MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

NGƯỜI VIỆT TRONG MẮT NGƯỜI CÁC NƯỚC - Tác giả: Boristo Nguyen (Nga)

 

NGƯỜI VIỆT TRONG MẮT

NGƯỜI CÁC NƯỚC

*

(Tác giả Boristo Nguyen)

Zhirinovskiy là một chính trị gia nổi tiếng của Nga, lãnh tụ LDPR - đảng Dân chủ tự do, một đảng cực hữu của Nga. Đảng này có xu hướng bài ngoại, theo chủ nghĩa dân tộc. Zhirinovskiy nổi tiếng với các phát ngôn gây sốc và các vụ scandal đối với báo chí. Tuy nhiên, khi tình cờ gặp Zhirinovskiy tại Fan Fest Moskva, WC 2018, thì ông tỏ ra thiện cảm, khá ưu ái người Việt. Hơn thế, ông còn có bài phát biểu ủng hộ người Việt tại quốc hội Nga, kêu gọi chính quyền có biện pháp để giúp người Việt được làm ăn một cách hợp pháp.

Nhân facebook nhắc chuyện này, tôi lại nhớ những kỉ niệm liên quan đến cách nhìn của người nước ngoài về Việt Nam. Đây chỉ là những trải nghiệm cụ thể mà tôi trực tiếp chứng kiến chứ không phải toàn bộ bức tranh về hình ảnh của người Việt trong con mắt người nước ngoài. Thế giới rộng lớn, hàng tỉ người, mỗi người một quan điểm, một cách nhìn.

30 tháng 4 năm 1975,  chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất. Đó là những ngày thật sôi động và hạnh phúc. Vui mừng và tự hào. Vui vì từ nay đất nước về một giải, bom đạn không còn. Tự hào vì Việt Nam thắng Mỹ, đế quốc số 1 thế giới. Đất nước “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”. Cuối tháng 7, chúng tôi lên đường sang Liên Xô du học. Lúc đó đài báo nói nhiều là thế giới ca ngợi, coi Việt Nam là “lương tâm của thời đại”, là dân tộc anh hùng đã đánh thắng đế quốc lớn nhất thế giới… Tôi vẫn nhớ cái cảm giác khá bất ngờ khi sang tới Liên Xô chẳng thấy ai đón chúng tôi như những người anh hùng. Chắc không ít bạn tôi cũng có đôi chút ngỡ ngàng như vậy. Cũng cần phải nói thêm, người dân Liên Xô thời đó rất tốt với Việt Nam, tình cảm tốt đẹp đó vẫn còn khắc đậm trong tâm trí của các lứa sinh viên đã từng học ở đất nước này. Tuy nhiên, chuyện tung hô Việt Nam anh hùng ở Liên Xô là không có, ít ra là tôi chưa từng gặp. Thường gặp hơn là sự cảm thông vì đất nước bị chiến tranh.

Năm 93 tôi quay lại Nga. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại. Khi một hệ thống sụp đổ bao giờ cũng kéo theo giai đoạn khủng hoảng và hỗn loạn. Nước Nga không bị xảy ra nội chiến như Nam Tư vẫn còn là may mắn. Đói nghèo sinh đạo tặc. Trộm cắp, cướp giật hoành hành. Trong giai đoạn khủng hoảng đó, chuyện làm ăn phi pháp là phổ biến và người Việt cũng không phải ngoại lệ. Truyền hình Nga thỉnh thoảng lại đưa tin nhóm người Việt này bị bắt, nhóm người Việt kia bị lục soát chỗ ở. Phần do lỗi người Việt, phần vì tâm lí xã hội thay đổi nên không ít người Nga có cách nhìn về người Việt khác trước, đặc biệt là lớp trẻ lớn lên trong môi trường (giáo dục và tuyên truyền) khác và những người có tư tưởng bài ngoại. Tôi còn nhớ, những năm 90, mỗi khi nói đến người Việt báo chí Nga thường có thái độ không mấy thiện cảm, thậm chí còn hay dùng những từ rất nặng mà tôi không muốn nhắc lại đây.

Mười mấy năm trước nơi tôi làm việc là mấy trăm người Nga, chỉ mỗi tôi là người Việt. Có một ông làm ở bộ phận thường trực mà mỗi lần gặp khi đến cơ quan là một lần ngại. Không chào thì thiếu khiếm nhã, chào thì không bao giờ ông chào lại, thậm chí không thèm ngẩng mặt lên nhìn. Nói chung là khó chịu. Rồi một hôm tôi đến cơ quan thì thấy mọi người đang túm tụm nói chuyện. Thấy tôi, ông quay lại vồn vã chào hỏi. Hóa ra bố mới đi du lịch Việt Nam về. Tại Củ Chi, bố gặp mấy CCB Mỹ.  Không hiểu họ nói gì, tỏ thái độ với Việt Nam thế nào mà ông quay ngoắt 180 độ, mỗi lần gặp tôi lại vồ vập, tỏ ra thân thiện. Chắc với ông, người Mỹ là thượng đẳng, mà Mỹ đã nể Việt Nam thì không có lý do gì ông lại không kính nể?

Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga còn nhiều vấn đề phải giải quyết nên trong nhiều năm họ cũng chẳng mấy quan tâm đến Việt Nam. Việt Nam chỉ gợi cho họ hình ảnh của một đất nước đau khổ, bị chiến tranh tàn phá. Cách nhìn của một số người Nga còn sai lệch vì thiếu cập nhật thông tin. Chỉ khoảng hơn chục năm lại đây, khi du lịch phát triển, nhiều người Nga sang Việt Nam thì cách nhìn của họ mới thay đổi theo hướng tích cực. Đa phần dân Nga đi du lịch về đều khen đất nước và con người Việt Nam. Họ thích Việt Nam vì cảnh đẹp, bãi biển đẹp, ăn ngon, hoa quả nhiều và đặc biệt là người Việt Nam thân thiện, hiếu khách.

Hè 2018, World Cup bóng đá được tổ chức tại Nga. Nhân dịp này tôi tranh thủ vừa đi xem bóng đá, vừa thăm quan các thành phố. Bao năm sống ở Nga, tôi chỉ quanh quẩn tại Moskva. Nay có dịp đi “trải nghiệm thực tế” tôi muốn xem đất nước thay đổi thế nào, liệu câu nói: “Nước Nga bao gồm Moskva và các phần còn lại” có còn đúng?

Tôi đi Samara bằng tàu hỏa. Trên tàu toàn dân các nước đi xem bóng đá. Mọi người làm quen, hát hò ầm ĩ suốt đêm. Cùng khoang với tôi là mấy cậu Peru đi Saransk, trong đó một cậu sống ở Anh. Khoang bên cạnh là dân Costa-Rica. Hỏi chuyện, biết tôi dân Việt, mấy cậu khoe đã từng đến Việt Nam du lịch, khen Việt Nam đẹp, đồ ăn ngon và rẻ. Mấy cô cậu Costa-Rica khoang bên cũng kéo sang bắt chuyện. Cảm nhận chung là họ nghĩ khá tốt về đất nước, con người Việt Nam.

Tôi đi Samara để xem trận Costa-Rica vs Serbia. Lí do chọn cũng khá đơn giản: phần vì mùa WC trước Costa-Rica đá ấn tượng, phần vì tôi muốn đi thăm Samara, thành phố cách Moskva hơn 1000km. Ra sân, ngồi đúng khu vực dành cho fans của Serbia. Xung quanh toàn mấy cậu trẻ lực lưỡng, hò hét rất hăng trông như đám thanh niên theo chủ nghĩa dân tộc. Nhiều lúc các cậu còn nhào cả người sang, che khuất sân làm tôi không xem được. Lúc đầu cũng ngại va chạm, không muốn dây với họ, nhưng sau quyết định vỗ vai nhắc lưu ý đừng làm ảnh hưởng người khác. Một cậu thấy tôi đội mũ vải có cờ đỏ sao vàng mới hỏi: ông là người Việt Nam? Trả lời: đúng vậy, tôi là người Việt Nam. Nghe vậy mấy cậu quay lại bắt tay, ôm chầm lấy tôi rồi vừa nói Việt Nam vừa giơ ngón tay cái biểu hiện rất tuyệt. Có cậu còn giơ 2 ngón tay hình chữ V và nói: Việt Nam chiến thắng! Serbia chiến thắng! Giờ giải lao giữa 2 hiệp, các cậu kéo tôi đi mua bia uống, kiên quyết mời không cho trả tiền.

Có lần lang thang tôi ghé vào quán làm vại bia cho đỡ nóng. Quán đông nghịt, dân các nước cũng đông, dân Nga cũng lắm. Ngồi uống bia mà chốc chốc lại có người đến chạm cốc, bắt chuyện, thậm chí còn mời bia. Đa phần đều nói những lời tốt đẹp về Việt Nam. Không khí ngày hội bóng đá, dân tứ chiếng gặp nhau ai cũng cởi mở, muốn giao lưu, tiếp xúc. Nhưng còn lí do khác tôi để được nhiều người để ý chính là vì chiếc mũ vải với cờ đỏ sao vàng. Cũng phải nói thêm: nhiều người cứ gạ đổi lấy cái mũ mà tôi không chịu. Đổi rồi thì ai biết mình là Việt Nam?

Và cũng nhờ cái mũ mà ở Nizhny Novgorod, khi xếp hàng không đến lượt tôi được một cô bé (không hiểu người nước nào) tặng cho cái vé đi du thuyền trên sông Volga.

Chiếc mũ vải rẻ tiền, mua ở chợ Bến Thành năm nào, màu bạc phếch nhưng được cái có hình cờ đỏ sao vàng.

Hóa ra được của nó!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện "CÔ" SƯỚNG

CƯỚI VỢ, truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến:

*.

Moscow, 26 tháng 6-2021 

BORISTO NGUYEN

(tên thật: Nguyễn Hùng Phong)

Địa chỉ: Thủ đô Moscow,

Cộng Hòa Liên Bang Nga.

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 12.07.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét