THU VỀ VỚI ‘TIẾNG THU’
*
Tôi nhận mail của
người bạn cùng học và sinh sống tại Tokyo từ xưa. Lâu ngày không gặp, bạn hỏi
thăm và bàn về bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Anh bạn cho biết vừa đọc bài
Sự thật về bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư do Trần Đăng Khoa viết trên Báo
Sức khỏe và Đời sống và muốn trò chuyện về vấn đề này. Anh bạn chuyên về nông
học, còn tôi chuyên về kinh tế học, chẳng liên quan gì đến thơ văn. Bọn tôi chỉ
là những người thích đọc thơ văn tiền chiến của Việt Nam và lạm bàn cho vui
thôi.
Đọc bài viết của Trần
Đăng Khoa mới biết có một số người cho rằng, bài thơ nổi tiếng Tiếng thu của
Lưu Trọng Lư rất giống nội dung một bài tanka của Nhật vào cuối thế kỷ thứ 9
(tanka là một thể thơ của Nhật Bản). Theo những người này, bài thơ của Nhật đã
được dịch ra tiếng Pháp nên có lẽ Lưu Trọng Lư đã đọc trước khi sáng tác bài
Tiếng thu. Khởi đầu của nghi vấn này là ý kiến của Nguyễn Vỹ trong cuốn sách
Văn thi sĩ tiền chiến (xuất bản lần đầu năm 1970 tại Sài Gòn). Tôi rất thích
thơ văn tiền chiến và thích đọc cả nhưng mẩu chuyện chung quanh các văn nhân,
thi sĩ thời ấy, nhưng đây là lần đầu tôi nghe chuyện này. Trong tủ sách của tôi
cũng có cuốn Văn thi sĩ tiền chiến và chắc đã đọc phần tác giả viết về Lưu
Trọng Lư nhưng không hiểu sao tôi không nhớ gì về nghi vấn này. Tôi đọc lại
Tiếng thu và tìm nguyên tác bài tanka tiếng Nhật đọc thử.
Bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư (1912-1991):
Em không nghe mùa thu
dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
hình ảnh kẻ chinh phu
trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
lá thu kêu xào xạc,
con nai vàng ngơ ngác
đạp trên lá vàng khô?
Và đây là bài thơ cổ
tanka, viết năm 893, được cho là của Sarumaru Dafu (không rõ năm sinh, năm
mất):
奥山に(Oku yama ni)
紅葉踏み分け(Momiji fumi wake)
鳴く鹿の(Naku shika no)
こえ聞く時ぞ(Koe kiku toki zo)
秋は悲しき(Aki wa kanashiki)
Có thể dịch nghĩa như
sau:
“Nghe tiếng nai kêu
và đạp trên lá phong rẽ lối đi trong rừng sâu, mùa thu buồn làm sao!”
(Bài thơ được dịch ra
nhiều thứ tiếng, ít nhất tôi thấy có hai bản tiếng Pháp và một bản tiếng Anh)
Ở đây có rừng thu, có
con nai đạp trên lá vàng và trong bài Tiếng thu cũng có những hình ảnh này.
Nhưng cảm nhận về con nai của hai thi sĩ thì khác. Lưu Trọng Lư nghe tiếng nai
ngơ ngác đạp trên lá vàng, trong khi Sarumaru Dafu nghe tiếng kêu của con nai trong
mùa gọi tình, vang vọng từ rừng sâu. Nguyễn Vỹ trong cuốn sách nói trên cứ
khăng khăng rằng, Lưu Trọng Lư đã bắt chước bài thơ tanka của Nhật và nói như
thế trước mặt tác giả cùng người bạn chung (Nguyễn Xuân Huy) tại nhà trọ của
Lưu Trọng Lư ở phố Hàm Long. Cũng theo Nguyễn Vỹ, hôm đó Lưu Trọng Lư đã phản
luận rằng, bài thơ của mình có phần đầu (hình ảnh kẻ chinh phu trong lòng người
cô phụ) nên không thể nói là giống hoàn toàn. Tôi nghĩ tác giả Tiếng thu chỉ
trả lời cho qua chuyện vì cách đặt vấn đề của Nguyễn Vỹ trong buổi gặp của 3
người bạn không có vẻ gì nghiêm túc.
Nhân dịp đọc lại
Tiếng thu và tìm hiểu bài tanka của Sarumaru, tôi lại đọc được các bình luận
liên quan của các nhà thơ hoặc phê bình thơ: Nguyễn Nam Trân (Tiếng thu,
4-2004), Nguyễn Quảng Tuân (Về nghi vấn chung quanh bài thơ Tiếng thu của Lưu
Trọng Lư, Tạp chí Hồn Việt, 7-10-2016), Trần Đăng Khoa (Bình thơ: Lưu Trọng Lư
với bài thơ Tiếng thu, không rõ ngày phát hành) và một bài khác của Trần Đăng
Khoa nói ở trên. Các tác giả giống nhau một điểm, đều cho rằng bài Tiếng thu
không giống bài tanka của Nhật và là một trong những đỉnh cao của thi ca Việt
Nam.
Về bối cảnh ra đời
của bài Tiếng thu hình như có nhiều thuyết. Theo Trần Đăng Khoa: “Đây là bài
hay nhất trong đời thơ Lưu Trọng Lư, cũng là bài thơ thơ nhất của thi ca Việt
Nam hiện đại: Tương truyền khi viết bài thơ này, Lưu Trọng Lư đến thăm nhà một
người bạn. Rồi nhân cớ thấy cái bình gốm cổ có vẽ con nai đứng giữa núi non.
Lưu Trọng Lư bèn vịnh ngay bài thơ này. Thực chất, nếu chuyện đó là thật, thì
con nai trên bình gốm chỉ là cái cớ rất nhỏ, là tiếng động rất nhỏ đánh thức
con nai vàng và khu rừng vàng trong tâm hồn Lưu Trọng Lư thức dậy và tỏa hương.
Nhờ thế, thi ca Việt Nam đã có một kiệt tác thật hiếm có, ngỡ như đó là khúc nhạc
huyền bí của thần linh, chứ quyết không phải là tiếng ca phàm tục của người
đời”.
Theo tôi, nếu Lưu
Trọng Lư đọc được bài tanka của Sarumaru (qua bản tiếng Pháp) và mượn hình ảnh
“rừng thu, con nai vàng” để sáng tác thì bài thơ của ông vẫn là một kiệt tác
trong văn chương Việt Nam. Trong âm nhạc hay thơ văn, người sau lấy cảm hứng từ
người xưa để làm nên những tác phẩm mới có giá trị mới là chuyện thường thấy.
Chẳng hạn, đọc hai câu cuối bài thơ nổi tiếng Tràng Giang của Huy Cận:
Lòng quê dợn dợn vời
con nước
Không khói hoàng hôn
cũng nhớ nhà
Ta thấy có thể Huy
Cận đã chịu ảnh hưởng tứ thơ trong hai câu cuối bài Hoàng Hạc lâu của Thôi
Hiệu:
Nhật mộ hương quan hà
xứ thị
Yên ba giang thượng
sử nhân sầu
mà Tản Đà dịch rất hay:
Quê hương khuất bóng
hoàng hôn,
Trên sông khói sóng
cho buồn lòng ai?
Nhưng không ai bảo
Huy Cận đã cóp thơ của Thôi Hiệu.
Một thí dụ khác,
Nguyễn Du đã mượn ý hai câu thơ của Thôi Hộ:
Nhân diện bất tri hà
xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu
đông phong
để viết ra hai câu lục bát thật hay:
Trước sau nào thấy
bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn
cười gió đông.
-----------
TRẦN VĂN THỌ
(Giáo
sư danh dự Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản)
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà
Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CU TỐ LÀNG
TÔI của Đặng Xuân Xuyến:
Vũ Thị Hương Mai giới thiệu
Tác giả: Trần
Văn Thọ - nguồn: báo Đà Nẵng
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét