CỦA ĐỖ HUY CHÍ
NHỊP CẦU TRẺ CON
Ước gì
trở lại ngày xưa
Ta về
thăm lại ngày chưa biết gì
Cái
thời bỏ túi viên bi
Đã cho
em đấy, có khi lại đòi
Em và
bè bạn và tôi
Mặt
trăng có mắt mặt trời có râu
Trẻ
con, nào sá gì đâu
Trẻ
con, đâu cũng là cầu sang chơi
Bây giờ
thôi, lớn cả rồi
Thành
em, thành bạn, thành tôi bây giờ
Cùng
chung một tuổi ngây thơ
Nào ai
có biết... ai ngờ... mai sau
Vui thì
rộng buồn thì sâu
Bàn
chân đặt lại nhịp cầu đong đưa
Nối
ngày nay với ngày xưa
Biết gì
lại nối với chưa biết gì.
*,
Tháng 11 - 1989
ĐỖ HUY CHÍ
LỜI BÌNH(Tác giả Hà Huy Hoàng)
Đã 28 năm trôi qua nhưng tôi hãy còn nhớ như in cái cảm giác bồi
hồi, run rẩy khi lần đầu tiên được đọc bài thơ của một nhà thơ trẻ - đồng hương
của các tên tuổi Thế Lữ, Thanh Tùng...
Số là tờ tuần báo chuyên về văn chương ấy ra số báo đầu tiên,
người ta giới thiệu trân trọng tám bài thơ với tám gương mặt đã đạt giải Nhất,
giải thưởng của các báo trong Nam ngoài Bắc vài ba năm trước đó. Từ những người
nổi tiếng đến các tờ báo "sừng sỏ" như Văn nghệ, Văn nghệ thành phố Hồ
Chí Minh... đều góp mặt.
Không hiểu sao, đến nay hầu hết các bài thơ của số báo đặc biệt
ấy đều trôi tuột, chả đọng lại trong tôi bài nào, thậm chí một câu thơ nào. Thế
nhưng, khi đó, thật lạ, chỉ vài mươi phút sau khi đọc tôi đã nhập tâm và thuộc
lòng ngay "Nhịp cầu trẻ con" của Đỗ Huy Chí. Bài thơ đã
găm vào tôi từ ấy đến giờ.
"Ước gì trở lại
ngày xưa
Ta về thăm lại ngày
chưa biết gì
Cái thời bỏ túi viên bi
Đã cho em đấy, có khi
lại đòi"
Những điều hết sức bình dị bình thường luôn diễn ra trong "thế
giới tuổi thơ" nhưng có mấy ai ghi lại được tinh tế như này?
Vâng, ngày xưa thuở lên chín lên mười, tôi cũng thường cho em
những chiếc kẹp tóc có đính cánh bướm xinh xinh, cả mấy viên kẹo ú nữa nhưng
chưa bao giờ đòi lại. Còn em, thi thoảng em cũng cho tôi trái ổi trái me, tôi
cầm chưa kịp nóng tay thì bất ngờ khăng khăng em đòi lại. Trả lại em nhưng tôi
không hề tức giận, thậm chí còn dỗ ngọt em, và còn tìm cái gì đó để cho thêm em
nữa. Còn nhớ không, hỡi cô bé của xóm chợ ngày xưa?
Giờ thì em đương hạnh phúc, sống ấm êm cùng chồng con tận sông
nước miền Tây.
Trẻ con quả là kỳ diệu, trí tưởng tượng thật đáng yêu và ngộ
nghĩnh biết nhường nào:
"Em và bè bạn và
tôi
Mặt trăng có mắt mặt
trời có râu
Trẻ con, nào sá gì đâu
Trẻ con, đâu cũng là
cầu sang chơi"
Ở khổ thơ này, hai câu đầu chỉ là sự diễn tả trí tưởng tượng,
cái nhìn sinh động, ngộ nghĩnh ở trẻ em thôi, nhưng hai câu sau đã vô tình làm
cho ta bỗng giật mình, tự vấn. Ta giật mình vì giờ ta đã lớn rồi, liệu ta có
còn "hồn nhiên" đến với người này người nọ thăm thú, vui chơi một
cách vô tư không nhỉ?
Không, đời đã dạy ta rồi, bây giờ, dù muốn dù không khi giao
tiếp với ai ta cũng ít nhiều dè dặt, ngay cả với bạn bè một thuở trẻ trâu. Tôi
đã từng cưỡi xe đạp chở những bình nước nặng nề đi giao cho khách, tình cờ
trông thấy bạn xưa ở thành phố vừa về. Bạn bây giờ đang là kiến trúc sư, là
doanh nhân thành đạt. Chỉ nhìn thoáng qua rồi đạp xe đi vội, bạn cũng đã thấy
tôi nhưng tôi không hề nghe tiếng gọi bạn ơi bạn hỡi vang lên.
Vậy đấy. Một khi sự hãnh tiến cùng lòng tự trọng đi đến đỉnh
điểm, chúng đã phá hủy đi biết bao điều tốt đẹp của năm tháng xa xưa. Giờ đây,
lắm khi chỉ một nụ cười, một cái bắt tay xã giao thôi mà ta cũng phân vân, cân
nhắc.
"Bây giờ thôi, lớn
cả rồi
Thành em, thành bạn,
thành tôi bây giờ
Cùng chung một tuổi
ngây thơ
Nào ai có biết... ai
ngờ... mai sau"
Cũng phải thôi, thời gian mà. Đàn chim non vô ưu ngày xưa giờ đã
lớn khôn. Lúc này, chúng nhìn đâu cũng thấy những dự án, hợp đồng. Quả này
trúng đậm, quả kia xoàng xoàng, con xe này bạc tỉ, căn hộ kia có giá triệu
đô... Than ôi, giờ còn đâu hình ảnh ông mặt trời có râu và mặt trăng kia có
mắt?
"Nào ai có biết... ai ngờ... mai sau" - Ừa, thì
vậy. Cũng đều "một lứa bên trời" nhưng thân phận nào ai cũng giống ai
đâu. Kẻ thì quá giàu sang người thì bương chải từng ngày cơm áo. Người thì làm
ông kia bà nọ, kẻ thì làm anh thợ hồ, anh nông phu vác cuốc ra đồng dầu dãi
nắng mưa...
"Vui thì rộng buồn
thì sâu
Bàn chân lại đặt nhịp
cầu đong đưa
Nối ngày nay với ngày
xưa
Biết gì lại nối với
chưa biết gì."
"Vui thì rộng buồn thì sâu" - câu thơ ẩn chứa
nhiều suy tư lắm, nhưng có thể nào nó lại không mang cái thông điệp hết sức
nhân văn này chứ: Nếu may mắn trời thương giúp ta thành công rồi, có địa vị
rồi, ta nên hết sức cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, thói cao ngạo nhênh nhang
của mình, kẻo bạn bè ta hoặc cả "em" nữa - những người vì
nhiều lý do nên thua kém ta về mọi mặt sẽ buồn, sẽ đau lòng bởi lời vô tình của
ta thể như đường dao sắt ngọt...
Thật may, chúng ta chưa đánh mất đi tất cả. Đồng tiền, danh lợi
không phải lúc nào cũng biến ta thành kẻ vong thân, mờ mắt. Đôi khi càng giàu,
công danh rạng rỡ bao nhiêu thì ta lại càng thấy cõi hồn ta trống rỗng, cô đơn
bấy nhiêu ấy chứ!
Từng bước, từng bước âm thầm bàn chân ta lần tìm về "đường
xưa lối cũ", nơi ta oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi tuổi thơ ta đã
từng in bao dấu chân trên khắp nẻo đường quê, ngõ phố. Giờ ta chầm chậm đi trên
"cây cầu" của tâm thức, nối giữa hiện tại và ngày xưa, dẫu có
chút "đong đưa" nhưng sẽ không bao giờ làm ta rơi, ngã. Đi
thêm, đi thêm nữa ta chợt sững lại vì bất ngờ: Trước mắt ta bỗng hiện ra ông
mặt trời có râu, nàng mặt trăng có mắt, có viên bi chai lấp lóa giữa trưa.Ta
cho em viên bi rồi ta đòi lại, trái ổi trái me của tuổi thơ bất ngờ thơm nhức
nách trong sâu thẳm hồn ta...
Bởi vậy, đọc "Nhịp cầu trẻ con" của thi
sĩ Đỗ Huy Chí thử hỏi làm sao tôi dửng dưng được chứ?
Và, chỉ cần bài lục bát với bốn khổ mười sáu câu này là tôi đã
có ngay trong tay mình tấm vé. Tôi hăm hở đi về cái thuở "ngày chưa
biết gì".
Về lại với tuổi thơ, bất chợt trên môi ta nở nụ cười tươi mà đôi
mắt hốt nhiên nhòa đi bởi bao nỗi niềm sâu kín. Cả một trời tuổi thơ trong veo
ngờm ngợp nhảy múa trong ta...
Trở lại ngày xưa, phải chăng chúng ta được trở về đúng với con
người nguyên bản?
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0
- Các bài viết về Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Nghệ sĩ Thúy Minh diễn ngâm bài thơ
PHÍA KHÔNG EM, thơ Đặng Xuân Xuyến:
*.
Quảng Ngãi, 11/01/2023
HÀ HUY HOÀNG
Địa chỉ: Thôn Nga Mân, xã Phổ Cường,
huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Điện thoại: 098 328 26 79
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ sách tác giả gửi tặng tháng 10.2023.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện
quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét