ĐỌC “VÀO TRẠI PHUNG QUY
HÒA
LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ”
VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA
LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ
Ta cười cợt với yêu ma xương cốt
Thoáng trong mây rờn rợn bát trăng sầu
Đất sẽ ướt tình ta như chuột lột
Trời cũng buồn như lớp lớp mộ bia.
Ta nhảy nhót với bóng ta vã xuống
Một đời vui đem gói lại cho người
Một đời buồn gửi lại ở bên ta
Trong khuya khoắt nụ tầm đông chợt nở.
Ta sẽ sớt hồn ta cho cây cỏ
Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng
Ta sẽ thả hồn ta cho trời đât
Trời ra hoa và đât hết vô tâm.
Ta vui quá ôi chao ta vui quá
Dịch Thủy buồn đâu vì lỗi Kinh Kha
Trong tiếng kêu có chút gì là lạ
Sao dưng không thinh lặng đến vô thường.
Nơi quạnh vắng cõi lòng ta thăm thẳm
Ấy bao dung lồng lộng gửi cho người
Trong chiu chắt tình ta phơi phới lắm
Ngó xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi.
*
Quy Nhơn 1973
PHƯƠNG TẤN
Thơ Phương Tấn có nhiều bài đọc thấy hay và dễ hiểu. Thơ Phương
Tấn cũng có nhiều bài đọc khó hiểu, khó hiểu mà vẫn biết hay, như nhìn một bức
tranh trừu tượng với nét vẽ ẩn dụ nhiều ý tưởng. Những ý tưởng ấy, mơ hồ trong
sâu xa ta cảm nhận được sự “Trong sáng vô biên và quyến luyến”của nó .
Tôi không đủ trình độ để xác nhận những bài thơ như thế có phải là thơ siêu
thực hay không, nhưng thật sự đọc những bài thơ ấy ta cảm nhận được hư và thực
lẩn lộn trong nhau như một giấc mơ đem đến cho ta những cảm xúc phiêu bồng,
tưởng mình được nhẹ như chỉ có linh hồn bay trong cõi thơ hư hư, thực thực!
Bài thơ “Vào Trại Phung Quy Hòa Làm Thơ Gửi Hàn Mạc Tử”
đối với tôi phải cần suy tư nhiều để hiểu, nhưng tôi cảm nhận được nó thật sự
là hay, hay không thua bất cứ bài thơ nào của các thi nhân thơ Mới trong và
ngoài Tự Lực Văn Đoàn.
Năm 1938, khi bệnh bắt đầu trở nặng, Hàn Mạc Tử chịu đựng những
cơn đau của mình. Nhà thơ dùng thơ để làm dịu bớt những cơn đau ấy, từ đó “Máu
Cuồng và Hồn Điên” ra đời. Bình về “Máu Cuồng và Hồn Điên”, Hoài
Thanh trong “Thi Nhân Việt Nam” viết: “Trăng, toàn trăng, một
ánh trăng gắt gao...Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ
tráo và cũng náo nức dục tình. Hàn Mạc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung
ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người...Trời đất này
thực của riêng Hàn Mạc Tử, ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai
hiểu được...”
Nhà thơ Hàn Mạc Tử trút hơi thở vào ngày 11-11- 1940. Mộ nhà thơ
lúc đó được đặt dưới chân núi Quy Hòa. Sau hơn 18 năm chôn cất tại đây, ngày
13-1-1959, gia đình và bè bạn đã làm lễ cải táng Hàn Mặc Tử lên đồi Thi Nhân
(Ghềnh Ráng – Quy Nhơn). “Năm 1991, trên mộ cũ của Hàn ở Quy Hòa, người ta
đã xây dựng một đài tưởng niệm. Bệ lớn dưới chân tượng đài thể hiện Hàn Mặc Tử
là người góp phần đặt nền móng cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Trên bệ là hình
cuốn sách lật ngửa, như trang đời và trang thơ của Hàn Mặc Tử còn dở dang. Phần
trên đỉnh vừa tượng trưng cho hình ảnh bút nghiên của thi sĩ vừa là hình cây
thánh giá. Bờ tường trước đài thể hiện hình ảnh vầng trăng luôn ẩn hiện trong
thơ Hàn. "Ta bay lên, ta bay lên!/ Gió tiễn đưa ta với nguyệt thiềm/ Ta ở
cõi cao nhìn trở xuống/ Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm".
Năm 1973 nhà thơ Phương Tấn vào nghĩa địa tại trại phung Quy Hòa
dưới chân núi Trứng thăm ngôi mộ cũ của Hàn Mạc Tử và bài thơ gửi Hàn Mạc Tử ra
đời.
Hãy đọc khổ thơ đầu tiên:
Ta cười
cợt với yêu ma xương cốt
Thoáng
trong mây rờn rợn bát trăng sầu
Đất sẽ
ướt tình ta như chuột lột
Trời
cũng buồn như lớp lớp mộ bia.
Đây là những cảm xúc đầu tiên khi nhà thơ bước vào khu nghĩa
địa.
“Cười cợt” là hành động chế nhạo. Phương Tấn mới bước vào
nghĩa địa đã cười chế nhạo với những linh hồn mà xương cốt còn vùi chôn nơi
đây. Có lẽ ta phải hiểu đây chỉ là phản ứng chống lại sự sợ hải khi đứng ở một
nơi mà tác giả cho rằng chỉ toàn “yêu ma và xương cốt”. Bước vào nơi
đây, nhà thơ nhớ ngay những bài thơ trăng của Hàn Mạc Tử, và những bài thơ ấy
làm cho tác giả có cảm giác bầu trời như ban đêm, có trăng và mưa lạnh trên lớp
lớp mộ bia. Cụm từ “một bát trăng sầu” làm cho ai đọc thơ cũng lạnh gáy,
lại thêm “Ướt như chuột lột”, “lớp lớp mộ bia” làm cho khung cảnh
vô cùng ảm đạm.
Khổ thơ đầu tiên tác giả đã vẽ một bức tranh sầu, sầu như đời
Hàn Mạc Tử, sầu như bệnh phung Hàn Mạc Tử, sầu như tình Hàn Mạc Tử và sầu như
cái chết Hàn Mạc Tử. Khổ thơ diễn tả hoàn toàn thật những xúc động khi nhà thơ
bước vào một khung cảnh cô liêu, tưởng nhớ lại người xưa, một nhân tài nhưng
gánh chịu đau thương vì thất tình, cô đơn và đau đớn thể xác.
Khổ thơ thứ hai:
Ta nhảy
nhót với bóng ta vã xuống
Một đời
vui đem gói lại cho người
Một đời
buồn gửi lại ở bên ta
Trong
khuya khoắt nụ tầm đông chợt nở.
Phương Tấn vui gì mà nhảy nhót? Nhảy nhót vì đã đứng bên mộ Hàn
Mạc Tử, nhảy nhót vì tưởng tượng mình đã diện kiến người xưa, nhảy nhót vì ước
mơ bao ngày nay đã đạt. Đây là cảm xúc thăng hoa mà bất kỳ ai yêu thơ Hàn Mạc
Tử đều như vậy khi đến với Hàn, đứng bên mộ Hàn. Tất nhiên Phương Tấn nhảy nhót
trong lòng mình, nhà thơ “vã xuông” vì hân hoan. Giờ phút nầy tác giả đã
quên đây là nghĩa địa, đã quên “yêu ma xương cốt”, đã quên “bát trăng sầu”, chỉ
còn biết Hàn Mạc Tử, Hàn Mạc Tử mà thôi, đến nỗi ông gói cả đời vui tặng Hàn và
gói cả đời buồn giữ lại cho ông. Điều đó chứng tỏ nhà thơ yêu Hàn Mạc Tử đến độ
nào, say Hàn Mạc Tử đến độ nào, sẳn sàng dâng tặng cho Hàn tất cả, với vui mừng
đến độ nhà thơ tưởng tượng giữa khuya mùa đông, nụ hoa nở ra trong lòng ông lúc
bấy giờ.
Vì sao không nở nụ tầm xuân mà lại nở “nụ tầm đông”? Bởi
vì cuộc đời Hàn Mạc Tử đâu có mùa xuân bao giờ. Tất cả thơ của Hàn là thơ đau,
đến nỗi bài thơ “Mùa Xuân Chín” của Hàn cũng đau vì “Chị ấy
năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Giờ đây Phương
Tấn trong trạng thái khoái Lạc vì ông nghĩ đã hội ngộ cùng linh hồn Hàn Mạc Tử
nơi đây, nhưng linh hồn Hàn xem như là một khối sầu trong vắt, cho nên Phương
Tấn khoái lạc vì được chung niềm đau với Hàn. Sự khoai lạc đó không khác chi “nụ
tầm đông” nở ra thơm ngát trong cơn mưa gió. Đó chính là cái “thú đau
thương” cái thú lạ kỳ mà không ai không mắc phải khi ta rơi lệ vì một màn
kịch đóng hay với đầy nghịch cảnh.
Khổ thơ thứ ba:
Ta sẽ
sớt hồn ta cho cây cỏ
Cây sẽ
xanh và cỏ hết bạc lòng
Ta sẽ
thả hồn ta cho trời đât
Trời ra
hoa và đât hết vô tâm.
Bây giờ nhà thơ vui hẳn, vui vì ông đã san sẻ được nỗi sầu, niềm
đau của Hàn Mạc Tử qua ông. Nhà thơ vui vì nghĩ rằng ông đã làm được “Một
đời vui đem gói lại cho người” và tại đây linh hồn Hàn Mạc Tử đã nhận quà
lớn của ông. Nhà thơ vui vì ông nghĩ răng ông đã tự nguyện nhận của Hàn “Một
đời buồn gửi lại ở bên ta” và Hàn đồng ý trao cho ông nỗi sầu đau của Hàn.
Từ niềm vui trong lòng đó, tình yêu trong tâm hồn Phương Tấn tràn ra vạn vật
cho đến cây cỏ.
Vì Hàn Mạc Tử, Phương Tấn đã vị tha “Ta sẽ sớt hồn ta cho cây
cỏ”. đã lạc quan “Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng”, đã có lòng bao
dung rộng lớn “Ta sẽ thả hồn ta cho trời đất”, và đã biến đổi cả linh
hồn trời đất trở nên tươi đệp “Trời ra hoa và đất hết vô tâm”. Bây giờ
không chỉ Phương Tấn nhảy nhót mà cả không gian nhảy nhót, nghĩa địa biến mất
trong mắt ông, còn chăng là mộ Hàn Mạc Tử trở nên một đền đài tuyệt mỹ.
Khổ thơ thứ tư:
Ta vui
quá ôi chao ta vui quá
Dịch
Thủy buồn đâu vì lỗi Kinh Kha
Trong
tiếng kêu có chút gì là lạ
Sao
dưng không thinh lặng đến vô thường.
NIềm vui tràn ngập trong hồn thi nhân. Bỗng dưng nhà thơ lại nhớ
đến chuyên Kinh Kha và sông Dịch Thủy bên Tàu từ một thưở xa xưa. Có nghich lý
chăng? Nếu ta hiểu nhà thơ, sẽ không cho là nghịch lý. Hãy nghe mấy câu thơ
trong “Bài Ca Sông Dịch” của Vũ Hoàng Chương:
“Biên
thuỳ trống giục
Nẻo Tần
sương sa
Gió thê
lương quằn quại khói chiêu hà
Buồn
xưa giờ chưa tan
Phong
tiêu tiêu hề Dịch thuỷ hàn
Bạch
vân! Bạch vân! kìa ngang rừng phất phới
Ôi màu
tang khăn áo lũ người Yên”
Khung cảnh Kinh Kha qua sông Dịch Thủy để đi hành thích Tần Thủy
Hoàng trong tiếng tiêu của Cao Tiệm Ly buồn quá buồn. Lúc đó tất cả người Yên
đều mặc đồ tang để tiển đưa Kinh Kha lên đường. Vậy thì sông Dịch Thủy bấy giờ
khác chi là nghĩa địa ngày nay mà thi nhân đang đứng. Lúc đó, người Yên tiển
đưa trong cảnh buồn nhưng lòng vui. Vui vì họ hy vọng Tần Thủy Hoàng sẽ chết,
đất nước sẽ bình yên, con người sẽ hanh phúc. Vậy thì cảnh buồn đâu phải tại
Kinh Kha, bởi Kinh Kha đang đem niềm vui và hy vọng cho mọi người. Bây giờ
Phương Tấn cũng vậy, đời Hàn thì buồn, nghĩa địa thì buồn nhưng lòng Phương Tấn
đang vui bởi ông đã đến nơi đất hành hương, đã đứng nơi mộ của Hàn Mạc Tử, đã
thỏa lòng mơ ước được đến một lần nơi thi hào nằm xuống. Vậy nên, lòng nhà thơ
cũng như lòng dân nước Yên thuở trước, vui trong khung cảnh rất buồn, rơi lệ
tiển đưa trong niềm hy vọng lớn lao.
Khổ thơ cuối cùng:
Nơi
quạnh vắng cõi lòng ta thăm thẳm
Ấy bao
dung lồng lộng gửi cho người
Trong
chiu chắt tình ta phơi phới lắm
Ngó
xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi
Bài thơ mở đầu với “tình ta như chuột lột”. Bài thơ kết
thúc với “tình ta phơi phới lắm”. Ta thấy tâm trạng nhà thơ Phương Tấn
thay đổi rất mau, ông rất buồn, gần như sợ hải khi bước vào nghĩa địa, nhưng
lòng ông chuyển biến ngay khi đến với mộ Hàn. Cuối cùng, dầu “Ngó xuống đời
bạc phếch tuổi hai mươi” nghĩa là con mắt nhìn đời vẫn lắm bi quan nhưng
tâm hồn ông đã rộng mở “bao dung lồng lộng”. Đó là nhờ đâu? Nhờ Phương Tấn đã
thấy mộ Hàn Mạc Tử. Mới thấy mộ thi nhân mà nhứ thế, nếu gặp được con người
thật Hàn Mạc Tử thì sẽ như thế nào. Điều đó cho ta hiểu được những kỳ ngộ trong
sử sách như Bá Nha - Tử Kỳ, những duyên lành gặp gỡ của những tâm hồn, của
những trí tuệ lớn trong đời nầy sẽ làm nên lịch sử.
Cuối cùng, đây là bài thơ hay trên những bài thơ hay. Phương Tấn
đưa ta đến thăm mộ Hàn Mạc Tử nhưng chưa một lần nhắc đến tên Hàn Mạc Tử Trong
thơ. Vậy mà ta vẫn thấy Hàn Mạc Tử thắm thiết trong lòng ta trên từng dòng thơ
thiết tha sớt hồn cho cây cỏ, thả hồn cho trời đất và “Trong chiu chắt tình
ta phơi phới” của nhà thơ ./
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài phê
bình, cảm nhận thơ0
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ BỎ YÊU:
*.
CHÂU THẠCH
(Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính,
Thuận Phước,
Hải Châu, thành phố Đà
Nẵng.
Điện
thoại: 0929128967 - 0842267607
Email: truongvantran@hotmail.com
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 18.10.2023.
- Ảnh dùng minh họa cho
bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét