SẸO ĐỘC LẬP
HAY SẸO CỦ CHUỐI?
Tôi đã viết về Phan Huyền Thư
khi cô được Hội Nhà Văn Hà Nội trao giải thưởng cho tập thơ “Sẹo
độc lập” của cô rồi lại bị thu hồi vì chuyện cô đạo thơ của Thường
Đoan!
Chuyện Thư đạo thơ với tôi chỉ
là chuyện nhỏ, nhưng chuyện Thư được Phạm Xuân Nguyên và Hội Nhà Văn Hà Nội
chọn trao giải thưởng mới là chuyện lớn.
Trước hết, cái tên tập thơ “Sẹo
độc lập” là một cái tên lạ. Theo “anh Hảo” (Trần Mạnh Hảo): “bà cụ Thanh Hoa” khi sinh ra “Nhà thơ Phan Huyền Thư”, như lẽ thường
thì phải cắt cuống rốn, rồi cuống rốn rụng tạo thành cái sẹo chính là cái lỗ
rốn. Cái lỗ rốn này đã giúp Thư “giành
được độc lập” khỏi “bà cụ Thanh Hoa”,
nhưng nó chỉ là một “cơ quan” của cơ
thể Phan Huyền Thư thôi chứ không phải là Phan Huyền Thư. Nên Thư dùng chữ “sẹo” để chỉ mình là sai.
Còn tôi thì thấy, trong ngôn ngữ
có phép ẩn dụ, tức ví ẩn. Cơ sở để ẩn dụ là hai đối tượng phải có nét giống nhau.
Giữa cái lỗ rốn với cả cơ thể thì không có một tí ti gì giống nhau để mà Thư ẩn
dụ được.
Bài thơ “Sẹo độc lập” được coi là
chủ đạo để dùng làm tên và tuyên ngôn cho tập thơ. Vì Thư làm thơ “mới” và “hiện đại”, cách trình bầy bài thơ cũng có dụng ý như hội họa xếp
đặt, không chỉ ngắt câu mà còn ngắt cả chữ xuống dòng:
SẸO ĐỘC LẬP
Ngày mười
chín tháng
hai năm nhâm
tý
tôi
được độc lập
với mẹ
bằng sợi dây
rốn
cắt đứt cơ thể
vết
sẹo làm người.
Vết sẹo
tôi
cái rốn độc lập Phan Huyền
… Thơ
19-2-2004
(Nguồn: Sẹo Độc lập, Nhà xuất bản
Lao Động, 2014)
Trước hết về ngôn ngữ, Thư viết
sai rất nhiều. Để “được độc lập” với
mẹ bằng việc cắt sợi dây rốn thì Thư viết:
Tôi
được độc lập
với mẹ
bằng sợi dây
rốn
cắt đứt cơ thể
Như vậy, viết như trên, nhất là
những người nước ngoài học tiếng Việt sẽ hiểu là sợi dây rốn đã “cắt đứt cơ thể”. Thực tế, bác sĩ cắt dây
rốn chứ không phải cái dây rốn “cắt đứt
cơ thể”. Cơ thể mà bị cắt thì chết tiêu luôn chứ còn đâu mà “làm người”. Còn viết “Vết sẹo làm người” cũng sai nốt. Vết sẹo
chia tách, tạo ra sự độc lập thì đúng hơn, còn tinh cha huyết mẹ mới làm nên “người”; rồi “bé Thư” được bú mớm, được nuôi dưỡng, được học hành để “thành người”, chứ một “vết sẹo” thì không thể “làm người” được.
Tất nhiên tôi rất biết Thư viết
trúc trắc, sai ngữ pháp như trên là có chủ đích. Trong bài Lưu vong trên đất mẹ
đăng trên Talawas, Thư đã tuyên ngôn về thi pháp của mình:
“Ngay như câu thơ được coi là hay tiêu biểu của chị Vi Thuỳ Linh luôn
được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trích dẫn ở khắp nơi: " ....cát bay lên như
những linh hồn..." thì cũng là một câu thơ viết theo lối cũ. Nếu bỏ từ
"như" câu thơ chắc sẽ mới hơn, hay hơn và đi vào bản chất hơn”.
Bỏ chữ “như” như ý Thư sẽ biến một câu ví von có nghĩa thành câu cụt vô
nghĩa. Cũng như viết “Thư Đoan” là
cụt, là vô nghĩa, nhưng viết “Thư đạo thơ
của Đoan” là có nghĩa ngay! Viết như Thư sẽ hợp gu với những kẻ lập dị, gây
ấn tượng bằng những cái ngược ngạo, cũng như đời thường có những kẻ gây tai
tiếng để nổi tiếng vậy.
Cũng trong bài trên, Thư viết:
“… tôi luôn hình dung ra nền văn chương của mỗi quốc gia như một con diều
có ba đuôi. Cái đuôi dài nhất, đẹp nhất ở chính giữa giúp cho con diều bay lên
được là văn chương chính thống. Bên cạnh đó, hai cái đuôi nhỏ hơn, ngắn hơn
nhưng lại giữ vị trí cân bằng cho con diều là thứ văn chương lưu vong của những
người xa tổ quốc. Cái đuôi còn lại là loại văn chương đi tù. (Có thể gộp chung
cả văn chương mang tính chất chống đối, nổi loạn và thứ văn chương được viết ở
trong tù). Hai cái đuôi phụ tuy là không được nhìn nhận một cách chính thống
nhưng bao giờ cũng góp một phần vào việc nhận diện ra cả con diều văn học. Ðã
từng có những nhà văn đoạt giải Nobel trên thế giới là người lưu vong hoặc đã
từng đi tù. Chúng tôi đương nhiên là muốn đứng trong hàng ngũ của cái đuôi
chính thống, nhưng biết làm gì nếu cứ mãi không được tiếp nhận vào nền văn học
chính thống của đất nước bằng cái biển đợi: "Có triển vọng". Chỉ là
loại có triển vọng thôi thì chúng tôi sẽ lâm vào cảnh "lưu vong trên đất
mẹ" đợi ngày cấp visa. Vì chúng tôi không thích vượt biên và lại càng
không thích đi tù”.
Thư viết rất đúng ý, chính đạo,
chính thống luôn chiếm đại đa số, muốn được nổi tiếng trong số đông đó có tài
còn chưa chắc huống chi bất tài. Vì thế, không ít người bất tài nhưng lại háo
danh, biết đi theo chính đạo chỉ công toi, nên đã đi theo tà đạo, phá vỡ các
quy chuẩn, lộn ngược các quy chuẩn, muốn nổi tiếng không phải bằng tài năng mà
bằng tai tiếng. Thư đã gây chú ý bằng việc đi theo con đường đó.
Ở Việt Nam vào hàng ông nội Thư
như Trần Dần, Lê Đạt đã từng đi theo khuynh hướng đó.
Với Nguyễn Quang Thiều, “anh
Hảo” đã cho Thư đi theo trường phái “tân
con cóc” của Nguyễn Quang Thiều. Chính Nguyễn Quang Thiều cũng đã viết “những lời có cánh” về “Sẹo
độc lập”:
“Sẹo độc lập chứa đựng một thứ ngôn từ tự do đôi lúc cực đoan, chì chiết
và liều lĩnh nhưng chính xác, thống nhất và ám ảnh. Một cảm xúc đa mang, đắm
đuối, ruồng bỏ nhưng nghiệt ngã. Để từ đó, một thế giới u tối, hung hãn, phi
luân, rối loạn được dựng lên.
Nhưng trong thế giới ấy, lúc nào cũng vọng lên một tiếng như lời trăn
trối: Chúng ta, ai cũng phải về Ngôi nhà mang tên chính mình. Tiếng ấy là tiếng
của tỉnh thức. Và đó chính là một sự thật nhân văn tối thượng. Xin hãy lắng
nghe thật bình tĩnh và ý thức cái tiếng kia".
Chơi với Nguyễn Quang Thiều tôi
biết, không biết có phải ở gần ông Hữu Thỉnh quá lâu không, Thiều giống ông
Thỉnh ở chỗ rất hay khen người ta, nhất là mấy em, mấy cháu. Dường như Thiều
không làm mất lòng một ai. Một người có quan hệ với đồng nghiệp như Thiều thì
thật khó có chính xác trong việc bình phẩm. Nên từ lâu, từ hồi còn rất thân
nhau, tôi mặc kệ Thiều muốn nói gì thì nói. Nhưng giờ, khi đã là Chủ tịch Hội
Nhà văn Việt Nam thì Thiều không thể tiếp tục bình tán tùy tiện một cách cảm
tính, càng không thể sơn phết những tác phẩm nhố nhăng, những tác phẩm có tư
tưởng sai trái, độc hại.
*
Nếu chỉ là chuyện Thư bất tài mà
được giải thì tôi cũng chả quan tâm, vì thiếu gì người nổi tiếng mà bất tài;
chuyện Thư đạo thơ tôi cũng không cần viết vì đã nhiều người viết, nhưng Phan
Huyền Thư thật đáng bị phê phán đúng như “anh Hảo” viết: “Phan Huyền Thư, kẻ vắt mũi chưa sạch trong thi ca, lẽ nào dám chê bai
nền thi ca dân tộc với những đại thi hào… lại dám viết những lời phỉ phui, rẻ
rúng chê bai nền thi ca dân tộc thế này: “ Trăm năm quốc ngữ / hay cả ngàn năm
Hán Nôm / không tìm ra câu thơ nào viết đủ / cho khổ đau và cay đắng / khi tôi
hiểu ra một danh tính: thi nhân”.
Còn đoạn “anh Hảo” cho Phan
Huyền Thư triết lý vớ vẩn trong đoạn này: “để
giới hạn an toàn trong giới hạn/ bằng chân lý: bất động/ sự bất động của nghệ
thuật/ là tượng đài hình chiếc cột /đợi tương lai thi hành án / tử hình”
thì không vớ vẩn đâu. Thư đã viết theo tinh thần của bọn dân chủ giả cầy,
chuyên quấy rối để đợi tiền bố thí. Đó chính là sự kêu gọi phá vỡ những giới
hạn, những luật lệ của xã hội, y như phá vỡ những quy tắc của ngữ pháp vậy.
Phải chăng Thư dùng chữ “sẹo độc lập”
cũng theo tinh thần của “Văn đoàn độc lập”, “Hội nhà báo độc lập”? Và chính vì
thế Thư mới lọt được vào mắt xanh của ông Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà
văn Hà Nội kiêm “nhà rân trủ” gộc?
Việc Thư là một chủ trò của
chương trình Giai điệu tự hào trên VTV, những số đầu đã chọn những người trẻ có
tình thần phá phách để bình luận, với những ý vừa dốt vừa mất dạy phải chăng
cũng xuất phát từ “cái đầu” của nhà Biên kịch Phan Huyền Thư? Rồi việc Thư
thích thơ và thân với nhiều cây viết “hải ngoại” đa phần từng là lính Việt Nam
Cộng Hòa như Đỗ Kh, Đặng Tiến, Du Tử Lê, Thanh Tâm Tuyền, v.v… liệu có phải chỉ
với tinh thần cởi mở, hòa hợp dân tộc không?
Tôi hoàn hoàn có cơ sở để e ngại
khi đọc trên http://vtc.vn/, 17/10/2012, trong bài Phan
Huyền Thư lên tiếng sau bài báo chấn động về cha. Với câu hỏi:
- Người đời vẫn khắt khe, đổ lỗi
cái chết của cha chị, nhạc sỹ Phan Lạc Hoa có một phần lỗi của mẹ chị, Nghệ sĩ
Nhân dân Thanh Hoa, bài báo mới đây cũng càng khiến nhiều người có thể nghĩ
vậy. Còn chị, để lên tiếng một lần rõ ràng về việc này, chị sẽ nói gì?
Phan Huyền Thư trả lời:
- Câu chuyện về bố tôi không chỉ
là thứ “câu khách rẻ tiền” về cuộc tình đổ vỡ và sự bế tắc yếu đuối của một
bệnh nhân. Đó là câu chuyện về một số phận ẩn dụ cho cả một thời kỳ “lý lịch
chủ nghĩa” đã đẩy người ta đến bên bờ vực tuyệt vọng và sự cô độc trầm cảm thế
nào.
Như vậy, Thư đã hoàn toàn sai
trái khi chính trị hóa bi kịch gia đình, đổ lỗi cho chế độ, dù quá khứ đúng là
có ấu trĩ, có sai lầm.
Lời kể trong “bài báo chấn động”
về cha Phan Huyền Thư chính là của Bác sĩ Sao Hồng, một bác sĩ thực tập, từng chăm
sóc Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Bác sĩ Sao Hồng kể Phan Lạc Hoa đã bị mặc cảm và tự
ti, tự cho mình “Thật là hèn khi phải ăn
bám vợ", nên đã quẫn trí. Chính bà Thanh Hoa trên http://giaitri.vnexpress.net/ cũng nói y như
sự chứng thực cho lời của Bác sĩ Sao Hồng:
- Ngày đó… tôi đã cầm trong tay
đơn ly dị mà chính anh Hoa là người viết chứ không phải tôi. Anh ấy không chịu
được sự nổi tiếng của vợ nên bỏ tôi.
Như vậy, đó mới chính là sự thật
đẩy cha Phan Huyền Thư đến cái chết chứ không phải như Thư nói bậy bạ: “Đó là câu chuyện về một số phận ẩn dụ cho cả
một thời kỳ “lý lịch chủ nghĩa” đã đẩy người ta đến bên bờ vực tuyệt vọng và sự
cô độc trầm cảm thế nào!”
*
Văn chương muốn bay cao, bay xa
thì càng phải tuân theo quy luật của ngôn ngữ, càng có cách nói độc đáo thì từ
ngữ được dùng càng phải tương hợp, đắc địa, như các cụ bình văn xưa hay “vỗ đùi đánh đét” khi khuyên một dấu son.
Tác phẩm văn chương cũng giống như cỗ máy, muốn chạy nhanh, bay cao thì máy móc
phải được chế tạo tốt, lắp ráp tốt. Một tác phẩm như cỗ máy không chạy, không
bay được, sao đến được với thế giới? Tiếc là thực tế vẫn có, lại có nhiều là
đằng khác. Đơn giản là vì thế giới không đơn thuần là thế giới của giá trị mà
còn là thế giới của chính trị, với Việt Nam thì còn có cả một thế giới hận thù
nữa. Vì thế vẫn có những con trâu điên không cánh mà vẫn bay qua được hải ngoại
vì sự quậy phá.
Tóm lại, về tập thơ “Sẹo
độc lập” của Phan Huyền Thư, theo tôi nên đặt là “sẹo củ chuối”, vì người viết đã củ chuối mà người chọn trao giải
cũng củ chuối nốt!
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ
DỬNG DƯNG CHỊ BỎ NỤ CƯỜI MÀ ĐI:
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Các bài viết của
(về) tác giả Phan Huyền Thư0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đông La0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đỗ Hoàng0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Mạnh Hảo0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Huy Thiệp0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0
*.
ĐÔNG LA (tên thật:
Nguyễn Văn Hùng)
Địa chỉ: quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn
Email: donglasg@gmail.com
.............................................................................................................
- Cập nhật từ email:
huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 10.12.2024.
- Bài viết không thể
hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Ảnh minh họa cho
bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét