MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

PHIÊN TÒA XÉT XỬ BỊ CÁO NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG - Nhiều Tác Giả

 


PHIÊN TÒA XÉT XỬ BỊ CÁO

NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG

 

Ngô Thanh Tuấn giới thiệu

 

Tác giả: Quang Quý

TUYÊN PHẠT BÀ NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG 3 NĂM TÙ

Tối 21/9, sau một ngày xét xử, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án phiên sơ thẩm đối với bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2 điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án đối với các bị cáo như sau: Nguyễn Phương Hằng (53 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) 3 năm tù; Tiến sĩ Luật Đặng Anh Quân (45 tuổi, giảng viên Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên văn phòng Công ty cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam) 1 năm 6 tháng tù.

Tại phiên xét xử, qua phần xét hỏi, thẩm vấn của Hội đồng xét xử, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, lời khai của các bị cáo phù hợp với kết luận giám định và các chứng cứ trong hồ sơ vụ án.

Từ đó, Hội đồng xét xử cho rằng có đủ cơ sở khẳng định các bị cáo phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo cáo trạng, bà Nguyễn Phương Hằng, 53 tuổi, quê An Giang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ để phát ngôn có nội dung bịa đặt để xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân của người khác trên không gian mạng.

Bị cáo này cũng có những phát ngôn và đăng lên mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của nhiều cá nhân, nghệ sĩ nổi tiếng khác.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 5/7/2021 đến 10/3/2022, bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm thông qua 12 tài khoản mạng xã hội (facebook; Youtube; Tiktok) đã phát sóng trực tiếp 56 buổi, trong đó có nhiều nội dung xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự các cá nhân người khác.

Cáo trạng cũng nêu rõ các vi phạm đối với các bị cáo khác gồm: đối với Tiến sĩ Luật Đặng Anh Quân, quá trình bà Hằng tương tác, phát sóng đã trực tiếp tham gia bình luận nhiều buổi cùng với bà Hằng.

Đối với các cựu nhân viên của bà Hằng (Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân) đã thực hiện hành vi tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội, kết nối các tài khoản mạng xã hội vào internet; thông báo thời gian, chủ đề livestream, chuẩn bị nội dung, sân khấu và đăng tải các bài viết của Hằng lên các trang mạng xã hội, theo chỉ đạo của Hằng.

Đây là vụ án được dư luận rất quan tâm nên trong phiên xét xử, nhiều người dân, các facebooker, tiktoker đã đến đứng chờ và theo dõi trong suốt cả ngày hôm nay bên ngoài cổng tòa án.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo vi phạm Luật An ninh mạng năm 2018 và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, phải xử lý nghiêm để cải tạo, giáo dục riêng và răn đe, phòng ngừa chung.

-------------

Nguồn: https://nhandan.vn/tuyen-phat-ba-nguyen-phuong-hang-3-nam-tu-post773710.html

 

 

Tác giả: Bùi Thanh

LĨNH 3 NĂM TÙ, BỊ CÁO NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG BẬT KHÓC TRƯỚC TÒA

Chiều 21/9, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi. Bà Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm bị Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Cũng như buổi sáng, trả lời câu hỏi của luật sư phía những người có quyền lợi liên quan, bà Hằng vẫn cho rằng mình cũng là bị hại và đã phải trả giá cho những gì mình đã gây ra bằng những ngày tháng tạm giam. Bà cũng trình bày về việc mình và gia đình đã đóng góp nhiều cho xã hội, nhất là trong công tác từ thiện, chương trình mổ tim cho trẻ em…

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm Sát nêu quan điểm về hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm. Theo đại diện Viện Kiểm Sát, bị cáo Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm được áp dụng tình tiết giảm nhẹ do người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Ngoài ra, bà Nguyễn Phương Hằng được một số cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội tặng nhiều giấy khen, bằng khen về hoạt động thiện nguyện, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Từ những nhận xét trên, đại diện Viện Kiểm Sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án từ 3 – 4 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Phương Hằng. Bị cáo Đặng Anh Quân bị đề nghị từ 2 - 3 năm tù. Ba bị cáo còn lại bị đề nghị từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Phương Hằng đã nhận thức được hành vi của mình, "vô tình" xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Tuy nghẹn ngào trần tình về việc mình bị xúc phạm nên mới có những phản ứng gay gắt đối với một số cá nhân nhưng lần nữa bà lại khẳng định cái giá mình phải trả là quá đắt. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét việc bà không hề thu lợi gì trong việc làm của mình, đồng thời mong được tiếp tục thực hiện Quỹ mổ tim Hằng Hữu, cũng là tâm nguyện của bà và gia đình bấy lâu nay.

Bào chữa cho bà Nguyễn Phương Hằng và các bị cáo Huỳnh Công Tân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, luật sư trình bày do những bức xúc bởi những bình luận trên mạng xã hội thiếu thiện chí, xúc phạm nên bị cáo Hằng không kiềm chế được mới có những phản ánh gay gắt như bị cáo đã trình bày chứ trong thâm tâm bị cáo không muốn xúc phạm ai… Ngoài ra luật sư cũng mong Hội đồng xét xử ghi nhận những đóng góp của bà Hằng và gia đình cho cộng đồng và mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình.

Bị cáo Hằng nhận thức rõ sai lầm, bà bật khóc trước tòa và gửi lời xin lỗi đến những cá nhân bị tổn thương về danh dự, nhân phẩm cũng như vật chất bởi những lời lẽ mang tính xúc phạm của mình.

Trong phần xét xử buổi sáng, là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh sau khi bàn bạc, thống nhất đã quyết định rút toàn bộ yêu cầu đòi bồi thường danh dự, nhân phẩm và vật chất, chỉ mong được trả lại sự trong sạch. “Tiền bạc bây giờ không còn quan trọng với Thủy Tiên – Công Vinh nữa, mà cái họ cần là danh dự, nhân phẩm cần được trả lại”, đại diện ủy quyền của vợ chồng Thủy Tiên – Công Vinh, cho biết.

Tương tự, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng rút yêu cầu bồi thường vật chất số tiền lên đến hơn 40 tỷ đồng và chỉ mong bà Hằng ăn năn, xin lỗi mình tại tòa. Bảo vệ quyền lợi cho ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, luật sư tiếp tục yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét tư cách tố tụng đối với thân chủ của mình và xem xét thái độ của bị cáo… Trước đó, bà Hằng đã nghẹn ngào: “18 tháng trong tù đã là hình phạt quá nặng nề với bị cáo rồi” và không nói lời xin lỗi ông Huỳnh Minh Hưng – ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Phiên xét xử kéo dài đến hơn 20h mới kết thúc. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3  năm tù. Vì thế, phiên tòa sẽ không phải tiếp tục làm việc vào ngày 22/9 như dự kiến.

-------------

Nguồn: https://cand.com.vn/phap-luat/linh-3-nam-tu-bi-cao-nguyen-phuong-hang-bat-khoc-truoc-toa-i707861/


Tác giả: Đàm Ngọc Tuyên

CHỊ HẰNG, PHIÊN TÒA VÀ CÁI CHỢ CHỔM HỔM

Có rất nhiều người theo dõi phiên tòa sơ thẩm xét xử chị Hằng, với nhiều lí do khác nhau. Nhưng tôi tin rằng, chẳng mấy ai, đặt câu hỏi là vì sao, sau nhiều lần trì hoãn, người ta mới đưa chị Hằng ra xử, theo dự kiến, tính đến ngày tuyên án, thì chị ấy đã bị tạm giam trong tù tròn 18 tháng? Sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng?

Bài viết này, không nhằm mục đích đi tìm câu trả lời cho nghi vấn trên. Nhưng có thể liệt kê những tình tiết chính có thực, xoay quanh chuyện chị Hằng (và chồng), ra tay "đồ sát" tu sĩ và nghệ sĩ, tính từ thời điểm tháng Ba 2021, cho đến khi chị biết khóc, khi nói lời sau cuối giữa tòa, trước khi tuyên án. Xin lưu ý, tôi dùng từ "biết khóc", chứ không phải "bật khóc".

Người Do Thái có câu nói rằng, không có gì trên cuộc đời này mà ngẫu nhiên cả.

Ông Võ Hoàng Yên, vị tu sĩ vừa là chức sắc có danh vọng nhất, nhì của Tịnh Độ Cư Sĩ là nạn nhân đầu tiên trong chiến dịch "đồ sát" của chị Hằng. Ông Yên là nạn nhân, bởi theo kết luận điều tra của Cơ quan Điều tra, những điều chị Hằng tố cáo ông Yên lừa đảo tiền bạc, chữa bệnh gây chết người, là bịa đặt, không đúng sự thật.

Về việc ông Yên có thực tài chữa bệnh hay không, tôi đã có loạt bài phân tích rồi. Nay chỉ tóm tắt lại để tiện theo dõi, vừa tránh phải sa đà vào chuyện tranh luận theo cảm tính, hơn là tôn trọng sự thật. Tôi khẳng định là ông Yên có tài chữa bệnh, kể cả một số bệnh nan y, nhưng ông không chữa được bệnh háo danh của chính mình. Người tử tế, khiêm cung sẽ biết cách phủ nhận, cho dù thiên hạ có tung hô mình là "thần y", bất chấp mục đích gì.

Khi chị Hằng đấu tố ông Yên trên mạng xã hội, thì lập tức rất nhiều trang báo chính thống có những bài viết mang tính chất hủy diệt "thần y". Tuy nhiên, báo Công An xuyên suốt chỉ đưa tin thuần túy, chứ không có phân tích gì thêm về "thần y". Vì sao có sự khác biệt này? Tôi không có, không biết câu trả lời.

Nhưng, tôi biết con trai của ông Trưởng Ban Văn hóa báo Công An, cháu ấy đã nói được một số từ, sau khi ông Yên chữa trị cho. Tương tự thế, vợ của một cựu Bộ trưởng, gia đình của nhà văn chuyên viết về ông Hồ, hay mẹ của cựu Chủ tịch, Bí thư Hà Tĩnh đều từng được ông Yên chữa khỏi, hay thuyên giảm bệnh tình. Có lẽ, những người này, thừa khả năng đưa người thân sang Mỹ, hay Âu châu điều trị, nhưng Tây y là không thể.

Nếu ông Yên không có thực tài, thì liệu ông ta có gan đến "lừa đảo" chỉ một trong số những gia đình ấy, hay không? Chắc chắn đã đi tù mọt gông rồi, đâu tới lượt chị Hằng lên tiếng. Nếu ông Yên không thực tài và quy tụ được nhiều người nổi tiếng, thì thầy Từ đâu phải cất công mời gọi về đội của thầy - cũng là về đội của Phật giáo quốc doanh.

Ngày ấy, không có bất kỳ sư quốc doanh nào, có tầm ảnh hưởng bằng 1/2 ông Yên. Đáng tiếc, ông ta lại là tu sĩ của Tịnh Độ Cư Sĩ. Thì làm sao về đội của Thầy Từ, cho dù thầy sẵn sàng vung ngàn tỷ xây bệnh viện y học cổ truyền, cho ông Yên, giống như tỉnh Hà Tĩnh đã từng ưu ái dành cho "thần y". Nếu về đội thầy Từ, thì chắc chắn đâu tới lượt Dũng "lò vôi" và chị Hằng mời gọi. Và đây cũng là bước ngoặt cho những bi kịch về sau, khiến ông Yên "thân bại danh liệt".

Vị tu sĩ thứ hai, trở thành nạn nhân của chị Hằng (và đồng bọn), đó là cụ ông Lê Tùng Vân. Vu khống cụ ông Lê Tùng Vân đã "loạn luân" và sinh ra những "sản phẩm loạn luân", là đỉnh điểm của tội ác mà chị Hằng và đồng bọn đã gây ra. Đồng bọn của chị Hằng là rất nhiều, khi gây ra tội ác kinh hoàng này. Họ không chỉ là những đồng phạm bị xét xử cùng với chị - những bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm, vào ngày 21 và 22 vừa qua.

Nhiều đến mức, mà rất khó cho tôi có thể liệt kê ra hết. Và dường như, điều này cũng là sự khó, cho cơ quan chức năng, khi mà trong cáo trạng xét xử chị Hằng, hoàn toàn không đả động gì đến tội ác mà chị Hằng đã gây ra đối với cụ ông Lê Tùng Vân và những em bé mồ côi. Mà lẽ ra, bảo vệ trẻ em phải được ưu tiên hàng đầu.

Vả lại, thật ngẫu nhiên, trước chị Hằng và đồng bọn, thì thầy Từ cũng từng là một trong những kẻ ác, đã vu khống cụ Vân "loạn luân". Ngẫu nhiên đến rợn người, trước khi vu khống hãm hại cụ Vân, thì thầy Từ cũng từng mời gọi cụ Vân và những đệ tử của cụ, về đội của thầy Từ - về đội của Phật giáo quốc doanh. Bởi trong chừng mực, cụ và những đệ tử đều là những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng nhất định.

Cho dù không nổi tiếng giống như cái cách của "thần y", nhưng cụ Vân và ông Yên, đều đã từ chối lời mời gọi của thầy Từ. Như định mệnh của sự sắp đặt, sau lời từ chối ấy, cả hai đều bị thân bại danh liệt, là nạn nhân của chị Hằng. Và chúng ta đều biết rõ, Dũng "lò vôi" và chị Hằng, từng được thầy Từ, nhiều lần PR thành diễn giả về "phật học" tại chùa Giác Ngộ....

Sẽ có người bạo biện rằng, vì cụ Vân không làm đơn tố cáo chị Hăng và đồng bọn, thì làm sao cơ quan chức năng và tòa án giải quyết trong trường hợp cụ thể này? Bên cạnh đó, cũng có người sẽ đặt câu hỏi tử tế và có nhân tính hơn, là liệu ngay cả khi đứng ra tố cáo, thì chánh quyền có nhìn nhận cụ Vận và những em bé mồ côi là bị hại, hay không?

Chỉ biết là, có 10 người khác, đã tố cáo chị Hằng, đã làm nhục và vu khống họ, nhưng không có ai trong số đó, được Hội đồng xét xử xác định là bị hại cả. Bởi chị Hằng bị cáo buộc theo Điều 331, chứ không phải theo Điều 155, 156.

Với cáo buộc này, Hội đồng xét xử cho biết tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" thuộc Chương 22 của Bộ luật Hình sự, khách thể của tội phạm thuộc chương này là xâm phạm về trật tự quản lý hành chính nên theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Tố tụng Hình sự, 10 cá nhân tố cáo được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là đúng quy định của pháp luật.

Hay có thể hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, phiên tòa xét xử.chị Hằng là phiên tòa không có bị hại. Hoặc nếu có, thì những lần livestream của chị Hằng, chỉ gây thiệt hại cho "nhà nước" - tổ chức đã bị "xâm phạm" mà thôi. Bất chấp nội dung của cáo trạng như thế nào, nhưng chính vì sự cáo buộc mơ hồ này, đã dẫn đến chi tiết đối đáp tại tòa của chị Hằng với các luật sư bên phía tố cáo, mà nhiều người nhận định là "hiểu luât, bản lãnh, cực gắt".

Tôi cho rằng nhận định này là vội vã, hoặc cảm tính. Bởi nếu là người hiểu luật, thì không ai cho rằng những luật sư bên phía tố cáo đang hùa nhau tấn công chị Hằng cả. Thậm chí tư duy như vậy, có thể là sự mạ lỵ những người đang hành nghề luật sư. Đặc biệt, khi nói ra những điều như vậy, lại được tòa án "giữ quyền im lặng", không khỏi khiến cho nhiều người nghĩ rằng, đó là sự đồng thuận giữa ban ngày.

Cho nên, không quá khó hiểu, khi chị Hằng tuyên bố những người tố cáo chị, không phải là bị hại. Chị càng không cần phải xin lỗi ai cả. Điều này chị ấy nói tuyệt đối đúng, dựa theo nhận định của Hội đồng xét xử. Vô hình chung, tòa án đứng về phía chị Hằng, bất chấp tòa sẽ tuyên án cụ thể ra sao?

Và dường như, chị tự tin xem tòa án là nơi chị livestream giống như chị đã từng trước đó, nhưng theo một phương thức gián tiếp mà thôi. Chị tự tin khi cho rằng, chị phải ở trong tù 18 tháng là đã quá đắt. Chi tiết này, hoàn toàn có thể được hiểu, 18 tháng tù là đã đủ, ngày xử chị cũng là ngày được trở về. Chị có lý để mà tin, bởi thiệt khéo ngẫu nhiên, vì ngày tuyên án dự kiến, là ngày 22/9 - đúng 18 tháng chị ở tù.

Phiên tòa xử chị Hằng, người ta thấy có bóng hình của Trang Nemo bên chị, ca bài ca dân túy cũ rích, nhưng giọng ca của chị ở cung bậc cao hơn. Có lẽ chị Hằng và những người ca tụng chị, chưa bao giờ hiểu được điều tối thiểu, mặt trời vẫn mọc đằng đông, và lặn đằng tây, cho dù có hay không có bất kỳ một ai đó, kể cả bậc vĩ nhân trên cuộc đời này.

Vì lẽ đó, mà tầm bất khả chiến bại như Achiles, trong phim "Troy", phải cảm thán rằng: "Khi tôi chưa sinh ra đời, Hy Lạp đã có. Khi tôi chết đi, Hy Lạp vẫn còn đó".

Trong vụ án Đinh La Thăng, một quan chức cấp cao luôn miệng nói vì dân - hơn ai hết, ông ta biết rõ chỉ là câu cửa miệng dân túy, bip bợm mà thôi. Nhưng dẫu sao trước tòa, nhân tánh trong ông được đánh thức, khi nhận hết tội về ông, và mong tòa xử nhẹ cho thuộc cấp dưới quyền. Chị Hằng thì không.

Chị Hằng biết giữ quyền im lặng trước những câu hỏi của luật sư. Và chị cũng giữ sự im lặng đối với 3 người thuộc cấp, đang đối diện với tù tội, mà suy cho cùng cả 3 cũng vì miếng cơm manh áo thế thôi. Nhưng im lặng trong trường hợp này, là nhân tánh im lặng, giống như đã chết. Khác với quyền im lặng của luật sư.

Còn rất nhiều chi tiết ngẫu nhiên khác, nhưng tôi muốn nói đến sự thay đổi ngẫu nhiên. Đó là rất nhiều người tố cáo chị, đã thay đổi rất nhiều dù họ có mặt hay ủy quyền người khác tham dự phiên tòa. Dường như, có những áp lực vô hình khiến họ không còn chọn lựa phải "ăn thua đủ" với chị Hằng, như từng tuyên bố. Thậm chí đến mức, chỉ cần lời xin lỗi là đã đủ, mà không xin lỗi cũng không sao!!!

Cho dù, trong đó có cả "anh hùng" một thuở ngấu nghiến cả mực Fosmosa. Và liệu vị "anh hùng" này, có còn tư cách kháng án hay không, khi không là bị hại, theo "luật định"?

Nhớ đến điều này, tôi lại nhớ về cái chợ chồm hổm nơi quê nhà, mấy chị hàng tôm hàng mực vẫn chí chóe cãi nhau như lề thói - tất cả chỉ là ngẫu nhiên thôi.

-------------

Nguồn: https://www.facebook.com/Ng.tuyen.dam1979

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét