MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

BA THÁNG QUÂN TRƯỜNG - Truyện ký Trần Đức Phổ (Canada)

 


BA THÁNG QUÂN TRƯỜNG

 

(Tác giả Trần Đức Phổ)

Năm 1983, tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Đi lính là niềm mơ ước và cũng là tâm nguyện của tôi, mặc dù trong thời buổi ấy cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam (Cambodia) vẫn còn rất cam go. Nhiều đơn vị bộ đội của Quân khu 9 và Quân khu 7 bị tổn thất nặng nề vì mìn và phục binh của tàn quân Pol Pot. Từ nhỏ tôi đã thích làm chiến sĩ, lý do không phải vì qúa yêu nước hay có tinh thần cách mạng gì ráo.  Chẳng qua đó là niềm mơ mộng viễn vông, ngây thơ được làm lãng tử phiêu lưu giang hồ mà không tốn tiền cơm nhà! Được sống và trải nghiệm những điều mới mẻ ở những chân trời xa lạ là điều tôi hằng ấp ủ. Đầu óc tôi vẫn thường hay tưởng tượng ra những chuyện lý thú sẽ đến với tôi nơi đất khách quê người. Tôi ao ước được làm một chú Dế Mèn lang bạt đến những miền đất lạ. Tôi chán ngán cảnh sống đơn điệu, không có gì mới mẻ ở quê hương. Hơn nữa, một năm nay tôi bị đuổi học, ở nhà không bạn bè, tập tành làm anh thủy thủ ghe mành sơn thật quá vô vị và lãng phí tuổi thanh xuân. Tôi cần một cuộc sống khác!

Đúng lúc ấy, tôi nhận được giấy báo gọi nhập ngũ. Tôi hớn hở chào tạm biệt gia đình, quyến thuộc, làng xóm để lên đường. Đó là một buổi sáng đầu tháng tám âm lịch. Hôm ấy, trời nắng thật đẹp. Lót dạ bằng mấy cái củ khoai lang xong, mẹ con tôi xuống xã. Chúng tôi đi tay không, trước khi bước ra khỏi nhà mẹ dúi vào tay tôi mấy đồng tiền lẻ, dặn dò cất giữ để phòng thân khi hữu sự. Đến Ủy ban xã cũng vừa đúng vào lúc chiếc loa phóng thanh bên vệ đường réo gọi thanh niên trúng tuyển vào hội trường làm lễ xuất phát. Lễ xong, đoàn người sụt sùi rồng rắn cuốc bộ lên Gò Hội, nơi Bộ chỉ huy quân sự huyện đang chiêu binh. Lại tập trung, lại xếp hàng nghe đọc diễn văn dài dòng và cuối cùng là đám thanh niên trúng tuyển bọn tôi leo lên những chiếc xe nhà binh. Đúng mười giờ sáng, đoàn xe bắt đầu khởi hành, rời khỏi doanh trại huyện đội Đức Phổ..

Lần đầu tiên trong đời được ngồi trên một chiếc xe lớn, loại xe tải quân sự GMC của Mỹ, rời khỏi huyện nhà, tôi không buồn mà còn phấn khích, vui vẻ nữa là đằng khác. Ước mơ của tôi đã thành sự thật, kể từ hôm nay tôi trở thành người quân nhân, dấu chân sẽ in trên khắp mọi miền đất nước. Tôi sẽ được ngắm ánh trăng treo đầu núi nơi biên cương, sẽ nghe tiếng chim lạ hót nơi rừng sâu. Ngắm hoàng hôn trên sông dài để chạnh lòng nhớ cố hương. Khi xe lăn bánh, tôi quay người, đảo mắt tìm mẹ tôi trong đám đông. Bà đưa tay áo quệt nước mắt. Tôi cúi đầu chào tạm biệt mẹ lần cuối trước khi gương mặt và dáng người bà nhòa vào dòng người tiễn đưa.

Dọc đường xe chạy, tôi căng mắt ra cố nhìn cảnh vật quê nhà đang giật lùi về phía sau như muốn ghi vào trong trí nhớ phong cảnh quê hương lần cuối. Lúc xe chạy ngang qua Sa Huỳnh, tôi đứng hướng mặt về phía biển, trời nước một màu xanh biêng biếc, thấp thoáng có những chiếc thuyền buồm của ngư dân ngang dọc. Cảnh vật trông tuyệt đẹp. Trong tâm trí tôi xuất hiện câu ca dao tôi đã từng đọc ở đâu đó:“Đường vô Bình Định quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ.”

Xe chạy từ Đức Phổ đến quân trường Phù Cát thì dừng lại. Chúng tôi được đưa về các dãy barracks nhà binh. Lúc ấy Quảng Ngãi và Bình Định nhập chung gọi là tỉnh Nghĩa Bình. Quân trường Phù Cát có quy mô khá rộng, doanh trại đầy đủ nên Quân khu ủy chọn làm nơi huấn luyện tân binh cho cả tỉnh. Doanh trại nơi đây trước kia thuộc về Sư đoàn 22 Bộ binh quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Cùng đợt đi lính với tôi có một số đứa ở chung xã và thằng T. bạn học từ năm lớp 6 đến năm lớp 10. Có đồng hương để nói chuyện phiếm lúc rỗi cũng đỡ cô đơn. Buổi chiều ngày hôm đó, khi tôi đang loay hoay sửa soạn chỗ ngủ thì thằng T. chạy tìm tôi tán dóc. Miệng nó cười tươi, khoe:

- Mày xem , bộ đồ tân binh của tao có vừa vặn không?

Tôi ngắm nghía một lát rồi đáp:

- Rất vừa vặn và đẹp lắm, nhưng cái nón cối làm mày ngố quá! Thật tiếc!

Thằng T. mất hứng, bộ mặt ỉu xìu.

- Mặc quân phục không lẽ để đầu trần sao mày?

Tôi cười phì:

- Giỡn với mày cho vui thôi! Trông mày oai lắm!

Nó lườm tôi. Hai đứa trao đổi địa chỉ đơn vị rồi chuẩn bị đi ăn cơm.

Bữa cơm đầu tiên ở quân ngũ là một trải nghiệm cho đoạn đời mới của tôi. Đúng sáu giờ chiều, tiếng kẻng vang lên. Cả ttrung đội sắp ba hàng dọc trước cửa barrack. Mỗi người cầm chén đũa tren tay. Tiểu đội trưởng trực ban dẫn tất cả xuống nhà ăn. Những thau cơm đã ngụôi cùng những thau canh rau muống toàn nước được đặt trên hai dãy bàn dài. Lính mới thằng nào cũng đói meo giành nhau xúc cơm vào bát trước. Tôi bưng bát cơm màu gạo đã chuyển sang màu nâu nhạt, đưa lên miệng. Mùi vị gạo lâu ngày bị mốc xông lên mũi làm khó chịu. Cố gắng và miếng cơm vào miệng mà cảm giác cứ ơn ớn như thế nào. Thì ra dẫu là bộ đội cũng không hề được ăn bát cơm trắng muốt như tôi quen tưởng tượng. Cơm không ngon nhưng đông con cũng hết. Chỉ thoáng chốc thau cơm đã sạch nhẵn! Đói quá tôi cố gắng nuốt cho xong chén cơm. Dù sao thì cũng phải ở đây suốt ba tháng trời! Bỗng nhiên tôi chợt hiểu ra đời bộ đội không giản đơn và lý thú như bấy lâu nay mình nghĩ. Một chuỗi ngày gian khổ đang chờ đợi tôi. Bắt đầu là bữa cơm khó ăn này. Cả những tiếng kẻng tập hợp, những lần xếp hàng chờ lệnh cũng phải học làm quen. Mọi thứ phải theo quy định. Cuộc sống của mình không còn muốn làm gì thì làm mà phải tuân thủ theo mệnh lệnh của cấp trên ban xuống. Một cảnh đời khác biệt bắt đầu.

Trong thời gian thụ huấn nghe có thông báo ai muốn tham gia học khóa đào tạo sĩ quan Lục quân với thời hạn là ba năm thì nộp hồ sơ lý lịch. Tôi và thằng T. hăng hái đi ghi danh. Nhưng sau đó được biết, tốt nghiệp xong phải ở lại phục vụ quân đội suốt đời, chúng tôi đã rút lui.

Mỗi ngày tân binh dậy từ sáu giờ sáng. Thu dọn mùng mền, vệ sinh cá nhân rồi xếp hàng đến phòng ăn. Bữa sáng không có cơm. Mỗi người được phát cho hai cái bánh bột mì luộc to như hai cái đĩa. Không biết anh lính nào đã đặt cho cái tên rất có tinh thần Mác- Xít Lê-nin-nít là bánh xe lịch sử. Buổi trưa và tối được cho ăn cơm gạo ẩm mốc với món canh rau muống. Thứ canh đặc biệt ít rau nhiều nước, lềnh bềnh vài miếng thịt mỡ trắng hếu được  gọi rất văn vẻ là canh toàn quốc. Nghe cũng khá hài hước, mỉa mai. Ăn xong bữa sáng, cả trung đội xếp hàng chờ nghe lệnh. Có hôm trung đội trưởng dẫn ra thao trường, cũng có hôm ở lại barrack học chính trị.

Mỗi ngày chúng tôi học đi học lại các bộ môn ngắm tác xạ, lăn, lê, bò, toài... ở một sân bay cũ bỏ hoang, gần doanh trại. Buổi tối sinh hoạt trung hoặc tiểu đội. Mỗi tuần đều học luyện tập tháo ráp và lau chùi súng đạn. Thứ bảy các tiểu đội họp đánh giá, phê bình, thảo luận tác phong tư tưởng của mỗi tân binh. Mỗi tháng đều có báo động diễn tập hành quân lúc nửa đêm. Chủ nhật được nghỉ, nhưng mọi người không được phép ra ngoài cổng doanh trại. Tôi và thằng T. bận rộn ít gặp nhau hơn. Nó và tôi ở khác đại đội.

Thỉnh thoảng cả doanh trại được tập trung nơi hội trường của khu huấn luyện để nghe chính ủy tiểu đoàn giảng dạy về chính trị, và nghe huấn thị của tiểu đoàn trưởng.

Tôi ghét nhứt là ngồi nghe giảng về chính trị. Hồi còn đi học , môn này là kẻ thù của tôi. Có lần thầy giáo giảng về sự mâu thuẩn trong xã hội. Thầy bảo các thể chế xã hội tiến bộ là nhờ đấu tranh giai cấp. Nghe thế tôi giơ tay xin hỏi:

- Thưa thầy, như vậy đến thời kỳ xã hội Xã hội chủ nghĩa không còn đấu tranh giai cấp nữa xã hội sẽ hết tiến bộ?

Thầy biến sắc mặt, nhìn xoáy vào tôi, một lát sau thầy mới lên tiếng:

- Lúc đó sẽ có mâu thuẫn giữa con người và thiên nhiên!

Tôi cãi:

- Thưa thầy, con người muốn cho cuộc sống tốt đẹp phải biết sống hòa hợp với thiên nhiên chứ ạ?

Nghe tôi nói vậy, thầy quát:

- Ai bảo với em thế? Con người ta cần phải đấu tranh với mọi kẻ thù, kể cả thiên nhiên! Đấu tranh với thiên nhiên là... chống lại bão lụt, hạn hán... Em hiểu chưa?

Thầy ngưng lại lấy hơi, tôi toan lên tiếng cãi nữa thì thầy khoát tay nói tiếp:

- Thôi, em ngồi xuống đi, để cho cả lớp học bài. Nếu còn cãi bướng tôi sẽ đuổi em ra ngoài. Nghe chưa?

Tôi ngồi xuống bàn nhưng trong lòng không phục.

Từ đó môn chính trị của tôi lúc nào cũng bị điểm kém. Thế nên cho đến bây giờ hễ nghe nói đến môn chính trị là chán hơn ăn cơm nếp nát. Có điều nhờ một buổi học chính trị ở hội trường mà tôi làm quen được với một người bạn mới.

Một bữa, cả tiểu đoàn tập trung về hội trường để nghe giảng về nhiệm vụ của quân đội nhân dân ta đối với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, tôi tình cờ ngồi cạnh hắn. Lúc đó đồng chí chính ủy đang giảng thao thao trên bục. Tôi nghe lơ mơ vừa chẳng hiểu gì, vừa buồn ngủ. Đang quay ngang quay dọc xem có anh vệ binh nào đứng cạnh không để tranh thủ đánh một giấc. Chợt thấy hắn đang cặm cụi, hí hoáy viết gì đấy vào cuốn sổ tay. Trông hắn có vẻ thấp bé không biết sao lại đủ tiêu chuẩn đi bộ đội? Tò mò nên tôi mở miệng làm quen.

- Này, ông quê ở đâu vậy?

- Phổ Thuận, Đức Phổ

- Ô! Đồng hương rồi, tôi Phổ Quang.

Hắn ngưng viết, ngẩng mặt nhìn tôi. Khuôn mặt rám nắng nhưng vuông vức, chữ điền ngon lành.

- Ông viết gì đấy? – Tôi hỏi.

Hắn đưa cuốn sổ cho tôi coi. Một bài thơ đang viết dở dang. Tôi lật ngược mấy trang, trang nào cũng chép thơ. Dưới mỗi bài ghi tên tác giả là Thái Đức.

- Tên ông là Thái Đức à?

- Không! Bút hiệu thôi!

- Sao lại Thái Đức? Bộ muốn làm vua như Nguyễn Nhạc?

Hắn cười, bảo tôi:

- Ông nói lái lại thử coi!

Hiểu ra, tôi cũng cười. Thế là chúng tôi làm bạn với  nhau.

Hai tháng sau khi tôi vào trại huấn luyện, một hôm B trưởng (trung đội trưởng) gọi tôi lên bảo ra hội trường có người đến thăm. Tôi mừng quýnh chạy như bay ra căn nhà dài gần cổng ra vào. Mẹ và em trai tôi đang đứng chờ. Tôi vui quá lao đến ôm chầm cả hai người. Ngày tôi nhập ngũ, em tôi đang đi biển ở Nha Trang nên không về được để tiễn đưa. Tôi đi rồi các chị tôi khuyên mẹ gọi em về để khi tối lửa tắt đèn có mẹ có con. Em trai tôi cao lớn, khỏe mạnh chứ không mảnh khảnh như tôi. Vì có sức vóc nên sau khi học xong lớp tám, chú ấy quyết định nghỉ học đi biển để phụ giúp gia đình kiếm tiền, cho tôi được tiếp tục theo học cấp ba. Mẹ đem vào một lon cá kho mặn, một gô thịt chà bông cùng một tin tốt đẹp. Mẹ bảo, lúc tôi đi rồi bà có xuống gặp đồn trưởng đồn Biên phòng Mỹ Á để xin cho tôi được chuyển sang lính biên phòng. Họ đã đồng ý và hứa sẽ chuyển lý lịch của tôi lên cấp trên. Em trai tôi thì đưa cuốn sổ ghi thơ Tiếng Lòng cho tôi. Lúc lên đường nhập ngũ, tôi đã vội không mang theo. Chú ấy nói:

- Anh cứ yên chí làm ba năm nghĩa vụ rồi về. Ở nhà mọi việc đã có em lo.

Tôi chỉ còn biết nghẹn ngào xúc động nắm chặt tay em thay cho lời cảm ơn. Chiều hôm đó, mẹ và em tôi đón xe về luôn trong ngày.

Đám tân binh trong tiểu đội tôi đứa nào cũng chỉ mười chín, hai mươi tuổi. Đa phần là thanh niên lớn lên ở miền quê nên đứa nào cũng chất phát khờ khạo. Duy nhất thằng Quang là dân thị xã Quy Nhơn đã hai mươi hai tuổi nên già dặn, khôn ngoan. Hắn rất biết cách lấy lòng tiểu đội trưởng (A trưởng). Đặc biệt hay xun xoe nịnh bợ  trung đội trưởng. Gia đình hắn ở gần nên vài tuần lại vào thăm, tiếp tế thực phẩm cho hắn một lần. Có thức ngon hắn không để dành thưởng thức một mình mà luôn đem biếu cho B trưởng. Được nhận quà cáp thường xuyên, B trưởng cũng đối xử với Quang tốt hơn nhiều so với những tân binh khác. Quamg thường được B trưởng nêu gương có thành tích tốt trong học tập chính trị và tập luyện kỹ thuật chiến đấu. Hắn còn được cho phép ra vào doanh trại mỗi chủ nhật. Hắn ở tổ ba người của tôi. Mỗi lần túm tụm lại với nhau hắn hay khuyên cả bọn.:

- Tụi mày muốn ở trong quân đội thì phải phấn đấu vào đảng. Không có đảng sẽ không tiến thân được đâu!

Mỗi lần thảo luận chính trị ở trung đội hắn thường phát biểu rất hăng say. Với tài ăn nói lưu loát, biết cách trình bày sự việc, và tán rộng nội dung bài học nên Quang đã là một hạt giống tốt trong mắt của B trưởng. Vậy mà có một lần không biết nghe lỏm được tin từ đâu hắn lại nói với cả bọn chúng tôi điều trái ngược hẳn:

- Tụi mày cứ ăn chơi đi! Hết ba tháng quân trường là sang Campuchia đánh giặc đó! Liệu mà lo lấy thân! – Rồi hắn ngâm nga – Sương gió phủ đời trai, tương lai nằm nghĩa địa!

Không ngờ, tối chủ nhật tuần sau chúng tôi không thấy hắn đâu nữa. Thì ra Quang cố ý lấy lòng cấp trên để họ tin tưởng, cho phép hắn vào ra doanh trại tự do. Lựa cơ hội thuận tiện hắn chuồn về nhà và trốn luôn. Báo hại, cả trung đội ngay đêm hôm đó chín, mười giờ đêm còn phải họp khẩn cấp. B trưởng thông báo đứa nào đào ngũ bắt được sẽ đem nhốt vào cô-nét ba ngày. Cái cô-nét là một thùng sắt hình chữ nhật đen sì đặt ngay ở phía sau barrack của trung đội. Đứa nào đứa nấy nghe nói vậy đều im như thóc.

Ba tháng quân trường qua nhanh. Rồi ngày bế mạc khóa huấn luyện cũng đến. Trong khi những đứa khác ở xã Phổ Quang vào lính cùng đợt bị di chuyển đi xa thì tôi, thằng T. và thằng Minh (nhà thơ Thái Đức) được đưa về Gành Ráng, tiếp tục thụ huấn khóa học Bộ đội biên phòng.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về chăm sóc sức khỏe0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe Ánh Tuyết đọc truyện ngắn

“CÔ” VƯƠNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRẦN ĐỨC PHỔ

Địa chỉ: 819 KLEINBURG DR

London, Canada

Email: ducphot946@gmail.com

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 27.02.2024.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét