(Hà Nội năm 1940 ; Nguồn ảnh: Harrison Forman) |
MỘT CHÚT TÂM
TÌNH KHI ĐỌC
BÀI
THƠ QUÊ HƯƠNG CỦA NGUYÊN LẠC
Trên các trang văn học
mạng, mấy ngày nay, có đăng một bài thơ mới viết về chủ đề Quê Hương của
tác giả Nguyên Lạc. Bài thơ khá dài, gồm 5 khổ thơ thể 6 chữ,
nguyên bản như sau:
QUÊ HƯƠNG
Ôi lịch sử những dòng đời cay nghiệt,
Những tự hào hoá giải với oan khiên.
(Trần Kiêm Đoàn)
Quê hương có gì để
nhớ
Mà sao nước mắt
lưng tròng?
1.
Quê hương. chiếc đò
nho nhỏ
Qua sông. kham khổ
từng ngày
Thân mẹ vai gầy.
gánh khổ
Thương con. chịu
nổi đắng cay
Quê hương còn đầy
thương nhớ
Ngoại nhai tóm tém
trầu cay
Mẹ mày. thằng cháu
mất dạy
Rong chơi lêu lổng
suốt ngày
Quê hương làm sao
không nhớ?
Cầu tre lắt lẻo
sáng mai
Đường vui. trống
trường réo gọi
Cây cao. chim hót
từng bầy
Chia nhau từng viên
đạn nhỏ
Bịt mắt. kiếm
tìm. Ai đây?
Chia nhau nỗi lo
thầy gọi
Nhói đau. thước khẽ
bàn tay
Chia nhau trái me
keo ngọt (+)
Chia nhau từng
tiếng cười đầy
Quê hương làm sao
không nhớ?
Dòng sông tuổi trẻ
mênh mang
Bần de. phóng đùng.
nước mát
Lặn tìm. chân bắt.
la vang
Bờ sông. chị khàn
tiếng gọi
Vết roi cha đánh.
tím bầm!
2.
Quê hương đỏ màu
phượng vĩ
Hè sang. ve sầu
khóc vang!
Tạ từ. lời ca ly
biệt
Buồn trao lưu bút.
lệ tràn!
Biết rồi mùa sau
gặp lại?
Hay rồi đôi ngả ly
tan!
Quê hương.buồn vui
gác trọ
Thả hồn. giọng
Khánh Ly khàn
Chia nhau. chút đầu
thuốc vụn
Khói bay. theo khúc
tình tan
3.
Bao năm đời này vẫn
nhớ
Xuân nao. thay đổi
phận người!
Bể dâu. biệt ly.
mong đợi!
Khổ đau thay thế nụ
cười!
Bao năm chém tre
đẵn gỗ
Bạn bè. chết không
nấm mồ!
Mẹ già vượt đồi núi
khổ
Thăm con. lệ cạn
mắt khô!
Con ơi. vợ con Kiều
đó
Bán thân. lo giúp
cho chồng!
Chữ Trinh. thôi
đành phụ bạc!
Đoạn trường. con
biết hay không?!
4.
Bao năm đời này vẫn
nhớ
Đêm thâu. xuôi mái
theo dòng
Người đi. không lời
từ biệt
Buồn ơi. tím biếc
dòng sông!
Quê hương ta ơi.
thôi nhé!
Buồn ơi. nước mắt
lưng tròng!
Rặng cây quê hương
mờ bóng
Có còn gặp lại được
không?
5.
Quê hương hoài mong
thương nhớ
Cô thân. lưu lạc
phương người
Chiều nay. nhớ dòng
sông ấy
Lục bình hoa tím
hoài trôi!
Quê hương ta ơi...
đừng nhớ!
Muộn phiền. cay
đắng mà thôi!
Cố quên. sao lòng
vẫn nhớ!
Quê hương nhớ
lắm... người ơi!
Quê hương còn gì để
nhớ
Buồn ơi. nước mắt
lưng tròng!
Quê hương sẽ còn để
nhớ?
Quê hương đáng nhớ
không người ?!
NGUYÊN LẠC
Nhà phê bình Châu Thạch, nhạy bén và với bút lực dồi dào đã nhanh chóng viết
một bài nhận xét, so sánh bài thơ này của tác giả Nguyên Lạc với bài thơ
cuả tác giả Đỗ Trung Quân cùng chủ đề có tựa ''Bài học đầu cho con'',
một bài thơ nổi tiếng và đã được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc tựa đề Quê
Hương.
Bài viết của tác giả
Châu Thạch rất hay, nhận định rõ ràng, lời văn trôi chảy, người đọc dễ dàng nắm
bắt được những điểm chính giữa hai bài thơ cùng một chủ đề này, cũng như ''hai
tâm tình'' của hai tác giả.
Tôi không viết phê bình,
không ''ăn theo'' một bài thơ hay mà vì đồng cảm và xúc động khi đọc qua bài
thơ của tác giả Nguyên Lạc nên xin được gởi gấm mấy dòng tâm tình này.
Với lồi viết trần tình,
ngôn ngữ chân phương giản dị, bài thơ cuả tác giả Nguyên Lạc, đã dẫn dắt người đọc qua từng giai đoạn đời người,
dễ dàng ''thẩm thấu'' vào tâm hồn người đọc và nó trở nên một bài thơ hay và
thật như nhận định của nhiều người.
Tác giả mở đầu bằng một
câu tưởng như phủ định ''quê hương có gì
để nhớ", để rồi ở đoạn 1, vẽ ra những hình ảnh ''ở nhà quê'' với bà mẹ ''vai gầy”, gánh khổ, ngày ngày kham khổ
qua sông kiếm sống vì thương đàn con (đang thiếu đói). Rồi hình ảnh đầy thương
nhớ của bà ''nhai trầu tóm tém'',
mắng yêu thằng cháu ''mất dạy''
nghịch phá, lêu lỏng, rong chơi ''mẹ mầy''
(...cha mầy). Càng gợi nhớ hơn nữa với những kỷ niệm đẹp, ngọt ngào của những
ngày “còn bé'' dòng sông mênh mang,
những nhánh bần de, bọn trẻ ''phóng đùng'' xuống dòng ''nước mát'' rồi lặn, rồi tìm, bắt chân, la lối đầy nghịch ngợm,
thích thú ham vui đến nỗi chị phải réo gọi đến khàn tiếng và cha đánh đòn bầm
tím vết roi! Hay niềm vui theo từng tiếng trống trường, trên đường đi học có
tiếng chim hót trên cao, cùng đám bạn chia nhau những trò chơi, chia nhau từng
tiếng cười, và lo sợ khi nghe thầy gọi (trả bài), để rồi có khi
(làm bài sai, không thuộc bài, nói chuyện hay lơ đểnh trong lớp học... gì đó ...) cũng bị thầy
ban cho vài thước kẻ vào bàn tay!
Ở đoạn 2, lớn lên chút
nữa, tuổi mộng mơ đã biết ''trao lưu bút'' mỗi dịp hè về, đã phân vân sau
mùa chia tay, từ biệt không biết còn gặp lại bạn bè hay không. Rồi ''buồn
vui gác trọ'' ''hút thuốc'' ''nghe nhạc'' khi lớn hơn chút nữa.
Đoạn 3: ''mùa định
mệnh'', đã làm thay đổi bao số phận con người, bể dâu với những nghiệt ngã,
đoạn trường! ''Bể dâu. biệt ly. mong
đợi!/ Khổ đau thay thế nụ cười!'' ''Bao năm chém tre đẵn gỗ/ Bạn bè. chết không nấm
mồ!''. ''Mẹ già vượt
đồi núi khổ/ thăm con. lệ cạn mắt khô!'' ''Con ơi. vợ con Kiều đó/bán thân. lo giúp cho chồng!''
Đoạn 4: ''con đường từ biệt'' với bao nổi buồn
chua xót "nước mắt lưng tròng"
''Rặng cây quê hương mờ bóng/ Có còn gặp lại được không?''
Đoạn 5 là nỗi niềm của
người tha hương lưu lạc ''Quê hương hoài
mong thương nhớ/ Cô thân. Lưu lạc phương người/ Chiều nay. nhớ dòng sông ấy/ Lục bình hoa tím hoài trôi!", với những trở
trăn, dằn xé giữa hai thái cực ''nhớ hay
quên".
Bài thơ khép lại với ha
câu kết đầy trăn trở "Quê hương sẽ
còn để nhớ?/ Quê hương đáng nhớ không người?!''
(Tác giả Nhã My) |
ĐÔI DÒNG TÂM CẢM:
Quê hương là dòng sửa
mẹ. ''Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là
một mẹ mà thôi!" (Đỗ Trung Quân). Có lẽ trong chúng ta ai mà không
nghĩ và mong muốn như vậy, bởi mẹ là nguời duy nhứt, cưu mang nặng nhọc,
sinh dưỡng khổ công, mẹ là hình ảnh mà xưa nay ai cũng trân trọng, quý yêu. Thế
nhưng, vì hoàn cảnh nào đó, có những đứa con phải chia lìa cốt nhục, cắt đứt tình
cảm thiêng liêng mà bỏ ra đi, rồi đến một chân trời xa lạ nào khác, xa cách, có
khi là tạm thời mà cũng có khi là vĩnh viễn thì thử hỏi có đau lòng không? Rồi,
vì cuộc sống mới, những đứa con lưu lạc này phải nhận thêm một quê hương thứ
hai khác, như là một bà mẹ nuôi, không sinh mà có dưỡng, bên hiếu, bên tình,
bên thương, bên nhớ, canh cánh bên lòng những nỗi xốn xao! Người bên mẹ, tâm
tình cố định, kẻ ra đi sóng gió dập duềnh. ''Ngựa Hồ gầm gió Bắc, Chim Việt đậu
cành Nam'', con vật còn có tánh linh, huống hồ chi con người vốn đa mang nhiều
tình cảm!
Có một câu nói mà người
tha hương vẫn hay nghe nhắc đến "chúng ta ra đi mang theo quê hương'' Có
người hỏi ''quê hương đâu phải cục đất, cái lu, cái hủ hay đứa con nít mà mang
theo được? '' Đúng! Quê hương không đơn giản chỉ là vật chất là đất là núi là
sông là đền đài, nhà cửa, chợ búa ... mà còn ẩn chứa phần hồn, là những thứ
thiêng liêng đã ăn sâu vào tâm khảm của con người. Một câu hò, một giọng nói,
một gương mặt, một làn gió, một món ăn...tất cả tinh hoa chắc lọc thành kỷ
niệm, tạo nên hồn dân tộc, hòa quyện với nhau trong ký ức mỗi khi chợt nhớ về
nơi chốn mà mình đã sinh ra, đã lớn lên, và (chua xót hơn) đã
phải bỏ ra đi! Cho dù trong thực tế, cùng với sự phát triển và lớn lên
của lớp trẻ tài giỏi, thành công nơi đất khách thì một ''cộng đồng vật
chất'' cũng nẩy sinh và phát triển do lớp người cũ xa quê cố gắng tạo nên.
Những vườn rau, cây chuối, giàn bí, giàn bầu, trái thanh long, nhãn, chôm chôm
... trồng trên đất nguời xum xuê tươi tốt. Cơ sở bán buôn mang tên
và viết bằng chữ bản xứ, ngay cả cái chợ chồm hổm có các mẹ, các bà đội nón lá
cũng dần dần được bà mẹ nuôi vốn tánh tình hào phóng, bao dung chấp thuận
để cho những đứa con lưu lạc tạo ra một ''quê hương nhỏ theo bản gốc'' lồng
trong quê hương mới cho đỡ nhớ thương. Nhưng rồi, thì sao? Ký ức cũ, kỷ
niệm xưa có thể nào phai nhạt hoặc vĩnh viễn quên đi? Bao nhiêu khúc nhạc, bài
thơ về quê hương, cố quốc đã nói lên điều đó! Phải đối diện với ký
ức và thực tại , dẳn vật bởi nỗi nhớ, điều muốn quên thì chắc có mấy ai vui,
nếu không muốn nói là khổ sở! Tác giả Nguyên Lạc chắc cũng đã có nhiều đêm trằn
trọc, muốn xua đuổi những bóng dáng, những hình ảnh cũ, muốn xóa nó đi trong ký
ức đau buồn, nên đã thốt lên:
''Quê hương ta
ơi... đừng nhớ!
Muộn phiền. Cay
đắng mà thôi!
Cố quên. Sao lòng
vẫn nhớ!
Quê hương nhớ
lắm... người ơi!''
Đọc bài thơ, tôi cảm thấy quá thấm thía với tâm tình của tác
giả, chia xẻ từng niềm vui, nỗi khổ mà ''buồn
vui nước mắt lưng tròng". Và còn thấm thìa hơn với 2 câu kết:
''Quê hương sẽ còn
để nhớ?
Quê hương đáng nhớ
không người ?!''
Quê hương còn đó không
mất, nhưng biết đâu sẽ mai một, quên đi và mất đi trong ký ức, sẽ không được
thành hình trong lớp trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên nơi đất khác!
Cũng có thể suy luận như tác giả Châu Thạch đã viết: "có lẽ người có thể quên quê hương là những người
đang ở trên quê hương, người có thể phá quê hương là những người đang ở trên
quê hương. Bởi những người đi xa, không có quê hương nên mới nhớ, không thể
không nhớ được. Họ không cầm vận mệnh quê hương trên tay nên cũng không làm sao
phá được bằng những người trực tiếp với quê hương''.
Nếu bảo bài thơ Quê
Hương của Giang Nam là một bức tranh đẹp nhưng buồn vì nó được lồng vào
một cuộc tình đẹp mà đoạn kết bi thương, bài thơ ấm lên thơm
nồng cùng mùi đất và trở nên thiêng liêng bất tử ''yêu quê hương vì trong từng nắm
đất / Có một phần xương thịt của em tôi'', bài cuả Đỗ Trung
Quân một viên ngọc toàn bích không tỳ vết, một bức tranh đẹp mà bà mẹ đã
in vào đầu óc non nớt cuả đứa trẻ vì yêu con, bức tranh naỳ quá đẹp và vì lý
tưởng quá nên không chứa thêm nhiều nét khác, thì bức tranh quê hương mới của Lạc
Nguyễn là bức tranh đầy đủ những gam màu, nét chấm phá cuả một
người ''đã lớn được làm người'', trãi qua kinh nghiệm,
tình cảm, trải qua giai đoạn của lịch sử đau buồn mới. Đây là một bức tranh đẹp
và thật, một bài thơ chứa đựng tâm tình không riêng cuả tác giả mà như là cũng
của một số người tha hương chung hoàn cảnh khi nhớ về cố quốc. Tác giả
Nguyên Lạc hỏi mà cũng là đã trả lời ''nhớ
lắm mà còn thương lắm, quý lắm nữa'', nếu không thương, không cần nhớ thì
cần chi gởi gắm tâm tình vừa tha thiết lại ngậm ngùi như vậy!
-------------------
Mời Quý vị nhấp chuột các dòng
chữ dưới đây để đọc thêm:
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐẤT NƯỚC
của Phạm Minh Tuấn qua tiếng hát Tùng Dương:
*
NHÃ MY
Hiện cư trú tại: Washington, Hoa Kỳ
Email:
nhamyngocsuong@gmail.com
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 19.10.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét