MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

CÁC ĐẶC TÍNH VÀ TỆ NẠN CỦA VĂN HÓA TRUNG QUỐC - Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành (Hà Nội)

 

(Nguồn ảnh: internet)

CÁC ĐẶC TÍNH VÀ TỆ NẠN

CỦA VĂN HÓA TRUNG QUỐC

*

Tác giả: Dư Thu Vũ |

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

1. Các đặc tính của văn hóa Trung Quốc

(Tác giả Nguyễn Hải Hoành)

Rất nhiều học giả đã phát biểu về đặc tính của văn hóa Trung Quốc. Tôi không tán thành phần lớn các ý kiến của họ. Nguyên nhân chỉ có một: những “đặc tính” họ tìm ra thì không có gì khác với các tính đặc thù thực sự của các nền văn hóa khác.

Ví dụ: “mạnh mẽ, đầy triển vọng”, “vươn lên không biết mệt mỏi”, “nội dung bao la mênh mông”, “tôn sư trọng giáo”, “khoan dung nhường nhịn”, “hậu đức tải vật”,[1] những thành ngữ này luôn được thay nhau dùng để khái quát các đặc tính của văn hóa Trung Quốc. Thoạt xem dường như không có gì sai cả, nhưng một khi dịch ra tiếng nước ngoài thì rắc rối, vì trong những sách kinh điển của hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có cách nói tương tự, chẳng qua chúng ta trình bày bằng văn ngôn của Hán ngữ mà thôi.

Điều đó cho thấy sự nhất trí đáng quý của văn hóa Trung Quốc với văn hóa thế giới. Nó cũng cho thấy chúng ta không thể lấy tính nhất trí đó để thuyết minh đặc tính của văn hóa Trung Quốc. Điều quan trọng hơn là, những từ ngữ đẹp đẽ ấy phần lớn là lời dạy và lời tuyên bố với mọi người của các nhà tư tưởng cổ đại, không thể nói rõ những thứ đó đã được người ta áp dụng vào thực tế hay chưa. Đúng là có một số thứ các nhà tư tưởng cổ đại đã nhìn thấy nhưng người ta lại chưa làm được, cho nên họ mới đưa ra những lời răn dạy. Vì thế cái gọi là đặc tính văn hóa ắt còn phải có tính thực tiễn rộng rãi và lâu dài.

Xét theo tiêu chuẩn tính độc đáo và tính thực tiễn, tôi khái quát các đặc tính của văn hóa Trung Quốc thành ba thứ “Đạo”:

– Thứ nhất, trên mô thức xã hội, văn hóa Trung Quốc đã xây dựng nên “Đạo Lễ nghi”;

– Thứ hai, trên mô thức nhân cách, đã xây dựng được “Đạo Quân tử”;

– Thứ ba, trên mô thức hành vi, đã xây dựng được “Đạo Trung dung”.

Dùng ba thứ “Đạo” này để thuyết minh sự khác biệt căn bản giữa văn hóa Trung Quốc với các loại văn hóa khác, người nước ngoài có thể tiếp thụ được không?

Bắt đầu từ cách đây sáu năm, tôi được mời đến nói chuyện tại các trường đại học Harvard, Yale, Columbia, Maryland và Thư viện Washington ở Mỹ, tại các nơi đó tôi đều nói theo mạch suy nghĩ này, người nghe có phản ứng rất tích cực. Sau mỗi lần nói chuyện, tôi đều thảo luận với các giáo sư và học giả sở tại. Nhìn chung có thể khẳng định, mạch suy nghĩ ấy của tôi tương đối dễ được giới học giả quốc tế chấp nhận.

Sau đây tôi xin dùng lời lẽ đơn giản nhất để nói qua về ba thứ “Đạo” này.
Trước hết nói về “Đạo Lễ nghi”. Tổ tiên chúng ta từ sớm đã phát hiện văn hóa tuy mềm mại nhưng muốn lưu truyền văn hóa thì phải tạo cho nó một hình thái cụ thể. Phần lớn văn hóa dân gian truyền lại từ xã hội nguyên thủy đều được thực hiện rộng rãi theo phương thức cứng rắn của những phong tục xấu [?]. Như vậy không thể để những thứ mà các nhân vật tinh hoa tư tưởng muốn thực hiện rộng rãi như nhân ái, cao thượng, hiền lành, kính trọng lẫn nhau, nhường nhịn, trật tự… trở thành thứ sáo rỗng, mà phải thiết kế ra một bộ quy phạm hành vi, thông qua các nghi thức nhất định để tiến hành truyền bá những thứ đó theo kiểu bán cưỡng chế hóa. Thí dụ văn hóa Hiếu xuất phát từ luân lý tình thân, trẻ nhỏ chưa hiểu sâu thì cũng phải học được thói quen hàng ngày đến hỏi thăm sức khỏe cha mẹ. Sự hỏi thăm ấy chính là quy phạm hành vi bán cưỡng chế hóa, cũng là sợi dây làm cho văn hóa Hiếu có thể tiếp diễn. Vì thế cái gọi là “Lễ nghi” là một loại nghi thức văn hóa đã đời sống hóa, tiện cho việc cố định, thực hành, xem xét, kế thừa. Những người đặt ra quy phạm đó tin rằng chỉ cần quy phạm và nghi thức còn tồn tại thì tinh thần văn hóa chứa đựng trong đó sẽ có khả năng tồn tại; nếu không thì tinh thần văn hóa sẽ chỉ có thể theo gió mà bay mất. Bởi thế Tuân Tử nói: “Lễ giả, nhân đạo chi cực dã”. Nghĩa là lễ nghi là cái gốc của đạo đức nhân văn. Dĩ nhiên lễ nghi cũng sẽ đem lại cho mỗi người rất nhiều cái mất tự do; điều đó Khổng Tử từ sớm đã nhận thấy, bởi vậy ông nói “Khắc kỷ phục lễ”.[2] Chính là sự nỗ lực của Khổng Tử và các vị thầy tiền bối khác đã làm cho Trung Quốc được nhiều lần gọi là “Nước của lễ nghi”.

Lấy “Lễ nghi” làm mô thức xã hội, điều này cũng làm cho Trung Quốc trong mấy nghìn năm qua vẫn giữ được một kiểu đoan trang đáng quý. Khuyết điểm là “Lễ nghi” quá chú trọng hình thức bên ngoài và lễ nghi rắc rối, điều đó đã hạn chế sự vỡ lòng của tâm linh và sự biểu đạt cá tính, lại càng cản trở phần lớn học giả Trung Quốc tiến hành tư duy siêu nghiệm, trừu tượng và có kết cục cuối cùng.

Tiếp theo xin nói về “Đạo quân tử”. Giới Nho sĩ muốn cải tạo xã hội mà không làm được việc đó, cuối cùng họ bèn biến mục tiêu cải tạo xã hội thành cải tạo nhân cách. Thoạt tiên họ xác định trình tự hành vi là “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tu thân là điểm xuất phát, ngờ đâu vất vả tu thân bao năm đến cuối cùng thì dự định trị quốc, bình thiên hạ về cơ bản lại tan vỡ; vì thế điểm xuất phát lại biến thành nơi đến. Hình mẫu nhà Nho tu thân là quân tử.

Lấy quân tử làm lý tưởng nhân cách – đây là đặc trưng độc đáo của văn hóa Trung Quốc. Tại đây chúng ta có thể làm một đối chiếu vĩ mô: Trên thế giới này có dân tộc coi lý tưởng nhân cách là “Giác giả” [người tu hành đã giác ngộ, Buddha], có dân tộc coi lý tưởng nhân cách là “Nhà Tiên tri”, có dân tộc coi lý tưởng nhân cách là “Người khổng lồ” [Giant], có dân tộc coi lý tưởng nhân cách là “Thân sĩ” [Gentlement], có dân tộc coi lý tưởng nhân cách là “Kỵ sĩ” [Hiệp sĩ, Knight], có dân tộc coi lý tưởng nhân cách là là “Võ sĩ”. Nhưng lý tưởng nhân cách của dân tộc Trung Hoa là “Quân tử” thì không lặp lại các lý tưởng nhân cách nói trên.

Tổ tiên chúng ta không định nghĩa quân tử là gì. Nhưng điều còn đặc sắc hơn là các vị ấy xác định rõ ràng mặt đối lập của quân tử - tiểu nhân. Hơn thế nữa, trên tất cả các vấn đề còn tiến hành đối chiếu quân tử và tiểu nhân với nhau, đối chiếu trực tiếp ở cự ly gần. Phương thức lý luận đó có hình ảnh rõ ràng, tương phản mạnh, dễ cảm nhận, lại có thể cao giọng nói ra, [vì thế] cực kỳ dễ lưu truyền.
Các bạn xem đấy, xưa nay bất cứ người Trung Quốc nào có chút văn hóa đều có thể buột miệng nói những câu như “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân thường thích thích”, “Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân”, “Quân tử dụ vu nghĩa, tiểu nhân dụ vu lợi”, “Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái”, “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”[3]… Kết quả là hơn hai nghìn năm qua, giới hạn giữa quân tử với tiểu nhân trở thành ranh giới thứ nhất của văn hóa Trung Quốc. Bất cứ người Trung Quốc nào, cho dù thất bại thì cũng mong muốn thất bại như người quân tử mà không mong muốn chuyển biến thành kẻ tiểu nhân thành công; cho dù bị người khác nói mình là kẻ xấu thì cũng không muốn bị nói là kẻ tiểu nhân. Điều đó ăn sâu vào lòng người, chứng minh các nhà Nho cổ đại đúng là đã đem tất cả mọi giấc mơ chính trị, giấc mơ lễ nghi ngưng tụ thành giấc mơ quân tử, giấc mơ nhân cách.

Cuối cùng xin nói về “Đạo Trung dung”. Nói dễ hiểu, tức là văn hóa Trung Quốc về bản tính không tín nhiệm mọi sự hấp dẫn cực đoan hóa. “Đạo trung dung” cho rằng các lời lẽ cực đoan tuy rằng nghe thì sướng tai đấy, vui đấy nhưng nhất định là hại người hại mình. Vì vậy phải cảnh giác với cái sướng và vui ấy, phải đi tìm sự thích hợp và thích đáng; phải từ bỏ sự cứng nhắc và hẹp hòi mà đi tìm kiếm sự co dãn và khoan dung.

“Đạo trung dung” là một phương thức tư duy tổng thể. Nó phản đối sự chia cắt mà đề xướng sự chỉnh hợp; nó mong muốn sự rõ ràng nhưng lại dung thứ sự hỗn độn; nó yêu cầu kết quả nhưng cũng thừa nhận quá trình; nó biết phải trái nhưng lại khẳng định sự chuyển hóa; nó cho rằng tổng thể của sự bổ khuyết lẫn nhau, tác động lẫn nhau, dịch chuyển lẫn nhau là bộ mặt thật của thế giới, mà tư duy cực đoan hóa là tư duy giả tạo.

Trong lịch sử, tại Trung Quốc cũng từng xuất hiện không ít sự kiện cực đoan hóa, gần đây có Nghĩa Hòa Đoàn, “Cách mạng Văn hóa” v.v… nhưng thời gian không dài [?]. Các sự kiện chiếm địa vị chủ đạo trong lịch sử vẫn là triết lý “trung dung”, “trung hòa”, “trung đạo” dựa trên luân hồi bốn mùa của văn minh nông canh, sự hỗ sinh của âm dương. Loại triết lý này qua sự trình bày sâu sắc và áp dụng vào thực tiễn của Nho giáo và Đạo giáo đã trở thành mô thức hành vi cơ bản của người Trung Quốc, hình thành sự đối chiếu rõ rệt với những nơi khác trên thế giới bao lâu nay mê đắm với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa bành trướng quân sự. Tôi cho rằng trong số mấy nền văn minh lớn của loài người, nền văn minh Trung Hoa có thể trở thành nền văn minh duy nhất may mắn còn lại, chưa bị gián đoạn và tiêu vong; việc này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó bí mật quan trọng nhất là “Đạo Trung dung”. Trong nhiều tai nạn lớn, “Đạo trung dung” có tác dụng làm dịu, tác dụng ngăn ngừa bùng nổ và tác dụng chữa lành vết thương, vừa bảo toàn bản thân vừa bảo vệ thế giới. Ví dụ nền văn hóa dòng chính của Trung Quốc không tán thành các cuộc viễn chinh đưa quân đội ra nước ngoài. Điều này rất khác với các nền văn minh lớn trên thế giới. Sự khác biệt này ngay cả rất nhiều giáo sĩ phương Tây đến Trung Quốc truyền giáo cũng phải trải qua thời gian rất lâu mới hiểu được, họ phát hiện nguồn gốc là “Đạo trung dung”. Năm 2005 tôi có đọc tại Đại hội Văn minh thế giới của Liên Hợp Quốc bài diễn văn “Giải đáp của Matteo Rici”,[4] trong đó tôi dùng một loạt sự thực lịch sử từ góc độ triết học văn hóa để phản bác “Thuyết Trung Quốc đe dọa”.

Tóm lại, ba thứ “Đạo”, mô thức xã hội, mô thức nhân cách, mô thức hành vi thật là đầy đủ, hơn nữa lại tổ hợp nghiêm chỉnh, tạo ra một loại “thế chân vạc” của nền văn hóa lớn. Cái vạc văn hóa này vừa là lý do ngưng tụ tinh thần người Trung Quốc lại vừa là một công trạng lớn của người Trung Quốc trên trái đất này. Nếu người khác không thừa nhận thì đó là do họ không có kiến thức mà thôi.

Cho tới nay còn có những người vẫn hay dùng một số quan niệm xã hội do phương Tây tạo dựng trong thời kỳ cận đại để chê bai Trung Quốc và người Trung Quốc. Đúng là các quan niệm ấy của phương Tây đều rất ưu tú, rất đáng được chúng ta học tập, nhưng tôi cũng có chút không phục. Bởi lẽ trước khi các quan niệm đó ra đời thì văn hóa Trung Quốc đã sống tương đối mạnh mẽ ít nhất 5000 năm. Chứng cứ của sự “tương đối mạnh mẽ” là trong khi các láng giềng cùng tuổi đã liên tiếp chết sớm thì văn hóa Trung Quốc vẫn tràn trề sinh lực sống cho tới ngày nay, sinh ra chư tử bách gia, sinh ra các triều Tần, Hán, Đường, Tống, sinh ra số dân đông đảo. Sống lâu như thế, lớn như thế, lẽ nào lại không có giá trị tinh thần của mình ư?

Cách đây vài tháng, tại Đài Bắc, tôi có tranh cãi với một nhà chính luận người Mỹ gốc Hoa. Ông ấy nói: “Hệ thống giá trị của phương Tây là điểm khởi đầu và điểm kết thúc của toàn bộ các vấn đề chúng ta thảo luận.” Tôi nói: “Có phải là điểm kết thúc hay không, ông và tôi đều không có tư cách phán đoán. Nhưng tôi có tư cách khẳng định khởi điểm không ở đấy.”

 

2. Các tệ nạn của văn hóa Trung Quốc

Sau khi đã nói về công trạng của văn hóa Trung Quốc thì cũng cần bàn một chút về các tệ nạn của nó.

Văn hóa Trung Quốc có tầm vóc lớn, tuổi thọ dài, đương nhiên tệ nạn rất nhiều. Để tương ứng với ba thứ “Đạo” đã nói ở trên, tôi cũng chọn ra ba thứ “Yếu”.

Điểm yếu thứ nhất của văn hóa Trung Quốc là xa lạ với không gian công cộng.

“Không gian công cộng” (public space) được coi là một mệnh đề xã hội học và được trường phái học thuật Frankfurt ở Đức tái giải thích, thực ra là một điểm sáng lớn tự cổ chí kim của văn hóa châu Âu. Văn hóa Trung Quốc xưa nay tương đối u ám về điểm này, xưa nay bao giờ cũng nhấn mạnh trên phải không hổ thẹn với xã tắc triều đình, dưới phải không hổ thẹn với gia đình, người thân, tức cái gọi là “Trung hiếu vẹn toàn”. Nhưng có trung, hiếu thì đã “vẹn toàn” chưa? Chưa đâu. Giữa triều đình và gia đình còn có một “không gian công cộng” rộng rãi. Đây là một vùng mù của văn hóa Trung Quốc.

Bạn xem đây, thời xưa khi một vị quan ngồi kiệu đến một không gian công cộng nào đó thì phía trước nhất định phải có lũ người hầu giơ hai cái biển trên viết mấy chữ: “Yên lặng”, “Tránh ra”. Thế là thoắt một cái, không gian công cộng biến mất. Như vậy dường như chỉ còn để người trí thức quan tâm tới không gian công cộng. Thế nhưng các văn nhân Trung Quốc lại tuân theo một câu khẩu hiệu tự răn mình: “Hai tai chớ nghe chuyện bên ngoài cửa sổ, một lòng chỉ đọc sách thánh hiền”. Cái “bên ngoài cửa sổ” nói ở đây tức là không gian công cộng, nơi các văn nhân không được để ý tới. Cũng có khi họ nói “Thiên hạ hưng vong” nhưng chủ yếu nói sự hưng vong của triều đình.

Đối chiếu bệnh này với lời bàn quan trọng sau đây của triết gia Kant thì sẽ thấy rõ hơn. Kant nói, người trí thức có trách nhiệm cao cả là “Dám vận dụng lý trí tại mọi không gian công cộng.”

Khi đi du lịch nước ngoài, tôi thường nghe thấy các bạn ngoại quốc oán trách du khách Trung Quốc có những hành vi xấu như nhổ bậy, nói to, đánh bài trong đại sảnh khách sạn v.v…, cho như thế là không có đạo đức. Tôi thường hay nói vài câu bào chữa cho đồng bào mình, như nói mấy người nói to ấy là phụ nữ nhà quê, rất có thể họ từng nhận nuôi vài trẻ mồ côi đấy ạ. Thái độ thiếu tư cách của họ chỉ nói lên họ không biết quy tắc hành vi tại nơi không gian công cộng. Lỗi không phải ở họ mà là ở văn hóa Trung Quốc. Đương nhiên rốt cuộc chuyện ấy đúng là cũng có liên quan tới đạo đức, đó là thiếu đạo đức công cộng.

Khiếm khuyết này của văn hóa Trung Quốc ngày nay chỉ có thể trông mong vào sự bổ khuyết của những người đương đại chúng ta. Rất nhiều đô thị đề xuất phải xây dựng “Đô thị mạnh về văn hóa”. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất không phải là đưa ra bao nhiêu tác phẩm, mà là ở chỗ xây dựng lại không gian công cộng.

Không gian công cộng là tác phẩm văn hóa lớn nhất đồng thời lại là lớp học văn hóa lớn nhất. Nhân cách tập thể và thói quen thẩm mỹ của đông đảo người dân đô thị đều được đào tạo tại đây.

Điểm yếu thứ hai của văn hóa Trung Quốc là xa lạ với ý thức thực chứng.

Cố giáo sư sử học người Mỹ gốc Hoa ông Hoàng Nhân Vũ nói, tệ nạn lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc là “thiếu sự quản lý số hóa”. Ông cố ý hài hước dùng một từ ngữ mới để trình bày một vấn đề cũ. Ông đặc biệt nêu lên ví dụ sách “Minh Thực Lục”, tài liệu về triều đình nhà Minh, phát hiện thấy phần lớn số liệu ghi ở đây đều rất không chính xác, thậm chí cực kỳ xằng bậy, nhưng người biên soạn, sao chép, người soát cho tới người đọc, người trích dẫn dường như đều rơi vào vùng mù. Ở Trung Quốc hiện nay, vùng mù ấy chỉ tăng chứ không giảm. Nhất là những số liệu xem ra ở tư thế có chứng cớ thực tế nhất thì lại thường là khó tin hơn cả. Nào là “Dẹp loạn thành công trong ba tháng”, “sản lượng lúa mỗi mẫu 20 vạn cân”, “95% phái đương quyền đã thối nát” v.v… những con số thịnh hành trong cả nước ấy, liệu cái nào đã được chứng thực là có?

Thiếu ý thức thực chứng cũng là thiếu ý thức khoa học. Khuynh hướng này làm cho văn hóa Trung Quốc trong một thời gian dài ngụp trong vũng bùn “Chỉ quan tâm chuyện trung thực và gian dối, không quan tâm thật giả”. Thực ra không làm rõ thật giả thì mọi thứ khác đều mất cơ sở nền tảng. Chuyện ấy cũng có liên quan tới việc mất chữ tín khiến mọi người đau lòng hiện nay. Nước nào cũng có hàng giả, nhưng hàng giả gây tai hại nhất với Trung Quốc; tin đồn nhảm nước nào cũng có nhưng tác hại sâu sắc nhất với Trung Quốc. Đó là do văn hóa Trung Quốc không có cơ chế và trình tự phát hiện thật giả, ngăn chặn làm giả, xóa bỏ tin đồn nhảm.

Nhiều năm nay tôi phát hiện thấy bất cứ ai khi phải hứng chịu tin đồn nhảm nhằm vào mình thì họ không thể tìm được biện pháp văn hóa nào để xóa bỏ tin đồn ấy.

Thế nào là “biện pháp bản thân văn hóa”? Đó là không cần phải dựa vào sự điều tra làm rõ của cơ quan nhà nước, cũng chẳng cần phải tự tử, mà chỉ dựa vào năng lực phân biệt chứng cớ của đa số dân chúng trong xã hội và sự nhạy cảm logic đối với sự giả dối, thì đã có thể phục hồi chân tướng của sự việc. Nền văn hóa Trung Quốc hoàn toàn bất lực đối với chuyện đó. Đa số văn nhân Trung Quốc tiếp tay cho kẻ xấu, hầu như mọi tin đồn có hậu quả xấu nhất đều do các văn nhân đặt ra. Lẽ ra sự phát triển truyền thông và Internet có thể giúp cho việc tìm kiếm chứng cớ, dẹp tin đồn, nhưng sự thực cho thấy là trên mức độ rất lớn, các phương tiện này lại chắp cánh cho tin đồn bay khắp nơi.

Tóm lại, trên vấn đề này, văn hóa Trung Quốc hình thành cục diện kỳ quặc, tôi từng dùng 8 câu ngắn để khái quát như sau:

– phao tin đồn không chịu trách nhiệm;

– truyền tin đồn không gặp cản trở;

– trúng tin đồn không ai giúp;

– muốn bác bỏ tin đồn không có cách nào;

– bác tin đồn: không hiệu quả;

– phá tin đồn: không hứng thú;

– tin đồn cũ vừa qua, tin đồn mới đã đến;

– tin đồn nhiều không đếm xuể.

Từ đây liên tưởng đến tình hình chung toàn xã hội, khi nào có kẻ cố ý phao tin đồn gây sự thì nhất định sẽ xảy ra một tai nạn nhân văn khó kiểm soát. Mấy năm nay tôi ngạc nhiên phát hiện thấy ở Hong Kong có rất nhiều văn nhân cố chấp tin rằng cho đến nay hiện trường nạn động đất ở Văn Xuyên [Tứ Xuyên, 12/5/2008] vẫn còn “khắp nơi kêu la rên xiết, dân chúng lầm than điêu đứng”. Tôi gắng sức dùng những điều chính mình tai nghe mắt thấy để phản bác nhưng không có kết quả. So sánh với các nước khác trên thế giới từng xảy ra thiên tai, tuy hoạt động cứu trợ của họ thua xa Trung Quốc, thế nhưng họ lại không có những tin đồn như vậy. Bởi thế tôi không thể không nhận định rằng ở đây đúng là ẩn chứa một căn bệnh lớn của văn hóa Trung Quốc.

Điểm yếu thứ ba của văn hóa Trung Quốc là xa lạ với quan niệm pháp chế.

Khi bàn vấn đề này, tôi không xuất phát từ góc độ chính trị mà xuất từ góc độ văn hóa. Cho tới nay, loại hình văn học nhiều người đọc nhất ở Trung Quốc vẫn là tiểu thuyết kiếm hiệp. Về thủ pháp nghệ thuật trong tiểu thuyết kiếm hiệp có rất nhiều cây bút cự phách, nhưng về quan niệm văn hóa [họ] lại cứ nhất thiết ca ngợi các “anh hùng ngoài vòng pháp luật”. Ở nước ngoài cũng có loại anh hùng này, như Robin Hood, Zorro, song địa vị văn hóa của họ kém xa địa vị trong văn hóa Trung Quốc. “Hảo hán” trong văn hóa Trung Quốc bao giờ cũng thách thức luật pháp, “giang hồ” bao giờ cũng cách xa luật pháp, “lương dân” bao giờ cũng chặn kiệu quan để tố cáo, “quan thanh liêm” bao giờ cũng diễn trò nhân đức ở ngoài vòng pháp luật. Còn có thể kể tiếp những cái “bao giờ cũng” ấy –– điều đó cho thấy xưa nay phần đông linh hồn dân gian Trung Quốc đều nằm ngoài vòng pháp chế hoặc phiêu bạt ở vùng ngoại vi.

Dĩ nhiên điều đó có liên quan tới các tật bệnh của pháp chế Trung Quốc xưa nay. Để so sánh, ta thấy “cướp biển Bắc Âu” hầu như cùng thời với “hảo hán Thủy Hử”, nhưng đều trải qua quá trình chuyển hóa đau khổ từ “trả thù nhà” đến “xét xử lý trí”. Quá trình chuyển hóa này của Trung Quốc rất muộn, tới nay mới bắt đầu, nhưng trên mặt văn hóa thì vẫn chưa thực sự bắt đầu. Vấn đề này tôi có bàn khá chi tiết ở phần viết về cướp biển Bắc Âu trong cuốn “Hành giả vô cương” .

Sự xa lạ phai nhạt quan niệm pháp lý của văn hóa Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đông đảo dân chúng tiến nhanh lên văn minh hiện đại. Điều làm người ta lo lắng là hiện nay có rất nhiều quan chức còn đang bận trình diễn các cử chỉ tách rời trình tự pháp chế gọi là “thân dân”, dùng tiền bạc để vỗ về sự phi pháp, kết quả luật pháp bị hạ thấp, chính nghĩa bị bỏ xó, kẻ hung dữ đắc lợi, người lương thiện bị thiệt hại. Điều nghiêm trọng hơn là không ít văn nhân hoạt động sôi nổi trong giới truyền thông và internet còn đem sự huyên náo quây lại thành “tòa án nhân dân [nguyên văn: dân gian]”. Thực ra lịch sử Trung Quốc và nước ngoài đều đã chứng tỏ tất cả những cái “Tòa án nhân dân” trên thế giới đều là sự phá hoại lớn nhất đối với luật pháp [ví dụ các toà án trong cuộc Cải cách ruộng đất ở TQ].

Văn hóa Trung Quốc còn có rất nhiều chỗ yếu. Tôi từng nói một cách rất hệ thống vấn đề này trong cả một năm trên đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng ở Hong Kong. Hôm nay vì thời gian hạn chế, chỉ xin nêu lên ba điểm kể trên. Nhưng chỉ ba điểm này thì đã đủ trầm trọng rồi. Muốn khắc phục, e rằng cần trải qua vài thế hệ nữa.

Dư Thu Vũ (1946-), 20 tuổi tốt nghiệp khoa Văn học kịch nói Học viện Hý kịch Thượng Hải, năm 1985 trở thành giáo sư văn học trẻ nhất Trung Quốc; năm 1987 được tặng danh hiệu Chuyên gia có cống hiến đột xuất cấp Nhà nước, hiện là Giám đốc Học viện Nghệ thuật nhân văn Macau. Bài này trích từ bài viết rất dài có đầu đề “Nỗi lo của văn hóa Trung Quốc” công bố tháng 9/2012.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Trương Ngọc Tuân đọc truyện ngắn

CHÀNG LÙN NỂ VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

*

NGUYỄN HẢI HOÀNH

Địa chỉ: phố Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh

quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.   

 

 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 10.06.2021

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét