MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

TRẦN MẠNH HẢO BỘC BẠCH VỀ BÀI THƠ: ‘CHO MỘT NHÀ VĂN NẰM XUỐNG’ - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

 

TRẦN MẠNH HẢO BỘC BẠCH VỀ BÀI THƠ:

‘CHO MỘT NHÀ VĂN NẰM XUỐNG’

*

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

Ơn Trời, nhờ Chúa, số tôi có quý nhân phù trợ mới thoát khỏi án tù mọt gông sau vụ án bài thơ “Khóc Nguyên Hồng”.

Các bạn nhớ đó là năm 1982, còn 4 năm nữa mới đến “mùa xuân văn học được ông Nguyễn Văn Linh cởi trói”. Cái nhìn của giới lãnh đạo cộng sản Hà Nội còn quá khe khắt, khắc nghiệt với thi ca văn học nghệ thuật. Nhà văn, nhà thơ, hơi một tí là bị khép vào tội chống đảng, tù là cái chắc. Lúc nào khi cầm bút, tôi cũng run, cũng nghĩ đến lao tù.

Ấy vậy mà sao tôi lại dại dột vuốt râu hùm viết bài thơ “Khóc Nguyên Hồng”? Do xúc cảm mạnh quá vì hai lẽ:

- Cuối tháng tư, đầu tháng 5-1982, có hai cái tàu vượt biên bị đắm ngoài biển, hàng trăm xác chết trôi dạt vào bãi tắm Vũng Tàu. Người ta đã vớt các xác chết ấy đặt trên đoạn đường từ Bãi Sau đến bãi Nghinh Phong. Đến nỗi, các nhà văn nữ dự trại viết văn Vũng Tàu mùa hè 1982 gồm: Lý Lan, Dạ Ngân, Đinh Thị Thu Vân, Trà Giang, Trần Thùy Mai sợ quá phải xin ban lãnh đạo hội quản lý trại viết: (Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Thành Long và anh Xuân Giang) thuê khách sạn trong thành phố Vũng Tàu ở tạm, khi nào các xác chết kia được dọn đi mới về lại biệt thự Bãi Dứa. Tôi và nhà văn Lưu Ngũ (trung úy quân đội Việt Nam cộng hòa) cùng dự trại viết văn để hoàn tất tiểu thuyết “Vũng Lầy”; hai người tôi và Lưu Ngũ cùng công giáo Bùi Chu Phát Diệm đi coi tận mắt các đồng bào bị chết trôi vì vượt biên, vừa coi vừa làm dấu thánh giá đọc kinh: “cầu cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi”. Tôi bảo Lưu Ngũ: “những nạn nhân của biển này cũng như mày với tao, họ cũng được Chúa và Trời Phật tạo ra bằng những chất liệu như nhau, sao họ lại bị chết thảm dường này? Hai thằng nhà văn trung niên cùng đứng khóc như hai đứa trẻ thơ vừa mất mẹ! Sau này, bài thơ của tôi còn bị quy tội khóc than, thương cảm cho bọn phản động vượt biên chết chìm ngoài biển (nếu họ vượt biên sang Mỹ thành công, sau này gửi tiền về thì thành Việt kiều yêu nước).

- Cũng chính những ngày thương đau của Vũng Tàu với ngót trăm xác của đồng bào chết trôi nằm phơi trên đường bờ kè bãi tắm ấy, sáng 3-5-1982, tôi đọc báo Nhân Dân (ngày ấy tôi chỉ đọc mục cáo phó trên báo “Nhân Dân” mà thôi) thấy tin: “Nhà văn Nguyên Hồng mất ngày 2-5-1982 tại Nhã Nam Hà Bắc”. Cáo phó cho một nhà văn lớn của đất nước mà chỉ có mấy dòng vậy sao?

Mấy anh em nhà văn nam quyết bám trụ không bỏ vào khách sạn thành phố ở như mấy chị nữ, đã sôi lên vì tin nhà văn Nguyên Hồng mất. Chúng tôi gồm: Trần Mạnh Hảo, Nhật Tuấn, Nguyễn Nhật Ánh, Đào Hiếu, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Quang Thân, Chu Văn Mười, Lưu Ngũ… lặng im tưởng nhớ một nhà văn lớn, một người có nhân cách lớn đã dám bỏ biên chế Hội Nhà văn Việt Nam, bỏ lương lậu, bỏ chức vụ là trưởng ban đào tạo nhà văn trẻ, bỏ Hà Nội, dắt vợ con về Nhã Nam, khu rừng Yên Thế của Hoàng Hoa Thám xưa để làm một lão nông dân cuốc đất làm ruộng, làm nương rẫy với một câu nói nổi tiếng: ‘Tao không thèm chơi với chúng mày nữa!”. Cũng như nhà thơ Hữu Loan đã bỏ tất cả về Nga Sơn Thanh Hóa, làm nghề đục đẽo đá nuôi thân và nuôi con. Tối 3-5-1982 đám nhà văn dự trại đã làm lễ tưởng niệm nhà văn Nguyên Hồng vừa chết bên cạnh những xác người chết vì vượt biên còn nằm trên đường bờ kè ngay dưới cửa sổ nhà sáng tác, như các nhân vật của ông cùng chết với ông.

Xúc động vô cùng, tôi đã viết bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” khoảng 30 phút ngay trước khi làm lễ tưởng niệm Nguyên Hồng trên bãi biển Vũng Tàu bên các xác chết của đồng bào ta vượt biên bị chết chìm còn nằm phơi xác. Trong đêm tưởng niệm bi tráng ấy, Nguyễn Quang Thân đã đọc điếu văn và tôi đã đọc bài thơ “Khóc Nguyên Hồng”. Các bạn văn của tôi ai cũng ứa nước mắt vĩnh biệt một nhà văn lớn, một nhân cách ngạo nghễ vô song dám phản ứng chế độ cộng sản bằng hành động đưa cả nhà về rừng ở ẩn. Chả biết khi bỏ Hà Nội vì ghét bọn chúng về rừng, Nguyên Hồng có mang chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô do ông Phạm Văn Đồng tặng nhà văn không ?

Sau đó, tan trại viết Vũng Tàu, trong đêm dự đám cưới của anh N.M.H với chị K.T. tại Sài Gòn có ông Võ Văn Kiệt là bí thư thành ủy tham dự (anh chị H.T.đã làm tiệc cưới chính tại Hà Nội có mời bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch dự), tôi đã đọc bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” cho mọi người dự đám cưới và ông Võ Văn Kiệt ngồi cùng bàn. Chẳng thấy ai nói bài thơ này phản động chống đảng cả. Nếu nghĩ nó phản động hay chống đảng tôi đã không dám đọc cho ông Võ Văn Kiệt nghe!

Một hôm, anh Xuân Sách nhắn tôi: “Mày muốn sống thì trốn đi, trong cuộc họp lãnh đạo hội văn nghệ các tỉnh tại Hà Nội, ông Hà Xuân Trường trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương có đọc bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” của mày và lên án nó là bài thơ chống đảng phản động. Hà Xuân Trường nói thêm sẽ gông cổ thằng nhà thơ chống đảng này lại”.

Vào Sài Gòn, họp với các văn nghệ sĩ có gốc gác Việt Nam cộng hòa cũ, ông Hà Xuân Trường cũng đọc bài thơ này và tuyên bố sắp bắt tên nhà thơ phản động Trần Mạnh Hảo.

Sau này, nhà văn nhà thơ Hoài Vũ có nói với tôi rằng ông Hà Xuân Trường đã tiết lộ với anh có một nhà văn dự trại viết Vũng Tàu đã gửi bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” cho ông ấy. Nhà văn ấy tên là… (tôi xin giấu tên bảo toàn danh dự cho anh ta).

Công văn của ban tư tưởng văn hóa trung ương do ông Nguyễn Thanh chánh văn phòng ban ký gửi đảng bộ đảng cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh lên án bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” chống đảng, cần khai trừ đảng Trần Mạnh Hảo và chuyên chính với hắn.

Ngày khai trừ đảng tên phản động Trần Mạnh Hảo của chi bộ hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã đến. Chiều hôm trước anh Thép Mới (nhà báo phó tổng biên tập báo Nhân Dân, tác giả bài tùy bút “Cây tre Việt Nam” nổi tiếng) đến thăm tôi tại 190 Công Lý. Anh Thép Mới, ông anh đồng hương của tôi, nói: “Tao đã nói chuyện với thằng Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) về bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” của mày, Sáu Dân là bạn thân tao, cùng nằm hầm chung với nhau khi đi công tác xuống đồng bằng năm 1973, bảo ông ấy đã nghe mày đọc bài thơ này trong đám cưới N.M.H., rằng bài thơ chỉ buồn đau về cái chết Nguyên Hồng và cái chết của người vượt biên, làm gì đến mức phản động, chống đảng. Tao cũng nói có chết gì mà đòi bắt nó, có mà xấu mặt đảng thì có. Sáu Dân nói đã can thiệp cái lệnh bắt Trần Mạnh Hảo của bộ công an do Mai Chí Thọ ký. Sáu Dân bảo thư ký gọi cho bộ công an rằng: Trần Mạnh Hảo là đảng viên thuộc đảng bộ do tôi quản lý, muốn bắt bớ phải xin ý kiến chúng tôi.”. Anh Thép Mới còn dặn, sáng mai mày cố đừng để cho bọn Bảo Định Giang với Viễn Phương khai trừ đảng mày, tao dặn mày có bấy nhiêu”.

Sáng họp chi bộ. Họ cho người đọc bài “Khóc Nguyên Hồng” và hỏi bài thơ này có phải của anh không (không gọi đồng chí nữa, vì thằng chống đảng thì chúng tao không đồng chí đồng rận với mày). Tôi trả lời: (sau đây là đối thoại giữa Trần Mạnh Hảo và mấy người trong chi bộ do nhiếp ảnh gia Lâm Tấn Tài làm bí thư) :

- Bài thơ phản động này có phải của anh không ?

- Không, bài thơ không phải của tôi !

- Á, á, có gan phản động chống đảng sao còn chối ?

- Không, bài thơ của tôi khác bài này, vì nó thiếu 4 câu, mất mười chữ, thêm vào hai câu chửi đảng, nên không phải của tôi!

- Thiếu mấy câu, mất mười chữ, thêm vào mấy câu thì nhằm nhò gì, vẫn là bài thơ của anh mà !

- Không, các đồng chí bình tĩnh nghe tôi giải thích, bài thơ các đồng chí vừa cho đọc mất 4 câu toàn là những câu quan trọng. Những câu ấy như lỗ mũi của bài thơ, như con mắt của bài thơ. Bài thơ cũng giống một con người, nó có mũi, có mắt, có mồm, có tai…Ai đó chép bài thơ này từ nguồn nào không biết, đã cắt những câu ví như là mũi là mắt bài thơ. Bịt mũi nó, chọc thủng mắt nó, bài thơ chỉ còn là cái xác chết. Nên cái gọi là “Khóc Nguyên Hồng” chỉ là bài thơ giả, gán ghép cho tôi …

Đôi co một hồi, chi bộ không có căn cứ khai trừ đảng tôi. Tôi nói, nếu các đồng chí có băng ghi âm giọng đọc của tôi thì xin mở ra nghe, khắc biết. Họ bèn cho giải lao để Bảo Định Giang và Viễn Phương bàn kế sách khác, quyết khai trừ đảng tôi để sau đó công an đọc lệnh bắt tôi.

Mở đầu giờ họp tiếp, ông N.H.T. đứng lên phát biểu như sắp khóc :

- Kính thưa các đồng chí, trong giờ phút đau thương có kẻ làm thơ chống đảng này tôi phải nói lên điều dễ sợ sau: trong trại viết Vũng Tàu, Trần Mạnh Hảo trong một bữa ăn, đã gắp miếng thịt bò lên và nói trước anh chị em thưa các bạn đây không phải miếng thịt bò mà là cái…L, y như mặt đồng chí Lê Duẩn…”…Xin chi bộ cho biểu quyết khai trừ đảng tên Trần Mạnh Hảo ngay ạ!

- Thưa các đồng chí, trước khi biểu quyết khai trừ đảng tôi, xin cho tôi nói điều cuối cùng. Xin hai vị thư ký ghi đúng lời tôi làm bằng chứng sau này, không thì sẽ mang tiếng rằng các nhà văn già Nam Kỳ vốn cởi mở, nhân hậu xử oan một nhà văn trẻ Bắc kỳ duy nhất trong chi bộ là tôi. Xin các đồng chí xem bây giờ là giờ …ngày… các đồng chí nghe thấy lời chửi đồng chí Lê Duẩn không phải từ miệng tôi mà từ miệng đồng chí N.H.T.

- Úi, úi, chính anh nói, chính Trần Mạnh Hảo nói…

- Không, chúng ta vừa nghe lời chửi đồng chí Lê Duẩn không phải từ miệng tôi mà từ miệng ông N.H.T.

- Tôi là N.H.T. xin thề là tôi đã nghe các bạn của Trần Mạnh Hảo nói như vậy!

- Không, thưa ông N.H.T., chính ông vì căm thù đồng chí Lê Duẩn quá mà nhân dậu đổ bìm leo, ông đổ cho tôi nói câu phạm thượng ấy. Tôi đã từng nghe ông N.H.T. chủi ĐM thằng Lê Duẩn hai lần…

- Láo, tôi không chửi đồng chí Lê Duẩn.

- Xin hai vị thư ký phải ghi đúng lời ông N.H.T. và lời của tôi, tôi mới họp tiếp: bây giờ là giờ, ngày… chúng ta và tôi vừa nghe lời chửi ông Lê Duẩn không phải từ miệng tôi mà chính từ miệng ông N.H.T.

- Không, tôi không chửi, không chửi!

- Còn ai vào đó nữa, xin các vị thư ký ghi tiếp: tôi - Trần Mạnh Hảo đã từng nghe ông Bảo Định Giang và ông Viễn Phương chửi ông Lê Duẩn kính mến…rất thâm độc.

- Bảo Định Giang và Viễn Phương cùng hét lên, láo, vu khống!

- Vậy sao các đồng chí lại cho ông N.H.T. vu khống tôi, đổ cho tôi nói câu phạm thượng khi quân mà tôi không bao giờ nói…

Cuộc họp chi bộ kết thúc với phần thắng thuộc về tôi, tôi nói lời cuối cùng:

- Các ông vì ghét đồng chí Lê Duẩn quá, nên mới bày trò khai trừ đảng tôi, đổ cho tôi câu nói của ông N.H.T. chửi rủa đồng chí Lê Duẩn kính yêu. Tôi đập bàn: tôi sẽ kiện các ông ra tòa vì tội chửi lãnh tụ…

Viễn Phương - chủ tịch hội và Bảo Định Giang - bí thư đảng đoàn đành xuống nước, gọi xe hơi cơ quan cho tôi về nhà. Mấy ngày sau, hai ông này cùng công an văn hóa quyết truy tìm văn bản có chữ viết của tôi là bài thơ: “Khóc Nguyên Hồng”, bằng cách gọi Trương Hùng Thái (Facebook Nguyễn Trì) và nhà thơ Phạm Mạnh Hiên, tra khảo hai anh hơn tuần lễ để tìm bài thơ có chữ viết của tôi. Họ mãi mãi không tìm thấy văn bản gốc của “Khóc Nguyên Hồng”

Nhờ hai ông bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt và ông Võ Trần Chí, nhờ anh Thép Mới, nhờ hai bác Lưu Trọng Lư - Tôn Nữ Thị Mừng gặp trực tiếp ông Trường Chinh (là bạn làm báo chung với bác Lư thời mặt trận bình dân 1936-1939) để can thiệp cho tôi thoát án tù tội (và nhờ những lá thư anh Chế Lan Viên gửi ông Lê Đức Thọ, ông Tố Hữu can thiệp để họ đừng bắt một nhân tài, khỏi mang tiếng xấu cho đảng) mà tôi mới có ngày hôm nay.,.

Sài Gòn 1h42 phút đêm 21-4-2018.

TRẦN MẠNH HẢO

 

CHO MỘT NHÀ VĂN NẰM XUỐNG

(KHÓC NGUYÊN HỒNG)

Kính tặng hương hồn anh Nguyên Hồng

Và hương hồn của lũ chúng ta

Ghi chú: (Nguyên Hồng (1918 -1982), một nhà văn lớn Việt Nam quê Nam Định trước 1945 với tiểu thuyết "Bỉ Vỏ" và "Những ngày thơ ấu". Ông tham gia "Văn hóa cứu quốc" từ rất sớm. Trước ngày mất khoảng 10 năm, ông buồn đau vì chế độ nên đã bỏ biên chế hội nhà văn Việt Nam về ở ẩn tại Nhã Nam, căn cứ của anh hùng Hoàng Hoa Thám để sống cuộc đời nghèo khổ và mất tại rừng núi hẻo lánh Yên Thế ngày 2-5-1982). Nói chuyện với văn nghệ sĩ Sài Gòn cuối năm 1982, Hà Xuân Trường, ủy viên trung ương đảng cộng sản Việt Nam, trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương đã nói: "Bằng bài thơ "Khóc Nguyên Hồng" tên Trần Mạnh Hảo đã quay ngược súng bắn vào đảng, phải gông cổ nó lại..."

 

Một mẩu giấy bằng bàn tay đứa bé

Báo Nhân Dân đăng một tin buồn:

- Nhà văn Nguyên Hồng vừa mất

Không có quê hương

Không một dòng sự nghiệp

Thôi thế là may!

Vẫn còn một chỗ chôn trên báo đảng

 

Những ngày này anh Nguyên Hồng ơi

Anh có thấy xung quanh chúng tôi

Bãi biển Vũng Tàu đầy những xác chết trôi

Những người Việt Nam vượt biên chết chìm trên biển

Những em bé

Những người đàn ông

Những người đàn bà

Chết rồi còn giơ tay cầu cứu

Chết rồi còn quờ tay tìm lối thoát

Đâu nhà văn đâu người cầm bút

Sao nỡ để nhân vật của mình

Chết trôi chết dạt

Biển ơi nỡ vô tình

Như là nghìn trang sách

Những tay sóng kia sao không vuốt mắt

Cho những nhân vật của chúng ta ?

 

Biển không nhận

Bờ không nhận

Những trang sách không nhận

Không ai nhận những con người

Ở giữa thời đại mình đang sống?

 

Anh Nguyên Hồng xin anh hãy ngủ yên

Biển ngoài kia đang gào lên những dòng cáo phó

Dữ dội và ghê gớm hơn cái mẩu tin buồn trên báo:

Những nhà văn đang chết đi

Những con người đang chìm xuống

Biển gào lên

Những nhân vật của chúng ta gào lên

Những Tám Bính, Năm Sài Gòn gào lên! [1]

 

Giá biển kia hoá thành rượu đế

Để anh uống suốt một đời

Một xị đế bằng cầm tay mà sáu mươi tư năm anh khao khát

Để chết rồi còn vã mồ hôi

Anh nghèo lắm anh chỉ giàu nước mắt

Anh khóc lên cả lúc đang cười

Anh khóc lên khi có người hát

Sự thống khổ của con người

Đi qua dòng nước mắt

Xuống mồ còn chưa thôi…

 

Những nhân vật của anh

Người làm đĩ vẫn còn làm đĩ

Người ăn cướp vẫn còn ăn cướp

Người lừa đảo vẫn tiếp tục lừa đảo

Người căm thù vẫn cứ căm thù

Người yêu nhau thì vẫn yêu nhau

Không có anh dìu dắt

Những nhân vật của anh rồi biết về đâu?

Nhà văn mất đi

Để nhân vật mình dang dở

Bao số phận mồ côi

Bởi anh không còn nữa!

 

Thương anh sống đời vô sản

Chết xuống vẫn làm ma vô sản

Không chức tước uy quyền

Chỉ ly rượu và ngòi bút

Sống trung thực trên đời

Chính là điều khó nhất!

Anh đã sống gần sự thật

Sống gần nước mắt mồ hôi

Suốt cuộc đời thiếu rượu

Lấy gì cho anh say?

 

Thế hệ chúng tôi

Ngày mai sẽ theo anh nằm xuống

Nếu báo có đăng tin buồn

Xin biển đừng đăng cáo phó!

(Trại sáng tác văn học Hội Nhà văn Việt Nam tại Vũng Tàu mùa hè 3-5-1982 - sau ngày mất của nhà văn Nguyên Hồng: 2-5-1982)

Trần Mạnh Hảo

Bài thơ " KHÓC NGUYÊN HỒNG" (Cho một nhà văn nằm xuống) khiến tác giả xuýt ở tù, phải theo lệnh cấp trên làm bài thơ ngược lại như sau :

 

MỪNG BÁC NGUYÊN HỒNG SỐNG DẬY

LỜI TÁC GIẢ: Như đã nói ở bài trên, bài thơ "Cho một nhà văn nằm xuống" đã gây nhiều hệ lụy cho tác giả; đến nỗi sau khi gọi lên gặp để phê bình, ông Võ Trần Chí - bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho tác giả làm bài thơ ngược lại. Sau khi tác giả đọc bài thơ ngược lại bài "Khóc Nguyên Hồng", này phải "Mừng bác Nguyên Hồng sống dậy", ông Hai Chí lặng đi một lúc bảo: "Tao thấy bài này còn kỳ hơn bài trước, cậu còn chì chiết, xỏ xiên hơn!". Tôi thưa: "Nếu bài này anh Hai không ưa, em sẽ làm bài khác!". Ông Hai hỏi: "Cậu làm bài gì?". Tôi thưa: "Em sẽ làm bài mừng bác Nguyên Hồng không sống cũng không chết"! Ông Hai kết luận: "Thôi hổng mần thơ nữa nghe! Cậu phải đi học chính trị lại" ... Lưu ý là trại viết của Hội nhà văn Việt Nam mùa hè 1982 có chúng tôi và các bạn: Nhật Tuấn, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Mạnh Tuấn, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Nhật Ánh, Đào Hiếu, Lý Lan, Dạ Ngân, Hoàng Minh Tường..."

 

- Ồ bác này đã chết

Sao còn tìm tới đây?

Bác đi rồi đâu biết

Khóc bác thành vạ lây!

 

- Vì thế ta sống dậy

Mò tới thăm chú mày

Thương chú mày vụng dại

Đ ốt thơ làm ma chay!

 

- Trời ơi đúng bác thật

Ba trăm sáu lăm ngày

Có chén rượu mừng bác

Sống chết cùng đưa cay!

 

- Ta cũng mừng cho chú

Tai vạ rồi sẽ qua

Khi nghe ta cáo phó

Sao chú không cười khà?

 

- Giá biết điều ấy sớm

Em nào dám làm thơ

Cuối cùng bác lại sống

Chao ôi em đến khờ!

 

- Ta làm sao chết nổi

Văn chương còn giở giang

Thương ta mà chú lỗi

Cứ gì một đám tang!

 

- Bao người bác chưa viết

Chết dạt vô Vũng Tàu

Thương thì thương vẫn ghét

Giận chi hoài nỗi đau?

 

- Ô i dà bao nhiêu chuyện

Ta viết mới phần nghìn

Dẫu chú rơi xuống biển

Chớ để chìm niềm tin!

 

- Cám ơn bác chỉ dạy

Uống đi bác Nguyên Hồng

Còn vài xị cuốc lủi

Nhớ bác ngồi em trông!

 

- Hộ khẩu ta chưa có

Chớ vội mừng chú em

Năm ngoái đà cáo phó

Sao giờ còn chui lên?

 

- Cái nghề ta nó lạ

Sống dậy âu lẽ thường

Xin bác đừng chột dạ

Bởi dám làm văn chương!

 

Sài Gòn 1983 Trần Mạnh Hảo.


Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 


Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: 21/22 Xuân Thủy, phường Thảo Điền,  

quận 2, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Email: cokhicon@gmail.com

Điện thoại: 091 841 00 42

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: tahongtruong@yahoo.com.vn, ngày 14.11.2020.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét