MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

SÁCH VỀ THÁI SƯ LÊ VĂN THỊNH: NHỮNG SAI SÓT KHÔNG ĐÁNG CÓ - Tác giả: KIều Mai Sơn (Hà Nội)

 

SÁCH VỀ THÁI SƯ LÊ VĂN THỊNH:

NHỮNG SAI SÓT KHÔNG ĐÁNG CÓ

*

(Tác giả Kiều Mai Sơn)

Gần 350 trang sách "Thái sư Lê Văn Thịnh (1050 - 1096): cuộc đời và thời đại" (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2016) do Hội Sử học Hà Nội biên soạn có nhiều nội dung... đoán mò lịch sử.

 

Vua Duy Tâm là ai?

Trong phần phụ lục các đạo sắc phong thần cho Thái sư Lê Văn Thịnh, nhiều lần nhắc đến vua Duy Tâm. Đó là Đạo sắc niên hiệu Duy Tâm thứ 3 (1909) tại đền Thái sư Lê Văn Thịnh - thôn Bảo Tháp (tr. 318); Đạo sắc phong niên hiệu Duy Tâm thứ 3 (1909) tại đình Hiệp Sơn (tr. 322); Đạo sắc phong niên hiệu Duy Tâm thứ 3 (1909) tại đình Đình Tổ (tr. 327). Vậy vua Duy Tâm là ai? Đối chiếu theo thời gian thì đó là vua Duy Tân - vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1907 đến năm 1916, chứ Việt Nam không có vua… Duy Tâm.

Những người biên soạn và biên tập cuốn sách này còn chưa kỹ lưỡng khi một số nhà khoa học đề học hàm, học vị trước tên, nhưng một số nhà khoa học đáng kính trọng khác lại chỉ đề tên không như: Quỳnh Cư (tr. 57), Nguyễn Duy Hinh (tr. 91), Hoàng Xuân Chinh - Trịnh Cao Tưởng (tr. 135). Những nhà khoa học này, người còn, người mất, và họ đều có uy tín, bậc thầy của một số vị có học hàm, học vị trong sách này. Hoặc có khi lạm phong lên Giáo sư cho Phó Giáo sư Tống Trung Tín (tr. 157).

Còn có điều hơi lạ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hạnh (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội) tác giả "Những kiến giải đa chiều tạo nên tính thống nhất minh oan cho danh nhân Lê Văn Thịnh" (tr. 141 - tr. 154). Thực chất, bài viết là tóm lược lại các tham luận tại Hội thảo về Lê Văn Thịnh được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Bắc tổ chức năm 1993. Các bài quan trọng nhất thì đều đã được in lại trong sách này. In thêm bài này, chẳng hóa ra thừa giấy?

 

Suy diễn lịch sử

Phó Giáo sư Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học) trong bài "Vài nhận xét tản mạn về Thái sư Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh dưới góc nhìn khảo cổ học", nếu lọc bỏ những mỹ từ mang tính văn học như "vị vua anh minh vào bậc nhất", "nhân vật lịch sử văn hóa lớn", "vinh quang đỗ đầu" thì những lập luận về sử liệu lại khá xộc xệch, lỏng lẻo, suy diễn.

Đầu tiên, Phó Giáo sư Tống Trung Tín viết: "Năm 1906, bỗng nhiên diễn ra "Vụ án hồ Dâm Đàm" (tr. 157). Năm 1906 - chẳng hóa ra Lê Văn Thịnh sống thọ đến hơn 800 tuổi - ngang với ông Bành Tổ trong truyền thuyết ở bên Tàu? Phó Giáo sư Tín dẫn sử liệu cũng sai: Sử cũ chép "Bính Tý, năm thứ 5 (1906)… Mùa xuân tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang". Sử cũ mà Phó Giáo sư Tín dẫn là tư liệu nào? Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", vụ án hồ Dâm Đàm xảy ra vào năm Ất Hợi (1095) và tới năm 1096 thì Lê Văn Thịnh bị đày đi Thao Giang.

Trang 159, viết về chùa Bảo Tháp, Phó Giáo sư Tống Trung Tín khẳng định: "Chắc chắn, chùa này thời Lý là tháp cho nên địa danh làng có tên là làng Bảo Tháp". Đây là khẳng định võ đoán, không có cơ sở. Ngay câu trước đó, Giáo sư Tín đã viết: "Theo truyền thuyết dân gian thì đây là nơi nhà ở của Thái sư Lê Văn Thịnh". Đã dựa vào truyền thuyết dân gian thì đâu còn "chắc chắn".

Là chuyên gia khảo cổ học, ông Tín cần chứng minh bằng các hiện vật thu được tại đây để làm rõ tháp to hay nhỏ, lớn hay bé, có phải tháp kiểu Phổ Minh hay Phật Tích không? Hoặc tên địa danh Bảo Tháp có tự bao giờ? Trong tiểu sử đương thời của Lê Văn Thịnh có ghi về Bảo Tháp không hay đời sau thêm vào? Còn võ đoán rồi phán bừa thì đó không phải người làm khoa học.

Nhiều chùa ngay thời Lý và sang thời Trần không có tháp. Rồi cái tên Bảo Tháp không phải chỉ có ở Bắc Ninh; sang xã Kim Hoa, huyện Mê Linh (Hà Nội) cũng có làng Bảo Tháp; thậm chí ở thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) còn có địa danh Tháp Miếu thì giải thích trong miếu có tháp ư?

Trang 161, Giáo sư Tống Trung Tín viết: "Tục các thời sau lập đền thờ cúng ở Việt Nam thường chỉ dành cho các nhân vật có công lao lớn với dân với nước". Viết vậy có lẽ tác giả đã quên những nơi thờ biểu tượng tự nhiên và cũng chưa biết đến những ngôi làng thờ thần ăn mày (Thanh Hóa); thần ăn trộm (Thái Bình)… Ngay cửa ngõ vào nội thị Thủ đô, có nơi thờ  thành hoàng là người… gắp phân, mà ca dao mới có câu: "Thanh niên (nơi ấy) xin thề/ Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương".

Sau đó, Giáo sư Tín viết tiếp: "Hiện trạng thờ cúng Thái sư Lê Văn Thịnh ở Bắc Ninh đã phản ánh rõ ràng mặc cho "vụ án hồ Dâm Đàm" vẫn còn bí ẩn, nhưng nhân dân bao giờ cũng là vị "quan tòa" anh minh nhất. Phải là một nhân vật công lao tầm cỡ thế nào đó mới được truyền đời thờ phụng như vậy. Do vậy, tôi nghĩ rằng việc xem xét "vụ án hồ Dâm Đàm" là một loại vụ án đầy oan khuất đối với Thái sư Lê Văn Thịnh là có cơ sở nhất định".

Ở trên chúng tôi đã nêu ví dụ về những vị thành hoàng kỳ dị, nay xin nói thêm các làng thờ phụng người ăn mày, kẻ cắp là bởi họ chết vào giờ thiêng. Dân làng thờ cúng với tâm lý giúp dân làng xua đi rủi ro, bảo trợ cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng làng, chứ không phải chỉ có "công lao tầm cỡ thế nào".

Từng nhiều năm là người đứng đầu Viện Khảo cổ học nhưng ông Tống Trung Tín viết như thế là tùy tiện mà không có sở cứ nào: "Di tích ngôi mộ lớn của Thái sư không có quan tài và hài cốt đã phần nào phản ánh sự thực của việc đã xảy ra vụ án lớn đối với Thái sư Lê Văn Thịnh dưới thời vua Lý Nhân Tông.

Ngay khi kết cho Thái sư một tội án tày trời định cướp ngôi vua Lý mà Lý Nhân Tông không xử tội chết cũng lờ mờ cho thấy dường như Lý Nhân Tông cũng mơ hồ nhận thấy rằng vụ án còn có điều gì đó chưa được ổn lắm. Tuy nhiên sự thực là như thế nào thì chắc chắn vẫn còn rất lâu mới có thể giải mã được" (tr. 161 - 162).

Đã "lờ mờ" và "mơ hồ" thì mọi điều chỉ là giả thiết đặt ra. Cần phải có tư liệu lịch sử đối chiếu thì mới rút ra thông tin xác thực, có độ tin cậy, có sức thuyết phục.

Đặc biệt ngạc nhiên khi ông Tống Trung Tín tán về tượng Xà thần: "Việc phát hiện tượng Xà thần ở đền Thái sư là rất ứng với nhân vật Lê Văn Thịnh biểu thị cho công lao của Thái sư cũng như công đức lưu truyền của Thái sư. Bức tượng được tạo tác rất giỏi, rất thành công, rất hiện thực kết hợp với yếu tố cách điệu để nhấn mạnh quyền uy của nhân vật được thờ. Đó quyết không phải là sự diễn tả nội tâm giằng xé và quằn quại của Lý Nhân Tông như một số ý kiến đã phát biểu" (tr. 162).

Điều này, Giáo sư Phan Huy Lê đã kết luận: "Còn tượng đá tạm gọi tượng Xà thần hiện đặt tại đền thờ Lê Văn Thịnh vốn ở chùa Đồng Lâm trên núi Thiên Thai sau bị quân Pháp phá xây lô cốt, ủi xuống chân núi và tìm thấy năm 1993. Tượng này không liên quan đến Lê Văn Thịnh và cần nghiên cứu gắn liền với chùa Đồng Lâm. Trong nguồn gốc văn hóa của đạo Phật ở đây".

 

Không có cơ sở về niên đại Lê Văn Thịnh

Ngay mốc năm sinh, năm mất trong tiểu sử danh nhân Lê Văn Thịnh đã không có cơ sở khoa học. Giải thích về mốc niên đại (1050 - 1096), Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, ngay trang 9 cuốn sách cho biết: được chọn trên cơ sở tư liệu trong "Thần sắc" do Nguyễn Bính phụng soạn dưới triều Lê cuối thế kỷ XVI và ghi chép của "Đại Việt sử ký toàn thư".

Song Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã bác bỏ luận điểm này vì việc sử dụng truyền thuyết dân gian hay thần tích rất hạn chế giá trị thông tin khoa học. "Theo thần tích do Nguyễn Bính soạn, Lê Văn Thịnh sinh ngày 11 tháng 2 năm Canh Dần (1050), nhưng chưa có cơ sở nào để xác minh niên đại này. Chúng ta biết chắc chắn hai niên đại: ông thi đỗ Minh Kinh bác học và Nho học Tam trường năm 1075 và bị đày năm 1096. Như vậy, ông sinh ra, lớn lên và hoạt động khoảng nửa sau thế kỷ XI", Giáo sư Phan Huy Lê kết luận.

Do Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc "đặt nhiều kỳ vọng" ở kết quả nghiên cứu và thảo luận về Thái sư Lê Văn Thịnh để "có thêm cơ sở chính thức đưa vào Lịch sử Việt Nam tập V (1009 - 1226) thuộc Đề án Khoa học xã hội cấp Quốc gia xây dựng bộ sách Lịch sử Việt Nam 25 tập", cho nên chúng tôi nghĩ rằng, bài viết này sẽ góp phần nào đó điều chỉnh những sai sót để khi đã vào "Quốc sử" những sử liệu và luận điểm khoa học được chính xác hơn.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Kiều Mai Sơn0

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:

*.

KIỀU MAI SƠN (tên thật: Kiều Văn Khải)

Địa chỉ: Tòa soạn báo Nông nghiệp Việt Nam

14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

.

 

 

.  

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 10.07.2022.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét