TỪ DƯƠNG THU HƯƠNG, ĐẶNG TIẾN
NHÌN LẠI ‘HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC’
*
Không có bất kỳ cơ quan truyền thông chính thức
nào tại Việt Nam đề cập đến sự kiện - ngày 21/4/2023, Ban Giám khảo “Cino-Del-Duca”
công bố quyết định trao tặng giải năm nay cho bà Dương Thu Hương nhằm “tôn
vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc, truyền đi thông điệp
về chủ nghĩa nhân văn hiện đại” dẫu “Cino-Del-Duca” là một loại giải
thưởng quan trọng, chỉ sau giải Nobel về Văn học (1).
Tương tự, phần lớn cơ quan truyền thông chính
thức tại Việt Nam lờ đi sự kiện ông Đặng Tiến – một trong rất ít người dành gần
như trọn cuộc đời để nghiên cứu về văn học Việt Nam – đã qua đời tại Pháp hôm
17/4/2023. Một số cơ quan truyền thông như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ Nữ,...
trót loan tin này thì vội vàng đục bỏ. Theo vài nguồn thạo tin, lờ đi hay vội
vàng đục bỏ là vì có “lệnh” từ Bộ Thông tin – Truyền thông (2).
*
Khi còn trẻ, bà Dương Thu Hương tình
nguyện tham gia lực lượng Thanh niên xung phong để “giải phóng miền Nam,
thống nhất đất nước”. Bà gia nhập đảng Cộng sản Việt
Nam và là một trong những người đầu tiên được cử đi học Trường Viết văn
Nguyễn Du... Tuy nhiên chính quyền Việt Nam sớm thất vọng về bà vì nhiều tác
phẩm của bà (Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù,...) chỉ trích thể
chế chính trị tại Việt Nam.
Năm 1989, Dương Thu Hương bị khai trừ khỏi
đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1991 bà bị tống giam... Trong khi nhiều tác phẩm
của Dương Thu Hương được dịch sang các ngôn ngữ khác và phát hành rộng rãi bên
ngoài Việt Nam thì chúng bị cấm xuất bản tại Việt Nam. Bên ngoài Việt Nam,
Dương Thu Hương được chọn - trao một số giải thưởng đáng giá (Huân Chương Văn
hóa Nghệ thuật của Pháp – 1994, Giải do độc giả Tạp chí Elle bầu chọn – 2007)
nhưng tại Việt Nam thì bị cô lập, bị truy bức nên năm 2006, bà rời Việt Nam...
Khác với Dương Thu Hương, Đặng Tiến sinh
ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn và
bắt đầu nghiên cứu – viết phê bình văn học từ đầu thập niên 1960, sau đó sang
Pháp, trở thành Giảng viên về Việt học của Đại học Paris VII cho đến khi về hưu
(2005). Trong cuộc nội chiến ở Việt Nam, Đặng Tiến là người không giấu diếm
thiện cảm với miền Bắc Việt Nam. Đến cuối đời ông tham gia Văn đoàn Độc lập –
tổ chức bị cáo buộc chống chính quyền chỉ vì khước từ sự lãnh đạo của đảng.
Chỉ lược thuật ngắn gọn như thế về tiểu sử
bà Dương Thu Hương và ông Đặng Tiến có lẽ cũng đủ để thấy họ có đóng góp gì cho
văn hóa Việt Nam hay không. Thế thì tại sao hệ thống truyền thông chính thức
tại Việt Nam không dám – chính xác hơn là không giới thiệu, ghi nhận, thậm chí
có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy là chính quyền không cho phép cả tưởng niệm
khi họ qua đời?
*
Cuối năm 2021, Bộ Chính trị và Ban Bí thư
Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức “Hội nghị Văn hóa
Toàn quốc”. Hội nghị này được xem là một bước ngoặt về nhận thức của giới
lãnh đạo chính quyền Việt Nam sau khi Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 ra một
nghị quyết, nhấn mạnh và đề cao tầm quan trọng của văn hóa. Vào thời điểm đó,
ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ 1946 tới nay, đây là lần thứ hai đảng Cộng sản
Việt Nam tổ chức “Hội nghị Văn hóa Toàn quốc”.
Theo ông Trọng: Đảng Cộng sản Việt
Nam luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công
tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng
đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nền văn hoá mà
chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung
cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội (3).
Từ “Hội nghị Văn hóa Toàn quốc” lần
thứ hai đến nay đã hai năm, liệu “công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp
xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” có
khác gì so với “công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh
giải phóng dân tộc” mà ông Hồ Chí Minh khởi xướng hồi 1946 khi tổ chức
“Hội nghị Văn hóa Toàn quốc” lần thứ nhất?
Có! Tuy cách hành xử với những người không
tán thành chủ trương, đường lối của đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khắc nghiệt, tàn
bạo như trước và hai sự kiện vừa đề cập, một liên quan đến bà Dương Thu Hương,
một liên quan đến ông Đặng Tiến là hai ví dụ mới nhất, do thời thế rõ ràng đã
khác nên ngoại trừ nỗ lực triệt tiêu đối kháng và những cá nhân muốn độc lập về
nhận thức, đảng khuyến khích hệ thống truyền thông chính thức hướng công chúng
đến những mục tiêu mới hơn.
Ví dụ như báo chí cách mạng có thể thoải
mái xưng tụng những Maria Ozawa, Eimi Fukada,... – các diễn viên phim khiêu dâm
của Nhật – là... “Thánh nữ”. Sau khi báo chí cách mạng mở đường (4),
các trang tin điện tử có tên miền “.vn” – những website được chính quyền
cấp giấy phép và giám sát nội dung, còn bộ phận điều hành các trang tin này
luôn dựa vào “chủ trương, đường lối” để bảo đảm nội dung... “đúng
định hướng” - bắt đầu bám sát hoạt động của các... “Thánh nữ”.
Trên các kênh truyền thông tại Viẹt Nam,
chuyện ông Đặng Tiến mới qua đời hay bà Dương Thu Hương vừa được chọn trao giải
“Cino-Del-Duca” 2023 không đáng bận tâm bằng: Thánh nữ Mari
Ozawa vừa thông báo trên trang cá nhân của cô là cô mới check-in tại phố
đi bộ Hà Nội và tạo dáng tại một di tích lịch sử vào trưa 19/4/2023 (5).
Hay... Eimi Fukada vừa đến thành phố Hồ Chí Minh để tham dự Hobby
Horizon (diễn ra trong hai ngày 23 và 24/4/2024 tại Công viên Phần mềm Quang
Trung), dù giá vé rất chát (năm triệu đồng/vé) nhưng được dự đoán sẽ sớm hết vì
rất nhiều người hâm mộ muốn gặp gỡ, trò chuyện riêng tư với thần tượng (6)...
Cách nay hai năm, ở “Hội nghị Văn
hóa Toàn quốc” lần thứ hai, ông Trọng tuyên bố, đại loại: Dù theo
nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì đã nói đến văn hoá là nói đến những thứ là tinh
hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt
đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình,
tiến bộ. Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi
pháp, bỉ ổi... là vô văn hoá, phi văn hoá, phản văn hoá. Hạnh phúc của con
người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự
phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và
công bằng.
Gạt đi những Dương Thu Hương, Đặng
Tiến,... Để các kênh truyền thông xúm vào xưng tụng những Maria Ozawa, Eimi
Fukada,... là “Thánh nữ”, bám sát các... “Thánh nữ”, tường thuật
cặn kẽ từ chuyện... “Thánh nữ” này xem... đá banh, “Thánh nữ” kia
ăn... gỏi khô bò (6) là nỗ lực “hun đúc những giá trị tốt
đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình,
tiến bộ” của đảng, là nỗ lực “xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;
chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời
sống tinh thần của xã hội?
--------------
Chú thích
(1) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3gpvljy85po
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65204391
(4) https://thanhnien.vn/thanh-nu-maria-ozawa-ra-san-co-vu-tran-viet-nam-indonesia-185908153.htm
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:
Trần Chí Cường giới thiệu
Tác giả: Trân Văn Nguồn: VOA
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn:
internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét