MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

TRIẾT GIA TRẦN ĐỨC THẢO: THƠM MÃI CỎ KHANG THÀNH - Tác giả: Kiều Mai Sơn (Hà Nội)

 

TRIẾT GIA TRẦN ĐỨC THẢO:

THƠM MÃI CỎ KHANG THÀNH

*

 Phong vận kỳ oan ngã tự cư

(Nguyễn Du)


(Tác giả Kiều Mai Sơn)

Những ngày đầu tiên chính thức trở thành sinh viên trường Ðại học Sư phạm Hà Nội, trong tuần sinh hoạt chính trị đầu năm học 2005 - 2006, tôi được nghe Giáo sư, Tiến sĩ Ðinh Quang Báo nói chuyện về truyền thống vẻ vang của nhà trường. Từ câu chuyện của thầy hiệu trưởng, tên tuổi những nhà giáo, nhà khoa học kiệt xuất của Việt Nam với tài năng và đức độ đã xây nền đắp móng lập nên trường Ðại học Sư phạm Hà Nội - “máy cái” của nền giáo dục cả nước - cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi: Giáo sư Cao Xuân Huy, Giáo sư Ðặng Thai Mai, Giáo sư Ðào Duy Anh, Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Trương Tửu, Giáo sư Phạm Huy Thông, Giáo sư Trần Ðức Thảo, Giáo sư Lê Văn Thiêm… Tôi đã “gặp” các thầy từ trong sách vở, từ trong những câu chuyện khi “lê la” hỏi chuyện nhiều người mà tôi đã từng được gặp gỡ.

Triết gia Trần Ðức Thảo là người tôi được nghe kể với nhiều giai thoại và ngậm ngùi, tiếc nuối. Cuộc đời ông như một trích tiên biếm trần, cốt cách của ông vững vàng như tùng bách đã dạn tuyết sương, còn sự nghiệp ông để lại giống như loài cỏ ở thư viện Khang Thành của học giả Trịnh Huyền thời Ðông Hán (Trung Quốc) còn thơm mãi mãi.

Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Ðình Chú - trợ giảng của thầy Trần Ðức Thảo tại trường Ðại học Sư phạm Văn khoa năm 1957 - tâm sự rằng được làm học trò của nhà triết học Trần Ðức Thảo “là một may mắn lớn nhưng cũng có phần vất vả. Có điều cái vất vả thì đã qua đi, cái may mắn thì còn mãi mãi”.

Ông tiếc nuối vì sai lầm của một thời đã khiến ông không còn được theo chân nối gót thầy trên con đường nghiên cứu triết học. Cái họa “dậu đổ bìm leo” đã khiến nhà giáo trẻ Nguyễn Ðình Chú im lặng, rồi lặng lẽ tự nghiên cứu và giảng dạy văn học. Ông cũng không ngờ mình lại có được danh vọng cùng với học hàm, học vị, học hiệu như ngày hôm nay. Ðối với ông, có được thành công này một phần là nhờ bản thân không ngừng tự phấn đấu nhưng quan trọng hơn cả, ông chịu ơn dạy dỗ, chỉ đường dẫn lối của các thầy, đặc biệt: “Thầy Trần Ðức Thảo là một con người siêu việt của Việt Nam đã đành, thầy còn đáng cho nền văn hoá Pháp tự hào. Con người đó cũng có phần cấu thành của chung nhân loại…”

Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Ðình Chú trăn trở, sắp sang tuổi 80, ông muốn tạ ơn và nghĩa với các thầy, nhưng một chữ viết ra, một lời nói về các thầy nặng tựa Thái Sơn, ông không cho phép tự dễ dãi với chính bản thân mình: đức độ của thầy Ðặng Thai Mai, uyên bác của thầy Cao Xuân Huy, trí tuệ của thầy Trần Ðức Thảo, nhân cách của thầy Nguyễn Mạnh Tường và thầy Trương Tửu… Nên tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập trường Ðại học Sư phạm Hà Nội (11/10/1951 - 11/10/2006) ông đã có bài phát biểu “Tự hào, biết ơn và mong ước” rằng: “Cái đáng kể, có thể nói là một đi nhưng không bao giờ trở lại chính là chỗ nhà trường trong buổi đầu này đã có những thầy giáo là những ông trùm văn hóa, ông trùm khoa học cho đất nước, không chỉ là sáng danh thời đó mà cả với muôn thuở non sông…”

Hà Nội sang thu, hơi may dìu dịu, vài chiếc lá vàng khô mỏng xen với cánh hoàng vĩ rơi trên ghế đá ký túc xá cũng khiến tôi giật mình nhớ lại buổi trò chuyện với bà Ngô Thị Mỹ Văn - phu nhân nhà ngoại giao Hoàng Nguyên - bà là một người trí thức Hà thành đã từng tham gia phong trào Việt kiều yêu nước tại Paris trong kháng chiến chống Pháp:

“Khi mới đến Paris, do tổ chức Ðảng cho phép sang Pháp, tôi được nghe kể về những trí thức Việt Nam yêu nước tại Pháp đã được gặp Bác Hồ năm 1946 và Bác đã chọn đưa về nước tham gia kháng chiến như các anh Trần Ðại Nghĩa, Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước… cũng như nhiều anh khác tiếp tục bí mật từ bỏ Paris để về Việt Bắc. Tôi cũng được nghe nói anh Trần Ðức Thảo có cuộc tranh luận với J. P. Sartre trong thời gian anh chưa về nước (1949 – 1950). Sau này khi về nước nhiều năm, tôi lại được nghe anh em trường đại học kể lại ngày đó các nhà tư tưởng, các triết gia, văn nghệ sĩ… và cả công chúng có tri thức của châu Âu bị chấn động khi vị ‘chủ soái’ của thuyết hiện sinh - J. P. Sartre - nhà văn nổi tiếng khắp thế giới chủ động đưa lời mời ‘tranh luận’ với triết gia người Việt Nam: Trần Ðức Thảo”.

Cuộc tranh luận được tổ chức thành những buổi luận đàm trực tiếp có nhiều người nghe. Lúc đó, thuyết hiện sinh của J. P. Sartre có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp, lôi kéo được rất nhiều trí thức và giới sinh viên đi theo.

Bằng tâm hồn Việt Nam, trí tuệ Việt Nam và tư tưởng Việt Nam trong con người ông lúc đó, Trần Đức Thảo đã chứng minh chất ưu đẳng của chủ nghĩa duy vật biện chứng theo cảm nhận của cá nhân mình. Ông đã bẻ gãy những “đòn” lập luận lắt léo của J. P. Sartre với vốn Pháp văn tuyệt vời… Ngày cuối cùng, hai bên đi đến việc định nghĩa lại những khái niệm nền tảng của triết học về “ý thức đầu tiên” khởi sinh trong con người được Husserl - nhà hiện tượng học nổi danh bấy giờ - trình bày trong cuốn Trải nghiệm và luận giải. J. P. Sartre không nắm rõ cuốn đó nên cuộc tranh luận tạm ngừng. Trần Ðức Thảo hào hiệp đồng ý không kể lại cuộc trao đổi này. Sau vì môn đồ của J. P. Sartre hậm hực đã tung tin đồn thất thiệt với báo chí rằng cuộc tranh luận đã bị triết gia Việt Nam phá hỏng. Để bảo vệ quan điểm và uy tín của mình, Trần Đức Thảo buộc lòng phải lên tiếng đề nghị cho in bản tốc ký cuộc tranh luận. Lúc này cả châu Âu bàng hoàng hiểu rằng Trần Ðức Thảo chính là người chiến thắng.

Năm 1951, Trần Ðức Thảo “tung cánh chim tìm về tổ ấm”. Một nhà trí thức siêu việt đã ỏ kinh thành Paris hoa lệ lại sau lưng, khước từ mọi vinh quang và tương lai huy hoàng để về Việt Nam tham gia kháng chiến, đối diện với hoàn cảnh khổ cực thiếu thốn đủ thứ và cái chết nhiều khi sẵn sàng chờ đón, biết bao trí thức không chịu nổi đã “dinh tê” (enter) vào thành với thực dân Pháp. Sự kiện này đã gây sửng sốt đối với mọi người. Chỉ có những con người với tình yêu Tổ quốc cháy bỏng mới thấu hiểu hành động này. Giáo sư Nguyễn Ðình Chú cho biết, ngày đó cụ Trường Chinh đã cử ông Vương Hoàng Tuyên, cán bộ Văn phòng Tổng Bí thư sang tận Khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc đón triết gia về Việt Bắc. Bắt đầu từ đây, triết gia Trần Ðức Thảo tham gia công tác tại Ban Văn - Sử - Ðịa Trung ương (tiền thân của Ủy ban Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam), trường Ðại học Sư phạm Văn khoa, Ðại học Tổng hợp Hà Nội.

Sau vụ Nhân văn - Giai phẩm, Giáo sư Trần Đức Thảo phải chia tay với giảng đường, lúc đó ông đang trên cương vị Phó Giám đốc trường Ðại học Sư phạm Hà Nội, kiêm Trưởng khoa Lịch sử chung cho cả Ðại học Sư phạm và Ðại học Tổng hợp Hà Nội, về làm công tác dịch thuật cho Nhà xuất bản Sự thật (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ngày nay).

Nhập thế không thành công, triết gia lặng lẽ sống và làm việc trong mọi khó khăn tại căn hộ ở khu tập thể Kim Liên, không vợ con, không người thân bên cạnh. Với những người hàng xóm, ông nổi tiếng là người đãng trí, ngơ ngác trong các sự việc đang diễn ra trước cuộc đời. Biết bao khó khăn, thiếu thốn, nhất là thiếu thốn về tư liệu mới của tri thức học thuật, nhưng ông vẫn không nản. Từ khối óc của con người lặng lẽ đó, những tác phẩm lần lượt ra đời: Sự hình thành con người, Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người, Tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức Những công trình này được in tại châu Âu đã làm các nhà khoa học phương Tây kính nể. Không ít người mỏi mắt ngóng chờ Trần Ðức Thảo từ Việt Nam. Một số người còn đến Việt Nam để tìm “ông Trần”. Vậy mà tại Việt Nam nhiều người không rõ Trần Đức Thảo là ai, làm gì, ở đâu. Một số người biết ông lại muốn “Quét sạch những nọc độc của Trần Ðức Thảo trong việc giảng dạy triết học” (xin xem bài của Khắc Thành, Tạp chí Học tập - 1958).

“… Những tâm hồn thấp kém không thể hiểu thấu các bậc vĩ nhân, cũng như kẻ nô lệ nhe răng cười khi nghe hai tiếng tự do”. Trần Ðức Thảo thấu hiểu những lời trên của đại văn hào Pháp J. J. Rousseau viết trong sách Khế ước xã hội ra đời từ năm 1762. Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trần Ðức Thảo khi Người là thượng khách sang thăm hữu nghị chính thức nước Pháp năm 1946, triết gia đã bày tỏ nguyện vọng trở về nước hoạt động. Việt Nam đang đứng bên bờ một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi, vì quyền lực đang nằm trong tay những tên thực dân hiếu chiến. Hồ Chủ tịch đã đồng ý với yêu cầu về nước của nhiều nhà khoa học như kỹ sư Trần Ðại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước… Nhưng với triết gia Trần Ðức Thảo…

Tôi có một số dịp được ngồi nghe nhà văn Sơn Tùng, một nhà văn đã dành tâm huyết cả cuộc đời để nghiên cứu, viết sách về Hồ Chủ tịch và các danh nhân tại căn hộ nhỏ nằm trên gác hai khu tập thể Văn Chương chênh vênh, rêu mốc. Những ngày đó, bão đang vào gần bờ biển miền Trung, do ảnh hưởng thất thường của thời tiết, vết thương trên cơ thể nhà văn tái phát. Khẽ đẩy hé cánh cửa buồng làm việc mà sách vở chật kín bốn bề, thấy ông nằm trên tấm phản ghép từ hai mảnh gỗ, thân hình gầy gò nghiêng nghiêng như con thuyền đang chống đỡ với bão tố, tôi ái ngại quay ra thì ông đã ngồi dậy đón tôi bằng cái nhìn thân thiện, ấm áp. Buổi trưa vắng khách, tôi tranh thủ hỏi riêng nhà văn Sơn Tùng về Bác Hồ và triết gia Trần Ðức Thảo khi Người làm thượng khách sang thăm nước Pháp. Nghe xong, đôi mắt ông sáng lên, lời ông nhè nhẹ trong nỗi đau sâu thăm thẳm, cao vời vợi. Thời gian Bác Hồ sang Pháp, cụ Vũ Ðình Huỳnh - Bí thư của Người đã tín trọng trao lại cho nhà văn những ký ức suốt cuộc đời không thể nào quên về Hồ Chí Minh với những nhà trí thức yêu nước.

Trời Paris trong tuần hạ chí cao thăm thẳm không gợn một bóng mây. Nước sông Sein hòa lẫn màu da trời. Hồ Chủ tịch tiếp chuyện triết gia Trần Ðức Thảo hồi 10h ngày 25/6/1946, Người băn khoăn:

“Sớm muộn gì cuộc chiến tranh Việt - Pháp sẽ không tránh khỏi phải diễn ra. Chú Phạm Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa - chú thích của tác giả), chú Võ Quý Huân về nước sẽ chế tạo được vũ khí đánh giặc. Chú Trần Hữu Tước bào chế thuốc men… Ðó là những yêu cầu khẩn thiết nhất lúc này. Còn chú, nhà triết học…” Người nở nụ cười nhìn Trần Ðức Thảo dí dỏm… “Chú về lúc này sẽ không có đất mà cắm dùi đâu…”

Thật không ngờ, tầm nhìn xa của vị lãnh tụ hay một lời tiên tri, câu nói ấy đã vận vào cuộc đời triết gia Trần Ðức Thảo.

*

Một buổi tối mùa Đông năm 2006, theo thư của nhà văn Thái Vũ từ thành phốHồ Chí Minh gửi ra, tôi tìm đến Tiến sĩ Phạm Thành Hưng, cựu Tổng biên tập Nhà xuất bản Ðại học Quốc gia Hà Nội. Tiến sĩ Phạm Thành Hưng là “người đỡ đầu” cho nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn Triết gia lữ hành Trần Ðức Thảo (Nhà xuất bản Đai học Quốc gia Hà Nội 2006). Câu chuyện về Trần Đức Thảo đã làm tan biến không khí vốn yên tĩnh của ngôi nhà riêng của ông ở trong khu tập thể Đại học Bách khoa và làm cho chúng tôi thấy ấm áp trước những cơn gió lạnh giá của mùa Đông.

Hơn 10 năm sau ngày triết gia Trần Ðức Thảo về cõi thiên thu, Tiến sĩ Phạm Thành Hưng lo xin giấy phép xuất bản rồi bồi hồi chờ từng ngày cho đến khi sách được in ấn vẹn toàn. “Ðọc sách của cụ Trần Ðức Thảo khó vô cùng em ạ” - ông Phạm Thành Hưng tâm sự - “thế hệ trẻ các em hiện nay gần như chỉ cảm nhận được thôi. Nhưng mà đọc những bài viết về cụ, mình thấy xúc động nghẹn lòng… Trong quá trình để cuốn sách đến tay độc giả, gặp rất nhiều khó khăn vì những lý do tế nhị. Tuy nhiên Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) truy tặng triết gia Trần Ðức Thảo, đó là sự khẳng định và đánh giá công lao của Ðảng - Nhà nước đối với cụ”.

Một niềm vui đối với vị Tổng biên tập là ban đầu ông xin được trợ cấp cho sách trước khi in vì sợ ế nhưng khi Triết gia lữ hành Trần Ðức Thảo vừa phát hành đã tạo nên một cơn sốt. Tiếp đó là sự kiện nhà thơ Việt Phương - Thư ký riêng đầu tiên của cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng - trao lại toàn bộ di cảo của triết gia Trần Đức Thảo đã gửi cụ Ðồng cho Nhà xuất bản Ðại học Quốc gia Hà Nội.

“Vậy là vẫn còn di sản triết học và văn hóa học thuật của Trần Đức Thảo cả Việt văn lẫn Pháp văn như chuỗi ngọc lấm bụi lịch sử, đòi hỏi sự sưu tầm, tập hợp, dịch thuật, nghiên cứu, mài dũa để làm lộ sáng tất cả.” Ông Phạm Thành Hưng không giấu được nỗi vui mừng xúc động.

Nhà văn Sơn Tùng cho biết rằng, năm 2000 khi xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giáo sư Phan Ngọc là người giải trình về các công trình triết học của cụ Trần Ðức Thảo trước hội đồng khoa học. Ðược sự giúp đỡ của nhà văn Sơn Tùng, tôi mon men đến cửa “Nhà bách khoa cuối cùng của một thế hệ”.

Giáo sư Phan Ngọc kể, thuở ở an toàn khu Việt Bắc, hai anh em cùng nằm chung một cái sạp trao đổi kiến thức. Ðêm trước Phan Ngọc nói chuyện về triết học và văn học phương Ðông, đêm sau Trần Ðức Thảo dạy về triết học và văn học phương Tây.

“Anh Trần Ðức Thảo chỉ hỏi những điều sâu sa, khó, và huyền bí của triết học phương Ðông thôi. Còn những cái khác anh ấy biết hết rồi.”

Kết thúc câu chuyện, Giáo sư Phan Ngọc nhắc lại điều ông đã phát biểu tại hội đồng khoa học nhân dịp xét Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000):

“Có lẽ không nên bàn đến chuyện Trần Ðức Thảo xứng đáng với giải thưởng. Sự nghiệp của ông là khách quan, của cả thế giới. Trí thức Việt kiều nhìn vào cách đối xử với ông để đánh giá thái độ của Ðảng đối với trí thức do phương Tây đào tạo. Một người như Trần Ðức Thảo tất nhiên có những suy nghĩ riêng về học thuyết Xtalin, học thuyết Mao Trạch Ðông… Chỉ tiếc là ông đã thấy quá sớm. Cho nên tôi nhắc lại việc trao phần thưởng cho nhà triết học Trần Ðức Thảo đã vượt ra ngoài phạm vi một giải thưởng, mà khẳng định một đường lối của Ðảng ta đối với những lao động trí óc nói chung và đối với Việt kiều làm việc trí óc nói riêng”.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Kiều Mai Sơn0

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

*.

KIỀU MAI SƠN (tên thật: Kiều Văn Khải)

Địa chỉ: Tòa soạn báo Nông nghiệp Việt Nam

14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

.

 

 

.  

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 10.07.2022.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét