MỜI ĐỌC:

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI - Thơ Nguyễn Khôi (Hà Nội)

 

CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN

VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

 

Lời thưa: Được nhà văn Lê Xuân Quang (Berlin) khuyến khích, theo gót nhà văn Xuân Sách, nhà thơ Đỗ Hoàng, nhà thơ Trần Nhương, với tiêu chí “văn là người”, Nguyễn Khôi tôi dùng thơ 4 câu phác họa chân dung 99 nhà văn mà mình mến mộ. Xin được chia sẻ cùng các bạn thơ.


Thư trao đổi về:

Chân dung 99 Nhà văn Việt Nam đương đại

Thân gửi: Các anh chị Bạn Thơ của Nguyễn Khôi

Sau khi đọc và gửi "310 Chân dung các Nhà văn Việt đương đại" của Nhà thơ Đỗ Hoàng sang Berlin cho Nhà văn Lê Xuân Quang, anh Quang phúc đáp :

"...Tôi nghĩ rằng nếu anh viết/ vẽ Chân dung của các Nhà văn nối tiếp Xuân Sách thì sẽ rất thú vị. Mần đi Ông bạn già; Mần cú chót này sẽ "đã" lắm. Mắt tôi kém không viết được nữa nhưng đọc thì vẫn nhúc nhắc. Tôi chờ Ông đó, cố lên nhé! Chúc Ông thành công. LXQ".

 Nguyễn Khôi tôi như bị "kích"...nên trăn trở mãi rồi hạ bút... theo mô-typ của Xuân Sách, nhưng khác ở chỗ:

- Ở Xuân Sách: anh viết /vẽ Chân dung bằng thơ tự do, thoáng, thoải mái, đã nói lên được những điều khá bức xúc/ cấm kỵ... 100 Nhà văn ấy đều là những người "tài" thành danh cả rồi.

- Còn ở Nguyễn Khôi: là mượn Nhân vật/ sự kiện gắn với tên tuổi Nhà văn/ nhà thơ từ người có Địa vị cao nhất nhì Nước (như Sóng Hồng, Lê Đức Thọ,..), rồi 3 chủ soái Thơ thời chống Mỹ (Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật), tới những dân thường như Bảo Sinh, Nguyễn Thanh Lâm, Văn Thùy… với nhiều giai tầng xã hội khác nhau, nhằm viết/ vẽ lên 1 bức tranh thời đại với những thân phận con người (đầy hãnh tiến hoặc bị vùi dập...) của 1 thời để nhớ... mà Nguyễn Khôi được chứng kiến. Dựng chân dung bằng 4 câu thơ xúc tích theo kiểu chân dung/ chân tướng Nhà Văn (riêng Tố Hữu 4 câu đầu viết từ năm 1991, nay phải thêm 4 câu mới thỏa đáng, Chế Lan Viên cũng vậy).

Xin lưu ý Các Bạn Thơ: đây là 99 Chân dung các Nhà văn mà Nguyễn Khôi "mến mộ" (chứ không so "Tài văn thơ"), nhưng có sự theo dõi/ chú ý dài dài, cân nhắc để "tạc" sao cho đúng bản chất/ chân tướng Nhà văn, tạo nên bức tranh toàn cảnh Văn/ thi đàn Việt Nam thời Nguyễn Khôi đã và đang sống. Có Chân dung nóng hổi như Phạm Lưu Vũ: anh này chỉ có chuyện "chị cả Bống" với hay "chém gió" trên Fb về Đinh La Thăng, tính Thời sự nóng hổi nên Nguyễn Khôi "tạc" để nhớ cái thời "đả hổ/ diệt ruồi" hôm nay có nhiều điều thú vị.

Đôi điều gan ruột/ bếp núc... Nguyễn Khôi xin được chia sẻ để các Bạn Thơ thông cảm, có điều gì bất cập xin được chỉ giáo để Nguyễn Khôi tiếp thu, sửa chữa...

  Hà Nội 13/05/2017

  Kính: Nguyễn Khôi

           

1. Tố Hữu

Tự nhận mình là Lành

Mọi người thấy rất dữ

mác lê bọc bằng Thơ

Đã đâm chỉ có “tử”.

 

Tung hoa máu xung trận

là Hịch chống xâm lăng

lời Thề với Đảng, Bác

“Từ ấy”, “Sáng tháng Năm”

 

2. Chế Lan Viên

Tài thơ đến như Chế

Đời thật khó khen chê

Bẻ cành phong lan bể

“Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về”.

 

Bắn pháo hoa Tư tưởng

Vờ khóc nước non Hời

Tháp Bay On bốn mặt

Giấu đi mặt ma trơi.

 

3. Sóng Hồng

Thơ văn là bom đạn

Lật đổ/ phá cường quyền

“Đổi mới” phải sự thật

Đọc Ức Trai đêm đêm.

 

4. Lê Đức Thọ

Thơ: mực hòa máu viết

Người hùng - quyền thứ hai

Giải Nô ben thứ thiệt

Ai thấy cũng bye bye. (bai bai)

 

5. Hoàng Văn Hoan

Anh Ba quy: Việt gian

Sang nương vây lão Đặng

Xuống địa phủ viết văn

Gặp cụ Hồ đặng đặng?

 

6. Xuân Thủy

Trùm đàm phán Paris

Lịch lãm và trí thức

Bị “nạn” thì làm thơ

“Không giam được trí óc”

 

7. Trần Đĩnh

Chính sự theo “đèn cù”

“Bất khuất” nên bị thiến

Đang diễn hề hầu vua

Hí trường đột tai biến!

 

8. Việt Phương

“Cửa mở” hở hậu cung

“Lụy” mấy ông xuất bản

- Ta cái gì cũng Hồng

- Địch cái gì cũng Xám

- Trảm!

 

9. Hữu Thỉnh

“Thư mùa đông” cho lính

Thơ xoàng xĩnh lên ngôi

Điếu văn “hot” tới đỉnh

Trơ ghế cao anh ngồi.

 

10. Nguyễn Phan Hách

Đẹp duyên “làng quan họ”

Thơ hay không có tiền

Cho in thơ thả cửa

Bán giấy phép đầu tiên.

 

11. Bút Tre

Người bút lông, bút sắt

Lão quê mùa bút tre

Dám “biên tập” lời Bác

Vào Đền Hùng khắc bia (1).

………………….

(1)  Câu “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” là do Bút Tre (Phó ty Văn hóa Phú Thọ) đã “văn bản hóa” câu nói của Bác (biên tập lại) và cũng qua nhiều vị tham gia chỉnh sửa.

 

12. Trần Đăng Khoa

Thần đồng thơ trẻ xóm

Hóm tếu văn “giải thiêng”

“Chân dung và đối thoại”

Đằm chất quê hồn nhiên.

 

13. Hoàng Cầm

Váy Đình Bảng chùng xuống

Đâu thấy lá diêu bông?

Mưa Thuận Thành tầm tã

Ngây ngất ả phù dung.

 

14. Trần Dần

Còn hai câu bia mộ:

“Tôi khóc những chân trời…

…Những người bay không có…”

“Nhất định thắng”… công toi!

 

15. Lê Đạt

Tù túng thành “phu chữ”

Đẽo / tỉa bay mất hồn

Người chết / thơ còn, hết?

“Đường chữ” nẻo cô thôn.

 

16. Lò Ngân Sủn

“KHÁT" khi thấy Người Đẹp

Chiều biên giới nắng tươi

Giữa lều nương Bát Xát

Cởi áo ra....em ơi!

 

17. Hoàng Công Khanh

Tù Tây lại tù ta

“Quyền được rên” chẳng có

Bởi luôn đòi tự do

Gánh văn là gánh khổ.

 

18. Lưu Trọng Lư

Chỉ một cái “tiếng thu”

Để ngàn đời ngơ ngác

Mộng Phù Tang phiêu du

Con nai vàng có “tác”?

 

19. Quang Dũng

“Tây tiến” thơ hứng khởi

“Mắt Sơn Tây” đoạn trường

Sống: Mai Châu gái đẹp

Chết vì dáng kiều thơm.

 

20. Phan Khôi

“Tình già” liếc như ông

Mắt xuyên qua thế kỉ

“Nắng (thì) cứ nắng…. ong ong

Thời thế… ông chẳng thế!

 

21. Xuân Diệu

“Đồng tính” bị đấu tố

Cụt hứng làm thơ tình

Thôi thì ca “Ngói mới”

Đi “nói chuyện thơ” mình.

 

22. Huy Cận

Tắt “Lửa thiêng” đón “mỗi ngày lại sáng

“Con cá song lấp lánh đuốc đen hồng”

Thằng con cả bùng tuốt sang Mỹ sống

Chết đã lâu mãi chẳng có tên đường.

 

23. Khương Hữu Dụng

Xuất khẩu câu thần cú

“… chim kêu sáng cả rừng”

Để nhớ Khương Hữu Dụng

“Thôi xao” sánh thơ Đường.

 

24. Yên Thao

Ngang ngửa thơ kháng chiến

“Nhà tôi” mất hút rồi

Thơm má người vợ trẻ

Đừng “nã pháo” - người ơi!

 

25. Cẩm Giang

Lên Sông Mã tắm truồng

Liều "trộm xem em tắm"

"Nhớ vợ"... ở chiến trường

Núi Mường Hung xa thẳm.

 

26. Huy Đức

Lật tẩy “Bên thắng cuộc”

"Bên thắng cuộc" chống lưng

Vung bút: đối phương gục

Vinh, nhục thời Thị trường.

 

27. Đoàn Giỏi

Đoàn Giỏi văn thực giỏi

Cánh chim trời mênh mang

Bởi  ăn “Cá bống mú”

Mê “Đất rừng phương Nam”.

 

28. Sơn Nam

Theo ông già Nam Bộ

Thưởng “Hương rừng Cà Mau”

Mai sau khô không khốc

Nhớ hoài “Mùa len trâu”.

 

29. Bùi Giáng

Nghêu ngao giả cuồng điên

“Li tao” quên đời loạn

Chẳng được là Khuất Nguyên

Thì cũng là Bùi Giáng.

 

30. Trần Trọng Kim

Trung thực được như ông

Là “Việt Nam sử lược”

“Hồi kí” (1) thực như tâm

Tin đời còn sự thật.

…………….

(1) Hồi kí “Một cơn gió bụi”.

 

 31. Kim Định

Triết gia xảo như ông

An Việt mấy ai biết?

Đọc “Triết lí cái đình”

Thấy thêm yêu nòi Việt.

 

32. Trần Đức Thảo

Giảng triết cho lũ dốt

Tù đầy giữa đời thừa

Yêu nước thành phản quốc

“Trăn trối” đã quá mùa.

 

33. Trương Tửu

Làm thầy bọn trò ngốc

Thôi về “châm cứu” chui

Cứu người được quả phúc

Văn chương chiếc yếm rơi…

 

34. Nguyên Ngọc

Chết rồi anh hùng Núp

“Rừng Xà nu” bị nghiền

Lập “Văn đoàn độc lập”

Mơ “Đất nược đứng lên”.

 

35. Phùng Cung

Con ngựa già phủ Chúa

Mười hai năm tội đồ

“Xem đêm” còn giật thột

Quất “bã chè” thành thơ.

 

36. Trang Thế Hy

Yêu sao Trang Thế Hy

Văn già hiền Nam Bộ

“Vết thương thứ 13

Về Bến Tre nằm ngủ.

 

37. Bùi Bình Thi

Chẳng phải dân lính tráng

Lại “Về Cánh đồng Chum”

Viết kí sự Xiêng Khoảng

Đắm “Xiêng Khoảng mù sương”.

 

38. Vũ Thư Hiên

Trải  “Đêm giữa ban ngày”

Tộc Tà ru bị loại

“Bông hồng vàng” bầm dập

Paris “thoại” cùng ai?

 

39. Thái Kế Toại

Văn sĩ làm “mật vụ”

Mà chẳng thấy bắt ai

Lũ Nhân văn kết bạn

Khua giáo lên văn đài.

 

40. Mạc Phi

Nếu không lấy vợ Thái

Viết văn, dịch làm sao?

“Rừng động” xao động mãi

Để “Xống chụ xon xao”.

 

41. Phạm Tiến Duật

“Đường ra trận…đẹp lắm”

Lừa mị lũ trai làng

Chết hồn kết “Vòng trắng”

Đưa thơ về Trường Sơn.

 

42. Bùi Minh Quốc

Hăng hái “Lên miền Tây”

Đi B không sợ chết

“Bình công” nuốt đắng cay

Làm thơ trong xó bếp.

 

43. Lê Lựu

Đã qua "Thời xa vắng"

Về "Làng Cuội" nương thân

Thế thái nhân tình đắng

Đành "sóng ở đáy sông".

 

44. Lưu Quang Vũ & Xuân Quỳnh

Đến chết vẫn lăn tăn “Thời kì đồ đểu”

“Uống rượu với bác Lâm” chuốc chén về trời

Để biển cũng bạc đầu thương nhớ

“Đắng cay” là chồi biếc thưở xa khơi.

 

45. Nguyễn Nguyên Bảy & Lý Phương Liên

Chàng Tư Mã say thơ

Mê mùi sen phố cổ

“Chém gió” giữa thủ đô

“Thơ bạn thơ” rạng rỡ.

 

46. Bùi Ngọc Tấn

“Chuyện kể năm 2000”

“Tại sao tù?” thắc mắc

Đọc Solzhenitsyn

Ôi “Quần đảo Gulag”

 

47. Dương Thu Hương

Tới “Đỉnh cao chói lọi”

Tức khí mà tắt kinh

“Thiên đường mù” vẫy gọi

Chào “Tỉnh lẻ vĩ nhân.”

 

48. Hoàng Hưng

Thích Hoàng Cầm vương lụy

Mang thơ phải vào tù

Uất “Đi tìm cái mặt”

Ngắc ngoải một đời thơ.

 

49. Trần Huy Quang

Trời xui viết “Linh nghiệm”

Hơn Azic Nexin

Treo bút ba năm, hiếm

Bõ bèn một truyện in.

 

50. Nguyễn Minh Châu

Ai điếu “Văn minh họa”

Vượt lão “Tầm nhìn xa”

Mỗi lần qua chợ Giát

Lại quặn lòng xót xa.

 

51. Hoàng Ngọc Hiến

Xướng “Văn chương phải đạo”

Giáo sư chẳng được phong

Học trò không đứa láo

Dạy “Giáo dục công dân”.

 

52. Trần Quán Anh

Một vở “Tiền tuyến gọi”

Đủ lừng danh… đói dài

“Giáo sư Dái” thoải mái

Tiền tấn thừa rong chơi.

 

53. Vi Hồng

Mải “Đi tìm mẹ chữ”

“Người trong ống” gầy nhom

Nghề văn kiết đến chết

Không bằng về làm nương.

 

54. Nguyễn Hưng Quốc

Triết gia Hoàng khen đểu

Việt có ba thi tài

Quốc, Hảo, Hoàng (1) thất thểu

“Thơ con cóc” mới hay.

……………..

(1)  Trần Mạnh Hảo, Đỗ Hoàng

 

55. Đỗ Chu

Vì say “Hương cỏ mật”

Dở chứng làm thơ tình

“Mảnh vườn xưa hoang vắng”

Thực / ảo kiếp nhân sinh.

 

56. Nguyễn Huy Thiệp

Mang cưa  xẻ quá khứ

“Tướng về hưu” trộm dòm

- Nhà thơ: lũ vô học

“Vong bướm” ám vào…Hồn!

 

57. Vi Thùy Linh

Chẳng cần tốc váy đỏ

“Quốc sư” vẫn say thơ

Văn em không có sex

Đếch ai thèm tìm mua.

 

58. Paul Nguyễn Hoàng Đức

Giỏi đàn, lắm lí sự

Bạn quí gọi “Triết gia”

Đứa ghét chê “ngộ chữ”

Gã sùng bái Hi La.

 

59. Phạm Lưu Vũ

Nổi danh “Chị cả Bống”

Nghề  xây dựng có bằng

Lộng ngôn trên “Phây” sóng

Luận bàn Đinh La Thăng.

 

60. Nguyễn Văn Lưu

Hơn lão Vũ Đức Phúc

Vượt trên tầm Đông La

“Luận chiến văn chương”… hả?

Chỉ điểm bãi tha ma.

 

61. Nhã Thuyên

Nhà xuất bản giấy vụn

Mấy thầy cô muốn “nghiên”

Cánh “phê bình chỉ điểm”

“Chém” cô trò Nhã Thuyên.

 

62. Phạm Xuân Nguyên

Văn sĩ tài khẩu khí

Một xác xí hai chân (1)

Cả Viện Văn Tiến sĩ

Mình Nguyên là Cử nhân.

…………………….

(1) Hội Nhà văn Hà Nội và Văn đoàn Độc lập.

 

63. Hoàng Xuân Họa

Thơ (trong) ba lô ra trận

Bõ “Trót một thời yêu”

“Chuyện cõi âm” lạ lẫm

Trả đời cho Chí Phèo.

 

64. Văn Thùy

Giỏi diễn vai “dị nhân”

Thấy Bùi Giáng là lủi

Lục bát phủi hồn rơm

Khéo dán tem “thơ bụi.”

 

65. Nguyễn Chí Thiện

Tù lâu thành “ngục sĩ”

“Hoa địa ngục” trời cho

Thơ trở thành cứu cánh

Sang “thế giới tự do”.

 

66. Đỗ Trường

Nếm đủ mùi “xuất khẩu”

Ghét “Cộng” tếch ly hương

Đạt tiêu chí “văn chửi”

Khối người khoái Đỗ Trường.

 

67. Nguyễn Đình Chính

Bước qua “Đêm thánh nhân”

Thả đời vào “Chẹc chẹc”

Thi sĩ Khỉ đầu đàn

“Làm tình” hơn cả xiếc.

 

68. Vũ Ngọc Tiến

Xả “Sóng hận sông Lô”

Lên “Qủy vương” chễm chệ

Trai Hà Nội đào hoa

Sướng cuộc đời dâu bể.

 

69. Lê Mai

“Tôi là người Hà Nội”

Bị “Tẩu hỏa nhập ma”

Sống “Thời gian xuẩn ngốc”

“Quyền được rên” … thế a?

 

70. Nguyễn Ngọc Kiên

Chàng Tiến sĩ Ngôn ngữ

Giỏi dịch thơ tiếng Trung

Dạy Anh ngữ kiếm sống

Luận bình “phê” thẳng tưng.

 

71. Bảo Sinh

Công tử không “bát phố”

Về nuôi chó… lừng tên

Hỗn danh “thơ Sinh Chó”

Lên nóc tủ ngồi thiền.

 

72. Dạ Ngân &Nguyễn Quang Thân

Cuồng nhiệt theo tình trai

Yêu từng cen-ti-met

Mê “Vũ điệu cái bô”

Đến bên hồ… vĩnh biệt.

 

73. Phạm Thành

Sống thời “Hậu Chí Phèo”

Giữa cuộc đời sấp ngửa

Thả “Xã nghĩa cò hồn”

Tai ương chờ ngoài cửa.

 

74. Nguyễn Anh Thuấn

Kim Đôi - Nguyễn Anh Thuấn

Làm thơ “tụng” làng mình

Ôi cái “Làng Tiến sĩ”

Bậc nhất tỉnh Bắc Ninh.

 

75. Nguyễn Đình Chiến

Tiểu đoàn trưởng trận mạc

Làm thơ đến quên đời

Xác ngơi ở Yên Bái

Hồn sang Nga rong chơi.

 

76. Nguyễn Huy Hoàng

Tìm con 20 năm

Đất trời Nga bát ngát

Hồn gọi gió tha phương

Canh ngọn đèn… bạc tóc.

 

77. Châu Hồng Thủy

Hoa Ban bổi hổi nhớ

Bạch Dương nổi tình thơ

Quê hương xin tạ lỗi

“Một mình với mùa thu”.

 

78. Tô Ngọc Thạch

Qua sông Hóa đến bến Mơ

Gió thị trường gõ phím bờ thời gian

Khoảng trời sông Cấm xanh lam

Xứ người trôi giạt… Hồng An đợi người.

 

79. Vũ Quang Tần

Về làng toàn người lạ

Thăm mả toàn người quen

Thuốc lào - thơ cho đã

Về Tiên Lãng cùng em.

 

80. Hoàng Gia Cương

Quảng Bình thương cát nắng

Nhật Lệ đắng trái Bần

“Lặng lẽ thời gian trắng”

Về “Bút Tháp dâng hương.”

 

81. Trịnh Bửu Hoài

Theo anh về Châu Đốc

Cùng trèo lên núi Sam

Thương phượng hồng trường cũ

Nhớ áo trắng cô nàng.

 

82. Trúc Linh Lan

Theo em về Cần Thơ

Gạo trắng, da em trắng

Để “còn lại tiếng mưa”

“Mùa hoa về chong chóng”

 

83. Nguyễn Anh Tuấn

Trai Hà thành ham học

Lên Tây Bắc đắm yêu

Phim truyện cả trăm tập

Không bằng thơ phiêu diêu.

 

84. Nguyễn Lâm Cẩn

Hết “ướp tình” lại “hồi xuân’”

Lục bát Lâm Cẩn bay gần tới sao

“Chị ngồi giặt áo” cầu ao

Đa đoan số phận vận vào đời thơ!

 

85. Minh Đức Triều  Tâm Ảnh

Thả bè lau trên mây

Ơi “người thơ bày tỏ”

“Nhập cốc” dứt dợ dây

“Hẹn mai” tịch theo gió.

 

86. Nguyễn Thanh Lâm

Đêm tỏa hương Dương cầm

Nghe mưa trên mái cổ

Siêu thoát trong rừng Tùng

Thơ lang thang bát phố.

 

87. Lê Kim Giao

Cuồng nhiệt thơ khắc đá

“Dịu dàng” thoảng tài thi

Thôi bỏ đi “Thần luật”

Diễn “cờ” trên ti vi.

 

88. Hà Thị Trực

“Cưới” đò giang cách trở

“Đón dâu chỉ mình anh”

Sang Nga buôn lời lỗ

Làm thơ chỉ một mình.

 

89. Đặng Xuân Xuyến

Buôn sách và viết sách

Vui gà trống nuôi con

Làm tình “cưỡng” không thích

Thơ như thời trai son.

 

90. Nguyễn Hiến Lê

Luyện chữ thành học giả

Nối gót Lê Quí Đôn

Chẳng khoe khoang mồ mả

Thanh thản làm dân thường.

 

91. Hoài Anh

Sống động “Bức tranh gà”

Bảy cái không…hiếm có

Cứ dịch / viết nhẩn nha

Suốt đời chỉ cuốc bộ.

 

92. Vương Hồng Sển & An Chi

Uyên bác như cụ Sển

Có An Chi tiếp nòi

“Hơn nửa đời hư” xịn

Miền chữ nghĩa rong chơi.

 

93. Thái Doãn Hiểu

Chẳng Tiến sĩ làm nên Học giả

Thả văn chương trò thật / giả ngạo đời

Tìm cái thật ở trong cái giả

Nghìn trang văn giấu máy tính để chơi.

 

94. Nguyễn Tôn Nhan

Thôi rồi một đấng tài hoa

Nhà “Trung hoa học” còn là ai đây?

Giáo sư, Học giả thì đầy

Riêng anh “học thật”… tiếc thay một người!

 

95. Đỗ Lai Thúy

“Luộc văn” bị nghi án

Càng viết càng lên tay

Hồ Xuân Hương tuột yếm

Chân trời có người bay.

 

96. Lê Bầu

Văn Tàu dịch siêu hạng

Cha đẻ từ “Ô sin”

Sống cô đơn lẻ bạn

Chết trên tay người tình.

 

97. Vũ Từ Trang

Vươn lên chủ doanh nghiệp

Từ chân báo thủ công

Văn chân dung chân thực

Thơ ngọt khế Sặt Đồng.

 

98. Thế Phong

Chào vĩnh biệt Yên Bái

Vào Sài Gòn lập thân

Mình một nhà xuất bản

Lừng lững văn Thế Phong.

 

99. Gia Dũng

Mình một Viện Văn học…

Mình một Hội Nhà văn

Mình làm các tuyển tập

Thơ Việt cho ngàn năm.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Về “Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại”l

- Thẹn lòng khi đọc “Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại”l

- Nguyễn Khôi sáng ngời nồng ấm chân thậtl

- Vài suy nghĩ về “Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại”l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

.

 

Mời nghe nhạc phẩm RƯỚC TÌNH VỀ VỚI QUÊ HƯƠNG

của Hoàng Thị Thơ, qua tiếng hát Tuấn Vũ và Sơn Tuyền:

*.

Làng Mọc Quan Nhân ngày 07.05.2017

Nhà thơ NGUYỄN KHÔI

Địa chỉ: P12A05 nhà 17T, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội.

Email: khoidinhbang@gmail.com

Điện thoại: 097.955.62.05  

.

 

 

 

 

............................................................................................................

- Cập nhật nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 10.05.2017.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét