NGƯỜI VỀ ĐƠN CÔI
*
(Chuyện biên giới 17.2.1979)
Trong khi quân dân những tỉnh biên giới đang phải căng mình ra
để chiến đấu với địch, thì dưới Hà Nội, mọi người vẫn an bình với cuộc sống
thường ngày nhộn nhịp. Trong khi 20 cán bộ cao cấp trong quân đội Liên Xô do
Đại tướng Ghendy Ivanovich Obaturov bay tới Hà Nội để sát cánh cùng các tướng
lĩnh của chúng ta lên kế hoach tác chiến chống Tàu, thì lại có một số cán bộ bỏ
vị trí chỉ huy, bỏ lính chạy về tuyến sau... Đó là những góc khuất mà nhiều
người không được biết.
Đầu năm 2016, nhân kỉ niệm tháng 2.1979 - ngày giặc Trung Quốc
gây hấn xâm lược mấy tỉnh phiá bắc nước ta, đại tá Trần Danh Bảng (là bạn cùng
khoa với tôi trên trường tên lửa và là cựu phóng viên báo Quân đội) đã viết bài
trên Facebook, kể lại trận đánh giữ chốt ác liệt mà chính anh là người chỉ huy
c2, d2, e119 – mặt trânh Thất Khê, Lạng Sơn: Khi bắt đầu nổ súng, đại đội của
anh không hề nhận được một mệnh lệnh nào của cấp trên. Anh phải chỉ huy bộ đội
độc lập tác chiến và mãi tới hai ngày hôm sau, cấp trên mới “mở miệng” (từ của
anh). Câu hỏi được đặt ra là: Cấp trên có biết được rằng, địch nhất định sẽ
đánh không? Lúc khẩn cấp nhất ấy, cấp trên ở đâu? Sau này tôi có đọc một bài
viết trên Facebook ghi lại lời kể của ông Trung tá Quách Hải Lưộng – trưởng
phòng tác chiến quân chủng phòng không. Ông Lượng kể: Sáng ngày 17.2.1979, vợ
tôi lên nghe báo cáo tình hình trên Ban tuyên huấn Trung ương. Khi về, tôi hỏi
bà: Tình hình thế nào? Bà bảo: Các anh trên tuyên huấn nói rằng: Cho ăn kẹo
Trung Quốc cũng không dám đánh! Tôi cười: Xin thưa với bà chị, nó đánh chúng em
từ sáng nay rồi ạ.
Ngày ấy ở Hà Nội, tôi có biết một số cơ quan lưu trữ những tài
liệu quan trọng, họ đã đóng gói sẵn hòm xiểng để khi có lệnh là chuyển đi Hoà
Bình. Khi địch chiếm thị xã Lạng Sơn, một số gia đình ở Hà Nội cũng đã có những
động thái chuẩn bị sơ tán. Đấy là nhân dân. Nhưng một sĩ quan quân đội bỏ lính
chạy về Hà Nội mới hi hữu, chuyện thế này: Trung uý Vân là người phụ trách đại
đội sinh viên, anh thường phải lên báo cáo quân chủng tình hình của đơn vị. Một
hôm, trên quân chủng trở về, anh nói với tôi: Có một ông đại uý, chẳng hiểu
trên ấy đánh đấm ra sao mà ông ta bắt xe chạy một mạch suốt đêm từ Lạng Sơn về
Hà Nội. Sáng ra ông ta đã đòi vệ binh cho vào gặp lãnh đạo. Quần áo thì rách
rưới bẩn thỉu, đầu tóc thì bơ phờ, chỉ còn mỗi khẩu súng lục đeo sau đít là
mang “thương hiệu” sĩ quan. Gặp các sĩ quan tác chiến trong quân chủng ra, ông
ta la toáng lên: Chết hết rồi các anh ạ! Chúng chiếm được hết rồi!... Chẳng để
nói hết câu, người ta quát vệ binh trói lại, tống ông này vào nhà tạm giam.
Sau, không biết số phận ông ra sao.
Năm 1982. tốt nghiệp xong khoá học ở Hà Nội, tôi được phân công
lên nhận công tác trên trường sĩ quan chỉ huy kĩ thuật tên lửa-rada (nội bộ gọi
là trường 300) ở Sơn Tây. Anh Toàn tổ trưởng bộ môn dẫn tôi đến trước cái
giường một, khung đóng bằng gỗ, đặt ở góc nhà rồi bảo: Đây là giường của cậu
Diến, Tiến cứ nằm tạm, khi nào Diến lên hẵng hay. Cũng hơi xúc động! Vì sau 11
năm phục vụ quân ngũ, đây là lần đầu tiên tôi được quyền sử dụng một chiếc
giường “xịn”. Sĩ quan chứ ít gì!
Buổi trưa trên lớp về, nhìn thấy tôi bắt chân chữ ngũ trên
giường, thượng uý Thực đùa: Cậu này ghê nhỉ, dám nằm giường của người anh hùng.
Hỏi ra, anh kể: Đây là giường của trung uý Diến. Giữa năm 1978, Diến được cử đi
thực tế trên biên giới, làm chính trị viên đại đội (cùng đi với đợt Trần Bảng).
Họ có nhiệm vụ chốt trên một dãy đồi. Khi quân Trung Quốc tấn công, chính trị
viên Diến chỉ huy bộ đội đánh trả ác liệt, giữ được chốt mấy ngày. Nhưng cũng
rất khó hiểu như bên trận địa của Trần Bảng, họ cũng không hề nhận được mệnh
lệnh tác chiến của cấp trên. Vẫn là câu hỏi cũ: Trong lúc nước sôi lửa bỏng
này, cấp trên ở đâu? Trung uý Diến cũng phải tự ra quyết định - chỉ huy bộ đội
độc lập tác chiến. Mấy ngày, địch vẫn không vượt qua được chốt của các anh. Sau
cùng, chúng phải dùng chiến thuật “vu hồi”, mới chiếm được trận địa.
Không có thông tin chỉ đạo gì của cấp trên, không có tiếp viện
và không chịu đựng được đòn đánh vu hồi của địch, đại đội của Diến tan nát. Một
số hi sinh, một số bị bắt, một số trốn thoát. Sau này, khi trao trả tù binh,
các chiến sĩ thuộc đại đội của Diến về kể lại với cán bộ quân chủng rằng: Anh
Diến chỉ huy rất mưu trí dũng cảm, mình anh đã bắn cháy 2 xe tăng địch. Lúc đầu
địch giam chung tất cả mọi người lại với nhau, anh đã động viên anh em không
run sợ, không phản bội lời thề quân đội, giữ vững khí tiết cách mạng. Sau một thời
gian phân loại, địch đưa riêng các sĩ quan về trại giam phía trong. Từ đấy, anh
em không biết gì về anh nữa. Liền sau đó, bên cơ quan chính trị quân chủng liên
tục tuyên truyền tấm gương của Diến. Họ ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường,
dũng cảm của người chính trị viên đại đội. Thậm chí, bên tuyên huấn đã sáng tác
(theo kiểu nghệ thuật mì ăn liền) một bài hát về anh.
Tôi về trường 300 công tác từ tháng 2.1983, vậy mà mãi đến tận
gần tết nguyên đán năm ấy, Diến mới lên đơn vị để làm thủ tục giấy tờ ra quân.
Diến người cao dong dỏng, gầy yếu, hai mắt sâu, rất ít nói. Hai đứa nằm gần
giường nhau, tôi hỏi Diến chuyện ngày trước, anh kể sơ qua: Các đơn vị phía sau
chốt hoặc đã rút, hoặc bị tan rã, nhưng các anh vẫn không nhận được lệnh gì của
cấp trên (!). Đại đội anh vẫn kiên quyết bám trụ. Địch không thể vượt qua được
chốt, bởi vì lính ta đánh rất kiên cường, có công sự tốt và địa hình không cho
phép địch huy động đông người. Mặt khác, con đường độc đạo qua chốt rất hẹp,
lại có 2 xe tăng bị anh bắn cháy nằm chắn ngang, do vậy chúng vượt qua được
thằng nào là ta bắn chết thằng ấy... Địch dạt sang hướng khác, đánh sâu vào đất
của ta, sau đó từ sau lưng đại đội, địch đánh thốc lên, lấy được chốt. Đêm hôm
ấy, anh dẫn theo mấy chục lính chạy thoát xuống chân đồi, rồi chui vào ruộng
mía. Sáng tinh mơ hôm sau, đang nằm trong ruộng mía, các anh thấy một toán lính
địch đi tới, chúng gặp một bà cụ già, bà này nói bằng tiếng Tàu: Các con ơi! Mẹ
chờ các con ở đây lâu lắm rồi. Lúc đó anh Diến mới biết bà này là người Việt
gốc Hoa. Chúng bao vây rồi càn vào ruộng mía và bắt được hết quân ta. Lúc đầu,
anh bị giam chung cùng với lính, sau một thời gian phân loại, chúng đưa anh lên
xe chạy về trại giam sâu trong đất Trung Quốc. Khi còn ở tuyến 1, anh và lính
mình còn bị đánh và bị o ép, nhưng khi về đến tuyến 2 rồi thì anh được đối sử
khá tốt. Chúng giáo huấn bằng cả tiếng Việt và tiếng Hoa. Cho tù binh xem tivi,
sách báo để tuyên truyền Trung Hoa “vĩ đại” và nói xấu lãnh đạo Việt Nam, Liên
Xô.
Biết Diến đã tốt nghiệp khoa Trung văn ở đại học sư phạm Cầu
Giấy, tôi hỏi: Chúng có biết ông thạo tiếng Trung không? Anh bảo: Mình giữ kín
không để lộ chi tiết này, chúng mà biết là rắc rối. Sau này, quân Trung Quốc
làm một hành động li gián rất thâm hiểm: Chúng đóng một cái mảng bằng tre nứa
rồi đưa một mình anh lên đó, ném theo một cái ba lô, bên trong có một đèn pin,
hai bộ quần áo Tô Châu. Sau đó chúng đẩy chiếc mảng trôi về bên phía Việt Nam.
Khi lên được bờ, Diến lần đường về đựơc tới trường sĩ quan chính trị Bắc Ninh.
Sau đó, trường tên lửa cử thượng uý Trần Danh Bảng cùng một người nữa lên đón
Diến về... Nhưng tiếc thay, tổ chức quân đội lại không mở rộng vòng tay đón
anh! Với tất cả những gì xảy ra trong chiến đấu và trước khi Diến bị đưa về
tuyến 2, các chiến sĩ trong đại đội anh đều đã thấy và khẳng định rằng, anh
xứng đáng là một anh hùng. Nhưng từ sau khi anh bị biệt giam, không có ai ở
cùng để làm nhân chứng. Ai dám đảm bảo rằng anh vẫn giữ vững tinh thần “trung
với nước” của mình trước quân thù? Ai dám khảng định rằng, anh đã “phản bội
xưng khai”? Mặt khác, cách trao trả lén lút không theo thông lệ quốc tế, càng
làm tăng tính phức tạp của của vấn đề. Phải chăng, đây là kế li gián của kẻ
thù?
Quân chủng không có bất cứ lời kết luận nào, chỉ lặng lẽ làm thủ
tục cho Diến ra quân!
Trong cuộc kháng chiến chống quân thù xâm lược, rất nhiều con
dân nước Việt đã hiến dâng máu xương của mình cho độc lập tự do của dân tộc và
họ đã được nhân dân ghi nhận như những anh hùng, nhưng cũng không ít người đã
phải âm thầm chịu đựng, hi sinh cả quyền lợi và danh dự của mình cho đất nước
quê hương.
Tôi đã ở cùng phòng với Trung úy Diến mấy ngày, khi ấy anh lên
đơn vị để hoàn tất giấy tờ phục viên. Lãnh đạo không khen, cũng không chê mà
cũng không một lời giải thích! Anh vẫn chỉ mang cấp hàm trung uý. Không một lời
ca thán cho riêng mình, Diến đeo chiếc ba lô xẹp lép đã bạc mầu lên vai và vĩnh
biệt đời quân ngũ. Quê anh ở Hải Dương, anh sẽ trở về một nắng hai sương trên
cánh đồng đang chờ người cày ải - cánh đồng mà ngày xưa, khi anh cất bước ra đi,
có tiếng
“Chiền chiện cao cùng hót
Tiếng chim nghe thánh
thót
Vang vang khắp cánh
đồng...”
Năm năm sau, khi tôi chuẩn bị ra quân để sang Đức lao động,
trong một lần nói chuyện với Đại uý Thực về Diến, anh Thực bảo: Nghe những
người cùng quê nói rằng, nó khổ lắm, đau ốm luôn, nhà lại nghèo kiết. Đâu như
mới phải đi điều trị ở bệnh viện tâm thần!
Không tâm thần mới là lạ!
-------------
MỜI
NHẤP CHUỘT ĐỌC THÊM:
- Cuộc chiến tranh
Biên giới 1979l
- Không được quên
tội ác của bá quyền Trung Quốcl
- Trận chiến cầu
Khánh Khê và giờ học lịch sửl
- Vị Xuyên ơi! Nỗi
đau không quên!l
- Gạc Ma - Nỗi đau
không được quênl
- Vạch trần dã tâm
thâm đọc của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đôngl
- Vai trò của Mao
Trạch Đông trong chiến dịch tiến chiếm Hoàng Sa năm 1974l
- Cuộc chiến chống
quân Trung Quốc xâm lược: Hoàng Sa năm 1974l
- Sự thật về quan hệ
Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năml
Mời nghe ca khúc TIẾNG SÚNG ĐÃ VANG TRÊN BẦU TRỜI BIÊN GIỚI
của Phạm Tuyên, do Tốp ca Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện:
*.
NGUYỄN CÔNG TIẾN
Định cư tại: thành phố Halle (Saale), Đức Quốc.
Email: truongluuthuy52@yahoo.de
.............................................................................................................
- Cập nhật theo email:
nguyenvan12322123@gmail.com ngày 17.02.2024
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn:
internet.
- Bài viết không thể
hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét