LĂN
TĂN CHÚT XUNG QUANH VỊ
HÀNH
GIẢ HẠNH ĐẦU ĐÀ ĐI KHẤT THỰC
Tôi vẫn không viết gì về vị hành giả hạnh
đầu đà khất thực danh tiếng đang rất lừng lẫy, lừng lẫy đến mức, khi một anh
viết cái tút: “Với tất cả lòng kính trọng
Thầy và lòng yêu mến của các bạn đối với Thầy, tôi chỉ muốn hỏi những người
muốn và đang theo bước Thầy: Ai sẽ là người trồng lúa để có gạo cho thầy dùng
bữa? Ai sẽ dệt những tấm vải để có áo cho thầy mặc? Ai sẽ giữ bình yên trên
những con đường thầy sẽ đi?”, anh ấy liền bị nhiều người xông vào chửi te
tua, phải gỡ tút xuống. Giờ thì tôi không thể không viết mấy dòng này.
Phật pháp vô biên, mọi pháp mang đến sự
thiện lành cho con người cho chúng sanh đều là Phật pháp. Có ngàn vạn con đường
hướng Phật, mọi con đường hướng Phật cũng như mọi pháp mang đến sự thiện lương
cho con người tôi đều tôn trọng. Tôi cũng tuyệt đối tôn trọng sự ngưỡng mộ của
mọi người đối với vị hành giả khất thực hạnh đầu đà.
Nhưng điều lạ lùng là xung quanh vị hành
giả đã tạo thành một đám đông quyền lực thật đáng sợ. Câu hỏi của anh viết cái
tút nói trên là tự do ngôn luận, chẳng gây hại cho ai, chẳng xúc phạm ai, lại
bị bỉ bôi chì chiết như xúc đổ đi. Và từ “tấm gương” của vị hành giả hạnh đầu
đà và từ một văn bản thiếu cân nhắc của Giáo hội Phật giáo, họ công kích vào
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, công kích vào các sư sãi không tán thành cách tu
của vị hành giả hạnh đầu đà.
Điều bất thường là một số giáo sĩ tôn giáo
khác cũng ca ngợi vị hành giả hạnh đầu đà. Tôn giáo này ca ngợi tôn giáo khác
là điều hiếm thấy. Có người ca ngợi vô tư, song có người ca ngợi vị hành giả này
để gián tiếp bài bác Phật giáo với tư cách là một Giáo hội. Một số người căm
ghét chế độ thì chăm chăm vào việc vị hành giả này có xuất hiện hay không, nếu
lâu không xuất hiện họ liền quy kết chính quyền “quản thúc” hay gây khó dễ cho
vị hành giả, từ đó quy kết nhà nước xâm phạm tự do tôn giáo. Nếu vị hành giả
nói ông đi ẩn tu thì sao lại bắt ông phải xuất hiện, ẩn tu mà xuất hiện thì đâu
có còn ẩn tu nữa? Đài truyền hình quốc gia lại “chạy theo dư luận”, đến phỏng
vấn ông, phát lần đầu không thấy ông và nhà báo chung một khung hình, lại bị
nói là “dàn dựng” không thật, sau đó phải phát có chung khung hình cho vừa lòng
“đại chúng”. Thật chẳng ra làm sao!
Những kẻ lợi dụng tôn giáo, lợi dụng chùa
chiền để làm những chuyện xằng bậy vô pháp vô thiên đáng bị bị dư luận lên án,
nếu phạm pháp thì đáng phải bị luật pháp xử lý. Những kẻ này đội lốt sư sãi để
trục lợi chứ không phải là sư sãi.
Lấy hành vi của vị hành giả hạnh đầu đà
làm “chuẩn mực” để công kích sư sãi và công kích những ý kiến không đồng thuận
với vị hành giả, không những rất trái với Phật pháp mà còn tạo ra sự nguy hiểm
về quyền con người trong xã hội. Tôi chỉ nêu vài ví dụ:
Vị hành giả từng nói, khi đến một tỉnh
(ông nói rõ tên tỉnh, nhưng tôi không nhắc lại đây) ông bị đánh, nhưng ông
không thù hận gì người đánh ông. Nghe qua thì thấy ông rất khoan dung, nhưng
thực tế không phải vậy. Nếu thực sự khoan dung thì ông không nên nhắc chuyện
ông bị đánh, còn nếu phải chỉ ra thì ông nên chỉ đúng người đánh, một người hay
hai người cụ thể, để dân chúng còn lại của tỉnh kia không thấy lời ông làm họ
bị tổn thương.
Ông cũng từng nói, khi đi khất thực qua
một huyện (ông cũng chỉ tên cái huyện đó, nhưng tôi không nhắc ở đây), cả huyện
không ai cho ông đồ ăn. Ông nói dù có cho hay không cho thì ông cũng cám ơn mọi
người, nhưng ông chỉ ra cái huyện đó để làm gì vậy? Để cho người ta thấy cái
huyện kia kỳ thị với Phật giáo chăng? Phật đâu có khởi lên sân hận.
Ông còn nói, ông không đọc chú Đại Bi,
cũng không học chú Đại Bi, “nếu vì muốn
mình an ổn, cần phải đọc chú đại bi, ví dụ xua đuổi con quỷ chẳng hạn, thì mình
cư xử ác với nó rồi”. Chú Đại Bi đâu có đơn giản là “cư xử ác” với quỷ mà
là chân ngôn của Quan Thế âm bồ tát tiêu trừ mọi chướng ngại và nghiệp ác,
tránh xa mọi oán hận sợ hãi, làm an vui cho tất cả chúng sanh. Theo kinh sách
thì khi Đức Quan Thế âm bạch với Đức Thế Tôn về chú Đại Bi thì "Chư Phật mười phương thảy đều hoan hỉ".
Vị hành giả khất thực có thể không thích không học Chú Đại Bi, đó là cách tu
của ông ấy, chẳng có vấn đề gì. Nhưng khi ông ấy được hàng vạn, hàng chục vạn
người hoặc nhiều hơn lấy làm chuẩn mực, nếu đám đông này có quyền thế thì chú
Đại Bi hoặc những bộ kinh mà ông này không thích có nguy cơ sẽ bị loại khỏi
kinh sách Phật giáo. Tôi nói điều này hơi quá, nhưng khi đám đông buộc mọi
người phải theo một "chuẩn mực" thì không gì là không thể.
Vị hành giả khất thực không vô minh đến
mức không biết mình có rất đông công chúng, ông không thể không biết mỗi một
bước chân ông đi, mỗi một lời ông nói đều được đám đông tôn thành “chân lý”.
Ông không thể không biết hành vi của ông được lòng rất nhiều người, nhưng cũng
gây phiền nhiễu cho rất nhiều người khác.
Khất thực là một cách hướng Phật, nhưng
không thể nói không khất thực là không hướng Phật. Chúng ta ai cũng biết, Đại
lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, đệ tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
người đã trụ thế 105 năm và có ngót 100 năm xuất gia tu tập, như Hòa thượng
từng nói, “chỉ nuôi thân chủ yếu bằng
nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, đồng tiền của tín thí thập
phương”.
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã gián tiếp trả
lời câu hỏi của fbker nói trên, dù ông không hề ngăn cản đệ tử của ông đi khất
thực hay nhận cúng dường. Một câu hỏi rất bình thường, sao đám đông lại biến
thành “cấm kỵ” khi đặt ra với vị hành giả hạnh đầu đà ?
------------
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Hoàng Hải Vân0
- Các bài viết của
(về) tác giả Phùng Hiệu0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đông La0
- Các bài viết của
(về) tác giả Thái Hạo0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyên Lạc0
- Các bài viết của
(về) tác giả Kiều Mai Sơn0
- Các bài viết của
(về) tác giả Phan Huyền Thư0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Hưng Hải0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Đức Tín (Khét)0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:
Ngô Thanh Tuấn giới thiệu
Tác giả: Hoàng Hải Vân
- nguồn: facebook
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét