MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

ĐỖ TRUNG QUÂN VÀ BÀI THƠ 'MẸ TA TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG' - Tác giả: Phạm Hiền Mây ; Đinh Hoàng Long giới thiệu

 


ĐỖ TRUNG QUÂN VÀ BÀI THƠ

MẸ TA TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG… !

 

Anh là tác giả của nhiều bài thơ hay. Không ít bài trong đó của anh đã được phổ nhạc. Tôi đồ chừng, người ta thuộc thơ anh, thuộc lời bài hát phổ từ thơ anh, nhiều hơn là biết về anh. Thuộc đến mức, có câu chuyện, mà chắc mai sau, sẽ trở thành giai thoại về anh quá, là thế này, đã từng có một nhân vật cao cấp trong chính phủ, tại hội nghị, ông đọc một lèo thơ anh, nhưng lại gắn vào đó tên ông Giang Nam, thì phải. Nghĩa là, yếu nhân đó, ổng chỉ thuộc mỗi thơ anh thôi, còn thì tất tật những cái khác, ổng chẳng thèm nhớ mà làm gì.

Tôi cũng thế, chỉ khác chút, tên anh, từ thuở bé tẹo tèo teo, tôi đã nghe. Và cũng từ cái thuở bé tẹo tèo teo ấy, tôi đã thuộc nằm lòng thơ anh, và ca suốt ngày, những bài hát được phổ từ thơ anh: Quê Hương, Phượng Hồng, Hương Tràm, Những Bông Hoa Trên Tuyến Lửa… .

Sau này, nhờ nhiều mối nhân duyên, tôi được trở thành đứa em thân thiết của anh. Tuy không gặp nhau thường xuyên, nhưng anh và tôi, vẫn “thăm” nhau đều trên trang facebook. Tôi còn được anh tặng tranh, cả vẽ tôi vào tranh nữa.

Những năm này, tôi cũng có nghe một, hai đồn đãi, kiểu như là, ông ấy đấy à, ông ấy kiêu lắm.

Tưởng gì. Các bạn ơi, bao dung giùm, chẳng phải mỗi mình anh ấy đâu. Cái kiêu ấy mà, kiểu coi trời bằng vung ấy mà, thì ông, bà, nghệ sĩ nào cũng đều có. Không nhiều thì ít.

Nhiều, thì cũng, ừ, ghét thiệt.

Nhưng, in ít, sương sương, thì, chẳng ai tránh khỏi. Vì cái tôi của họ lớn. Và cũng vì, đó là do trời đày đấy thôi.

Hầu hết, khi tiếp xúc, sẽ thấy họ vô cùng dễ mến. Họ hiền, mẫn cảm, nhiều lòng thương xót hơn hết thảy ai. Họ cũng dễ rơi nước mắt mỗi khi chạm phải những điều buồn, những cảnh đời buồn, và, những chuyện đáng để buồn.

Ảnh nằm trong số ấy, trong số những nghệ sĩ dễ thương.

Ảnh mà tôi muốn nói ở đây chính là nhà thơ Đỗ Trung Quân.

*

Bài thơ nào của ảnh cũng hay, bài thơ nào của ảnh cũng thiệt xuất sắc, nhưng chẳng hiểu sao, thích nhứt với tôi, vẫn là bài thơ này, bài thơ:

MẸ TA TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG… .

 

ngày xưa chào mẹ ta đi

mẹ ta thì khóc ta đi thì cười

mười năm rồi lại thêm mười

ta về ta khóc mẹ cười lạ không

 

ông ai thế? tôi chào ông!

mẹ ta trí nhớ về mông mênh rồi

ông có gặp thằng con tôi

hao hao tôi nhớ nó người như ông

 

mẹ ta trả nhớ về không

trả trăm năm lại bụi hồng rồi đi… .

 

09.2016

ĐỖ TRUNG QUÂN

Mười lần tôi đọc, đủ mười lần tôi nổi da gà, và đủ mười lần, sau đó, tôi rưng rưng, mắt ầng ậc nước.

Bài thơ viết theo thể sáu tám, mà sao tôi nghe, lạ lùng ghê, chẳng ê a kiểu lục bát chút nào. Không hiểu vì tài chữ của anh hay còn vì thuật phù thủy nào khác chăng, mà từng con chữ có nhân tính ấy, đã đánh động vào trái tim, khiến cho tôi, khi đọc lên, nghe giống như lời thầm thì, chuyện trò cùng mẹ, giây phút cuối cùng. Rằng, ở đời này, con từng có một người mà con gọi là mẹ, sinh con ra, nuôi con lớn, để rồi, sau bao năm con mải mê cơm áo gạo tiền ngoài kia, mải mê với những buồn vui của đường đời trôi nổi, đến khi, thân con mỏi, đến khi, bước con chùng, quay tìm về, thì không còn kịp nữa. Con không còn kịp giữ trí nhớ mẹ, không cả kịp giữ mẹ. Trên tay con, mẹ đi. Rời tay con, mẹ bỏ con đi.

Mẹ quên gì thì quên, lẫn gì thì lẫn, nhưng không quên mặt con sau mấy mươi năm mới quay về, không lẫn bàn tay con khi cầm, mái tóc con khi vuốt, da thịt con khi chạm vào. Mẹ quên gì thì quên, lẫn gì thì lẫn, nhưng không thể nào quên, không thể nào lẫn, một phần máu xương của mẹ, từ mẹ tách ra, ngày ấy, để thành con, bây giờ, trước mặt mẹ đây, người đàn ông:

hao hao tôi nhớ nó người như ông.

Muốn khóc ghê vậy đó. Mà khóc thiệt rồi chớ vậy đó gì nữa. Mẹ ấy mà, mẹ là mẹ luôn thương các con trai mẹ nhứt, chẳng ai bằng, chắc luôn. Các bà mẹ, với trái tim đau đáu, xót xa, trông đợi, luôn nhỉnh nhao phần nhiều cho các con trai hơn. Cũng chẳng hiểu vì sao, người ta bảo, ấy là do quy luật âm dương. Nhưng cũng chẳng cần phải hiểu. Bọn con gái của mẹ cũng chẳng khi nào ganh. Đều là máu mủ, đều là ruột thịt, có mất đi đâu mà ganh với tị.

Các ông bố thời xưa, vì chiến tranh, và cũng vì nhiều lẽ khác nữa, nên nhà thường vắng bóng. Hai vai, một bên là mẹ, một bên là cha, mẹ đảm đương cả hai, cực khổ muôn vàn, bút mực nào viết, bút mực nào tả, cho xuể. Thuở trẻ, công việc cuốn đi, nuôi con xong thì ẵm bồng cháu, chẳng còn thời gian nghỉ ngơi chớ nói gì nghĩ này nghĩ nọ. Già, năm tháng còn lại leo lét như bấc đèn dầu hao, thì lại mắc vào chứng lẫn, chứng quên. Quên quên nhớ nhớ, thương mẹ biết bao cho vừa, mẹ ơi.

ngày xưa chào mẹ ta đi

mẹ ta thì khóc ta đi thì cười

mười năm rồi lại thêm mười

ta về ta khóc mẹ cười lạ không

 

ông ai thế? tôi chào ông!

mẹ ta trí nhớ về mông mênh rồi

ông có gặp thằng con tôi

hao hao tôi nhớ nó người như ông

 

mẹ ta trả nhớ về không

trả trăm năm lại bụi hồng rồi đi… .

Mười năm rồi lại thêm mười, cứ thế mà đằng đẵng, cứ thế mà vò võ. Trẻ thì đằng đẵng chờ chồng, vò võ nuôi con. Con thành người, lại đằng đẵng chờ con, vò võ chăm cháu. Cuộc người thì xoay vần tiếp diễn, cứ thế, đi và về, cười và khóc.

Cứ thế, và ta chỉ làm được mỗi việc là chào mẹ. Chào mẹ bữa hôm ta đi. Chào mẹ cái hôm ta về.

Và, chào mẹ lần cuối cùng, khi trí nhớ mẹ buông, hồng trần mẹ bỏ.

Mẹ bỏ con rồi. Mẹ bỏ con thật rồi. Lần theo bụi đỏ, mẹ dần xa xôi.

Bỏ con lại, một mình, thật sao mẹ ơi:

mẹ ta trả nhớ về không

trả trăm năm lại bụi hồng rồi đi… .

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Quỳnh Nga0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ HỒN QUÊ:

Đinh Hoàng Long giới thiệu

Tác giả: Phạm Hiền Mây -

nguồn: facebook Phạm Hiền Mây

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét