MỪNG THỌ GIÁO SƯ LÊ THÀNH KHÔI
MỘT TRĂM TUỔI
Ngày 3-5-2023. Giáo sư Lê Thành Khôi được
một trăm tuổi. Sử gia Phan Huy Lê nhận định Giáo sư Lê Thành Khôi là
Nhà bác học, nhà sử học và văn hóa lớn của đất nước. Là một giáo
sư đại học, khoa trưởng phân khoa Giáo Dục tại Paris Sorbonne đại học
hàng đầu thế giới. Được mời làm tư vấn cho các tổ chức quốc tế như
UNESCO, BIT, ACCT (Tổ chức Hợp tác Văn hoá Kỹ thuật các nước Pháp
ngữ), Trường Đại Học Liên Hiệp Quốc Tokyo, Chương Trình UNDP. Được Liên
Hiệp Quốc gửi đi làm cố vấn Giáo Dục cho hơn 40 quốc gia trên thế
giới. Với những công trình nghiên cứu đồ sộ về lịch sử, văn hoá,
giáo dục, thi ca, mỹ thuật.. xuất bản bằng tiếng Pháp, phải 23 trang
sách Từ Đông sang Tây của các giáo sư tên tuổi Việt Nam và thế giới
viết tặng Gs Lê Thành Khôi năm mừng thọ 80 tuổi, mới kể hết những
tác phẩm, các hoạt động, các bài viết đăng trên các tạp chí khoa
học quốc tế như Critique, Synthèses, Eastern World, Tiers Monde,
Communità, Revue Economique. Le Courier de l ́Unesco, Revue Internationale des
Sciences Sociales, Comparative Education Review.. Vẫn chưa hết sau khi về
hưu năm 1992, với học hàm Giáo sư Danh Dự, giáo sư vẫn tiếp tục viết
sách trước tác những công trình lớn như Lịch sử và tuyển tập văn
học Việt Nam.
Trung tâm International Biographical Center
(Cambridge) vinh danh ông là Nhà Giáo Dục Quốc Tế năm 1992-1993 Viện
American Biographical Institut vinh danh Người của năm 1993. Năm 2003 Bộ Văn
Hóa Pháp phong tặng Chevalier de l ́odre des Arts et des Lettres. Viện Hàn
Lâm Pháp tặng ông huân chương lớn «Francophonie».
Giáo sư Lê Thành Khôi là một nhà bác học
tên tuổi của thế giới, một niềm hãnh diện của dân tộc Việt Nam đã
đóng góp cho sự phát triển Giáo Dục của thế giới.
Tôi có may mắn được học với Giáo sư từ năm
1973 đến 1980 tại Viện Đại Học Paris Sorbonne, là người Việt Nam duy
nhất trong hơn 40 người soạn luận án Tiến sĩ với sự hướng dẫn của
Giáo sư, và được gần gủi với Giáo sư trong các công việc tìm kiếm
tài liệu giúp Giáo sư tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris, Thư Viện
Quốc Gia Paris, sinh hoạt trong Hội Khoa Học Xã Hội Việt Nam tại Pháp
do Giáo sư làm Chủ Tịch.. tôi viết bài này để mừng thọ sinh nhật
Giáo sư một trăm tuổi. Khó mà nói hết trong một bài viết 42 quyển
sách và 23 bộ sách viết riêng tác phẩm chính của Giáo sư. Trong đó
có những công trình đồ sộ như Lịch Sử và Văn Minh, Giáo Dục: Văn Hóa
và Xã Hội hay Lịch sử và Tuyển tập Văn học Việt Nam, Lịch Sử Việt
Nam, Kỹ nghệ Giáo Dục.. Bài viết này chỉ giới hạn trong quyển sách
duy nhất Lịch Sử Việt Nam của Giáo sư được dịch và xuất bản tại
Việt Nam góp lại từ hai phần hai quyển sách về Lịch sử Viêt Nam xuất
bản năm 1955 và 1982. Tôi có dịp viết bài phê bình những sai sót bản
dịch của ông Nguyễn Nghị và những trả lời phê phán của ông Tiến Anh
Hồng Quang đăng trên báo Nhân Dân và ông
Nguyễn Phú Trường đăng trên báo Công An Nhân Dân. (xen site Chim Việt
Cành Nam).
Dòng dõi Sử gia Lê Văn Hưu thời nhà Lý.
Giáo sư Lê Thành Khôi sinh ngày 3-5-1923 tại Hà Nội. Thân phụ là cụ Lê
Thành Ý (1893-1973) dạy về văn học Việt Nam tại trường Sinh Từ và
trường Albert Sarraut, khi sang Pháp ông giảng dạy Trường Ngôn Ngữ Đông
Phương Paris. Cùng với học giả Dương Quảng Hàm, Lê Thước, Nguyễn Lân,
Nguyễn Hữu Tiến, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Trần
Trọng Kim.. Giáo sư Lê Thành Ý thuộc thế hệ những nhà mô phạm lớn
của hệ thống giáo dục Pháp Việt.
Được học Trung Học Albert Sarraut, do thân
phụ được bổ nhiệm giảng dạy nơi đây. Học Ban Triết, học ngôn ngữ văn
hóa La Tinh và Hy Lạp ông say mê đem một đoạn Odyssée dịch ra tiếng
Pháp. và làm thơ Pháp. Năm 1945, ông cho ra đời tập thơ tác phẩm đầu
lòng L ́offrande des tubéreuses (Trang tặng những cành hoa huệ). Trường
Pháp không dạy lịch sử Việt Nam, bù vào đấy ông đọc sách ở nhà. Sau
khi đỗ Tú Tài ông theo học Luật, Y Khoa và Mỹ thuật.
Tháng 12 năm 1946, ông sang Pháp du học học
trường Luật và Kinh tế, năm 1949 bảo vệ thành công tiến sĩ về kinh
tế Nhật Bản. Cũng thời gian này ông theo học với Emile Gaspardone,
giáo sư về lịch sử Việt Nam tại Collège de France. Để đọc được những
tài liệu cổ xưa Việt Nam ông học Hán ngữ và Việt ngữ tại trường Ngôn ngữ Đông Phương ba năm,
thi xong đỗ thủ khoa, ông còn lấy thêm bằng cử nhân văn khoa về Sử.
Viết xong quyển Le Viêt Nam: Histoire et
Civilisation (Viêt Nam: Lịch sử và Văn minh) năm 1954 Editions de Minuit
xuất bản năm 1955, là cuốn sử đầu tiên viết bằng tiếng Tây phương có
cái nhìn khác với sách thực dân. Là một tác phẩm khoa học Sử học,
khác với các tác phẩm sử học nhằm mục đích tuyên truyền tại Việt
Nam. Tác phẩm sử học của Giáo sư Lê Thành Khôi nhanh chóng trở thành
tác phẩm căn bản cho tất cả các nhà nghiên cứu về Việt Nam trên thế
giới. Quyển sách này đã đem lại cho nhiều trí thức, sinh viên và ngay
cả chính giới phương Tây đặc biệt ở Pháp và Mỹ những nhận định
chính xác và nghiêm túc về lịch sử và văn hoá Việt Nam.
Năm 1949 bảo vệ luận án tiến sĩ về Kinh
tế chiến tranh Nhật Bản (1937-1945). Năm 1950 tốt nghiệp Học Viện Luật
pháp Quốc Tế (Den Haag. Hà Lan) và sau đó làm trợ giáo ở các trường
Đại Học Paris, Caen, Nanterrre. Ông xuất bản hai quyển tủ sách Que
sais-je. Kinh tế Đông Nam Á . 1958 và
Lịch Sử Đông Nam Á, 1959. Năm 1960 ông làm việc ở Viện Nghiên cứu Phát
triển Kinh tế và Xã hội (IEDES Paris) với tư các Tổng thư ký tạp chí
Tiers-Monde rồi chuyển sang làm Giám đốc Nghiên cứu. Được bổ nhiệm
vào Ecole Pratique des Hautes Etudes với cương vị Chargé de conférances. Từ năm 1963 ông
làm tư vấn cho các tổ chức quốc tế như Unesco.
Năm 1968 ông trình luận án về Công nghiệp
Giáo Dục để lấy bằng Tiến Sĩ Nhà Nước (doctorat d ́ Etat ès lettres
et sciences sociales) Công trình được xuất bản với tên L ́ Industrie de l ́Enseignement băm
1968. Năm 1971 ông được bầu làm Giáo
sư ngành Giáo Dục So sánh. Viện Đại Học Paris Descartes và sau đó Khoa
Trưởng Phân Khoa Giáo Dục Viện Đại Học Paris Sorbonne.
Với công trình Kỹ nghệ Giáo Dục, Giáo sư
Lê Thành Khôi được xem là một trong những người sáng lập một bộ môn
khoa học mới: Kinh tế Giáo Dục. Giáo dục từ đây được xem là một nhân
tố chính để phát triển Kinh tế. Kinh tế một nước tăng trưởng lũy
tiến, qua chứng minh các phép tính kinh tế, sự đầu tư ngành Giáo Dục
tại nhiều nước trên thế giới. Thợ được đào tạo chuyên môn có năng
xuất cao hơn người không học. Giới trí thức chân chính càng nhiều
nước càng phát triển khác với thuyết Mao-ít: «Trí thức thua cục phân»,
«Trí thức dao động không có lập trường giai cấp, cần phải cải tạo
trí thức bằng lao động». Chủ trương Mao-ít cực đoan, hết tiêu diệt
giai cấp tư sản đến tiêu diệt 3 tỷ con chim sẻ ăn bám, đã dẫn đến thẩt
mùa, côn trùng phá hoại mùa màng, nông dân không còn người giỏi có
kiến thức nông nghiệp dẫn đến kết quả: 35 triệu người chết tại Trung
Quốc, 3 triệu người chết tại Cam-Pu-Chia. Chủ trương Stalin tiêu diệt
giai cấp tư sản cũng không kém phần bi thảm. Không đầu tư Giáo Dục,
quốc gia không tiến triển được và bị thụt lùi trong đà tiến bộ của
nhân loại.
Năm 1955, khi tác phẩm Lịch Sử Việt Nam ra
đời đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận giữa Giáo sư Lê Thành Khôi và các
nhà viết báo trong nước trên báo Nghiên Cứu Lịch Sử. Như quan điểm ông
Văn Tân cho rằng lầm lẫn khi viết Gia Long thống nhất đất nước năm
1802, phải nói nhà Tây Sơn mới đúng. Gs Lê Thành Khôi trả lời giải
thích: Sau khi thắng, anh em Tây Sơn chia đất với nhau: Nguyễn Huệ chiếm
Bắc Hà, Nguyễn Nhạc giữ đất từ đèo Hải Vân đến Bình Thuận, còn
Nguyễn Lữ lấy được Gia Định nhưng từ năm 1787 thành này đã lọt vào
tay Nguyễn Ánh. Ông Văn Tân không trả lời được nên đã kết án sử gia Lê
Thành Khôi là «tiểu tư sản». Nhiều sách trong nước về sau vẫn tiếp
tục cho rằng Nhà Tây Sơn thống nhất Việt Nam.
Một ví dụ khác, nhiều sách vẫn nói 4000
năm lịch sử Viêt Nam. Nếu vậy thì mỗi vua Hùng trị vì 100 năm. Làm
sao có được! Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên (Thế Kỷ
XIV) viết rằng Hùng Vương dựng nước vào cuối thế kỷ XIV trước Công
Nguyên, nghĩa là trung bình mỗi vua Hùng trị nước khoảng 20 năm, như
vậy thì có khả tín.
Một vấn đề khác là «việc nhập cảng»
những khái niệm không thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam, chẳng hạn
như khái niệm «trung đại». Dùng khái niệm «trung đại» có lý ở Âu Châu
để chỉ thời đại giữa Cổ Đại (Hy Lạp và La Mã) và Phục hưng. Nhưng
ở Đông Á đâu có gì gọi là «Phục hưng». Trong lịch sử nghìn năm độc
lập của Việt Nam, thay đổi chính yếu giữa giai đoạn 939-1428 (gọi tắt
là Lý-Trần) và giai đoạn 1428-1862 (gọi tắt là Lê Nguyễn) là một sự
thay đổi chính trị và tư tưởng. Giai đoạn 1 dùng Tam Giáo với Phật
Giáo đứng đầu, và giai đoạn 2 là Nho quan. Cần chú ý «sĩ» không phải
là một giai cấp vì có sự phân chia nội bộ, người thi đỗ thì làm
quan, người không thi đỗ thì về quê mở trường dạy học, nhiều khi đứng
về phía nhân dân chống lại triều đình. Chữ «trung đại» vẫn được trong
nước nhắm mắt dùng ngày nay.
Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương thuộc về Văn học Trung đại.
Còn nhiều danh từ khác không đúng như
«phong kiến» dịch từ chữ «féodal» của Tây Phương, là chế độ nhà
vua phong đất cho chư hầu, mỗi chư hầu mang tên vùng đất và cha truyền
con nối, các lãnh chúa toàn quyền sinh sát trên mãnh đất của mình.
Nhiều sử gia dùng bừa bãi dùng từ «phong kiến» chỉ chế độ Việt Nam
từ thời xưa bao gồm cả thời Bắc Thuộc dưới sự cai trị nhà Hán cho
đến năm 1945. Các cuộc tranh luận về
«thời nô lệ», thời «phương thức sản xuất Châu Á» theo kinh điển
Mát Xít cũng không thay đổi được nhận định. Việc gán ghép những tội
lỗi phong kiến Tây Phương vào «phong kiến Việt Nam» gây nên những thảm
họa. Theo tôi nó còn mang đến những tai họa không lường trước được như
thời Cải Cách Ruộng Đất, các cụ tiến sĩ Nho học vùng Thanh Nghệ
Tĩnh bị mang ra đấu tố tội «phong kiến địa chủ», vài mẫu ruộng gia
đình lưu truyền để cúng tế trở thành tội «Địa chủ». Đình, chùa,
miếu di tích cỉa «phong kiến» bị phá sạch trong chủ trương «phá đình chùa
lấy gạch ngói xây trường học» Cụ Nghè Nguyễn Mai cháu năm đời Thi
hào Nguyễn Du, bị bản án 15 năm tù và chết trong tù sau ba năm, chốn
rừng thiêng nước độc vùng Hương Sơn. Cụ Nguyễn Khắc Niệm cha bác sĩ
Nguyễn Khắc Viện, trí thức hàng đầu Việt Nam, cũng không thoát tội
‘phong kiến địa chủ’ của các ông Trời con. Ai dám nghĩ sự lầm lẫn
khi dịch sai một danh từ đã ra những thảm họa lịch sử này. Ngày nay
các sách vở giáo khoa Việt Nam vẫn còn tiếp tục chửi bới chế độ «phong
kiến», không chỉ ở miền Bắc trước năm 1975, mà miền Nam bài hát Suy
tôn Ngô Tổng Thống ca tụng nhà chí sĩ «bài Phong kiến, chống Cộng».
Ngoài những tác phẩm về Sử Học, Giáo Dục,
Kinh Tế. Giáo sư Lê Thành Khôi còn viết những tác phẩm văn chương, mỹ
thuật như La pierre d ́amour (Khối tình) Paris Ed Minuit 1959.
Dịch Chinh phụ ngâm. Chant de la femme du
combattant. của Phan Huy Ích và Đặng Trần Côn. Paris Gallimard 1968. Un
désir de beauté (Yêu cái đẹp) Paris. Horizons du Monde 2000. Voyages dans
les cultures du Vietnam (Du hành trong các nền Văn hóa Việt Nam). Paris
Horizon du monde. 2001.Art du Viet Nam : la fleurs de pêcher et l ́ oiseau d
́azur. Musée Royal de Mariemont 2002. Viet Nam Art et Culture de la
préhistoire à nos jours. Musée Royaux d ́ Art et Histoire. Bruxelles. 2003.
Quelques pas au Sud des Nuages (Vài bước ở Vân Nam). Paris Indes
savantes.2005. Đặt biệt là để minh họa cho các tác phẩm của mình
Giáo sư Lê Thành Khôi còn học nhiếp ảnh, để tự chụp lấy các ảnh
đẹp, trình bày các hình ảnh bên cạnh bài viết.
Về xã hội Việt Nam, sau những chuyến du
hành thăm đất nước từ năm 1970.
Giáo sư nhận định qua những buổi nói chuyện tại Paris. Giáo sư thẳng
thắng cho rằng: “Xã hội Việt Nam bế tắt vì nhân dân Việt Nam phải
gánh chịu một cổ hai tròng.” Một tròng của đảng Cộng sản Việt Nam và
một tròng của Nhà Nước. Bộ máy tổ chức cồng kềnh, nhân dân phải
nuôi vừa cán bộ đảng, vừa cán bộ nhà nước do đó người lãnh lương
không đủ sống chỉ giả vờ làm việc, người có quyền chức không đủ
sống phát sinh ra nạn tham nhũng. Cả nước mất thì giờ trong việc họp
hành, báo cáo.
Một đời làm việc không ngơi nghỉ, thú vui
của Giáo sư Lê Thành Khôi là đi đấu giá các cổ vật Việt Nam tại
Pháp. Và đi du lịch cả trăm nước trên thế giới để mua về những cổ
vật. Đặt biệt là cổ vật Việt Nam và Đông Á. Và năm 2015 Giáo sư Lê
Thành Khôi đã trao tặng khoảng 330 cổ vật quý cho Viện Bảo Tàng Dân
Tộc Học Việt Nam.
Giáo sư Lê Thành Khôi kết hôn cùng bà Thẩm
Thị Hồng Anh (1930-2018), dược sĩ, họa sĩ. Là Trưởng nữ dược sĩ
Thẩm Hoàng Tín tại Hà Nội, từng giữ chức Thị Trưởng Hà Nội. Ông
bà có ba người con : Lê Thi Hương Du (1955), từng đỗ thủ khoa nội trú Y
Khoa nước Pháp. Bác sĩ Nội Khoa tại Bệnh Viện Đại Học Pitié
Salpêtrières. Lê Vân Dao (1957) tốt
nghiệp Đại Học Kinh Tế Sorbonne. Và Lê Hồng Nguyên (1959) tức nhạc sĩ
Nguyên Lê học triết học và mỹ thuật nhưng Nguyên Lê lại đam mê Âm
Nhạc, học đàn bầu, Nguyên Lê chuyên kết hợp Âm nhạc Cổ
truyền Việt Nam với nhạc jazz tạo thành những âm điệu mới và nổi
tiếng được mời đi trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới.
Hai mươi năm qua những người viết mừng thọ
Giáo sư Lê Thành Khôi 80 tuổi, nhiều người đã qua đời như các Giáo sư
Phan Huy Lê, Nguyễn Tài Cẩn, Trần Văn Khê, Nguyễn Phú Phong, Trần Hữu
Dũng, Georges Condominas, Philippe Langlet. Pierre Brocheux.. Hoạ sư Lê Bá
Đảng, Phạm Ngọc Tuấn và bà Thẩm Hồng Anh, phu nhân giáo sư. Giáo sư
Lê Thành Khôi vẫn còn đó dù già yếu ngồi xe lăn, nhưng trí tuệ vẫn
minh mẫn nhờ luyện tập khí công và bơi lội hằng ngày. Tôi viết bài
này mừng thọ Giáo sư 100 tuổi, bậc thầy tôi kính phục tài năng trí
thức, nhân cách đạo đức toàn vẹn, được sự kính trọng của mọi người
trí thức trên thế giới.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
Paris, ngày 3-5-2023
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục
Địa chỉ: Viện Đại
Học Paris Sorbonne.
Email: phamtrongchanh@free.fr
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 03.05.2023.
- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn:
internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét