NGÔ ĐÌNH DIỆM - TỪ
TRI HUYỆN
TỚI TỔNG THỐNG VIỆT
NAM CỘNG HÒA
*
Giai đoạn lịch sử đầy
biến động tại miền Nam từ năm 1945 đến năm 1975 gắn liền với tên tuổi Ngô Đình
Diệm - Tổng thống đầu tiên của chính quyền Sài Gòn.
Ngô Đình Diệm sinh
ngày 3/1/1901, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình có truyền
thống khoa bảng. Cha ông là Ngô Đình Khả, từng làm quan dưới triều Nguyễn. Sau
khi Vua Thành Thái bị Pháp đày sang châu Phi, ông Khả trả ấn từ quan về quê làm
ruộng. Một thuyết khác cho rằng, vì ông Khả không chịu ký vào đơn yêu cầu Thành
Thái thoái vị, nên bị thực dân Pháp cách chức.
Ngô Đình Diệm bẩm
sinh thông minh, đường học vấn lẫn chốn quan trường đạt nhiều thuận lợi. Năm
1921, khi mới 20 tuổi, ông tốt nghiệp Trường Hậu Bổ tại Hà Nội, được phong chức
Tri huyện Hương Trà, sau đó chuyển sang làm Tri huyện Hương Thủy, Quảng Điền
(Thừa Thiên Huế). Năm năm sau, năm 1926, ông được bổ nhiệm làm Tri phủ Hải Lăng
(Quảng Trị).
Năm 1929, ông nhậm
chức Tuần vũ tỉnh Phan Thiết (Bình Thuận). Bốn năm sau, ông được bổ nhiệm làm
Thượng thư Bộ lại dưới triều Vua Bảo Đại. Đó là năm 1933, khi Ngô Đình Diệm 32
tuổi, ông là Thượng thư trẻ nhất trong triều Nguyễn lúc bấy giờ.
Ngay khi nhậm chức,
ông Diệm đề trình việc thành lập Viện Dân biểu với quyền hành pháp, nhưng chính
phủ bảo hộ không thừa nhận. Tháng 7/1933, Ngô Đình Diệm từ quan để phản ứng lại
sự phủ nhận Viện Dân biểu của Pháp.
Rời quan trường
Sau khi rời khỏi quan
trường, Ngô Đình Diệm lui về ở ẩn, nhưng vẫn ngấm ngầm ủng hộ Hoàng thân Cường
Để đang sống lưu vong tại Nhật với ý định thực hiện một cuộc cách mạng lật đổ
Pháp hoàn toàn.
Suốt từ năm 1933 cho
đến năm 1940, ông Diệm được coi là một nhân vật quá khích, xếp chung với Nguyễn
Hải Thần, Nguyễn Tường Tam.
Có hai nhận định về
ông Ngô Đình Diệm rất đáng lưu ý, nhận định này được đưa ra từ người Mỹ, những
người vốn được xem là dựng lên Ngô Đình Diệm. "Ông ấy (tức Ngô Đình Diệm)
là một con người luôn muốn được tất cả, hoặc không có gì", đây là tính cách
nhất quán của ông Diệm từ khi ông làm quan cho đến lúc ông bị bắn chết, đúng
nghĩa "được ăn cả, ngã về không". Và, "ông Ngô Đình Diệm là một
con rối. Nhưng con rối ấy tự giật dây mình và giật dây luôn cả chúng ta".
Điều này cho thấy, người Mỹ không xem ông Diệm là một kẻ bù nhìn, như bấy lâu
nhiều người nhầm tưởng.
Khuya ngày 9/3/1945,
người Nhật âm thầm thay thế vị trí của người Pháp tại An Nam. Thời điểm này,
ông Diệm đang hoạt động tại Sài Gòn. Người Nhật thế chỗ người Pháp, ông Diệm
rất hy vọng người Nhật sẽ đưa Hoàng thân Cường Để về để nắm giữ chính quyền, nhưng
trái ngược với hy vọng của ông, người Nhật quay ngoắt sang ủng hộ Vua Bảo Đại.
Bảo Đại mời ông Diệm làm Thủ tướng, nhưng ông từ chối. Sau cuộc thương lượng
với người Nhật, ông Trần Trọng Kim ngồi vào vị trí này.
Ngày 17/4/1945, Chính
phủ Trần Trọng Kim ra mắt nhân dân với dàn nội các toàn là những bậc trí sĩ,
thức giả đầy uy tín. Chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu, thừa về
tinh thần dân tộc, khát vọng tự do, chính sách đổi mới nhưng lại thiếu nghiêm
trọng về thực quyền.
Cách mạng Tháng Tám thành
công, Vua Bảo Đại thoái vị, Chính phủ Trần Trọng Kim tan rã theo. Rồi Pháp lại
nhanh chóng tái chiếm Việt Nam, Bảo Đại tiếp tục được biến thành con cờ trong
tay người Pháp.
Năm 1949, Hiệp định
Élysée được ký kết, Bảo Đại thêm lần nữa mời ông Diệm đứng ra làm Thủ tướng
thành lập nội các. Ông Diệm lại từ chối: "Tôi không tin người Pháp, lại
càng không tin vào nền độc lập nửa vời mà người Pháp vẽ ra".
Sau lần từ chối này,
ông Diệm cùng Giám mục Ngô Đình Thục và người em ruột là Ngô Đình Nhu thành lập
đảng Xã hội Thiên Chúa giáo. Ông Diệm muốn xây dựng đảng này thành một đảng độc
lập với tất cả các thế lực khác trong nước. Thời điểm này, ông trông chờ vào sự
giúp sức của Mỹ.
Năm 1950, ông Diệm
cùng ông Thục sang Nhật, tìm cơ hội xin diện kiến Thống tướng Douglas
MacArthur, tuy nhiên Thống tướng Douglas MacArthur tiếp kiến ông Diệm, ông Thục
rất lạnh nhạt và tỏ ý khiên cưỡng, hoàn toàn không có động thái cho thấy sẽ ủng
hộ.
Thất bại trong cuộc
vận động Thống tướng Douglas MacArthur, nghe theo lời khuyên của Wesley Fishel,
giáo sư chính trị Đại học Michigan, ông Diệm sang Hoa Kỳ, dùng đủ mọi cách để
tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền Eisenhower nhưng cũng không thành công vì
hai lẽ. Thứ nhất, Mỹ đang bận tham chiến tại Triều Tiên. Thứ hai, người Mỹ
không muốn làm mất lòng người Pháp.
Điều may mắn nhất của
ông Diệm vào thời điểm tuyệt vọng này, chính là vị Hồng y Spellman nảy sinh hảo
cảm với ông Thục và đồng ý nhận lời làm trung gian giúp ông Diệm có cơ hội diện
kiến với những nhân vật quan trọng trong chính quyền Hoa Kỳ.
Từ sự giúp đỡ của
Hồng Y Spellman, ông Diệm đã tranh thủ được tình cảm của dân biểu Walter H.
Judd, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield. Đặc biệt là Thượng nghị sĩ John F. Kennydy
rất nhiệt tình với ông Diệm.
Suốt trong những năm
dài ở Mỹ, thi thoảng ông Diệm sang các nước châu Âu, như Bỉ, Ý, Pháp... nên ông
có thêm nhiều kinh nghiệm hoạt động chính trị.
Ngày trở về…
Đầu năm 1954, Pháp
kẹt cứng tại trận địa Điện Biên Phủ. Bảo Đại liên tục bắn tín hiệu sang Hoa Kỳ,
yêu cầu ông Diệm trở về nước để thành lập chính phủ mới. Vẫn với lý do,
"Không tin người Pháp", ông Diệm từ chối lời mời của Bảo Đại.
Thất bại ở trận địa
Điện Biên Phủ, ngày 4/6/1954, Hiệp ước Laniel - Bửu Lộc được ký kết, Pháp đồng
ý trao trả hoàn toàn độc lập cho Việt Nam. Ngày 16/6/1954, ông Diệm đồng ý trở
về nước theo lời yêu cầu của Bảo Đại. Thế nhưng, ông Diệm vẫn buộc Bảo Đại phải
đồng ý để chính phủ do ông thành lập được toàn quyền về chính trị và quân sự.
Thêm lần nữa, Bảo Đại nhượng bộ ông Diệm.
Ngày Song thất,
7/7/1954, chính phủ do ông Ngô Đình Diệm thành lập chính thức ra mắt với nội
các gồm 18 người, như: Thủ tướng kiêm Nội vụ và Quốc phòng: Ngô Đình Diệm; Quốc
vụ khanh: Trần Văn Chương, Tổng trưởng Ngoại giao: Trần Văn Đỗ; Tổng trưởng Tài
chính và Kinh tế: Trần Văn Của; Tổng trưởng Lao động và Thanh niên: Nguyễn Tăng
Nguyên; Tổng trưởng Công chánh: Trần Văn Bạch; Tổng trưởng Y tế và Xã hội: Phạm
Hữu Chương; Tổng trưởng Canh nông: Phan Khắc Sửu; Tổng trưởng Quốc gia Giáo
dục: Nguyễn Dương Đôn; Bộ trưởng Phủ Thủ tướng: Trần Chánh Thánh; Bộ trưởng
Thông tin: Lê Quang Luật; Bộ trưởng Đặc trách Công vụ Phủ Thủ tướng: Phạm Duy
Khiêm; Bộ trưởng Nội vụ: Nguyễn Ngọc Thơ; Bộ trưởng Quốc phòng: Lê Ngọc Chấn…
Ngay sau khi thành
lập chính phủ, ông Diệm đã có những động thái kiên quyết đến độc đoán, theo
đúng cá tính của ông. Ông dẹp yên chuyện tướng Nguyễn Văn Hinh công khai đối
đầu và đòi đảo chính. Tướng Bình Xuyên là Bảy Viễn (Lê Văn Viễn) đòi tắm máu
Sài Gòn nếu không được tham gia chính quyền cũng bị ông Diệm từ chối cương quyết.
Quốc trưởng Bảo Đại
thấy không điều khiển được Ngô Đình Diệm cũng tán thành theo người Pháp, gây áp
lực đòi Mỹ thay bằng được ông Diệm. Ý của Bảo Đại là muốn đưa Nguyễn Văn Xuân
lên làm Thủ tướng, hoặc chí ít là Phó thủ tướng, Nguyễn Văn Hinh làm Tổng Tham
mưu trưởng còn tướng Bình Xuyên Bảy Viễn làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Các giáo phái lớn tại
miền Nam thì chơi trò đi hàng hai, nửa ngã chiều này, nửa nghiêng chiều kia.
Thậm chí, Đại sứ J. Lowton Collins cũng muốn thay thế gấp ông Diệm. Hơn một
lần, Collins ngược về Mỹ, thuyết phục những người cầm quyền ở Washington thay
thế ông Diệm.
Đại sứ Mỹ J. Lowton
Collins nhận xét về ông Diệm: "Ông ấy quá quan tâm đến những vấn đề nhỏ
nhặt, không có bất cứ sáng kiến đáng kể nào từ ngày nắm chính quyền. Những
người có khả năng trong chính phủ đều khó chịu về thói quen quyết định trên đầu
người khác của ông Diệm. Ông Diệm hoàn toàn không trông cậy vào họ, mà đặt hết
niềm tin vào hai người em cùng những người chịu phục tùng ông ấy. Ông là người
hoàn toàn không biết nhân nhượng và với thái độ của một người khổ hạnh, ông
không thể đương đầu với những thế lực thực tại, điển hình nhất là Bình
Xuyên…".
Thời điểm này, chính
phủ của ông Diệm cũng như bản thân ông tồn tại được thực chất là nhờ những tác
động hết sức cần thiết của những người bạn là dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ mà
ông đã tranh thủ được họ khi ông sang Mỹ vận động vào năm 1950.
Điển hình nhất của
mối thân hữu này, là khi Đại sứ J. Lowton Collins một hai yêu cầu Washington
phải thay thế Diệm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó là Dulles nhờ đến sự tham vấn
của Thượng nghị sĩ Mike Mansfield. Được hỏi, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield dành
hết lời khen ngợi để nói về các ưu điểm của Ngô Đình Diệm. Kết quả, Ngoại
trưởng Delles chỉ thị Đại sứ J. Lowton Collins phải nhất tâm ủng hộ Ngô Đình
Diệm.
Thật ra, tất cả động
thái của người Mỹ chỉ là nhằm câu giờ, để thông qua sự đối phó với các thế lực
trong nước, họ sẽ có cái nhìn chính xác hơn về khả năng của Ngô Đình Diệm. Sau
vụ dẹp yên tướng Hinh, bình ổn nhất thời các giáo phái và quan trọng hơn nữa là
vụ bình định được cuộc nổi loạn của Bình Xuyên, ông Diệm trở thành một cá nhân
khác trong mắt người Mỹ.
Một cứ liệu quan
trọng khác, để xét về Ngô Đình Diệm, thông qua lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ là
Dulles, ông Dulles nhận định: "Chúng tôi chỉ thị cho tất cả những nhân
viên Sứ quán ở Sài Gòn bằng mọi cách trì hoãn việc thay thế ông Diệm. Bởi, nếu
ông ấy không thoát ra được cuộc hỗn loạn thì ông ấy sẽ bị thay thế. Còn ngược
lại, ông ấy sẽ trở thành nhân vật anh hùng trong buổi tao loạn. Một khi kết quả
đã an bài, chúng tôi sẽ tính đến việc thay thế ông ấy bằng một trong hai nhân
vật mà chúng tôi đã lựa chọn sẵn".
Khi tập trung được
quyền lực trong tay thông qua cuộc đối đầu sống mái, chuyện gì đến sẽ đến, ông
Diệm nhân danh tập thể phế truất chức Quốc trưởng của Bảo Đại, bác bỏ yêu cầu
tổ chức Hội nghị hiệp thương để thảo luận về tổng tuyển cử thống nhất đất nước,
tổ chức cuộc bầu cử sặc mùi gian lận để khẳng định sự tín nhiệm của nhân dân...
Ngày 26/10/1956, Thủ
tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống đầu tiên của chính quyền Việt Nam Cộng
hòa. Người ta gọi đây là nền Đệ nhất Cộng hòa…
-----------
(*) Ảnh - Tổng thống Ngô Đình Diệm (1901
- 1963) và Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà
Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CU TỐ LÀNG
TÔI của Đặng Xuân Xuyến:
Trần Chí Cường giới thiệu
Tác giả: Ngô
Luân - facebook: Nguyễn Thủy Nguyên
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét