MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2024

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN TRĂM NĂM NHÌN LẠI - Tác giả: Lam Hạnh ; Đinh Như Quang giới thiệu

 


TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

TRĂM NĂM NHÌN LẠI

 

Sự ra đời của Tự lực Văn đoàn và Thơ Mới đã tạo nên một trường phái, một phong trào cách tân văn học, đồng thời là một phong trào cách tân văn hóa, cải cách xã hội, đại diện cho khuynh hướng lãng mạn, sự phát triển theo hướng hiện đại hóa của văn học Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945.

Cùng với đó, văn đoàn này cũng sáng tạo ra hai nhân vật biếm họa độc đáo, trăm năm qua vẫn là “siêu sao” gồm: Lý Toét và Xã Xệ.

 

Dấu ấn dòng tiểu thuyết lãng mạn, luận đề

Dù chính thức ra mắt vào ngày 2/3/1934 nhưng Tự lực Văn đoàn được Nhất Linh khởi xướng từ năm 1932. Hiện vẫn còn những tranh cãi về danh sách các thành viên tham gia Tự lực Văn đoàn, tuy nhiên trong di cảo về Đời làm báo, Nhất Linh xác định văn đoàn có 7 “thất tinh” (7 ngôi sao) gồm: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Ðạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) và Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu).

Cơ quan ngôn luận chủ yếu của Tự lực Văn đoàn là hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay. Cùng với đó là Nhà xuất bản Đời Nay. Dù nhân lực ít nhưng Tự lực Văn đoàn đã làm công việc của hai cơ quan xuất bản: vừa làm báo vừa in sách của nhóm, lại cho in thuê kiếm lời.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, chưa có văn đoàn và nhóm tác giả nào được nghiên cứu, viết bài nhiều như Tự lực Văn đoàn. Những năm qua, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà phê bình cả hai miền Nam Bắc đã bỏ công sức tìm hiểu, đánh giá về phong trào văn học này trên nhiều chiều cạnh, giác độ khác nhau. Có nhiều công trình được nghiên cứu công phu.

Ví dụ như sau hơn 50 năm nghiền ngẫm và gần 30 năm thu thập, bổ sung tư liệu, năm 2007, Giáo sư Hà Minh Ðức mới cho ra mắt bạn đọc công trình khảo cứu về hiện tượng văn học kỳ thú và phức tạp nhất đầu thế kỷ XX: Tự lực Văn đoàn. Kết quả hàng trăm công trình nghiên cứu, bài viết, luận án, luận văn... đã ra đời làm rõ thêm những đóng góp và hạn chế của văn đàn.

Tự lực Văn đoàn xuất hiện vào lúc mà văn học Việt Nam vừa trải qua 30 năm đầu thế kỷ XX - những năm văn học mang tính chất giao thời, trong đó nền văn học dân tộc chuyển dần từ mô hình văn học Đông Á trung đại truyền thống sang mô hình văn học hiện đại, gần gũi với dạng thức của các nền văn học trong thế giới hiện đại.

Hệ thống thể loại của mô hình văn học cũ lấy văn - thơ - phú - lục làm cơ sở. Hệ thống thể loại của mô hình văn học mới dựa trên các thể: thơ, kịch nói, văn xuôi tiểu thuyết, tiểu luận phê bình. Chính hoạt động văn học của Tự lực Văn đoàn sẽ góp phần đẩy tới sự toàn thắng của mô hình văn học mới.

Dù có nhiều cách đánh giá khác nhau về trào lưu văn học này thì Tự lực Văn đoàn trước sau vẫn có vị trí là bước khởi đầu, là một trong những cơ sở quan trọng xây dựng lên lâu đài văn học Việt Nam hiện đại.

Trong Từ điển văn học (bộ mới), Giáo sư Nguyễn Huệ Chi khẳng định: “Trong lĩnh vực văn học, đóng góp của Tự lực Văn đoàn có vai trò đáng kể. Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam hiện đại thực sự hình thành và ghi được những thành tựu cơ bản nhất thông qua hoạt động của văn đoàn này. Phải bắt đầu từ đây, thơ và tiểu thuyết mới đi vào thế giới bên trong nhân vật, giúp người đọc khám phá trực diện vẻ đẹp của cái “tôi” và tạo ra cách đọc “phản tỉnh”, tức là nhìn sâu vào cõi lòng mình.

Về hình thức, tiểu thuyết của văn đoàn đã vượt ra khỏi phạm trù văn học “giao thời”, có cấu trúc mới mẻ, trong đó quy luật tâm lý thay cho lối trần thuật một giọng của người kể chuyện. Câu văn trong văn xuôi đã trở nên trong sáng, chuẩn mực, giàu khả năng biểu cảm tuy có lúc còn đơn điệu. Cùng với việc đào sâu tâm lý nhân vật, thiên nhiên cũng trở thành một đối tượng thẩm mỹ...”.

Nhất Linh - vị chủ soái của Tự lực Văn đoàn được khen là có con mắt tinh đời khi giao “nhiệm vụ” cho các thành viên của văn đoàn. Ông khuyến khích Khái Hưng chuyển từ lối viết luận thuyết trên các báo: Văn học tạp chí, Duy tân (dưới bút danh Bán Than) sang viết tiểu thuyết. Tú Mỡ được Nhất Linh gợi ý chuyên làm thơ trào phúng.

Trọng Lang được ông cổ vũ đi hẳn vào phóng sự, còn Thế Lữ dưới con mắt Nhất Linh phải là người mở đầu cho “Thơ Mới”... Sau này, mỗi thành viên của văn đoàn nghiễm nhiên đóng vai trò “ông tổ” của cái hình thức sáng tác mà Nhất Linh đã phó cho mình cầm trịch.

Không ai có thể tranh ngôi vị cây bút tiểu thuyết tài danh của Khái Hưng. Nói đến giọng thơ trào phúng sau Tú Xương, người ta phải kể đến Tú Mỡ. Thạch Lam nổi tiếng với những kiệt tác truyện ngắn trữ tình. Nhiều bạn bè, kể cả người trong gia đình đều nói sách Thạch Lam bán ế nhất nhưng văn của ông viết hay nhất trong Tự lực Văn đoàn. Thế Lữ được cả làng “Thơ Mới” thừa nhận là chủ soái thi đàn và Xuân Diệu - người tiếp bước Thế Lữ đem lại sự toàn thắng cho “Thơ Mới”.

Dù khi đó báo chí “trăm hoa đua nở” và văn giới đương thời có nhiều nhóm phái, người ta vẫn phải thừa nhận rằng Tự lực Văn đoàn có một uy tín nổi bật. Hầu như ít có nhà văn nào đương thời lại không một lần đưa đăng tác phẩm mình trên các ấn phẩm của Tự lực Văn đoàn. Dù bất đồng quan điểm nhưng Vũ Trọng Phụng đã từng in cuốn Cạm bẫy người ở Nhà xuất bản Đời Nay (1933).

Xung quanh Tự lực Văn đoàn dần dần tập hợp lại một loạt văn nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa. Đó là các nhà văn, nhà thơ Trọng Lang, Đoàn Phú Tứ, Trần Tiêu, Thanh Tịnh, Huy Cận...; là các hoạ sĩ: Nhất Sách, Trần Bình Lộc, Trần Quang Trân, Le Mur Nguyễn Cát Tường, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí...; các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp...

Trong tôn chỉ 10 điều của mình, ngoài mục đích tự lực, làm giàu thêm văn sản trong nước, thì Tự lực Văn đoàn chống lại những thói tục phong kiến lạc hậu, cổ vũ cho những tư tưởng xã hội tiến bộ, cổ vũ cho tự do cá nhân...

“Tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn” là tên gọi xác định về một thiên tiểu thuyết có luận đề, tức là một câu chuyện hư cấu với những nhân vật và cốt truyện hư cấu, nhằm thể hiện một hoặc một vài tư tưởng xã hội, nhân sinh của tác giả. So với truyện truyền kỳ, truyện Nôm, truyện chương hồi, thì đây là một cơ cấu nghệ thuật khác, được tạo dựng theo mô hình tiểu thuyết châu Âu, cụ thể là Pháp.

Các tiểu thuyết gia Tự lực Văn đoàn đã đem chất liệu đời sống Việt Nam, ngôn từ Việt Nam đan dệt, dân tộc hóa nó đi để nó có thể được tiếp nhận bởi công chúng Việt Nam và họ đã thành công trên hướng này.

Tính hiện đại của tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn được thể hiện ở sự đoạn tuyệt với những điển tích sáo ngữ, những câu văn biền ngẫu, những câu văn với lối ngữ pháp dài dòng trước đó để mở ra một loại hình câu văn xuôi mới, gọn gàng, giản dị, dễ hiểu và có khả năng diễn đạt những tư tưởng, tình cảm của con người.

Hồn bướm mơ tiên (1933), Nửa chừng xuân (1934), Tiêu Sơn tráng sĩ (1934), Gia đình (1936), Thoát ly (1937), Thừa tự (1938) của Khái Hưng; Đoạn tuyệt (1934), Lạnh lùng (1936), Đôi bạn (1937) của Nhất Linh; Con đường sáng (1938) của Hoàng Đạo... đã gây được dư luận về các vấn đề xã hội và văn học.

Tại Hội thảo Phong trào Thơ Mới và văn xuôi Tự lực Văn đoàn - 80 năm nhìn lại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Tá kết luận Tự lực Văn đoàn đã: “Hoàn tất quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc chỉ trong hơn một thập kỷ (1930-1945), đưa văn học nước ta từ quỹ đạo văn học trung đại hòa nhập chung dòng chảy của văn học thế giới hiện đại”.

 

Tiên phong trong phong trào Thơ Mới

Dòng văn học lãng mạn Việt Nam 1930-1945 gồm có Thơ Mới và văn xuôi lãng mạn. Ngày 10/3/1932, bài thơ Tình già của Phan Khôi ra mắt bạn đọc trên báo Phụ nữ Tân văn số 122 cùng với bài giới thiệu mang tên: Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ đã có tiếng vang mạnh mẽ, được xem là bài thơ mở đầu cho phong trào Thơ Mới.

Ngay sau đó, cuộc tranh luận giữa lối thơ mới và thơ cũ diễn ra vô cùng gay gắt. Mãi đến năm 1941, cuộc tranh chấp mới chấm dứt do sự thắng thế của lối thơ mới, khép lại mấy trăm năm thống lĩnh của thơ Đường. Một thời kỳ vàng son mới của văn học Việt Nam đã diễn ra với tên gọi quen thuộc là phong trào Thơ Mới.

Khi phong trào thơ mới nổ ra từ báo chí trong Nam rồi nhanh chóng lan ra báo chí ngoài Bắc và trở nên rầm rộ trên báo chí cả nước, Tự lực Văn đoàn đã nhập cuộc. Tờ Phong Hóa của nhóm đăng nhiều ý kiến bênh vực thơ mới, nhiều sáng tác thơ mới của Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Huy Thông...

Từ trong các thành viên Tự lực Văn đoàn xuất hiện những tác giả tiêu biểu của thơ mới, cũng đồng thời là những nhà thơ tiêu biểu của thơ Việt thế kỷ XX: Thế Lữ, Xuân Diệu, Tú Mỡ.

Khuynh hướng chung của thời kỳ Thơ Mới những năm 1932-1945 là khuynh hướng lãng mạn, là lý tưởng thẩm mỹ cái “tôi” của tác giả. Cảm hứng sáng tác “gắn liền với ý thức cá nhân”. Thơ Mới là thơ của cái “tôi”, một cái “tôi” chưa bao giờ được biết đến trong thơ cổ điển. Cái “tôi” bấy giờ không làm việc “tải đạo” nữa mà vượt lên những công thức ước lệ, khuôn khổ định sẵn.

Đến giai đoạn 1930-1945, với lớp nhà văn Tây học trẻ tuổi, cái “tôi” cá nhân mới thực sự được thể hiện sâu sắc. Chủ nghĩa lãng mạn do đó phát triển thành trào lưu rầm rộ với đầy đủ đặc trưng của nó trên các thể loại: thơ, truyện ngắn, bút ký, tùy bút.

Trong sự tác động của Tự lực Văn đoàn đến phong trào thơ mới, phải kể vai trò nổi bật của Thế Lữ. Dưới bút danh Lê Ta trên Phong Hóa và Ngày Nay, Thế Lữ thường xuyên điểm bình các sáng tác thơ đương thời, khuyến khích hoặc phê phán những tác giả, tác phẩm cụ thể.

Chính Thế Lữ đã giới thiệu, khẳng định tài năng thơ của Xuân Diệu. Tiếp đó Xuân Diệu giới thiệu với làng thơ khuôn mặt sáng tạo của người bạn thơ thân thiết của ông là Huy Cận. Huy Cận lại gây ảnh hưởng đến một số bạn học ở Huế, trong số đó có Tế Hanh...

Thuở ấy, Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là người làm cho người ta chú ý đến Thơ Mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy vào tương lai của Thơ Mới. Thế Lữ xuất hiện được Hoài Thanh đánh giá rất cao trong Thi nhân Việt Nam: “Ðộ ấy thơ mới vừa ra đời. Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam”. Thơ Thế Lữ tiêu biểu cho tiếng nói của cái tôi trong Thơ Mới thời kì đầu. Thế Lữ nói đúng cái tôi trong thơ mới khi kêu gọi yêu đi, yêu mãi bạn lòng ơi. Khi ấy, ông được Khái Hưng ca ngợi là Lamartine của Việt Nam”.

Từ 1935 đến 1945, nhà xuất bản Đời Nay của Tự lực Văn đoàn đứng tên cho in 8 tập thơ: Giòng nước ngược (1943) của Tú Mỡ, Mấy vần thơ của Thế Lữ (1935), Thơ thơ (1938) của Xuân Diệu, Lửa thiêng (1940) của Huy Cận, Mấy vần thơ (tập mới, 1941) của Thế Lữ, Bức tranh quê (1941) của Anh Thơ, Mây (1943) của Vũ Hoàng Chương, và Hoa niên (1945) của Tế Hanh. Danh mục này cho thấy sự tinh tường trong việc chọn in thơ của nhà Đời Nay, thường do Thế Lữ, Xuân Diệu, Thạch Lam đảm nhiệm.

Theo Thi nhân Việt Nam, trong thời kì 1936-1939, thời kì này xuất hiện nhà thơ Xuân Diệu trường hợp mới nhất trong các nhà thơ mới. Xuân Diệu xuất hiện chiếm hẳn dịa vị độc tôn trên thi đàn. Tiếng thơ của Xuân Diệu như luồng gió mát thổi tâm hồn trẻ: Xuân Diệu là nhà thơ đầu tiên của Việt Nam đã áp dụng thuyết hiện sinh vào thi ca.

 

Biếm họa Lý Toét và Xã Xệ

Tự lực Văn đoàn chủ trương cải cách xã hội, vận động hiện đại hóa đời sống xứ sở, tuyên truyền cho văn minh, cho đô thị hóa, Âu hóa. Họ dùng các loại hình nghệ thuật như văn, thơ, hí họa, ảnh thời sự, truyện cười... để đả phá tàn dư lạc hậu trong xã hội, thúc đẩy xây dựng đời sống mới. Họ luôn luôn tìm tòi sáng tạo nhiều nghệ thuật làm báo để hấp dẫn bạn đọc.

Trên báo Ngày Nay, các chuyên mục đã thực sự gây chú ý của bạn đọc như: Vấn đề thuộc địa, Người và việc, Trông và tìm... Ngoài ra còn các tiểu mục như: Xã giao, Phụ nữ, Trào phúng cười nửa miệng và Lượm lặt. Lại còn cả Điểm sách, Điểm thơ, Tin thơ.

Dí dỏm nhất là mục Tập tranh vân đẩu. Hoàng Đạo đã các bài viết ngắn, sắc lạnh mà hóm hỉnh, sâu cay, đả kích các nhân vật trong xã hội thượng lưu bấy giờ như nghị viên Ngô Trọng Trí, Phạm Kim Bảng, Bùi Trọng Ngà, Nguyễn Đình Cung, Tô Văn Lượng, cho đến ông Phủ Hàm, dân biểu Phạm Huy Lục đến các ký giả Bùi Xuân Học, Phạm Bá Khánh... Họ vừa quan liêu, hợm hĩnh, ba hoa, nịnh hót bề trên và thiếu nhân cách, lại lên mặt dạy đời.

Đặc biệt, Tự lực Văn đoàn đã sáng tạo ra bộ ba Bang Bạnh, Lý Toét và Xã Xệ. 3 nhân vật biếm họa thuộc giới chức dịch nhà quê đã làm mưa làm gió trên mặt báo hơn 10 năm trời. Những mẩu chuyện quanh họ đã biếm trích xã hội Đông Dương, không từ bất cứ đẳng cấp nào. Sau khi kết thúc trên mặt báo, hình tượng Lý Toét - Xã Xệ lại được tái hiện trong các loại hình sân khấu như chèo, tuồng, cải lương, thoại kịch, thậm chí đi vào thi phú. Biếm họa Lý Toét và Xã Xệ còn được đăng trên các trang bìa báo Pháp Indochine, George Pisier... và được chế thành nhạc hài Lý Toét.

Về hành trạng, Lý Toét (có tên như vậy là bởi mắt toét) là một ông lý trưởng cao gầy, búi tó củ hành, râu ria lởm chởm, mặt mày khắc khổ, mồm rộng tới mang tai, đầu đội khăn xếp, áo dài, tay luôn cầm ô, đôi giày chuyên cắp nách vì sợ mòn, đi đứng cứ lom khom vì tuổi tác hoặc vì ươn hèn. Toét ta thường cố làm vẻ đạo mạo, nhưng lại là kẻ vô cùng lém lỉnh, khi lỡm quan trên, lúc xỏ người dưới, đặc biệt rất thích chửi “ông Tây”, “thói Tây”.

Còn Xã Xệ lùn tịt, béo tròn, đầu trọc lốc như quả táo, với độc một sợi tóc, má phính, mỏ dẩu. Y là hạng người vô học rỗi nghề, ngây ngô, kệch cỡm nhưng thỉnh thoảng diện vest đàng hoàng, ưa làm sang như người Tây. Tuy chức danh có vẻ ngang hàng Lý Toét nhưng lại vô thực vì chỉ là mua cho oai với làng nước.

Bang Bạnh là nhân vật hiếm khi xuất hiện trên báo nhất, có thể vì đặc điểm kém hoạt kê và bị độc giả ghét nhất.

Về cha đẻ của hai nhân vật Lý Toét và Xã Xệ còn những nghi vấn tuy nhiên hình ảnh Lý Toét lúc đầu do Nhất Linh sáng tạo từ tháng 6/1931, khi chưa có Phong Hóa. Nhất Linh chính thức đưa Lý Toét lên Phong Hóa từ số 15 (phát hành ngày 29/9/32), được các họa sĩ đặc biệt là Nguyễn Gia Trí chấm phá thêm, trở thành một trong những nhân vật sáng chói của Tự lực Văn đoàn, biểu hiệu tất cả phong cách hài hước và bi đát trong hý họa của Phong Hóa, Ngày Nay.

Tranh không những ngộ nghĩnh về hình, mà phần lời cũng rất “đắt” và luôn gây nên cái cười bất ngờ cho nên ai cũng thích, xem một lần là nhớ ngay... Đó chính là sức sống mãnh liệt của Lý Toét - Xã Xệ. Như hình ảnh châm biếm sau, nhân dịp chính phủ Đông Dương bỏ ra 2 triệu bạc và phái ông De Beaumont đem tiền đi dự đấu xảo San Francisco, Lý Toét lấy ô kéo chân ông Tây lại, Xã Xệ đứng sau kéo áo Lý Toét: “Thôi! Ông đẹp giai và sang trọng thế, thì ông đi đấu xảo một mình cũng đủ chán rồi. Còn túi tiền ông để lại cho chúng tôi ăn gạo, chúng tôi đói lắm”.

Hay bức tranh hài hước thâm thúy, sâu xa: Ngày Tết, Lý Toét đem quà đến biếu quan Tây và nói: “Nghe nói biểu hiệu của mẫu quốc là con gà sống, nên chúng tôi đem đến tết cụ lớn con gà mái cho có đôi”.

Ở đây Nguyễn Gia Trí chơi chữ: Con gà sống ở xứ Gaule là một trong những biểu hiệu thiêng liêng của dân tộc Pháp. Còn con gái mái, đối với người Pháp có ngụ ý xấu là phụ nữ làm nghề mại dâm, gà móng đỏ. Lý Toét ngụ ý: “Mèo mả gà đồng”, mẫu quốc là con gà Tây, gà tồ, chỉ xứng với gái điếm. Vì xỏ xiên trực diện như thế nên báo Phong Hóa bị đóng cửa.

Hay những bức biếm họa đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự như: Lý Toét đứng trước đội binh vàng mã sắp đốt, nói với Xã Xệ: “Bác Xã ạ, ở âm phủ thì nước ta mạnh nhất, không nước nào bằng”.

Hoặc bức tranh Người Annam mình kinh doanh vẽ một chiếc xe khách loại 25 chỗ ngồi nhưng hành khách bị ấn vào mọi chỗ trong, trên nóc xe, chả khác gì hiện tượng các nhà xe nhồi khách hiện nay.

Sau có rất nhiều tờ báo khác khắp Bắc, Trung, Nam thoải mái bắt chước vẽ cặp bài trùng này, vì đơn giản có Lý Toét và Xã Xệ trên mặt báo thì báo bán chạy. Thậm chí, hai nhân vật biếm họa Lý Toét Xã Xệ từ mặt báo lại đi vào trào phúng dân gian. Đến nay, chưa có nhân vật biếm họa nào qua mặt được hai “siêu sao” này.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Thế thái nhân tình qua thơ Đặng Xuân Xuyếnl

- “Tưng tửng” 7 chuyện cùng Nguyễn Đăng Hànhl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl

- Vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

Đinh Như Quang giới thiệu

Tác giả: Lam Hạnh - Nguồn: phapluatvn

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét