MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

‘CÒN CÓ AI NGƯỜI KHÓC TỐ NHƯ’, MỘT MÓN LẨU THẬP CẨM - Tác giả: Đặng Văn Sinh (Hải Dương)

 


‘CÒN CÓ AI NGƯỜI KHÓC TỐ NHƯ’,

MỘT MÓN LẨU THẬP CẨM

*

(Tác giả Đặng Văn Sinh)

Chẳng cần suy nghĩ nhiều, chúng ta cũng hiểu được, tác giả lấy cảm hứng từ câu kết trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” (讀小青記) của Nguyễn Du “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (天下何人泣素如) làm tựa đề cho cuốn sách vừa được ra mắt rất hoành tráng tại Hà Nội.

Ngoài bìa sách, Võ Bá Cường ghi là “tiểu thuyết”, nhưng vì nội dung lại viết về giai đoạn Nguyễn Du từ kinh thành Thăng Long về sống ở quê vợ ở làng Hải An, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam Hạ, cho nên người đọc nghĩ ngay đến thể loại tiểu thuyết lịch sử. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, bìa cứng, khổ 15 x 23 cm, dày 255 trang, nếu cộng cả bài giới thiệu của ông Ngô Đông Hải, bài “tựa” của ông Văn Chinh và bài phê bình của ông Bùi Việt Thắng là 296 trang. Nội dung “Còn có ai người khóc Tố Như” chia làm hai phần, Phần một: “Sóng Bạch Lãng”, Phần hai: “Phong Nguyệt Sào”. Tổng cộng 16 chương, mỗi chương được đặt tên bằng một câu thơ, trong đó có cả thơ của chính tác giả.

Cầm cuốn sách có cái bìa rất đẹp, một cái tên khá ấn tượng, sau khi lướt qua bài giới thiệu về tác giả và tác phẩm bằng những lời có cánh của ông bí thư tỉnh ủy Thái Bình, tôi thầm nghĩ, chắc chắn đây là tác phẩm văn chương đích thực. Mà đã là văn chương đích thực thì kiểu gì cũng phải đọc để xem nhà văn Võ Bá Cường gửi đến độc giả những thông điệp gì mới về đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng rồi, càng đọc tôi càng thất vọng, không phải tác giả đề cao Nguyễn Du mà chính là hạ thấp nhân cách văn hóa Nguyễn Du qua những trang văn đầy khuyết tật của một người có kiến văn hạn hẹp.

Trước hết, tôi dám khẳng định, “Còn có ai người khóc Tố Như” không hoàn toàn thuộc thể loại tiểu thuyết hư cấu, nói một cách hình ảnh, đó là thứ sản phẩm đầu Ngô mình Sở, thêm chút gia vị “tình yêu” mùi mẫn có thể qua mắt một số bạn đọc dễ tính nhưng không thuyết phục nổi các nhà tiểu thuyết lịch sử cũng như giới phê bình học thuật.

Nói thật lòng, tôi không khuyến khích bất cứ ai đọc cuốn sách này, nhưng nếu đã chót đọc, sẽ không khó khăn gì để các bạn nhận ra, nó vừa là sản phẩm của loại tiểu thuyết hư cấu rẻ tiền, vừa mang đậm đặc trưng thể loại dã sử, lại vừa có bóng dáng của một công trình biên khảo ở cấp độ câu lạc bộ phường. Sở dĩ có điều bất cập này là bởi Tố Như quá vĩ đại. Trong khi ấy, người viết lại hiểu biết rất hạn chế về tác giả “Đoạn trường tân thanh” mà bút lực non yếu, cho dù có lòng thành cũng lực bất tòng tâm.

Thất bại đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này là Võ Bá Cường đã tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Nguyễn Du một cách chủ quan, hời hợt dẫn đến việc định vị mười năm tránh nạn ở quê vợ Thái Bình là sai với sự thật lịch sử được ghi chép trong gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Ở phần TÁM (Tâm sự cùng ai giãi tỏ), Võ Bá Cường khẳng định: “Nguyễn Du về đây (Phong Nguyệt Sào) sau khi ở tù ra (1796) tính đến năm ấy là 30 tuổi. Hai năm đầu ở Hải An cuộc đời dâu bể, rồi có nhiều thay đổi. Sự đổi thay bắt đầu từ Huệ” (tr. 135). Đây cũng chính là mốc lịch sử để tác giả viết được 10 chương về mối tình của Nguyễn Du với cô em gái Đoàn Nguyễn Tuấn là cho đến khi hai người cưới nhau. Và cũng trong mười chương ấy, tác giả sử dụng thủ pháp hồi ức kể về hành trạng Nguyễn Du trong chuyến đi giang hồ cùng Nguyễn Đăng Tiến sang Trung Quốc. Tiếp đến là sự kiện Nguyễn Du bị tướng Tây Sơn bắt, phải ngồi tù mấy tháng vì tội trốn vào Gia Định phò Nguyễn Ánh. Thậm chí có lúc tác giả còn để cho Nguyễn nhớ lại những năm tháng từng ra làm quan với triều đình nhà Nguyễn, lúc viết “Văn tế thập loại chúng sinh”, lúc lại xướng họa với nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay gặp lại nàng Cầm ở kinh thành Thăng Long.

Có thể nói, Võ Bá Cường đã sử dụng phương pháp “đẽo chân cho vừa giày” để viết “Còn có ai người khóc Tố Như” bất chấp sự thật lịch sử. Nói có sách, mách có chứng, tôi nêu ra vài chi tiết trong cuốn gia phả mà họ Nguyễn Tiên Điền vẫn đang lưu giữ để bạn đọc tham khảo. Cuốn gia phả đã được Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào tháng 6 năm 2016 do Giáo sư Tiến sĩ Mai Quốc Liên, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học chủ biên, Nguyễn Thị Bích Đào phiên âm, biên dịch và khảo cứu. Riêng phần về Nguyễn Du được ghi chép như sau:

- Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Du kết hôn với con gái thứ sáu cụ Đoàn Nguyễn Thục là Đoàn Thị Huệ ở làng Hải An, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam Hạ. Cũng năm này, ông được tập ấm chức quan võ Chánh thủ hiệu Thái Nguyên của người cha nuôi họ Hà.

- Tháng 7 năm cùng năm, Nguyễn Điều (anh Nguyễn Du) qua đời.

- Tháng 9 năm cùng năm, Nguyễn Khản bị bệnh mất ở Thăng Long.

- Năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Du đưa con trai Nguyễn Tứ về Tiên Điền, kết thúc cuộc đời lưu lạc mười năm gió bụi.

- Năm Quý Hợi (1803), Nguyễn Du được cử lên ải Nam Quan tiếp sứ đoàn nhà Thanh sang phong vương cho vua Gia Long.

- Mùa thu năm năm Giáp Tý (1804, Nguyễn Du cáo bệnh xin về quê nhưng chỉ được hơn ba tháng lại có chỉ triệu vào Kinh. Nguyễn Nễ cũng được triệu vào Kinh.

- Ất Sửu (1805), Nguyễn Du được phong Đông các Đại học sĩ, hàm ngũ phẩm, tước Du Đức hầu, nhậm chức và làm việc tại kinh đô Phú Xuân. Nguyễn Đề (em Nguyễn Du) qua đời.

- Năm Đinh Mão (1807), Nguyễn Du được cử làm Giám khảo thi Hương tại Hải Dương.

- Năm Mậu Thìn (1808), Nguyễn Du xin về quê nghỉ, được vua ban tiền và gạo

- Năm Kỷ Tỵ (1809), Nguyễn Du được bổ làm cai bạ Quảng Bình.

Năm Quý Dậu (1813), tháng hai, Nguyễn Du được thăng Cần chánh Điện học sĩ, rồi có chỉ sai làm Chánh sứ tuế cống, cùng với các ông Phó sứ là Đàm Ân Hầu, Thiêm sự Bộ Lại và Phong Đặc Hầu, Thiêm sự Bộ Lễ, đi sứ Trung Quốc.

- Tháng Tư năm Giáp Tuất (1814), Nguyễn Du cùng Đoàn sứ bộ trở về Kinh”...

Như vậy, qua những tóm tắt về niên biểu Nguyễn Du, chúng ta không thấy chỗ nào ghi chép những năm ông đi giang hồ Trung Quốc trước khi được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh triều cống vào năm Giáp Tuất.

Với Võ Bá Cường, có vẻ như thời gian, không gian lịch sử vốn là những đại lượng đã “đóng băng” chẳng mấy quan trọng trong quá trình triển khai tác phẩm của mình. Bằng vào sự tùy hứng không tiền khoáng hậu, ông tha hồ xáo trộn thời gian, không gian theo sự tưởng tượng bay bổng miễn là đạt đến mục đích cuối cùng bất chấp mọi phương tiện. Thế cho nên mới xảy tình trạng tiền hậu bất nhất. Ngay phần mở đầu, tác giả đã vẽ ra cảnh tiễn đưa Nguyễn Du rất long trọng. Ngay phần mở đầu, tác giả đã vẽ ra cảnh tiễn đưa Nguyễn Du rất long trọng. Chiêu Bảy từ dinh thự Nguyễn Khản ra sông Cái về Sơn Nam Hạ bằng chiếc thuyền lớn treo rèm cửa hồng, nhiều gia nhân đi theo, lại có cả nàng Xuân Lan tặng đàn tỳ bà, có rượu, hòm sách và những thứ gia dụng nhà quan nữa. Ấy vậy mà, sau chuyến hành trình trên sông nước, thời gian nhiều lắm chừng nửa tháng, thuyền về đến làng Hải An, huyện Quỳnh Côi, đám gia nhân biến mất vô tăm tích.

Hơn thế nữa, tại thời điểm Nguyễn Du về Sơn Nam Hạ, thực chất là cuộc chạy loạn vì lúc ấy triều đình Lê - Trịnh đã đổ, dinh thự Nguyễn Khản ở phường Bích Câu bị kiêu binh đốt phá. Phần lớn đại thần và tướng lĩnh quân đội rút khỏi Thăng Long về các trấn. Theo gia phả, năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Du được tập ấm chức quan võ của người cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Sau khi biết tin Nguyễn Khản chết, ông chạy về quê vợ từ Thái Nguyên chứ không phải từ Thăng Long.

Một chi tiết nữa cũng cần được bàn đến là quan hệ giữa Nguyễn Du và Đoàn Thị. Vì để “thơ mộng hóa” mối tình “trai anh hùng gái thuyền quyên” nặng mùi cải lương này mà tác giả quên đi một chi tiết quan trọng. Đó là tuổi tác của hai người. Ở thời phong kiến không có chuyện một sinh đồ tài hoa, dòng dõi danh gia thế phiệt như Chiêu Bảy mãi đến năm ba mươi mốt tuổi, nghĩa là đã quá ngưỡng “tam thập nhi lập” mới cưới vợ. Còn cô tiểu thư xinh đẹp như Đoàn Thị Huệ, cũng thuộc hàng vọng tộc chẳng thể “khóa xuân phòng” đến hai bốn, hai mươi lăm tuổi mới xuất giá trong khi năm chị gái đã yên bề gia thất?

Nếu bạn đọc chú ý một chút sẽ nhận ra, Võ Bá Cường có vẻ khoái mấy danh xưng “Bạch Lãng” và “phong Nguyệt Sào”. Hai danh từ này được tác giả nhắc đi nhắc lại với tần suất rất cao nhưng thực chất lại không mấy ăn nhập với nội dung văn bản. Quả thật, tôi không hiểu, quê bà Trần Thị Tần, thân mẫu Nguyễn Du là làng Hoa Thiều, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc, thế mà từ đầu đến cuối Võ Bá Cường đều viết là “Thiều Hoa”. Liệu đây có phải là sự nhầm lẫn cố ý? Lại nữa, trong khi lênh đênh trên sông nước về Hải An, nhất là lúc từ sông Cái rẽ vào sông Bạch Lãng, tác giả có nhiều đoạn miêu tả về vẻ đẹp mơ màng của con sông này bằng những từ ngữ vô cùng sến sáo nhưng lại không hề tương thích với tâm trạng Chiêu Bảy mỗi khi ông nghĩ về mẹ. Hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược này chẳng khác gì câu thơ “Gió theo lối gió mây đường mây” của Hàn Mặc Tử.

Vì không có sự nghiên cứu nghiêm túc về tư liệu, cũng như điền dã thực địa, lại quá lệ thuộc vào những thông tin sai lệch trong trang từ điển mở (Wikipedia), Võ Bá Cường không tiếp cận được những điểm cốt lõi trong tư tưởng Nguyễn Du. Ông biến Nguyễn Du thành người phát ngôn cho những triết lý vụn vặt nông cạn của mình, vô hình trung hạ thấp tầm vóc Tố Như.

Và cũng bởi không nhận thức được sự dịch chuyển tư tưởng của một Du Đức hầu, hàm quan Á khanh trong triều đình Gia Long đến Nguyễn Du thi sĩ với những trước tác như “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”, “Văn tế thập loại chúng sinh” và đặc biệt là “Đoạn trường tân thanh”, Võ Bá Cường đã chọn một đề tài dễ viết nhất là tình yêu nam nữ. Đây là mảnh đất đủ rộng cho người viết tha hồ hư cấu, thỏa sức gia tăng chất độn bằng những đoạn rẽ nhánh con cà con kê để tăng số lượng trang. Vì thế, chẳng có gì lạ, chỉ riêng câu chuyện Nguyễn Du sắp cưới Đoàn Thị mà tác giả kéo dài ra đến bốn, năm chương với hơn trăm trang.

Nhằm hợp lý hóa hành trạng Nguyễn Du sau khi từ Thăng Long về Phong Nguyệt Sào, Võ Bá Cường vẽ ra chuyến giang hồ tưởng tượng của ông cùng Cai Gia Nguyễn Đăng Tiến sang Tàu ba năm với cuộc đưa tiễn của Đoàn Thị cực kỳ cảm động. Và cũng bởi cuộc hành trình này, Chiêu Bảy mới có cơ hội gặp Đoàn Nguyễn Tuấn nhân đó tìm được “Kim Vân Kiều truyện” và “Hồng Lâu Mộng”.

Xét về cấu trúc tổng thể, phần văn bản chính “Còn ai người khóc Tố Như” là 255 trang nhưng không hoàn toàn thuộc thể loại tiểu thuyết như quan niệm của người đọc xưa nay. Nói chính xác, nó là một văn bản kết hợp của nhiều loại hình, trong đó bao gồm tiểu thuyết hư cấu, truyện danh nhân văn hóa và công trình biên khảo. Nếu tính chất dã sử thể hiện khá rõ từ Chương một đến Chương mười bốn, thì Chương mười lăm và Chương mười sáu (bao gồm cả Vĩ thanh) lại nặng về thao tác biên khảo mặc dù cách trình bày còn sơ lược và lởm khởm. Tuy nhiên, ngay cả phần gọi là tiểu thuyết, Võ Bá Cường cũng chèn không ít đoạn trích dẫn, bình giá về sự nghiệp và sáng tác của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhiệm, Đoàn Nguyễn Thục, Đoàn Nguyễn Tuấn…, bằng thứ văn khẩu ngữ mà mỗi khi đọc lên ta không thể hiểu ngay tác giả muốn nói gì. Đã thế, người viết còn sính điển cố và từ Hán - Việt. Ông không ngại “kể lại” những giai thoại về các nhân vật lịch sử cổ đại Trung Quốc như Bá Nha, Tử Kỳ, Khuất Nguyên…, để chứng tỏ mình là người thông kim bác cổ, nhưng thực chất chỉ hiểu một cách lờ mờ.

Chính sự ôm đồm ấy đã báo hại Võ Bá Cường, bởi hầu hết những điển cố Hán học tác giả đưa ra nếu không sai với nguyên tác thì cũng thiếu chính xác làm rối loạn nhận thức của người đọc. Từ đó người đọc có quyền đặt câu hỏi về năng lực cầm bút và kiến văn của tác giả. Nếu thống kê chính xác, nhưng lỗi thuộc loại này có đến hàng trăm, chỉ xin dẫn một số câu văn, đoạn văn điển hình để bạn đọc giám định.

 

VĂN BẢN TIỂU THUYẾT LỘN XỘN, CÁC DỮ LIỆU LỊCH SỬ THIẾU CHÍNH XÁC

1/ “Chiều thu muộn, Nguyễn Du - chàng thanh niên anh tuấn phong lưu, sắc độ vừa đi ngắm cảnh chùa Thầy về. Lòng chàng bộn rộn, ngẩn ngơ bởi sắp phải xa nơi sinh Bích Câu. Đời Nguyễn Du có nhiều cuộc đi, lúc ra làm quan, lúc được bổ nhiệm làm tri huyện, lúc đi Thái Nguyên, lúc đi sứ Trung Hoa, lúc đi hộ giá, lúc học võ, lúc ngồi tù…” (Tr. 18).

Nhận xét: Lúc ấy đang thời Tây Sơn, Nguyễn Du chạy loạn về quê vợ mà đã nhớ lại thời kỳ ra làm quan với nhà Nguyễn rồi đi sứ Trung Hoa thì lạ thật?

2/ “Gió thổi, đường thơm hoa sữa tràn vào dinh thự Nguyễn Khản”, “nhớ quả sấu rụng trên mái cổ, nhớ mùi nồng thơm hoa sữa” (Tr. 18)

Nhận xét: Hoa sữa có nguồn gốc từ nước ngoài được người Pháp đưa vào trồng sau khi họ chiếm thành Hà Nội lần thứ hai (1882). Trước đó Thăng Long chỉ trồng các loại cây như cây hòe, hiện vẫn còn một phố cũ “Hòe Nhai” (Phố Hòe).

3/ “Nguyễn đã thoáng thấy mầu hoa ấy trong Hồng Lâu Mộng (Tr. 20)

Nhận xét: “Hồng Lâu Mộng” (Thạch Đầu Ký) do Tào Tuyết Cần viết, in lần đầu vào năm 1754 chỉ có 80 hồi mang tựa đề “Chi Nghiễn Trai trùng bình Thạch đầu ký”. Sau khi Tào Tuyết Cần qua đời, Cao Ngạc viết tiếp 40 hồi, đến bản in năm 1791 cuốn sách mới đổi tên thành “Hồng Lâu Mộng”. Vào những năm 1792 – 1793, “Hồng Lâu Mộng” được in trọn ven và phát hành rộng rãi trong dân gian. Về mặt chính thống, triều đình nhà Thanh coi “Hồng Lâu Mộng” là “dâm thư”, đã từng bị cấm in, cấm đọc. Trong khi ấy, mãi đến năm 1813 Nguyễn Du mới cầm đầu sứ bộ Đai Việt sang triều cống nhà Thanh, vậy làm sao có được cuốn sách này sớm như vậy?

5/ “có chăng cậu Bảy luôn chăm chút mấy cái tráp the đen đựng sách vở, giấy bút trong đó có bản chữ Hán “Đoạn Trường Tân Thanh” của Thanh Tâm Tài Nhân” (Tr. 30).

Nhận xét: “Đoạn Trường Tân Thanh” của Thanh Tâm Tài Nhân”, Vì sao Võ Bá Cường lại lẩm cẩm đến như vậy nhỉ?

6/ “Gươm đàn nửa gánh giang sơn một chèo” (Tr. 32)

Nhận xét: Tác giả tùy tiện sửa chữa thơ Nguyễn Du mà không một lời giải thích.

7/ “Mặc dù ta đã có “Văn tế thập loại chúng sinh” - “Tiền thi tập - “Hậu thi tập” cũng đã đủ ở với đời” (Tr. 38)

Nhận xét: Lúc này Nguyễn Du đang lánh nạn ở Hải An, Quỳnh Côi, chưa ra làm quan với nhà Nguyễn mà đã có những thi tập trên thì quả là kỳ lạ. “Tiền thi tập - “Hậu thi tập” là những tập thơ gì?

8/ “Nàng nhìn thấy sương Hồ Tây, mây bút tháp và nàng cười nói với Nguyễn” (Tr. 39); “Ba chữ “Tả thanh thiên” là sao? Viết gì lên trời xanh ấy đều nhờ hậu thế cả” (Tr. 179).

Nhận xét: Tác giả không hiểu gì về cụm công trình văn hóa đền Ngọc Sơn. Mãi đến năm Ất Sửu (1865), Án sát đương nhiệm Đặng Huy Tá cùng Án sát về hưu Hà Nội là Nguyễn Văn Siêu mới đứng ra trùng tu đền Ngọc Sơn và xây thêm Trấn Ba Đình, cầu Thê Húc, Đài Nghiên và Tháp Bút. Trước năm Ất Sửu (1865) đã làm gì có?

9/ “Qua thăng trầm của bản thân, nay tôi ngẫm lại hai lần vứt bỏ công danh. Biết từ bỏ cái bả vinh hoa tránh được nỗi ngao ngán trong lòng. Tôi tự đi tìm tĩnh lặng” (Tr. 40)

Nhận xét: Lúc ấy Nguyễn Du đang trên đường từ Thăng Long về quê vợ cùng với một số gia nhân chạy loạn Tây Sơn, vậy mà đã hai lần ông vứt bỏ công danh? Võ Bá Cường đã cho Nguyễn Du bay đến tương lai bằng con tàu vũ trụ với tốc độ ánh sáng chăng?

10/ Có người bảo sông Tương có ở bên Tàu, mỗi dòng sông đều có lịch sử, sông Tương có nguyên bài thơ của Vương Hãn tả cảnh Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha đi hành thích Tần Thủy Hoàng:

Quân tại Tương giang đầu,

Thiếp tại Tương giang vĩ.

Tương tư bất tương kiến,

Đồng ẩm Tương giang thuỷ”.

(Chàng ở đầu sông Tương

Thiếp ở cuối sông Tương

Thương nhau mà chẳng gặp

Cùng uống nước sông Tương)

Nhận xét: Đúng là dốt hay nói chữ. Không có một Vương Hãn nào làm thơ tặng Kinh Kha mà chỉ có Kinh Kha đọc hai câu thơ từ biệt Cao Tiệm Ly: “Phong tiêu tiêu hề, Dịch Thủy hàn/ Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn” (風蕭蕭兮易水寒,壯士一去兮不復還). Còn bài thơ này là “Trường tương tư” hay “Tương Giang oán” của Lương Ý Nương, một cô gái trẻ thời Hậu Chu (907 – 959) làm vào thời kỳ tình yêu của nàng bị cha mẹ chia rẽ. Phần trích dẫn trên chỉ là một đoạn trong bài thơ đó.

11/ “Nguyễn ôm lòng nhớ nết mẹ, lời anh tự kêu than: “Bạch Lãng có hiểu lòng ta hay làm tan nát lòng ta?” Nguyễn tung mũ áo quan xuống dòng Bạch Lãng: “Từ nay ta từ bỏ cái danh hão như chiếc nồi đất dễ vỡ về với Phong Nguyệt Sào” (Tr. 56); “Thưa ngài: Vãn sinh có dám tham quyền đâu? Là con tể tướng, đã tung mũ áo vua ban trên dòng sông Bạch Lãng. Thứ vua ban ấy cho trôi theo dòng nước ra cửa biển để về Phong Nguyệt Sào tu chí học hành khởi thảo Truyện Kiều” (Tr. 171)

Nhận xét: Lúc ấy Nguyễn Du đang chạy loạn về Sơn Nam Hạ, đã ra làm quan với Nhà Nguyễn đâu mà vứt mũ áo xuống sông, hơn nữa, Nguyễn Du chưa đi sứ sang nhà Thanh làm sao có cuốn “Kim Vân Kiều truyện”?** Nên nhớ rằng, Nguyễn Ánh mãi đến năm1802 mới lên ngôi vua.

12/ “Trong ‘Nam trung tạp ngâm’ Nguyễn viết những ngày đầu ra làm quan cho nhà Nguyễn, mơ nhớ lại thời trẻ đi hái sen ở Tây Hồ cùng một cô gái nhà ở ngay ven Hồ tính tình ‘nghịch vui’ giống hệt họ Hồ” (Tr. 66); “Năm 1813 Hồ Xuân Hương có bài ‘Cảm cựu’ bằng chữ Nôm gửi chàng Chiêu Bảy. Bốn câu sau nàng ‘hờn mát’ trong số kiếp ‘Mừng cho bạn ngựa xe tấp nập/ Tủi phận mình hương phấn long đong” (Tr. 66); “Năm ấy, cũng vào lúc sóng tình dường đã… Nguyễn từ Quảng Bình vào Kinh nhận chỉ làm Chánh sứ Tuế Cống Trung Quốc. Nhớ Thăng Long, Bích Câu Đạo Quán, vó ngựa gập ghềnh tìm thăm lại chốn xưa. Thăm dinh Nguyễn Khản lòng đau thấy cảnh nhà hoang, sân mốc, cầu xiêu, ghé Khán Xuân Đài tìm nàng Hồ không gặp. Trước ngày lên đường, Nguyễn bỗng nhận được cánh hồng giấy điệp để trên bàn.

Tay tiện lần mở cánh phong tình nhận được bài thơ bát cú cũng viết bằng chữ Nôm cho Nguyễn: Cảm chuyện xưa và trình quan Cần Chánh học sĩ họ Nguyễn…” (Tr. 68).

Nhận xét: Nguyễn Du đang ngồi trên thuyền xuôi dòng sông Bạch Lãng về Quỳnh Hải quê vợ tránh loạn Tây Sơn (1789 - 1811) mà lại hồi tưởng thời kỳ làm quan với nhà Nguyễn rồi xướng họa cùng nữ sĩ Xuân Hương ở kinh thành Thăng Long thì đúng là tác giả có một hệ thời gian riêng, trong đó quá khứ và vị lai đổi chỗ cho nhau!

13/ “Bố mẹ cô (Tám) đều là người có chữ, bốc thuốc giúp người nghèo. Bố dạy cô từng chữ. Nghe đâu đã học đến Luận ngữ. Hàng tháng theo cha vào Phong Nguyệt Sào dự buổi bình văn, luận thơ, học thuật, viết chữ. Nguyễn nghĩ “Họ đã nhận ra chân diện của mình” (Tr. 87); “Khi vào tổ đường nhà bà Nguyễn Thị Lộ tìm hiểu bà Lộ biết bà Lộ đã đọc đến Tứ thư – Ngũ Kinh – Nam sử - Nam dược” (Tr. 101).

Nhận xét: Tác giả liệt kê một mớ hổ lốn tên sách chứng tỏ sự hiểu biết rất hạn chế về những bộ sách này, đồng thời cũng không hiểu gì về quy trình học tập của người xưa. Tứ thư gồm: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ* và Mạnh Tử, trong đó Trung Dung là do Khổng Cấp (Tử Tư), cháu nội của Khổng Tư viết. Ngũ Kinh gồm năm cuốn Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu (đúng ra là Lục Kinh nhưng cuốn Kinh Nhạc đã bị thất lạc). Còn “Nam sử” và “Nam dược” rất khó tóm lược nội dung một cách tổng quát. Ở đây tác giả gộp vào theo logic của thứ văn khẩu ngữ.

14/ “Nguyễn Du ở Thái Nguyên bốn năm, sự nghiệp cũng chẳng đâu vào đâu, thân hành làm cuộc giang hồ với đại lang Đăng Tiến sang Vân Nam gặp bệnh nằm liệt ba tháng xuân. Khỏi bệnh, Du muốn thoát khỏi vòng trần tục đổi thành sư Chí Hiên đi chu du khắp Trung Quốc. Nguyễn coi đó là mười năm cát bụi quê người” (Tr. 117)

Nhận xét: Đọc đoạn này càng thấy tác giả nói trước quên sau, tự mình mâu thuẫn với mình. Ở cuối Chương sáu và Chương bảy, từ trang 112 đến trang 115, Nguyễn Du về Hải An lánh nạn ở nhà Đoàn Thị Huệ một thời gian rồi quyết định sang Tàu. Chuyến giang hồ ba năm này, Nguyễn Du được Đoàn Thị Huệ chu cấp lộ phí. Trong khi đó, từ trang 117 đến trang 121, Nguyễn Du kể lại chuyến đi cùng Nguyễn Đăng Tiến rời An Nam chu du nước Tàu sau 4 năm ở Thái Nguyên (1783 – 1787), được ông hồi tưởng “Mười năm cát bụi quê người” nghĩa là đến năm Bính Thìn (1796) mới hồi hương. Vì sao có chuyện tiền hậu bất nhất như vậy?

15/ “Nguyễn Du về đây (Phong Nguyệt Sào) sau khi ở tù ra (1796) tính đến năm ấy là 30 tuổi. Hai năm đầu ở Hải An cuộc đời dâu bể, rồi có nhiều thay đổi. Sự đổi thay bắt đầu từ Huệ” (Tr. 135)

Nhận xét: Ở đây Võ Bá Cường lại một lần nữa tiền hậu bất nhất. Bởi vì, từ Chương một đến Chương sáu của cuốn sách, từ trang 17 đến trang 133, ông kể lại toàn bộ lịch trình Nguyễn Du rời dinh thự của Nguyễn Khản, xuống thuyền xuôi về làng Hải An (Sơn Nam Hạ) ở nhờ nhà Đoàn Nguyễn Tuấn. Và cũng theo lời kể và cách miêu tả, thì lúc ấy Chiêu Bảy rời Thăng Long theo phong cách của các danh gia vọng tộc thời Lê -Trịnh mà chẳng cần để ý đến dinh thự Nguyễn Khản đã bị kiêu binh đốt phá, gia nhân bỏ đi, còn bản thân Nguyễn Du không nơi tá túc phải trốn về quê vợ Thái Bình. Vậy mà đến Chương tám, “Tâm sự biết cùng ai giãi tỏ” (tr. 135), tự nhiên ông lại viết: “Nguyễn Du về đây (Phong Nguyệt Sào) sau khi ở tù ra (1796) tính đến năm ấy là 30 tuổi”. Từ câu văn ta có thể suy ra, năm 1796, Nguyễn Du trên đường vào Gia Định phò Nguyễn Anh bị tướng Tây Sơn Nguyễn Thận bắt giam ba tháng, sau khi được thả ông mới về quê vợ Thái Bình theo một hành trình ngược từ Nghệ An ra Sơn Nam Hạ. Nếu đúng như thế, thì cuộc chia tay ở Thăng Long và chuyến đi thuyền về Quỳnh Hải vào năm Bính Thìn chính xác là bịa đặt?

16/ “Tám nói cặn kẽ hơn. Vải tốt, thợ may tốt. Huệ cứ lấy số đo cho kỹ, kể cả quần áo Nguyễn Du. Hôm rằm chị đi Thăng Long may cho Huệ” (Tr.140)

Nhận xét: Thời loạn, Lê - Trịnh vừa mất ngôi, quân Tây Sơn chiếm giữ Bắc Hà, giặc cướp hoành hành, các tập đoàn phong kiến cát cứ, xã hội bất ổn, vậy mà một cô gái nhà quê cất công ra tận Thăng Long cách Quỳnh Côi mấy trăm dặm chỉ để thuê thợ may quần áo cưới cho bạn? Vả lại, ngày ấy quần áo đều được may thủ công (bằng cách khâu tay), mỗi làng, mỗi tổng đều có những thợ lành nghề, việc gì phải ra tận kinh thành?)

17/ “Thế cô đi sao được? Có ai ở trên ấy mà ăn nhờ ở đậu. Chị có bà cô ở phố Hàng Ngang, chỗ giáp ngay phía Hàng Đường. Hàng Đường tuy sầm uất nhưng chỉ làm kẹo bột thôi. Có mỗi hiệu chè Chính Thái, kẻ ăn người ở ra vào tấp nập. Tắt một đoạn đã tới chợ Đồng Xuân, chỗ đó thì lộn xộn, hô hoán, xô đẩy, kẻ kêu người khóc bởi những ta dùi cui của đội sếp” (Tr. 140)

Nhận xét: Năm 1889, khi những dấu tích cuối của sông Tô Lịch và hồ Thái Cực bị lấp hoàn toàn, người Pháp mới quy hoạch lại và giải tỏa hai chợ cũ, sau đó dồn tất cả các hàng quán vào khu đất trống của phường Đồng Xuân, tạo thành chợ Đồng Xuân (Wikipedia). Như vậy trước năm Kỷ Sửu (1889) Hà Nội chưa có chợ Đồng Xuân. Các phố ở Hà Nội mang tên “hàng” mãi đến năm Canh Dần (1890) mới có theo một nghị định đăng trên Công báo của Thống sứ Bắc Kỳ ngày 21 tháng 1 năm 1890. Theo nghị định này, Hà Nội lúc ấy có 67 phố và 4 đường, trong đó có 38 phố bắt đầu bằng chữ “hàng”. Như vậy, các nhân vật của Võ Bá Cường có phép nén thời gian, đưa thì tương lai về thì hiện tại gần một thế kỷ nên lúc ấy thành Hà Nội mới có các phố ‘Hàng…’ và đội “sếp”.

18/ “Tôi cho mở lối đường rộng tới 6 mét” (Tr.146)

Nhận xét: Cuối thế kỷ 18, người Việt Nam đã dùng đơn vị đo lường của phương Tây thì quả là tác giả có cái nhìn vượt thời gian).

19/ “Thỉnh lấy người con gái nuôi của họ Phạm sinh ra Đinh Tôn Nhân. Nhân lấy chị gái Lê Lợi sinh ra Đinh Liệt, Đinh Lễ, Đinh Kế. Kế lấy Ngô Tú một gia thần của Lê Lợi và sinh ra Ngô Thị Ngọc Dao - Ngọc Dao sau sinh ra vua Lê Thánh Tông” (Tr. 153).

Nhận xét: Đinh Kế lấy một gia thần của Lê Lợi là Ngô Tú sinh ra Ngô Thị Ngọc Dao, có nghĩa là hai người đàn ông lấy nhau cũng sinh con?

20/ “Đền thờ và tượng nhỏ kia có xứng với người Hàn lâm học sĩ Nguyễn Thị Lộ?” (Tr. 164).

Nhận xét: Bà Nguyễn Thị Lộ chưa bao giờ được phong “Hàn lâm học sĩ” mà chỉ giữ chức “Lễ nghi học sĩ” dạy lễ nghĩa cho các cung nữ và nữ quan trong cung.

21/ “Thường trong cung cấm trí thức ít được trọng dụng. Phan Huy Chú viết ‘Lịch triều hiến chương loại chí’ được vua ban vài lạng hổ cốt, vài gói trà, mấy cây bút lông, đó là nhuận bút” (Tr. 171).

Nhận xét: Phan Huy Chú (1782 – 1840) soạn “Lịch triều hiến chương loại chí” vào thời kỳ 1809 – 1819, vậy mà khi Nguyễn Du ở quê vợ Hải An đã biết công trình biên khảo này trước khi họ Phan viết từ 13 đến 23 năm?

22/ “Cao Bá Quát văn thơ, võ tướng tài danh như vậy đã sinh nhầm thời. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa với nông dân và ‘thọ tử’ ở cuộc đó” (Tr. 178).

Nhận xét: Cao Bá Quát (1808 - 1855) sinh sau Nguyễn Du 43 năm. Khi họ Cao cầm đầu cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, bị triều đình xử tội Nguyễn Du đã chết được 33 năm vì sao ông lại biết rõ hành trạng của Chu Thần?

23/ “Hàng ngày, người Chiềng Hới vẫn gặp Nguyễn Du ở cánh đồng. Ngài đi mót từng bông thóc ở những gốc rạ vụ trước nảy thành cây lúa, đeo bám nhiều hạt thóc, gọi là ‘lúa éo’ về cho vợ vò ra, lấy gạo nấu cơm” (Tr. 215)

Nhận xét: Gia đình họ Đoàn rất đông anh em con cháu. Cụ Đoàn Nguyễn Thục có 7, 8 cô con gái, lại nhiều bạn bè, hàng xóm láng giềng tốt như cô Tám, sao lại để vợ chồng Nguyễn Du nhếch nhác thế nhỉ?

24/ “Có ai bênh vực cho lẽ phải. Ngô Thời Nhậm vì một câu nói thẳng, tố cáo bọn xấu trong đó có Đặng Trần Trần Thường, hắn căm giận thủ dao chờ thời hại kẻ sĩ” (Tr. 221)

Nhận xét: Ngô Thời Nhiệm bị đánh roi ở Văn Miếu chết năm 1803, lúc ấy Nguyễn Du mới ra làm quan, vậy vì sao, vào thời điểm trước năm 1796 (Bính Thìn) ông đã biết vụ án này? Viết như vậy, chứng tỏ Võ Bá Cường không hiểu gì về mối quan hệ giữa Ngô Thời Nhiệm và Đặng Trần Thường, nói khơi khơi như truyện dã sử.

25/ “Không phải giấu. Sợ con đau lòng, mẹ không cho cha nói. Nó là Đoàn Thị Chị - Đoàn Thị Em, hai đứa chị gái con” (Tr. 234).

Nhận xét: Hai cô con gái (yểu mệnh) của Nguyễn Du và Đoàn Thị Huệ vì sao lại mang họ Đoàn? Hình như viết xong, Võ Bá Cường không cần đọc lại bản thảo.

26/ “Năm ấy là năm 1795. Huệ qua đời. Đầu năm 1796 Nguyễn Du dắt con dọc đường xin ăn về quê nội” (Tr. 241)

Nhận xét: Ở trang 135, Võ Bá Cường đã viết Nguyễn Du về Phong Nguyệt Sào năm 1796 (Bính Thìn), vậy mà đến trang 241 ông lại viết năm 1795 Huệ qua đời, năm 1797 (Đinh Tỵ) Nguyễn Du dắt con dọc đường ăn xin về quê nội thì không thể hiểu được cách tính thời gian của tác giả. Hơn thế nữa, Viết truyện lịch sử cần phải tuân thủ một số nguyên tắc trong đó có việc sử dụng lịch Can - Chi vì hàng năm các triều đại phong kiến Trung Quốc đều sai sứ giả sang các phiên bang, trong đó có Việt Nam ban niên lịch vì lúc ấy nước ta chưa sử dụng Dương lịch của phương Tây.

 

TIỂU THUYẾT VIẾT BẰNG KHẨU NGỮ, NHIỀU CÂU VĂN, ĐOẠN VĂN NGÔ NGHÊ

Nếu nói cấu trúc văn bản “Còn có ai người khóc Tố Như” là một thứ tạp pí lù thì văn chương của cuốn tiểu thuyết này hầu hết viết bằng khẩu ngữ. Đã thế tác giả lại kể lể dài dòng, thỉnh thoàng chèn vài đọan triết lý rẻ tiền khiến người đọc cứ như bị trêu ngươi, tức anh ách. Để rộng đường dư luận, tôi lại hiến bạn đọc một số trích dẫn trong nhiều câu văn, đoạn văn khá ngô nghê vì nó mang đậm tinh thần khẩu ngữ trong chính cuốn tiểu thuyết này.

1/ “Bích Câu có con cừ nước xanh, quanh nơi nhà ở của Tể tướng còn có Long Câu Hồ” (Tr.18); Lòng hồ có chỗ được đào rộng ra hàng trăm mẫu đất. Các mỹ nữ, công tử gọi đó là đầu rồng, hàm rồng cũng là chỗ chơi của họ” (Tr. 18)

Nhận xét: Tác giả tả cái gọi là “Long Câu hồ” mà không hiểu (câu) có một hệ nghĩa là cái ngòi, cái rãnh, cái hào. Ở đây tác giả lẫn lộn giữa 碧溝 “Bích Câu” (ngòi nước biếc) với 龍湖 “Long Hồ” (Hồ Rồng) dẫn đến tình trạng các danh xưng không thống nhất và bất hợp lý.

2/ “Nhạc nhã được vang lên từ đó vào những ngày lễ hội hoặc lúc chúa dạo chơi. Những cô gái đẹp như hoa, tay non như mầm cỏ, da trắng như mỡ mùa đông, răng đều như hạt na, hạt bầu, đầu cài trâm dắt lược, lông mày đen thẫm chạy ngang như mày ngài cười duyên, mắt liếc. Họ đứng xếp hàng đẹp như bức tranh, như hoa trong vườn cảnh” (Tr. 19)

Nhận xét: Chưa nói đến đoạn văn lòng thòng dây cà dây muống với những từ ngữ sáo rỗng, chỉ cần nhìn vào các từ “tay non như mầm cỏ”, “nhạc nhã” và “răng đều như hạt na, hạt bầu” ta cũng đã thấy tác giả dùng từ rất tùy tiện không diễn đạt đúng nội hàm khái niệm. Trong cung đình gọi “nhã nhạc” chứ không gọi “nhạc nhã”, còn hạt bầu có răng cưa, hình dáng cong queo và to nhỏ khác nhau không thể làm vật so sánh với hàm răng người con gái đẹp.

3/ “Đạo học minh chí, ninh tĩnh trí viễn. Đạm bạc để chí sáng, tĩnh để đi xa, đúng là ‘Vạn biến như lôi/ Nhất tâm thiền định” (Tr. 20)

Nhận xét: Phiên âm sai và dịch nghĩa cũng sai. Nguyên văn câu nói ấy như sau: “Đạm bạc dĩ minh chí, ninh tĩnh dĩ trí viễn” (澹泊以明志甯靜以致遠)nghĩa là “sống thanh đạm để sáng tỏ chí lớn, ở nơi yên tĩnh để suy nghĩ được sâu xa. Đây là câu văn của Lưu An, thời Tây Hán, thiên “Chú thuật huấn” trong sách “Hoài Nam tử”, nguyên văn cả đoạn: “Thị cố phi đạm bạc vô dĩ minh đức, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn, phi khoan đại vô dĩ kiêm phúc (phú), phi từ hậu vô dĩ hoài chúng, phi bình chính vô dĩ chế đoán” (是故非澹薄无以明德,非宁静无以致远,非宽大无以兼覆,非慈厚无以怀众,非平正无以制断)Tạm dịch: Cho nên, không thanh đạm không thể làm sáng đức, không yên tĩnh chẳng thể nghĩ được sâu xa, không rộng lượng chẳng thể ban ân trạch, không nhân hậu chẳng thể lo được cho mọi người, không chính đính chẳng thể quyết đoán. Còn câu “Vạn biến như lôi/ Nhất tâm thiền định” được ghép vào một cách tùy tiện, chẳng liên quan gì đến văn cảnh.

4/ “Chè chuyên ra nhắp một chút, uống một hớp thì đã thấy cái đạo người uống chè từ xa xưa đi về. Nhớ là trà hai lá trên một nõn búp, chọn lựa từ Lục Tân Cương hay suối Giàng mang về mới là trà Chúa uống và cho khách thưởng” (Tr. 21); “Đầu bếp đứng nấu cho các món được tuyển chọn kỹ lưỡng. Họ ngồi lại với nhau trước một tháng để chọn lựa thực đơn những món ăn sao cho hợp ý Chúa, lại sang trọng” (Tr. 21)

Nhận xét: Câu văn lủng củng, sử dụng khẩu ngữ, khá nhiều từ trùng lặp để diễn đạt được ý tưởng khiến mạch văn rối, nhiều chữ mà ít thông tin.

5/ “Mấy hồi chuông vang rền. Chúa bước vào chính tiệc. Tiếp mấy hồi khánh đồng được rung nhẹ, tất cả quan khách đứng lên hướng mặt về long kiệu do bốn lực sĩ mặc áo đỏ khiêng. Chúa bước xuống nơi ngự tiệc, đầu đội mũ bình thiên, khẽ phẩy tay, nhạc điệu vang lên, sau đó khai tiệc”. (Tr. 22)

Nhận xét: Chính tiệc là gì? Không ai nói “ngự tiệc” mà chỉ có “ngự yến”.

6/ “Viện Học sĩ” (Tr. 23)

Nhận xét: Chắc muốn nói là “Viện Hàn lâm” nhưng do vốn từ vựng ít ỏi nên tác giả viết liều.

7/ “Chúa nói: Lời của Nguyễn hôm nay thật có tình, có lý. Chúa hiểu! Mong các vị đại thần xô áo, sửa mũ, đã ăn lộc Chúa thì giúp Chúa làm cho dân có cơm ăn, áo lành mặc. Mọi người cùng học hỏi cách làm ăn của Lý Nhân Tông giúp Chúa thành thần võ hiếu nhân, nước lớn thì sợ, nước nhỏ thì mến, có được không?” (Tr. 24 – 25)

8/ “Trong tiệc, Nguyễn như nghe thấy tiếng chuông reo, tiếng ngựa hí hoét, tiếng vó câu khấp khểnh của những cỗ ngựa song mã, tam mã…” (Tr. 25); “Chuông chùa vang lên trong thu sớm, các công tử, mỹ nữ ngồi trong xe chăm sóc nhau tỉ mỉ, giọng nói ân cần” (Tr. 25); “Lần này người ngự tiệc trong chiếc thuyền rông nhỏ từ Bích Câu ra. Chúa rẽ qua nhà Tể tướng Nguyễn Khản. Chúa hỏi thăm cả vợ con của Nguyễn Khản” (Tr. 25); “Khi Chúa ngồi hát, Nguyễn Khản được theo hầu, ông đội khăn lương, mặc thường phục, cầm cầu điểm trống” (Tr. 25); “Tự tay mở cửa phòng đón nghe tin hỉ thước, chân bước ung dung, dáng điệu thong dong, lòng dạ Nguyễn như cháy như nung” (Tr. 28); “Em về thưa với các văn nhân, mỹ nữ tôi có việc bận” (Tr. 28); “Cha từ mẹ thảo” (Tr. 29)

Nhận xét: Văn khẩu ngữ, nghĩ gì nói nấy. “khăn lương” là loại khăn gì”

9/ “Nguyễn nhớ tới câu thơ xưa “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Nhiều dòng sông đã chảy vào đời Nguyễn, sự xúc động ấy khiến Nguyễn phải thốt lên: Đà Giang Bạch lãng còn xa không? Mau tới” (Tr. 34)

Nhận xét: Đó là câu thơ thứ hai trong bài “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”, chắc không rõ xuất xứ nên Võ Bá Cường để lửng lơ. Nhưng còn Đà Giang Bạch lãng là gì?

10/ “Câu thơ mới mẻ quá nhưng hợp với lòng Nguyễn ‘Sông Hồng đắp áo nằm mơ dáng Kiều’. Có phải trời cho ta gặp nàng Kiều thật trên dòng sông này chăng?” (Tr. 34)

Nhận xét: Đây là câu thơ hoàn toàn hiện đại không thể có ở cuối thế kỷ 18. Lúc ấy, Nguyễn Du đã làm gì có “Kim Vân Kiều”* mà nghĩ đến sông Hồng giúp ông viết Truyện Kiều?)

11/ “Bước lên mui thuyền, con mắt Nguyễn như được mở ra trước cái đẹp của non sông đất nước, gặp bao điều cay đắng trong dân” (Tr. 36)

Nhận xét: Sao lại bước lên mui thuyền? Câu văn có hai về ông chẳng bà chuộc.

12/ “Tôi nhận ra ngài rồi! Mừng được gặp ngài vào cô thôn vắng vẻ? Người dân đi trước vạch lá, rẽ cỏ tìm đường mất nửa canh giờ mới ra khỏi ngàn lau, bụi cỏ bước vào căn nhà lợp cỏ, cột tre, buộc lạt, nước hứng mo cau, chum, vò, lọ, ấm đầy sân” (Tr. 38)

Nhận xét: Một câu văn cực kỳ lởm khởm, từ trùng lặp, diễn đạt vụng về, đã “cô thôn” lại còn “vắng vẻ”.

13/ “Nguyễn chưa thể cắt nghĩa hết về ông chủ? Trong bụng chỉ nghĩ, cái chí ngàn thu của họ là được sống tự do và hiểu cái nghênh ngang trong buồn chán của người chủ là cái buồn chán của kẻ trượng phu” (Tr. 41); “Có người giao du bốn bể, để tìm tìm tiếng chim Hoàng không được. Tôi có con chim đẹp trong nhà, phòng thì ở gần, chim xa… khiến tôi héo gan, héo ruột mình như con chim khách đợi lúc đẹp trời vắng vẻ cất tiếng gọi con bạn khác giống” (Tr.41)

Nhận xét: Lại những câu văn lủng củng, tối nghĩa. Chim Hoàng là chim gì? “con bạn khác giống” là thế nào?)

14/ “Mưa thu như trút mực xuống dòng Bạch lãng - sóng trắng. Chiếc lá vàng bay vèo xuống vạt cỏ. Nhìn dòng sông thi phú như một dòng nước bạc, chỗ giãn ra, chỗ co lại, chỗ vuốt lên mơn trớn như đùa vỗ với biển” (Tr. 45); “Những con sóng vỗ vào nhau từng đợt, bụi nước mù tăm mờ ảo, kiêu sa” (Tr. 45)

Nhận xét: Sóng chỉ đuổi nhau sao lại dùng từ “vỗ vào nhau”?. Thuyền đang đi trên sông sao lại có biển ở đây? Sóng lại còn “kiêu sa” nữa? Những đoạn văn tả cảnh khá là luộm thuộm, gặp gì nói nấy, không cần logic ngữ nghĩa cũng như trật tự cú pháp.

15/ “Không để mất cái ngàn vàng có được. Đêm sắp cài then sập sửa, bốn bề vắng lặng” (Tr. 46)

Nhận xét: Cái ngàn vàng thường chỉ để ẩn dụ sự trinh tiết của người con gái sao lại sử dụng trong trường hợp này? Còn “Đêm sắp cài then sập sửa” là hình ảnh thơ Huy Cận trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” được viết vào năm 1958, tác giả “mượn tạm” mà không cần chú thích(!?)

16/ “Thuận thời mà theo dòng chảy hay phải trở thành kẻ sĩ viết lên điều cần nói để dân thôn nhớ đến cái không đáng là không vì con người” (Tr. 46)

Nhận xét: Một câu văn quá lủng củng, tối nghĩa vì tác giả thiếu vốn từ cần thiết để diễn đạt cho mạch văn thông suốt)

17/ “Ngày ấy bằng tuổi kẻ chăn trâu lần đầu về quê ngoại nơi vựa thóc, sân ngô, hoa súng, đầm san, cỏ mọc, ngòi lạch đầm thìa chằng chịt” (Tr. 47)

Nhận xét: Câu văn thiếu chủ ngữ, từ ngữ bị liệt kê lộn xộn theo lối khẩu ngữ nên lủng củng, tối nghĩa.

18/ “Thiếu thời sống ở quê ngoại phong lưu sắc độ cũng hơn người cùng trang lứa” (Tr. 49)

Nhận xét: Theo Võ Bá Cường, Nguyễn Du thuở thiếu thời từng sống ở quê mẹ (làng Hoa Thiều, huyện Tiên Du trấn Kinh Bắc), một sự kiện chưa bao giờ có trong tiểu sử Nguyễn Du. “Phong lưu sắc độ” là gì?

19/ “Nhớ những ngày nương náu ở Bích Câu Đạo Quán, Nguyễn đã từng được nghe hát, được tiếp xúc với nhiều văn nhân mĩ nữ” (Tr. 51)

Nhận xét: Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản từng là quan Tham tụng có dinh thự tòa ngang dãy dọc, hà cớ gì Chiêu Bảy lại phải ở nhờ Bích Câu Đạo Quán? Từ “văn nhân mĩ nữ” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần rất là ngô nghê.

20/ “Nguyễn đã gặp lại xã hội qua tiếng hát, nhịp phách mau thưa của làng Cổ Khúc. Ở đấy, Nguyễn gặp nhưng thân phận người ca kỹ. Nhiều khúc hát, tiếng đàn mạnh như gió thổi vào cây đời bao con sóng dập vùi vào đời người ca kĩ” (Tr. 52)

Nhận xét: Lại một đoạn văn lủng củng, từ ngữ trùng lặp, tối nghĩa: “Gặp lại xã hội” nên được hiểu thế nào”

21/ “… người thiếu nữ là cánh hoa mỏng manh, yếu đuối, tự mình giãi bày thân phận mình một cách kín đáo, màu sắc thì âm thầm lặng lẽ. Hương thơm của hoa chỉ có trăng mới hiểu” (Tr. 52)

Nhận xét: Màu sắc âm thầm lặng lẽ. Hương thơm của hoa chỉ có trăng mới hiểu thì quả là thần tình.

22/ “Chú như cây cao lẫm liệt cho mà xem, câu chữ của chú rồi sẽ như hạt vàng rắc trên cỏ, nhưng những viên ngọc trân châu trong lòng biển lớn vằng vặc như ánh sao trời khuya không bao giờ tắt (…) Đó là tư tưởng lớn, mạnh như sức ngựa Hồ gặp gió bấc thì mừng “hí” lên một tiếng trên thảo nguyên bao la. Chữ nghĩa của chú sống động hết đời này sang đời khác như kiếp luân hồi. Nhưng học hành chữ nghĩa như chú phải chấp nhận cảnh nghèo lại hoàn nghèo, khổ hạnh và khổ hạnh

Nhận xét: Đây là lời tiên tri của Nguyễn Khản về em mình khi Chiêu Bảy còn ở tuổi thiếu thời. Vậy Nguyễn Khản có cặp thiên lý nhãn hay là ý nghĩ chủ quan của Võ Bá Cường đem đặt vào miệng ông tể tướng những lời sáo rỗng?

23/ “Nguyễn bảo quay thuyền để gặp cô gái chìm lặn trong sương sa buổi sớm” (Tr.58); “Trông dáng cô gái chèo đò ngược sóng trắng như một pho tượng nghệ thuật dựng trên sóng nước. Hình dáng khỏe, mềm mại uyển chuyển mang hồn người phụ nữ” (Tr. 58)

Nhận xét: Cách dùng từ ngữ tùy tiện thiếu chính xác khiến câu văn trở nên cải lương, sến.

24/ “Cậu Chiêu Bảy đã trở lại tính tình mười năm trước vội nắm tay Thương mà rằng ‘đây mới là tay Phật’, nuôi con con lớn, nuôi chồng thành người hiển đạt, nuôi mẹ hiền hiếu thảo cửa nhà ngăn nắp, gọn gàng, ngõ trúc, giậu duối, hoa tươi, thân phụ hàng ngày chống gậy ra ngõ đợi con” (Tr.60).

Nhận xét: Lại một câu văn viết theo khẩu ngữ lủng củng, tối nghĩa.

Mắt nàng như nhím lại, hai hàng mi thanh nhã khác gì rặng núi trong mây giấu bao điều tâm sự” (Tr. 60); Bà lang Còm lòng thơm như đào chín, đẹp như mật ngọt…” (Tr. 62); “Nguyễn nghe khúc nguyệt cầm biết là ngón đàn nàng Cầm. Ngày xưa béo tốt, da hồng giờ sao tiều tụy thân gày, xơ xác, áo và mặt thâm, ngồi cuối chiếu” Tr. 68); “Tất cả các cuộc tình trường lần lượt đi qua đầu Nguyễn nhanh như gió thổi” (Tr. 69); “Nguyễn nhìn lá lê bay theo gió lốc cũng như kẻ ác đã lấy đi cái đẹp của vùng này” (Tr. 79); “Nguyễn nhìn bàn tay bà lão bán quán đẹp khác gì những ngón tay thon, gót thơm của mỹ nữ. Họ luôn tìm đến điều sáng cho mình, tự giữ mình trong sạch, truyền bá lễ nghi, mở rộng nhân chính. Dân Hải An là vậy” (Tr. 80).

Nhận xét: Những câu văn qùe cụt, từ ngữ ngô nghê, câu văn lủng củng, tối nghĩa.

25/ “Sương sớm chưa tan hết từ đồng Hải An tràn cửa quán, nó như muốn che lấp thân phận những cô gái quê, thơm tho, rực lửa”.

26/ “Lão xà ích tay cầm cương khẽ vung roi quay đầu ngựa. Con ngựa quậy đầu, tiếng nhạc kêu loong coong mời Nguyễn lên yên” (Tr. 81)

Nhận xét: Gái quê thơm tho, rực lửa? Nguyễn lên yên tức là cưỡi ngựa chứ đâu phải ngồi xe mà cần xà ích?

27/ “Cô gái duyên nết mặn mà, luôn nhìn xuống cặp vú như đôi gáo dừa, tròn trịa, ấm áp” (Tr. 83).

Nhận xét: Chắc tác giả đã sờ vú cô nàng rồi mới biết nó ấm áp?

28/ “Mặt trời rực rỡ như chiếc mâm lửa, nó có những tia nắng chọc xuống đất Ố Sào như thiêu, như đốt đồng, đốt cỏ. Còn trăng đến với ta thì kiêu sa, duyên dáng” (Tr. 86).

Nhận xét: Ngoài câu văn tả ngô nghê, tác giả lại thêm một địa danh “Ô Sào” nữa. Ô Sào là tổ quạ, vậy tổ quạ này có liên quan gì đến Phong Nguyệt Sào?

29/ “Gái vùng này được ngồi thuyền nhiều. Hình như chân họ trắng hơn, mềm hơn, nết hiền như nước, dịu nhẹ như dòng chảy, da trắng như tuyết, mát như thạch” (Tr. 86).

Nhận xét: Miêu tả chân cô gái chèo đò kiểu này thì không còn gì để nói.

30/ “Trời mỗi lúc một tối. Mặt sông Cổng Hậu càng rực rỡ. Ô Nguyệt Sào như sắp bùng cháy” (Tr. 86).

(Lại thêm một địa danh “Ô Nguyệt Sào”. Ô nguyệt Sào nghĩa là “ổ trăng đen”, Võ Bá Cường lôi ở đâu ra? Trời đã tối mà “Ô Nguyệt Sào” rực rỡ, sắp bùng cháy, vậy ánh sáng ở đâu? Lửa ở đâu mà như sắp bùng cháy? Đây là một đoạn tả cảnh rất phi lý.

31/ “Người Hải Hồ về kinh kỳ đâu để ra Hàng Cỏ cắt cỏ cho ngựa ăn. Hay đâu để nghe câu” Nhong nhong ngựa ông đã về/ Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn”. Họ vào kẻ chợ là để mang cái văn hóa vùng Sơn Nam Hạ lên, kéo nền văn hóa kinh kỳ về Hới” (Tr. 89).

Nhận xét: Như vậy làng Hới có hẳn một nền văn hóa có thể sánh ngang với văn hóa kinh đô Thăng Long?

32/ “Gái Hải Hồ sạch sẽ, thơm tho, hay chữ cũng nhờ vào giếng cổ, các cô học lẫn nhau vào những đêm trăng”; “Mảnh đất Hải Triều (Hải Hồ) thuộc về Nguyễn Trãi từ bao giờ? Mặt trăng, mặt trời, mặt sông, khí chất thuộc về Nguyễn Trãi đã từ lâu” (Tr. 90); “Lần này giữa rừng Lam Sơn. Lê Lợi được Nguyễn Trãi ngồi vạch kế sách đánh quân Minh, vì lòng trung quân ái quốc, thư thảo khuyên giặc rút...”; “Thế mà ngài ấy bị chết. Cái chết của ngài (Nguyễn Trãi) là tiếng “thét” của muôn dân” (Tr. 92); “Muôn dân vẫn là ngôi báu - và quyền lực tạo nên sự tàn ác” (Tr. 92).

Nhận xét: Kính mời các nhà văn bản học, ngữ pháp học thưởng thức và bình giá “vẻ đẹp” của mấy đoạn văn trên.

33/ “Vòm cầu làm bằng gỗ sơn đỏ. Khác gì màu của chùa chiền. Người bước lên cầu ngắm hồ sen như để tu tâm dưỡng tính” (Tr. 104); “Ông sáng tác ở Thái Bình đâu ít” (Tr. 108); “Đó là sự mâu thuẫn giữa nhà vua và kẻ sĩ. Những nẻo đường đa dạng của lịch sử đi qua bốn nghìn năm của quyền lực. Con người phải theo. Quyền bính kẻ sĩ bị bọn võ quan thoán đoạt để bảo vệ ngai vàng...” (Tr. 109); “Hai tâm hồn thơ gặp nhau. Trai anh hùng. Gái tỏ lòng thương” (Tr.111)

Nhận xét: Câu văn què, cụt, diễn đạt lủng củng, lại dùng từ sai khiến đoạn văn tối nghĩa.

34/ “Nguyễn ngẫm thời thế những ngày mình sống với cha anh trong phủ đệ Bích Câu Đạo Quán” (Tr. 122)

Nhận xét: Sao lại phủ đệ “Bích Câu Đạo Quán?” Tác giả viết rất tùy tiện, gặp đâu nói đấy. Bích Câu Đạo quán được xây dựng từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI đời vua Lê Thánh Tông, là nơi để các đạo sĩ đến luyện phép trường sinh và thờ cúng thần tiên. Đến thời Lê Trung Hưng, Đạo giáo suy thoái, phần lớn các đạo quán dần dần trở thành đền, chùa. Trong khuôn viên Bích Câu Đạo quán cũng có thêm chùa và điện thờ Mẫu nhưng dinh thự của Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản không khi nào ở trong khuôn viên này. Võ Bá Cường viết rất tùy tiện.

35/ “Nguyễn muốn “thét” lên một tiếng mà không mở miệng được. Vì sắp đến ngày cưới của hai đứa. Nguyễn nuốt cục tức, lao vào phòng khép cửa nằm liệt lúc ăn mới dậy” (Tr. 148).

Nhận xét: Vì sao “thét” phải để trong ngoặc kép? “cục tức”, “lúc ăn mới dậy” đều là văn khẩu ngữ.

36/ “Giọt lệ sao khuê, những người trí giả, anh hùng khóc nỗi riêng tư của đời mình thay cho Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ...” (Tr. 159),

Nhận xét: Đã “người” lại còn “giả”? Ở trường hợp này(giả) trong 智者(trí giả) là đại từ thay cho người rồi. Còn “giọt lệ sao khuê” nhỉ?

37/ “Nguyễn Trãi đã vượt ra khỏi tầm trí thức lớn” (Tr. 160).

Nhận xét: Câu này Võ Bá Cường muốn nói điều gì mà ngô nghê vậy?

38/ “Lương tâm Nguyễn sáng như sao trên trời. Lương tâm có thể lừa dối được thập loại chúng sinh, nhưng không lừa dối được mình. Thở ấy đã có người viết: “Khi Nguyễn về Thái Bình/ Cháu còn ở chốn hư vô/ Thập loại chúng sinh chắc là có cháu” (Tr. 167)

Nhận xét: Lương tâm vốn là phẩm chất tốt đẹp của con người qua quá trình tự nhận thức để điều chỉnh hành vi của mình, vậy làm sao có chuyện lương tâm lừa dối “thập loại chúng sinh? Tác giả không hiểu khái niệm này nên viết một cách tùy tiện.

39/ “Những kẻ sĩ mọi thời không bao giờ nhu nhược trước triều thần. Râu tóc họ như màu cổ thụ, nhưng ánh mắt họ như sao khuê. Mỗi dòng chữ họ viết ra để lại chứng tích tội lỗi của bọn vua quan, phất lên thành gió lướt” (Tr. 170)

Nhận xét: Võ Bá Cường thật sự không hiểu gì về khái niệm “kẻ sĩ” với “triều thần”. Đoạn văn lủng củng, tối nghĩa.

40/ “Thật đáng sợ người nào cả đời chỉ đọc một quyển sách, nhưng nếu đó là quyển kinh thánh thì chỉ một quyển là đủ. Người viết ra một cuốn sách đã quý lắm rôi. Vì sau mỗi lần ngòi bút chấm mực thì để lại trong lọ mực một giọt máu” (Tr. 171 - 172)

Nhận xét: Đây là đoạn triết lý tùy tiện chứng sự hiểu biết của tác giả rất hạn chế. Quyển “kinh thánh” là quyển gì, phải chăng có liên quan đến “Cựu Ước” và “Tân Ước” của đạo Cơ Đốc (Jessus Christ)? Lại nữa, tác giả không biết rằng, thời Nguyễn Du người ta viết bằng bút lông chấm mực tàu được mài trong nghiên đá, không phải bút sắt chấm lọ mực như học sinh ngày nay. Đoạn văn triết lý vớ vẩn chứng tỏ trình độ hiểu biết rất hạn chế.

41/ “Gái Sơn Nam Hạ như rơm thơm, ấm ổ. Trãi ở Nhị Khê đi bao nơi kiếm vợ. Khi lần mò về Hải Hồ tìm Nguyễn Thị Lộ, cô gái bán chiếu gon, làng Tân Lễ lấy làm vợ ba, một người vợ được Trãi quý mến nhất” (Tr. 175).

Nhận xét: Câu văn lủng củng, lại dùng khẩu ngữ “đi bao nơi kiếm vợ”, “lần mò về Hải Hồ”, câu cuối thiếu chủ ngữ.

42/ “Viết lời cảm hoài về Kinh Kha bậc anh hùng liều chết vì nước đi hành quyết Tần Thủy Hoàng” (Tr. 183)

Nhận xét: (Hành quyết là xử tử tội phạm bị kết án tử hình, còn với Tần Thủy Hoàng phải là “hành thích” mới đúng. Tác giả không hiểu từ Hán - Việt nên viết bừa.Vả lại, Kinh Kha là người nước Vệ nên không thể nói “vì nước” được.

43/ “Hồi đi sứ ông mở mang quan hệ tới Vận Hội Bĩ Thái của trời đất, nghĩ tới thời cuộc yên vui của dân” (Tr. 185)

Nhận xét: Không hiểu đoạn văn này Võ Bá Cường muốn nói gì rất cần các nhà ngôn ngữ học giải mã.

44/ “Cụ Vĩnh Tuy là người trầm uẩn, râu thưa, mái tóc bạc chải lật, quần áo lá tọa trắng, thêu oanh phượng” (Tr. 185)

Nhận xét: Chỉ có quần lá tọa không có áo lá tọa. Đây là loại y phúc mặc trong nhà của nam giới ở nông thôn, hà cớ gì còn mất tiền thuê thêu hoa văn oanh phượng? Tác giả không hiểu gì về trang phục cổ của dân tộc Việt vùng Đồng Bằng Sông Hồng nên viết liều.

45/ “Hiểu được ý chồng, giúp chồng làm nên việc lớn, nghĩa phu thê đâu chỉ nghĩ đến “quạt nồng ấp lạnh”.

Nhận xét: Tác giả không hiểu gì về câu thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh” là nói về đạo làm con phải có hiếu với cha mẹ. Theo đó, mùa đông trời lạnh, người con phải vào nằm trước cho chăn đệm ấm lên rồi mời cha mẹ vào nằm. Mùa hè trời nóng, người con phải quạt cho cha mẹ mát.

46/ “Nhiều nhân tài trong thiên hạ mình theo không kịp, học không nổi. Ngày đầu dân mình cũng viết chữ trên thẻ tre, mãi sau Sài Luân người Trung Quốc tìm ra giấy viết. Từ cái nôi văn hóa ấy Thẩm Cát tìm ra công nghệ in sau này. Bây giờ người ta nâng chữ viết thành nghệ thuật gọi là “thư pháp”, nghệ thuật chơi chữ…” (Tr.207).

Nhận xét: Võ Bá Cường viết sai và hiểu cũng sai. Người tìm ra công nghệ làm giấy thời cổ đại Trung Quốc là hoạn quan Đông Hán 蔡倫Thái Luân hoặc Sái Luân (không phải Sài Luân). Phát minh ra kỹ thuật in di động là một người thợ vô danh, sau này được học giả Thẩm Quát 沈括 người đời Tống ghi chép trong cuốn 夢溪筆談 (Mộng Khê bút đàm), và tên ông là Thẩm Quát chứ không phải Thẩm Cát.

47/ “Tự nhiên Nguyễn nhớ tới “Tống Ngô Nhữ Sơn” công xuất trấn Nghệ có ca ngợi Nguyễn ‘Văn chương ông hay như tám nhà văn đời Đường Tống, làm đẹp cho cả hai nước. Mưa móc theo xe ông thấm nhuần cả Châu Hoan’. Còn nói về phẩm hạnh của ông: ‘Nhân Tòng đạm bạc tư vi chính’ [tính ông đạm bạc thể hiện ở chính sự] (Tr. 219).

Nhân xét: Võ Bá Cường dẫn sai tiêu đề và cũng hiểu sai nội dung bài thơ. Đây không phải thơ tặng Nguyễn Du mà Nguyễn Du làm thơ tặng Ngô Nhữ Sơn “Tống Ngô Nhữ Sơn xuất Nghệ An” ( 吳汝山公出乂安) nghĩa là “Tiễn ông Ngô Nhữ Sơn ra làm hiệp trấn Nghệ An trong đó có hai câu:

八大奇文花兩國

一車膏雨潤全驩

Bát đại kỳ văn hoa lưỡng quốc

Nhất xa cao vũ nhuận toàn Hoan

(Văn chương ông chẳng khác gì tám nhà cổ văn lớn Trung Quốc làm tăng vẻ đẹp hai nước/ Mưa móc ông chở đầy xe thấm nhuần cả châu Hoan). Ngô Nhữ Sơn chính là Ngô Nhân Tĩnh, một người gốc Hoa định cư ở Gia Định, sau ra làm quan với nhà Nguyễn, là bạn thân của Nguyễn Du.

48/ “Cái kho đạn trong Kinh mà đầy đủ, tiền trong kho đầy ắp, dân chúng đều có áo ấm mùa đông, mùa hè có nón đội đầu. Kẻ coi sóc cổng làng ngõ chợ đều có cơm ăn. Được vậy dân tự yêu mình, sợ pháp luật, ham làm việc. Bọn cậy của bớt kiêu căng, dân thôn nhà nhà có đất thì làm gì có kẻ tham lam ăn cắp” (Tr. 221)

Nhận xét: Một đoạn văn hổ lốn, gặp gì nói nấy không cần sắp xếp theo trật tự ngữ nghĩa và trật tự cú pháp.

 

KẾT LUẬN

Trên đây mới chỉ là một số dẫn chứng tiêu biểu về những khuyết tật của “Còn có ai người khóc Tố Như”. Nếu các bạn khảo sát kỹ hơn sẽ còn phát hiện ra nhiều sai sót nữa, mà một trong số đó là hiện tượng câu văn què, cụt vì thiếu chủ ngữ, khiến cho mạch văn rối, đoạn văn tối nghĩa tạo ra sự ức chế với người đọc. Cũng xin nói thêm, chớ nên trách cứ các nhà biên tập. Một tác phẩm ra đời, người chịu trách nhiệm chính trước hết phải là tác giả. Biên tập chỉ là cầu nối giữa tác giả và bạn đọc mà thôi. Trên thực tế, với loại tiểu thuyết như cuốn này, không một người biên tập nào có thể góp ý cho tác giả sửa chữa được. Cách tốt nhất chỉ có viết lại, nhưng điều này chắc chắn không bao giờ tác giả chấp nhận.

----------------

CHÚ THÍCH:

* Theo giáo sư Trần Đình Hượu, “Luận ngữ” không phải do Khổng Tử viết, cũng không phải tất cả đều do học trò trực truyền viết mà còn do cả học trò tái truyền viết. Sách chủ yếu do học trò của Tăng Sâm và Hữu Nhược viết. Có lẽ đến đầu thời Chiến Quốc mới thành sách. “Luận ngữ” có ba bản:

- Lỗ Luận ngữ: 20 thiên

- Tề Luận ngữ: 22 thiên

- Cổ văn Luận ngữ: 21 thiên

Nguồn: “Các bài giảng tư tưởng phương Đông”, do Lại Nguyên Ân biên soạn, trang 42, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020.

** Có hai giả thuyết về thời điểm Nguyễn Du Viết "Đoạn trường tân thanh", tôi nghiêng về ý kiến nhà văn Nguyễn Thế Quang (tác giả tiểu thuyết NGUYỄN DU), trong thời gian đi sứ, ông tìm được "Kim Vân Kiều truyện" và sau khi hưu quan mới viết "Đoạn trường Tân Thanh".

*** Có hai giả thuyết về thời điểm Nguyễn Du Viết "Đoạn trường tân thanh", tôi nghiêng về ý kiến nhà văn Nguyễn Thế Quang (tác giả tiểu thuyết NGUYỄN DU), trong thời gian đi sứ, ông tìm được "Kim Vân Kiều truyện" và sau khi hưu quan mới viết "Đoạn trường Tân Thanh".

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài viết của (về) tác giả Đặng Văn Sinh0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*

Chí Linh, 16 tháng 10/2023

ĐẶNG VĂN SINH

Địa chỉ: Khu Dân cư 3, phường Bến Tằm,

thành phố Chí Linh, Hải Dương.

Điện thoại: 098 765 35 60

 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ facebook cá nhân nhà văn Đặng Văn Sinh.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét