BÌNH BÀI THƠ "NGÔI GIÁO LÀNG"
CỦA ĐOÀN THỊ LAM
LUYẾN
NGÔI GIÁO LÀNG
Chồng tôi quê ở miền Trung
Cái vóc thì ngắn, cái lưng thì dài
Mẹ thầy tôi cứ chê bai
Tốn cơm tốn của, tốn hoài cái duyên…
Rồi chồng tôi đỗ trạng nguyên
Danh thơm khắp nẻo ruộng vườn khỏi lo
Đáng dành một chức quan to
Chồng tôi treo ấn. Học trò theo đông
Tôi thì kế nghiệp nhà nông
Ngày ngày vác cuốc ra đồng thay trâu
Nhà tôi giầu giẩu giầu giâu
Thiếu vàng mà thấy đâu đâu cũng vàng
Ánh đèn vàng sách từng trang
Bữa vàng cháo bắp, thuở vàng con ngươi
Tôi vàng cả nước da tôi
Chồng tôi vàng võ ở ngôi giáo làng
Thế rồi tích tịch tình tang
Khi chồng tôi mất cả làng đưa ma
Cơ hồ chẳng giống người ta
Phải là bố chết, vòng hoa chật đường
Càng nghĩ tôi lại càng thương
Ước chi nhại được con đường chồng tôi.
*.
ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN
Bài thơ là một câu chuyện vắn
tắt về cuộc đời một ông Trạng - Giáo làng. Các chi tiết chính: thuở hàn
vi, khi đỗ trạng theo nghề giáo cuộc sống thanh bần- giầu có, khi mất
được cả làng đưa ma.
Nhà thơ đã sử dụng nhuần nhị
thể lục bát để kể chuyện, và đặc biệt là chất liệu dân gian trong ca dao.
Thuở hàn vi của người chồng chỉ được lược thuật qua hình ảnh “cái vóc thì ngắn, cái lưng thì dài”. Nếu
trong ca dao, anh học trò chỉ bị chê “tốn
vải”, thì người chồng này bị các cụ chê nặng hơn nhiều. Những ba lần tốn.
Hai cái tốn về vật chất là cơm và của. Một cái tốn về tinh thần là tốn hoài cái
duyên, phí một đời… con gái rượu của các cụ.
Nhưng chớ có thấy vóc ngắn
lưng dài mà nản. Chớ có thấy tốn kém vật chất, hao tổn tinh thần mà buồn. Phải
nhiều chữ nghĩa và giỏi giang lắm cái anh dài lưng kia mới đỗ Trạng. Và còn
đáng nể hơn nữa là tân Trạng nguyên không màng chức trọng quyền cao. Anh chỉ ưa
thích làm công việc nho nhỏ nhưng có ích là làm hương sư mà dân gian gọi nôm na
là giáo làng. Và vợ thì cũng không thành bà quan, mà chỉ tiếp tục làm cái nghề
được xếp thứ hai trong trật tự thông thường của xã hội, nhưng cũng có thể được
xếp hàng thứ nhất nếu thiên hạ mất mùa đói kém (Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy
rông, nhất nông nhì sĩ).
Điều mà người vợ tự
hào nhất là ông chồng đông học trò. Chứng tỏ uy tín chuyên môn và đạo
đức rất cao. Thứ hai là sự thanh bạch - giầu có của nghề dạy học.
Vàng bốn con chín hay vàng mười thì thiếu. Nhưng các thứ vàng khác
thì “giầu giẩu giầu giâu”. Các cụ bảo
“ Thư trung hữu kim ngọc” (Trong sách
có vàng ngọc). Nhưng theo cách nhìn dân gian, theo cách diễn đạt nôm na thì nhà
ông Trạng- giáo “đâu đâu cũng vàng”.
Này nhé: ánh đèn vàng, trang sách vàng, vàng cháo bắp, vàng mắt, vàng da, vàng
võ (võ vàng, đồng nghĩa với gầy yếu, hốc hác vì lao tâm khổ tứ với công việc
dạy học và cũng vì “giầu”).
Độc đáo nhất là sự vàng võ ở
ngôi giáo làng. Giáo làng, về vị thế thì có khác nào giáo khổ trường tư trong
sáng tác Nam Cao? Nhưng tác giả lại gọi cái NGÔI giáo làng. Tiếng
Việt ta “Ngôi” là từ chỉ chức vị cao
nhất trong thể chế xưa như ngôi vua, ngôi chúa, ngôi tể tướng… . Thế mà giáo
làng cũng có ngôi. Ngôi giáo làng nhỏ bé mà thiêng liêng. Bởi thế mà ông giáo
mất, cả làng đưa ma - biểu hiện của sự thương tiếc và kính trọng. Có người sẽ
băn khoăn rằng tại sao lại có thêm hai câu thơ so sánh:
“Cơ hồ
chẳng giống người ta
Phải là bố chết, vòng hoa chật đường?”
Người ta là ai? Vì sao
lại so sánh một bên cả làng đi đưa với bên kia là vòng hoa chật đường? Phải
chăng người kể chuyện muốn đối lập cái người ta lắm tiền nhiều của, hoặc chức
trọng quyền cao với cái người nhỏ bé giáo làng kia? Đối lập một bên là tấm lòng
với thể hiện chân chất cả làng đi đưa với cái bên vì sợ, vì nể, vì muốn lấy
lòng mà gửi vòng hoa chật đường?
Người vợ ông giáo với bao
nhiêu thương mến , trân trọng chồng mình, vẫn khẳng định con đường đúng đắn của
ông đáng được bắt chước, đáng được noi theo.
Câu chuyện nghe cứ như một
truyện cổ dân gian, có phảng phất Giấc mơ anh lái đò của Nguyễn Bính. Cái lí
lịch quê ở miền Trung của ông giáo - trạng chỉ là một địa danh phiếm chỉ mà
thôi. Miền Trung là ở chỗ nào? Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hay Quảng Bình,
Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi? Người chồng của nhà thơ Lam Luyến có nét
gì hao hao ông giáo trạng của nhân vật người vợ trong thơ? Có thể có người
đọc muốn biết thêm những thông tin ấy. Nhưng dù không biết và không thể biết
thì cũng đã rõ rằng đây là bài thơ ca ngợi người thầy, ca ngợi nghề thầy.
Ngôi giáo làng thật vô cùng
quan trọng trong bất cứ xã hội nào. Giáo làng là những người khai tâm cho học
trò, gieo vào tâm hồn trong trắng , thơ ngây của các em hạt mầm kiến thức và
đạo làm người để các em mang theo suốt đời.
Bài thơ là một tượng đài tôn
vinh người thầy, những người ở khắp mọi miền khiêm nhường, đức độ, giữ vững một
nghề nghiệp vẻ vang, nhất là khi kinh tế thị trường đang biến nhiều thứ thành
hàng hóa và làm đảo lộn không ít những giá trị vĩnh hằng.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài phê
bình, cảm nhận thơ0
- Các bài viết của
(về) tác giả Vũ Nho0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đông La0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đỗ Trường0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đỗ Hoàng0
- Các bài viết của
(về) tác giả Phùng Hiệu0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đỗ Anh Tuyến0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc
truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân
Xuyến:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét