ĐINH NHO TUẤN VÀ BÀI THƠ ‘CHỊ’
*
Tôi thích bài thơ “Chị” của nhà thơ Đinh Nho Tuấn:
Hoa xoan
Tí tắc nở
Chị tôi
Lý lắc rơi
Hoa xoan màu tím
Chị tôi màu gì?
Chị tôi màu bụi tre nghẹt thở
Chị tôi màu tiếng đói bụng cuốc hè
Chẳng có đường lông ngỗng cho chị đi về
Chị đi theo khóm cà
Chị đi theo tiếng tắc kè trong vườn tối
Chị đi theo tiếng con trẻ ê a trên khoảnh sân nhà
Duyên tình chơi trò trà trộn
Lấy chồng thương dép giày vẹt mòn
Thương lò xo yên xe bung lên bung xuống
Đêm đêm nằm nghe tiếng cuốc kêu bỏ vợ
Đêm đêm nằm nghe lũ gà mái chồn chân khiếp chồng
Chị treo mùa đông trước hiên nhà
Ai vào cũng cóng
Chị lí lắc rơi
Nào đâu tiếng động
*.
(Rút trong tập “ Díu dan với núi
sông” của Đinh Nho Tuấn)
Mỗi người có cách tạo ra thơ hay bằng lối riêng
của mình. Mỗi bài thơ hay có cách hay riêng của nó. Thơ hay, đôi khi như người
đàn bà đẹp. Mỗi cô, mỗi bà có cách đẹp của riêng mình. Có cô gái nhìn thoáng
rất xinh, nhưng nhìn lâu không còn đẹp nữa. Có cô nhìn thoáng không gây ấn tượng
gì, nhưng gây ám ảnh vì duyên ngầm; hình như có cái đẹp hình thức và có cái đẹp
tự tâm, tại tâm?
Trong lịch sử văn học Việt Nam và thế giới, rất
ít bài thơ hay toàn bích cả nội dung lẫn hình thức.
Bài thơ “Chị”
của nhà thơ Đinh Nho Tuấn dẫn trên với tôi hay, vì nó làm tôi cảm động và tràn
đầy mến thương của một người chưa từng có chị ruột, của một thời nghèo nàn về
vật chất và buồn đau về tinh thần.
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn sinh ra ở quê hương Hà Tĩnh
năm 1966 (cũng là quê hương thi ca của các thiên tài thơ: Nguyễn Du, Nguyễn
Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Huy Cận, Xuân Diệu); khi ấy tôi - người viết bài này -
đã đi B vào chiến trường Nam Bộ. Phải nói, những năm ấy cho tới năm 1986 miền
Bắc san sẻ lương thực cho các chiến trường nên đói khổ vô cùng. Nguyễn Trọng
Tạo bảo tôi, mình đói quá nên mới xin đi bộ đội để may ra có một bữa cơm no.
Tôi có thể cá với mọi người, ai chưa có một tuổi thơ cơ cực, người đó khó có
thể thành nhà thơ!
Đinh Nho Tuấn, dù con một nhà báo nổi tiếng ở Hà
Tĩnh, nhưng chắc anh cũng có tuổi thơ đói rét như tuổi thơ của thế hệ chúng
tôi, nên mới có thể làm tôi cảm động khi anh viết bài thơ “Chị”:
“Hoa xoan tí tắc nở
Chị tôi
Lí lắc rơi”
Tôi xin ngẫu hứng một tẹo lục bát: “Chị tôi là chị tôi ơi / Như hoa, chị lí lắc
rơi một mình”. “Lí lắc rơi”, chị
vừa rơi vừa điệu: “điệu rơi điệu rụng”…
Thơ phải chăng cũng học cách rơi của hoa xoan tim tím, học cách rơi của chị :
vừa rơi vừa đẹp, vừa rơi vừa làm duyên, lí la lí lắc. Cuộc đời chị nói cho cùng
là một cuộc rơi. Lông gà, lông chim rơi lên, hoa xoan và chị cùng rơi… xuống
thơ Đinh Nho Tuấn.
“Chị tôi màu bụi tre nghẹt thở
Chị tôi màu tiếng đói bụng cuốc hè
Chẳng có đường lông ngỗng cho chị về
Chị đi theo khóm cà
Chị đi theo tiếng tắc kè trong vườn tối…”
Những câu thơ rơm rớm tình chị em, rơm rớm tình
thương mến tả thực. Thơ tìm thực trong siêu và tìm siêu trong thực.
“Chị tôi
màu bụi tre nghẹt thở”: câu thơ nửa thực nửa hư. Ai biết chỉ dùm tôi với: “màu bụi tre nghẹt thở” là màu gì vậy? A
ha ha, thơ mà nói toẹt ra bụi tre màu xanh ông nhá, thì ai còn cần tới nhà thơ
nữa. Nhưng bụi tre khi im gió, nó đứng yên một dáng RŨ mà không có RƯỢI (mát
rượi, mát rười rượi), im như chết, như bụi tre cũng nghẹt thở rồi, nhường tí ti
dưỡng khí cho câu thơ thở đấy. “Chị tôi
màu bụi tre nghẹt thở” là một câu thơ tả thực mà rất siêu thực vậy!
“Chị tôi
màu tiếng đói bụng cuốc hè” câu thơ này cũng tả thực một cách rất siêu. “màu tiếng đói bụng cuốc hè” là màu gì
ông Tuấn? Chừng như câu này viết theo phương pháp “đáy đĩa” của Nguyễn Xuân Xanh xưa “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”. Đây là một câu thơ rất hay của nhà thơ
Nguyễn Xuân Sanh xưa đã bị nền giáo dục thực dụng suốt 60 năm chê là câu thơ dở
vì vô nghĩa. Oan cho thi sĩ Nguyễn Xuân Xanh quá. Đây là một câu thơ tả thực
rất hay: trái cây bốn mùa bày trên chiếc đĩa nhịp núi sông : mùa nào trái ấy.
“Chị tôi
màu tiếng đói bụng cuốc hè” của Đinh Nho Tuấn nếu diễn thực ra thì nó là
màu đen: “màu tiếng đói bụng cuốc hè”.
Cuốc ơi, mày kêu đêm làm gì nhiều thế, mày đánh thức chị tao dậy trong đêm bao
lần, dậy lần nào cũng đói, nhìn trần nhà lần nào cũng đen. Chao ôi là đời chị,
như hoa xoan rụng vào đêm tiếng cuốc, đói quá thức dậy chỉ thấy màu đêm đen như
đang nuốt sống chị tôi.
Hãy đọc tiếp bài thơ “Chị” của Đinh Nho Tuấn:
Lấy chồng thương giày dép vẹt mòn
Thương lò xo yên xe bung lên bung xuống
Đêm đêm nằm nghe tiếng cuốc kêu bỏ vợ
Đêm đêm nằm nghe lũ gà mái chồn chân khiếp chồng
Bốn câu thơ tả thực tuyệt hay viết về số phận hẩm
hiu buồn đau của người chị. Người chồng này hình như cũng không hơn gì “giày dép vẹt mòn”, không hơn gì “lò xo yên xe bung lên bung xuống”. Chao
ôi là “tiếng cuốc kêu bỏ vợ”. Vợ cuối
cùng nào khác giày dép vẹt mòn mà đêm đêm hẩm hiu nghe tiếng cuốc kêu bỏ vợ. Bỏ
thì bỏ, sợ gì, khi đời chị không còn chỗ nào để rơi xuống nữa. Nằm đêm không
thương mình, chị chỉ thương bầy gà mái đêm trong chuồng chồn chân khiếp chồng
thôi. ..
Thương thay những bà chị xưa như con gà mái chồn chân khiếp chồng trong chuồng đời chật hẹp. Và thương thay những hồn thơ vừa viết vừa run, khiếp đời mà không dám kêu lên mình khiếp, lại làm như ta đây cả đời không có ai ăn hiếp (bắt nạt) vậy!
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
Sài Gòn, ngày 15-04-2023
TRẦN MẠNH HẢO
Địa chỉ: 21/22 Xuân Thủy, phường Thảo Điền,
quận 2, Thủ Đức, thành phố Hồ
Chí Minh.
Email: cokhicon@gmail.com
Điện thoại: 091 841 00 42
.............................................................................................................
- Cập nhật từ
email: huongmai8081@yahoo.com, ngày 15.04.2023.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết
được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết
không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét