MANG DANH TRÍ THỨC
SAO HÈN THẾ
*
(Tác giả Đỗ Duy Ngọc) |
Tôi định không viết về
chuyện sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều do ông Tiến Sĩ, Giáo sư Nguyễn Minh
Thuyết làm Tổng chủ biên nữa, bởi bản thân cũng đã viết và dư luận cũng đã lên
án nhiều rồi. Tuy nhiên, nay một lần nữa lại nhắc đến, nhưng lần này tôi không
bàn về nội dung của những cuốn sách nữa mà tôi chỉ muốn nói vài điều về nhân
cách của hai ông, có thể gọi là những người trí thức trong chế độ ta hiện nay.
Ông Thuyết là Giáo sư,
Tiến sĩ về Ngôn ngữ học, đã có quá trình thâm niên giảng dạy và từng là Đại
biểu Quốc hội. Ông Trần Đình Sử cũng là Giáo sư, Tiến sĩ môn Phê bình, Lý luận
văn học, toàn trí thức lớn cả, toàn là những người được tôn làm Thầy thiên hạ
cả. Thế nhưng khi sự việc xảy ra, các ông xử sự rất kém, rất hèn.
GS Trần Đình Sử phụ
trách việc thẩm tra sách của nhóm Cánh Diều trước khi cho phát hành. Không biết
ông có nhận phong bao phong bì không thì chẳng có bằng chứng để nói, thế nhưng
xảy ra chuyện lùm xùm, ông phát biểu rất hùng hồn trên báo chí để bênh vực cho
nhóm Cánh Diều: "Tôi đã lật dở từng trang, xem từng câu chữ trong sách
... 'gà nhí', 'gà nhép', 'chả', 'tợp' đều có trong cuốn Từ điển Tiếng Việt do
Hoàng Phê chủ biên, nên không thể nói không thông dụng". Ừ thì ông và
các đồng sự của ông đã dở từng trang, xem từng chữ nhưng lại không thấy những
hạt sạn to bằng tảng đá trong sách của nhóm Cánh Diều, kể cũng lạ đối với một
ông Tiến sĩ, Giáo sư Lý luận văn học như ông. Những
lỗi mà những phụ huynh ít học hơn ông xa lắc phát hiện đầy dẫy trong cuốn sách.
Lại thêm ông cho rằng những từ ngữ được dùng trong sách đấy đều có nằm trong Từ
điển Tiếng Việt. Lại một kiểu lý luận quá ngu của một ông Giáo sư. Trong văn
chương, nhất là trong sách giáo khoa cho học sinh, không phải từ nào có trong
Từ điển đều có thể dùng được và được phép dùng. Từ điển nào cũng có giải nghĩa
những từ dung tục, thô lậu, khẩu ngữ bởi đó là chức năng chủ yếu của một cuốn
Từ điển. Nhưng không phải vì Từ điển có mà ta lại có quyền sử dụng nó trong
sách giáo khoa. Lối nguỵ biện của ông Sử thật dốt nát và chỉ là một cách chạy loanh
quanh để trốn tội. Khi đài truyền hình tổ chức một buổi thảo luận về cuốn sách,
ông tránh mặt chỉ cho cấp dưới của mình đối phó với những phát biểu quanh co.
Tôi cũng nghĩ ông hèn bởi người có nhân cách, nhất là một người trí thức, một
người làm khoa học khi thấy mình sai thì phải dũng cảm nhận sai sót, đó mới
chính là bản lĩnh của một trí thức.
Thế rồi, trước những
phản ứng và sức ép của dư luận, những minh chứng rõ ràng được vạch ra chỉ rõ
những lỗi khó tha thứ được trong sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều, Giáo sư Trần
Đình Sử lại chối tội, đổ lỗi cho ông Thuyết khi ông khẳng định, những vấn đề dư
luận nêu ra đối với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - bộ sách Cánh Diều đều đã
được Hội đồng thẩm định chỉ rõ nhưng chủ biên sách xin bảo lưu. Có nghĩa là khi
duyệt, ông và hội đồng của ông đã thấy và yêu cầu sửa nhưng nhóm ông Thuyết
không chịu sửa, như thế lỗi là do nhóm ông Thuyết chứ không phải của ông! Trái
bóng lại được đá qua ông Thuyết. Hèn thế!
Đến ông Thuyết thì ông
lại biện hộ rằng những bài ông đưa ra trong sách là những tác phẩm kinh điển
của những Đại văn hào nổi tiếng, Lev Tolstoy, hay La Fontaine… không có bài học
nào thiếu tính giáo dục, vấn đề là hiểu các bài học đó như nên hiểu hay cố tình
hiểu theo cách khác. Nghĩa là ông núp bóng những danh nhân này để biện hộ cho
mình và cho rằng vì mọi người cố tình hiểu sai các bài trong sách của ông. Đúng
là các danh nhân ấy viết không phản giáo dục nhưng chính các ông khi chế tác
lại, phóng tác lại, sửa chữa lại thành những bài học phản giáo dục. Ông cũng
cho rằng sỡ dĩ dùng từ nhá, chộp, cuỗm... vì học sinh chưa học đến những vần
khác. Cái thiếu lớn nhất trong những bài ở các sách giáo khoa này là chất văn
học. Và vì thiếu tính văn nên câu chữ trục trặc khó có cảm xúc. Trẻ con học
loại chữ nghĩa như thế thì khó có rung động để tiếp thu. Bài học vỡ lòng đầu
đời của đứa trẻ mà phải học những thứ khẩu ngữ thô lậu, kệch cỡm, điều đó tác
dụng đến ngôn ngữ của học sinh như thế nào? Cũng như ông Sử, ông bảo những từ
đó đều có trong Từ điển!
Kho tàng văn học Việt
Nam có rất nhiều câu ca dao, chuyện ngụ ngôn rất hay, có ý nghĩa giáo dục sâu
sắc, nhưng sách giáo khoa lớp 1 lại không dùng mà sừ dụng của nước ngoài. Với
thắc mắc này, ông Thuyết lại rất ngớ ngẩn khi cho rằng: "Sở dĩ sách
không dạy ca dao tục ngữ vì học sinh độ tuổi lớp 1 khó tiếp thu nội dung của ca
dao, tục ngữ. Do vậy, chúng tôi sẽ dạy ca dao tục ngữ ở lớp khác, khi học sinh
có nhận thức phù hợp hơn.". Lại là một lối tư duy ngu không chịu được.
Đúng ra ông nên nói thật là các ông không có kiến thức về ca dao, tục ngữ, hay
nói trắng ra là dốt về loại hình này nên đành đi vay mượn mấy chuyện của nước
ngoài cho xong việc. Ông cũng đổ thừa cho phụ huynh "Họ chỉ biết một
truyện rồi chỉ trích tác giả bịa. Tôi thấy phê bình như vậy rất vội vàng”.
Ông cũng khẳng định: “Khi viết các câu chuyện trong sách Tiếng Việt lớp 1,
bộ Cánh diều, tác giả đã suy xét đến tính giáo dục.". Thế nhưng người
ta lại chỉ thấy trong các bài học toàn dạy sự tham lam, lừa lọc, mưu mô. Tóm
lại, ông Thuyết đã dùng mọi cách để bảo vệ những cuốn sách của mình, dù những
sai sót đã được dư luận và cả những người chuyên môn đánh giá là chưa đủ điều
kiện để trở thành một cuốn giáo khoa. Ông cũng đổ lỗi cho dư luận khi cố tình
hiểu sai ý trong các bài học. Điều đó chứng tỏ ông vẫn ngoan cố với cái sai của
mình, vẫn cho rằng mình đúng và cũng theo ông: "Tôi tin nếu phụ huynh
chờ đợi, không lâu đâu, mọi người sẽ thấy hiệu quả của sách. Việc xem xét điều
chỉnh là cần thiết nhưng không thể đẽo cày giữa đường, ai nói gì cũng nghe được”.
Xin thưa với ông, phụ huynh không thể chờ hiệu quả của sách vì hậu quả đã thấy
ngay là sách đang dạy con em của họ thành những thằng mưu mô và láu cá.
Tóm lại, kể cả Giáo sư
Trần Đình Sử là người thẩm định sách và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là người
Tổng chủ biên soạn sách đều là những trí thức hèn. Bởi các ông không dám nhận
lỗi lầm của mình, không trung thực và trốn tránh trách nhiệm. Trí thức như các
ông thì tôi không thể tôn trọng được. Thế thôi!
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Audiobooks Chọn Lọc đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
ĐỖ DUY NGỌC
Địa chỉ:
quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn.
Email: doduyngoc@gmail.com
Điện thoại: 091.371.10.81
........................................................................................
- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 21.10.2021.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn:
internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét