MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2024

HIỆN TƯỢNG THÍCH MINH TUỆ VÀ VĂN BẢN CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM - Nhiều Tác Giả

 


HIỆN TƯỢNG THÍCH MINH TUỆ VÀ VĂN BẢN

CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

Tác giả: Ngô Trí Tâm

NHỮNG LỜI CHIA SẺ CỦA THÍCH MINH TUỆ

Tôi đã xem qua hầu hết tất cả các video và pv có thích Mình Tuệ trong đó mà tôi tìm được trên mạng xã hội. Tôi xem và nghe thầy tâm sự chứ không theo dõi các cuộc bình luận của người khác và những lời chia sẻ dưới đây rất chính xác. Mời các bạn cùng đọc.

NHỮNG LỜI CHIA SẺ CỦA THÍCH MINH TUỆ:

1. Giữa tháng 7/2015, con đi làm vô tình nghe được Phật pháp. Con phát nguyện ăn chay ngày một bữa , tìm đọc kinh sách Phật và giữ giới trong 6 tháng.

2. Con thấy mục đích Phật dạy rất cao cả, nên con muốn đi tu và quyết định xuất gia.

3. Cha mẹ con lúc đầu không cho. Sau đó, thì cũng chấp thuận. Con được cha mẹ chia phần tài sản như các anh em trong nhà, nhưng con từ chối, con chỉ xin cha mẹ ký giấy cho con xuất gia thôi.

4. Lúc đầu tu học thì con không hiểu được gì nhiều. Con như người học lớp 1 , rồi học lớp 2, từ từ học lên nữa, người ta cũng chỉ cho con, con mới hiểu nhiều hơn.

5. Con học tu ở chùa một thời gian, có pháp danh là Thích Minh Tuệ. Sau đó, con thấy không hợp, nên con rời bỏ chùa, lên núi ẩn cư một mình trong hốc đá, hàng ngày đi khất thực.

Dù Phật không có nói, nhưng con chọn ngủ ngồi 3 năm rồi, không có nằm. Con ngủ ngồi là con muốn bỏ cái ngủ đi. Khi nào mệt quá thì ngồi dựa vào gốc cây hay bờ tường cũng được.

6. Sau thời gian ở một chỗ con thấy mình không có cơ hội xúc chạm để thử thách tham-sân-si, nên con quyết định bộ hành từ Nam ra Bắc, rồi ngược lại. Con không dám nói trước cho đến lúc nào thì con dừng.

7. Con muốn giữ lại pháp danh cũ, nên con nói tên con là Thích Minh Tuệ, thay vì nói tục danh con (là Lê Anh Tú).

8. Trước khi đi tu, con cũng có việc làm như bao người, nhưng con không hạnh phúc, bởi con tư duy thấy rằng cho dù ai có việc làm, có công chức, cuộc sống ổn định nhưng rồi cũng bệnh, cũng già và chết như nhau. Con sẽ giống họ.

9. Con muốn học những điều Phật dạy cao siêu, vi diệu, tối ưu , thiền định, trí tuệ , thoát được khổ đau, và an lạc hạnh phúc.

10. Phật bày như thế nào, con làm theo thế ấy, để có an lạc hạnh phúc, chứ không phải tự mình mà biết. Con chưa vào định được. Con còn đang học.

11. Con đi tu là để cầu giải thoát. Khi đắc đạo chánh đẳng, chánh giác, con mới đền đáp được công ơn cha mẹ.

12. Ngày nào con cũng xin ăn không quá một bữa cơm mỗi ngày để nuôi thân tu hành. Con không tích chứa để dành, hoặc xin thêm.

13. Con tuyệt đối không nhận tiền, vàng và vật phẩm của ai, dưới bất cứ hình thức nào.

14. Y áo con mặc được may từ vải con nhặt ở nghĩa địa, hay thùng rác ven đường.

15. Con không sử dụng y áo có màu giống với các tu sĩ, và nói mình ở chùa nào, vì con không muốn mượn hình ảnh để xúc phạm đến sư thầy và các nhà chùa. Người ta có thể nói con lợi dụng để lừa đảo, hay làm điều sai trái, làm ảnh hưởng đến họ.

16. “Bình bát” để nhận thức ăn là do con sửa chế từ nồi cơm điện người ta cho con. Đó không phải là “y bát” của quý sư thầy.

17. Đời là vô thường, sống nay chết mai đâu ai biết, nên con phải sớm đi tu, lỡ mai chết mất thân này thì con đâu còn cơ hội.

18. Có người hỏi con ngủ ở nghĩa địa có thấy gì không? (ma). Con nói không thấy cũng không đúng. Có khi con thấy bóng đen nào đó đi qua, nhưng không ảnh hưởng gì đến con thì con nói thấy hay không thấy cũng vậy.

19. Giờ đây con coi mọi người đều là anh em, cha mẹ con.

20. Trong lòng con không còn ích kỷ, thù hận. Con coi tất cả mọi người trong thế gian đều bình đẳng.

21. Giờ nếu anh có chửi con, con vẫn coi anh là bạn.

22. Người ta có đánh con, con vẫn chúc mọi điều tốt đẹp đến với họ.

23. Con nguyện ước chúc cho mọi người được hạnh phúc.

24. Bình thường như con khi chưa phát tâm tu hành chánh đẳng , chánh giác thì không sao, nhưng khi phát tâm tu hành rồi thì đầy đủ các thứ đánh đập, chửi bới bệnh đau nó đến để thử thách lòng mình có vượt qua được không, có chiến thắng với 4 nổi khổ: sinh, già , bệnh, chết không. Ví dụ bệnh đau là cái đầu tiên vẫn đến để xem mình có sợ nó không.

25. Mọi người không nên học bói toán , vì có cái đúng, cái không đúng. Đức Phật không có dạy xem bói. Hơn nữa, nếu họ tài giỏi thì họ đã bói cho họ rồi. Thay vì học bói toán, mọi người nên học đạo đức, giới luật. Cố gắng giữ 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống bia rượu sẽ được hạnh phúc.

26. Việc giữ giới là quan trọng đầu tiên trong Giới-Định-Tuệ. Không giữ giới thì không tu được thành Phật.

27. Ăn chay mà giữ giới thì cũng thành đạt trong việc tu Phật được.

28. Người ta cho con chay, mặn có đủ. Khi ăn, con chọn thức ăn chay.

29. Mọi người đừng lạy con mà hãy lạy Phật - Pháp - Tăng.

30. Con không kêu gọi hay lập ê kíp đi theo quay phim con. Nhưng con cũng không xua đuổi họ.

31. Nếu họ vì quay phim con mà được lợi ích, thì con cũng chúc họ hạnh phúc.

32. Đối với con, ở đâu cũng là chùa. Nên con không quan trọng lý do vì sao chùa này mở cửa, chùa kia đóng cửa.

33. Con đi bộ, không đi xe, là để rèn luyện sức khoẻ.

34. Con đi chân trần là để cảm nhận được những gì ở phía dưới chân, mình có dẫm đạp lên các côn trùng, sinh vật không? Hơn nữa giày, dép mau hư hơn chân con.

35. Ai không có thứ gì đáng giá trên người, mới là hạnh phúc, vì họ không phải lo giữ gì cả.

36. Con không có gì hết nên con không sợ bị ai đánh đập hay giết mình để lấy của. Con không sợ chết, bởi con đâu có thứ gì tiếc uống, cần phải sống để giữ nó.

37. Có người hỏi con ngủ trong chòi lá, rừng cây lạnh lẽo, rét buốt làm sao ngủ ngon bằng ở phòng kín, chăn ấm, nệm êm? Con nói vẫn ngon, vì theo lời Đức Phật dạy ngủ ở đâu cũng ngon, nếu không có khởi tâm dâm dục.

38. Đọc chú đại bi phải có mục đích nào đó. Nếu vì muốn mình an ổn, cần phải đọc chú đại bi, ví dụ xua đuổi con quỷ chẳng hạn, thì mình cư xử ác với nó rồi. Con không muốn giành lấy chỗ ở hay sự an ổn của ai, (ví dụ của con quỷ) nên con không học chú đại bi.

39. Ai nói xấu con hay chửi mắng con thì con không giận họ và chúc họ may mắn. Ai nói tốt con hay khen tặng con thì con bình tâm, không để mình bị dính mắc vào ngã mạn, và con cũng chúc họ được hạnh phúc.

40, Nói tốt, nói xấu hoặc khen, chê con thì rồi cũng vậy. Nhưng con phát hiện ra 2 tâm trạng: người cho con thức ăn thì con thấy họ rất vui và hạnh phúc, còn người chửi con thì con thấy họ đỏ mặt không tự nhiên.

41. Con không phải là sư, là thầy gì cả. Con là công dân Việt Nam giống như mọi người thôi. Con chỉ muốn học tu. Con không có mục đích tuyên truyền hay rao giảng gì cả. Tất cả lời Phật dạy đều có trên mạng.

42. Khi nào con thành tựu được chánh đẳng chánh giác con mới giảng pháp cho mọi người được. Bây giờ người nào muốn học thì cứ lên mạng nghe giảng của các sư thầy. Kinh sách nào của Phật cũng đều có cả.

43. Những người tu hành, già cả hay nghèo khổ mình nên bố thí cho họ cơm ăn, y áo vật thực hay cái gì đó. Những người sa ngã, ăn chơi, hư hỏng, mình bày cho họ đừng sát sanh, trộm cắp, sống lương thiện, giữ trọn 5 giới , đó là bố thí pháp.

44. Sáu năm qua con không là nhân sự ở chùa nào. Con không là Nam tông hay Bắc tông, cũng không phải là tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi con tự thấy đạo đức của con chưa đạt đến cảnh giới đó.

(Ngộ Trí Tâm, cập nhật 19/5/2024-12/4 âl).

 

 

 

Tác giả: Chu Mộng Long

CẦN TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM

BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ

Chưa bao giờ dư luận bức xúc về vấn đề tôn giáo, chủ yếu là Phật giáo, như hiện nay. Bức xúc từ âm ỉ đến dấy lên làn sóng mạnh mẽ. Bức xúc từ rất nhiều năm và dồn ứ thành bão.

Nhà tu lẽ ra được dân chúng tôn trọng thì đã không còn chút tôn trọng, thậm chí bị dư luận chỉ trích, khinh bỉ công khai, dữ dội.

Dư luận bức xúc ba vấn đề:

1) Các thầy tu thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo tuyên truyền mê tín dị đoan, cụ thể là gieo rắc chuyện tà ma, quỷ quái, bói toán, xem xăm, cúng sao giải hạn, cúng vong giải nghiệp.

2) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân thông qua việc đe dọa bệnh tật, đày đọa khổ đau, hứa hẹn lãi phước để công dân cúng dường tiền bạc, tài sản cho chùa.

3) Lấy chuẩn mực "nghề tu", buông lời rủa sả, nhục mạ các nghề nghiệp xã hội như nghề câu cá, thầy thuốc, thầy giáo, thợ xây, du lịch... kể cả miệt thị trai gái yêu nhau.

Chính phủ không thể nói là không nghe gì. Chỉ một hoạt động cá nhân đơn độc của hành giả Thích Minh Tuệ mà Ban Tôn giáo chính phủ đã có công văn chấn chỉnh, làm gì có chuyện dư luận sôi sục nhiều năm, đã và đang thành bão mà Ban Tôn giáo chính phủ vẫn kê gối ngủ yên?

Dư luận chỉ trích giới nhà tu, chỉ trích luôn đám đông cuồng tín, và dừng lại ở sự quy trách nhiệm Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Không ai dám nhắc đến Ban Tôn giáo chính phủ, cơ quan quyền lực chịu trách nhiệm cao nhất về tôn giáo và các hoạt động tín ngưỡng.

Thời nào cũng có chân tu và giả tu. Bậc chân tu tạo nên tấm gương sáng về đạo đức, phẩm hạnh và hình thành đức tin tốt đẹp trong dân chúng. Hạng giả tu lợi dụng sự cuồng tín của đám đông để thao túng tâm lý, thống trị tinh thần người dân và để trục lợi, kể cả những âm mưu chính trị, kinh tế bẩn thỉu. Chưa có thời nào như thời này, hạng giả tu mọc nhiều như nấm, lại tồn tại công khai, đứng trên cả pháp luật.

Mê tín dị đoan cũng vậy. Mê tín dị đoan có từ thời nguyên thủy và tồn tại dai dẳng trong lịch sử nhân loại. K. Marx nói, ở đâu dân chúng còn ngu muội thì còn mê tín dị đoan, thậm chí không chỉ mê tín dị đoan mà cả hoạt động tôn giáo nói chung. Tác hại của cái gọi là hoạt động tâm linh này, Marx nói, nó tạo ra thứ "thuốc phiện" với những ảo giác hoang đường, ru ngủ nhân dân, hình thành nên thứ "trật tự của tinh thần không có tinh thần", dân chúng "đã đê tiện càng đê tiện hơn" trước sự thống trị của cường quyền lẫn thần quyền (K. Marx, Hệ tư tưởng Đức). Chính Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở: Mê tín dị đoan và hoạt động tôn giáo gây cản trở sản xuất, làm cho con người thiếu tự tin vào bản thân mình, lệ thuộc vào thần, thánh, trời, Phật, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, cản trở xây dựng đời sống mới. Các tệ nạn “rước xách linh đình, đồng bóng, bói toán, v.v. thật là lãng phí, thiếu tiết kiệm, ảnh hưởng không tốt đến tăng gia sản xuất, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11). K. Marx, Hồ Chí Minh có lẽ không ngờ được, cái xã hội xã hội chủ nghĩa do các ông kiến tạo nên đã rơi vào mê tín dị đoan hơn bất cứ xã hội nào trong lịch sử. Nó sâu rộng đến mức tràn lan, từ nhân dân ngu muội đến đảng viên, trí thức cao cấp.

Theo tôi, chỉ trích vào nhà tu chẳng để làm gì khi chính miệng một nhà tu nói công khai: Đi tu là một cái nghề. Nhà tu cũng cần kiếm ăn và thậm chí hoan lạc! Chỉ trích vào đám đông ngu muội ư? Họ chỉ là nạn nhân, giống như con nghiện ma túy. Chỉ trích vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng vô nghĩa. Bởi thành phần giáo hội lại do chính số đông giả tu bầu lên hoặc do các thế lực ma cử ra.

Pháp luật Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng vẫn có điều luật bài trừ mê tín dị đoan, chống lừa đảo, trục lợi và các hành vi thao túng chính trị, kinh tế. Hành lang pháp lý đó ắt giao cho Ban Tôn giáo chính phủ. Ban Tôn giáo chính phủ phải chịu trách nhiệm cao nhất về những gì đã và đang xảy ra, tất nhiên như hiện nay là đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước kia, không có Ban Tôn giáo chính phủ, tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo tự nó thanh tẩy những tệ nạn mê tín dị đoan, những trò lừa đảo và thao túng chính trị, kinh tế. Nay Ban Tôn giáo chính phủ quản từ trung ương đến địa phương các cấp thì tại sao những tệ nạn ấy lại mọc ra như nấm độc sau cơn mưa? Không lẽ, như nhà văn Nguyên Ngọc nói điều tương tự, rằng từ khi có kiểm lâm, rừng bị tàn phá nhiều hơn?

Ô nhiễm môi trường văn hóa tác hại hơn nhiều so với tàn phá, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên. Bởi ô nhiễm văn hóa đầu độc tinh thần con người với các triệu chứng tâm lý nguy hiểm, kể cả gây trì trệ, thụt lùi lịch sử, từ văn minh trở về hoang dã.

Tôi đề nghị Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng, Bộ Công an mở cuộc điều tra quyết liệt vào ngay bộ não của Ban Tôn giáo chính phủ. Làm giống như đã đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở các cấp lãnh đạo vừa rồi vậy. Không dẹp ngay tệ nạn này, nhiều nguy hại còn đang chờ trước mắt.

 

 

 

Tác giả: cư sĩ Minh Mẫn

HIỆU ỨNG KÉP VỀ HIỆN TƯỢNG SƯ MINH TUỆ

Thời gian qua, mạng xã hội tạo  sự kiện quá hot về hiện tượng sư Minh Tuệ, từ đó, dư luận trái chiều liên tục phát sóng đa phần có khuynh hướng tôn kính hình ảnh khổ hạnh của một nhà sư bộ hành 6 năm qua một số tỉnh thành; tuy nhiên cũng có một vài phản ứng trái chiều bình phẩm không tốt về công hạnh của một công dân mang tên Lê Anh Tú với tên gọi Minh Tuệ.

Trước nhất xin xác định sư Minh Tuệ là một công dân bình thường, có ăn học, có nghĩa vụ và chức việc trong xã hội; khi ý thức về cuộc sống, đã xuất gia học đạo, từng thường trú tại tu viên Chơn Như của cố Hòa thượng Thích Thông Lạc. Tham khảo kinh điển Nikaya, luật tạng bắc truyền, sống hạnh khất sỹ; sau khi thấm nhuần giáo lý nhà Phật, người phát nguyện sống theo hạnh đầu  đà từ thời Phật còn tại thế.Sau hai lần xin quá giang xe xuôi ra miền Trung không được, tự phát nguyện suốt đời bộ hành cho đến ngày nay.Và không tự nhận mình là sư, chỉ xưng con với mọi người.

Qua thời gian dài vẫn giữ trai tịnh, ăn ngày một bữa, không giữ tiền, ngủ ngồi, không trụ xứ nhất định; nắng mưa dãi dầu để thử sức mình với đức kiên nhẫn,bị chúng đánh mà vẫn vui vẻ, khiêm tốn xưng hô, không tự nhận mình là tu sỹ phật giáo để khỏi liên lụy uy tín của nhà chùa, nhưng vẫn là sư, vẫn là tu sỹ dưới mắt mọi người dân…Bấy nhiêu đức tính đủ cho quần chúng hiểu được thế nào là một bậc chân tu.

84 ngàn pháp môn, tùy căn cơ mỗi hành giả thích hợp, không thể nói pháp nào, hạnh nào cao hơn pháp nào.Dó tính cố chấp đố kỵ nên phân biệt, chỉ trích, phê phán một công hạnh không hợp với mình.Đáng ra chúng ta không thực hiện được những công hạnh khó làm mà người khác làm được, phải hoan hỷ tán dương mà nhà Phật gọi là tùy hỷ công đức. Sư Minh Tuệ không hề phê phán, chỉ trích ai, vì sư tự nhận là người đang học, đang tập những lời Phật dạy.

Gọi là “thằng ba trợn ôm nồi cơm điện” “Ô, đây là Thánh nhân của tôi”… là ngôn từ đố kỵ không nên có ở miệng một tu sỹ, tu mục đích Thánh hóa nhân cách chả lẽ tu để thành ma đố kỵ???

Một phê phán cũng từ miệng một tu sỹ khác: “Tu không ở một chỗ, ôm bác đi lòng vòng” chứng tỏ người phê phán không hiểu gì về đa hạnh của một bậc xuất ly…còn rất nhiều phê phán bằng ngôn từ khó nghe nơi cửa miệng đồng tu; rồi một số được thầy mình mớm ý để những con nhang cuồng tín không biết sai đúng cũng lớn tiếng chỉ trích dạy đời sư Minh Tuệ.

Dĩ nhiên lượng người công tâm bênh vực sư Minh Tuệ nhiều hơn kẻ chống đối.Một hiện tượng chưa bao giờ có tại Việt Nam, người dân quét đường cho sư đi qua, hàng trăm người theo sư qua địa phận của mình, được công an giao thông giữ trật tự đủ để thấy sự sáng suốt của người dân phân biệt đúng sai, chánh tà.

Ngoài thành phần chống đối và ủng hộ, một vài người đem so sánh sự sinh hoạt của các tu sỹ theo nếp sống Thiền môn hiện nay, cũng không đúng.Mỗi người có một công hạnh, một nghĩa vụ, một hoàn cảnh khác nhau; không thể bảo các tu sỹ đều sống kiểu sư Minh Tuệ khi mà Phật giáo trở thành một Tôn gíao có tổ chức gắn kết với nhịp sống xã hội. Các sư ở chùa có nhiệm vụ riêng ở chùa, việc nhân cách cá nhân không đại diện cho một người mang danh tu sỹ. Bất cứ một tập thể nào cũng không tránh khỏi vài cá nhân thiếu chuẩn mực đạo đức, không vì thế quy chụp chung cho tập thể tu sỹ.Hình ảnh sư Minh Tuệ là một trong hai mặt của tập thể tu sỹ  Phật giáo, không cái nào hơn cái nào, chúng bổ túc điều chỉnh cho nhau để không đi quá đà trong sinh hoạt tập thể. Người trí biết tiếp thu cái hay để điều chỉnh cho nhân cách của mình; phủ nhận cái hay là bảo thủ, kiến thủ, giới cấm thủ sẽ bị cuộc sống đào thải.

Qua ồn ào trên mạng xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra công văn gửi đến các cấp Giáo hội, trong đó viết: “Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và Phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng phẩm vật, thức ăn và tiền tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam”…Đoạn văn có hai vấn đề: thứ nhất sư Minh Tuệ không hề nhận tiền,việc dâng cúng là quyền của bá tánh; thứ hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một thực thể có tầm vóc và uy tín, một cá nhân sư Minh Tuệ không thể làm lay đổ một tập thể thì dư luận nếu có ảnh hưởng chăng là ảnh hưởng đến những vị thiếu nhân cách.

“…tạo nên hiệu ứng câu views và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam”…thật ra không chỉ do sư Minh Tuệ mà họ dùng clip câu view, trước hiện tượng sư Minh Tuệ cũng có quá nhiều tai tiếng một số sư Tăng trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam rồi, hãy tự trách về quản lý tu sỹ và giáo dục Tăng ni của Ban Tăng sự, ban Pháp chế.Không có tai tiếng làm gì có hiện tượng câu view. Ngay cả một tu sỹ giảng sai giáo lý nhân quả, mang nhiều tà kiến hù dọa tín đồ để cúng dường đủ thứ.. rất nhiều năm mà Giáo hội vẫn mặc nhiên, gây tai tiếng uy tín cho Phật giáo không ít thì vấn đề câu view hiện tượng sư Minh Tuệ là chuyện đương nhiên.

...”liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chận hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam”

Đây là một ý kiến mang tính độc đoán cửa quyền quan liêu trong một xã hội tự do phản biện.Pháp luật có quy định nào cấm đoán các trang mạng xã hội phản ảnh thực trạng xã hội ? Nếu đưa ra quy định này hạ tầng sẽ suy diễn lệch lạc làm sai chủ trương, làm khó cơ quan chức năng, địa phương lúng túng lúc sư Minh Tuệ đi qua khi quần chúng đến ngưỡng mộ đông đảo. Nếu sợ các trang mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì tự mình giải quyết tháo gở sao lại phải yêu cầu chính quyên?

Tóm lại, so với công văn của Ban Tôn giáo chính phủ về hiện tượng sư Minh Tuệ rất dè dặt và tế nhị thì ngược lại văn thư của Hội Đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quá nhiều mâu thuẩn sai sót dễ gây phản ứng kép hiện nay trên mạng xã hội.Tốt nhất, hãy ổn định nội bộ, tránh những tai tiếng nội bộ, trong sạch hóa nội bộ, tự khắc sóng yên biển lặng không cần phải lo sợ các trang mạng xã hội hiện nay.

 

 

 

Tác giả: Trần Hồng Phúc

SƯ MINH TUỆ VÀ CÔNG VĂN

CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Một tuần nay, lặng lẽ theo dõi các thông tin, hình ảnh của vị tu sĩ Thích Minh Tuệ, cá nhân tôi thấy có 02 việc đáng bàn:

Thứ nhất, cách dân chúng bầy tỏ tình cảm đối với tu sĩ này cần thay đổi:

Việc bầy tỏ đức tin, tán thán cách tu hành, mến mộ một nhân cách như tu sĩ Thích Minh Tuệ là điều hoàn toàn đúng đắn, đáng được hoan nghênh nhưng cách mà nhiều người dân thể hiện tình cảm đối với vị tu sĩ này thì cần xem xét, tu sửa lại. Trên mạng xã hội đưa hình ảnh những đoàn người lũ lượt đi theo khi tu sĩ bộ hành, cảnh đám đông kín nghẹt khi tu sĩ dừng chân nghỉ bước; bắt tu sĩ nhận nước uống, bánh quy, lương khô, áo mặc, đồ dùng cá nhân... trong khi thầy tu không còn muốn nhận theo quy cách hành tu không khác gì sự quấy quả. Đương nhiên tu sĩ Thích Minh Tuệ vượt qua điều này cũng như đi qua một kiếp nạn trên bước đường tu hành của mình, nhưng những người trong đám đông kia làm vậy để mong mỏi điều gì? Là Phước báu, là sức khỏe, là sự phú quý, vinh hoa hay những điều bản thân kỳ vọng? Khẳng định là không thể đạt được những điều này bởi tu sĩ Thích Minh Tuệ xác định con đường đi đến chính niệm của mình là vô sản (không nhà ở, không tiền bạc, đồ ăn- thức uống cũng xin từ người khác, đến giấy tờ tùy thân còn không có bên mình) thì không có gì để chúng ta sở cầu đắc ý được. Có chăng, mỗi người cần soi vào chính mình để thấy thế nào là “chân tu”, là bi-trí-dũng từ ông. Học ở tu sĩ Thích Minh Tuệ, là chúng ta học được tấm gương sáng về cách tu hành, nhân cách rạng ngời của một Phật tử biết từ bỏ tam độc (tham, sân, si), là yêu quý nhân sinh, là phát nguyện cho đất nước thái an, nhà nhà hạnh phúc. Trong giáo lý nhà Phật, học Phật là chúng ta học sự thanh tịnh, không phan duyên, tung hô hay lắm điều, phiền nhiễu. Phật dạy mỗi người tự thắp đuốc lên mà đi cơ mà, mỗi người tự trở thành một vị Phật soi sáng chính mình, thực hành Bát Chánh Đạo để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, chứ Phật đâu chú trọng tiền tài, danh vọng, quyền tước, mưu sự, lại càng không có đố kỵ, thị phi, chỉ trích, khẳng định cái tôi của mình.

Thứ hai, cách hướng đạo từ văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần xem lại:

Cái cách mà Hội Phật giáo ban hành văn bản khẳng định về ông Thích Minh Tuệ là ai cũng cho thấy còn sân si lắm. Từ khi chưa có văn bản này, thì chính tu sĩ Thích Minh Tuệ đã luôn khẳng định rằng ông chỉ là một công dân Việt Nam, không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, tu viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; những năm qua ông chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca mầu Ni tập học tu hành đầu đà với những pháp khổ hạnh mà ông lựa chọn; ông chọn bộ hành trọn đời không vì truyền tải thông điệp gì bởi ông xác định mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mầu Ni chỉ dạy rồi. Điều Thích Minh Tuệ đang làm là ông đang thực hành lời dạy của Đức Phật nhằm hoàn thiện bản thân. Vì vậy, những gì tu sĩ này khẳng định còn nhiều giá trị thông tin hơn nội dung văn bản của Giáo hội. Không cần Giáo hội phải truyền thông, khẳng định Thích Minh Tuệ là ai vì dân chúng biết điều đó, trái lại - nếu có được Thích Minh Tuệ là một thành viên của Giáo hội thì sẽ mang lại niềm tự hào, uy danh cho Giáo hội lúc này.

Xin Giáo hội Phật giáo Việt Nam lưu ý rằng hình ảnh và cách tu tập của ông Thích Minh Tuệ đang trở thành một hiện tượng độc lạ, khác thường, mang hình ảnh của nhân cách của một người tu vĩ đại dẫn đến gây sự chú ý và quan tâm đặc biệt của dân chúng bởi vì những năm qua trong giới tu hành chính danh được Giáo hội ghi nhận thì có không ít việc làm của một số Thầy tu, Thầy chùa, nhà sư làm xói mòn niềm tin vào thực hành đạo pháp nơi cửa Phật. Giờ đây, một Thích Minh Tuệ tự tâm phát nguyện tu hành chính đạo, không còn bám chấp bất kỳ điều gì bỗng nhiên xuất hiện đã trở thành một ngôi sao sáng trên bầu trời còn âm u lạc lối đường tu ở chốn nhân gian này. Đến lúc này, dân chúng mới nhận ra thế nào là đi tu, thế nào là làm nghề tu. Hình ảnh các sư béo trắng, đi xe hơi sang, dùng điện thoại thông minh đời mới nhất, đeo đồng hồ hiệu, kính trắng gọng vàng, miệng thuyết pháp mà không ngừng kêu gọi Phật tử cúng dường, công đức giờ đây bỗng nhiên bị lu mờ trước hình ảnh một Thích Minh Tuệ thong dong bộ hành, gầy gò, sạm nắng, vô sản, từ chối cúng dường, công đức; đoạn tuyệt với nhu cầu, ham hố nguyên thủy của một kiếp nhân sinh...

Thế nên, hãy hoan hỉ và phát nguyện cho tu sĩ Thích Minh Tuệ có thêm nhiều sức khỏe để thành công trên bước đường tu hành, hãy coi ông là một tấm gương để các Thầy tu, Thầy Chùa, nhà sư chính danh của Giáo hội quan sát, học tập nhằm giúp Giáo hội xóa mờ hình ảnh của các sư lừa đảo, sư phá giới, sư chạy án...như đã có.

Đi tu mà còn đố kỵ, hẹp hòi thì nghiệp còn nặng lắm...

 

 

 

Tác giả: Đông La

MẤY SUY NGHĨ VỀ “HIỆN TƯỢNG THÍCH MINH TUỆ”

Có mấy bạn muốn tôi viết về chuyện vị Thích Minh Tuệ, như Nguyễn Bá Vĩnh: “Dạ anh.. rất trông mong bài viết của anh, về tu sỹ Minh Tuệ ạ!”; Duong Hoài Anh: “…rất mong được đọc bài viết công tâm của chú Đông La. Có rất nhiều ý kiến trái chiều, nhưng không được tích cực chú à”. Vậy hôm nay tôi sẽ viết đôi điều.

*

Trước hết, tôi là người được “đào tạo cơ bản” về khoa học tự nhiên, từng làm công việc nghiên cứu tại các viện và trung tâm, từng làm chủ nhiệm đề tài những công trình, có bài toán khoa học công nghệ 20 năm một ngành của cả nước không ai làm được thì tôi đã làm được, mang đề tài đi thi đã được Giải A trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, v.v… Khoa học tự nhiên là một hệ thống những quy luật logic, chính xác, có thể kiểm chứng và ứng dụng trong đời sống, vì vậy nó không có chỗ cho tâm linh, tôn giáo; thế nhưng, các hiện tượng xuất hiện trong tự nhiên, đời sống lại phong phú hơn Khoa học Tự nhiên, vượt khỏi tầm với của Khoa học Tự nhiên, và thú vị là do cơ duyên đưa đẩy, tôi đã được trực tiếp chứng kiến những hiện tượng siêu phàm, khả năng siêu phàm của con người. Triết học Mác đã dạy, thực tiễn là tiêu chuẩn cao nhất để kiểm tra chân lý, nên thực tiễn xuất hiện những hiện tượng ngoài tầm với khoa học ta cũng phải công nhận, nếu không ta sẽ thành mê tín, không phải mê tín tâm linh mà là mê tín khoa học.

*

Về vị Thích Minh Tuệ, các báo đồng loạt đưa tin: Ngày 16/5, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gửi công văn đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, “khẳng định người được mạng xã hội gọi là "sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Vì vậy, để xem xét chính xác công văn trên ta phải hiểu được vị Thích Minh Tuệ là ai, như thế nào? Thế nào là tu sĩ Phật giáo?

*

Trước hết, theo tôi, trên internet người ta gọi Sư Thích Minh Tuệ là chưa chính xác. Vì “sư” theo nghĩa Hán Việt là thầy giáo, trong giới tu sĩ là người giảng đạo, truyền đạo. Qua các cuộc trò chuyện vị Thích Minh Tuệ cũng tự cho mình không phải là sư, không phải là thầy, cũng không giảng đạo, chỉ trò chuyện khi có người hỏi. Vì vậy gọi ông là tu sĩ, tức người đi tu, là đúng nhất. Ông cũng nhiều lần nói mình không thuộc bất cứ chùa nào, tổ chức nào thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì vậy công văn trên viết lại điều này là thừa. Còn chuyện công văn viết Thích Minh Tuệ không phải là “tu sĩ Phật giáo”? Cộng đồng mạng đã nổi giận, đã phản đối!

*

Với Thích Minh Tuệ, khi biết có công văn trên, ông nói mình không liên quan, còn Phật, Phật Pháp là của nhân loại chứ không của riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ông chỉ là một công dân, làm theo lời Phật dạy.

Còn tôi, muốn biết Thích Minh Tuệ có phải là tu sĩ Phật giáo không thì phải xem ông có làm theo đúng Phật pháp không? Nếu ông làm đúng thì đại diện Phật giáo Việt Nam không chỉ phạm giáo pháp mà phạm cả luật pháp, vì nhà nước ta có luật tôn trọng tự do tín ngưỡng của mọi công dân.

Trước hết, về chuyện khất thực, xin ăn. Một lần trên đường Đức Phật trở lại hoàng cung thăm vua cha và người thân, ngài cũng khất thực. Vua cha thấy vậy rất xót xa, hỏi ý “Con là thái tử, sơn hào hải vị không thiếu sao con lại phải đi ăn xin như vậy?” Đức Phật trả lời đại ý: “Khất thực là một pháp tu chủ yếu, để tạo phúc cho người bố thí mình, đồng thời xoá bỏ đi cái tôi kiêu mạn, cũng là một pháp tu”. Nghe nói, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quy định, hiện nay không cho phép các nhà sư đi khất thực. Như vậy, xem chừng chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không theo lời Phật dạy, còn Thích Minh Tuệ thì đã thực hành đúng theo chánh Pháp của ngài.

Khi dạy con trai mình tập thiền, Đức Phật cũng nói ý phải xoá bỏ cái tôi kiêu mạn, hạ mình xuống thấp nhất, hãy coi mình như mặt đất, người ta có thể quăng rác, quẳng xú uế lên mà vẫn an nhiên, tự tại. Với Thích Minh Tuệ, người ta thấy lạ là ông xưng “con” với tất cả mọi người, thì ra đó cũng là cách ông hạ mình xuống “thành mặt đất” như lời dạy của Đức Phật.

Về chuyện khổ hạnh, thời Thái tử Tất Đạt Đa tu luyện cho rằng thực hành phương pháp khổ hạnh cực đoan là sẽ đắc đạo. Ngài đã tích cực thực hiện, ở trong rừng núi, ngày chỉ ăn vài hạt đậu, uống vài giọt nước, v.v… Cơ thể ngài gầy xác xơ đến mức, tay chạm da bụng sẽ chạm được vào cả cột sống, rung chân, tay những sợi lông cũng rụng ra, v.v… Và khi đến tận giới hạn của cái chết, ngài đã tỉnh ngộ, tu kiểu này mình chết mất tiêu rồi còn đâu mà đắc đạo. Ngài đã uống một bát sữa của cô thôn nữ cúng dường rồi ngộ ra con đường Trung đạo, như lên dây đàn, chùng quá không thành tiếng, căng quá sẽ đứt, chỉ vừa phải mới cho ra tiếng đàn tuyệt diệu. Trung Đạo là phương pháp thành tựu không chỉ cho tu luyện mà còn cho tất cả các lĩnh vực đời sống. Và rồi chính thiền định đã giúp ngài đắc đạo.

Thích Minh Tuệ cho biết ông tu theo hạnh đầu đà, một pháp tu có thể là khắc khổ nhất nhưng vẫn theo con đường Trung Đạo, so với pháp tu khắc khổ cực đoan mà Thái tử Tất Đạt Đa đã thực hành thì chưa là gì.

Nhưng việc ngày ăn chay một bữa, choàng y ghép từ các mảnh vải cũ, đi bộ, ngủ ngồi ở nghĩa trang, nhà hoang, gốc cây, hang đá… nếu không bị bệnh thần kinh, bình thường như Thích Minh Tuệ mà làm được như vậy, làm một cách an nhiên, tự tại, còn thấy hạnh phúc nữa thì ông đúng là không phải là một người thường. Ông phải hiểu biết sâu sắc Đạo Phật, tin tưởng sâu sắc Đạo Phật, phải buông bỏ được tất cả, gột rửa được tất cả tham, sân, si của Đời thì mới làm được. Qua một số cuộc trò chuyện, tôi thấy ông đã là người như thế. Người ta có thể trình diễn để mưu cầu điều gì đó, nhưng chỉ với thời gian ngắn, còn Thích Minh Tuệ đã tu hành 6 năm rồi. Dù Đời có những bất ngờ không thể tưởng tượng được, nhưng tôi có nhiều sự tin tưởng Thích Minh Tuệ là một vị chân tu.

*

Trong Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có viết "… một số người đã sử dụng hình ảnh đi bộ của ông Lê Anh Tú tạo sự hiếu kỳ, tạo nên hiệu ứng câu view và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam". Điều này thì vừa đúng vừa không đúng.

Cho cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tất cả các tu sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam là xấu hết thì đúng là sai. Nhưng với nhiều chuyện đã xảy ra trong sinh hoạt Phật giáo thì những lời phê phán đó xem chừng không phải là “xuyên tạc”.

Như vụ Chùa Ba Vàng trưng bầy “xá lợi tóc Phật” kêu gọi Phật tử đến cúng dường để hưởng phước báu muôn đời chẳng hạn.

Tôi cũng đã viết bài “Doanh nghiệp chùa”. Ở Việt Nam ta có hiện tượng thi nhau xây chùa, chùa đẹp đẽ cao sang như cung điện. Người ta thích đứng đầu, thích là độc nhất vô nhị, thích lập kỷ lục, nên mới xây chùa to nhất, đúc tượng Phật, tượng Quán Thế âm Bồ Tát to nhất, đẹp nhất. Nhưng họ đã quên mất rằng Phật Tổ là Thái tử đã từ bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con thơ, hành khất, tu luyện, tìm đạo cứu đời. Những sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời Ngài không xảy ra nơi cung vàng, điện ngọc mà toàn dưới tán cây ngoài thiên nhiên. Như ngài đản sinh bên gốc cây vô ưu, vườn Lâm tì ni; Ngài giác ngộ, đắc đạo bên gốc cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya). Và cuối cùng ngài nhập Niết Bàn dưới tán cây Sàla trong cánh rừng ven phía Nam Thành phố Câu-thi-na (kuṣinagara).

Khi có đệ tử hỏi ý ngài xuất gia như vậy thì ngôi thái tử cùng cung vàng, điện ngọc ngài có trao lại cho con trai không? Ngài trả lời ý rằng “Các thứ ta đã bỏ đi, không màng đến thì sao ta lại có thể trao cho con trai yêu quý của ta được?”

Thực tế ở ta, các lễ hội người ta đi đông như kiến nhưng không hiểu đạo là gì, họ đi cầu xin lợi lộc là chính, còn tìm cách hối lộ cả Trời, Phật. Vì thế mới có chuyện cổng phủ, cổng chùa có rất nhiều bàn mua bán, đổi tiền lẻ, toàn mới tinh, kẹp chì, để người dân đặt tiền, dán tiền vào tay, vào người tượng phật, ném tiền lẻ bừa bãi.

Còn tiền công đức có chuyện thất thoát, mất mát. Có chuyện nhà sư dùng tiền công đức mua xe, điện thoại quá sang trọng; có người còn gửi tiền về quê xây nhà, tậu trang trại… Ông Đỗ Đức Dục, một cán bộ làm ngành Ngân hàng, nơi nhận tiền gửi công đức của rất nhiều ngôi chùa lớn, nhỏ cho rằng, con số tiền công đức thống kê là khoảng 200-300 tỉ đồng/năm là chưa chính xác. Ông nói: “Theo tôi, thực tế lớn hơn rất nhiều” (theo motthegioi). Chính vì vậy mới có những chuyện tai tiếng. Năm 2014, một ông sư tu tại chùa ở Hải Dương khoe xe MayBack, khoe iPhone 6, điện thoại Vertu và những tài sản mình có trên facebook cá nhân, sau thanh minh là quảng cáo hộ người khác. Một ông sư ở Bắc Ninh thì “chơi” chiếc xe Ford Mustang (khoảng 2 tỉ đồng). Nhà sư Thích Thanh An, chùa Nôm, Hưng Yên nói: “Tôi thấy mấy trường hợp đó còn ít đấy. Có chùa, tôi biết, nguồn thu chỉ trong tháng sau Tết và dịp lễ hội đã có 30 tỉ đồng. Ở đó, có vị riêng dàn xe sở hữu đã trị giá 100 tỉ đồng với hơn 10 chiếc và tiền xăng một năm đi đã tốn gần 500 triệu đồng”. Một doanh nhân ở Hà Nội cũng hay đi lễ chùa kể, tháng trước, anh vào công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, anh em tổ chức đi vào thăm một ngôi chùa lớn ở thành phố. Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy nhà chùa đưa cả 2 xe Lexus 570 mới coóng ra đón anh em, nhưng vẫn thiếu nên một ông trong ban quản lý chùa lại gọi thêm một chiếc nữa ra đón. “Lexus 570 cũng là xe sang, khá đắt tiền không phải xe hạng sang nhất nhưng có đến 3 chiếc mà theo tôi biết nhà chùa còn vài cái y như vậy nữa, cũng đủ biết nhà chùa rất biết chơi”, anh nói. (Cũng theo motthegioi).

Như vậy chùa chiền có nơi đã thành doanh nghiệp, dân đi chùa đông lại không hiểu đạo là gì, quan chức lấy tiền tham nhũng mua lễ vật đến chùa cầu lên ghế để tham nhũng tiếp và nhiều hơn. Tất cả là do không hiểu đạo, không biết luật nhân quả nên không sợ quả báo.

Nhưng đạo là gì? Học ở đâu? Cả những người có trọng trách và Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện không trả lời được!

 

 

 

Tác giả: Đỗ Trí Hùng

THẦY THÍCH MINH TUỆ VÀ ĐÀN BÒ NƯỚC VIỆT

1 – Những ngày gần đây cõi mạng ồn ào về hình ảnh một nhà sư đi bộ, nhà sư này có pháp danh Thích Minh Tuệ. Vài người trẻ tuổi phản biện kiểu : Đi bộ suốt ngày thế để chứng tỏ điều gì? Tự làm khổ mình để thành Phật chăng? Nếu ai cũng đi khất thực thì ai sẽ lao động, đất nước này sẽ đi về đâu?

Cái kiểu đặt câu hỏi này, dù rất tôn trọng lớp trẻ học nhiều hiểu rộng, tôi vẫn phải thốt lên, sao mà ngu lấy ngu để, ngu không để đâu cho hết ngu vậy trời?

Hỏi thế chắc khi xem Messi đá bóng, lại thốt lên, ai cũng thần tượng rồi học theo Messi đi đá bóng hết, rồi lấy ai lao động làm ra của cải vật chất, đất nước sẽ đi về đâu hả ông giời?

Rồi khi xem phim lại than, ai cũng thần tượng học theo Trấn Thành làm phim thì lấy ai lao động sản xuất làm ra của cải, đất nước sẽ đi về đâu hả giời?

Rồi thậm chí đến nhà toán học hay nhạc công thiên tài cũng bị tra hỏi, nếu ai cũng thần tượng rồi học theo ông Ngô Bảo Châu, ông Đặng Thái Sơn… cứ suốt ngày ngồi làm toán với chơi đàn, thì lấy ai lao động sản xuất, đất nước này sẽ đi về đâu hả giời?

2 – Thế giới cổ kim có nhiều nhân vật vĩ đại, nhưng có ba ông được lịch sử tư tưởng đánh giá ngang hàng, chính là Socrat, Chúa Jesus và đức Phật. Ba vị này sẽ lưu danh đến muôn đời như ba bậc thầy thức tỉnh loài người khỏi cõi u mê tăm tối, dù đến nay, hàng ngàn năm đã trôi qua, nhân loại chưa hẳn đã thức tỉnh như mong muốn của họ thì ít nhất nhờ họ mà nhân loại giã từ kiếp cầm thú.

Và, cả ba vị này giống nhau y chang ở chỗ: Họ không có nhà cửa, không cần nhà cửa, họ không có chức vụ và không cần chức vụ, thậm chí họ chẳng cần cả món ăn theo nghĩa hốc lấy hốc để cho ngon miệng như quí vị bây giờ, và ... họ cứ lang thang đi bộ khắp nơi, đi suôt ngày...

Nên nhớ, trong ba vị, thì một vị từ bỏ cung vàng điện ngọc, từ bỏ ngôi báu. Một vị được mệnh danh “ người thông minh nhất hy lạp” đã từng được mời làm quan, được ban ghế thủ lĩnh hội đồng tư vấn cho chính quyền, và vị nữa thì các tín đồ xin được quyên góp xây điện để ngài ngự và giảng đạo

Nhưng, các vị ấy đã chọn ... lang thang đi bộ, ăn uống tạp nham, màn trời chiếu đất, để làm gì vậy?

3 – Nói về sự đi bộ bền bỉ thì Socrat là người đi ít nhất, ông chỉ loanh quanh trong thành Athen, và tháng đôi lần vẫn rẽ về nhà để nghe vợ ... chửi.

Người đi thứ nhì chính là Chúa Giesu, thời kỳ đầu ngài chỉ giảng bài quanh vùng Galilea - phía bắc Israel ngày nay - và vài chuyến đến Yerushalayim tức Jezusalem và không xa hơn...

Đứng đầu trong ba vị chính là đức Phật. Ngài quả nhiên có sức lực vô biên, cả sự nghiệp hoằng pháp của ngài, ngài đã băng qua đồng bằng sông Hằng bao la, qua vương quốc Kosala - thuộc Nepan hiện tại - đến tận xứ Ma kiệt đà - tức vùng bắc Ấn độ - xuyên qua rất nhiều vương quốc nhỏ giữa các địa danh trên. Thật là kỳ tích vĩ đại...

Câu hỏi là, nếu cả ba vị thầy này đi bộ chỉ để giảng pháp, giảng triết học, giảng lẽ đời, thì, như phần 1 tôi đã nói, họ chỉ cần ngồi xuống lập tức đệ tử sẽ bu đến, và nơi họ tọa sẽ thành học viện, thiền viện, hàn lâm viện...

Vậy vì sao họ cứ đi bộ lang thang như kẻ vô gia cư, với những điều kiện sinh hoạt nhếch nhác như ăn mày?

4 – Giờ, các bạn hình dung, nếu có một thằng trọc mặc áo cà sa, tay đeo đồng hồ Rolex thụy sĩ, bước lên xe hơi Mẹc sờ đùi, tọa trong quả tháp bọc vàng...

Và rao giảng cho chúng sinh về buông bỏ, về việc coi của cải là phù du, coi vật chất là vô thường, coi cám dỗ là căn nguyên của nghiệp chướng .... thì các bạn có tin được không?

Chắc bạn phải ngu lắm mới tin!

Giống như quan to vừa giảng đạo đức vừa ăn cắp, vừa nói về công chính vừa ... chịch phò, vừa hô khẩu hiệu hy sinh cho lý tưởng, vừa vơ vét của cải của quốc gia găm hết vào váy vợ...

5 - Ba nhà tư tưởng bậc thầy của nhân loại họ dấn thân vào con đường tìm lý tưởng, tìm đạo, hướng tới tự do tinh thần và sự cao cả và họ dứt khoát khước từ mọi ràng buộc trần thế. Họ thực hiện đời sống của họ hoàn toàn trùng khít với tư tưởng của họ.

Họ khước từ mọi ràng buộc vật chất để đạt được sự độc lập tối đa và sự thiếu vắng hoàn toàn mọi ràng buộc đã khiến họ đạt được sự tự do vô hạn của mình...

Họ mới là bậc thầy, là bậc chí thánh của loài người.

Và, ông Thích Minh Tuệ, rất có thể ông và những người cùng dòng tu “khổ hạnh” chỉ đang muốn dấn thân trải nghiệm cuộc đời của sư tổ. Những kẻ trần tục và hạn hẹp thấy ông ấy như đang tự đày đọa, ai mà biết, trong tâm ông ấy hoàn toàn là sự thanh thản, sự tự do tuyệt đối.

P/S:

Cần phải bố thí cho thằng thích chăn bò ở chùa gì vài lời, thằng này thì ai cũng biết - trừ lũ mê muội - là hạng sư chăn bò, vơ vét tiền cúng dường và tọa trong chùa to, thấy thiên hạ tự dưng ca ngợi ông sư khổ hạnh kia thì nó sợ mất khách, nó đăng đàn thóa mạ ông ấy, đúng là đồ vô liêm sỉ. Thích chăn bò đừng lo lắng, nước Việt vẫn còn rất nhiều bò cho ngài chăn!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về chăm sóc sức khỏe0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

 Mời tham khảo THÍCH CHÂN QUANG

          - TÊN THẦY CHÙA PHẢN QUỐC:

Đặng Xuân Xuyến giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét