VŨ THƯ HIÊN - NGƯỜI GIÃ TỪ
THIÊN ĐƯỜNG ẢO ẢNH
Khi nhát dao chém ngang hình đất nước, thì văn học
Việt cũng chẻ đôi dòng chảy. Bắc Nam như hai thái cực đối nghịch nhau
về cả tư tưởng lẫn bút pháp. Sau Nhân văn giai phẩm, trên đất Bắc lại
một cuộc nồi da xáo thịt nữa xảy ra với cái tên gọi mơ hồ: Xét
Lại. Cơn sóng ngầm ấy cuốn đi rất nhiều công thần, và những nhà báo,
văn nhân, một thời đã từng là bạn bè, đồng chí. Nhà văn Vũ Thư Hiên
và cha mình, cụ Vũ Đình Huỳnh, người thư ký đặc biệt của Chủ tịch
Hồ Chí Minh cùng nằm trong số đó. Chín năm dài đằng đẵng trong lao
tù, cứ tưởng Vũ Thư Hiên đã đoạn tuyệt với văn thơ. Nhưng kỳ lạ thay,
chính những năm tháng quằn quại đớn đau ấy là chất liệu, nguồn thực
phẩm vô tận nuôi dưỡng, thôi thúc tâm hồn, để Vũ Thư Hiên viết nên
những tác phẩm tuyệt vời, với bút pháp hiện thực nhân đạo đặc trưng
đến vậy. Và có thể nói, những tác phẩm ấy, không chỉ được viết
bằng tài năng, trí tuệ mà còn thấm đẫm cả máu và nước mắt của
nhà văn.
Vũ Thư Hiên người gốc Nam Định, sinh năm 1933 tại Hà
Nội, trong một gia đình cha mẹ đều là thành viên của Thanh niên Cách mạng
Đồng chí Hội, tiền thân Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Họ từng là đồng chí,
bạn bè thân thiết, hầu hết của các lãnh tụ Đảng CS, và đã giúp
đỡ, cưu mang họ ngay từ những ngày đầu còn trứng nước. Do vậy, như
một dòng chảy tự nhiên, Vũ Thư Hiên sớm đứng vào hàng ngũ của những
người kháng chiến. Mười ba tuổi ông đã tham gia đội tuyên truyền xung
phong. Rồi trở thành người lính năm mười sáu tuổi. Cùng đó, tài năng
văn thơ Vũ Thư Hiên cũng sớm bộc lộ trong thời gian này. Vở kịch đầu
tay Lối Thoát viết năm hai mươi tuổi (1953) là thẻ thông hành đưa Vũ Thư
Hiên nhập vào làng văn nghệ kháng chiến. Vài năm đầu thập niên sáu
mươi, sau thời gian tu nghiệp ở Nga Xô, Vũ Thư Hiên được độc giả biết
đến nhiều hơn, từ bản dịch Bông Hồng Vàng, và tập truyện ngắn của nhà
văn Paustovsky. Nhưng chỉ đến khi truyện ngắn “Đêm Mất Ngủ“, và kịch
bản phim “Đêm Cuối Cùng, Ngày Đầu Tiên“ bị Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh gán
cho cái tội bất mãn chế độ, không lập trường giai cấp, cùng tập
truyện Đêm Mùa Xuân (nhà xuất bản Lao Động 1963) bị thu hồi, thì Vũ Thư Hiên
mới trở nên nổi tiếng. Năm 1976 ra tù, ông vẫn dịch sách, và viết
tiếp kịch bản phim, sân khấu. Tuy nhiên, xét về nội dung nghệ thuật,
Miền Thơ Ấu, Đêm Giữa Ban Ngày và tập truyện ngắn được viết gần đây
mới là những tác phẩm văn học đặc sắc, đóng đinh tên tuổi Vũ Thư Hiên
vào lòng người.
Thủ pháp
nghệ thuật rọi sáng một tài năng.
Tôi đã đọc khá nhiều truyện thiếu nhi trong và ngoài
nước. Nhưng có thể nói, Miền Thơ Ấu của Vũ Thư Hiên là một trong rất
ít những cuốn hay nhất, từ trước đến nay mà tôi đã được đọc. Tôi
nghĩ, Miền Thơ Ấu hay, sống được trong lòng người đọc không hẳn do
cốt truyện nội dung tình tiết, mà bởi bút pháp, và văn phong đặc
trưng Vũ Thư Hiên. Hơn nữa, trong truyện ký, hồi tưởng dường như qua
lăng kính của các nhà văn sinh trưởng từ thị thành khi viết về thôn
quê sẽ khách quan, mang tính khám phá, sinh động hơn. Nó gây cho người
đọc có cảm giác thú vị như được cùng tìm hiểu, khám phá vùng quê
ấy cùng nhà văn chăng? Thật vậy, ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây,
để thấy được cái sự thờ ơ của anh Cu Nhớn trước cái miền quê mình
đang sống, nhưng lại rất đẹp, cuốn hút cậu bé thị thành Vũ Thư Hiên.
Có thể nói, đây là những trang văn đẹp như một bài thơ của Vũ Thư Hiên
vậy:
“Những chiếc lá tre rơi lềnh phềnh trên mặt nước khẽ rùng
mình mỗi khi có gió thoảng. Lũ thờn bơn với cặp mắt đen láy ngo ngoe trên mặt
nước. Trên cao, một con bói cá xanh biếc ngồi yên lặng như một nhà hiền triết.
Thỉnh thoảng, nó rời cành cây khô lao vút xuống nước như một mũi tên vừa rời
cây cung, rồi lộn trở về đậu vào chỗ cũ, hai cánh xòe ra phơi gió. Trên làn
nước gần như bất động, những con kéo vó lênh khênh nhẹ nhàng trượt qua trượt
lại trong một điệu vũ khó hiểu. Tất cả thu hút tôi, còn anh Cu Nhớn thì thờ ơ,
anh chỉ gắn chặt mắt vào những cái phao trắng muốt làm bằng cuống tỏi.“ (Miền
thơ ấu-Sách đã dẫn)
Trước đây mấy năm, có lẽ, nhà văn Phạm Thành đã không
đồng cảm, khi tôi cho rằng: Tuy Cò Hồn Xã Nghĩa, một tác phẩm rất
can trường và đồ sộ vừa ra lò, nhưng Hậu Chí Phèo mới chính là tác
phẩm tiêu biểu, làm nên chân dung nhà văn Phạm Thành, dù nó được viết
đã rất lâu rồi. Bởi, trong văn chương đôi khi có những sự việc, câu
chuyện được coi là nhỏ nhoi, tầm thường, nhưng mang ý nghĩa sâu sắc,
tư tưởng không hề nhỏ đến với người đọc. Cùng ngôn ngữ trong sáng
giản dị, với cái quan sát tỉ mỉ khi miêu tả, hoặc mượn thiên nhiên,
sự vật bộc lộ tâm trạng cũng như gửi tâm sự của mình vào đó, để làm nên
tác phẩm. Nghệ thuật này, như một phần cán cân định lượng giá trị
của một tác phẩm văn học. Cho nên, khi đọc Miền Thơ Ấu, tôi đã phải
dừng nhiều lần, đọc đi đọc lại những trang văn như vậy. Sự rung cảm
ấy, dường như Vũ Thư Hiên không chỉ dắt ta về với tuổi thơ, mà còn
cho người đọc tìm hiểu và khám phá nó, mà từ bấy lâu nay cứ ngỡ
rằng, tầm thường giản đơn:
“Anh Cu Nhớn không phải chỉ giỏi câu. Anh có những cần câu
tuyệt vời, tự làm lấy. Hóa ra nghệ thuật làm cần câu chẳng đơn giản chút nào.
Anh phải ngắm nghía, chọn lựa những cành tre đực thẳng và đẹp từ khi chúng còn
ở trên cây, xanh rờn và mềm oặt. Phải chờ cho đúng đủ già, anh mới bắt, hơ lửa
uốn cho không được phạm, nghĩa là vô ý để lưỡi dao ăn quá sâu vào thịt tre. Rồi
gác cái cần câu đã được chế tạo lên ránh để cho khói và thời gian làm cho nó
lên nước, sau đó hạ xuống đánh bóng bằng xơ tre, rồi ngâm xuống ao cho cần câu
dẻo lại, khi ấy mới dùng được. Một cái cần câu như thế sẽ dẻo đến nỗi gặp cá to
nó sẽ uốn mình cong vút tới tận cán nhưng không chịu gãy.“ (Miền Thơ Ấu-
Sách đã dẫn)
Qủa thật, đọc Miền Thơ Ấu của Vũ Thư Hiên đã gây cho
tôi nhiều lần bật cười thích thú, bởi sự liên tưởng so sánh rất lạ,
và phong phú mà rất ít gặp ở các nhà văn khác: “Thường như vậy,
bà đang kể, đang kể, bỗng im bặt, tựa bà đang đi thì bước hẫng, rơi xuống hố
sâu kỷ niệm rồi không trèo lên được“. Có thể nói, lời văn đẹp và
trong sáng cũng là một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong những
trang văn của Vũ Thư Hiên. Đoạn văn sinh động, giầu hình tượng so sánh
dưới đây, ngoài sự trong sáng, tài năng khai thác, nắm bắt tâm lý nhân
vật, con người của Vũ Thư Hiên, còn đọng trong ta cái mang mang hoài
cổ, dấu ấn mù sương huyền bí của những sinh hoạt cùng tập tục dân
gian, cổ truyền ở một làng quê Việt:
“… Đang kể, cô Gái bỗng ngừng bặt. Rồi lẳng lặng tiếp tục
viên thuốc, như thể bà chưa kể điều gì. Thường như vậy, bà đang kể, đang kể,
bỗng im bặt, tựa bà đang đi thì bước hẫng, rơi xuống hố sâu kỷ niệm rồi không
trèo lên được. Để nhắc bà, tôi cố ý cho bánh xe gang chạm vào thuyền tán gây
nên một tiếng keng lớn. Cô Gái sực tỉnh. – Rồi sao nữa, hả cô? – ờ, cô kể đến
đoạn nào rồi nhẩy…“ (Miền Thơ Ấu- Sách đã dẫn)
Vũ Thư Hiên có thời gian dài học tập, nghiên cứu sân
khấu, điện ảnh ở Nga Xô. Do vậy, đi sâu vào đọc, nghiên cứu, ta có
thể thấy, không chỉ trong lãnh vực kịch nghệ, mà nghệ thuật viết
truyện của Vũ Thư Hiên cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc Văn học châu Âu,
cụ thể từ các nhà văn Anton Pavlovich Chekhov (1860–1904) và Konstantin Paustovsky
(1892-1968)… Bố cục truyện giản dị, với những hình ảnh ẩn dụ chìm
trong ngôn ngữ trong sáng, mộc mạc. Và nhà văn thường cài đặt suy
nghĩ của mình vào nội tâm nhân vật một cách gián tiếp, mở đầu, hay
kết thúc truyện (bằng cách) đột ngột, cắt ngang, hoặc bỏ ngỏ làm
cho người đọc luôn phải suy nghĩ, rồi tự đưa ra những nhận định của
riêng mình. Ba Ngày Ở Thị Trấn Cù Cưa là một trong những truyện ngắn rất
hay và điển hình về đặc tính nghệ như vậy của Vũ Thư Hiên. Đây là
truyện ngắn có nội dung cũng như bố cục rất đơn giản, nhưng nội hàm,
ý đồ chuyển tải của tác giả đến người đọc một vấn đề lớn lao.
Nếu gấp trang sách lại, lặng yên ngẫm nghĩ một giây phút thôi, ta sẽ
thấy được sự tráo trở, lưu manh tận cùng khi đã có quyền lực của
kẻ từng được nhân dân nuôi dưỡng và che chở. Cái chết bởi lũ quét
của Con Nặc Nô để đi đến cái kết câu chuyện, như một lời dự báo sự
sụp đổ của một vương triều độc đoán. Tính dự báo ấy, trong truyện
ngắn Vũ Thư Hiên tuy làm cho người đọc bùi ngùi, nhưng vỡ òa, sảng
khoái như nút thắt trong vở kịch đã được mở vậy. Ta hãy đọc lại
đoạn trích dưới đây, để hiểu thêm về cái chủ thuyết, một đảng phái
hoang tưởng vô gốc gác, không cội nguồn thông qua hình ảnh Con Nặc Nô
đầy quyền lực, cũng như tài năng sử dụng từ ngữ, hình ảnh ẩn dụ
của Vũ Thư Hiên:
“…Chính chúng tôi cũng còn nhầm nữa là. Con Nặc Nô ấy à, là
con mồ côi đấy. Chúng tôi nuôi nó từ tấm bé. Gọi là con mồ côi cũng là quen
miệng thôi, chứ không đúng. Nó là đứa con hoang, không cha không mẹ. Chính cô
con dâu lão Trưởng Giám nhặt được nó ở đầu ngõ, bọc trong mớ giẻ. Không biết
đứa trốn chúa lộn chồng nào nỡ vứt đứa con rứt ruột đẻ ra như thế? Nó lớn lên,
cả xóm đùm bọc nó. Mới nghĩ rằng tre già măng mọc, nay nó trưởng thành, nó là
người đứng đầu ở đây thì dân được nhờ, ăn cây nào rào cây ấy. Hoá không đánh
sượt) Lúc bé nó ngoan lắm. Ai cũng yêu…Con này mà nói thì khéo vô cùng. Nó nói
kiến trong lỗ phải bò ra… Phàm cái gì từ miệng nó phát ra đều hay cả, cứ gọi là
ngọt như mía lùi. Nhưng khốn nạn, hay thật đấy, cơ mà chỉ hay cho nó, chứ không
hay cho mình… “
Miền Thơ Ấu, là một tác phẩm đặc biệt của văn học
sử Việt Nam. Bởi, nó được hoài thai, và ra đời ngay trong ngục tù.
Khoảng cách ba mươi năm dài dằng dặc từ tuổi thơ đến những ngày gông
cùm, tăm tối nhất, nhưng sự trong trẻo, bình yên vẫn hiện lên đầy ăm
ắp trong tâm hồn Vũ Thư Hiên. Sự hồn nhiên, trong sáng ấy, cùng với
lòng nhân đạo, tính vị tha xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo văn chương
của ông. Nếu như nói văn là người, thì Vũ Thư Hiên là một trong rất ít
nhà văn, tôi tin như vậy.
Sự can đảm
trước bạo quyền qua ngôn ngữ điện ảnh.
Truyện ký, tùy bút, hồi ký là thể loại văn học mà
tôi thích và luôn tìm đọc. Ngày còn học sinh trung học, chúng tôi đã
được đọc, và học Trận Phố Ràng của Trần Đăng, Bất Khuất (của
Nguyễn Đức Thuận). Gần đây, khi đọc cuốn Đèn Cù tôi mới biết Trần
Đĩnh là người chấp bút cho cuốn Bất Khuất này. Và nhân đây, nên nói
thẳng, cuốn Bất khuất của Trần Đĩnh, đưa vào chương trình giảng dạy
ở bậc trung học trước đây chẳng khác gì thứ bả chuột câu nhử tâm
hồn trẻ thơ. Còn Đèn Cù của Trần Đĩnh về nội dung tôi không dám mạn
đàm, nhưng về câu cú, từ ngữ trên trang sách, quả thực tối thui về ngữ
nghĩa. Sau Bất Khuất của Trần Đĩnh, tôi có được đọc Qua Sông Đón
Súng của Trần Độ văn phong khá hay. Rồi lại gặp phải một số hồi ký
nhạt nhẽo của mấy ông to bà lớn do bác thợ Hữu Mai chấp bút… Tuy
nhiên, cũng may mắn thay, có hai cuốn Chuyện Kể Năm 2000 và Đêm Giữa Ban
Ngày của hai tù nhân Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên đã thổi một luồng
gió mới vào văn đàn đang gà gật vào những năm cuối thế kỷ hai mươi,
đầu thế kỷ hai mốt này.
Tôi đã đọc Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên cách nay
khoảng hai chục năm, giờ ngồi đọc lại vẫn thấy mới, và cái cảm
giác lần đầu vẫn còn y nguyên. Có thể nói, Đêm Giữa Ban Ngày là
cuốn sách toàn bích về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Nhiều người cho
rằng, Đêm Giữa Ban Ngày là hồi ký chính trị. Còn tác giả Vũ Thư
Hiên bảo: Văn học đích thực không có chỗ nơi đây. Có lẽ, ông quá khiêm
tốn chăng? Tôi không nghĩ như vậy. Bởi, chính trị, hoặc thể thao hay
gì gì đi chăng nữa đều có thể trở thành chất liệu sống cho văn học,
nếu nhà văn ấy thực sự có tài năng. Dường như, khi nói những câu
nhún nhường, khiêm tốn này, nhà văn Vũ Thư Hiên đã quên khuấy mất câu
nhận định của Paustovsky, mà ông đã trích dẫn ở trong tác phẩm Đêm
Giữa Ban Ngày chăng :“Nhà văn cứ thản nhiên mà sống. Chẳng có gì của cuộc đời
đi qua mà không để lại dấu vết, không trở thành tài liệu văn học”. Hơn
thế nữa, với văn phong, thủ pháp nghệ thuật đặc trưng, cùng xúc cảm,
và tính nhân đạo khi viết của nhà văn Vũ Thư Hiên đã vượt lên trên
những tình tiết chính trị khi trần thuật. Và chính lúc không nghĩ
mình làm văn, thì những trang viết ấy lại mang đậm chất văn học
nhất. Do vậy, với tôi Đêm Giữa Ban Ngày là một cuốn hồi ký văn học
đích thực.
Sinh ra, lớn lên và sống trong một giai đoạn lịch sử
đảo điên: “chúng tôi ra đời trong thân phận nô lệ, lớn lên trong khói
lửa chiến tranh và trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí.” (Đêm giữa
ban ngày). Do vậy, cuộc sống, sự nghiệp văn chương của Vũ Thư Hiên bị
bủa vây trong cái vòng tròn nghiệt ngã đó. Chín năm tù đày, và
những ngày tháng bị truy sát trốn chạy, để đổi lấy sự thật, đổi
lấy một cuốn sách, thì quả thật giá trị ấy phải cân bằng máu,
bằng sinh mạng của nhà văn.
Có thể nói, Đêm Giữa Ban Ngày là một bi hài kịch
lớn của cả dân tộc. Bức màn sân khấu cung đình đã được kéo mở,
bằng sự can trường của Vũ Thư Hiên. Với ngòi bút tài ba ấy, ông bóc
dần những lớp lang thối tha bỉ ổi nhất của tầng lớp vua chúa, quan
lại. Đây là một trong những cuốn sách được người đọc từ trong đến
ngoài nước mong đợi, yêu mến và đồng cảm nhiều nhất, trong suốt
những thập niên vừa qua.
Thật vậy, truyện bắt đầu từ một lát cắt ngang bởi
hành động bắt cóc tác giả, nhà văn Vũ Thư Hiên ngay trên đường phố.
Cùng hình ảnh bông hồng vẫn còn trên tay người nghệ sĩ, văn nhân trong
Lễ Giáng Sinh, ngừng chiến, thì dường như mức độ tàn nhẫn, kịch tính
đẩy lên cao:
“Vừa lôi thốc tôi lên xe, tên ngồi bên phải lập tức bẻ quặt
tay tôi ra sau lưng. Bàn tay y cứng như sắt. Một nòng súng lục thúc mạnh vào
sườn tôi bên trái. Tôi nhăn mặt vì đau. Trong đợt này, cùng với tôi, còn có
những ai bị bắt? Ðó là ý nghĩ đầu tiên đến với tôi, không hiểu sao lúc ấy lại
dửng dưng với số phận mình đến thế. Người lái xe quặt mạnh vô-lăng. Chiếc xe
lạng sang một bên, xoay nửa vòng rồi lao về phía Tràng Thi. Tôi vẫn cầm bông
hồng Nam Dương, quà tặng của một người bạn vong niên, trong bàn tay trái còn
được thả lỏng.” (Đêm Giữa Ban Ngày- Sách đã dẫn)
Sự đối đầu can đảm giữa nhà văn Vũ Thư Hiên với Huỳnh
Ngự, với Hoàng… có thể nói, kịch tính lên tới đỉnh điểm trong “Đêm
Giữa Ban Ngày”. Đôi khi làm cho người đọc toát cả mồ hôi hột. Có một
số người, trong đó có cả người đã kinh qua tù tội cho rằng, Vũ Thư
Hiên đã tiểu thuyết hóa những tình tiết này. Nhưng tôi nghĩ, hành
động đối đầu với an ninh trên những trang sách của Vũ Thư Hiên hoàn toàn
có thực. Bởi, Vũ Thư Hiên sinh ra, lớn lên trong gia đình rất đặc
biệt. Cha mẹ ông đều là thành viên của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội,
tiền thân Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Họ từng là đồng chí, bạn bè, ân nhân
hầu hết của các lãnh tụ từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Lương
Bằng, Lê Đức Thọ… Ngay từ nhỏ Vũ Thư Hiên đã từng tiếp xúc, làm
quen, cho nên hiểu khá rõ ràng cái chính thể này từ thượng tầng trở
xuống. Lúc cụ Vũ Đình Huỳnh còn là thư ký cho Hồ Chủ Tịch đầy
quyền lực, chắc chắn có nhiều kẻ chức tước không nhỏ đến cầu cạnh,
làm quen Vũ Thư Hiên, kể cả các văn nghệ sĩ tên tuổi. Tôi có ông bác
họ Đặng tham gia Việt Minh chống Pháp rất hăng. Bị bắt nhiều lần,
không chịu khai báo bị tra tấn dã man. Và nghe kể, ông có gan chịu
đòn số một của Việt Minh. Sau này, bác chức tước cũng kha khá. Hỏi
và khen bác sao giỏi thế. Ông nháy mắt cười rất nghệ sỹ: Giỏi đếch
gì, lần nào chúng nó chỉ đánh đến trận thứ 8, thứ 9, chán rồi bỏ.
Nếu chúng cố đánh trận thứ mười, biết đâu tao khai tuốt tuồn tuột.
Cũng như tôi vậy, một kẻ viết văn tép riu, mấy năm trước lò dò về
Việt Nam, bị mấy đồng chí an ninh, tuổi con cháu bắt giữ, trục xuất
về Đức. Trong lúc hỏi han thẩm vấn có đồng chí cháu đập bàn quát,
anh là kẻ ngụy biện. Cáy ngày, thỏ đế như tôi, ấy vậy mà cũng phát
khùng, đứng dậy chỉ mặt, không làm việc nữa. Chứ tầm cỡ như Vũ Thư
Hiên nhịn thế chó nào được. Cho nên, cha vừa bị chính các đồng
chí bắt, mình lại vào tù nhiều lúc Vũ Thư Hiên bất cần, khùng lên
chiến đấu là điều dễ hiểu thôi. Đoạn trích dưới đây, không chỉ đối
đầu bằng trí tuệ, mà ta còn thấy, Vũ Thư Hiên không ngại động đậy
bằng cả chân tay, cơ bắp, nếu buộc phải như vậy:
“– Có cái này thì được, tôi sẵn sàng nói : Đó là tất cả
những gì thuộc về tôi, thuộc về một mình tôi. Anh có thể đề đạt với tôi bất cứ
điều gì có lợi cho anh. Chẳng hạn, tôi sẽ nhận tôi là Việt Quốc, Việt Cách, Ðại
Việt hay là cái gì đó anh muốn… Tôi sẽ ký, thật đấy. Giờ đây tôi chẳng còn gì
để mà mất. Lịch sử không mù. Nó sẽ tìm ra sự thật, nó sẽ lên tiếng, không phải
trong tương lai gần thì trong tương lai xa. Còn ngay bây giờ anh sẽ được lên
lương, chị và các cháu sẽ bớt được một phần vất vả. Ðây là việc tốt, có thể là
việc tốt cuối cùng mà tôi có thể làm cho ai đó…
Hoàng gầm lên, đập mạnh tay xuống bàn :
– A, anh dám láo hả ? Láo !
– Chính anh láo !
Tôi tức lắm rồi, tôi đập bàn còn mạnh hơn. Bộ đồ trà nhảy
lên, mấy cái chén rơi loảng xoảng xuống nền gạch, vỡ tan.
Hoàng chồm tới :
– Mày sẽ biết tay tao !
Nhìn bộ mặt đỏ gay của Hoàng, nhìn nắm đấm chực vung lên của
anh ta, tôi nghĩ anh ta sẽ đánh tôi. Tôi lùi lại, tay vung lên cái ghế ba nan.” (Đêm
giữa ban ngày- Sách đã dẫn)
Chuồng người, một danh từ mới ghép, hoán chuyển
thành tính từ chỉ cái dã man tàn bạo của chế độ lao tù, một cách
đầy sáng tạo của Vũ Thư Hiên. Nơi đây, chẳng khác gì nhà tù phát
xít, tận cùng nơi địa ngục trần gian. Không chỉ hành hạ tinh thần
bằng những thủ đoạn lưu manh, không hề có ở ngoài đời, mà còn triệt
hạ người tù bằng những miếng ăn bẩn thỉu, nhục nhã đê hèn. Cái đói
đưa nhân phẩm con người trở về súc vật. Một miếng ăn trả giá bằng
mạng sống của con người. Vâng! Nếu chưa đọc những hồi ký, bút ký,
văn thơ của các nhà văn tù tội khác như: Bùi Ngọc Tấn, Phan Nhật Nam,
Phạm Tín An Ninh, Nguyễn Chí Thiện…thì tôi không dám tin, chỉ vì tranh
nhau một miếng thịt gà chết (thối) mà Nhân đã chém chết Hán còi,
trong tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày là sự thật:
“Nhân mài con dao chẻ tranh cho tới khi nó sắc như nước. Hán
Còi đang ngủ trưa. Nhân đến, xoạc chân trên ngực kẻ thù :
– Hán Còi !
Hán Còi choàng tỉnh.
– Nhìn tao trả thù này !
Nhân chém một nhát, như bổ củi. Ðó là nhát quyết định. Hán
Còi bật dậy, ôm lấy cổ.” (Đêm giữa ban ngày- Sách đã dẫn)
Những kẻ tiếm quyền, phi nghĩa dù có sức mạnh, thế
lực thế nào đi chăng nữa, nhưng luôn phải sống trong sự sợ hãi, yếu
đuối, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Do vậy, sự đuổi cùng giết tận ấy,
nảy sinh ra rất nhiều chuyện thật bi hài, và cái mong manh của thân
phận con người. Câu chuyện Vũ Thư Hiên được nghe người bạn tù lâu năm
dạn dày kinh nghiệm kể dưới đây, làm sáng tỏ thêm cái xã hội thối
nát, luật pháp đảo lộn tùng phèo ấy:
“Tôi biết có người hoàn toàn vô tội, ở tù sơ sơ cũng vài năm,
thế mà ra tù cậy miệng anh cũng không dám nói anh ta bị oan. Thậm chí anh ta
còn nói đảng bắt anh ta là đúng, rằng sở dĩ anh ta được tha, không bị xử là nhờ
lượng khoan hồng của Đảng…Ông có biết vì sao không? Là vì anh ta nhận tội rồi,
ký vào bản cung người ta mớm cho rồi, bây giờ há miệng mắc quai, lại còn sợ bị
trả thù vì phản cung nữa chứ. Tôi nghiệp, bị oan rồi mà đến một cái lệnh tha
cũng chẳng được cấp, chỉ được thí cho một cái lệnh tạm tha thôi. Tạm tha là thế
nào? Là người ta tạm cho về, nhưng coi chừng, bất cứ lúc nào anh cũng có thể bị
bắt lại, đừng có đùa. Trong lệnh tạm tha người ta ghi: Xét tội trạng chưa tới
mức phải xử lý theo pháp luật…” (Đêm giữa ban ngày- Sách đã dẫn)
Khi phân tích tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày, một số nhà
phê bình đã viết: Tính nhân đạo của tác phẩm còn thể hiện rõ qua
hình ảnh Arlequin (tên con cóc nhỏ) được nuôi dưỡng, chăm sóc trong
chốn lao tù. Nhưng theo tôi, không hẳn như vậy. Bởi, tính nhân đạo qua
hình ảnh này, chỉ là hiện tượng, một cái vỏ ta mới nhìn thấy. Cái
lõi, đằng sau hình ảnh Arlequin là nỗi cô đơn, và khát vọng tự do
của con người. Lời tự sự của Arlequin và tác giả đã được hình
tượng hóa thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Sự tiểu thuyết hóa (nhân cách
hóa) những tình tiết, hình ảnh để bật lên tiếng nói khát vọng tự
do ấy, một lần nữa cho ta thấy, không có sự ràng buộc về thể loại
trong văn xuôi của Vũ Thư Hiên. Ông trộn các thể loại vào nhau như người trộn
men vào cơm rượu vậy, như cách nói của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Đây cũng
là một đặc tính nổi bật trong văn xuôi Vũ Thư Hiên. Đoạn trích dưới
đây sẽ làm sáng tỏ điều đó:
“- Và anh muốn cầm tù tôi cùng với anh ?
– Tôi không cầm tù Arlequin, tôi chỉ muốn Arlequin ở cùng tôi
thôi. Không có Arlequin tôi buồn lắm.
Arlequin nói, ngậm ngùi :
– Tôi cũng muốn ở cùng anh, nhưng rất tiếc, không thể được.
Tôi là một con cóc. Không con vật nào muốn sống trong lồng, trong chuồng, anh
có hiểu như thế không? Sống như thế không phải là sống. Chúng tôi không cầm tù
nhau như các anh, loài người … Không biết và không nỡ. Tôi biết : các anh
nghĩ rằng loài người các anh là sinh vật thượng đẳng, các anh coi các anh cao
hơn các loài khác, nhưng tôi nghĩ các anh lầm. Hoàn toàn không phải thế… “
(Đêm giữa ban ngày- Sách đã dẫn)
Ngoài những tác phẩm văn học, tôi đã đọc khá nhiều
những bài báo, bài nghị luận xã hội của Vũ Thư Hiên. Đặc biệt là
những bài báo của ông luôn mang hơi thở của cuộc sống, và đậm chất
văn ở đó. Do vậy, nhiều lúc, tôi không thể phân biệt rạch ròi
đâu là văn, đâu là báo của Vũ Thư Hiên. Có điều chắc chắn rằng, dù văn
hay báo cái tính khí của ông không hề thay đổi. Và có bài, đọc một
lần, tôi cứ bị ám ảnh mãi.
Tính chân
thực, nhân bản và lòng vị tha
Có thể nói, hồi ức với những tình tiết đan xen,
chồng chéo không theo một trình tự nhất định là thủ pháp nghệ thuật
đặc trưng xuyên suốt tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày. Cũng với thủ pháp
này, đã được Bảo Ninh sử dụng rất thành công ở tiểu thuyết Nỗi
Buồn chiến tranh. Tuy xuất hiện ở châu Âu đã lâu, nhưng nó còn khá xa
lạ với văn chương Việt cũng như người đọc. Với thủ pháp nghệ thuật
sinh động như thước phim quay ngược về qua khứ, không chỉ dẫn dắt,
buộc người đọc đi hết trang sách, mà dường như còn có độ lùi
về thời gian để Vũ Thư Hiên chiêm ngẫm, để tạo nên tác phẩm chân
thực, sâu sắc hơn.
Do mối quan hệ của gia đình, cho nên ngay từ nhỏ Vũ
Thư Hiên quen biết, tiếp xúc nhiều lãnh tụ của Đảng CS và chính
quyền. Đó là chất liệu sống để ông dựng nên tác phẩm này. Tuy không
đưa ra những nhận định của mình, nhưng Vũ Thư Hiên bóc trần tất tần
tật nhân cách của những hàng ngũ lãnh tụ, trí thức, nhà văn để
người đọc tự suy nghĩ và định luận. Từ vụ xe cán chết cô Nông Thị
Xuân có liên quan đến Hồ Chí Minh, Trần Quốc Hoàn hay nhân cách: Lê
Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ…đến bọn lưu manh
trộm cướp tù hình sự hiện lên một cách rất rõ ràng, rành mạch.
Thâm cung bí sử, và những thối tha, bỉ ổi cung đình đã được Vũ Thư
Hiên đưa lên bàn mổ. Thời gian sớm, muộn khác nhau trải trên trang
giấy, qua sự hồi tưởng của nhà văn, tưởng rằng những nhân vật, tình
tiết và sự việc ấy, sẽ rời nhau như hạt cát ven sông, vậy mà khi
nằm trong tổng thể cuốn sách, kỳ lạ lại có sự liên kết, bố cục
thật chặt chẽ. Có thể nói, đây không chỉ là tư liệu văn học, mà còn
là tài liệu chân thực cho sử học sau này.
Dường như, muốn giảm bớt căng thẳng, làm dịu trang
sách, Vũ Thư Hiên dắt người đọc ngược về với ký ức tuổi thơ và gia
đình. Có thể nói, Vũ Thư Hiên rất tài năng khi viết về văn tự sự,
cũng như diễn biến nội tâm nhân vật. Chỉ một sự việc rất nhỏ, vậy
mà ông đã cho người đọc nghiệm ra nhiều điều. Lời văn chân thực, nhẹ
nhàng, hồn nhiên bộc lộ tư tưởng tự do cá nhân, được toát ra từ hình
ảnh ẩn dụ thật sâu sắc. Đoạn văn dưới đây sẽ làm sáng tỏ điều đó:
“Ông không biết gọt cam, hay gọt khoai như cách chúng tôi, mà
gọt ngược lại… Mẹ tôi thì thầm với tôi rằng, bác Ba quen gọt như thế bởi vì bác
ở bên Tây quá lâu
-Người Tây họ cũng gọt như vậy hả mẹ?
-Họ gọt vậy.
-Thế là gọt ngược, mẹ nhỉ?
-Nếu họ thấy mình gọt, họ cũng bảo là mình gọt ngược.
-Ngược là ngược mà xuôi là xuôi chứ.
-Bao giờ con lớn lên, con sẽ hiểu được rằng không phải tất cả
mọi người đều giống nhau, con sẽ phải công nhận cái mình cho là ngược có khi
lại là xuôi đối với người khác” (Đêm giữa ban ngày- Sách đã dẫn)
Để mang tính chân thực, Vũ Thư Hiên thường mượn nhân
vật để bộ lộ cảm xúc, tư tưởng, yêu ghét của mình. Hoặc ông đưa ra
vấn đề tự người đọc phải suy nghĩ. Về Chủ Tịch Hồ Chí Minh, người
trước đây ông rất yêu kính. Nhưng từ ngày cha ông, Cụ Vũ Đình Huỳnh,
và bản thân bị bắt vào nơi tù đày, thì dường như tình yêu ấy của
Vũ Thư Hiên đã rơi rụng mất. Lời nhận xét dưới đây của Thành, một
người bạn cùng tù đầy, phải chăng đó cũng là sự suy nghĩ của cả
Vũ Thư Hiên?
“Nhà tù cho tôi thấy một điều : không có tình đồng chí !
Chúng ta nhầm. Bây giờ tôi mới hiểu : ông Hồ không phải đồng chí của ta, ông ấy
cũng là vua như các ông vua khác, lại không phải vua hiền. Ông ấy biến những
con người lương thiện thành những con quỷ. Ông ấy là quỷ vương”. (Đêm
giữa ban ngày- Sách đã dẫn)
Với Lê Duẩn, hoặc Lê Đức Thọ có lẽ chưa bao giờ được
Vũ Thư Hiên nể trọng. Tuy nhiên, có thể thấy, lời văn của ông rất
chừng mực. Và vẫn hình ảnh so sánh ẩn dụ, chân dung, nhân cách Lê
Duẩn được Vũ Thư Hiên khắc họa một cách chân thật, tài tình:
“Vốn là một tên bẻ ghi đường sắt trước khi trở thành nhà độc
tài, Lê Duẩn tất nhiên muốn chỉ bằng một cú gạt là bắt được con tầu quốc gia
chạy theo ý mình“ (Đêm giữa ban ngày- Sách đã dẫn)
Dù bị oan trái tù đày với tận cùng nỗi thống khổ,
nhưng đọc Vũ Thư Hiên ta có thể thấy, không hề có sự hận thù.
Lời văn của Vũ Thư Hiên điềm đạm, trong sáng, giữ đúng lễ giáo khi
nhắc đến, kể cả tên những người trực tiếp, và gián tiếp gây ra nỗi
đau ấy cho gia đình và bản thân ông. Đây là một trong những nhân cách
của nhà văn Vũ Thư Hiên được người đọc mến phục. Với đồng loại,
không chỉ trên trang văn, mà ngay trong tù đày tình người, lòng nhân
đạo thể hiện đậm nét trong cuộc sống thường nhật của ông. Một Hán
còi đã được ông sẻ chia trong những ngày đói rét, hay cái chết của
một người bạn tù già cũng làm ông day dứt khôn nguôi. Đoạn văn rất
buồn, mang mang nỗi niềm cảm thương cho một kiếp người, Vũ Thư Hiên đã
làm ta ứa nước mắt khi đọc:
“Anh em tù ăn xong, vào tận chỗ ngó ông, mặt buồn rầu. Không
ai nói câu nào. Như thế gọi là viếng. Suất cơm của ông để chỏng chơ. Mọi người
bảo cứ để đó, khi chôn thì đặt nó lên mộ ông thay cho bát cơm quả trứng. ..Khi
cửa các phòng giam đã khóa lại rồi, tôi cứ ngồi bên cửa sổ mà nhìn về phía trạm
xá. Trời tối hẳn mới thấy nghe tiếng búa nện chan chát trên ván thiên – dấu
chấm hết cho một kiếp người.” (Đêm giữa ban ngày- Sách đã dẫn)
Có thể thấy, không chỉ trong tác phẩm Đêm Giữa Ban
Ngày, mà ngay trong truyện ngắn của Vũ Thư Hiên cũng ăm ắp tình người,
và lòng vị tha. Do vậy, đọc Vũ Thư Hiên lúc nào ta cũng cảm thấy
nhẹ nhàng. Lòng nhân bản ấy, cũng là bài học, hay một lời cảnh
tỉnh cho những kẻ đang tàn phá đất nước và cỡi lên đầu, lên cổ
những người dân lương thiện đã từng cưu mang và che chở:
“Con Nặc Nô có phần hùn với các quan đầu tỉnh trong công
trình này. Vụ đắp đập làm cho nhiều làng ở dưới nguồn bất bình vì thiếu nước.
Người ta nói thế nào rồi cũng có ngày đập bị phá.
– Nhà “Con Nặc Nô” ở ngay bên bờ suối. – cụ Trưởng Giám bỗng
cuống quýt – Nước cuốn băng nhà nó mất.
Cả hai cụ xăng xái đập nứa, châm lửa. Cả hai, mỗi người một
bó, đội mưa đi phăng phăng về hướng con suối. Trong cơn hốt hoảng hai cụ không
nhớ đến tôi. Tôi khoác vội áo mưa, lẽo đẽo theo họ. Không thể hình dung được
hai con người vừa mới hết lời nguyền rủa “Con Nặc Nô”, giờ lại hớt hải đi cứu
nàng.” (Ba Ngày Ở Thị Trấn Cù Cưa)
Có thể nói, cho đến nay Vũ Thư Hiên đã hoàn toàn từ
bỏ được cái thiên đường ảo ảnh, lột trần được mặt thật của xã hội
và con người. Văn thơ dường như đã thay Vũ Thư Hiên trả được phần nào
món nợ với Tổ Quốc, gia đình và bạn bè ông. Và bước vào 86, cái
tuổi xưa nay rất hiếm rồi, nhưng Vũ Thư Hiên vẫn miệt mài viết và
sáng tạo. Truyện ngắn vẫn là sở trường của ông. Tôi không dám nói,
Vũ Thư Hiên là nhà văn lớn, song chắc chắn ông là một nhà văn tài hoa
và chí khí. Thế hệ ông, bạn bè, người thân của ông còn lại không
nhiều, cùng nỗi cô đơn thường trực nơi xứ người, vậy mà, dường như
không giảm đi nghị lực sống, và sức viết của Vũ Thư Hiên. Bởi, mới
tuần trước đây thôi, lần đầu gặp ông, được cùng ông nhấc lên nhấc
xuống gần như thâu đêm, đã cho tôi cảm giác như vậy.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Audiobook chọn lọc đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
ĐỖ TRƯỜNG
Địa chỉ: Thành
phố Leipzig, tỉnh Leipzig,
Bang Sachsen, Cộng hòa Liên Bang Đức.
Email: dotruong07@yahoo.de
.............................................................................................................
- Cập nhật từ email
dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 09.07.2021
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu
tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện
quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét