MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

TRƯỚC HẾT PHẢI VIẾT ĐÚNG CÂU VĂN TIẾNG VIỆT - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

 


TRƯỚC HẾT PHẢI VIẾT ĐÚNG

CÂU VĂN TIẾNG VIỆT

*

(GIÁO SƯ, TIẾN SĨ KHOA HỌC NGUYỄN QUANG HỒNG - NHÀ NGÔN NGỮ HỌC HÀNG ĐẤU VIỆT NAM CHƯA VIẾT ĐÚNG CÂU VĂN TIẾNG VIỆT.)

 

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

Người Việt Nam chúng ta, bất kỳ ai, khi đã cầm đến bút mực, hoặc làm nghề cầm bút, nhất nhất đều phải thể hiện tình cảm yêu mến, tôn trọng tiếng mẹ đẻ, bằng cách viết sao cho đúng câu văn tiếng Việt. Rất tiếc, việc viết không đúng tiếng Việt hiện nay đang ở mức báo động. Chúng tôi đã có nhiều bài báo chỉ ra hàng trăm câu văn viết sai văn phạm ở các giáo trình đại học khoa học nhân văn, ở các sách giáo khoa văn học và các sách văn mẫu.Việc viết chưa đúng, không đúng một câu văn tiếng Việt tuyệt nhiên không nên được coi là chuyện nhỏ. Nhất là đối với các nhà sư phạm dạy môn văn phổ thông và đại học, hoặc các vị giáo sư, thì chuyện viết sao cho đúng văn phạm tiếng Việt là điều hệ trọng, không được coi thường. Nhân báo chí đang bàn đến tác phẩm "Âm tiết và loại hình ngôn ngữ" của Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang Hồng - Chủ tịch Hội Ngôn Ngữ học Việt Nam, tôi tò mò đi mượn được cuốn sách này, do Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội tái bản năm 2001. Chúng tôi trộm nghĩ: muốn bàn chuyện cao siêu gì chưa biết, nhưng nhiệm vụ thiết thực nhất của ngành ngôn ngữ học là giúp cho mọi người (nhất là học sinh, sinh viên) hiểu biết và thêm yêu tiếng mẹ đẻ, đặng nói-viết sao cho đúng tiếng Việt. Rất tiếc, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang Hồng do mải bàn đến những phạm trù ngút ngàn của ngôn ngữ học, phần nào đã quên đi việc viết sao cho đúng văn phạm. Chúng tôi chưa vội bàn đến nội dung cuốn sách đã dẫn, chỉ xin trích ra một số câu văn chưa chuẩn mực làm thí dụ, ngõ hầu khi tái bản, có thể giúp tác giả chỉnh đốn lại chăng?

Ở trang 8, sách đã dẫn (sđd), kết thúc phần "Lời dẫn", tác giả viết: "Rải rác trong các chương sách có các bảng kê và sơ đồ, chúng được đánh số theo số thứ tự của các mục tương ứng ở mỗi chương. Những ký hiệu chuyên môn được sử dụng trong sách này là phổ biến trong sách vở ngôn ngữ học, khi thực sự cần thiết, chúng sẽ được ghi chú ngay ở nơi mà chúng xuất xuất hiện". Câu văn thứ nhất trên chưa chuẩn mực vì thừa một từ "các", một từ "chúng", một từ "số". Nếu giữ từ: "chúng", phải chấm câu ngay sau từ "sơ đồ". Câu văn thứ hai trên thừa một từ "chúng", thừa cả một cụm từ: "ngay ở nơi mà chúng xuất hiện".

Ở trang cuối cùng 352, phần "Lời kết ", tác giả viết: "Hiển nhiên là không phải tất cả mọi vấn đề có liên quan đến hiện tượng âm tiết và loại hình ngôn ngữ đều đã được đặt vào chương trình nghị sự của sách này". Câu văn này có hai điều chưa chuẩn mực vì lỗi dùng từ; không chuẩn thứ nhất ở cụm từ "tất cả mọi vấn đề": "mọi" tức là "tất cả", "tất cả" là "mọi", dùng như tác giả là lặp từ; không chuẩn thứ hai là việc dùng từ "nghị sự". "Nghị" tức nhiên là bàn. Người ta chỉ dùng từ :"nghị sự" trong các cuộc hội họp, chứ ai lại dùng cho một cuốn sách nghiên cứu. Ví dụ như ai đó viết rằng: "Nhà phê bình Hoài Thanh trong cuốn "Thi nhân Việt Nam" đã "nghị sự" cả nền thơ mới", thì có tức cười không?

Câu cuối cùng của cuốn sách, tiếp câu văn trên, tác giả (sđd) viết hết sức rườm rà, dây cà ra dây muống, tối nghĩa, lủng củng, trùng lặp khủng khiếp, một câu văn nghị luận dài cỡ nhất nước, như sau: "Mặc dù vậy, hi vọng rằng những gì mà tác giả đã cố gắng thực hiện được trong công trình này có thể sẽ bổ sung thêm cho những nhận thức đã có và góp phần thúc đẩy mọi sự tìm tòi và nghiên cứu tiếp theo xung quanh những gì có liên quan với hiện tượng âm tiết và loại hình ngôn ngữ (cơ cấu ngữ âm và cơ cấu hình thái), và qua đó mong góp phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề thuộc về nhận thức luận và phương pháp luận trong ngôn ngữ học đại cương và ngôn ngữ học so sánh loại hình trong mối liên quan với ngôn ngữ học miêu tả các ngôn ngữ ở phương Đông, mà trước hết là các ngôn ngữ có cơ cấu đơn lập âm tiết tính như tiếng Việt và tiếng Hán". Câu văn quá cỡ thợ mộc này lặp 8 từ "và", 6 từ "ngôn ngữ", "4 từ "những"; cần phải bỏ đi nhiều từ, thêm vào một số từ, đặng tách nó ra làm ba bốn câu văn riêng. Đây là loại câu văn điển hình của tác giả.

Ở trang 350, tác giả không chuẩn mực trong việc dùng từ và để câu văn tối nghĩa, như sau: "Từ đôi nét đại quan như vừa trình bày về nội dung của sách "Âm tiết và loại hình ngôn ngữ", có thể nhận thấy những kết luận chủ yếu của nó đã được phát biểu qua từng chương sách vốn nằm trong sự thống nhất như vậy". Một câu văn ngắn như thế mà tác giả dùng từ hai lần sai; thứ nhất, từ "đại quan" trong tiếng Việt được hiểu là quan lớn. "Đại" là lớn. "Quan" là mũ. Chắc tác giả hiểu lầm "đại quan" là điều quan trọng nhất, nên đưa vào câu văn tiếng Việt, đâm ra kỳ cục. Cái sai thứ hai của câu văn trên là ở việc tác giả dùng từ "phát biểu". "Phát biểu" là ý kiến được nói trong hội nghị, chứ ai lại dùng chỉ việc trước tác. Nói như vậy, hoá ra Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang Hồng đã "phát biểu" ra 353 trang sách "Âm tiết và loại hình ngôn ngữ "ư? Cái sai thứ ba của câu văn trên là sự tối nghĩa, khi tác giả đang nói gà, tự nhiên lại xiên qua chuyện thóc lép, khiến người đọc cứ ngớ ra, chẳng hiểu đầu cua teo nheo ra sao cả. Vì thế, phải bỏ cụm từ "vốn nằm trong sự thống nhất như vậy" đi, câu văn mới thoát khỏi lỗi lủng củng, tối nghĩa.

Ở trang 69, tác giả viết một câu văn ngắn nhưng đã để lặp tới hai từ "mà", 3 từ "là", như sau: "Trong khi đó, cái mà chúng ta cần biết đến không phải chỉ là những gì là chung nhất cho mọi ngôn ngữ, cho tiếng nói loài người nói chung, mà còn là những gì đặc thù cho từng ngôn ngữ hoặc cho từng loại hình ngôn ngữ khác nhau." Ở trang 131, khi viết một câu văn ngắn, tác giả đã lặp tới 3 từ "và", 3 từ "trong", như sau: "Trong phạm vi của công trình này, chúng tôi sẽ cố gắng thuyết minh và hệ thống hoá những phạm trù và khái niệm cơ bản trong âm vận học cổ điển Trung Hoa, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề đã nêu ở trên trong mối liên quan với việc phân tích và miêu tả âm vị học đối với các âm tiết đơn lập mang thanh điệu". Ở trang 12, tác giả đã sai lầm khi dùng từ "tiên nghiệm" trong câu văn sau: "Nói cách khác, nhà ngôn ngữ học ngày nay khó có thể bàn luận có hiệu quả về những hiện tượng đa dạng của âm thanh tiếng nói, nếu cứ tiếp tục sử dụng các khái niệm và thuật ngữ cơ bản của khoa học này một cách hoàn toàn tiên nghiệm, mà không cố gắng, ở mức độ nào đó, góp phần làm sáng tỏ chúng về mặt nhận thức luận cũng như về mặt phương pháp luận." "Tiên nghiệm" hiểu nôm na là trước kinh nghiệm, thường dùng trong triết học. "Tiên nghiệm" là phạm trù triết học rất quan trọng của E. Kant, chỉ những hình thức tiên thiên (a priori) của nhận thức bẩm sinh như thời gian, không gian, tính nhân quả, logic tự nhiên, sinh diệt...) có trước mọi kinh nghiệm nhân sinh. Theo ý của câu văn trên, khi "cứ tiếp tục sử dụng các khái niệm và thuật ngữ cơ bản của khoa học này" tức là sử dụng tới kinh nghiệm của con người đã đúc rút, khái quát thành khoa học, thì sao có thể gọi là "tiên nghiệm" được? Tác giả đã đưa thuật ngữ triết học vào ngôn ngữ học, nhưng lại không hiểu được ý nghĩa của nó, quả là tai hại thay!

Trong cuốn sách "Âm tiết và loại hình ngôn ngữ", còn có thể trưng ra hàng chục câu khác viết chưa đúng ngữ pháp, văn phạm tiếng Việt. Nhưng vì khuôn khổ của một bài báo không cho phép, chúng tôi tạm dừng ở đây; hẹn có dịp thuận tiện, lại bàn tiếp, hoặc có thể bàn rộng ra nội dung cuốn sách, xem nhận thức luận và phương pháp luận tác giả dùng để tiếp cận những phạm trù ngôn ngữ học đãù thật sự khoa học hay chưa? Gần đây, Giáo sư Cao Xuân Hạo đã nhiều lần báo động sự xuống cấp của tiếng Việt trong không chỉ nói và viết, mà còn trong phương pháp nghiên cứu thiếu khoa học của chính giới ngôn ngữ học. Dù ngay cả ngành ngôn ngữ học đi nữa, muốn cứu tiếng mẹ đẻ khỏi suy thoái, trước hết phải viết đúng câu văn tiếng Việt đã, sau đó mới có thể bàn đến những phạm trù cao siêu.,.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Nghệ sĩ Thúy Minh diễn ngâm bài thơ VÁY CŨ:

*.

Sài Gòn, ngày 21-04-2002

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: 21/22 Xuân Thủy, phường Thảo Điền, 

quận 2, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Email: cokhicon@gmail.com

Điện thoại: 091 841 00 42

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com, ngày 20.04.2023.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét