cái bao băng bằng giấy khớp với con dao dài ông cho lính ra chợ sắt mua.

Mảnh giấy và cái bao hoàn toàn khác nhau, nhất là nó lại trải qua một đêm mưa to. Ông Ka suy diễn trong đầu khi nhìn thấy mảnh giấy xi măng trong đêm mưa và cho đó là giấy bọc dao, khi bắt đối tượng ông hỏi ngay dùng gì bọc dao ?

Chưa kể là con dao nào, dao ai cầm. Vì ở bài báo trước kia đã nói dao phay và đoản đao, ông Ka lại đi ra chợ mua con dao dài tra vừa cái bao. Báo viết Hoàng dùng dao phay chém vào đầu thiếu tá Sinh, ông Ka ra chợ Sắt không mua dao phay lại mua con dao dài đựng vừa cái bao. Ngay lúc gặp hỏi cung ông đã đặt luôn câu hỏi này, mặc dù Hoàng đã vất con dao phay xuống đầm nước trong đêm gây án.

Ở đây có những câu hỏi.

- Từ một mảnh giấy (lúc thì bao giấy) bị vất trong đêm mưa, hình dung thành giấy bọc dao, đối tượng dùng dao ngắn thì công an ra chợ mua dao dài tra khớp cái vỏ giấy ấy. Liệu cách điều tra như thế có khoa học không, thuyết phục không?

- Đối tượng khai ném dao xuống đầm, công an không trục vớt tìm hung khí, lại chỉ cần đối tượng xác nhận dùng giấy xi măng bọc là xong phần xác nhận hung khí.

- Có đối tượng nào chém người xong, mang dao ra chợ bán không?

- Con dao bán ở chợ là đoản đao (vì dao phay ném rồi) có vừa với cái bao đựng con dao dài mà công an mua ở chợ sắt không?

3- Mâu thuẫn phát hiện tội phạm.

Ông Ka kể do công an Kiến Thuỵ báo tin có hai đối tượng bán dao tại địa bàn, ông chỉ đạo thu hồi dao và bắt hai đối tượng đó (theo báo Đời Sống Pháp Luật)

Ông Dương Tự Trọng lại kể rằng từ sàng lọc và nghi vấn, ông đã cho quân ém sẵn ở nhà Đỗ Văn Hoàng, sau đó bắt được Hoàng và Trung ở quán bi-a.

https://cand.com.vn/.../Da-bat-duoc-3-ke-sat-hai-Thieu.../

''Theo cung cấp của nhiều người dân, những ngày gần đây, sau thông tin Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh bị sát hại, Hoàng cùng Trung đã bỏ luôn quán gội đầu thư giãn trên về nhà, thái độ của chúng rất hoang mang, lo lắng. Hoàng và Trung đều nghiện ma tuý nặng.

Đúng 2h chiều 1/8, lực lượng phá án đã ém sẵn tại khu vực nhà riêng của tên Hoàng ở xã Đại Hợp. Ngay sau đó ít phút, lực lượng Công an đã tóm gọn cả 2 tên này tại một quán bi-a. Hoàng và Trung đang chuẩn bị gấp ra Cát Bà để từ đó trốn đi Trung Quốc.''

Câu hỏi đặt ra ở đây là các đối tượng Hoàng, Trung bị phát hiện trong trường hợp nào ? Do chúng bán dao ngoài chợ bị phát hiện như lời ông Ka hay do theo dõi, sàng lọc và quần chúng cấp tin như lời Dương Tự Trọng?

------------------

Còn rất nhiều khúc mắc trong vụ án này, các lời khai cũng bất nhất, lời kể của các lãnh đạo công an thụ lý điều tra vụ án này cũng bất nhất. Những lời khai, lời kể đó đều lấy từ báo chí nhà nước ,những tờ báo chủ trương khép tội các bị cáo còn không khớp thậm chí còn trái ngược nhau. Đã không thuyết phục, chưa kể là chưa dùng đến lời khai của những nhân chứng, bị cáo.


 

SUY DIỄN CÁ NHÂN VỀ VỤ ÁN OAN

CỦA TỬ TÙ NGUYỄN VĂN CHƯỞNG

- Tác giả: Bùi Thanh Hiếu

Nguồn: https://www.facebook.com/hieugio1972

 

Nguyễn Văn Chưởng làm công nhân, mở thêm quán bán cà phê. Chưa có tiền án, tiền sự lại đang có vợ.

Bỗng nhiên rủ đồng bọn đang đêm chém người, để lấy tiền mua He chơi!!!

Thiếu tá công an Sinh đang đêm mặc áo mưa, dắt súng trong người, đi tuần tra, đến đoạn đường vắng đang gọi điện thì bị nhóm của Chưởng xông đến chém.

Anh Sinh vất xe chạy bộ một đoạn, bị các đối tượng đuổi theo chém tiếp nhiều nhát vào người. Anh ngã xuống móc súng bắn ba phát, các đối tượng bỏ chạy, anh gục ngã, đồng đội anh thấy anh đi lâu không về, bèn đi tìm và thấy anh bèn đưa về viện cấp cứu. anh Sinh đến sáng thì qua đời. Công an điều tra thu hiện trường 3 vỏ đạn và xe máy của anh Sinh. Do trời mưa to nên những dấu vết khác bị xoá sạch.

Căn cứ công an bắt nhóm Chưởng là do có người nhìn thấy họ đi về hướng này.

Nhóm Chưởng bị đánh đập, ép cung.

------------------

Là một tội phạm từng bị kết án tù vì tội tổ chức ma tuý, trải qua nhiều năm trong trại giam, cùng ăn ở với nhiều tội phạm cướp.

Tôi thấy một số vấn đề sau.

1- Thường những con nghiện trước khi đến mức độ thiếu tiền phải đi cướp, trước đó chúng thường xoay sở bán đồ của nhà, vay mượn, trộm cắp...khi đến đường cùng, hết cửa xoay chúng mới đi cướp. Quá trình này chúng đều có hồ sơ trong công an xã, phường, thuộc loại đối tượng xấu.

Nếu một kẻ nghiện mà đi làm công nhân, cưới vợ, làm thêm mở quán cà phê, che dấu được tai mắt công an địa phương. Chứng tỏ kẻ đó rất đầu óc và bản lĩnh, làm việc có tính toán. Khó có thể bỗng nhiên manh động rủ hai thằng khác đi cướp kiểu thấy người là chém, nạn nhân chạy đuổi theo chém đến cùng. Thường cướp thấy nạn nhân bỏ chạy, là lấy xe chuồn luôn.

Về động cơ, hoàn cảnh, tâm lý, nhân thân của Chưởng. Tôi thấy việc kết tội cần phải xem xét lại.

2- Xem xét những báo cáo về an ninh trật tự thời điểm trước khi xảy ra vụ án và sau đó, địa bàn phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng không phải là địa bàn trọng điểm. Nhưng thiếu tá Sinh lại được phân công cùng với thượng sĩ Quang lại phải mang súng trong người, tuần tra, đóng chốt trong đêm? Việc thiếu tá Sinh một mình, một xe máy, một súng đã có đạn đi tuần đêm là có đúng với quy định tuần tra của công an phường hay không?

Với 25 năm trong nghề cảnh sát hình sự, tâm thế đã dắt súng đi tuần tra đêm là sự đề phòng, cảnh giác và chủ động rất cao. Tại sao thiếu tá Sinh vẫn để 3 kẻ đi xe máy áp sát mình trên đoạn đường vắng ban đêm, vẫn thản nhiên gọi điện dưới trời mưa to?

Đặc biệt khi bị các đối tượng đuổi chém tận cùng, ngã xuống anh Sinh không nã thẳng vào các đối tượng lại bắn ba phát súng mang tính uy hiếp ?

Tại sao một thiếu tá công an, từng công tác công an thành phố, lại bị chuyển xuống quận, rồi từ quận lại bị chuyển xuống phường và phải đi trưc đêm với một thượng sĩ. Thiếu tá Sinh khi công tác ở thành phố liệu có khúc mắc gì với lãnh đạo công an thành phố ?

Đang đi tuần một mình, trời mưa, thiếu tá gọi điện cho ai ? Tại sao người nghe điện thoại lại không thấy tiếng động hay hô hoán gì khi anh Sinh bị các đối tượng bất ngờ chém?

Điểm chốt được phân công là gần cảng Chùa Vẽ, gần chi cục hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng. Gần hết giờ trực (chỉ còn 20 phút là hết) thiếu tá Sinh một mình đi tuần ra khu nhà máy thép Đình Vũ bằng xe máy, tối thiểu thời gian mất 20 phút đến nơi. Nếu đi tuần thì còn chậm hơn. Không hiểu vì lẽ gì gần hết ca trực mà thiếu tá Sinh lại thực hiện đoạn đường mà anh biết chắc khi quay lại chốt sẽ quá nhiều thời gian trực?

Phải chăng anh có hẹn với ai ở đó, cho nên đến nơi dù trời mưa anh vẫn gọi điện để người kia ra gặp?

Thượng sĩ Quang thấy đồng đội đi lâu không về, gọi điện không thấy trả lời, nên đã đi tìm và thấy Sinh nằm trên đường, bèn đưa đi cấp cứu.

Thượng sĩ Quang đi tìm thấy thiếu tá Sinh, sao anh ta biết đường mà đi tìm, con đường đó có nằm trong kế hoạch tuần tra không mà Quang đi một lèo đến điểm đó trong khi trời mưa gió lớn ? Khi thấy thiếu tá Sinh bị thương, anh một mình khiêng vắt ngang xe máy, một tay giữ, một tay lái trong đêm mưa đưa vào viện, anh không hề gọi hay báo cáo hỗ trợ dù chỉ mất có hai phút cho cú điện khẩn cấp. Anh lại một mình vất vả đưa đồng đội đi vào viện ngay?

-------------

Suy diễn cá nhân

Kịch bản là thiếu tá Sinh phát hiện nhiều tiêu cực, nên anh bị thuyên chuyển từ thành phố xuống quận, xuống phường và phải đi trực đêm. Một kẻ nào đó đã hẹn anh ở chỗ vắng vẻ trong khu công nghiệp, bên tường nhà máy và ra tay sát hại anh để bịt kín những vụ làm ăn mờ ám mà anh Sinh đã biết được.

Giám đốc công an Đỗ Hữu Ca đã ém nhẹm vụ này, xoá dấu vết và đổ tội cho Nguyễn Văn Chưởng. Ai chứ, anh Ca thì thiên hạ đến giờ đều biết, cái gì anh chẳng dám làm, từ cướp đất của Đoàn Văn Vươn đến nhận hối lộ chạy án. Nên chuyện này anh Ca thừa gan làm.

Suy diễn thì tất nhiên không thể là chứng cứ để khẳng định Nguyễn Văn Chưởng vô tội, nhưng thực sự thì động cơ gây án của Chưởng và hành vi tuần tra của anh Sinh đều rất vô lý, càng vô lý hơn là cả hai cái vô lý lại cùng gặp nhau và thành vụ án.

Vụ án này bị Trương Hoà Bình khi đó đã cầm chịch toà án tối cao bác bỏ mọi đơn kêu oan, khiến cho gia đình Chưởng không còn cơ quan pháp lý nào đểu khiếu kiện nữa.

Theo tôi ông Võ Văn Thưởng nên ra quyết định hợp tình hợp lý nào đó để việc thi hành án Nguyễn Văn Chưởng đình lại. Để thực sự thuyết phục rồi đem xử chưa muộn.

 

 

THÀ BỎ SÓT CÒN HƠN GIẾT NHẦM

- Tác giả: Thái Hạo

Nguồn: https://www.facebook.com/profile.php?id=100059910855657

 

Sau 15 năm bị giam cầm thì đây là lần thứ 2 tử tù Nguyễn Văn Chưởng bị nhận quyết định thi hành án; và cũng như lần 1, đông đảo luật sư, đại biểu, và người dân lại lên tiếng phản đối dữ dội, bởi nhiều dấu hiệu oan sai vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tính mạng của Nguyễn Văn Chưởng hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Về tóm tắt và các tình tiết mâu thuẫn, bất thường của vụ án này các bạn có thể đọc ở các link bên dưới, từ một số bài báo và tường thuật của luật sư Lê Văn Hòa. Cá nhân tôi thì thấy lập tức hiện lên hình ảnh Hồ Duy Hải sau khi tiếp xúc với những thông tin ấy.

Theo một bài báo trên tờ Tuổi Trẻ (2014), “Ông Lê Đình Khanh, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho biết: “Tôi đọc qua hồ sơ vụ án và thấy còn có nhiều vấn đề. Vụ án có năm bị cáo thì ba bị cáo kêu oan.

Tôi cũng phân vân, đây là vụ giết thiếu tá công an phường, liệu Công an TP Hải Phòng có vì điều đó mà làm không khách quan hay không?”

(https://tuoitre.vn/them-mot-tu-tu-keu-oan-689115.htm ).

Tôi chú ý một chi tiết rất đặc biệt ở cuối bài này, là tờ báo hẹn rằng: “trong số báo ngày mai (24-12) Tuổi Trẻ có bài trao đổi với thiếu tướng Ðỗ Hữu Ca, giám đốc Công an TP Hải Phòng, về vụ việc của tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Mời bạn đọc theo dõi”. Tuy nhiên, theo hẹn, Tuổi trẻ đã đăng một bài với nội dung khác kèm theo lời giải thích rằng: “Ngày 23-12, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - giám đốc Công an TP Hải Phòng - đề nghị không đăng bài trao đổi giữa ông với PV Tuổi Trẻ về vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan. Tôn trọng ý kiến của người trả lời phỏng vấn, Tuổi Trẻ dừng lại việc đăng bài trao đổi với thiếu tướng Đỗ Hữu Ca. Thành thật cáo lỗi bạn đọc”

(https://tuoitre.vn/se-ra-soat-lai-vu-an-trong-thang-12015... )

Từ những tình tiết còn nhiều khuất tất và đầy mâu thuẫn trong vụ án này, đến sự “phân vân” của ông Lê Đình Khanh và cuối cùng là “đề nghị không đăng bài” của ông Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca tôi càng cảm nhận rõ hơn sự “có vấn đề” trong vụ án này.

Điều đáng nói và đáng lo hơn là, như chúng ta đã biết, vào tháng 2 năm nay (2023) ông Đỗ Hữu Ca đã bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nghi nhận hàng chục tỉ đồng để “chạy án”. Và chắc cũng chưa ai quên được vụ án thảm khốc Đoàn Văn Vươn xảy ra năm 2012. Lúc đó ông Đỗ Hữu Ca đang là giám đốc Công an Hải Phòng, và là người đã trực tiếp chỉ huy “trận đánh” mà sau này ông đã tự hào gọi là “một trận đánh đẹp, xứng đáng đưa vào sách giáo khoa”. Nhưng sau đó, Thành ủy Hải Phòng đã phải đứng ra nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, và hàng loạt cán bộ huyện Tiên Lãng liên quan tới vụ việc đã bị kỷ luật. Bây giờ thì ông Ca đang ở trong trại giam rồi.

“Thà bỏ sót còn hơn giết nhầm” là cách nói khác của nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng, được thế giới văn minh đặt ra và bảo vệ nhằm tránh tình trạng kết án oan, vì “có những cái sai không sửa được” nữa.

Tính mạng của một con người đang ngàn cân treo sợi tóc. Tôi đề nghị, trước quá nhiều vấn đề bất thường và bất minh trong vụ án này, việc đầu tiên là phải hoãn thi hành án, sau đó nếu không đủ bằng chứng buộc tội thì phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội mà hành động.

* Bài của luật sư Lê Văn Hòa:

https://www.facebook.com/levanhoa256/posts/3509392759305767

* Hình, những con giống được tử tù Nguyễn Văn Chưởng làm từ túi nhựa đựng hàng, gửi ra ngoài theo hướng quà tặng. Chưởng nghĩ ra cách này để có thể nhét những lá thư kêu oan bí mật ở bên trong.



Mời nghe:

Phó Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng trả lời nhà báo Đức Nguyễn trưa ngày 6/8/2023 về vụ án Nguyễn Văn Chưởng: Có đủ căn cứ để Chủ tịch nước cho hoãn thi hnahf án tử và giao cấp thẩm quyened xem xét theo thủ tục đặc biệt với tử tù Nguyễn Văn Chưởng.... để tránh oan khuất.

1 nhận xét: