MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH CỦA TRẺ Ở ĐỘ TUỔI 3 - 5 TUỔI - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

 

SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH CỦA TRẺ

Ở ĐỘ TUỔI 3 - 5 TUỔI

*

Sự hiểu biết của trẻ thật ra đã được hình thành từ khi còn trong bụng mẹ và nhân cách mỗi con người được hình thành rất sớm, ngay từ lúc 4 - 5 tuổi. Trí não hay tâm hồn đứa trẻ như một giấy trắng, tuỳ thuộc vào cha mẹ, người bảo mẫu, thầy cô giáo viết hay vẽ những gì lên đó. Lúc sơ sinh, nếu ta cho bé bú bằng cái núm vú sù sì thì bé sẽ quen và nếu sau đó ta thay bằng núm vú trơn tru, bé sẽ nhè ra mà khóc đòi cái núm vú đã quen kia. Tâm hồn trẻ thơ trong sáng vô cùng nhưng tuỳ thuộc vào mỗi môi trường giáo dục, rèn luyện khác nhau mà hình thành nên nhân cách khác nhau. Chính trong môi trường giáo dục của gia đình, nhà trường xã hội mà nhân cách được hình thành, phát triển và hoàn thiện.

Hạnh phúc ban đầu của mỗi đứa trẻ chỉ là được ăn no, ngủ ấm và được cha mẹ nâng niu dỗ dành yêu thương. Cái hạnh phúc ban đầu ấy tuy là rất giản đơn nhưng lại là bước khởi đầu tốt đẹp cho cuộc đời các em sau này. Các chuyên gia cho rằng: nếu chúng ta nuôi dạy một đứa trẻ cho nó được hạnh phúc chừng nào, thì sau này lớn lên nó sẽ trở thành người hạnh phúc chừng ấy, bất luận cha mẹ nó là người giàu hay nghèo, là trí thức thay một người nông dân bình thường.

Giai đoạn từ 3 - 5 tuổi được coi là thời kỳ đánh dấu cho việc hình thành nhân cách ở mỗi con người. Chính vì thế, các bậc phụ huynh phải hết sức chú trọng giai đoạn này. Hãy viết những chữ đẹp nhất, hãy vẽ những hình ảnh đẹp lên trang giấy trắng của tâm hồn tuổi thơ để có một bức tranh đẹp hoàn hảo về nhân cách một con người. Đừng vô tình đặt những nét vẽ nghuệch ngoạc lên trang giấy ấy, những nét vẽ xấu xí đầu tiên sẽ khó có thể tạo nên một bức tranh như ý muốn. Mỗi tâm hồn trẻ thơ ban đầu đều trong sáng như nhau, nhưng do những nét vẽ khác nhau mà sau này tạo nên những con người có tính cách khác nhau.

Đến tuổi này, bé tỏ ra độc lập và thích tìm hiểu, có thể tự mình mặc quần áo, biết buộc dây giày dùng thìa, đũa một cách khá thông thạo và không thích để người khác đút cho ăn, bé thích tự mình làm lấy mọi việc, ngay cả việc bé chưa thể làm được. Thời kỳ này, với những gì ở thế giới chung quanh làm bé rất chú ý, vì thế bé luôn hỏi "tại sao". Bé bắt đầu suy nghĩ và bạn có thể giảng cho bé điều gì nên làm và điều gì không nên làm, dạy bé biết phân biệt phải hay trái, đúng hay sai ở mức độ dễ hiểu. Tuy nhiên, bé không phải lúc nào cũng nghe theo lời bạn, mà đôi khi bé thích làm theo ý riêng của mình. Phải chờ đợi bé lớn lên mới có thể hiểu hết lời giải thích của bạn. Đôi lúc bé tỏ ra ngang bướng không nghe lời vì tỏ ý phản đối lại người lớn, thích làm theo ý mình thì không nên đánh mắng mà phải nhẹ nhàng khuyên bảo. Trẻ đến tuổi này có thể bỏ những thói xấu như hay lắp bắp hay ngậm vú giả. Khi bé có tật nói ngịu hay lắp bắp thì bạn nên chú ý uốn nắn cho bé, nhưng đừng nên nhạo lại bé và không nên bắt bé phải phát âm nhiều lần, dạy bé từ từ rồi bé sẽ phát âm đúng. Sự hình thành nhân cách của con trẻ bắt đầu từ những điều đơn giản này.

 

* Trẻ 3 tuổi:

Ngay từ khi 2 tuổi, trí nhớ hình thành sự vật của bé đã khá tốt, nhưng hành động tự phục vụ mình còn hạn chế. Nhưng đến 3 tuổi, trí nhớ hành động ở bé rất tốt, bé có thể hành động tự phục vụ được rồi. Ngay cả những việc bé chưa thể làm được cũng muốn được thử sức. Cha mẹ hãy để cho bé được thử sức mình, đừng lo sợ vì bé chưa làm được, cho bé thử nhiều lần biết đâu rồi bé sẽ tự làm được, tất nhiên những việc đó không gây nguy hiểm cho bé. Chẳng hạn, bé muốn tự mặc quần áo, đi giầy, nhưng mẹ cứ giằng lấy để làm cho nhanh. Đừng làm như vậy với bé, ngay cả những lúc này, cha mẹ cũng nên dành cho bé một chút thời gian cho bé được thử nghiệm. Nếu bé muốn mà chưa làm được thì hãy hướng dẫn bé làm, bé làm được rồi sẽ rất thích đấy. Mỗi khi bé tự làm được một việc gì đó bé sẽ thể hiện niềm vui thích rất rõ. Đây chính là những bài học đầu tiên tuy đơn giản nhưng rất quan trọng cho bé sau này đấy, các bậc cha mẹ đừng coi thường những điều đơn giản đó.

Ở tuổi này, về ngôn ngữ, bé tập hiểu và phát âm theo người lớn, tập nói và diễn đạt những ý muốn, suy nghĩ của bé. So với lúc 2 tuổi, lên 3 bé nói sõi và rõ ràng hơn, khả năng diễn đạt bằng câu hoàn chỉnh đã bắt đầu tiến bộ. Đúng là "thỏ thẻ như trẻ lên 3", thấy gì lạ chúng cũng hỏi, hỏi những điều mà ngay cả người lớn cũng rất lúng túng khi phải trả lời. Nhưng hãy nhớ, đừng bao giờ trả lời "không biết" với bé, như vậy người lớn sẽ làm mất niềm tin vào con trẻ và cũng đã vô tình ngăn cản sự tìm hiểu thế giới xung quanh của con trẻ. Điều đó không có lợi cho sự hình thành nhân cách ở bé. Một điều nữa là người lớn đừng bao giờ nói dối bé, tưởng chừng như vô hại. Nhưng sau này lớn lên, khi đã hiểu về những điều chúng đã hỏi khi còn bé mà cha mẹ đã trả lời chúng không đúng sự thật chúng sẽ không tin tưởng cha mẹ nữa.

Đến tuổi này bé rất thích nghe kể chuyện và cũng có khả năng nhớ để kể lại câu chuyện đơn giản. Cha hoặc mẹ hãy dành thời gian kể chuyện cho bé nghe, mà thích hợp nhất là trước khi đi ngủ. Mỗi câu chuyện là một thế giới mới đối với bé nên bé rất thích thú lắng nghe.

Bé rất nhạy bén và dễ thương ở tuổi lên 3, ai cũng thấy ở tuổi này bé thật đáng yêu. Nhưng cha mẹ nên biết rằng, các loại trí nhớ ở tuổi này đều không chủ định, cho nên cha mẹ cần có sự định hướng tốt cho bé. Tuổi lên 3, ngoài gia đình, bé đã đến nhà trẻ và đó là môi trường xã hội đầu tiên giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp. Ở nhà trẻ, bé sẽ được làm quen với các bạn cùng trang lứa cũng như được người mẹ thứ hai chăm sóc, dạy dỗ, đó là cô giáo bằng một cử chỉ nào đó cũng như vậy. Do đó, các bậc cha mẹ phải hết sức cẩn thận để không có lúc vô tình mình bộc lộ ra những lời nói, hành vi không mấy đẹp mắt. Ở lớp học mẫu giáo, trẻ cũng đã biết đánh giá về cô giáo của mình, chúng sẽ bảo với bố mẹ rằng cô giáo con rất hiền hoặc rất ghê và chúng quí cô hay sợ cô. Ở lớp chúng sẽ không tỏ thái độ, nhưng khi về nhà chúng sẽ nói hết những suy nghĩ của mình với bố mẹ. Ngay cả bạn chơi ở lớp cũng vậy, chúng sẽ chơi với những bạn mà chúng thấy hợp, không tranh giành đồ chơi của nhau và có những bạn chúng không thích chơi cùng tí nào. Nếu có con ở tuổi này, bạn cứ thử hỏi mà xem, chúng sẽ kể hết mọi chuyện ở lớp, về cô, về các bạn và có những đánh giá khá chính xác đấy, đừng coi thường những đánh giá ấy. Tâm hồn trẻ thơ rất nhạy cảm, khi chúng đã biết tìm hiểu thế giới xung quanh thì chúng cũng sẽ biết đánh giá về nó tuy chưa thật logic. Cái logic ở bọn trẻ không giống với người lớn và người lớn đừng coi thường điều đó.

Ở tuổi này, khả năng nhớ của trẻ khá tốt. Trẻ có thể sắm vai cha mẹ kể cho nghe, hoặc có thể kể lại một cách diễn cảm câu chuyện đã được nghe. Qua những câu chuyện, cha mẹ và cô giáo hãy phân tích và giúp các em biết phân biệt giữa cái xấu và cái tốt, cái ác và cái thiện, giữa trái và phải. Đây chính là cơ sở tốt đẹp cho việc hình thành nhân cách ở trẻ.

Cần phải hiểu rằng, đây là thời điểm quan trọng của đời sống tâm lý trẻ cho sự hình thành nhân cách. Cho nên ở cả hai môi trường gia đình và nhà trẻ, cha mẹ và cô giáo đều phải có cách đối xử đúng mực đối với bé. Nếu trẻ bị ngược đãi, bị đánh mắng hoặc sống trong một gia đình lục đục, thiếu tình cảm, hạnh phúc sẽ làm cho ký ức trẻ bị đau khổ và có thể hình thành một nhân cách không tốt.

 

* Trẻ 4 tuổi:

So với 3 tuổi, bé phát triển về thể chất chậm lại nhưng về tinh thần lại có nhiều thay đổi. Khả năng ngôn ngữ ở bé phảt triển hơn nên sự diễn đạt rõ ràng hơn. Sử dụng từ vựng thành câu hoàn chỉnh đã khá tốt và bé có thể trò chuyện với người lớn mà không cần ai phải "mào đầu". Lên 4 tuổi, sự nhận thức của trẻ bắt đầu có tư duy hợp lí, song chỉ ở mức độ đơn giản, trẻ có khả năng lý giải một vấn đề nào đó theo cách nghĩ của mình. Cha mẹ và cô giáo cần phải chú ý uốn nắn và phát huy tích cực khả năng tư duy của bé. Sự giảng giải của người lớn phải mang tính thuyết phục chứ không nên áp đặt, vì như vậy sẽ tạo ra sự phát triển không tự nhiên về nhân cách. Mọi cách giáo dục bằng áp đặt đều không có hiệu quả tích cực.

Trẻ 4 tuổi đã có thể tự làm vệ sinh cá nhân rất tốt như tự mặc quần áo, đi giầy, đánh răng, rửa mặt… Khả năng bắt chước, làm theo người lớn rất tốt. Nếu người lớn có những hành vi không đẹp mắt, chúng sẽ bắt chước và còn tỏ thái độ chê bai, không đồng tình.

 

* Trẻ 5 tuổi:

Đây là độ tuổi bé lớn nhanh nhất và mở đầu cho giai đoạn phát triển đến trưởng thành. Đây là năm cuối bé học mẫu giáo và chuẩn bị cho bé vào lớp 1. Có thể nói, đây là thời điểm rất quan trọng mà cha mẹ phải hết sức chú ý để chuẩn bị cho bé một tâm lý vững vàng trước khi bước vào tiểu học.

Ở tuổi này, khả năng giao tiếp của bé đã phát triển đến một mức cao hơn so với mấy năm trước. Bé có thể tự lựa chọn những bạn chơi mà không cần sự can thiệp của bố mẹ và cô giáo. Mọi sinh hoạt cá nhân như mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt, ăn sáng bé đã có thể tự làm một cách thành thạo. Thậm chí, bé có thể ở nhà hoặc đi ra ngoài một mình. Nhưng không vì thế mà cha mẹ chủ quan để bé ở nhà một mình hoặc đi ra ngoài một mình, như vậy sẽ rất nguy hiểm. Ở tuổi lên 5, bé không còn sợ đi nhà trẻ nữa, nhiều bé lại thích đi học hơn ở nhà vì có nhiều bạn, có nhiều đồ chơi và được cô giáo dạy cho học. Bé thấy mình đã lớn, muốn trở thành một cô cậu học sinh, ăn mặc chững chạc. Nhìn các anh chị mặc đồng phục đeo ba lô đến trường, bé thích lắm. Những người thân hãy khuyến khích bé và bé sẽ cảm thấy vui tươi khi đi học cũng như thích thú mỗi khi được đón về.

Hãy dạy cho bé biết sống có kỷ luật và tập những thói quen như đi ngủ và thức dậy đúng giờ, làm những việc như rửa mặt, đánh răng trước khi ăn sáng, thay quần áo trước khi đi học, đi ngủ…

Bé thấy ai trong gia đình cũng đều làm việc và bé cũng muốn làm việc giúp bố mẹ. Cha mẹ hãy giao cho bé những công việc phù hợp với tuổi của bé, như tập cho bé biết quét nhà, rửa ấm chén, lau bàn ghế, treo mắc quần áo gọn gàng, quần áo bẩn thì phải biết bỏ vào chậu. Các bé gái thì thích được mẹ sai làm những việc lặt vặt, còn các bé trai thì lanh chanh muốn xếp dọn đồ vật cho bố.

Đến tuổi này, cha mẹ cũng cần tập cho bé hiểu dần giá trị của tiền bạc bằng cách thỉnh thoảng thưởng cho bé một số tiền nhỏ để mua đồ bé thích. Nhưng tốt hơn, bạn nên hướng dẫn cho bé cách tiêu số tiền đó như thế nào cho có ích. Có ba điều có ích khi cho bé biết giá trị của đồng tiền: thứ nhất tập cho bé dùng tiền đúng; thứ nhì tập cho bé biết tiết kiệm để dành tiền khi cần mua thứ gì cho việc học tập; thứ ba tập cho bé biết góp tiền vì lợi ích chung cho nhiều người khác như ủng hộ người nghèo, đồng bào bão lụt, quỹ người tàn tật…

Trong độ tuổi này, con bạn sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi bất kỳ sự vật nào mà bé tiếp xúc, nhìn thấy. Những câu hỏi ấy nhiều khi đơn giản, nhiều khi cũng làm bạn phải bối rối nhưng không nên tỏ ra bực bội. Bạn nên cố gắng trả lời bé một cách trung thực và khéo léo. Đừng lảng tránh nhưng cũng chưa nên giải thích quá chi tiết bé sẽ thấy khó hiểu. Bé bắt đầu đến tuổi tìm hiểu những điều liên quan đến cuộc sống chung trong gia đình và ngoài xã hội theo mức tư duy đơn giản thơ ngây của bé. Với tình thương yêu của cha mẹ bé sẽ trưởng thành.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Vũ Thị Hương Mai0

- Các bài viết về kiến thức trong cuộc sống trên trang Đặng Xuân Xuyến0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

*.

VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319

quận Long Biên, thành phố Hà Nội.    

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

 

 

 

 

 

..............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 28.02.2022.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét