Tiết Tiểu hàn lạnh dưới
mười độ trời rét thấu xương. Nước ao lạnh trong văn vắt nhìn thấu tận đáy bùn.
Cá tôm lờ đờ ngắc ngoải trong nước lạnh. Ông Soái mặc áo bông to sụ đi xe máy
trên tay ghi đông lủng lẳng con trắm cỏ đến gần bốn cân. Cái đuôi cá quét xuống
lớp bụi mỏng trên mặt đường bê tông thành vệt dài ngoằn nghèo như rắn lượn..
Tay Thấn cắt tóc đứng ở
đầu làng chặn xe lại:
- Ông đi đâu đấy? Con
trắm to nhể. Mà giời rét thế này cũng dám xuống ao bắt cá cơ à? Không khéo ốm
thì khổ.
Ông Soái vẫn ngồi trên
yên xe, một chân chống đất, trả lời ấp úng răng miệng va nhau lập cập:
- À tớ… tớ…
Thấn nói ngay:
- Hiểu rồi hiểu rồi.
Đem cá cho mụ Na nướng úp trấu chứ gì. Khéo nịnh thế. Rồi Thấn nháy nháy mắt:
này có cưới thì cưới mau đi. Dùi dắng mãi, chúng nó phá dữ lắm đấy.
Ông Soái tái mặt: Đứa
nào phá? Thấn ghé tai ông Soái thì thào. Chả biết hắn nói gì mà ông già đổ
phịch người xuống đất, cái xe máy đè lên người. Thấn vội tri hô Ối giời ôi… rồi
kéo cái xe lên, mọi người xúm lại… Thấn quát: không ai được động vào… để im một
lát. Động vào bây giờ là toi… Tất cả mọi người nín thở chờ đợi.
Vừa lúc ấy người ta
thấy vợ chồng thằng Sỹ con giai ông Soái hớt hải chạy tới. Từ xa đã nghe đứa
con dâu tên là Thơm lạch bạch vừa chạy vừa bù lu bù loa: Ôi bố ơi là bố ơi. Làm
sao mà phải khổ thế này. Vì đâu nên nỗi giời rét căm căm còn lội xuống ao đánh
cá? Ối giời ơi vì đâu âm dương cách trở?... Thằng con giai huỳnh huỵch chạy
trước ngoái cổ lại quát: im cái mồm. Tao vả cho rơi răng bây giờ. Bố tao đã
chết đâu mà phải khóc.
Không biết có phải vì
tiếng khóc của con dâu hay vì tiếng quát của con trai mà ông Soái mở mắt ngơ
ngác… rồi lồm cồm chống tay ngồi dậy.
Thấn nhìn ông Soái mở
mắt thì hoàn hồn. Lạy giời. Lão mà chết thì mình có tội. Mà người đâu lại nhạy
cảm thế cơ chứ. Vừa mới kể cho lão chuyện nhà lão một tý mà đã đổ đùng. May mà
lão đội mũ bông áo bông nên không việc gì. Hú vía!
*
* *
Ông Soái năm nay tuổi
ngót sáu mươi. Vốn là sĩ quan quân đội nghỉ hưu… nghe chừng làm gì to to, tiền
lương hưu những hơn tám triệu một tháng. Ấy vậy mà khổ, về hưu năm trước thì
năm sau vợ bị ung thư rồi mất. Đứa con giai độc nhất là thằng Sỹ đã có vợ có
con. Hai vợ chồng nhà Sĩ Thơm suốt ngày tay áo gió đưa nhưng mà được cái nết hễ
ông bảo gì thì nghe răm rắp. Chắc sự ngoan ngoãn ấy là do số tiền lương hưu của
ông phải chi chế cho cả nhà năm miệng ăn bởi như trên đã nói vợ chồng chúng nó
vốn lười.
Cái sự lười lại nảy ra
từ sự có học. Ngày còn ở trong quân ngũ ông bảo bà bằng giá nào cũng phải cho
thằng con giai độc nhất ăn học cho tử tế. Vậy nên nó học được hết cấp ba. Nhưng
cả ông bà đều không ngờ rằng cái sự yêu nó lại đến sớm hơn cả ước mơ vào đại
học. Thằng Sỹ đầu mày cuối mắt với con bé Thơm ở xã bên từ năm lớp mười. Tốt
nghiệp cấp ba chúng dắt nhau đi thi đại học. Giống đời đang đi học mà đã yêu
thì chữ chẳng chịu chui vào đầu thành thử cả hai đứa đều trượt vỏ chuối.
Bà vợ ông Soái thì
chiều con hết mực, muốn gì được nấy nên xảy chuyện:
Bố con Thơm làm cán bộ
trên Tỉnh rắp tâm con gái phải vào được đại học nên lôi con bé về nhà ôn tập để
tiếp tục năm sau thi lại. Nhưng cơ mà kỳ vọng ấy không thành vì thằng Soái ngày
ngày lượn vè vè xe máy đến trước ngõ huýt sao rủ rê. Ông bố Thơm vác gậy đuổi
vòng quanh xóm. Nhưng không thể ngày nào cũng chỉ ngồi canh con gái vì ông vẫn
còn tại vị. Lợi dụng lúc bố Thơm phải lên cơ quan cuối tuần mới về, hai đứa rủ
nhau ra Ủy ban đăng ký kết hôn. Trai gái đến tuổi thì phải chấp nhận cho đăng
ký, hơn nữa nhà con Thơm lại còn có ông chú đi cùng. Thực ra ông chú này thuộc
thành phần nát rượu túi thủng mà lại kèm bệnh sĩ nên thằng Sỹ biếu dăm chục
nghìn là gật đầu khệnh khạng đại diện gia đình ngay lập tức… Dĩ nhiên ông cán
bộ tra sổ hộ khẩu hai nhà thấy mọi thứ hợp lệ nên đăng ký ngay tắp lự.
Hôm sau ông bố cái Thơm
về không hề biết gì về việc con gái rượu đã yên bề gia thất. Lại thấy thằng Sỹ
lại đứng đầu ngõ huýt sáo… Ông bố cảnh giác giơ gậy, Sĩ biến luôn. Ông yên tâm
quay về thì con Thơm đã biến tự lúc nào. Hai đứa dắt nhau đi chơi qua đêm sáng
hôm sau nữa mới thò mặt về. Ông bố điên tiết vác gậy đuổi… thằng Sỹ chạy biến.
May mà bắt được con Thơm, ông lôi con gái về vụt cho một trận và nhốt vào trong
buồng.
Lát sau thì công an xã
đến yêu cầu ông thả con bé Thơm ra. Bố nó bảo: con tôi tôi có quyền dậy. Tôi
nhốt nó vào để nó học hành không cho đi với thằng mất dạy. Công an bảo rằng con
ông nhưng là vợ thằng Soái, ông không có quyền đánh đập vợ nó. Ông bố cứng hàm
mãi mới ấp úng: Trẻ con như chúng nó thì vợ chồng cái gì. Công an bảo chúng nó
là vợ chồng có đăng ký kết hôn hẳn hoi. Chồng nó có đơn kiện ông đấy. Thả ngay
vợ nó ra! Ông bố ớ người rồi hậm hực chấp hành pháp luật và lại còn bị phạt mấy
trăm… Điên lắm. Ông từ mặt con gái. Vậy là hai đứa về ở với nhau mà chả cưới
xin gì..
Mấy năm sau khi ông
Soái nghỉ hưu về nhà thì chúng đã kịp tòi ra cho ông hai đứa cháu.
Vậy mà giờ ông Soái về
hưu cũng đã được dăm năm. Và ông đã bốn năm ở vậy nuôi con nuôi cháu.
Nhưng mà cũng cực. Con
cháu kề bên thì chỉ vui vẻ lúc ban ngày, còn đến đêm vợ chồng con cái nhà nó
ríu rít với nhau, ông Soái thui thủi trong căn buồng lạnh lẽo với cái màn cá
nhân, chăn đơn gối chiếc năm canh trằn trọc. Mọi người xúm vào khuyên nhủ mối
mai. Rồi ông quen bà Na…
Bà Na vốn bộ đội thời
chống Tàu. Phục viên về quê nhưng quá lứa lỡ thì thành ra không chồng không
con, đành lấy việc chăm con người ta làm niềm vui. Na theo nghiệp nuôi dạy trẻ
hơn hai chục năm… mới về hưu năm ngoái. Dáng người nhỏ nhắn lại ít phải dầu dãi
nắng mưa nên ở bà mọi thứ còn gọn gàng căng mẩy trông như chỉ mới hơn bốn mươi.
Giờ bà ở một mình chăm chút nhà cửa vườn tược nên cũng đang cô đơn. Càng cô đơn
càng khao khát… cũng như ông Soái, vì vậy khi gặp nhau thì cả hai như bị sét
đánh. Họ đã ưng nhau từ cái nhìn đầu tiên.
Ông Soái về tuyên bố
với hai vợ chồng con trai rằng mẹ mày thiệt phận đã hơn bốn năm rồi vậy bố sẽ
đi lấy vợ. Hai vợ chồng Sỹ ngẩn người. Vậy ra ông già vẫn còn máu, còn khao
khát… Mọi người trong họ hàng đều vun vào. Nào là ông ấy còn trẻ mới chưa đầy
sáu mươi thì không thể ở vậy được, nào là con chăm cha không bằng bà chăm ông…
Vốn sợ bố nên hai đứa không dám phản ứng gì.
Ông Soái thấy tất cả
đều nhất trí thì phấn khởi lắm. Cách đây dăm hôm ông sắm lễ rồi kéo bầu đoàn họ
hàng, con cháu sang nhà gái gọi là lễ ăn hỏi. Cũng năm mâm lễ trầu cau bánh
trái như thể thanh niên. Ông bảo rằng bà là gái tân nên cũng cứ phải nghi lễ
đàng hoàng để cho họ hàng bên ấy khỏi tủi thân. Bà Na mừng rỡ, họ hàng anh em
nhà bà cũng mừng rỡ vì năm mấy tuổi bà mới có hạnh phúc riêng mình.
Hai họ bàn nhau tuần
sau thì tổ chức lễ cưới cho hai ông bà.
Nhưng…
Mọi sự khốn nạn lại bắt
đầu từ cái chữ “nhưng”. Thủ phạm là hai vợ chồng thằng Sỹ. Vốn dĩ từ trước vợ
chồng con cái nhà nó hoàn toàn sống dựa vào đồng lương của ông bố già, bây giờ
ông lấy vợ thì chúng đâm lo. Gì mà chả lo? Lo rằng từ nay không được dựa dẫm,
nhỡ bà mẹ kế về nhà quản lý hết tiền lương thì nhà nó chết đói. Lo nhỡ hai ông
bà ấy mà lại sản xuất ra em bé nữa thì cái cơ ngơi này bị chia đôi. Lo nhỡ ông
bỏ nhà sang ở với bà Na thì ai trông con cho mà tung tẩy. Lo thì phải tính. Vậy
là chúng bàn nhau tìm mọi cách để phá.
Buổi chiều còn hoan hỷ
tươi cười như một đứa con ngoan ở nhà bà Na trong lễ ăn hỏi thì buổi tối con
Thơm vợ thằng Sỹ sang nhà bà thẽ thọt:
- Thấy cô hiền lành
phúc hậu nên con rất chi là quý hóa. Vì quý nên con cũng xin được nói thật với
cô: cô đừng có xây dựng với bố chồng con…
Rồi nó kể lể nào là
trông vậy đấy mà ông í nguyên tắc lắm, còn nhiễm cái kiểu chỉ huy trong quân
đội nên giờ nào việc ấy, quát tháo ra lệnh suốt ngày. Nào là tính nóng như lửa,
chửi bới mọi người như quân hầu đầy tớ. Nào là ki bo lắm, tháng tám chín triệu
bạc mà chỉ đưa cho con chi tiêu có dăm sáu triệu còn là đi bia bọt tụ bạ với
bạn bè… Nói chung là rất nhiều tật tội.
- Úi giời ơi cô không biết
đấy… cháu khổ mà không thể kêu được với ai. Thằng chồng cháu giống tính bố- mẹ
chồng cháu bảo vậy, hơi một tý thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Con vẫn bị ăn
đòn thường xuyên… khổ lắm- Con bé sụt sịt quệt nước mắt và kết luận: Cô đang tự
do tự tại một mình vậy thì việc gì phải đâm đầu vào chỗ khổ!
Bà Na ngồi nghe mà lùng
bùng lỗ tai, mặt bà tái dần. Bà đủ tỉnh táo để rút ra kết luận: tính xấu của
ông Soái thì bà chưa biết nhưng chắc chắn bà về đấy cũng khó sống với vợ chồng
con bé này.
Vậy là bà Na ngãng ra.
Hôm sau ông Soái sang thì bà bảo có lẽ chúng mình không có duyên với nhau. Thôi
anh về đi từ nay đừng sang đây nữa.
Ông Soái băn khoăn gặng
hỏi bà kiên quyết không giải thích gì thêm. Nhìn bà mặt nặng như chì thì vị hôn
phu đành thở dài buồn bã ra về.
Hôm trước còn vui vẻ,
sao cô ấy ngãng ra. Hay là có đứa nào phá. Ông chắc chẳng có ai phá…vì mọi
người trong gia đình họ hàng đều ra sức vun vào cơ mà. Hay là mình làm gì để Na
phật ý. Có thể lắm. Làm cách nào để người ta không giận mình nữa. Nhưng chả nhẽ
lại sang nhà nằn nì, vậy thì còn gì tư cách đàn ông. Cả đêm ông trằn trọc vì
nhớ và vắt óc tìm cách lấy cớ sang gặp bà hỏi cho ra ngành ngọn.
Ông nhớ hôm đầu tiên
ông được người bạn dẫn đến nhà Na. Lúc ấy bà đang hí húi nướng cá giúp ông anh
cả chuẩn bị đám giỗ. Con cá trắm cỏ to đến dăm cân chứ không vừa mà bà xử lý
ngon ơ. Nhìn bà thoăn thoắt tay dao tay thớt cắt thành từng khúc làm sạch sẽ
lòng ruột rồi ướp gia vị ông đã thầm khen người khéo tay. Rồi cũng hai bàn tay
ấy lấy nghệ tươi đã được giã nát xoa đều lên những khúc cá để nhuộm chúng thành
màu vàng ươm. Rồi bà lấy lá ổi nhét căng vào bụng cá. Những khúc cá đều tăm tắp
được bà xếp lên nền rơm mỏng thành một vòng tròn như thể người ta kết bông hoa,
điểm giữa màu vàng của nghệ là màu xanh của lá ổi ngăn cách những khúc cá cho
khỏi dính vào nhau. Chao ôi… đôi bàn tay khéo léo cứ thoăn thoắt như múa trước
mặt làm ông thấy xôn xao trong lòng.
Bà mải làm không để ý
vì tưởng ông là bạn của anh trai đến chơi. Có lẽ ông chăm chú theo dõi nên có
thần giao cách cảm, lúc ấy bà mới ngẩng lên gặp ánh mắt ông nên bà ngượng nghịu
như thiếu nữ mới lớn:
- Nhà anh chưa nướng cá
úp trấu bao giờ à?
Ông cười:
- Tôi đi bộ đội từ bé,
lần nào về cũng được ăn cá nướng úp trấu nhưng chưa biết làm bao giờ… bây giờ
già rồi vẫn không biết cách làm. Hôm nào xuống ao bắt con cá… sang nhờ cô dạy…
Bà bối rối rồi liếc
sang ông:
- Già đâu mà già! Nhưng
mà học khó lắm đấy. Bây giờ đến lúc nướng mới vất vả.
- Để tôi giúp. Không
đợi bà có đồng ý hay không, ông xăng xái rút rơm trong khi bà hí húi rửa cái
chậu nhôm to tướng. Sau khi lau khô cái chậu bà chụp nó lên cái bông hoa được
xếp bằng những khúc cá: Anh châm lửa giúp em.
Ông cầm nắm rơm châm
lửa và để lên trôn chậu. Trời hanh, rơm khô gặp lửa cháy bừng bừng. Bà bốc từng
nắm trấu rắc vào đám lửa rơm đang cháy. Cứ như vậy một người thả rơm một người
rắc trấu… Ông nhìn sang thấy khuôn mặt bà đỏ ửng không biết vì lửa hay là đang
thẹn thùng. Bà nhìn sang ông thấy mặt ông nhọ nhem những vệt đen đen bởi tro
trấu quyện mồ hôi. Cả hai cùng cười và cảm thấy gần gũi như thể đã quen nhau từ
kiếp trước. Đến bao giờ mới chín cá, mới được ăn?- Ông hỏi. Bà kéo dài giọng:
còn lâu… phải sáu tiếng nữa. Ông bật bưỡng: lâu thế cơ à, chờ được ăn cá nướng
có lẽ già đi mấy tuổi. Bà nguýt ông rồi nhẹ nhàng: Phải chịu khó chờ thì cá mới
đủ săn thịt và thơm.
Lát sau mùi lá ổi nhuốm
lửa nóng thơm lừng. Ông hít cái mùi thơm ấy mà tưởng tượng đến miếng thịt cá
khô chắc đậm đà vị ngọt lừ chấm nước mắm gừng, thèm đến tứa nước chân răng.
Ờ nhỉ! Sao mình không
nghĩ ra…
Vậy là sáng sớm hôm nay
kệ giời rét, ông húp nửa bát nước mắm rồi lội xuống ao. Ì ùm hàng tiếng đồng
hồ, hai hàm răng khua lập cập… mới bắt được con trắm cỏ này. Tắm rửa xong, đóng
vội quần áo, ông treo con cá lên tay lái trực chỉ sang nhà bà Na.
Ra đến đầu đường thì
ông Soái gặp lão Thấn. Vốn là thợ cắt tóc hay hóng hớt chuyện thiên hạ để làm
quà nên Thấn chặn xe lại thì thào với ông Soái cái việc đứa con dâu vào khủng
bố tinh thần vị hôn thê của ông cựu sĩ quan.
Đang nhiễm lạnh run
người do vừa ngâm nước dưới ao lại nghe cái chuyện chẳng hay ho gì nên ông Soái
sốc nặng. Tim cật đập rộn lên, đầu óc chênh chao, trời đất quay cuồng. Ông ngã
vật xuống đường.
*
* *
- Nóng quá mình ạ…
Ông Soái ném nắm rơm
vào đống than trấu đang ngún khói hừng hực, lửa bùng lên ngay lập tức. Ngọn lửa
bốc cao đến hàng mét, hơi lửa tạt vào mặt rát rát.
Bà Soái cười cười, hàm
răng trắng đều lấp lóa sau ánh lửa. Lạ, lửa khói vậy mà bà ấy chẳng hề chớp
mắt. Ánh mắt nhìn ông đăm đắm chất chứa thương yêu. Mà mình kêu nóng vậy mà bà
ấy vẫn cười.
Và cả thằng Sỹ với con
Thơm nữa, chúng lấp ló sau lưng mẹ, chúng nhìn nhau với vẻ mặt mãn nguyện rồi
thì thào điều gì ông không nghe rõ. Đột nhiên chúng toác miệng cười khi con vợ
đập vào vai thằng chồng rồi hất hàm về phía bố mẹ. Tiên sư nhà anh chị cười cái
gì. Tôi kêu nóng với mẹ anh thì đã làm sao mà phải cười. Ông nghĩ thầm khi thấy
hai đứa kéo nhau đi. Trước mặt ông bây giờ vẫn là khuôn mặt của người vợ. Mà
hình như bà ấy nhìn ông đầy vẻ lo lắng. Gớm, người đâu mà cả nghĩ. Nóng một tý
thì người ta kêu vậy chứ có làm sao mà phải lo. Ông mấp máy môi định nói nhưng
thấy đắng nghét nơi cổ họng.
Nhưng bà ấy mất bốn năm
nay rồi cơ mà… Ông Soái chợt nhớ ra. Thì ra mình đang nằm mơ. Ông cố gượng dậy
mà không sao cất mình lên nổi. Ông vươn tay… cánh tay nặng nề như bị trói. Cố
lên, mình phải cố lên. Ông hít một hơi dài vươn người ngồi dậy và ông chợt thấy
tay mình chạm vào tay phụ nữ mềm mại. Ai nhỉ? Ông mở mắt… Khuôn mặt quen quen,
đôi mắt quen quen… Trong đôi mắt ấy thấy ngân ngấn nước nhưng chứa chất niềm
vui mừng.
- Na! Na đấy à- Ông kêu
lên ngỡ ngàng và ngạc nhiên bởi giọng nói đùng đục nghe mơ hồ như không phải
của chính mình.
Đúng là Na thật rồi.
Và ông thấy khuôn mặt
của Na gần sát mặt ông hơn. Vâng em đây! Vậy là anh đã tỉnh lại rồi. Sĩ ơi,
Thơm ơi… bố đã tỉnh rồi đây này- Bà quay lại gọi với ra nhà ngoài.
Ông cố đưa cả hai tay
lên xòe bàn tay áp vào khuôn mặt của bà. Dù bàn tay còn ngường ngượng nhưng
cuối cùng cũng gặp hai gò má nóng ấm mềm mại…
Và từ đôi mắt bà những
giọt nước mắt tràn qua mi chảy vào lòng bàn tay ông nóng bỏng.
Hai vợ chồng Sĩ Thơm
chạy vào, nhìn cảnh ấy mắt chúng cũng rưng rưng. Bà Na ngẩng lên nhìn thấy
chúng. Bà ngượng nghịu cười, hình như bà vẫn cảm thấy ngượng ngùng e thẹn.
Tự nhiên ông Soái thấy
mình mạnh mẽ và khỏe khoắn hẳn lên. Ông ngồi dậy như không hề bị ốm đau gì. Chỉ
có đầu vẫn còn hơi váng vất.
- Na sang đây lúc nào?
Ông Soái hỏi khi đã tỉnh hẳn. Bây giờ thì ông ngồi đối diện với bà, bàn tay ông
nắm chặt lấy tay bà như thể đang sợ bà sẽ bỏ ông mà đi.
- Đau! Gớm… nắm tay
người ta chặt thế. – Bà đỏ mặt và trả lời ông: Tôi sang tối qua- Bà hất hàm về
phía vợ chống Sĩ Thơm: Chúng nó đến nhà tìm sang. Gớm… mình cả đêm mê sảng. Làm
người ta khiếp khiếp là...
Ông rưng rưng. Vậy ra
cả đêm qua bà đã bên cạnh săn sóc lo lắng cho ông.
Thằng Sĩ bẹo vào mông
vợ cười. Con Thơm cũng cười. Hai đứa lủi ra ngoài nhanh như thỏ.
Bà Na thấy hai đứa vậy
thì nói to ý chừng để chúng nghe thấy:
- Thôi giờ ông khỏe là
mừng rồi. Tôi về…
- Vậy bây giờ mình về
à. Ông thở dài. Lát sau xẵng giọng: Về đi! Ông ra vẻ giận dỗi.
Bà Na ngẩng lên không
thấy vợ chồng Sĩ Thơm đâu thì ghé mặt ông thì thầm:
- Thì người ta phải về
chứ. Tỉnh rồi, người ta về chứ ở đây ăn vạ à.
Ông rút tay khỏi tay bà
làm như chưa nguôi cơn giận. Nhưng rồi đôi tay ông giang ra ôm bà kéo sát lại
gần mình và vòng tay ấy siết chặt lấy như không muốn rời. Bà cũng đưa tay quàng
lấy lưng ông. Hai khuôn mặt sát vào nhau, ánh mắt rạng ngời hạnh phúc.
*
* *
Hăm tám tháng Chạp trên
đường làng, xe cộ và người đi lại như trẩy hội. Râm ran tiếng người đi xa về
chào hỏi nhau, tiếng người làng đi mua sắm tết. Lớp khói xanh mờ từ những đống
rấm trấu nướng cá phủ lên cả làng làm không khí ấm sực thoang thoảng mùi hương
lá ổi như báo hiệu một cái Tết đã gần và mùa xuân đang thấp thoáng.
Lão Thấn cắt tóc bận
túi bụi vì các ông già và bọn trẻ con cuối năm muốn chỉnh trang đầu tóc để sang
năm mới. Đang hí húi cắt được một bên mái tóc của khách thì lão nghe tiếng lanh
lảnh:
- Con chào chú Thấn.
Gớm đông khách quá, Tết này thì chú nhọc tiêu.
Lão Thấn ngẩng lên thấy
Thơm vợ Sĩ dừng xe máy trước cửa hàng đằng sau xe đèo cái bao không biết đựng
cái gì mà thấy bên trong động đậy. Lão bỏ tông-đơ xuống, bước ra cửa, hai tay
đập vào nhau bèn bẹt như phủi bụi.
- Con cái Thơm đấy hử-
Rồi lão hỏi như súng liên thanh: Bố mày khỏe hẳn rồi nhẩy? Nhà mày định chuối
tao bữa cỗ đấy à? Giấu diếm không cho tao biết bố mày cưới xin à. Mà mày đi đâu
về có cái gì giãy sùng sục trong cái bao thế kia?
Con bé nhăn răng cười
rồi cũng nói một thôi:
- Cảm ơn chú. Bố cháu
khỏe hẳn rồi. Bây giờ có mẹ Na nên cả nhà vui vẻ lắm. Chúng cháu cũng định làm
to to một tý cho vui dưng mà mẹ cháu bảo bày vẽ tốn kém để tiền làm việc khác-
Nó lè lưỡi lắc đầu: ki bo thế đấy chú ạ. Bố cũng phụ họa với mẹ rằng chúng mày
ngày xưa có cưới đâu mà vẫn ở với nhau vẫn lòi ra hai đứa con đấy thôi. Vậy nên
chỉ có mấy bố con mấy lỵ bên kia mươi người. Mấy mâm gọi là… làm hôm mùng Chín
vừa rôi. Bố cháu bảo mời chú Tết này sang uống rượu với cả nhà. Còn cái bao này
cháu vừa mua được hơn yến trắm cỏ ở làng bên người ta đánh cá hồ. Để mẹ cháu
nướng ăn Tết, chả là bố cháu thích cá nướng úp trấu mà. Chú sang nhá!
Lão Thấn dài giọng:
- Gớm cái mồm… giờ thì
một điều bố mẹ cháu, hai điều bố mẹ cháu. Tiên nhân chúng mày. Chả bù cho ngày
nào đứng ra phá đám làm khổ ông bà í… - Lão quay lại nói với ông khách đang
nghển cổ chờ với cái đầu nửa rậm nửa quang: Ông ngồi đợi tý nhá!
Con Thơm cũng chẳng
vừa: Tại chú đấy, không nói thì bố cháu làm gì biết mà tăng xông.
- Tiên nhân con này!
Tao không nói thì người khác cũng nói, rồi ông ấy cũng biết. Mà không có tao
thì chúng mày làm gì mà sáng mắt ra được.
Thơm ngẫm nghĩ. Đúng là
ông Thấn không nói thì cũng không sáng mắt ra thật. Hôm ấy bố chồng đột quỵ thì
cả hai vợ chồng cuống lên. Đưa bố về nhà chăm sóc mới thấy cái vất vả khi chăm
sóc bố già ốm đau. Vợ chồng tất bật thuốc thang cháo lão hầu hạ. Nói dại bố có
mệnh hệ nào thì cả nhà chỉ có đi ăn mày. Vậy nên chúng phải cố. Lại còn phải
chăm hai đứa con nhỏ nữa. Trước đây bố còn khỏe thì cứ giao con cho ông rồi
thoải mái tung tẩy. Bây giờ bận rộn vất vả nên sinh chuyện vợ chồng cãi nhau.
Điên cả đầu. Lão Thấn nghe chuyện vào chửi chúng mày thấy ngu chưa. Ông ấy mà
ốm lâu dài thì chúng mày khốn nạn đấy. Mà tao đồ chừng ốm vậy là lâu lắm đấy.
Có những người mấy năm…
Nghe vậy thì hai vợ
chồng nhà Sỹ hoảng tam tinh. Mới có mấy ngày mà đã khốn khổ thế này rồi thì nói
chi mấy năm. Lão Thấn mới thủng thẳng bảo chúng mày phải… phải…
Chồng đẩy cho vợ, vợ
đùn cho chồng. Đứa nào cũng ngại vì hôm trước dựng chuyện phá đám. Bàn mãi rồi
cả hai đứa đèo nhau đến nhà bà Na xin lỗi.
Cũng may bà Na không
chấp vặt. Mấy ngày nay bà đang nhớ ông và băn khoăn sao không thấy đến. Vả lại
khi nghe ông Soái ốm thì bà lo lắng đến mức chả thèm để ý đến những chuyện vụn
vặt làm gì. Bà tức tốc sang ngay. Có bà Na đến ông Soái cũng bình phục rất
nhanh, nhanh đến nỗi vợ chồng Sỹ Thơm tưởng như bà là vị tiên đến cứu giúp bố
mình, giúp gia đình mình.
Lão Thấn trước khi quay
vào tiếp tục làm phận sự của mình còn hỏi vớt:
- Thằng chồng mày dạo
này đi đâu mà ắng tiếng thế?
Thơm nghênh mặt:
- Nhà cháu đi học lái
xe chú ạ.
- Xe đâu mà cần học lái?
Thơm lại tuôn ra một
tràng:
- Úi giời ơi chú ơi. Mẹ
cháu về tính toán đâu ra đấy. Bà bảo nhà này phải sắp xếp lại. Ông cứ như vậy
thì sau này chúng nó làm sao mà tự chủ được. Chả nhẽ cứ lông rông mãi vậy à. Bà
bảo chồng cháu phải đi học lái xe cho có cái nghề rồi bà cho vay mấy trăm để
mua lấy cái xe để chạy chở nguyên vật liệu, giờ đang xây dựng nhiều. Mà mẹ cháu
nhiều vốn phết chú ạ…
Lão Thấn gật đầu:
- Thì đã đành. Cả đời
tích góp chứ ăn hoang phá hoại gì mà chả lắm vốn. Tiên nhân chúng mày. Liệu
liệu đấy mà tính đường ăn quỵt.
- Quỵt thế nào được? Mẹ
cháu bảo cho vay trả góp không tính lãi. Khi nào mua xe làm ăn được thì mỗi
tháng phải giả bà đôi triệu… hạn trong mười năm. Úi giời rồi bà còn bắt cháu
phải học nướng cá úp trấu. Bà bảo món ấy giờ đặc sản, tập làm đi ngày thường đổ
cho các nhà hàng, ngày tết làm đặc sản quà biếu, ai bây giờ cũng thích ăn đồ
sạch đồ lạ. Các cháu thì để bà trông cho. Mà bọn trẻ nhà con cứ như ăn phải bùa
phải bả, suốt ngày léo nhéo bà ơi rồi bám lấy bà đến ông cũng phải phát… ghen.
Thôi cháu về đây.
Đã gạt cái chân chống
ngồi lên xe chuẩn bị nổ máy, Thơm như nhớ ra điều gì. Nó cười hì hì rồi đến gần
lão Thấn nói nhỏ:
- Này chú ơi… các cụ
nhà cháu vậy mà máu lắm nhá… suốt ngày quấn lấy nhau, cười rúc ra rúc rích nói
gì gọi gì cũng anh ơi, em ơi… tình củm lắm. Gớm cứ gọi là vui như tết.
Lão Thấn cũng cười rồi
mắng yêu:
- Tiên nhân con bé này.
Chứ lại không tình cảm để chúng mày tình cảm hết à. Chứ lại chả vui như tết…
Tết thật rồi còn gì.
Con bé ngẩn người rồi
nó rũ ra cười: Ờ nhỉ. Vậy mà cháu chả để ý gì sất.
Lão Thấn nhìn thấy nó
cười vậy thì nghĩ: đúng là cái loại phổi bò. Nhưng được cái tốt tính. Rồi lão
ngẩn mặt: hay là lão Soái giả vờ? Có nhẽ thế thật. Chứ làm gì có ai vừa ốm dậy
lại khỏe roi rói ngay như vậy được. Khôn thế cơ chứ.
Nhưng mà thôi kệ lão.
Nhà lão vui vẻ vậy thì mình cũng vui. Có lẽ phải sang nhà lão kiếm chén rượu để
xem mụ vợ mới của lão nướng cá ngon thế nào. Chả gì thì lão ấy đã có nhời mời.
Người ta mời thì mình phải đến. Ngày Tết cơ mà.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài phê bình, cảm
nhận thơ0
- Các bài viết về Chuyện
làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm
nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận
thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:
*.
MAI TIẾN NGHỊ
Địa chỉ: 131, Tổ dân phố 2,
thị trấn Yên Định,
huyện Hải Hậu, tỉnh Nam
Định.
Email: cuaran54@gmail.com
Điên
thoại: 091 463 97 26
.............................................................................................................
- Cập nhật từ email nguyenhung967812@gmail.com
ngày 12.07.2023.
- Ảnh dùng minh họa cho
bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét