MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

VÀI CẢM NHẬN SAU KHI ĐỌC 'CÕI NHÂN GIAN' CỦA NGUYỄN PHÚC LỘC THÀNH

 


VÀI CẢM NHẬN SAU KHI ĐỌC "CÕI NHÂN GIAN"

CỦA NGUYỄN PHÚC LỘC THÀNH

*

(Tác giả Đinh Sỹ Minh)

Ngay từ khi ra mắt, bộ tiểu thuyết Cõi Nhân Gian của tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tập 1 năm 1994, các tập 2, 3,4,5,6,7,8 năm 2022), đã khiến cõi mạng và văn đàn dậy sóng bởi rất nhiều cây đa, cây đề, các báo lề trái, lề phải lên tiếng, góp mặt. Những Idol trong lĩnh vực văn chương, phần lớn đều khen nức nở. Có nhà thơ còn nói "giải Nobel là đây...". Một nhà văn nổi tiếng mà tôi ngưỡng mộ đã đánh giá tác phẩm ngang hàng với "Trại súc vật", là một tiểu thuyết ngụ ngôn của George Orwell, xuất bản 1945. 

Tôi háo hức bằng mọi cách tìm đọc cho bằng được. Tính tôi là thế, trong thời buổi văn hóa đọc xuống cấp. Sự đọc buộc phải lựa chọn, vì sức lực và thời gian có hạn. Vì thế, cứ tác phẩm đạt giải, những tác phẩm chọn lọc, những tác phẩm nổi tiếng trên cõi mạng... là tôi tìm đọc. CÕI NHÂN GIAN cũng nằm trong số đó.

Qua một nhà văn tôi yêu, tôi mượn đọc và tôi đã ngấu nghiến tập đầu. Sau các tập sau, tôi cố gắng đọc. Những tập cuối, tôi thường đoán trước kết cục rồi mới đọc như để kiểm chứng. Cuối cùng tôi đã nắm được toàn bộ nội dung của “Cõi Nhân Gian”, không cần đọc hết.

Tôi làm nghề "thợ hồ", nên thường nhìn tác phẩm văn chương như một công trình kiến trúc. Phải nhìn kỹ và nhìn từ nhiều góc: Mặt đứng, mặt bên, mặt sau, mặt cắt và các chi tiết...

Văn học phản ánh khách quan đời sống xã hội. Nó cũng như nghề "thợ hồ". Nghĩa là phải trung thực, khách quan, cân đối dung lượng xấu và tốt, đặc biệt tính ưu việt. Trong công trình xây dựng, tính ưu việt là ở cái đẹp tổng thể. Trong văn chương, tính ưu việt là giá trị nhân văn. Với tôi, góc nhìn để viết “Cõi Nhân Gian” còn thiếu đa dạng, thiếu bao quát. Tác giả mới nhìn thấy "mặt sau", "khu phụ" của công trình. Khu phụ đó là chuồng heo, khu vệ sinh, buồng tắm... còn chi tiết về "mặt đứng", mặt "phối cảnh"... của công trình, thì tác giả chưa ngó đến. Hoặc có ngó sơ sài. Tấm huy chương còn có mặt gồ ghề, tờ giấy lộn vô cùng quý khi "quận công" ngoài ý muốn. Ở đây, “Cõi Nhân Gian” đã rất giỏi khi phản ánh trung thực, cận cảnh được "mặt trái - mặt sau" của xã hội. Nó thời sự đến mức mà những ai quan tâm đến báo chí, không gían mạng là nghĩ ngay đến các sự kiện chính trị đã xảy ra, trong đời sống hàng ngày. Ví như ông nguyên chủ tịch thành phố Hà Nội H.V. N khi mới lên chức Chủ tịch, tết đã nộp vào kho bạc Nhà nước mấy tỷ tiền phong bì. Cũng được “Cõi Nhân Gian” đưa vào. Cái tài của tác giả là đã kết cấu được mặt trái, tiêu cực, xấu xa của xã hội vào trong “Cõi Nhân Gian”, thành cốt truyện khá nhuyễn. Nhưng, các nhân vật thì "bội thực" về tính xấu, về tiêu cực, bội thực tham, sân, si. Thay vì, các nết xấu ấy, anh rải ra, chia đều cho các nhân vật, mỗi người một ít. Rải ra ở khắp các nghành, nghề trong xã hội như thực tiễn. Thì ở đây, tác giả lại chất đầy cho một số nhân vật trong tác phẩm. Đọc cuốn sách, chỉ thấy ngập ngụa những tình, tiền, lừa đảo, bệnh hoạn, dối trá... mà khó lòng thấy được "nết tốt - chất nhân văn" của nhân vật.

Gấp cuốn sách tôi chỉ lẩm nhẩm "chuyện này mình cũng đã biết qua báo đài. Không mới". Không có tình tiết bất ngờ, mới mẻ đến thổn thức hay "vỡ òa".

Thừa nhận, trong dòng chảy của xã hội đương thời. Các mối quan hệ Tình - Tiền là có thật. Nhưng vẫn còn đó, những nhân sỹ, trí thức yêu nước. Những nhà văn - chí sỹ, sẵn sàng tù tội. Họ bỏ hết chức quyền danh lợi, tranh đấu vì nhân quyền, tự do. Vẫn còn các quan chức "mê muội, bấu víu", nhưng họ vẫn mẫn cán, vì dân, vì nước.  Còn đó, nhiều nhà từ tâm, mải mê làm việc thiện, nhiều tấm gương hy sinh vì đồng loại. Những doanh nhân, người lao động chân chính không ít. Tôi gọi họ là "mặt tiền, mắt cắt" của “Cõi Nhân Gian”! Sao không có trong cuốn sách "CÕI NHÂN GIAN"?

Các tình tiết "yêu", "phong bì" "dự toán ma"... lặp đi, lặp lại khá giống nhau. Nói theo ông Đinh Văn Chinh là "nhai cơm nguội" rất nhiều. Nói thẳng còn cà con kê, dưa cà rau muống...

Lao Ái, kẻ dựng nghiệp bằng "năng lực đàn ông". Cũng chỉ ngủ với Triệu Cơ, tôi chưa biết Lao Ái ngủ với người đàn bà nào ngoài Triệu Cơ? Ở đây, Thiện Hương ngủ với mọi người đàn bà. Từ người tình của sếp (Thảo), đến "con thầy" như cô Hoan. Từ vợ kẻ thù - bà San, đến cả em dâu (Thanh). Từ gái bụi đời như cô Vân bán thịt heo đến Lan gái làng chơi (người yêu cũ). Rồi đến tất cả các "tinh hoa, trí thức" như: Thụy An, Loan, Tú (chánh phó sở). Các nhân vật nữ ấy đều lên giường một cách đầy thèm khát nhục dục với Thiện Hương. Điều này, tôi thấy khó tin. Hoặc anh Thành không thuyết phục được tôi tin. Tôi cũng là gã đàn ông đa tình, tai tiếng trong lĩnh vực tình ái. Nhưng chưa bao giờ có cảm xúc để "yêu" được cùng một thời điểm với hai người đàn bà. Một cuộc tình trôi qua, với bao thăng trầm vui buồn thù hận. Chỉ khi kết thúc rồi, dù chưa công bố, chưa nói thật với nhau, mới có thể có cảm xúc để làm cuộc yêu với người tiếp theo. Một lúc, có thể yêu hết người này rồi sang người khác, đó là "con giống", chứ không phải con người. Dù đồi bại đến đâu, dù thể chế nào, thì một chàng thi sỹ, trí thức "tiến sỹ" không dễ dàng làm "con giống" được!

Chí Phèo neo được vào thời gian, lòng độc giả chỉ một câu nói: "Ai cho tôi lương thiện?". Vị nhà thơ trí thức Thiện Hương liệu có neo được vào lòng độc giả như thế không? Nếu chỉ bằng thành tích ngủ với nhiều đàn bà? Có neo được bằng phong bì nhiều trăm, ngàn đô và rượu ngoại không? Bằng đồng hồ Thụy Sỹ, ô tô đắt tiền không?

"Đường thẳng nằm trong một đường cong không còn là đường thẳng". "Nhân tri sơ tính bản thiện". Tham, sân, si là có thật. Nhưng không phải là tất cả. “Cõi Nhân Gian” đã không nói được nguyên nhân sâu xa làm hư hỏng con người, đường thẳng thành đường cong. Là do "vòng tròn - thể chế". Nói thẳng, chính cơ chế này, đã biến những người tốt thành người xấu. Người thiện thành bất lương. Cơ chế "xin cho", "bán mua", "cung cầu" đến cả quyền lực. Con người, khi được đưa vào cỗ máy quyền lực, đem theo tham, sân si thì quyền càng to, sức hấp dẫn của vật chất với họ càng lớn. Tôi cũng không từ chối được, khi đối tác ném vào mặt một mớ tiền. Giá như thể chế không đẻ ra sự dễ dãi, thì con người sẽ không dễ bị hư hỏng. “Cõi Nhân Gian”, không dám đụng đến "nguyên nhân" của bệnh tham, sân, si. Mà chỉ đưa ra những liệt kê, điều mà hàng ngày báo đài cũng đã nói nhiều, ai cũng biết cả rồi.

  Một số tác phẩm của một số nhà văn nổi tiếng bị cấm "xuất bản" gần đây. Vì họ dám nói thẳng căn bệnh "vòng tròn - thể chế". Tác phẩm của họ bị cấm xuất bản trong nước, nhưng họ chọn được xuất hiện ở chỗ khác. Bạn đọc, và nhân dân vẫn mang ơn họ. Phải nói, người đọc rất tinh vi. Khen chê của họ xuất phát từ chính hiện thực đời sống về nhu cầu đấu tranh giữa thiện và ác mà nhà văn đã thay họ trình bày trong tác phẩm. Chứ họ không biết lái bẻ cảm xúc, hay lựa bút theo kiểu "dĩ hòa vi quý", "cứ khen cho chết" của một số nhà báo, nhà phê bình được.

   Chiến tranh và Hòa bình, cuốn sử thi nổi tiếng của Lev Tostoy với 500 nhân vật, trong đó 100 nhân vật chính. Cũng đủ các cung bậc tham, sân, si. Nhưng còn đó nàng Natasha, một phụ nữ có cốt cách dân tộc Nga: Thủy chung, yêu đời, phóng khoáng, giàu đức hy sinh. Tôi không tìm thấy, một điển hình nào về phụ nữ Việt trong “Cõi Nhân Gian” thì thật đáng buồn. Nhân vật Minh (vợ trước), Vy (vợ sau) của Thiên Hương thì có quá ít. Không "đủ đô", để có được ấn tượng ghi nhớ trong lòng bạn đọc. Cũng không tìm thấy bất kỳ một biểu tượng văn học nào trong hằng nghìn trang sách. Thế mà tác giả lại dễ dãi phong tấn “Cõi Nhân Gian” là "Trường thiên tiểu thuyết". Như thế có chủ quan quá không? Giá như cứ gọi là tiểu thuyết dài tập thì hay hơn. Còn "trường thiên" hay "đoản thiên". Để thời gian và bạn đọc họ xướng. Nếu họ thích.

Trong các cuộc giao lưu với bạn văn, cả những nhà văn tên tuổi. Tôi thường rụt rè thăm dò "anh, chị/ em, bạn đã đọc “Cõi Nhân Gian” chưa?". Thì tôi đã nhận được các câu trả lời: "Rồi, đọc một cuốn biết cả 4 cuốn. Có tính hiện thực cao"; "không có chất văn”, “con cà, con kê, tình tiết lặp lại quá nhiều". "Anh không thích, dài dòng văn tự. Chỉ đáng hai cuốn là đủ...". "Anh chả đọc, vài câu chuyện trên mạng của Nguyễn Phúc Lộc Thành anh có đọc, và từ đó anh biết được tác phẩmCõi Nhân Gian”". "Toàn các sự kiện báo đài đã nêu, chả có gì mới"! 

Vâng, tôi cùng quan điểm với các anh/ chị về những nhận định đó. Tôi còn thấy vô duyên và nhạt nhẽo khi tác giả trích rất nhiều đoạn thơ lục bát. Các bài thơ 68 dài dòng này đã xuất bản trong "Giấc mơ Sông Thương". Anh lặp lại của thời sự báo đài, dư luận thì được, nhưng anh lặp lại chính mình để làm gì? Điều ấy chỉ khiến cho những sáng tạo vốn dĩ ít ỏi của anh bị lu mờ đi.

Văn chương thực sự cần chiều sâu, tính điển hình, sự tìm tòi, mới lạ. Đặc biệt phải có "nhân văn" và đấu tranh giữa CHÍNH - TÀ, THIỆN - ÁC, TỐT - XẤU. Trong “Cõi Nhân Gian”, còn thiếu các tình tiết đó. Chỉ có dày đặc là những xung đột, những thủ đoạn giữa cái KHỐN NẠN này với cái KHỐN NẠN khác, tạo ra những cái KHỐN NẠN tột cùng. Tác phẩm hay, không cầu nệ số lượng dài hay ngắn!

Trên đây, là góc nhìn của tôi. Một bạn đọc của “Cõi Nhân Gian”. Có thể, tư duy, hiểu biết của tôi chỉ đến vậy. Tôi rất muốn có ý kiến phản biện từ chính tác giả và những bạn đọc khác. Nhưng phải văn hóa và trên tinh thần tôn trọng nhau. Không miệt thị, hay xúc phạm nhau. Góc nhìn này, là quan điểm cá nhân tôi. Xin lỗi tác giả, nếu có gì đó tôi nói không cùng quan điểm thì hãy nghĩ rằng "trình ông ấy (là tôi) chỉ được có thế!”

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài viết của (về) tác giả Đinh Sỹ Minh0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*

ĐINH SỸ MINH

Địa chỉ: 699 Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội.

Email: dinhsyminh0501@gmai.com

 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 11.08.2023.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét